Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kiến Phật liễu sanh tử

Thầy Tâm Hạnh giảng.

Như quý vị biết, tất cả chúng sanh còn ở trong khổ, chưa thoát được khổ là vì chưa thoát ra khỏi vòng sanh tử, còn bị cái khổ lớn của sanh tử chi phối, trói buộc. Khổ của sanh tử là cái khổ lớn nhất, từ đó kéo theo những cái khổ khác có ra. Vì vậy, muốn vượt thoát hết tất cả các nỗi khổ khác thì phải nhắm ngay cái gốc, đó là phải thoát ra khỏi cái khổ lớn của sanh tử. Khổ lớn sanh tử đã thoát thì bao nhiêu cái khổ khác không còn. Cho nên những vị tu hành miên mật thường khắc trên trán câu “Sanh tử sự đại”, có nghĩa là sanh tử là việc lớn, cần giải quyết cho xong. Chúng ta đi chùa, cũng như quý Thầy, quý cô đi tu, mục đích cũng chỉ là để giải thoát khỏi cái khổ lớn sanh tử. Vậy muốn thoát khỏi cái khổ lớn đó thì phải làm sao? Trong Kinh chúng ta tụng niệm thường có câu: “Kiến Phật liễu sanh tử”, tức là thấy được Phật thì vượt qua hết sanh tử, đó là mục đích chính của việc tu hành. Thoát được sanh tử thì mình được giải thoát, được an nhiên, tự tại mà không còn bị các khổ khác chi phối. Cho nên đề tài nói chuyện hôm nay là “Kiến Phật liễu sanh tử”.

1. Giải thích ý nghĩa câu KIẾN PHẬT LIỄU SANH TỬ:

Câu này chúng ta thường thuộc lòng hoặc đọc tụng hàng ngày, nhưng có bao giờ quý vị tự hỏi lại mình “Kiến Phật liễu sanh tử” là gì không? Nếu một câu này mà thông được thì hết khổ, còn chúng ta tụng rất nhiều mà đến giờ vẫn còn khổ thì chứng tỏ rằng chưa thông được câu này. Chư Tổ dạy: “Tụng kinh nhiều nhưng chỉ ngay một câu mà thông nghĩa lý, thâm nhập và sống được thì có lợi hơn là tụng nhiều mà không hiểu”. Chư Tổ cũng ví dụ giống như biển cả tuy nhiều, nhưng chỉ cần nếm được một giọt nước thì sẽ biết được tất cả vị của trăm dòng. Cũng vậy, tụng kinh nhiều là tốt, nhưng nếu ngay một câu mà thâm nhập được thì mình mới có lợi ích thiết thực.

Đầu tiên, muốn đi vào nghĩa lý thì trước phải hiểu nghĩa của câu đó. “Kiến Phật” nghĩa nôm na nhất là thấy Phật, còn “liễu sanh tử” là tỏ rõ bản chất thực của sanh tử và vượt qua khỏi sanh tử, không còn bị sanh tử chi phối. Nói cho đầy đủ thì “liễu sanh tử” bao gồm liễu sanh và liễu thoát, cho nên mình hay nghe câu “liễu sanh, thoát tử”. Liễu sanh tức là ngay lúc đang còn sống trong cuộc đời này mà vượt lên trên tất cả, không còn bị hoàn cảnh của cuộc đời chi phối, làm khổ. Liễu thoát là khi chết được an nhiên, giải thoát, không còn bị cái chết làm khổ, không còn bị trói buộc trong vòng sanh tử của tam giới nữa. Người được liễu thoát thì tùy duyên phát nguyện vào đời hóa độ chúng sanh, làm tròn bản nguyện của mình để thành tựu quả vị Phật, không có gì trói buộc hay ngăn ngại. Như vậy, chúng ta tu hành muốn vượt thoát khỏi vòng sanh tử, không còn bị sanh tử chi phối thì Đức Phật dạy chúng ta phải “kiến Phật”, chỉ có gặp Phật, thấy Phật thì mới có khả năng liễu sanh thoát tử. Đó là giải thích về nghĩa lý.

2. Phân tích câu KIẾN PHẬT LIỄU SANH TỬ:

2a. PHẬT CÒN TẠI THẾ:

Vậy chúng ta phải thấy Phật như thế nào? Chúng ta đọc trong kinh sử, vào thời Đức Phật còn tại thế, có những vị túc duyên đầy đủ, khi vừa gặp Phật liền chứng quả và giải thoát sanh tử ngay tại chỗ. Rồi có những trường hợp gặp Phật, xuất gia, nghe pháp, tu hành, chứng quả và cũng giải thoát sanh tử. Nhưng cũng có không ít người gặp Phật mà không liễu sanh thoát tử. Quý thầy kể ra một số trường hợp cụ thể để quý vị thấy:

