Thứ Hai 25/11/2024 -- 25/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Dụng Công Tu Thiền - Phần 02: Chương 02 - Căn bản Dụng Công Tu Tập Thiền(01)

TT.Thích Tâm Hạnh

CHƯƠNG 2:

CĂN BẢN DỤNG CÔNG TU TẬP THIỀN

1.THIỀN LÀ GÌ?

 

 

 

1.1. Định nghĩa cơ bản.

Tiếng Phạn gọi là Thiền-na, Trung Hoa dịch là Tĩnh Lự. Nghĩa là làm lắng các tư tưởng, niệm lự xuống thì ngay đó là thiền.

Chữ Thiền-na là chỉ cho Thiền. Chữ tĩnh lự là chỉ cho định. Gộp hai nghĩa này lại, gọi là Thiền định. Ví dụ như lu nước chao động thì bị vẩn đục, gợn sóng lăn tăn, không thể soi bóng. Khi được để yên, lóng lại thì mặt nước phẳng lặng, trong trẻo, soi bóng rõ ràng.

Hơn nữa, chữ Thiền xưa kia dịch là tư duy, nay dịch là tĩnh lự. Theo nghĩa này, tư duy thuộc về quán, thuộc về tuệ; tĩnh lự thuộc về chỉ, thuộc về định. Do đây, Thiền còn có nghĩa là “Định tuệ gồm tu”.

 1.2. Nghĩa lý chuyên sâu.

 

a) Tâm lặng mà sáng biết.

Quốc sư Phù Vân khai thị vua Trần Thái Tông.

Khi vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử gặp Quốc sư Phù Vân (Thiền sư Viên Chứng). Quốc sư hỏi:

Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh núi rừng, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không?

Vua Trần Thái Tông nói:

Trẫm còn thơ ấu, sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không nơi nương tựa. Lại nghĩ, sự nghiệp đế vương đời trước, hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chẳng muốn tìm gì khác.

Quốc sư nói:

Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Tâm lặng mà sáng biết, đó là Phật thật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần đi tìm khổ nhọc bên ngoài.

Hằng ngày chúng ta sinh hoạt, làm nhiều công việc. Đêm về lắng lại thì liền nhận ra nhiều điều thiếu sót. Cho thấy, khi tâm lắng lại thì trí tuệ phát huy đúng mức của nó, ngay đó là thiền. Chỗ này Quốc sư Phù Vân chỉ thẳng, tâm lặng mà sáng biết, đó là Phật thật. Nếu ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không phải tìm cầu bên ngoài.

Qua đó, đúc kết lại: Tâm lặng mà sáng biết, đó là thiền; cũng chính là Phật thật, là bản tâm chân thật nơi mỗi chúng ta.

b) Đối cảnh vô tâm, tâm thiền hiển hiện.

Lục Tổ nói: “Ngoài lìa tướng là thiền. Trong chẳng loạn là định.”. Đi đứng nằm ngồi, ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, hành giả luôn thấy biết rõ ràng, suốt qua tất cả các cảnh, không dừng trụ trên bất kỳ một tướng trạng nào, ngay đó tâm thiền sáng rỡ đang hiển lộ. Bên trong vốn tự bình thường, không động, tâm ấy vốn đã tự tịnh tự định, chứ không đợi buộc niệm, chăn tâm.

Trong, không tâm để chăn giữ. Ngoài, không tướng để dừng trụ. Trong ngoài suốt thông, thấy biết như thị, vượt cả năng và sở, có và không. Ngay đó tâm vốn tự rỗng rang mà biết khắp. Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

... Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Nhận lại, hay ra của báu vốn sẵn nơi mình, chính là bản tâm chân thật của mỗi người. Tâm ấy tự vô (tự không), chứ không phải làm cho nó được không. Lúc này, nhìn bất cứ cảnh tượng gì, đối trước bất kỳ hoàn cảnh nào, ánh sáng giác ngộ hay sức sống thiền sẵn đó, bàng bạc, trùm khắp, không thiếu vắng bao giờ.

c)  Thiền là thiền.

Ly tứ cú, tuyệt bách phi, vượt lên trên nhị nguyên, ngay đó tâm thiền hiển hiện rõ ràng, sáng rỡ.

Thiền sư Tông Mật nói: “Chỉ chúng sanh mê chơn hiệp trần gọi là tán loạn, trái trần hiệp chơn gọi là thiền định. Nếu nói thẳng về bản tánh tức phi chơn phi vọng, không trái không hiệp, không định không loạn, gọi cái gì là thiền?”.

Chúng sanh loạn động (vọng) nên đi tìm thiền định (chơn). Tuy có đạt được, nhưng chưa rời hai tướng chơn và vọng cho nên vẫn chưa suốt tột tâm thiền. Thông thường hành giả đến tham học đều mang tâm trạng muốn dừng loạn động để mong đạt được an định. Thấy có một điều để đạt được là đã có chỗ cho căn thức phan duyên. Khi nghe các Thiền sư nói: “Không định, không loạn” liền giật phắt mình, không còn chỗ cho tình thức bám vào để sanh hiểu biết. Ngay đây khéo nhận thẳng, tâm thiền liền sống dậy, hiện bày. Vì vậy Thiền sư Tông Mật nói: “Nếu nói thẳng về bản tánh tức phi chơn phi vọng, không trái không hiệp, không định không loạn, gọi cái gì là thiền?”.

