Thứ Tư 30/10/2024 -- 28/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Không chỉ là xuân của đất trời

Thầy Thích Tâm Hạnh

1.  DẪN NHẬP.

Thiền sư Bổn ở Vân Cái nói kệ:

Một năm xuân trọn một năm xuân,

Hoa nội cỏ đồng tươi mấy lần.

Trời sáng chẳng do chuông trống động,

Trăng lên đâu bởi khách đi đêm.

Chẳng phải do đánh chuông trống làm cho trời sáng, mà đúng thời khắc ấy thì rạng sáng, hừng đông. Trong các tự viện cũng nhân thời khắc như thế để thỉnh chuông trống công phu. Trăng lên tỏa sáng, không phải trăng có chủ ý để chiếu soi cho những người đi lại trong đêm, mà đúng ngày ấy trong tháng thì trăng lên. Cũng vậy, xuân về, hoa nở rộ, đó cũng là thời tiết biến chuyển, xoay vần, hết đông thì sang xuân, chứ không phải mùa xuân về là có ý để cho chúng ta bàn nói về xuân. Sẵn nhân duyên sáng nay mùa xuân, chúng ta cùng xét xem, chỉ có mùa xuân của đất trời, hay còn gì nữa?

 

2.  XUÂN CHƯA TRỌN VẸN.

Có lần mùa xuân về, Thiền sư Thiên Tùng nói:

Sáng nay người bảo thêm một tuổi

Tôi nói ngày này bớt một năm.           

Mùa xuân về lòng người phấn khởi, hân hoan. Mọi người thêm một lần nữa được tươi vui, đắm mình trong sắc hương của đất trời tinh khôi, tươi sáng. Mỗi người được thêm một tuổi. Nhưng cũng có nghĩa đã bị bớt đi một năm thọ mạng sống, không khỏi thoáng buồn. Một mùa xuân với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, hẳn là tận trong sâu thẳm mỗi người sẽ chưa thể yên. Sự thật này đã khiến lòng người thốt lên lời thơ:

Tuổi thanh xuân bao nhiệt huyết tuôn trào

Con lạc lối không tìm đâu lẽ sống

Thương chính con, thương trần gian huyễn mộng

Thương mẹ cha, thầy bạn đượm ân tình

Thương anh em, thương tất cả hàm linh

Con mơ một thiên đường cho tất cả.

Như mùa xuân tràn đầy nhựa sống, tuổi thanh xuân tuôn trào nhiệt huyết và hy vọng của tương lai. Nhưng đằng sau những vui nhộn thường ngày, tận trong sâu thẳm mỗi người cảm thấy trống vắng, man mát, xa xăm. Tất cả những niềm vui ấy chưa thể lấp đầy cõi lòng miên man khó tả, như đang bơ vơ lạc lối giữa dòng đời. Hầu như mọi người và mình cùng sống trong đó. Sống như thể giữa ban ngày ngủ mê, nói mớ; sống mộng, nói say. Vì thế: “Thương chính con, thương trần gian huyễn mộng, Thương mẹ cha, thầy bạn đượm ân tình. Thương anh em, thương tất cả hàm linh, Con mơ một thiên đường cho tất cả”. Là chúng sanh chưa giác ngộ thì chưa ai có thể thoát ra khỏi giấc mộng dài đằng đẵng của sanh tử luân hồi. Là người có chút cơ duyên hướng thượng sẽ thương cho cái mê trong mộng của mình và tất cả mọi người như thế. Từ đó muốn tìm một thiên đường cho tất cả, để mọi người có thể thừa hưởng trọn vẹn niềm an vui thực sự, không còn lang thang tháng ngày cơ cực.

Thiên đường nào có thể chứa hết tất cả nỗi niềm của mọi người? Thiên đường vui không thể chứa được nỗi buồn. Thiên đường buồn cũng không thể chứa được niềm vui. Vậy thiên đường nào có thể tiêu dung tất cả những vui buồn, thành bại, mừng giận, được mất, ghét thương... phức tạp của cuộc đời?

Phơi phới xuân về, nhưng lòng vẫn chưa an với bao vui buồn chưa trọn vẹn. Tuổi thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, nhưng hãy còn lạc lối, mông lung. Là người học Phật, chúng ta cần có cái nhìn mùa xuân, nhìn sự thăng trầm đến đi của sự thế như thế nào để có được niềm an vui thực sự. Thiên đường của niềm lạc an ngập tràn ấy mới đủ rộng, đủ lớn để chứa hết và tiêu dung được tất cả những nỗi niềm của cuộc đời.

