Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sống Nhanh Hay Chậm?

Thích Tâm Hạnh.

I/ DẪN NHẬP.

Trước một thời đại mọi thứ đang phát triển đến choáng ngợp, con người không dễ để xác định được một lối sống, một hướng đi cho riêng mình. “Nên sống nhanh hay cần phải sống chậm lại” cũng là một trong những hướng ấy.

Phần lớn quý vị của thế hệ trước thì muốn một cuộc sống điềm đạm, chậm rãi, thâm trầm. Đa số những người trẻ hiện nay thì muốn sống vội, sống nhanh. Hoặc trong cùng một thế hệ, có người năng động thì thích sống nhanh hơn. Có người thích chiều sâu thì lại chủ trương sống chậm lại. Hoặc có người thấy cần sống phải nhanh, làm một lúc càng nhiều việc thì mới có thể đưa đến thành công. Cũng có không ít người xông pha với cuộc thế, sống vội một thời gian, bị vòng xoáy của cuộc đời làm cho căng thẳng, mệt mỏi thì chủ trương nên sống chậm lại. Và còn nhiều trường hợp khác nữa. Nhiều người vẫn đang loay hoay tìm cho mình một hướng đi để sống. Hiện nay đây, thử hỏi lại mình, chúng ta nên sống nhanh hay phải sống chậm lại?

II/ CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC LÀ MỘT HAY KHÁC?

“Nên sống nhanh hay cần phải sống chậm lại?” Có lần, chúng tôi đặt vấn đề này với bốn vị giáo sư Nhật Bản:

-         Theo quý vị, trước một thời đại đang phát triển như hiện nay, chúng ta nên sống nhanh là phải, hay cần phải sống chậm lại mới đúng?

Lúc ấy, có người trả lời là nên sống nhanh, có vị thì nói nên sống chậm lại. Quý Thầy nói:

-         Nếu phải sống nhanh thì có lúc chúng ta sẽ bị căng thẳng, mất cân bằng. Nếu sống chậm thì không theo kịp thời đại, bị lạc hậu. Như vậy, chúng ta nên sống như thế nào mới phù hợp?

Quý vị giáo sư trầm ngâm một lát rồi cười và bảo:

-         Thầy hỏi khó quá!

Chúng tôi nói:

-         Quý vị đều có cuộc sống và quý Thầy đang hỏi về cuộc sống thôi!

Quý vị giáo sư cùng bàn bạc với nhau rồi đồng đưa ra một đáp án:

-         Chúng tôi cùng nhất trí với nhau, với công việc thì nên nhanh, với cuộc sống thì cần phải chậm lại.

Quý Thầy nói:

-         Nghe qua thì hợp lý. Nhưng nếu như thế là quý vị đã đặt công việc ra ngoài cuộc sống. Có nghĩa là khi làm việc thì không được sống. Một ngày chúng ta bỏ ra tám giờ đồng hồ cho công việc, đồng nghĩa một phần ba của một ngày kia không được sống. Và trong một đời, chúng ta đã tự giết chết một phần ba cuộc đời mình.

Quý vị cùng tròn xoe mắt và ồ lên. Không khéo, mỗi người chúng ta dễ tự giết chết một phần ba cuộc sống của mình chỉ từ một cái nhìn chưa trọn vẹn.

Chúng ta thường quan niệm đi làm là vì mưu sinh chứ ít khi thấy mình được sống, được an vui trên công việc. Khi vào công sở, mình mong thời gian trôi qua nhanh để được về nhà làm việc mà mình ưa thích. Muốn thời gian làm việc trôi qua nhanh, có nghĩa mình đang muốn giết chết khoảng thời gian ấy. Không cảm thấy thích thú khi ở trong công sở, đồng nghĩa chúng ta đã quên sống, không được sống; sống mà như chết và đang tự giết chết thời gian sống ấy của chính mình. Một ngày mất tám tiếng đồng hồ để làm việc như thế, nghĩa là đã mất một phần ba của một ngày không được sống. Và cả đời cộng lại là chúng ta đã tự giết chết một phần ba đời mình. Có oan uổng và lãng phí không? Đây là do đặt công việc ra ngoài cuộc sống, xem công việc và cuộc sống là hai phần khác nhau.