Trưởng giả Cấp Cô Độc là một người rất kính tin Tam Bảo và là một trong những đại thí chủ thời Đức Phật. Trong nhà ông có một bà giúp việc, bà này rất trung thành với chủ, làm việc rất tận tụy, nhiệt tình. Trưởng giả Cấp Cô Độc tin tưởng nên bao nhiêu của cải, vàng bạc, tài sản đều giao cho bà cất giữ chìa khóa. Trưởng giả hay đem tiền của bố thí cho người nghèo và cúng dường Đức Phật và chư Tăng, người mà ông kính trọng nhất. Mỗi lần Đức Phật đến đều có rất đông đệ tử đi theo, phải tốn kém nhiều nên bà già tiếc, càng tiếc nên càng ghét Đức Phật. Qua nhiều lần chịu hết nổi, bà tuyên bố không muốn gặp Đức Phật, không muốn nghe pháp của Đức Phật, không muốn gặp các vị Tỳ kheo. Chuyện này đồn tới tai Mạt Lợi phu nhân, một người cũng rất kính tin Tam Bảo. Mạt Lợi phu nhân muốn tìm cách để khuyến hóa và cứu bà khỏi tội phỉ báng Tam Bảo, bèn đề nghị ông Cấp Cô Độc cho mượn bà lão để phục vụ cho buổi lễ cúng dường Đức Phật và chư Tăng của mình. Ông Cấp Cô Độc sai bà mang một mâm vàng đến cho Mạt Lợi phu nhân để cùng cúng dường trai tăng. Khi vừa quay ra thì gặp Đức Phật đi vào, bà chạy ra đằng sau cũng thấy Phật, chạy cửa khác cũng gặp Phật, bốn phương tám hướng đều gặp Phật. Bà chạy về nhà, đóng cửa, tay ôm mặt để khỏi nhìn thấy Phật, nhưng kiểu gì vẫn nhìn thấy hình ảnh của Đức Phật nên rất tức giận. Ngài Mục Kiền Liên thấy thế liền dùng thần thông làm nhà nghiêng đất đổ để chiết phục bà, bà không sợ mà còn chửi rủa. Đức Phật biết, nhưng im lặng không nói gì. Sau buổi thọ trai, Đức Phật gọi La Hầu La đến nói: “Bà lão lúc nãy có duyên với con, con hãy đến độ bà đó”. Ngài La Hầu La vâng lời, đến chỗ bà lão cất tiếng gọi. Nghe tiếng gọi của Ngài La Hầu La, tự nhiên bà lão trong lòng vui mừng hoan hỷ, chạy ra mở cửa cho Ngài La Hầu La và cung kính đảnh lễ. Ngài La Hầu La nhân đó thuyết pháp thập thiện cho bà lão nghe. Bà lão nói: “Ngài quả là một vị chủ đế thiên, cho nên hôm nay mới thị hiện xuống đây để nói cho tôi nghe bài pháp vi diệu này, chứ còn ông Cồ Đàm và các đệ tử của ông ấy còn thua nhiều, không nói được pháp này”. Ngài La Hầu La giải thích lại là không có ai hơn được Thế Tôn và những bài pháp này là do học được từ thầy mình là Đấng Như Lai. Bà lão dụi mắt nhìn kỹ lại thì thấy đây đúng là Tỳ kheo đệ tử Phật chứ không phải trời. Nhưng giờ pháp đã thấm rồi nên không còn bỏn xẻn nữa mà ăn năn vô cùng. Bà đảnh lễ sám hối và năn nỉ Ngài La Hầu La tạo điều kiện cho bà được gặp Phật và sám hối để được xin xuất gia. Sau khi xuất gia tu hành, bà chứng quả rất nhanh. Lý do Ngài La Hầu La độ được bà vì Ngài và bà lão nhiều đời là mẹ con với nhau, còn Đức Phật và bà lão trong tiền kiếp có duyên không thuận. Trong một đời quá khứ, bà lão nguyên là một vị Hoàng tử học hiểu rất thông, tu rất tinh tấn nhưng theo tà kiến. Lúc bấy giờ có một vị Tỳ kheo rất giỏi đến thuyết pháp, nhưng Hoàng tử không chịu nghe, còn buông lời mắng nhiếc, chính vì vậy nên phải chịu quả khổ nơi địa ngục, sau được sanh làm thân người cũng phải chịu làm thân nô bộc. Vị Hoàng tử kiếp trước chính là bà lão nô bộc, còn vị Tỳ kheo thuyết pháp chính là tiền thân của Đức Phật. Do còn chút duyên đời trước cho nên đời này bà lão vẫn không chịu nghe Đức Phật thuyết pháp.

Xét lại câu chuyện, nếu nói “thấy Phật liễu sanh tử” thì bà lão kia thấy Phật nhưng không liễu sanh tử. Rồi về phần giáo hóa, Đức Phật cũng không độ được bà lão mà phải nhờ đến đệ tử nhỏ của mình là Ngài La Hầu La.

Một dẫn chứng nữa, trong thành Udu có một cô gái xinh đẹp nhất thành tên là Mạn la hoa, con một vị trưởng giả. Vợ chồng ông trưởng giả muốn tìm một người xứng đáng để gả con gái mình. Một hôm Đức Phật đi ngang thành đó để giáo hóa. Ông trưởng giả nhìn thấy tướng mạo của Đức Phật rất đẹp liền chạy lại ngỏ lời gả con gái. Đức Phật im lặng không trả lời. Tưởng Ngài đồng ý, ông lão chạy về gọi vợ. Khi hai vợ chồng đến, Đức Phật đã không còn ở đó, chỉ còn dấu chân để lại. Bà vợ biết xem tướng thấy dấu chân Phật có vầng thiên luân nên nói: “Không được rồi, người này tuy đẹp thật nhưng có dấu chân như thế này thì không còn ái nhiễm nữa, không thể nào lập gia đình đâu”. Ông trưởng giả không tin vì tưởng Đức Phật im lặng là đồng ý. Hai vợ chồng đi tìm thì thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây và đến gặp. Đức Phật tùy duyên thuyết pháp, hai vợ chồng chứng quả Tu đà hoàn, quả vị đầu tiên trong dòng Thánh, do đó không còn ý định về việc gả con gái nữa. Lúc đó có đứa nô tỳ nghe được chạy về nhà thuật lại cho cô con gái của ông trưởng giả là Đức Phật đã nói cô gái như đãy da hôi thối, là đồ dơ, chỉ gạt được những người ngu ngốc. Cô gái nghe xong rất tức giận vì chưa có ai dám khinh rẻ mình như vậy, nên ôm mối hận và quyết định trả thù. Sau đó cô gái chấp nhận làm vợ đại vương thành Udu, trở thành  hoàng phi vùng Kosambi. Trải qua nhiều năm, đợi đến khi Đức Phật và Ngài A Nan qua vùng đó giáo hóa, cô gái lúc này là hoàng phi thành Udu thuê những người chuyên chửi bới để chửi mắng Đức Phật xối xả, nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đi qua. Ngài A Nan chịu không nổi, thỉnh Đức Phật đi đến những chỗ khác, nơi mọi người đã được giáo hóa, thích nghe pháp và đều kính trọng Đức Thế Tôn. Đức Phật nói: “Có vị thầy thuốc giỏi nào lại trưng bảng chỉ trị bệnh cho những người lành mạnh, còn những người nan y thì đi chỗ khác không?” Ngài A Nan nói: “Thưa không, Bạch Thế tôn”. Đức Phật nói: “Cũng vậy, Phật ra đời là để cứu khổ chúng sanh, những chúng sanh này đang khổ cần ta cứu, nên ta cần ở đây để cứu”. Sau khi nghe Đức Phật và Ngài A Nan nói chuyện như vậy, những người chửi mướn thấy được lòng từ bi quảng đại của Đức Thế Tôn cho nên sám hối và xin học pháp. Một thời gian sau, trong thành Udu này phần đông đều là những người kính tin Tam Bảo.

Một trường hợp khác, có một bà ngoại đạo là Đàn giá ma na cũng khởi tâm ghét Đức Phật nên độn bụng rồi đến vu oan cho Ngài. Trời Đế Thích hóa làm con chuột trắng đến cắn đứt sợi dây làm cái độn trong bụng bị bung ra, khiến mọi việc rõ ràng. Rồi Đề Bà Đạt Đa là đệ tử của Phật nhưng vì sanh tà kiến nên mới lập mưu với vua A xà thế thả voi say để giết hại Phật, rồi canh đường đi của Phật để lăn đá xuống. Trong Kinh Nguyên Thuỷ, bài Kinh Phạm Động có chép lại câu chuyện, một hôm trên đường đi khất thực về, hai cha con ông Phạm Chí gặp đức Phật, người con thì dùng hết lời để tán thán ca ngợi đức Phật, trong khi đó người cha thì dùng hết lời để chê bai đức Phật… Như vậy hai người này cũng gặp Phật mà đâu có liễu sanh tử? Hoặc có nhiều vị Tỳ kheo xuất gia với Phật nhưng sau đó hoàn tục thì cũng không liễu sanh thoát tử. Còn rất nhiều trường hợp khác tương tự như vậy.