 

3.  BỎ QUÊN GIÁ TRỊ HIỆN TẠI, SỐNG TRONG HOÀI NIỆM, HỐI TIẾC.

Hầu hết ai cũng thích nắng ấm của mùa xuân. Không ai ưa cái nóng bức của ngày hè, cái chết lịm của mùa thu và lạnh lùng khi đông đến. Do đó, khi xuân sang thì tươi vui, xuân đi thì hết phấn khởi mà thay vào đó là đượm buồn. Tuổi thanh xuân lúc nào cũng lạc quan, đến xế chiều thì ngậm ngùi man mác. Đây chính là chỗ khiến con người đánh mất đi giá trị thực đang sống.

Con người thường nhận ra giá trị của một người khi mà một mai thức giấc, người ấy không còn bên cạnh mình nữa. Hầu hết con người thường để thời gian trôi qua đi rồi chợt nhìn lại mới nhận ra và hối tiếc trong muộn màng. Giả sử hiện tại chúng ta đang sống đây là 40 tuổi, nhớ lại lúc tuổi 15 – 20, trong mỗi người ít nhiều đều có sự hối tiếc. Với cuộc sống hiện tại thì có nhiều điều chưa hài lòng khiến mình cảm thấy chán ngán, trông ngày trôi qua để xem ngày mai có gì khá hơn. Nhưng đến 30 năm sau, nhớ lại lúc này thì luyến tiếc, tại sao lúc đó mình thiếu tu, không sống hết lòng bằng khả năng của mình đang có… Như thế, chúng ta đã không biết sống đúng hết giá trị ngay khi mình đang sống. Cứ thế, con người luôn sống trong hoài niệm và hối tiếc. Còn hiện tại thì không biết tận dụng hết những gì tốt nhất đang có, để dành nó cho những tiếc nuối về sau.

Tại sao không ngay đây nỗ lực sống cho thật tốt, để mai sau nhìn lại thấy rằng mình đã sống xứng đáng, có ý nghĩa? Nếu chỉ mãi tiếc nuối những điều đã qua thì cuộc đời là những chuỗi ngày nối tiếp nhau để sống trong vô vàn hối tiếc đắp đổi liên tục. Chính vì đánh mất đi giá trị sống ngay thực tại mà chúng ta đã bị vòng xoáy cuộc đời làm xao động mãi không yên. Có khi bị những chi phối của hoàn cảnh nhấn chìm, không thể vươn lên trước nghiệt ngã của cuộc sống, đến nỗi não nuột, héo hắt nao lòng. Mùa xuân về là niềm hân hoan của mọi người, nhưng với mình thì lại là nỗi niềm da diết.

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,

Đem chi xuân lại gợi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Với của hoa tươi, muôn cánh rã,

Về đây đem chắn nẻo xuân sang.

(Chế Lan Viên)

Có ai sống chưa một lần vấp ngã? Trong cuộc sống, ai ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần nếm vị cay đắng của cuộc đời. Thất vọng vì lý tưởng, thất bại về kinh doanh... cuộc đời vốn dĩ như vậy, có khác hơn là do lựa chọn của riêng mình. Có người chọn cách ngồi đó thở than, lịm dần và chôn vùi mình trong ảm đạm của trời thu, không sống dậy nổi dù mùa xuân đã đến. Nhưng người học đạo lại khác, là người khéo tự mình vươn lên trong cuộc sống, vững chãi trước mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Đức Phật dạy: “Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã”. Ai thành công mà chưa từng thất bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần. Sống mạnh mẽ vươn lên sau những khắc nghiệt ê chề tăm tối, là người đáng khâm phục.

 

4.  MÙA XUÂN VIÊN MÃN, TRỌN VẸN, MIÊN VIỄN.

Vua Trần Nhân Tông đã thể hiện rõ sự vươn lên này. Ngài đã vượt khỏi cái thời thơ bé của phàm mê để đạt đến niềm vui viên mãn, trọn vẹn qua bài thơ Xuân Vãn:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không

Xuân về hoa nở rộn trong lòng

Chúa xuân nay bị ta khám phá

Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Thuở bé là năm bao nhiêu tuổi? Là 10 tuổi, 20 tuổi chăng? “Thuở bé chưa từng rõ sắc không” có nghĩa là chừng nào chưa tỏ sắc không thì hãy còn bé, chứ không hạn cuộc vào ngày giờ, năm tháng. Vì chưa rõ sắc không nên khi xuân về nhìn hoa nở, lòng rộn rã như trẻ thơ. Khi đã tỏ lý Sắc - Không thì xuân về chỉ là xuân, không còn rộn ràng như trước, bởi đã trưởng thành.