Đây là cách khai thị đặc biệt của Thiền sư. Đối mặt vạch bày, chỉ thẳng, đẩy vào, hành giả ngay đó thình lình nhận ra tâm thiền nơi chính mình, như mê chợt tỉnh, không qua ngôn ngữ. Do đó, thiền là thiền, không là gì cả.

1.3.Tóm lại.


Tâm thiền này ai ai cũng có, mọi người đang sống trên nó mà bỏ sót, lãng quên. Người mới thực tập, lắng tâm được phần nào thì cảm nhận được thiền tương ưng như thế. Tuy vậy, lúc này năng lực phát huy chưa đầy đủ, mới cảm nhận phần nào cho nên vẫn còn bị ngoại duyên chi phối. Hành giả siêng năng công phu miên mật, tỏ ngộ bản tâm. Tiếp tục sống và chuyên sâu, sẽ đạt đến triệt ngộ, chứng ngộ, mới phát huy đúng mức sức sống tâm thiền. Từ tâm thiền này sẽ đầy đủ định lực, tuệ lực, vô biên lực. Tự có đầy đủ năng lực, diệu dụng, không còn bị bất cứ gì chi phối. Các pháp vốn bình thường như thế. Lúc này như người nắm được hạt châu như ý vô tướng trong tay, làm bất cứ gì hay nói nín gì cũng phải, diệu dụng không thể nghĩ bàn. Do đây, tùy vào tính chất và diệu dụng của tâm thiền mà thiền có nhiều tên gọi hoặc định nghĩa khác nhau.

Không phải hiểu qua kiến giải chữ nghĩa; mà phân tích, nói rõ nhiều nghĩa qua nhiều tầng bậc từ cạn đến sâu như trên là bằng vào thực tiễn của công phu, để hướng cho hành giả tiến sâu dần, tột đến tâm thiền một cách rốt ráo.

 

2.  THIỀN CÓ NHIỀU NGHĨA LÝ NHƯ VẬY, HÀNH GIẢ SẼ TU HỌC THEO HƯỚNG NÀO?

Cho thấy, trên lý thuyết, thiền có rất nhiều tên gọi, định nghĩa và nghĩa lý khác nhau. Như vậy, hành giả sẽ tu học theo hướng nào?

2.1. Nếu học và tu theo tất cả.

Chư Phật thành đạo, từ đạo chân thật đã chứng nơi chính mình mà tùy thời, tùy cơ lưu xuất các pháp dẫn dắt chúng sanh trở lại chân trời giác ngộ. Chư Tổ chứng ngộ, từ tâm thể ấy ứng cơ, khai thị, khiến cho hành giả đương cơ ngộ nhập. Nếu học theo tất cả, chứng tỏ chính mình còn rỗng tuếch, do đó gom góp những điều bên ngoài về làm cái của mình, là trái với diệu chỉ của Phật Tổ. Chính mình không sáng, bám theo bên ngoài dù đó là pháp yếu của Phật Tổ thì học đạo cách này cũng chỉ mê tâm, không sáng tự tánh, trái với thâm ý mà Phật Tổ chỉ dạy, không khế được Thiền.

2.2. Nếu chọn lấy một pháp.

Nếu chọn lấy một pháp thì các pháp còn lại là gì? Không phải Thiền sao? Nếu thế thì ngoài tâm có pháp, trong khi chân lý thì không một pháp nào ngoài tâm; dó đó lý này không ổn.

2.3.   Bằng trí tuệ để xác định và tu học.

Xác định bản chất của Thiền.

Bằng vào trí tuệ, khoan vội theo bất cứ gì bên ngoài, trước tiên chúng ta xác định bản chất thực của vấn đề. Cụ thể ở đây, bỏ ngoài chữ nghĩa, lắng tâm lại, xác định và thấy rõ ra bản chất thật của Thiền là gì? Lúc này, hành giả dễ dàng nhận ra, Thiền là danh từ chỉ cho bản tâm chân thật rốt ráo nơi chúng ta, đang hiển hiện tại đây. Nơi mỗi người, ai ai cũng sẵn đủ như thế.

Vì sao Thiền có nhiều tên gọi và định nghĩa hoặc nghĩa lý khác nhau?

Tùy theo diệu dụng mà đặt tên, do đây Thiền có nhiều tên gọi khác nhau: Phật, Tâm, Đạo, Ông chủ, bản lai diện mục...

Lý do tiếp theo là tùy duyên để dựng lập. Đây là do yếu tố khế cơ. Tùy vào căn cơ và hoàn cảnh của địa phương sở tại mà dựng lập pháp Thiền.