Qua các trường hợp trên, quý vị thấy những người đó tuy đều thấy Phật, gặp Phật nhưng không liễu sanh tử, ngược lại còn không ưa Phật, thuê người chửi mắng Phật, vu oan cho Phật hay còn định đem chuyện sanh tử đến cho Phật. Vậy phải hiểu thế nào về câu “Kiến Phật liễu sanh tử”?

2b. PHẬT ĐÃ NHẬP NIẾT BÀN:

Ở trên là các trường hợp thấy và trực tiếp diện kiến Phật thời Đức Phật còn tại thế. Bây giờ sang một trường hợp khác, sau thời Đức Phật nhập Niết Bàn, chư vị Tổ sư ra đời không thiếu những vị tu hành ngộ đạo, có khả năng liễu sanh tử, làm chủ được sanh tử.

Ngài Đạo Giai Phù Dung khi được vua ban tử y mà không nhận, đó là tội khi quân nên phải phạt đánh bằng trượng. Nhưng vì rất gầy yếu, chỉ đánh 5 trượng là thân thể Ngài chịu không nổi rồi. Vị quan thấy đây không phải là một người phạm tội, chỉ vì khiêm nhường không nhận tử y của vua mà bị đánh như vậy thì không đáng, nên tìm phương tiện để giúp Ngài không bị đánh. Vị quan thưa: “Bạch Hòa thượng, pháp nước có chế, nếu người nào bị bệnh thì khỏi bị hành hình, vậy Hòa thượng đang có bệnh không?” Ngài nói: “Tôi tuy ốm yếu thật nhưng không có bệnh”. Vì vậy, Ngài phải chịu đánh. Bị đánh nhưng vẫn an nhiên thì ngay lúc đang sanh mà liễu sanh. Khi sắp tịch, Ngài nhóm đồ chúng lại, ngồi kiết già và đọc kệ rồi nhắm mắt từ giã ra đi. An nhiên thị tịch thì đó là liễu thoát. Ngài nói: “Sống không ưa thiên đường, chết không sợ địa ngục, buông tay đi ngang ngoài tam giới, mặc tình vươn bổng nào buộc ràng”. Quý vị thấy Ngài có sợ sanh tử không?

Còn Ngài Đặng Ẩn Phong hỏi chúng: “Đã có ai tịch ngồi chưa?”. “Có rồi”. “Có ai nằm tịch chưa?”. “Có rồi”. “Có ai đứng tịch chưa?”. “Có rồi”. “Vậy có ai lộn ngược tịch chưa?”. “Chưa từng có”. Ngài liền trồng cây chuối mà tịch, y áo vẫn ngay thẳng. Như vậy là làm chủ được sanh tử chưa?

Ngài Chỉ Y Đạo Giả đến tham vấn Thiền sư Bổn Tịch ở Tào Sơn. Qua đối đáp, Ngài Bổn Tịch hỏi: “Thế nào là việc của Chỉ Y?”. Ngài nói: “Chiếc áo vừa khoác vào thân, muôn pháp thảy đều như”. Đó là trình thể. Ngài Tào Sơn gạn lần nữa: “Thế nào là dụng của Chỉ Y?” Ngài Đạo Giả liền đến gần “Dạ” một tiếng rồi đứng tịch. Đó là trình dụng. Sống thì muôn pháp đều như, còn tịch thì cần tịch liền tịch. Nhưng Ngài Tào Sơn vẫn chưa chấp nhận: “Ngươi chỉ giỏi đi thế ấy, sao chẳng giỏi đến thế ấy?”. Đạo Giả khi ấy mở mắt ra, hỏi: “Một chân tánh linh khi chẳng nương bào thai thì thế nào?”. Tào Sơn bảo: “Chưa phải diệu.” Đạo Giả hỏi: “Thế nào là diệu?” Tào Sơn bảo: “Chẳng mượn! Mượn!”. Đạo Giả trân trọng liền tịch.

Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ ở Việt Nam cũng vậy. Khi sắp chia tay cõi đời, thê thiếp khóc ầm ĩ. Ngài ngồi dậy, bảo lấy nước rửa mặt rồi quở: “Sanh tử là chuyện thường, tại sao các ngươi lại khóc làm náo loạn chân tánh ta?” Xong, Ngài nằm xuống và đi luôn. Quý vị thấy Ngài có liễu sanh tử không? Một cư sĩ ở trong trần mà được như vậy, rất đặc biệt!

Những trường hợp tương tự như trên rất nhiều, không thể kể hết. Quý thầy chỉ dẫn chứng một số trường hợp cho quý vị thấy.

Qua đó cho chúng ta thấy, chư Tổ và các vị thiền sư đã liễu được sanh tử, làm chủ được sanh tử nên mới có khả năng đến đi tự tại như thế. Như vậy, các Ngài ra đời sau thời đức Phật, không được gặp Phật, nhưng chư Tổ và các vị Thiền sư thấy ai mà được liễu sanh tử, không còn bị sanh tử chi phối? Có thể có người nói, tuy đức Phật đã nhập Niết Bàn nhưng còn tượng Phật, nếu các Ngài do thấy tượng Phật mà liễu sanh tử thì chúng ta đây có thấy tượng Phật, có lễ lạy mỗi ngày không? Nhưng đã liễu sanh tử chưa? Cũng có người liễu, có người chưa liễu, phải không? Như vậy, nghĩa đó vẫn chưa trọn vẹn. Nếu “thấy Phật liễu sanh tử” thì phải là trọn nghĩa hoàn toàn là bất kỳ người nào thấy Phật cũng phải liễu được sanh tử. Nhưng tại sao những vị trực tiếp gặp Phật hoặc quý vị thấy qua hình tượng, có người thì liễu, có người lại không liễu? Vậy thì chúng ta phải nghĩ như thế nào về câu “Kiến Phật liễu sanh tử”?

