Thứ Bảy 21/9/2024 -- 19/8/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Việc Của Trụ Trì

TT. Thích Tâm Hạnh

Bài viết tham dự buổi thảo luận tại Khóa họp mặt Chư Tôn Đức Trụ trì tại TV Thường Chiếu.

Trụ trì gồm những việc gì? Thiền sư Tuyết Phong nói: “Trụ trì nhiều việc”. Ngài nói với hàm ý khác, nhưng trên thực tế, Trụ trì nhiều việc thật. Như thế, có giống với thế gian bận bịu nhiều công việc hay không? 

Tính chất và loại hình công việc có thể khác nhau, nhưng nếu ở trên công việc để bàn thì chúng cùng chung một đặc điểm là loạn động, sanh diệt. Như thế, chưa rời vô thường biến hoại, còn khổ đau. Do đó, ở đây không bàn đến tính chất và loại hình công việc, chỉ quan tâm bản chất của nó được đặt trên nền tảng căn bản nào? Cụ thể, lấy gì làm nền tảng để vận hành? Các công việc được đặt trên nền tảng căn bản nào? Đứng ở đâu, ở vào vị trí nào (động hay không động) để vận hành tất cả? Đây là điểm khác biệt giữa đời và đạo, giữa hành giả khéo tu và chưa khéo dụng công.

Nếu đặt mọi công việc trên nền tảng của loạn động sanh diệt, tức là ở trong tâm loạn động để làm thì hãy còn mê, sẽ bị khổ não. Nếu là bất động vô sanh, trở lại tự tánh giác sáng không động để vận hành Phật sự thì tất cả như như, tự tại giải thoát. Sống, sinh hoạt, vận hành công việc của hành giả tu Phật nói chung và của người Trụ trì nói riêng so với thế gian khác nhau là ở chỗ này. Và ở trên nền tảng tự tánh vô sanh để thừa hành các Phật sự giáo hóa độ sanh, đây là việc của Trụ trì.

Phương cách thực hiện con đường này gồm 2 phần: Không làm mà tự thành và phải chu đáo trong các phần nhiệm.

1) KHÔNG LÀM MÀ TỰ THÀNH

Là có làm mà vẫn không làm? Hay ngồi yên, không làm gì cả mới được gọi là không làm? Cả hai đều nhằm trên tướng của công việc để bàn nói, không thể suốt tột đến chỗ không làm này.


Thiền sư Y Am Quyền mỗi ngày đến chiều thì rơi lệ và nói: “Ngày nay lại chỉ thế ấy mà qua suông, chưa biết ngày mai công phu thế nào!”. Sư sống trong chúng không nói một lời, bình đẳng với mọi người. Có lần ngồi thiền từ tối suốt đến sáng, người đem cháo đến mà Sư quên mở bát. Người bên cạnh lấy tay lay Sư, Sư cảm ngộ trình kệ. Khi ra trụ trì, mọi người đều cung kính, trật tự đâu đấy như vào phủ quan. Tuy trụ trì nhưng Sư vẫn cùng với chúng làm lụng cực khổ. Có người khuyên, trụ trì nên ngồi yên diễn nói pháp, Sư đáp: “Chẳng phải vậy. Tỳ kheo thời mạt pháp tăng thượng kiêu mạn, chưa được cho là được liền muốn tự buông lung. Tôi lấy thân để dẫn đầu còn e họ chẳng nghe theo, huống nữa là tự an ổn!”.

Có thể thấy, khi ra Trụ trì, mọi Phật sự của Sư thuận duyên trôi chảy, đâu vào đấy, tất cả trật tự như người đi vào dinh phủ của quan. Nhưng hằng ngày Sư vẫn cùng với chúng làm lụng vất vả. Cho thấy, Sư rất siêng năng trong các công việc, tức là có làm. Nhưng mọi sự vận hành công việc, Phật sự, cho đến đời sống tu hành của đại chúng trong bổn viện tự động vào nề nếp thì như là không làm gì cả. Như vậy, Sư có cực mà không khổ, bận nhưng không rộn, từ đâu có được công đức này?

Là đời sống hằng ngày của Sư. Tinh tấn, quyết tâm tu tập cho sáng đạo. Đến chiều thì kiểm lại công phu để tự sách tấn. Có lúc tọa thiền từ tối suốt đến sáng, người đem cháo đến mà Sư quên mở bát, chứ không phải chỉ tu cầm chừng qua ngày, nên mới có lúc bừng ngộ.