Cuối cùng là tùy vào sở trường công phu của vị Thầy hướng dẫn. Tuy chân lý rốt ráo giác ngộ như nhau, không khác. Nhưng về mặt diệu dụng uyển chuyển phương tiện như vừa nêu trên, cho nên có nhiều pháp Thiền khác nhau.

- Hành giả nên tu theo pháp Thiền nào?

Theo bất kỳ những gì, dù đó là tướng của tâm đều là việc bên ngoài, không phải thật là Thiền. Hướng thẳng tự tánh (đó là bản chất của Thiền), không kẹt phương tiện, lộ trình (con đường) để ngộ tánh. Tu tập như thế là Tu Thiền Tối Thượng Thừa, chính là Thiền tông Việt Nam mà Hòa thượng Tông chủ hiện nay đã tiếp nối, phục hưng và hướng dẫn. (Sẽ nói rõ ở những chương sau).

3.  DỤNG CÔNG TU TẬP THIỀN.

3.1. Kiến tánh khởi tu (Y tánh khởi tu).

Chơn hay vọng, thiền định hay loạn động đều tại tâm mỗi người. Tâm vốn vô tướng, không có ô hộc, thứ lớp hay vách ngăn. Chỉ là niệm trước quên giác thì gọi là mê. Niệm sau tỉnh lại, sáng ra thì đó là giác. Giác hay mê chỉ trong một niệm. Nói là một niệm không phải có một niệm, mà ngầm chỉ giữa mê và giác không có khoảng cách hay phải trải qua một khoảng thời gian nào cả. Chỉ quên hay nhớ ra thôi. Hiệu ứng cho chúng ta dễ dàng phát hiện điểm tách giữa mê và giác chính là động hay không động, sanh diệt hoặc vô sanh. Nhận được thể tánh vô sanh, hành giả sẽ thấy ra rất rõ sự giác ngộ nơi mình. Ngay đây đã chia đường, rẽ lối, không còn nằm trong đường sanh tử nữa. Tổ Bá Trượng bảo Thiền sư Qui Sơn:

“Đây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói, muốn thấy Phật tánh, phải quán thời tiết nhân duyên. Thời tiết đã đến, như mê chợt ngộ, như quên chợt nhớ; mới tỉnh vật của mình không từ bên ngoài được”.

Thành Phật là viên thành quả vị vô sanh. Mà muốn đạt đến quả vị vô sanh thì phải từ nhân vô sanh, không thể bắt đầu từ nhân sanh diệt được. Nhân vô sanh ấy chính là tâm tánh không sanh diệt nơi chính mình. Vì vậy, khi hạ thủ công phu, ngưỡng căn bản đầu tiên hành giả cần đạt đến là kiến tánh, tỏ ngộ tự tánh vô sanh. Kế đến, sống thẳng bằng tự tánh vô sanh ấy là chân thật tu hành. Trong nhà thiền gọi là “Kiến tánh khởi tu” hay còn gọi là “Y tánh khởi tu”.

3.2. Ví dụ như cá hóa rồng.

Tâm tánh vốn vô sanh, không thuộc về vọng động sanh diệt, vì vậy nằm ngoài sự suy tính, không phải do tạo tác mà thành. Do đó, không thể do tu tập theo kiểu tạo tác mà được. Chẳng phải bày biện nhiều thứ, chỉ là dụng công đúng pháp, thẳng tắt nhất có thể. Học thông chánh pháp, nắm vững đường lối tu hành và quyết chí hạ thủ công phu miên mật. Học, tu, rèn luyện, mỗi mỗi đều nhắm thẳng đến tự tâm giác sáng. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi thì tánh này bất chợt bùng vỡ, hiện tiền.

Các Thiền sư thường ví việc tu thiền như cá hóa rồng. Khi còn là cá, có vẫy vùng đến đâu thì ướt vẫn là ướt, không thể ngoi lên khỏi mặt nước được. Một khi đã chuyển hóa thành rồng thì lên trời hay xuống nước tự tại. Tùy ý vào ướt, lên khô mà không còn lệ thuộc cố định là phải ướt hay khô gì nữa.

Cụ thể, hành giả không nên đi lòng vòng nhiều đường, gom vào mình quá nhiều thứ. Bằng con đường thẳng tắt nhất có thể để tiến tới Vũ Môn (nơi chia đường giữa mê và giác), dùng hết sức bình sinh quẫy một phát, thoát khỏi Vũ Môn, hóa rồng, liền được tự do tự tại. Tùy thời lên trời, xuống nước; hiện ướt, hiện khô để hóa độ chúng sanh mà chính mình không ở trong ướt, khô, trời hay nước.

4.  DỤNG CÔNG TU THIỀN.


4.1. Tu tập trong cảnh tịnh: Thực tập tọa thiền.

4.1.1. Sổ tức: Đếm hơi thở.

Khi mới thực tập thiền, do thân, tâm và hơi thở còn thô phù, loạn động cho nên hành giả cần phải thực tập phép sổ tức (đếm hơi thở) để thuần thục từ từ. Nhờ đếm hơi thở, thân tâm dần được nhẹ nhàng, khinh an. Sau này đi vào công phu chính sẽ được dễ dàng và thông suốt, không bị chướng ngại. Phương pháp này chỉ ứng dụng khi tọa thiền hoặc ngồi yên tĩnh; không áp dụng cho lúc vận hành, hoạt động hay sinh hoạt gì.

a)  Cách thực hành.