Nếu có vị nào không hiểu, chưa tin thì có thể nghi có lẽ do kinh nói sai. Nhưng Kinh thì dứt khoát không sai, mà có sai là do mình hiểu chưa tới nơi tới chốn. Nếu chúng ta hiểu theo chữ nghĩa mà giải thích như vậy thì quý Ngài xưa nói “Y kinh diễn nghĩa, tam thế Phật oan. Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”, có nghĩa là chấp chặt theo chữ nghĩa của kinh mà giải thì oan cho chư Phật ba đời. Oan tức nghĩa là trái với nghĩa lý sâu xa của Phật, không thấy hết nghĩa lý đức Phật muốn chỉ. Còn nếu không nương kinh mà nói, muốn gì nói đó (ức thuyết) thì đồng với lời của ma nói. Đức Phật có dạy “tam pháp ấn”, “tứ pháp ấn” để tất cả những gì nói ra mà sai với tam pháp ấn, tứ pháp ấn thì không phải là chánh pháp, cho nên nói gì cũng phải đặt nền tảng trên những lời Đức Phật dạy. Vậy nếu không được chấp chặt vào lời kinh, cũng không phải bỏ kinh đi mà nói thì phải làm sao? Trong chữ Hán có câu: “Thanh xuất ư lam nhi thanh ư lam”, có nghĩa là màu xanh được lấy ra từ màu lam, nhưng nó xanh hơn màu lam. Văn tự là một màu xám, nhưng cuộc đời thì mãi đổi xanh, mãi đổi hoài, không cố định. Quý vị ngồi đây nghe nói thì có thể gật đầu một cách dễ dàng, nhưng khi về nhà nói với người thân, nếu không có phương tiện khéo léo thì họ có dễ dàng chấp nhận không? Cho nên mình cũng phải khéo léo uyển chuyển, có thể phát minh nhưng làm gì cũng không được mất nền tảng căn bản, giống như màu xanh được lấy ra từ màu lam, tuy xanh hơn màu lam nhưng không rời màu lam đó để có.

Ở đây cũng vậy, “kiến Phật liễu sanh tử” mà mình hiểu theo chữ nghĩa giống như nãy giờ giảng thì coi như là đã oan cho chư Phật ba đời rồi, vì chưa thấy được hết lý kinh. Bây giờ phải thấy sâu hơn, rõ hơn, đừng chấp vào chữ nghĩa thì mới thấy Kinh nói đúng và ứng dụng thực hành mới có kết quả tốt. Nhưng nếu nói Kinh đúng thì phải thấy cho tột là tại sao đúng, nếu không thì chỉ là lời nói suông.

Bây giờ, để thấu tột vấn đề này, chúng ta chỉ cần đặt một câu hỏi: “Thấy Phật nào thì liễu sanh tử?”. Chắc rằng có rất nhiều người trả lời được là phải thấy Phật tâm, phải không? Nhưng đã liễu sanh tử chưa? Nếu mình biết mà vẫn chưa liễu sanh tử tức là mình chưa biết cách thấy được ông Phật đó. Giờ không đặt ra là thấy Phật nào nữa, vì quý vị đã biết rồi, mà điểm chính yếu là thấy Phật như thế nào? Thấy Phật thì liễu sanh tử, và muốn liễu sanh tử phải thấy Phật. Như vậy, chúng ta chỉ cần thấy tột hai chữ “Thấy Phật” thì xong.

3. THẤY PHẬT NÀO THÌ LIỄU SANH TỬ:

Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”.

Tức là nếu thấy Phật bằng thân vàng trượng sáu, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hay bằng âm thanh để tìm cầu Phật thì người đó rơi vào con đường bị lệch lạc, không thể thấy Phật. Nếu quý vị nhìn trên thân tướng như vậy mà cho là thấy Phật thì Chuyển luân thánh vương cũng có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thì đức Phật và Chuyển luân thánh vương khác nhau chỗ nào? Trên thân tướng thì có giống nhau, nhưng đức Phật đã giác ngộ viên mãn, còn Chuyển luân thánh vương thì chưa.

Như vậy, không phải trên âm thanh, sắc tướng thấy Phật mà phải thấy suốt qua tâm giác ngộ viên mãn thì mới thấy Phật được trọn vẹn. Tâm giác ngộ đó chính là Phật tâm sẵn đủ nơi mỗi người chúng ta. Người tu hành phải nhắm vào chỗ đó là chính chứ không phải nhằm bên ngoài mà cầu. Nếu tìm cái gì bên ngoài, dù có huyền diệu đến đâu thì cũng không phải là thực, cho nên Phật nói ngoài tâm tìm Phật là ngoại đạo. Trong Kinh, Phật đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tại sao mình sẽ thành Phật? Vì sẵn có hạt giống Phật. Ngài khẳng định: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, tức là mỗi chúng ta ai cũng có sẵn tánh Phật, nếu mình nhận lại Phật tâm nơi chính mình thì sẽ không còn bị sanh tử chi phối, có ngày rồi cũng sẽ thành Phật như Ngài. Lâu nay con người thường có mặc cảm, nghĩ chuyện thành Phật là việc của ai chứ không phải mình. Nhưng đức Phật đã khẳng định như vậy, tức là đã cho chúng ta một niềm tin chứ không phải nói suông. Biết đó là sự thật thì mình phải tin, tin thì mới dám làm, còn nếu không tin hoặc tin nhẹ thì dễ quên mà không dám làm.

Như vậy, nếu mình nương Phật bên ngoài, nương theo giáo pháp của Phật để thấy lại Phật tâm nơi chính mình thì đó là con đường đi đến liễu sanh tử. Ai nhận được Phật tâm nơi chính mình cũng đều liễu sanh tử giống nhau, không còn bị sanh tử chi phối, ràng buộc. Thấy như vậy mới thấy tột Kinh nói không sai, còn không thấy được đầy đủ như vậy mà nghi ngờ rồi phỉ báng thì vô tình chuốc tội.

Đến đây, quý vị đã rõ, muốn thoát khỏi sanh tử thì phải nhận lại Phật tâm ngay nơi chính mỗi người. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Đã ngay nơi chính mình, sẵn nơi mình thì dĩ nhiên mình phải nhận được và giải thoát được sanh tử, nhưng tại sao lâu nay mình vẫn bị sanh tử chi phối? Tại vì chưa nhận được. Lý do tại sao chưa nhận được?

4. PHẬT TÂM NGAY CHÍNH MÌNH, NHƯNG VÌ SAO CHÚNG TA KHÔNG THẤY, CHƯA NHẬN ĐƯỢC ?

Quý vị nghe giảng chắc biết câu chuyện của Ngài Phá táo đọa. Không biết Sư tên gì, nhân một câu chuyện mà thành tên là Phá Táo Đọa. Ở vùng gần Tung Sơn có ngôi miếu thờ ông Táo rất linh, người đến giết vật cúng tế thường xuyên. Một hôm, có vị thiền sư, sau này gọi là Phá Táo Đọa dẫn nhóm đệ tử đi vào trong miếu. Sư đến chỗ thờ ông Táo, lấy gậy gõ vào đó ba cái bảo:

- Bếp ơi! Đây là ngói gạch hợp thành, Thánh từ đâu lại, Linh từ đâu đến mà ngươi đòi chuộc mạng nhiều sinh vật như thế?

Nói xong, Sư gõ mấy cái nữa thì cái bếp ấy liền ngã đổ và dẫn nhóm đệ tử đi ra. Đi được một quãng đường, chợt có vị mặc đồ xanh như là quan đến lễ trước Sư, Sư hỏi:

- Ông là ai?

Vị đó thưa:

- Con là thần Táo ở ngôi miếu kia, vừa rồi con được Hoà thượng khai thị pháp vô sanh nên được giải thoát kiếp táo, sanh về cõi trời, do đó con đến tạ ơn Hoà thượng. (Rõ được pháp vô sanh tức là rõ được Phật tâm của ông thần táo).