Con người phần nhiều lầm tưởng các pháp là thật cho nên khi xuân về, trong lòng rộn ràng, rạo rực, bị ngoại cảnh chi phối, theo đó khổ vui. Là người học đạo, chúng ta thường nghe sắc thể này vốn không, do nhiều nhân duyên hợp lại tạm hình thành chứ bản chất của nó vốn không thật có. Rõ được cảnh duyên giả có, không thực thể, liền không còn bám chấp vào các pháp, trở lại sự an định nội tâm, ngay đó ngoại cảnh không còn chi phối.

Chân lý là vậy. Nhưng thực tế nhiều người tuy nghe nói giả, hiểu và thấy rõ bản chất các pháp là huyễn hóa, nhưng vẫn còn bị ngoại cảnh chi phối, theo đó khổ vui. Tại sao? Bởi chúng ta dùng tâm sanh diệt để hiểu về nguyên lý huyễn giả, chứ không phải bằng tâm rỗng lặng, sáng biết để thấy rõ bản chất thật các pháp là không lặng. Khi tâm không thì cảnh vắng bặt, chứ không phải do hiểu biết về huyễn giả mà cảnh vắng lặng được. Bởi chính cái hiểu biết đó cũng là huyễn giả, các pháp bên ngoài cũng huyễn giả. Đem một cái huyễn để hiểu về một cái huyễn thì đồng tính chất là huyễn, còn nằm trong huyễn hóa thì làm sao vượt qua được. Sự hiểu biết này còn nằm trong căn thức và vọng động, đồng một tính chất là vọng cho nên không vượt qua được vọng. Nó còn trong sanh diệt do đó không thể vượt qua sanh diệt được. Đó là lỗi người học đạo chưa khéo học, chứ không phải tại lý sắc không là sai. Cụ thể hiện nay chúng ta đang dùng tâm nào để đọc sách? Nếu chú tâm theo những dòng chữ để đọc thì đã đánh mất chính mình mà lao ra theo ngoại cảnh là những dòng chữ. Dừng lại, kiểm tra lại thì thấy lòng trống trải, vô bờ. Ngay đó để biết, tâm mình lâu nay đã phan duyên theo vọng, chưa từng nhận ra để sống bằng tâm thể chính mình. Mới đọc sách đã vậy, huống nữa học hiểu, tư duy, tâm này sẽ còn bị cách ngăn, đi xa hơn nữa. Dùng tâm sanh diệt để đối trị cái sanh diệt cho nên không thể thắng được sanh diệt, còn bị chi phối là điều dễ hiểu. Như vậy làm sao?

4.1. Sắc – Không.

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm:

-       “Sắc tức là không, không tức là sắc”, lý này thế nào?

   Sư nói bài kệ:

    Ngại xứ phi tường bích,

    Thông xứ vật hư không.

    Nhược năng như thị giải,

    Tâm sắc bổn lai đồng.

Vật ngại chẳng phải tường vách,

Chỗ thông chẳng phải hư không.

Nếu hay tỏ rõ như thế,

Tâm và sắc xưa nay đồng.

Tường vách chưa chắc là vật thể làm ngăn ngại. Hư không chưa hẳn đã giúp cho con người suốt thông. Khi tâm thông suốt, không một niệm trói buộc thì dù là tường vách cũng không thể ngăn được con người. Nếu tâm chưa thông, còn hạn cuộc trong thức tình vọng động thì dù trống rỗng như hư không cũng khiến lòng người bị ngăn ngại vô cùng.

Tuy hư không luôn thông suốt bao phủ quanh ta, nhưng khi không thông, lòng bực dọc thì điều gì cũng bế tắc, trì trệ. Vì vậy, ngại hay thông không phải do cảnh mà chính tại tâm. Tâm thực sự suốt thông khi chúng ta khám phá được chúa xuân ngay chính mỗi người. Nhờ năng lực bất tư nghì của chúa xuân đó mà mọi chướng ngại của cuộc đời không còn giá trị.

4.2. Chúa Xuân, Ông Chủ Làm Nên Sự Tươi Mới Của Mùa Xuân Ở Đâu?

¯ Các pháp đều huyễn hóa.

Chúng ta vẫn thường nghe nói: Các pháp như thân, tâm sanh diệt, phiền não, nghiệp chướng,... là giả. Biết là giả để không còn bị mê lầm, không theo nó để phải chịu khổ đau. Ngay khi không theo liền trả lại tâm thể vốn trong lặng, sáng biết chính mình. Cuộc đời, muôn việc, vạn vật vẫn vận hành, chuyển động; nhưng chúng ta vẫn bất động, không bị cảnh vật làm xoay chuyển.

