Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Môi Trường Tu Học Lý Tưởng

 

 

TT. Thích Tâm Hạnh phát biểu tại Buổi gặp mặt giữa Chư Tôn Đức tham dự Khóa tu trụ trì và  lớp Cao Đẳng Chuyên Khoa Thiền – Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức

 

1.XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀNH GIẢ TU PHẬT

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Ngưỡng bái bạch trên Sư ông chứng minh. Kính bạch trên Hòa thượng Trưởng Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Kính bạch chư Tôn đức Đại Tăng. Kính thưa toàn thể đại chúng Tăng Ni đang có mặt.

Vâng lời chỉ dạy trên Hòa thượng Trưởng Ban quản trị, con xin phát biểu một vài cảm nhận của con đối với huynh đệ đang tu học tại Trường Thiền.

Xuất thân từ Thiền viện Thường Chiếu, con đã được trên Hòa thượng Tông chủ, Hòa thượng Trưởng Ban quản trị cùng chư Tôn đức nuôi dạy, uốn nắn, rèn luyện mà thành. Tuy thời gian tu học chưa nhiều, khoảng 35 năm, nhưng cũng đủ cho con đúc kết và xác định được con đường hướng tiến Phật đạo: Tu và học, đạt đến giác ngộ giải thoát.

1.1.  Ngàn xưa, thời đức Phật

Từ ngàn xưa, thời đức Phật, một vị xứng đáng đệ tử của đức Thế tôn phải là “Đa văn Thánh đệ tử”. Muốn đa văn thì phải học thông các diệu nghĩa. Muốn xứng nghĩa Thánh thì phải quyết tâm tu tập chứng ngộ. Như vậy, cốt lõi phải tu và học song hành.

1.2.  Thời chư Tổ

Thời chư vị Tổ đức, quý Ngài nhận ra một bậc pháp khí có lợi cho đạo qua bốn phương diện: Đạo, học, hạnh, nghi. Muốn có đạo thì phải nỗ lực tu hành đúng đạo, hợp đạo, khế hợp đại đạo vô sanh, suốt thông, tỏ rõ tánh sáng, đạt đến sáng đạo, kiến tánh hay ngộ đạo. Nói về pháp học thì phải ra sức học tập, nhớ, hiểu, thâm nhập; sẽ viên thông, phát minh, mới có lúc suốt thông diệu chỉ Phật Tổ. Một người có hạnh được biểu thị qua việc sống đúng phép tắc, kính người trên, tôn trọng nhún nhường và giúp đỡ người dưới; hành xử tế diệu, hợp đạo. Bàn về nghi tức sống đúng oai nghi, đi đứng đúng phép, động tĩnh thanh thoát, tôn nghiêm, tiến thoái đúng thời, tự tại.

Giỏi pháp học, suốt thông pháp hành, trung chính không ỷ lại, động tĩnh tôn nghiêm, nói ít nhưng lý đủ; trên bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào cũng luôn tỉnh sáng, đầy đủ pháp nghi, tôn dung nhẹ nhàng, hoan hỷ, từ ái, đây là biểu hiện của một bậc đại khí trong Tùng lâm. Muốn đạt được như vậy, hành giả phải siêng năng và miên mật trong hai việc trọng yếu: Học và tu.

1.3.  Hiện nay

Hòa thượng Tông chủ chủ trương Thiền giáo song hành, tức là học và tu đồng thời, không có trước sau. Học, tức Thiền sinh phải học thông, hiểu thấu, suốt tột diệu lý Phật Tổ. Tu, vừa thực hành công phu trong cảnh tịnh tọa thiền… cho đến trên cảnh động, như là lao động, rèn luyện thân tâm, ông chủ luôn hiện tiền.

Có học, mới nắm được đường lối, phương pháp để thực hành. Đồng thời, soi thấu đến các chỗ còn ẩn khuất chưa sáng trong tâm, tránh các sai lệch. Có tu, mới có nội lực làm chủ tự thân. Từ đây, các hoặc lậu vắng bóng, trí tuệ sáng ngời. Phải rèn luyện trong các công việc, vượt qua được đúng sai, nóng lạnh, nhọc khỏe, trái ý hay thuận tình… thì mới ngăn ngừa được các tình tệ. Nếu chỉ học hiểu thì mới đạt được tiêu chí giáo dục. Phải ứng dụng và rèn luyện để được nấu chảy phàm tình, đúc thành thánh trí, mới đúng nghĩa đào tạo, làm thành. Ba phương diện: Học, tu và lao động rèn luyện đã trở thành kim chỉ nam để giáo dục và đào tạo các Thiền sinh trong các Thiền viện.