Sư bảo:

- Vô sanh là tánh sẵn có của ngươi, chẳng phải nhờ ta thuyết pháp.

Vị ấy bèn lạy rồi biến mất. Vị tăng thị giả thắc mắc hỏi:

- Chúng con lâu nay theo hầu Hòa thượng nhưng chưa hề được nghe Hoà thượng giảng pháp, ông thần Táo này được nghe pháp gì mà sanh lên cõi trời nhanh như vậy?

Sư bảo:

- Ta chỉ nói với y là: “Do ngói gạch hợp thành, linh từ đâu lại, thánh từ đâu đến”, chứ không có đạo lý gì khác.

Nếu nói với ông thần táo rằng, nơi ông có sẵn Phật tánh, ông nên nhận lại, đừng bám theo những cái này mà khổ, thì như vậy là thuyết đạo, chứ không phải là chỉ cho thấy đạo. Còn vị Thiền sư chỉ nói, cái này là do ngói, gạch hợp thành. Nghe nói chỉ là đồ ngói gạch, tức là đồ bỏ, thì ông thần táo tỉnh ra, không bám chấp vào đó nữa, liền lìa, liền nhận lại ngay tánh linh không nằm trên đồ giả đó, nhận được pháp vô sanh. Vị Thiền sư chưa hề nhắc đến pháp vô sanh cho hiểu mà khéo chỉ ra cho tự thầm nhận. Thần táo đã thể nhận được pháp vô sanh, đây là chỉ cho thấy đạo chứ không phải thuyết cho hiểu đạo.

Như vậy, quý vị thấy lâu nay ông thần táo bám vào mấy cục gạch đó để được cúng tế, tạo nghiệp chịu khổ là tại sao? Tại vì ông chấp nhận cục đá đó là ông mà quên đi cái tánh linh của mình. Ông vừa buông cái nương giả tạm đó thì liền sáng tỏ Phật tâm nơi mình, liền đó thoát kiếp Táo.

Chúng ta thường chấp cái thân tứ đại vay mượn giả tạm là mình, chấp tâm nghĩ suy sanh diệt là mình cho nên mới quên đi Phật tâm của chính mình. Cái đó là sanh diệt vô thường mà mình theo nên bị đồng hóa với nó, khi nó thay đổi thì mình phải khổ thôi. Bây giờ đừng chấp nữa thì nó có sanh diệt là chuyện sanh diệt của nó, còn mình đang thấy đây thì ai có thể đụng đến và làm khổ mình được? Cho nên cái quan trọng là phải khéo nhận lại Phật tâm thì mới giải thoát sanh tử.

5. THẤY PHẬT NHƯ THẾ NÀO THÌ LIỄU SANH TỬ ?

5a. THẤU TỘT CÁC TƯỚNG LÀ HUYỄN HÓA, KHÔNG DỪNG TRỤ, THẤY SUỐT QUA CÁC TƯỚNG.

Bây giờ hỏi thân tâm sanh diệt này là giả hay thật? Tuy hiểu là giả mà không dám nói là giả. Nghe nói ngói, gạch thì bỏ dễ dàng vì giả, không phải mình, còn nghe thân tâm sanh diệt thì có vẻ khó bỏ là vì mình thầm cho nó là thật. Quý vị nghe Hòa thượng giảng “Đừng chấp thân này, coi nó là giả. Lặng đi những suy nghĩ kia thì cái gì hiện ra đó. Ngay đó là Phật tâm”. Nghe những điều đó ai cũng tin, hiểu, nhớ và rất thuộc, nhưng hiện nay vẫn bị sanh tử chi phối, chưa dứt hết khổ. Vậy kẽ hở ở chỗ nào? Đó là do mình hiểu nhưng chưa thấy được ông Phật đó. Phải thấy rõ Như Lai của chính mình thì mới có thể giải quyết được việc sanh tử, còn nếu chỉ nhìn Phật bên ngoài thì mình vẫn còn y nguyên là trần tục.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Tức là hễ cái gì có tướng đều thuộc về sanh diệt, còn mất cho nên đều là đồ giả. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức là đang thấy lại Như Lai nơi chính mình. Câu này quý vị cũng thuộc, cũng hiểu nhưng chưa thấy phi tướng nên hiện tại vẫn bị sanh tử chi phối, chưa được giải thoát. Cho nên đặt tiếp một câu hỏi nữa là “thấy phi tướng là thấy như thế nào?”. Mình phải moi cho tận cùng ngõ ngách thì tâm sanh diệt của mình hết đường lẩn trốn, lúc đó mình mới hết khổ.

Khi đưa cái ly này lên thì đang là thấy tướng. Nếu cho cái ly là thực, không thấy nó là giả thì liền lao theo, thấy cái ly này đẹp hay xấu, có cần hay không. Khi lao theo thì mình tự đồng hóa mình với cái ly, coi nó là mình, chính vì vậy khi đưa cái ly lên thì thấy mà để ly xuống thì không thấy, có nó thì có mình, mà để xuống thì mình mất. Đó là nhận lầm bóng dáng bên ngoài mà cho là mình. Như vậy, lỗi là tại thấy các tướng là thực.

Bây giờ đưa ly lên mà quý vị thấy nó là giả thì có quan tâm không? Giống như tờ giấy bay qua mắt thôi, không cần phải quan tâm. Nếu mình nhìn tất cả các tướng, các sự vật đều giống như tờ giấy bạc giả kia thì trên vật mình không quan tâm, không theo nữa thì ngay đó đang thấy. Để cái ly xuống, mình vẫn thấy vì không theo. Thấy là giả, không theo thì trả lại cái thấy ban đầu, cái ly nó có và không, nhưng mình vẫn hằng hữu. Khách thì có đến đi, mà chủ vẫn ngồi trong nhà. Khéo nhìn được như vậy là chúng ta nhìn bằng cái thấy biết Phật nơi mỗi người.

Từ cái ly mà suy ra các cảnh cũng vậy. Bao nhiêu cảnh sinh hoạt hàng ngày đều là giả chứ không có gì là thật cả, nhưng mình quên, lầm chấp cho nó là thật nên mới lao theo, mà khi lao theo thì mất mình. Cái mất mình này nghe thì bình thường, nhưng nếu quý vị chiêm nghiệm cho kỹ mới thấy rõ. Một lúc nào đó, trong nhà có ai làm trái ý mình, nếu mình nhớ tỉnh thì lúc đó bình tĩnh, nhắc nhở nhẹ nhàng, còn nếu lúc đó đang quên mình, nghĩ chuyện đâu đâu thì sẽ có thể nổi giận, nói lời cáu gắt, khi cơn giận nổi lên thì bao nhiêu nghiệp khác kéo theo rồi phải chịu khổ. Một chút xíu quên và nhớ thấy rất bình thường, nhưng thực ra nó có giá trị và tác hại rất lớn. Bây giờ, thấy các pháp giả không theo, thấu suốt qua, không dừng trụ trên một tướng nào thì liền thấy rõ mình đang sống một cách sáng tỏ rõ ràng, thênh thang, không động, không mê mờ. Lúc nào cũng sống như vậy thì không gì có thể chi phối kéo lôi được mình chạy ra hết. Còn ở đây thì nhớ, hiểu nhưng về nhà mà coi thường cái giá trị này thì sẽ dễ quên. Khi quên thì các cảnh sẽ móc, sẽ kéo mình hồi nào không hay.