Cụ thể, nhìn lên nắm tay: Khi co năm ngón lại mới có nắm tay, xòe ra thì nắm tay không còn. Hơn nữa, khi nắm tay đang có cũng phải nhờ da, thịt, gân, xương,... kết hợp lại mới tạm có nắm tay, tìm một thực thể gì là nó thì không có. Mới biết bản chất của nắm tay là huyễn hóa, chỉ tạm có, không thật. Khi đã biết nắm tay là giả thì không còn bám chấp, liền được giải thoát. Nắm tay này là ví dụ cho các pháp bên ngoài mỗi người đang đối diện. Rất nhiều người thuộc lòng bài học huyễn hóa này, nhưng sự thật khi gặp việc vẫn chưa lìa được huyễn hóa mà vẫn bị nó chi phối.Lý do như đã nói ở trên, chúng ta phần đông dùng tâm suy nghĩ, hiểu biết để hiểu về huyễn hóa. Nhưng bản chất của tâm thái đó cũng là sanh diệt, huyễn hóa do đó chưa thể lìa được huyễn hóa. Vì chưa lìa được huyễn cho nên bị cái huyễn hóa chi phối, vì vậy bị đau khổ cũng phải thôi. Đó là do chưa nhận ra được tường tận gốc rễ, chưa khéo lúc dụng tâm. Thêm nữa, cũng là nắm tay này, khi biết bản chất của nắm tay vốn là giả thì đó là chúng ta đang biết về nắm tay, biết theo nắm tay, nhằm trên nắm tay để biết? Hay không sanh tâm can thiệp trên nắm tay, mà tự mình đang sáng biết? Nếu biết theo nắm tay thì rõ ràng là đang dùng tâm sanh diệt huyễn hóa để biết theo cảnh, tình thức hãy còn. Đó là lý do chúng ta biết mọi thứ là huyễn hóa, nhưng vẫn còn bị nó chi phối hoài là vậy.

¯ Tâm không – cảnh tịch, nắm tay không tịch.

Bây giờ khi biết nắm tay là giả thì liền dừng, không cần biết theo hay chú tâm để biết về nắm tay nữa. Thử lóng lặng tâm, không thèm chú ý, cũng không phải phớt lờ đi, hay mặc kệ. Buông rũ xuống để mọi thứ tự nhiên, bình thường. Không cần chú tâm hay khởi hiểu mà vẫn thấy biết sáng ngời, không động niệm. Ngay đây, tâm không – cảnh tịch, thấy biết vượt năng (mình) sở (cảnh, nắm tay). Như thế là khéo sống thẳng đến tánh thể vô sanh để thấy biết, sinh hoạt. Nắm tay là đại diện cho tất cả cảnh duyên bên ngoài. Nếu khéo dùng sức sống thấy biết lặng lẽ vô sanh này để sống trên mọi hoàn cảnh thì mọi thứ vốn tự trong lặng, không còn gì có thể chi phối được nữa. Tự mình sẽ cảm nhận được sức tự chủ, tự tại, giải thoát.

¯ Chẳng phải có – không.

Vẫn bằng vào cái thấy biết sáng ngời không động đó, nhìn lên nắm tay này, nó đang có hay là không có?

Nói có nói không là rơi vào hai đầu, không phải là chỗ thấy này. Bởi lúc này chúng ta không biết theo nó mà đang lặng biết. Không phân tích, không dính mắc đến nó cho nên nó không phải có trong tâm mình, vì vậy không phải là có. Tuy vậy, nhưng chúng ta vẫn đang thấy biết rõ ràng cho nên không phải là không. Lúc này, nắm tay không phải có, cũng chẳng phải không, mà nó là một sự hiện hữu rỗng lặng trong tự tánh chánh định chính mình. Có cũng không lập, không cũng không lập, tình thức nương gá vào đâu để sanh khởi? Ngay đó rỗng suốt, sáng ngời.

¯ Vượt khỏi trong – ngoài.

Vậy thì lúc này, nắm tay đang ở trong mình hay ngoài mình?

Nói ngoài nói trong là rơi lại vào trong sanh diệt nữa. Bởi vì mình đang thấy nó cho nên nó không thể là ngoài. Nhưng không dính kẹt đến nó cho nên nó cũng không phải ở trong tâm. Không ngoài, không trong, nó là một sự hiện hữu rỗng lặng trong tự tánh chánh định chính mình. Tâm không thì cảnh tịch, nắm tay này là không tịch (vắng bặt). Còn nói nắm tay là có, là không, là trong hay nói là ngoài đều chưa rời nắm tay, còn nhằm trên nắm tay để nói, là đã theo cảnh mà bỏ quên mất chính mình. Đây là yếu huyệt của sự mê mờ, vọng động, đưa đến tất cả các khổ đau trong sanh tử.