Khi đã ngồi ngay ngắn và đúng tư thế, hành giả hít sâu, thở sạch 3 lần để hơi thở được xả sạch và lưu thông. Cụ thể, hít vào thật sâu bằng mũi, há miệng và thở sạch ra bằng miệng. Hít thở 3 lần (3 hơi) như thế.

Kế đến, ngậm miệng lại, hít vào bằng mũi và thở ra cũng bằng mũi; nghĩa là hít thở bình thường. Hít vào bình thường, thở ra bình thường bằng mũi, đếm 1; hít vào thở ra đếm 2, hít thở bình thường như thế đếm 3, ... đếm đến 10 thì bỏ và bắt đầu đếm lại từ 1 cho đến 10. Trong khi đếm, nếu bị lộn hoặc quên số thì bỏ qua, bắt đầu đếm lại từ số 1. Trong suốt thời gian tọa thiền, chỉ có đếm số hơi thở như là máy móc, đơn điệu, không khởi tưởng làm thêm gì. Chỉ lưu ý là phải luôn tỉnh sáng và rõ biết; không theo niệm tưởng, không mê mờ.

b) Sổ tức thành công.

Khi ngồi cảm thấy trong người thanh thản, hơi thở nhẹ mà suốt thông, vọng tưởng thưa và bớt chi phối, tâm vui nhẹ nhưng sâu lắng, bàng bạc. Hơi thở và số đếm tự lưu thông, không lẫn lộn số đếm. Như vậy là đã có vốn, có nền tảng căn bản để tiến lên phương pháp tùy tức. Nếu thời khóa ngồi thiền ổn định và liên tục, không bỏ công phu thì giai đoạn này thực tập khoảng từ sáu tháng đến một năm. Nếu bỏ qua bước này, không thực hành sổ tức cho thật kỹ lưỡng, về sau sẽ bị các chướng ngại, trục trặc, tắc nghẽn... thì cũng phải đếm lại từ đầu để điều trị, nhưng khó hơn bây giờ. Do đó, nên thực hành đúng và thật tốt ngay từ đầu thì mọi chuyện sẽ tốt và thuận lợi cho công phu tu tập lâu dài.

4.1.2. Tùy tức: Biết rõ hơi thở.

Tuy sổ tức đã thành thục, nhưng tâm chưa thực sự thuần thục cho nên cần có thời gian thực hành phương pháp tùy tức để điều phục thân tâm.

a) Cách thực hành.

Hơi thở ngắn hay dài, đến đâu, hành giả nhận biết rõ ràng. Có hai phương cách. Tùy vào công phu của hành giả thuần thục đến đâu để áp dụng cho phù hợp thì sẽ được tiến bộ:

Tâm còn thô, hơi thở còn nặng nề, vọng tưởng còn nhiều:

Thực hành theo cách, hơi thở đến đâu, biết đến đó. Gần như là còn biết về, biết theo hơi thở, nhưng phải buông thư, không kềm, không đè nén hoặc bám trụ vào hơi thở. Nếu chằm chằm biết theo hơi thở đến mức gần như kềm, đè, trụ hoặc gắng gượng sẽ có tác dụng phụ như ran ngực, căng đầu...

Khi tâm đã an, thân tâm đều an ổn, nhẹ nhàng:

Khi tọa thiền, hơi thở nhẹ một cách tự nhiên, bình thường, không tác ý hay làm thêm gì. Hành giả chỉ an ngay chỗ đang thông suốt, tự sáng biết rõ ràng. Cùng một lúc biết hết tất cả một cách rành rẽ nhưng không động. Việc biết hơi thở lúc này cũng như thế. Như đứng trên lầu cao nhìn xuống, cùng lúc đồng thời thấy biết hết muôn vật. Lúc này chỉ thông suốt và biết rõ như thế chứ không cần biết về hay biết theo hơi thở nữa.

b) Tùy tức cho đến khi nào mới dừng?

Thông thường thực hành phương pháp tùy tức rất dễ khiến cho hành giả cảm thấy điềm nhiên, buồn ngủ (hôn trầm), vô ký... Do đó, chỉ ứng dụng phương pháp này trong một thời gian ngắn khoảng 3 – 6 tháng thì chuyển sang công phu chính là pháp Tri vọng (Biết vọng không theo).

Tóm lại.

Sổ tức và tùy tức là hai phương pháp vì người sơ cơ. Hai pháp này chú trọng vào điều thân và hơi thở nhiều hơn chứ chưa dụng tâm. Đồng thời, đây là hai phương pháp mang tính bổ trợ chứ không phải là công phu chính của Thiền tông. Khi chuyển qua Pháp Tri vọng mới bắt đầu đi vào công phu chính.