Sống trong chúng không nói một lời, bình đẳng với mọi người. Đây là biểu hiệu nghiêm mật mà nhẹ nhàng. Không nhìn theo tướng bên ngoài, tâm ngô ngã, thị phi, đấu tranh, hơn thua đã lặng. Đây là giai đoạn ngài còn dụng công, chưa ngộ, nhưng do quyết chí nên công phu đã thuần, tâm đã an lắng và rạng ngời tự sâu thẳm bên trong, không còn lăn tăn gợn tí. Từ đây bủa ra tất cả hạnh nghi, sống, hành xử và làm việc khế hợp đạo lý chân thật cho nên sau khi ra Trụ trì, đầy đủ muôn vàn công đức.

Tâm đã ngộ, trí đã sáng, đạo đã đủ, đức đã dày, các hạnh không khuyết, hành hoạt tự tại linh thông thì tất cả tự viên thành. Gặp việc chỉ là diệu dụng. Ứng ra làm là bày cái thể trên cái dụng chứ không phải tạo tác sanh diệt. Khi không việc thì lặng yên, bặt dấu vết, tánh thể toàn bày. Nhưng gặp duyên thì liền ứng hiện không ngăn ngại; đây là ẩn cái dụng trong thể. Như thế, trí và đức tròn đủ, lý và sự viên dung, không nằm ở chỗ có làm việc hoặc ngồi không để bàn nói.

Nhờ vào siêng năng tu tập, cần mẫn, lập hạnh, sống đời phạm hạnh, khéo làm mọi việc trong nhẹ nhàng, không tạo tác, khi nhân duyên hội đủ thì tất cả tự thành tựu như vậy. Đây là điểm đặc biệt trong nhà Thiền. Làm tất cả vẫn như chưa làm gì cả, như ngồi không mà tất cả đã làm xong. Ở đây tạm gọi ‘Không làm mà tự thành’.

 

2) CÓ LÀM – CHU ĐÁO TRONG CÁC PHẦN NHIỆM

Là một Trụ trì chịu trách nhiệm chủ hóa một phương, phải trôi tròn các phần nhiệm, không để khiếm khuyết. Công việc tuy nhiều, nhưng tựu trung nằm trong hai nhóm: Việc cốt lõi chính yếu và các công việc tùy thuận do nhân duyên phát sinh.

2.1. Việc cốt lõi chính yếu

Trọng tâm của người xuất gia tu Phật hướng đến, không gì khác hơn là giác ngộ giải thoát. Một cách thẳng thắn, muốn đạt được lý tưởng ấy, chư vị Tổ sư, các Thiền sư nói ‘Kiến tánh khởi tu’. Bước vào nhà Thiền, hành giả phải xác định ngộ tâm, tâm này mới cho hành giả tự tại tiêu sái. Cho nên, đây là việc chính yếu mà một vị Trụ trì phải dốc tâm thực hiện cho bằng được. Chính mình phải sáng mắt mới đủ tư cách dẫn đường. Đồng thời, giáo hóa người học cũng tự thân chạm đến điền địa ấy mới thực sự vì nhau. Việc này các bậc Tổ đức luôn để mắt, nhấn mạnh.

Một cách thiết thực, luôn ở ngay tự tánh giác sáng chính mình để ứng các duyên. Làm tất cả công việc đều không thấy khác với tánh ấy. Không có một giá trị nào bên ngoài có thể xứng đáng để đổi lấy công phu. Do đây, sống đầy trách nhiệm, luôn nhẹ nhàng, hoan hỷ. Siêng năng tích cực trôi tròn các phần nhiệm, nhưng thấy tất cả đều như huyễn, không động. Vừa thoáng thấy biết theo công việc, liền sáng lại tánh mình. Luôn luôn như thế, lấy đây làm sự sống chính mình. Mảy may khác đi, giống như mạng căn sắp đoạn mất, thâm tâm tự không chấp nhận, không chịu được. Không nằm trên lý thuyết mà phải là một sự thắm đượm đã biến thành bản chất, căn cốt của một con người chuyên tâm. Không phải cao hay thấp, mà đây là phần việc chính yếu bắt buộc phải thực hiện một cách nghiêm túc, liên tục và bằng được. Có thế mới nếm được hương vị lạc an thanh thoát, không cô phụ nhân duyên thù thắng một đời may mắn có được.