¯ Thấy biết như thị.

Như vậy, khi nhìn nắm tay này, không thèm biết về, biết theo hay phân biệt, dính mắc trên nó nữa; mà chỉ là trả lại tự tánh toàn thể sáng biết trong lặng ngay đây, thì nắm tay này không phải có, cũng chẳng phải là không; không trong, không ngoài; lúc này, thấy biết vượt cả năng và sở, căn và cảnh, có và không... vượt trên tất cả những đối đãi hai bên. Ngay đây, nắm tay là nắm tay, cây gậy là cây gậy, hoa hồng là hoa hồng, tất cả đều là sự hiện hữu như như. Lâu nay nghe nói phải lìa đối đãi hai bên, nhưng chưa biết phải lìa như thế nào. Bây giờ đã rõ, thấy biết như vậy thì đối đãi tự lìa, vượt thoát. Nếu có làm bất cứ gì thì đều rơi vào tạo tác, đối đãi, không thể thoát ra được.

¯ Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không.

Ví dụ: Khi bị làm nhục, chúng ta liền vội quán cách này cách nọ để vượt qua. Tất nhiên đối với những chuyện vừa khả năng mình thì nó sẽ qua. Nhưng đó vẫn còn trong sanh diệt. Đối với những nỗi nhục nhỏ thì có thể vượt qua được. Với những sự cố lớn hơn thì khó qua nổi. Một cách khác, ngay khi đang bị làm nhục đó, chúng ta chỉ cần lặng tâm lại, sáng ngời. Nhục lớn hay nhỏ gì cũng quy về thành một nhóm là đồ sanh diệt. Tất cả sẽ bị tâm thể trong lặng sáng ngời kia thiêu sạch, và tất cả đều trong lặng theo. Dụng tâm như thế mới gọi là liễu; và rõ ràng là nỗi nhục đã hóa thành không; tức là đã thực sự đúng như nghĩa Thiền sư Huyền Giác nói: “Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không” là vậy.

¯ Tóm lại, Chúa Xuân ở đâu?

Bằng cái thấy biết này để sống trên tất cả cảnh thì nơi đâu cũng là Phật pháp. Bằng tâm xuân này để sống thì quanh năm, vào thời điểm nào, ở bất cứ đâu, đối với hoàn cảnh nào cũng đều là sự tươi mới của sắc xuân. Sống được như vậy thì chúa xuân lúc nào cũng hiển hiện ngay nơi mỗi người, chưa từng thiếu vắng.

 

5.  CHÚA XUÂN LUÔN HIỆN TIỀN.

Xưa có vị Thiền sư khi đọc kinh Pháp Hoa đến đoạn Trùng Tụng, Phật nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng”. Các pháp từ xưa đến nay, tướng thường tự vắng lặng. Ngài liền nghi vấn, tánh mới vắng lặng, tịch diệt, chứ tướng là động thì làm sao lại tịch diệt được? Một hôm xuân về, nghe chim hoàng oanh hót trên cành liễu, bất chợt ngài sáng tỏ. Tiếp theo hai câu trong kinh, Ngài làm thêm hai câu sau ghép lại thành bài kệ:

Chư pháp tùng bổn lai,

Thường tự tịch diệt tướng.

Xuân đáo bách hoa khai,

Hoàng oanh đề liễu thượng.

Các pháp từ xưa nay,

Tướng thường tự vắng lặng.

Xuân đến trăm hoa nở,

Hoàng oanh hót trên cây.