Lâu nay mình hiểu rất kỹ, nhưng trên thực tế khi tiếp xúc cảnh thỉnh thoảng vẫn bị nó kéo, đôi lúc khiến mình bị nghi ngờ. Nhưng xét lại, nhiều khi chúng ta thường theo những lý quá cao siêu mà quên để ý những bước dưới chân. Khi nghe nói các pháp là giả thì ai cũng hiểu nhưng vẫn bị nó chi phối, có nghĩa là mình chưa dám thấy nó là giả. Nếu đã thấy tột nó là giả thì không có vấn đề gì cả. Quý vị thường nghe ví dụ giống như cục vàng giả và thật đối với đứa con nít và người lớn. Đưa một cục vàng giả rất đẹp cho đứa con nít chơi, bảo nó là giả, nó cũng nói là giả, nhưng khi lấy cục vàng giả đó đi thì nó khóc liền. Như vậy, nó vẫn nói giả nhưng mất vàng nó vẫn khóc. Thỏi vàng giả muôn đời nó vẫn là đồ giả, nhưng đối với đứa con nít thì không dễ dàng thấy nó là giả. Với một người đã trưởng thành, đã có một kho vàng thật đầy nhà rồi thì cục vàng giả đó có ảnh hưởng gì họ không? Có thì để đó chơi mà mất thì thôi, không màn tới. Có và không có giống nhau, không có gì đáng để bàn nói hay sanh tâm có không còn mất đối với cục vàng giả đó. Tâm bình an phẳng lặng như vậy là do thấy rõ cục vàng giả kia là đồ giả, không có giá trị gì đáng để chúng ta phải quan tâm. Tương tự, các pháp thế gian là huyễn hóa, không thật, nhưng do con người chúng ta còn thơ dại trong ngôi nhà giác ngộ nên thầm chấp cho là thật rồi bị nó che mờ đi tánh Phật chính mình. Nếu thấy các pháp là giả, thấy suốt qua các tướng sanh diệt huyễn hóa, không dừng trụ trên một pháp nào thì ngay đó tánh Phật đang hiện tiền. Cho nên đức Phật nói, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng thì ngay đó thấy Như Lai, là vậy.

Nói rõ hơn chút nữa để quý vị thấy. Khi quý vị thấy cảnh mà lao theo là chúng ta đã quên mình theo vật thì mình đang đồng hóa với vật. Như nhìn tất cả những thứ này, nhìn cái ly nghĩ cái ly, nhìn hoa nghĩ hoa thì đang là lao theo. Thấy hoa thì nghĩ người nào chơi hoa giỏi, hoa này loại gì, chưng được bao nhiêu, quý như thế nào, giá ngoài chợ bao nhiêu một cành, buôn về Sài Gòn là bao nhiêu, một dọc như vậy. Nhưng bây giờ, dẹp hết tất cả những cái này đi thì quý vị nghĩ gì? Đã quen đuổi bám theo rồi nên khi không còn gì để nghĩ thì con người ta lại hoảng hốt, chơ vơ. Các Thiền sư nói: “Quả đất này tiêu hết thành bụi thì ông nương vào đâu?” Giả sử quả địa cầu này tan vỡ thì mình như thế nào? Đó là các Ngài cho mình một cái thấy lại về chính mình. Nhìn tất cả những cái này mà nghĩ là thiệt thì mình đang bị đồng hóa với nó cho nên khi nó mất thì mình hụt hẫng, sợ hãi và khổ đau. Nếu chưa có khả năng dám thấy nó là đồ giả thì phải đặt lại một giả thiết: “Khi quả địa cầu này bị tiêu hủy hết thì mình nghĩ gì, lấy cái gì, nương vào đâu để suy nghĩ?”. Ngay đó, trả lại cái ban đầu vốn tự sáng biết, chưa từng động niệm, không cần đợi có vật mới biết, phải không? Và ai đang hiện đó? Như Lai đang hiện tiền. Bằng cái hiện tiền đó mà sống trên tất cả cảnh thì có cảnh nào thiếu vắng giác tánh Như Lai không? Thấy thì liền biết, chưa từng thiếu vắng bao giờ. Nhưng tại sao lâu nay trên các cảnh mình bị thiếu vắng? Tại vì mình không dám thấy tất cả cảnh bị tiêu mất nên lầm chấp trên nó. Nói tiêu mất đó là ví dụ, bởi vì người thường đợi sau khi việc đã rồi mới biết, còn bậc trí ngay thấy liền giác rõ. Cảnh này cái nào rồi cũng có thể tiêu đi, nhưng chúng ta đợi khi nó tiêu tan rồi mà vẫn còn tiếc, chưa dám chấp nhận là đồ bỏ. Còn bậc trí thì các vật đang là còn đây, nhưng biết rõ nó không phải là thật, không có gì bền cả. Nếu mà tất cả quý vị đều có một cái thấy bằng trí tuệ Bát Nhã liên tục và mạnh thì có gì chi phối không? Không chi phối thì trả lại cái thấy ban đầu sáng rỡ chưa từng sanh tâm động niệm. Vậy thì trong cảnh nào mà Như Lai không hiện tiền? Trên tất cả các cảnh vật hàng ngày, Phật tâm của mình đang hiển hiện sờ sờ ra đó rồi.

5b. KHÔNG HOẠI CÁC PHÁP THẾ GIAN.

Như vậy, khi nói thấy các tướng phi tướng thì rõ ràng là không phải dẹp tất cả các tướng mới thấy là phi tướng, mà ngay trên tướng, rõ nó không phải là thực tướng, là huyễn hóa, thấy suốt qua, không dừng trụ trên bất kỳ tướng nào thì liền đó Như Lai hiện tiền bàng bạc, sáng rỡ, không động, là thấy Như Lai. Đó là cách thấy Phật. Thấy được như vậy là rõ được câu kinh Phật đã chỉ "Kiến Phật liễu sanh tử". Điểm chính yếu ở đây là không phải đợi diệt hết các tướng mới thấy Như Lai. Bởi cảnh vật bên ngoài không bao giờ diệt hết được, nó sanh rồi diệt, rồi lại sanh liên tục theo chiều xoay vần của nó. Cho nên chúng ta phải ngay trên tướng mà thấy là chẳng phải tướng thì sẽ thấy suốt qua tướng, ngay đó Như Lai hiện tiền.