4.1.3. Tri vọng (Biết vọng không theo).

Thiền sinh sau thời gian trải qua quá trình điều thân, điều tức thuần thục, Hòa thượng Tông chủ (Thiền sư Thích Thanh Từ) mới chỉ dạy đi thẳng vào công phu tu tập thiền. Ngài nói: “Đây là phần trọng yếu của pháp tu ở các thiền viện. Tùy theo căn cơ của hành giả, đến đây có hai cách thực tập...”:

a)  Pháp tri vọng.

Hòa thượng Tông chủ dạy: “Tâm an nhiên, không duyên không trụ vào đâu, chỉ chăm chỉ với “cái biết”, tâm vọng khởi lên liền biết, không theo, vọng tự nhiên mất. Cứ theo dõi quá trình sinh diệt của vọng tưởng. Sau nhiều năm tháng vọng sẽ thưa dần, còn “cái biết” ngày một thường trực, không thiếu không vắng”.

Đây là phương pháp dụng công tu tập nhắm đến điều phục tâm. Nhưng nhắm thẳng đến bản tâm, hướng đến “Tánh tri vọng”, chứ không an trú, không chấp vào pháp tri vọng này để lấy làm công phu chính.

Có tri vọng, không theo vọng, là đang tu. Nhưng không chấp vào công phu cho nên coi như không tu gì cả. Đây là “tu mà không tu”. Đồng thời, không an trụ, không dừng ở công phu, do đó như là không tu. Nhưng vẫn lặng sáng, biết rõ vọng tưởng và không theo thì vẫn đang công phu tu tập. Đây là “không tu mà tu”. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”, mới thực sự là tu, mới đạt đến “Chân thật tu hành”.

b) Tánh tri vọng.

Hòa thượng Tông chủ dạy: “Đến đây, hành giả biết vọng tâm và chân tâm chỉ là hai mặt của một thực thể, như sóng biển và nước biển đều là nước. Đây là lúc ‘thấy dấu biết trâu’ hay ‘kiến sắc minh tâm’. Tu trong giai đoạn này không căng thẳng mà luôn khéo tỉnh sáng, nhẹ nhàng bảo nhậm công phu... cho đến lúc không còn một niệm thì tâm thênh thang và còn mãi”.

Lúc này vọng tưởng đã yếu, thưa và lặng, chỉ còn bản tánh tự sáng biết. Không cần phải khởi biết mà tự biết. Không cần biết theo, biết về vọng tưởng. Chỉ là không mê thì toàn thể đang tự sáng biết. Có vọng niệm hay không có vọng niệm, mình vẫn đang sáng biết rõ ràng mà không động. Hằng sống bằng bản tâm lóng lặng mà sáng biết như thế thì công phu sẽ đắc lực.

Sống bằng tâm lặng mà sáng biết, là đang tu. Nhưng không khởi tâm tạo tác hay làm gì cả, thì như là không tu. Đồng thời, công phu đến đây rồi chỉ là không mê thì đang sáng, thảnh thơi, như là không làm gì cả, do đó giống như là không tu. Tuy nhiên, tâm vẫn lặng sáng, hiện tiền cho nên cũng là đang tu. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”; đây là công phu tu tập mà không chấp dụng công, dụng nhưng không có chỗ dụng, đạt đến vô tướng, vô tác, vô trụ như thế mới đắc lực, mới đạt đến “Chân thật tu hành”. Nhị Tổ Pháp Loa dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền thượng thừa”. Cho thấy, dụng công “Tri vọng” như vừa nêu trên là đúng nguyên lý dụng công tu tập Thiền Tối Thượng Thừa mà Nhị Tổ Pháp Loa đã dạy.

Biết vọng thế nào thì “Biết vẫn còn là vọng giác”?Biết vọng thế nào thì “ngay biết là trí tuệ”?

Luận Tọa Thiền, Thiền sư Đại Giác nói: “Thấy sắc, nghe thanh, ngửi hương, cảm xúc, biết pháp là đức dụng của sáu căn. Nương cảnh giới này mà phân thiện ác, biện tà chánh là trí tuệ. Do nhơn nơi đức dụng sáu căn mà lập nhân ngã, sinh thương ghét thảy đều là vọng kiến”.

Cho thấy, ngay thấy biết rõ ràng, chưa khởi thêm gì thì đó là đức dụng của sáu căn. Bởi trong đã sẵn trí thể, ứng ra sáu căn thành đức dụng. Khi thấy nghe hiểu biết, không thèm khởi mà vẫn rõ biết xanh vàng đỏ trắng, thiện ác, phải quấy… Đó là trí tuệ. Lúc này sẽ nhận ra, không nhất thiết phải khởi tâm, sanh tâm mới biết. Chúng sanh đang ở trên thể tánh chính mình, nhưng do khởi tâm cho nên bỏ sót, bị mê, rơi vào loạn động sanh diệt, chịu biết bao khổ não. Hành giả khéo tu hành, chỉ lặng sáng, tự biết khắp thì sống bằng tâm thể thênh thang không ngằn mé.