Như trên đã nói về tâm không – cảnh tịch, nắm tay là rỗng lặng, như như. Nắm tay ấy là thí dụ cho tất cả những gì chúng ta đang đối diện. Một khi tâm đã rỗng rang, lặng sáng, thênh thang thì đối diện tình huống nào, hoàn cảnh gì cũng rạng ngời, biết khắp. Xuân về hoa nở, chim hót trên cành, tất cả đều trong trẻo, có động bao giờ! Bằng tâm thể này để sống và thấy, nghe, biết thì tuy tiếng chim hót là tướng đang chuyển động, nhưng vẫn lặng trong, rõ ràng từng tiếng mà vẫn vắng bặt như thế. Mới hay ra, xưa nay tướng thường tự vắng lặng mà chúng ta tự ồn ào. Nếu khéo nhận lại thì Phật pháp chỉ là tất cả đang hiện thành: “Xuân về trăm hoa nở, hoàng oanh hót trên cây”. Hoa nở là hoa nở, chim hót là chim hót. Thấy thế nào, nói thế ấy. Thế thôi! Trong ấy, Chúa Xuân đang hiển hiện. Trước diễn biến của sự thế, của sum la vạn tượng, vẫn còn đây một tánh sáng biết chưa từng động bao giờ. Rõ được Chúa Xuân của lòng mình rồi thì có gì chẳng phải Phật pháp? Quanh năm sống và làm việc gì, ở hoàn cảnh nào, mùa nào cũng rực lên ánh xuân tinh khôi, rạng rỡ.

 

6.  CÂY GẬY LÀ CÂY GẬY.

Một hôm Thiền sư Vân Môn thượng đường đưa cây gậy lên nói: “Phàm phu cho nó là thật, Nhị thừa phân tích thành không, Duyên Giác thì huyễn có, Bồ Tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì cây gậy là cây gậy. Đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến”. Trong lời bình, Hòa thượng Tôn Sư (Thích Thanh Từ) có đoạn nói: “Mọi người chỉ biết: Đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến, mà ít ai thấy được cây gậy của Thiền sư Vân Môn”.

Phần nhiều, khi học đạo, hạ thủ công phu, hành giả dễ rơi vào hai trạng thái: Một là mông lung, buông thả, mơ hồ gần với vô minh. Hai là giữ tâm, đè nén, kềm kẹp, gần với tạo tác, cố chấp. Rời hai tâm này là trung đạo. Sống bằng trung đạo, sạch hết các tướng mà vẫn rạng ngời, khéo sống thẳng đó thì công phu sẽ đắc lực. Nhưng nếu không khéo dụng công thì hành giả lại không chịu được bởi cảm thấy như là mình không tu gì cả, cho nên phải làm gì đó mới là tu, mới yên tâm. Từ đó công phu bị lệch, kết quả khiêm nhường. Cũng từ căn nguyên này, khi ngài Vân Môn đưa cây gậy lên và nói như thế thì chúng ta liền bám vào câu hợp với sở trường của mình: “Đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến”. Lấy đóđể kềm đè, chú tâm làm kế sống và công phu. Không thể thấy ra: “Thế nào gọi là chỉ đi, chỉ ngồi, để cây gậy, các pháp vốn tự vắng bặt ở vị trí của nó. Mình đang thấy biết suốt khắp mà không hề can hệ dính dáng gì, chứ không phải chú tâm, buộc niệm”. Nếu thấy biết đúng như ý chỉ của Thiền sư muốn vạch bày thì cây gậy của ngài Vân Môn đâu chỉ là cây gậy năm xưa bằng tre bằng gỗ trên tay ngài? Bởi trước đó, khi Ngài chưa đưa cây gậy lên, vốn đã sẵn đủ. Hiện nay đây, tất cả mọi cảnh vật vẫn đang hiện bày chưa từng thiếu vắng bao giờ. Nếu tìm lấy cây gậy để thấy là thấy theo cảnh, là đã bị cây gậy của Ngài làm mù mắt rồi.

Thêm nữa, khi nghe nói thấy biết như thị liền lo gìn giữ và kềm tâm hoặc chú tâm cho được như thị: Đi chỉ biết là đi,... Nhưng không ngờ đó là làm cho được như thị chứ không phải đúng nghĩa của “như thị” là vốn tự như thế. Chú tâm, kềm tâm như vậy là còn có chỗ để tâm bám trụ, là đã bỏ quên chính mình, còn mất mình. Dù cho vắng lặng tuyệt đối chăng nữa, nhưng nếu còn chỗ để an trụ thì tâm còn giới hạn, còn có chỗ cho tình thức sanh. Quên mình, tình thức sanh, chính cái mê muôn kiếp này khiến chúng sanh lặn hụp mãi trong sanh tử. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn từng nói: “Dù cho thuần thanh tuyệt điểm vẫn còn là chơn thường lưu chú”. Chữ “Lưu chú” nghĩa là vọng tưởng, ở đây chỉ cho vọng thức trôi chảy nhỏ nhiệm. Dù hành giả đạt đến cực điểm thanh tịnh, nhưng nếu thỏa mãn ngang đó thì chưa thoát khỏi bờ mé của thức thần, chưa ra khỏi sanh tử. Chỗ này nhà Thiền gọi là “Đầu sào trăm trượng” hay “Nước chết không chứa được rồng”, còn bị các Thiền sư quở trách, chưa chấp nhận. Phải một phen đại tử, dám quên đi sở đắc, chết đi thức tình, bản tánh thình lình hiển lộ mới sống lại muôn đời, không còn mê mờ nữa. Sống bằng tự tánh ấy thì thấy biết mọi vật thể tự không động, vượt thoát căn cảnh hai bên, vốn tự như thị, chứ không phải có làm gì, có tác ý chú tâm để cho được như thị.