Ví dụ, quý vị thích cái ly này, nhìn một cách chăm chú thì có thấy được cái bình hoa bên cạnh không? Không, vì mình thấy cái ly là thật, tâm đang bận trụ ở cái ly này, vì trụ nên mình là nó và không thấy được sự hiện hữu chung quanh. Dù cho một lúc mình có thể thấy hết các vật chung quanh, nhưng không phải thấy biết về nó, không phải thấy biết theo nó mà chỉ là đang sáng biết rõ ràng, các vật có còn hay không mình cũng không hề mảy may gợn sóng, đó mới là cái thấy biết không do ở trên vật mà có, là cái thấy biết thật. Khi chúng ta rõ suốt các sự vật là giả, không theo, không dừng trụ trên một tướng nào thì trả lại cái thấy biết nguyên thể ban đầu đó. Tất cả mọi sự vật mình đều thấy suốt một cách rõ ràng, cái thấy đó rộng lớn, thênh thang mà sáng rỡ, không động. Đó là ngay trên tướng mà thấu suốt được cái không tướng thì Như Lai đang hiện tiền. Mới thấy, ngay trên tướng mà tánh hiển hiện rõ ràng chứ không phải tách rời ra. Cũng là những sinh hoạt hàng ngày đây, nhưng người còn chấp mọi thứ là thật thì kẹt trên nó, chỉ thấy theo tướng đang bị sanh diệt vô thường mà không biết thấy lại mình nên bị nó chi phối và phải chịu khổ. Còn người đã suốt tột thì nhìn thấy cái gì cũng sáng tỏ tâm tánh hết cho nên các Ngài mới nói thấy sắc rõ tâm, đó là Như Lai đang hiển hiện một cách rõ ràng. Khi quý vị sống được như vậy sẽ thấy công dụng rất hay, nó diệu dụng, phi thường, đặc biệt. Bao nhiêu cảnh hàng ngày, nhiều lúc mình thấy bình thường nhưng lúc này cảnh cảnh như là sáng ra, trong lặng, thanh thoát. Quý vị thấy người đi lại, chim hót …, thấy rõ cảnh đang là động nhưng trong mình không động, không có niệm năng sở, không thấy mình và nó, không thấy có hai, có mình thấy và có nó bị thấy, mà nó là sự hiển hiện trong lặng trong tự tánh chánh định của mình, bặt cả năng sở. Đây chính là cái nhìn mà các Thiền sư đã nói: “Cây gậy là cây gậy, hoa hồng là hoa hồng", không có một niệm thứ hai xen vào mà tất cả đều rõ ràng, sáng rỡ. Thấy được như vậy mới thấy tột được lời Đức Phật dạy.

5c. THẤY BIẾT NHƯ THỊ.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, đối với tất cả pháp, nên biết như  thế, nên thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng”. “Như thế” có nghĩa là bặt năng sở, không một niệm thứ hai xen vào. Nếu vừa có niệm thứ hai xen vào thì ngay đó pháp tướng đã sanh. Nếu “như thế” thì ngay đó pháp tướng không sanh. Bởi vì mình chưa thể "như thế", còn đang có niệm nên Phật nhắc thêm cho biết "đừng để sanh pháp tướng".

Bởi vì tình thức của mình rất vi tế, sâu xa, nhỏ nhiệm nên điều này cần có công phu đắc lực chứ không phải chỉ hiểu suông. Trong pháp hội của Hòa thượng Chi ở núi Đại Ngu có một vị tăng mỗi ngày tụng Kinh Kim Cang đến cả trăm biến. Nếu không dốc tâm thì mình đọc một ngày chưa chắc đã xong Quyển Kinh Kim Cang mà vị tăng này tụng cả trăm biến mỗi ngày thì quả rất là miên mật. Nghe vậy, Ngài sai thị giả gọi vị Tăng đến, hỏi:

- Nghe ông mỗi ngày tụng kinh Kim Cang đến cả trăm biến có phải không?

Tăng thưa: - Dạ phải.

Sư hỏi:

- Có lúc nào ông tham cứu nghĩa lý của kinh không?

Tăng thưa: - Chưa từng nghiên cứu.

Sư bảo:

- Ông mỗi ngày chỉ tụng một biến mà tham cứu thâm ý của Phật, nếu ngay một câu ngộ được, cũng giống như uống nước giữa biển, chỉ uống một giọt liền biết hết mùi vị của trăm dòng.

Vị tăng đúng như lời chỉ dạy. Một hôm tụng đến chỗ “Nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng” thì chợt có tỉnh, bèn đến trình lên Thiền Sư Đại Ngu Chi. Thiền Sư liền chỉ con chó ở trước sàng thiền, nói:

- Con chó này!

Tăng không đáp được. Sư liền đánh và đuổi ra.

Tại sao đang rõ ràng như thế mà vừa chỉ con chó này thì lại ngập ngừng? Đang “như thế”, khi thoạt chỉ con chó thì lại quên "như thế" mà thấy biết chạy theo con chó nên pháp tướng đã sanh và cái “như thế” không còn hiện tiền nữa. Đang sáng rỡ rõ ràng, bất động, nếu có sức sống mạnh thì ai nói gì mà chẳng rõ ràng? Không phải chỉ con chó mà tất cả đều rõ ràng, kể cả động tác thiền sư chỉ con chó cũng thấy rõ ràng, không ra ngoài một thể giác biết chính mình mà tâm mình không hề chút gợn biến đổi. Tại vị tăng này khi nghe nói con chó thì bất giác bị kẹt trên đó nên tánh giác biết "như thị" không còn hiện tiền.

Nếu ngay đó biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế thì đã chẳng sanh pháp tướng. Còn mất “như thế”, có niệm thứ hai thì pháp tướng liền sanh.

Qua đó mới thấy tình thức của mình rất là vi tế chứ không phải thường. Vì thế cần phải có công phu khá ổn định và miên mật thì mới có sức mạnh, còn nếu chỉ nói, hiểu thì có thể thấy là đúng, nhưng khi chưa có sức giác cao thì cũng không phải là dễ dàng vượt qua. Nói vậy có phải là khó quá không? Tự mình thấy được, cảm nhận được và làm được thì đâu phải là khó. Quý thầy nhắc liên tục để quý vị biết trân quý giá trị của nó mà thực hành thôi chứ không phải là quá khó. Việc này quý vị phải chịu thực hành chứ không phải chịu khó. Có khó đâu mà chịu khó, chỉ cần mình biết chấp nhận, chịu làm là được. Dĩ nhiên khi làm thì đừng mong được liền mà cất bước thì sẽ đến. Khi tỏ được chỗ đó rồi thì mới cảm thông được lời của Vua Trần Nhân Tông nói trong bài phú “Cư trần lạc đạo” lúc Ngài còn làm Thái Thượng Hoàng tại triều:

Chơi nước biếc, ẩn non xanh
Nhân gian có nhiều người đắc ý.
Biết đào hồng, hay liễu lục
Thiên hạ năng mấy chủ tri âm.