1.4.  Tiêu chí giáo dục và đào tạo hành giả tu Phật

Xét từ ngàn xưa Phật Tổ, cho đến chư Thiện tri thức hiện tại và thực tế nơi bản thân mỗi người, cho thấy, tiêu chí giáo dục và đào tạo hành giả tu Phật là học và tu đồng thời để sửa trị thẳng vào hai phần căn bản thân và tâm, mới đạt đến kết quả như nguyện: Giác ngộ - Giải thoát. Đây là phương cách đào tạo: Tri hành hợp nhất, để thực tập ngôn hạnh tương ưng, mới có lúc đạt đến hạnh giải tương ưng, noi dấu, nối gót Phật Tổ.

Một hành giả đủ tư cách chống đỡ Tông thừa, không gì hơn là phải đạt hai tiêu chí: Tông thông và Thuyết thông. Muốn Thuyết được thông thì phải thực học, kết hợp với ứng dụng thực hành công phu. Muốn Tông được thông thì phải quyết chí tu hành đạt đến ngộ tâm. Khi tông thuyết đều thông, người này có nanh vuốt hướng thượng, tùy thời nhổ đinh tháo chốt, ngay đó vẹt tan lớp lớp mây mờ, cho hành giả nhận thẳng tự tánh; gọi là giáo hóa độ sanh. Hướng đào tạo Thiền sinh các cấp trong Trường Thiền nói riêng và Thiền sinh Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam nói chung nhất quán thẳng tắt như vậy. Không phải nói suông là được mà cần phải có môi trường tu học lý tưởng để thực hành. Đồng thời, phải có chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu.

 

2. MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG THIỀN TÔNG MÔN

Hiện tại, Tông Môn có Trường Thiền (Trung Cấp Phật Học). Lớp Tăng đặt sau khuôn viên Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu. Lớp Ni tại Thiền viện Linh Chiếu và Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Viện Ni. Bên cạnh đó, có lớp nâng cao cấp học là Cao Đẳng Chuyên Khoa Thiền. Lớp Tăng đặt tại Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Viện Tăng. Lớp Ni đặt tại Thiền viện Linh Chiếu và Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Viện Ni.

Nói là trường, nhưng Thiền sinh ở trong môi trường khép kín chuyên tu. Có thời khóa học và thiền tọa dụng công miên mật. Không gian là những Thiền viện thanh tịnh trang nghiêm, Thiền sinh sống trong tinh thần lục hòa, nhất mực tuân thủ theo Thanh quy Thiền phái Trúc Lâm mà Hòa thượng Tông chủ đã biên soạn. Đa số các bộ môn đều xoáy sâu vào nội điển, có tính ứng dụng cao vào việc tu tập.

Đầu vào các Thiền sinh trong Lớp Cao Đẳng Chuyên Khoa Thiền hiện tại phần lớn là các Thiền sinh đồng chơn nhập đạo, tức là được nuôi dạy và lớn lên từ các chú tiểu tại La Vân Tuệ Uyển (Thiền viện Thường Chiếu). “Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo”. Nghĩa là, ra đời ở những nơi có văn hóa, vừa lớn thì gặp bậc thầy sáng mắt (ngộ tâm), có niềm tin sâu một cách đúng đắn của chánh pháp, còn thơ, chưa có gia đình đã xuất gia học đạo. Đây là một trong những tâm nguyện cao cả đã được chư Tổ tiền bối biên tập vào lời kinh để đọc tụng mỗi khuya. Trải qua nhiều thế hệ, nay đã trở thành lý tưởng của những vị chân tu muốn khắc ghi để tạo thành dấu ấn cho nhiều đời sau sanh ra, mong được như vậy. Hiện nay, đầu vào các Trường Phật Học đặt tại các Thiền viện Tông môn phần lớn là các Thiền sinh hội đủ tất cả những gì cao quý nhất như chư vị tiên giác đã từng uẩn tố. Do vậy, các Thiền sinh tu học tiến bộ rất nhanh.

Tiêu chí của Trung Cấp chỉ học hiểu, ghi nhớ. Lên cấp Đại học mới yêu cầu nhận định, phát minh. Tuy nhiên, các Thiền sinh trong lớp này đã theo tiêu chí cấp Đại học ngay từ khi còn ngồi lớp Trung Cấp. Ban đầu quý vị than khó, quý Thầy giáo thọ khuyến khích phải cố gắng lên, mới giỏi được. Có lúc chư Tôn giáo thọ thấy vậy định giảm chương trình học thì các Thiền sinh lại khóc và xin đừng giảm xuống. Nhờ chí cầu tiến như thế cho nên việc tu học của các Thiền sinh tiến bộ đáng kể.