Như vậy, khi biết vọng, nếu không khởi mà tự sáng biết; đó là cái biết của trí tuệ chân thật. Nếu khởi biết để biết, thì cái biết đó bị rơi vào, biến thành vọng giác. Trong trường hợp này, khi vọng lặng, hành giả buông luôn cái biết vọng giác ấy thì tâm thể thênh thang tự sáng biết rõ ràng.

Điều đặc biệt hơn: “Ngay khi đang có vọng, tánh này không thiếu vắng”. Nếu bảo thiếu vắng, không tánh này thì ai đang biết vọng?Nếu cho rằng “Cái biết vọng đó vẫn còn là vọng giác”, đó là do hành giả tự khởi biết để biết. Nếu không khởi, nhưng tự sáng biết thì “Biết là trí tuệ; là tánh này đang sáng biết”. Nếu ngay đây chưa phải là trí tuệ thì cái gì là trí tuệ chân thật, hãy chỉ ra xem! Nếu có một thứ để chỉ ra thì buông xuống luôn đi, đừng khởi thêm nữa, nhưng không mê thì vốn tự sáng biết trùm khắp, ngay đó là trí tuệ chân thật; là tánh này hiện tiền. Cũng đồng với cái sáng biết không thèm khởi ngay từ ban đầu thôi, đâu có gì khác?

Nếu hành giả lanh lợi, ngay khi đang vọng, khéo nhận lại tánh này thì vọng tự vô giá trị, không quan tâm đến còn vọng hay hết vọng. Công phu này đắc lực, khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh này bừng sáng, vọng tự dứt bặt.

4.1.4. Biết là chân tâm.

Hòa thượng Tông chủ chỉ dạy pháp tu thiền biết có chân tâm qua ba phần. Phần 1: Quy sáu căn về chân tâm. Phần 2: Nhận ra chân tâm. Phần 3: Thể nhập chân tâm. Theo tôn ý của Hòa thượng chỉ dạy, tựu trung công phu qua hai giai đoạn.

a) Thực hành pháp biết có chân tâm (Phần 1: Quy sáu căn về chân tâm).

Bằng tâm trong lặng sáng biết, hành giả nhận ra rõ ràng, mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm… Ý biết pháp trần là chân tâm.[1] Hòa Thượng khẳng định ngay mọi thứ đối diện, chúng ta đang lặng sáng, thấy biết rõ ràng mà không động, mỗi mỗi thấy, nghe, biết..., chân tâm đang hiển hiện rõ ràng. Không phải biết về, biết theo sáu trần.

b) Đã thuần thục,chân tâm hiện tiền (Gồm phần 2: Nhận ra chân tâm và phần 3: Thể nhập chân tâm).

Hòa thượng Tông chủ dạy: Khi đã thuần thục, cái biết chân tâm luôn hiện tiền thì chuyển qua giai đoạn “thể nhập chân tâm”. Đến đây hành giả thể nhận rõ chân tâm: “Vốn tự không động, thường biết rõ ràng mà không cần khởi niệm phân biệt. Thênh thang còn mãi, vốn tự như vậy”.

c) Là tu thiền tối thượng thừa.

Giai đoạn 1: Thực hành pháp biết có chân tâm.

Trong các oai nghi đi đứng nằm ngồi, hành giả luôn giác sáng, khéo nhận rõ ngay thấy biết, chân tâm đang hiện tiền sẵn đó. Vì sống bằng cái thấy biết chân tâm, cho nên đang tu. Nhưng không làm gì thêm cả, do đó như là không tu. Đây là “Tu mà không tu”.

Giai đoạn 2: Đã thuần thục, chân tâm hiện tiền.

Khi công phu thuần thục, thể nhập chân tâm, hành giả hằng sống bằng chân tâm hiện tiền chứ không làm thêm gì cả, do đó như là không tu. Nhưng không một vết mê, hằng giác sáng, rạng ngời, cho nên vẫn là đang tu. Đây là “Không tu mà tu”.

Hành giả ứng dụng công phu tu tập như thế. “Không chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng”; là “tu trong vô tu”, quên đi sở đắc, xóa sạch dấu vết bản ngã, mới chân thật biết cách hạ thủ công phu khế hợp với Thiền Tông Tối Thượng Thừa, là pháp thiền của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam xuyên suốt từ xưa đến nay (như đã nói tại Pháp tri vọng).

d) Ngay công phu tri vọng nhận ra chân tâm.

Hòa thượng Tông chủ nói: “Từ công phu theo dõi hơi thở (tùy tức), hành giả tiến lên buông theo dõi hơi thở, tâm an định. Bấy giờ hành giả luôn tự nhắc ‘Ý biết pháp trần là chân tâm.[2] Cho thấy, Ngàikhông đề cập đến việc hành giả phải thực hành Pháp Tri Vọng trước, kế đến mới ứng dụng Pháp Tu Thiền Biết Có Chân Tâm sau. Do đó, tùy vào căn cơ của mỗi hành giả, tự xét xem công phu của mình đã thuần thục hay chưa để khéo áp dụng. Ở đây, ngay công phu Tri Vọng, khéo dụng công, chúng ta sẽ khéo nhận chân và sống bằng chân tâm.