Chính mình thực hiện và sống được, sẽ nhận ra giá trị tuyệt đối của việc sống bằng bản tâm. Từ đó, hướng tiến những người hữu duyên quyết tử đạt được như thế. Tất cả các việc làm như là giảng dạy, hướng dẫn tu hành cho đến chấp tác hoặc nhiều hoạt động khác, nhất nhất đều nhắm đến mục đích phải sáng tâm, giác ngộ. Ngoài ra, không có việc nào khác quan trọng hơn.

Trên cơ sở lập trường đó, vị Trụ trì sẽ vận dụng tạo mọi điều kiện thuận duyên cho việc hạ thủ. Giảng dạy giáo điển căn bản cho đến các nội dung chuyên sâu. Phân bố thời khóa tu tập thích hợp, không rơi vào cực đoan quá căng để phải bị phản ứng phụ, cũng chẳng phải dễ dãi cho phàm tình chen vào, khiến chướng đạo. Khéo léo sắp xếp công việc và đời sống sinh hoạt hợp lý để giúp hành giả rèn luyện, tiến đạo. Quá khó sẽ không ai theo nổi. Dễ dàng thì thêm lớn phàm tình, phát sanh tình tệ. Hơi khó một tí để nỗ lực phấn đấu thì việc tu hành sẽ tiến bộ.

Nói chung, để đào tạo hành giả tu hành ngộ tâm, trước tiên phải tạo dựng được một môi trường tu học lý tưởng. Tiếp theo đó, vị Trụ trì phải có trí tuệ, để tâm rất mực và vận dụng hết sức khéo léo để sắp xếp việc học, thời gian tu và chấp tác rèn luyện một cách hợp lý, đúng đạo, dồn về một mục đích sáng tâm, mới hy vọng có người đạt đến.

Đã có môi trường chuyên tu lý tưởng, nhưng nếu thiếu ý chí, hành giả sẽ không thể quyết tu một cách dứt khoát, mạnh mẽ. Đã đủ quyết chí dũng mãnh, nhưng thiện căn chưa đủ thì cũng không thể trụ lâu để công phu. Đủ các điều kiện trên, nhưng chủng duyên chưa sâu dày thì cũng không thể đi dài hơn trên lộ trình quyết tu đến sáng đạo. Biết vậy, vị Trụ trì có trách nhiệm nhìn ra căn cơ của từng hành giả để hướng dẫn, vun bồi những kém khuyết, luôn luôn quan tâm một cách sâu sát như mỗi sáng tưới tẩm, chăm tỉa vườn hoa, may ra mới đào tạo được những bậc pháp khí có lợi cho đạo.

Khi đã nhận ra, sống và làm việc được như vậy rồi thì từ trí tuệ trung đạo cho đến các đức dụng: Khiêm hòa, trang nghiêm, từ bi, bao dung, kiệm đức… tất cả vốn tự đầy đủ.

Biển cả không chứa tử thi, tự tánh mỗi người vốn không một vật, vắng bóng quấy ác. Nếu nói trì giới thì trong ấy giới tự tròn đủ. Một vị Trụ trì sống, tu hành và thừa hành Phật sự bằng việc trọng tâm chính yếu này thì một bề sống đạo, chuyên tâm về đạo, các tình tệ tự lìa, thân tâm thanh tịnh. Trên cơ sở đó, cách hành xử, việc làm cũng tự đúng như pháp, như luật đức Phật đã chế định. Một vị Thầy sáng mắt, đời sống có đạo hạnh, mỗi mỗi hành động, việc làm đều đúng với chánh pháp và giới luật, sẽ đủ tư cách hướng dẫn cho người sau.

Đứng trước tình huống phải lựa chọn lấy một trong hai: Được việc thì tổn thương con người, mà được nhân tâm thì hỏng công việc, vị này sẽ ưu tiên chọn con người trước, bởi trong tâm có đạo. Công việc có thế nào thì sẽ tìm cách xử lý cho tốt sau. Trụ trì có đạo thì đệ tử cũng có đạo. Cứ như thế, sẽ có một tập thể đạo tràng có đạo, sống với nhau bằng lý tưởng cao thượng, tạo nên một cõi giới Phật đạo tại tiền.