Qua một quá trình học và tu, đủ duyên ra gánh vác Phật sự, quý Thầy đã làm thành các Phật sự nhờ vận dụng những gì đã học và tu vào cuộc sống. Gặp bất kỳ tình huống nào, quý Thầy tự hỏi: “Trong hoàn cảnh này, ở vào tình huống này, Hòa thượng Tông chủ, Hòa thượng Trưởng Ban quản trị đã ứng đối như thế nào?”. Quý Ngài nói hay im lặng, trả lời hay chỉ mỉm cười, hoan hỷ chỉ dạy cặn kẽ hoặc cười thông qua hay nghiêm nghị không nói… Chưa thuộc bài thì còn tự hỏi để nhớ và tìm ra cách giải quyết. Đã thuộc rồi thì gặp duyên, liền ứng hiện kịp thời như từ sản phẩm của mình. Tất cả được vận dụng một cách linh hoạt vào trong từng tình huống hoặc hoàn cảnh xảy ra, nhờ vậy quý Thầy đã có những thành tựu nhất định. Hiện nay, chư huynh đệ đang sống trong môi trường tu học bên cạnh Hòa thượng Tông chủ và Hòa thượng Trưởng Ban, song song với việc học hỏi trên lớp, quý vị nên tranh thủ học ở hành tàng của quý Ngài. Có khi là lời dạy, có lúc trong từng cử chỉ, hành động… được như vậy, chắc chắn các huynh đệ sẽ thành toàn được lý tưởng tu hành bằng vào những thắng duyên đời này mình có được.

 

3. KẾT LUẬN

Tất cả sự tiến bộ đáng khích lệ vừa nêu trên, bên cạnh yếu tố nỗ lực tự thân của mỗi Thiền sinh, còn nhờ vào môi trường đào tạo tu học lý tưởng. Trong một không gian được gọi là trường, nhưng lại nằm trong chân trời thênh thang của các Thiền viện. Học, tu và rèn luyện để vượt thoát ngưỡng giới hạn của phàm tình, đạt được giác ngộ, tự tại giải thoát. Đây là tiêu chí giáo dục và đào tạo trong nhà Phật, cũng chính là tôn chỉ và mục đích của đạo Phật. Mỗi huynh đệ nỗ lực đúng hướng, chắc chắn sẽ đạt được kết quả như nguyện, đạt được lý tưởng của người tu Phật nói chung và mỗi người xuất gia của chúng ta nói riêng. Mong mỗi huynh đệ nhận ra một cách rõ ràng để an lòng, quyết tiến, sẽ viên mãn được sở nguyện tu học, giác ngộ, tự tại, tiêu sái.

Trên đây là một vài điểm đặc biệt, con xin trình bạch trên Hòa thượng Trưởng Ban quản trị chứng minh. Đồng thời, trình bạch lên chư Tôn đức Đại Tăng chứng tri và hoan hỷ với lớp đang theo học dưới sự đào luyện của Tông môn. Hòa thượng Tông chủ nói: “Tôi muốn Phật pháp hay là con đường của Thiền tông, ngọn đuốc của nhà thiền sẽ soi sáng, soi sáng mãi, không dừng không tắt. Chẳng những soi sáng một nơi mà soi sáng trùm hết. Đó là mong đợi, là ấp ủ trong lòng tôi”[1]. Môi trường tu học với những điểm độc đáo này, chắc rằng chư Tôn đức Đại Tăng sẽ rất phấn khởi khi thấy rằng, tiếp theo mình là những đàn em có học, có tu, có tài, có đức thì ngọn đuốc Thiền tông chắc chắn sẽ được thắp sáng. Sự mong mỏi của Sư ông đến nay đã được Hòa thượng Trưởng Ban quản trị hiện thực hóa bằng tất cả việc làm mà Ngài đã tiếp nối trọng trách của Sư ông giao phó, trong đó có việc tạo điều kiện cho đại chúng tu học. Huynh đệ ở đây đang tiếp bước một cách rõ ràng chứ không phải dừng lại trong sự mong muốn nữa.

Lời tuy vụng về, ngắn gọn, nhưng bằng tất cả tấm lòng và sự cảm kích, con xin kính dâng trên Hòa thượng Trưởng Ban quản trị chứng minh cho tấc lòng của con. Đồng thời, con kính dâng lên chư Tôn đức Đại Tăng chứng minh và hoan hỷ cho huynh đệ ở đây đang có những bước tiến đặc biệt như vậy.

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

 



[1] Hoài Bão Của Tôi, trong Trọn Một Đời Tôi, Thanh Từ Toàn Tập, Tập 37, Tr. 601-602.

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1194144
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2395
4486
18661
1147600
79147
118095
1194144