Tự hỏi, ngay khi biết vọng, chúng ta đang tự sáng biết, hay biết theo, biết về vọng tưởng? Nếu biết theo, biết về vọng tưởng là đã bỏ sót chính mình mà lao ra bên ngoài, là quên mình theo vật (vọng tưởng). Nếu đang tự sáng biết rõ ràng, không biết theo, không lờ qua, không mặc kệ ; khi ấy, thấy biết tự lưu thông. Ngay đó, thấy biết chỉ là thấy biết, ngay biết đã sẵn chân tâm, là chân tâm tự sáng biết: “Biết là chân tâm”. Sống như thế cho đến khi thuần thục, công phu đắc lực thì chân tâm luôn hiện tiền. (Xem thêm bài “Biết có chân tâm” bên dưới).

e) Nhận chân đúng chân tâm.

Chân tâm là có tướng hay vô tướng?

Chân tâm vô tướng, trùm khắp, không nơi nào thiếu vắng.

Chân tâm là sanh diệt hay vô sanh?

Chân tâm không sanh, không diệt.

Chúng ta có biết được chân tâm hay không?

Nếu biết được thì chân tâm đã trở thành đối tượng bị biết, ngoài mình, không phải chân tâm. Nếu vậy thì “Chân tâm là biết hay không biết?”.

Chân tâm là biết hay không biết?

Chân tâm không thuộc về “Biết cùng chẳng biết”. Nói chân tâm là biết thì rơi vào vọng giác; không biết là vô ký. Không bàn biết về chân tâm, không luận chân tâm là biết hay không biết mà phải khéo nhận lại, liền suốt thông, tỏ rõ. Cụ thể ngay đây, nếu hay mất hút các tướng, không một vết mê thì lúc này tâm vốn tự sáng biết, trùm khắp. Bởi muốn không biết cũng không được. Ngay đó, chân tâm hiện tiền. Hành giả khéo thể nhận thì vốn tự sáng biết rõ ràng, không nghi ngờ. Người đứng bên ngoài không thể suy lường nghĩ tưởng đến được.

Chỉ khéo thầm nhận.

Thiền sử Việt Nam ghi lại giai thoại, Trưởng Lão Định Hương hỏi Thầy mình là Thiền sư Đa Bảo: - Làm sao thấy được chân tâm?

Thiền sư Đa Bảo đáp: - Là ngươi tự nhọc.

Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, thưa: - Tất cả đều như vậy, đâu phải riêng con!

Chân tâm ngay chính nơi mình, chỉ khéo thầm nhận, thầm khế hợp, mới hay ra đã sẵn đủ lâu lắm rồi, ai cũng vậy. Nếu đi tìm hỏi bên ngoài, mong được thấy thì vô tình đã biến chân tâm thành tướng sở duyên, bị mình nhận hiểu và tìm thấy, là đã vụng về trong tâm kia, chỉ là tự nhọc, không thể được.

Không nhận lầm trên cảnh.

Công phu thuần thục, sáng ra, hành giả tự có kế sống sáng biết rạng ngời. Trong không trụ căn bản, không thấy có chơn tâm để gìn giữ. Ngoài suốt qua tất cả, không dừng trụ vào bất cứ đâu; không giữ lấy hay trừ dẹp bất cứ gì. Trong ngoài suốt thông, bặt luôn cái thấy trong ngoài, không một vết mê thì chân tâm tự sáng biết, trùm khắp. Chân tâm trùm khắp tất cả mà không nằm ở tại tất cả hay ở vào bất kỳ một nơi nào đó. Sống như vậy sẽ không bị sai lầm thầm thầm nhận lầm trên cảnh.

Thiền sư Bảo Triệt Ma Cốc đang quạt, có vị tăng hỏi:

-  Tánh gió thường trụ, không chỗ nào chẳng khắp, vì sao Hòa thượng lại quạt?

Sư đáp:

-  Ông chỉ biết tánh gió thường trụ, mà chẳng biết không chỗ nào chẳng khắp.

-  Làm sao biết lý không chỗ nào chẳng khắp?

Sư liền phẩy quạt!

Ngay phẩy quạt, không có sao! Vị Tăng này chỉ nhận chỗ lặng yên, thường trụ, không chỗ nào chẳng khắp, mà không khéo thấy ra, ngay phẩy quạt cũng không thiếu. Đã là thường trụ thì không cần quạt, ngay đó tánh gió đã sẵn. Nếu vậy, có quạt cũng đâu có khác, có thiếu vắng hay ngăn ngại gì đâu mà phải hỏi. Nhận trên chỗ để sẵn vậy, còn chỗ quạt thì không; hoặc thầm thầm còn thấy có chỗ để nhận, ngầm nhận đây có kia không, vẫn còn một lớp mê vi tế.