Vậy thì hiện nay, cây gậy của ngài Vân Môn và nắm tay này là giống hay khác nhau? Nếu thấy khác là đã nhằm trên cây gậy và nắm tay mà phân biệt cho nên thấy hai vật thể này không giống nhau, là tâm đã phan duyên theo cảnh rồi. Nếu bảo là giống nhau thì cây gậy không thể tự cầm nắm vật như nắm tay được. Và nắm tay cũng không thể là vật thay cho cây gậy để mọi người chống đi. Khác cũng không đúng, giống cũng không xong, phải thấy thế nào? Lặng tâm xuống đi nhưng đừng tạo tác kềm tâm buộc niệm. Vốn tự thấy biết rõ ràng mà không động thì cây gậy và nắm tay hay bất cứ gì cũng chỉ có thế, không động, không khác. Nhưng cây gậy là cây gậy, nắm tay là nắm tay, không cần phân biệt mà vẫn thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn cho nên cũng không phải xen trộn làm một. Không phải một, không phải khác, cây gậy là cây gậy, nắm tay là nắm tay, hoa đào nở là hoa đào nở. Thấy biết vượt năng sở, có không: chẳng phải một, chẳng phải khác. Các pháp từ xưa đến nay, tướng thường tự vắng lặng, chưa từng sanh diệt. Nếu khéo nhận lại và sống được như vậy, mới hay ra trước cảnh xuân tưng bừng của đất trời, vẫn còn đây một mùa xuân bất tận, chưa từng biến đổi sanh diệt tàn úa bao giờ.

 

7.  XUÂN Ở ĐẦU CÀNH ĐỦ MƯỜI PHẦN.

Đời Đường, Thiền sư Ni hiệu Mai Hoa Ni có nói bài thơ xuân:

    Cả buổi tìm xuân chẳng thấy xuân.

    Giày gai đạp nát đỉnh mây cao.

    Trở về cười ngất hương mai rộ,

    Xuân ở đầu cành rõ biết bao.

“Xuân ở đầu cành rõ biết bao” là ở đâu? Cành mai hay cành đào? Khéo, khéo! Coi chừng bị hoa mai làm mù mắt! Điều kỳ lạ và bất ngờ là con người ta đi cả hàng ngàn dặm để tìm chân lý, cho đến khi nhận ra mới biết nó đang ở dưới gót chân mình. Bao năm tháng rồi mải miết tìm xuân, càng tìm càng diệu vợi. Đến khi mệt lả cùng đường, thức tình dừng bặt, dứt hết chỗ tìm, mới hay ra: Ngay trong vườn nhà sắc mai đang rộ, hương xuân ngập tràn, khắp nơi chưa từng thiếu. Cười ngất, mãn nguyện, không thể tả hết bằng lời.

Sống bằng tâm xuân thì có gì chẳng xuân. Xuân ngay tự tánh mà thấy chứ không do tạo tác hay bất cứ gì làm nên. Sẽ hay ra, khắp nơi Chúa Xuân đang hiển hiện, cảnh cảnh đều là cảnh xuân. Chỉ hay khéo nhận, trở về sống lại để thấy rằng, trong ai cũng sẵn đủ mùa xuân bất tận. Vượt không gian, vượt cả thời gian chứ không riêng gì mùa xuân của đất trời hữu hạn. Từ đó để sống một cuộc đời tích cực đúng nghĩa trong an vui, thanh thản. Xưa vắng bóng Chúa Xuân, lòng rộn ràng khi xuân về, mai nở. Giờ Chúa Xuân hiển hiện, khách Thiền còn có thiếu gì mà phải bận lòng mong hỏi, liệu Xuân có về! Quanh năm, sắc hương xuân rực rỡ, thắm đượm.

 

8.  CHÚA XUÂN NHÌN BỒI HỒI.

Thiền sư Nhân Dũng ở Bảo Ninh nhân ngày tết dạy chúng:

Hôm qua năm cũ đi

Ngày nay năm mới đến

Năm cũ đi chẳng đi

Năm mới đến chẳng đến

Khắp đồng trắng đầy tuyết

Cõi đất bặt mảy trần

Người không tên không chữ

Đưa mắt nhìn bồi hồi.