Sống bằng tánh mình, năng lượng, nội lực đong đầy, khiến cho vị Trụ trì có tâm từ bi bao dung rộng lớn, có đời sống mạnh mẽ, lạc quan, tích cực trong vai trò và trọng trách của mình: Hoằng dương chánh pháp, hướng dẫn Phật tử, tiếp chúng độ Tăng, tổ chức tu hành tự viện, trông coi công việc bổn viện… mỗi mỗi đều được dung thông, thành tựu. Tất cả các việc làm đều được vận hành thực hiện trên nền tảng như thế, chính là việc trọng yếu của người Trụ trì.

 

2.2. Việc tùy thuận do nhân duyên phát sinh

Cuộc đời luôn có nhiều biến đổi, công việc luôn có những phát sinh. Bên cạnh việc trọng tâm thiết yếu là tu hành đạt đến giác ngộ giải thoát, luôn có nhiều việc khác do bối cảnh và con người đương thời mà có ra. Nếu bất chấp, ngoảnh mặt quay lưng, chúng ta bị đào thải. Nếu lao vào, sẽ bị dòng xoáy nhấn chìm, cuốn trôi. Do vậy, bắt buộc phải khéo tùy thuận, nhưng không để đánh mất việc chính, mới là người có trí tuệ.

Cổ đức nói:

 “Đáo xứ tùy duyên quân tử chí,

Nhập thiền phương tiện trượng phu tâm”.

Đi đến bất cứ đâu, ở vào bất kỳ hoàn cảnh nào, chí của bậc xuất trần bao giờ cũng uyển chuyển tùy duyên được, không ngăn ngại. Trước một xã hội ngày càng có nhiều cám dỗ đến độ mạnh mẽ và tinh vi, chắc chắn là một thách thức đối với việc tu tập. Tuy nhiên, xét cho cùng thì tất cả chưa ra khỏi vô thường sanh diệt cho nên chúng không có giá trị lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Phật Tổ có xuất hiện lúc này thì quý Ngài cũng tự tại như thường. Bởi sức tự tại nằm ở tâm chứng, không phải ở các cảnh duyên nhiều hay ít, thuận hay nghịch.

Chúng ta là hàng đệ tử quý Ngài, đặc biệt Trụ trì là người thay Phật Tổ để hoằng dương đạo này cho nên cũng phải học tập, tu hành, cố gắng phần nào đạt được như vậy, không ngại khó. Có vậy mới tùy thuận tốt để làm thành Phật sự hướng đến giác ngộ, chứ không phải trôi vào các biến tướng trá hình của lợi danh.

Trước tiên, chúng ta phải biết rõ, đây là công việc có ra do bối cảnh và căn cơ, không phải chân lý cứu cánh diệt khổ. Bởi có làm tròn toàn vẹn đến đâu thì những thành tựu ấy cũng không đưa con người đạt đến giác ngộ giải thoát được. Công việc hay sự việc có giá trị và quan trọng như thế nào thì cũng chỉ nằm trong phạm vi của cõi Ta-bà, không có giá trị lớn hơn cõi tạm. Xác định rõ ràng, không nhầm lẫn giữa việc chính và việc phụ để phải sai lầm đầu tư nhiều vào việc phụ, bị chi phối, tán loạn đạo tâm. Phải đảm bảo mình không dính mắc trên sự kiện, công việc; thực sự quý trọng việc tu hành, bằng mọi giá không để đánh mất công phu thì mới không bị cảnh duyên lừa, vọng tưởng gạt. Từ đó, tâm tâm niệm niệm miên mật bảo nhậm công phu để tùy duyên ứng hiện trên các công việc. Được như thế, mọi việc đều chu toàn, nhưng vẫn thuận với đạo giác ngộ giải thoát.

Ứng nơi đây để thừa hành các phần việc liên quan trong đời sống tu hành và xã hội, đạo Trụ trì sẽ được hoàn bị, mỹ mãn. Đây là các công việc tùy thuận do nhân duyên phát sinh mà người Trụ trì phải khéo léo trôi tròn.

 

2.3. Đạt đến rốt ráo viên mãn

Khi còn trên đường dụng tâm hoặc bảo nhậm, trong thô hoặc tế thì còn thấy đây là việc chính yếu, kia là việc phụ phát sinh để khéo điều hòa, dung nhiếp. Cứ như thế để tu hành, bảo nhậm công phu, sẽ có lúc đạt đến rốt ráo viên mãn. Việc trọng tâm không còn là một bề quay về tự tánh, nhưng cũng chẳng phải lao ra. Việc phụ tùy duyên, cũng không phải là việc gì khác bên ngoài. Lúc này, toàn tâm là tánh, tức tướng tức tánh, tánh tướng thường trụ. Không phải một, cũng chẳng phải khác, chỉ là tất cả toàn bày, rành rẽ rõ ràng mà chẳng phải phân biện kia đây. Cứ thế tùy thời ẩn hiện, uyển chuyển vào ra một cách tự tại linh thông, vẫn không tướng trạng. Sống và điều hành Phật sự như vậy, sẽ vượt thoát ‘có làm và không làm’ để đưa đến sự thành tựu viên mãn như nguyện.