Đã là thênh thang trùm khắp, không nơi nào thiếu vắng, ngồi yên bặt dấu vết, chân tâm hiện bày. Vậy thì tới lui làm việc, thiếu vắng chân tâm hay sao! Một đôi khi hành giả chỉ khéo biết chân tâm luôn hiện tiền, trùm khắp, mà chưa sáng tỏ không chỗ nào chẳng khắp. Đã sáng tánh này thì nhúc nhích chỉ là y. Ngồi yên bặt dấu vết hay thị hiện vô vàn sai biệt cũng chỉ y. Làm gì mà không phải nó!

Dè dặt, đừng nhận lầm trên tướng quạt, tướng tới lui… Chỉ là vắng bặt, sáng rỡ, không vết mê thì tâm ta vốn tự sáng biết vượt thoát tất cả. Tâm cảnh nhất như. Căn và cảnh, có và không, đều không đến kịp. Không động nhưng linh thông đến chủ động. Tùy hiện không, có, đến, đi một cách tự tại, không ngăn ngại. Đến điền địa này, hành giả khéo léo, chính chắn, bặt đi cái thấy biết thầm thầm bên trong cho rằng: “Có một chân tâm như thế nào đó, ở đâu đó” thì các mê lầm tự dứt, nơi nơi đều hiện bày tâm này, không thiếu vắng bao giờ.

Chân tâm trùm khắp, biết khắp.

Nói là chân tâm trùm khắp, biết khắp, vậy thì có biết cách xa ngàn dặm, mọi người đang làm gì không?

Đó là tìm cảnh cách xa ngàn dặm để biết, đợi có cảnh mới biết và biết là biết về cảnh đó. Đây là cái biết phan duyên của tình thức mê mờ, phân biệt. Thấy có mình biết, biết là phải biết về hoàn cảnh nào đó, là cái thấy biết phân hai của năng và sở, cái thấy biết vin theo cảnh. Vừa khởi tâm tìm thấy biết như vậy là chân tâm đã bị che khuất, không thể nhận ra.

Chân tâm trùm khắp tất cả chỗ, nhưng không phải ở tại tất cả chỗ. Nghĩa trùm khắp này không phải có cái gì đó trùm khắp như hư không, mà là khéo mất hút sạch, không còn dấu vết, nhưng không một vết mê thì thấy nghe liền sáng biết, không có khoảng cách không gian và thời gian để ý thức chen vào suy nghĩ phân biệt. Linh thông đến chủ động nhưng vẫn bất động. Thấy liền biết, không một vết mê, không che dấu được, gọi là trùm khắp. Thiền sư Huyền Giác nói: “Phân biệt chẳng phải ý”. Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng bảo: “Dối y một điểm cũng chẳng được”.

Tổ đức dạy: “Nhận được trí tuệ Kim Cang rồi thì mọi việc đều vô ngại, pháp pháp thảy đều thông, việc làm tầm thường hàng ngày là Phật pháp, đi đứng nằm ngồi cũng là Phật pháp, bình thường tâm càng không ngoài Phật pháp. Thần thông diệu dụng vô thượng đã là Phật pháp thì vui cười giận trách thảy đều là phương tiện thiện xảo, cũng không ngoài Phật pháp. Nếu chưa tỏ ngộ trí tuệ Kim Cang, dù có thần thông dời núi lấp biển cũng chỉ là tà thuật của yêu ma ngoại đạo”.Ngộ chân tâm rồi thì hiện nay có gì che dấu được đâu mà phải đi tìm biết? Nếu chưa như thế, dù có biết được tất cả các cõi nước trong tam thiên đại thiên thế giới cũng chỉ là việc bên ngoài. Biết như thế không ăn thua gì! Bởi vẫn còn nằm nguyên trong sanh tử, chưa có chút hơi hám, khổ vẫn hoàn khổ, lấy gì cứu mình?

4.2. Dụng công tu tập trên cảnh động, trong sinh hoạt hằng ngày.

Ngoài những thời ngồi thiền ra, để công phu được liên tục, không bị gián đoạn thì trong khi đi, đứng, làm việc... hành giả cần khéo léo vận dụng công phu trên mọi sinh hoạt.

4.2.1.  Bước đầu chưa thuần thục.

Bước đầu mới thực tập thiền, chưa thuần thục thì hành giả cần tỉnh giác, không lo ra, không bất giác, thất niệm. Thân ở đâu thì tâm ở đó, làm việc gì chỉ biết việc ấy, không phóng tâm nghĩ ngợi lung tung, biết rõ chân tâm đang hiện tiền.

4.2.2. Khi đã thuần thục.

Khi tương đối thuần thục, trên mọi sinh hoạt, chỉ cần không mê thì toàn thể đang giác sáng, thênh thang trùm khắp. Nói nín, động tĩnh đều từ chân tâm mà hiện bày. Không cần chăm chú trụ tâm, chăn giữ tâm hay nhìn tâm mình nữa. Bởi tất cả đều từ tâm, đều chính là tâm này rồi.



[1] Trang 729, Thanh Từ Toàn Tập, Tập 37.

[2] Trang 721… Thanh Từ Toàn Tập, Tập 37.

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1203081
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1587
2336
3923
1175483
88084
118095
1203081