“Hôm qua năm cũ đi. Ngày nay năm mới đến”. Năm nào là năm cũ? Năm nào là năm mới? Đêm qua 30 tết còn là năm cũ. Sáng nay mùng một tết là năm mới. Chỉ cách một đêm mà đã thành hai năm cũ và mới rồi. Đó là do ý tưởng của con người phân định, lập nên thôi! Nếu chúng ta không chia ra thì đâu có cũ hay mới gì. Năm cũ qua, năm mới đến thì vui. Hết mới đến cũ thì buồn. Chính mình phân định, rồi lại chính mình vui buồn bởi sự phân định đó. Tự mình đặt ra rồi vui buồn trên đó, khác nào mình tự lừa dối mình để phải tất bật, rối rắm, chợt vui chợt buồn, chuốc lấy đau khổ. Có đáng thương không?

Tại sao “Năm cũ đi chẳng đi? Năm mới đến chẳng đến”? Vì đến đi đó là do cái thấy theo thời gian biến đổi từ con người đặt ra, chứ bản chất thời gian vốn tự nó không nói đến đi hay cũ mới gì cả. Bản chất thời gian đã không có thật như thế thì lấy gì để gọi là đi với đến? Đi cũng chẳng thật đi, đến cũng không thật đến, do đó “Năm cũ đi chẳng đi? Năm mới đến chẳng đến”.

“Khắp đồng trắng đầy tuyết, Cõi đất bặt mảy trần”. Như bạt ngàn tuyết trắng xóa bít khắp cả cánh đồng, không còn chỗ nào xen hở. Ví dụ cho không còn có chỗ cho tình thức phân biệt xen vào. Ngay đây bặt hết vọng niệm, như: “Cõi đất bặt mảy trần”. Thấy biết rõ ràng nhưng bất động, không cần khởi phân biệt. Ngay đó, cái chân thật hiện tiền. Như trước mắt đã sẵn hiện bày toàn màu tuyết sáng rỡ, trong ngần, không một mảy bụi.

Trong đó có “Người không tên, không chữ” đang “Đưa mắt nhìn bồi hồi”. Bởi vô tướng, cho nên nói “Không chữ, không tên”. Nhưng vẫn đang hiển hiện ngay đây, do đó nói “Có một người không tên không chữ.”. Người đó đang đưa mắt nhìn bồi hồi. Vì sao? Bởi vẫn ngồi đó mà không ai ngó ngàng tới. Mọi người cứ lo đuổi theo hoa nở, hoa tàn, năm cũ năm mới để rồi bận rộn vui buồn theo sự sanh diệt vô thường đó. Còn người chủ hay làm nên mùa xuân bất diệt, là Chúa của mùa Xuân vẫn ngồi đây mà không ai đoái hoài đến. Nay nghe nói, đã biết rồi thì nên nhận lại, siêng năng ngó ngàng tới, đừng để Chúa Xuân ngồi đó nhìn bồi hồi mãi mà tội nghiệp cho bản thân mình!

 

9.  KẾT LUẬN.

Thiền sư Tư ở Nột Đường nói bài kệ Xuân:

Tuyết xuân đầy trời đến,     

Trúng đâu hoa nở đó.

Chẳng rõ cây trong vườn,  

Gốc nào là mai thật?

Hương xuân đã sẵn khắp mọi nơi, tỏa đến đâu, hoa nở rực đến đó. Nhưng trong đây không biết có cây nào là gốc mai thật chăng? Chúa Xuân đang hiển hiện lên cây mai thật. Mai nở tuy nhiều, nhưng nhận ra được gốc mai thật này thì mới thực sự thắm tươi thơm ngát. Bởi nó là chất liệu chính để làm nên mùa xuân.

Hôm nay ngày đầu năm, mọi người đang hòa quyện trong hương xuân ấm áp, cảm nhận rõ gió xuân chan hòa, và lòng người cũng bát ngát thênh thang, không chút tư lự. Cho thấy, không ai trong chúng ta thiếu vắng Chúa Xuân hay thiếu cội mai thật này cả. Ai nấy đều đã sẵn rồi, tại sao còn chưa chịu nở? Hy vọng mỗi cây mai thật đang xem sách xuân đều chạm đến được “hương xuân bất diệt” này, để có ít nhất phút giây òa vỡ: “Nào ngờ hoa đã nở, tỏa ngát hương xuân lâu lắm rồi!”.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1109858
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3081
2716
14045
1072396
112956
92670
1109858