Tuy chưa hằng nhiên, nhưng cần phải có hướng tiến để nỗ lực thì mới không sai đường, mới có ngày đạt đến viên mãn. Quyết chí dứt khoát một bề hướng tiến mạnh mẽ như vậy, vọng tình không có cơ hội tốt, trí tánh rạng ngời. Việc tu hành lúc này là một sự lạc an ngập tràn, niềm vui lắng sâu nhưng thênh thang vô hạn. Không rời tự tánh, đúng nghĩa ‘trụ pháp vương gia’ (ở trong nhà Phật); tỏ suốt tạng bí mật, ra sức giáo hóa, xứng nghĩa ‘trì Như Lai tạng’ (giữ gìn tạng pháp đức Phật). Vừa tự mình thực hành, sống được; vừa theo đó hướng dẫn người sau, khiến cho mạng mạch chánh pháp được giữ gìn và truyền bá rộng khắp. Được như thế là đã làm đúng trọng tâm công việc của người Trụ trì ‘Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự’; thay mặt Thế tôn để hoằng dương Chánh pháp.

 

2.4. Tóm lại

Đức Phật vào đời cũng khéo tùy thuận tục đế để giáo hóa chúng sanh trở về chân đế, cuối cùng đạt đến rốt ráo đệ nhất nghĩa đế. Ngài không đi sâu vào việc của trần thế để bày biện rườm rà, tạo nhiều thanh sắc che lấp mắt tai, tăng thêm sự mê muội để rồi con người bị nhấn chìm sâu trong biển lớn sanh tử, luống chịu khổ đau.

Chúng ta hiện tại, sống, tu hành và thừa hành Phật sự, trọng tâm nhắm đến việc cốt lõi chính yếu như vừa nêu trên; đây là chân đế. Đồng thời khéo tùy thuận tốt các việc phụ do nhân duyên phát sinh để hỗ trợ cho nhân duyên tu hành; đó là tục đế. Dù bắt đầu bằng phương thức không làm hay có làm, nhưng phải khéo hướng tiến để cuối cùng cũng đạt đến vô tác và thành tựu viên mãn, suốt tột đệ nhất nghĩa đế. Là một vị Trụ trì, phải nỗ lực từng bước tiến dần cho bản thân và làm tròn vai trò trách nhiệm, không thể kém khuyết trong việc này.

 

3)  KẾT LUẬN

Tu hành cốt để được giác ngộ và chỉ bày cho những người hữu duyên cùng được giác ngộ cho đến ngày viên mãn. Chư vị được phân tòa chủ hóa một phương, vừa lo thành toàn việc bổn phận, vừa có phương tiện thiện xảo giáo hóa, hoằng truyền chánh pháp vi diệu thậm thâm; đây là việc trọng yếu của vị Trụ trì. Chư vị Thiện tri thức nhiều đời tu tập và thực hành hạnh lợi tha, trí lực, phước đức nhân duyên đầy đủ thì mọi Phật sự tự trôi tròn một cách tự nhiên như nhiên. Có chút chướng ngăn nào cũng giống như nước qua rễ tre, không hề chướng ngại. Nhiều đời đã làm hay mới đời này thì cũng do chính mỗi người tự tu, tự tạo, không một ai có thể xen vào trong đó để làm thay việc này được. Nếu chưa phải là bậc đã sẵn túc duyên nhiều đời thì bây giờ chúng ta bắt đầu tu hành, thực hiện, rồi cũng có ngày đạt thành sở nguyện như các bậc tiên giác. Lập chí, kiên trì, nhẹ nhàng nhưng bền bỉ, âm thầm mà dứt khoát, quyết liệt mà thong dong, cùng nhau sống, bên nhau tu và cùng làm việc như thế mới giữ được giềng mối của đạo giác ngộ trước mọi biến đổi, để lưu truyền Chánh pháp rộng khắp mãi đến ngàn sau.

 


 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

963412
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
911
5005
20556
925575
59180
94336
963412