Tại sao chúng ta không xem khi đang làm việc là đang được sống? Nếu biết tìm niềm vui ngay trong công việc, ngay mọi chỗ, mọi vị trí chúng ta đang sinh hoạt, đang làm thì ngay khi làm là lúc sống. Lúc nào cũng là lúc chúng ta đang sống thì cuộc sống này sẽ có ý nghĩa trọn vẹn biết bao!

Một bác sĩ đến bệnh viện hằng ngày để làm việc với một tâm thái không thoải mái sẽ khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi, dễ bực bội, cáu gắt với bệnh nhân và trông hết giờ để về với gia đình, đi phố… Như vậy, vị bác sĩ này đã đánh mất sự sống của mình ngay khi làm việc.

Có trông hết giờ hay không trông mong thì cũng đến năm giờ chiều mới được ra khỏi công sở. Nhưng người trông ngóng sẽ cảm thấy thời gian dài hơn. Có người biết như thế, thay vì trông ngóng, vị này tìm niềm vui ngay trong công việc mình đang làm. Cũng là công việc của một bác sĩ hằng ngày như những đồng nghiệp khác, nhưng vị này làm việc bằng tâm thái chan hòa, vui vẻ. Thấy rằng, ai cũng muốn khỏe mạnh, trên đời này không ai muốn mình bị bệnh để vào bệnh viện cả. Ai bệnh cũng bị khổ đau. Mình cũng là con người như mọi người, nhưng may mắn là hiện tại mình đang được không bệnh, không bị cơn đau và lo sợ. Ngược lại, mình còn là người có cơ hội chữa bệnh cho mọi người. Đây là một may mắn lớn. Với bệnh nhân, đặt mình vào hoàn cảnh của họ và cảm thông cho nỗi lo sợ đau đớn, chúng ta ôn tồn, an ủi, hỏi han khi thăm khám; làm việc nhiệt tình, thấy ai khỏi bệnh là mình vui… Được như thế thì vị này sẽ có được niềm vui ngay trên công việc, là được sống trong công việc. Sẽ thấy công việc là cuộc sống, cuộc sống và công việc là không khác, không hai. Một cuộc sống với tràn đầy lạc quan và ý vị. Cuộc đời rất đáng sống.

Với các công việc khác cũng tương tự. Chúng ta biết tìm niềm vui trên mọi sinh hoạt, biến công việc là cuộc sống, cuộc sống là công việc, nghỉ ngơi là một hình thức thay đổi công việc, công việc và cuộc sống không tách rời nhau thì chúng ta được sống trọn vẹn, không bị giết chết bởi những sai lầm, phiền muộn, khổ đau…

III/ NÊN SỐNG NHANH HAY CHẬM.

Có lần quý Thầy hỏi các bạn trẻ về điều này. Có bạn trả lời là nên sống chậm lại để cuộc sống có ý nghĩa. Có bạn khác nói con thấy trên thế giới có nhiều người nhờ sống nhanh, làm được nhiều việc cùng một lúc thì mới thành đạt. Như con có thể vừa ăn, vừa nghe điện thoại và cũng đang giải quyết công việc… Vì thế theo con, phải nên sống nhanh mới có kết quả tốt.

Quý Thầy nói:

-         Nếu nói sống chậm mới phải thì không phù hợp với bạn thích sống nhanh. Nếu bảo sống nhanh mới thành công thì bạn sống chậm không theo kịp. Vậy chúng ta nên sống như thế nào?

Có bạn khác trả lời:

-         Theo con, nên sống nhanh khi tranh thủ chớp lấy thời cơ và nên sống chậm khi cần suy gẫm một vấn đề.