Chơi nước biếc, dạo sông hồ, ẩn non xanh, dạo chơi nơi núi rừng thì có nhiều người thích, ai cũng muốn đi. Nhưng mà biết đào là hồng, biết liễu là lục, mà biết chỉ là biết sáng rỡ, rõ ràng như vậy, thì trong thiên hạ mấy ai là người biết và cảm thông được trong đó? Chỉ có người biết được mới là tri âm của Ngài. Hàng ngày cũng sống trên tất cả cảnh sinh hoạt bình thường, nhưng điểm chính yếu là biết đào hồng, hay liễu lục mà không sanh pháp tướng thì người đó mới là tri âm của Ngài. Khi xứng là tri âm rồi thì:

Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng,
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm.

Tức là nếu chúng ta biết chỉ là biết một cách rõ ràng, không một niệm thứ hai xen vào thì mới xứng là kẻ tri âm chân thật của nhau. Mà đã là tri âm rồi thì nào là nguyệt bạc, nào là vừng xanh, hễ nhìn bất cứ chỗ nào cũng đều là một biển thiền lai láng không ngằn mé; nào là liễu mềm, là hoa tốt, nơi nơi đều là vầng trí tuệ rạng ngời, bất cứ nơi nào Phật tâm cũng luôn hiện tiền sáng rỡ. Cuộc sống mới thích thú lạ làm sao!

Vua Lý Thái Tông một hôm vào trong núi thăm Thiền lão Thiền sư, Vua hỏi:

-    Hàng ngày Hòa thường làm gì?

Thiền sư trả lời:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Vua hỏi việc hàng ngày của thiền sư là gì? Nếu là người đang quên mình theo vật, theo cái sanh diệt bên ngoài thì có thể trả lời là cuốc đất, làm rẫy, nhổ cỏ… Nhưng đối với thiền sư, hỏi việc hàng ngày tức là hỏi chỗ sống chính mình, Ngài nói: “Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong mây bạc hiện toàn chân”. Toàn một tánh chân rờ rỡ không một vết mê thì trước bao nhiêu cảnh, trên tất cả sinh hoạt hằng ngày cũng chỉ thuần là một tánh chơn, Như Lai đang hiển hiện bàng bạc trên đó. Tâm tịnh, tâm chơn thì cảnh tịnh, cảnh chơn. Ngay tướng mà tánh hiện rõ thì cảnh cảnh không ngoài một tâm chơn đang sáng rỡ nơi Ngài. Cho nên ngoài tâm không một pháp. Sống được như vậy thì còn thấy có cái gì để lìa, để tách, để xa nữa không? Sống được như vậy, tất cả mọi thứ đều không ngăn ngại thì có gì vui bằng! Người sống được như vậy thì lúc nào, làm gì, Phật cũng đang hiện tiền, ngay đó đã giải thoát sanh tử.

Khi có người thưa hỏi gia phong, Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

Áo rách che mây, sáng ăn cháo
Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.

Việc nhà mình là gì? Là tạm mượn áo rách như mây để tạm che thân, buổi sáng ăn cháo, là chiếc bình xưa tưới nguyệt, tối đến thì uống trà. Tâm như thì cảnh cảnh đều như. Việc nhà chỉ là việc sinh hoạt bình thường, nhưng việc việc đều rờ rỡ, giác sáng, không động, Phật đang hiển hiện rõ ràng trên đó. Tâm đã thuần chơn thì làm việc gì Phật cũng hiện tiền, đó là gia phong của Sơ Tổ.

Cũng hỏi đến gia phong, Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói:

Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp,
Lười câu cá suối khiến hạc tranh.

Cũng là những việc đó, nhưng khác với chúng sanh như thế nào? Đó là Nhàn và Lười. Chúng sanh ném trái rừng thì thường rộn, câu cá suối thì thường sốt sắng, nôn nao. Lòng đã rộn ràng thì dù cho ngồi một chỗ vẫn bận rộn. Với Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ thì sao? Khi trong lòng không một vật, tuy làm tất cả việc mà vẫn nhàn. Tâm không theo trần thì chính là lười biếng với trần cảnh. Nếu chúng ta nhàn và lười được như Ngài thì có lúc nào Như Lai vắng bóng?

6. KIẾN ĐƯỢC PHẬT TÂM THÌ LIỄU SANH TỬ NHƯ THẾ NÀO?

Như vậy, khi nhận và sống được trọn vẹn bằng Phật tâm thì trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, mình đều thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc, còn gì trói buộc. Ngay khi còn sống trong cõi đời mà con người cho là đau khổ, là phức tạp mà mình vẫn an lạc, thanh thoát, nhẹ nhàng. Rõ được cuộc đời thì không bị cuộc đời trói buộc, như vậy là liễu được sanh. Nếu hàng ngày thảnh thơi thì khi chết có bị níu kéo, có buồn đau hay vướng víu gì không? Nếu khi sống lo cho cái nhà sao cho đẹp thì khi chết tâm bị vướng kẹt dứt không đành. Còn hàng ngày tâm không vướng bận một điều gì thì khi nhắm mắt, vật nào mà có? Tâm không một vật thì an nhiên ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thoát.

Hàng ngày trong cuộc sống không bị hoàn cảnh chi phối, đó là liễu sanh. Khi chết không có gì vướng víu mà an nhiên giải thoát, đó là liễu thoát, là thoát tử. Như vậy, nguyên nhân được liễu sanh, thoát tử là do chúng ta nhận ra và sống trọn vẹn bằng Phật tâm chính mình. Đây cũng chính là chỗ chư Phật, chư Tổ dạy “Kiến Phật liễu sanh tử”.

Chư Phật, chư Tổ giải thoát sanh tử không ngoài việc nhận và sống bằng tâm Phật. Cho nên, nếu mình thấy được Phật tâm, nhận được Phật tâm và sống trọn vẹn bằng Phật tâm một cách liên tục thì sẽ có sức mạnh. Đó chính là năng lực làm cho cuộc đời này không chi phối được mình. Không chi phối chính là mình làm chủ được sanh tử, giải thoát được sanh tử.

Nãy giờ quý vị nghe và đã hiểu hết rồi, việc kế tiếp là phải thực hành để được kiến Phật, qua khỏi sanh tử. Nghe rồi, hiểu rồi, cũng biết việc kế tiếp là phải thực hành nữa rồi. Nhưng thực hành là việc của ai? Có ai làm thay cho mình được không? Không ai thay thế cho ai được cả. Đó là quyền lợi và việc riêng của chính mỗi người. Cuối cùng, quý thầy chúc toàn thể quý vị kiến Phật một cách trọn vẹn để mình không còn bị khổ trong sanh tử nữa.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.


Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1194266
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2517
4486
18783
1147600
79269
118095
1194266