Quý Thầy bảo:

-         Nếu thế thì ai cho mình biết bao giờ thì nên sống nhanh và lúc nào thì phải chậm lại. Trên thực tế có nhiều người nhanh để chớp lấy thời cơ nhưng lại bị sai lầm, chậm thì lại mất cơ hội. Cuối cùng phải sống thế nào?

Các bạn trẻ đều im lặng. Chúng ta đã học hiểu rất nhiều, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ cho mình một lối sống, hướng đi.

1/ Nếu là sống nhanh:

Một trong những đất nước chủ trương sống nhanh là Nhật Bản. Người Nhật cho rằng nếu bị street căng thẳng thì cần phải tăng tốc cho căng thẳng thêm sẽ được phát minh. Cách sống này có thể giúp họ thành công ở một vài lãnh vực nào đó. Nhưng đến nay, khi đến Nhật Bản sẽ dễ dàng nhận ra, đã hơn mười giờ sáng, ngoài đường phố các bạn trẻ vẫn đi với cái đầu chúi về trước, ánh mắt và tinh thần như chưa tỉnh cơn ngủ. Không phải thiếu ngủ mà do sự căng thẳng khiến cho con người biến dạng như vậy. Bên ngoài như thế thì bên trong sẽ có nhiều suy nghĩ khó lường.

Theo khoa học, người lao động làm thêm quá 80 giờ mỗi tháng sẽ tăng nguy cơ tử vong. Nhưng người Nhật Bản thường có thói quen làm thêm nhiều giờ liên tục (trên 100 giờ mỗi tháng). Từ đó có nhiều lao động trẻ tử vong vì đau tim, đột quỵ, tự tử… Từ những nguy cơ đó, đầu năm 2017, Nhật Bản đề xuất hạn chế số giờ làm thêm trung bình 60 giờ mỗi tháng. Nếu trong thời kỳ bận rộn, các doanh nghiệp mới linh động tăng lên khoảng 100 giờ.

Như vậy, sống nhanh chưa phải là một hướng sống tối ưu cho mọi người. 60 đến 100 giờ mỗi tháng là ngưỡng chung tượng trưng để quy định. Có người yếu phải làm thêm dưới 60 giờ mỗi tháng mới chịu được, nhưng sẽ có người có thể làm đến 120 giờ là phù hợp với khả năng của mình. Như thế, vẫn chưa có một định hướng nhanh hay chậm rõ ràng.

2/ Nếu là sống chậm:

Cuộc sống là một vòng xoáy, một là phải sống, hai là bị cuộc đời đào thải, phải chết. Sống chậm trong một vòng xoáy như thế làm sao tồn tại được. Ai là người hy sinh ngược xuôi trăm chiều bề bộn để nuôi cho mình được bình yên, sống chậm? Cũng có khi do cả đời bôn ba mệt mỏi, dành dụm chút vốn để bây giờ sống chậm nghỉ ngơi, là do yếu tố mỏi mệt, sức khỏe buộc mình phải như vậy chứ không phải là một cách sống tích cực.

Sống nhanh thì căng thẳng, sống chậm cũng không xong. Phải sống thế nào?

3/ Nên sống thế nào?

Giả sử trên một đại lộ an toàn, mọi người đều được chạy xe với vận tốc tùy ý, không giới hạn tốc độ, quý vị nên chạy nhanh hay chạy xe chậm lại? Nếu nhanh quá sức tự chủ thì bị tai nạn, thương vong. Nếu chậm thì không kịp công việc. Hơn nữa, nhanh là so với ai, và chậm là so với người nhanh nào. Cuối cùng, nên chạy xe nhanh là phải hay chậm mới đúng? Nếu nói chạy vừa tốc độ làm chủ của mỗi người thì đồng nghĩa là đã làm cho nhịp độ bị chậm lại, tuột hậu, không tiến bộ và phát triển. Bởi ví dụ hôm nay mình chạy với tốc độ 80km/h sẽ nhanh hơn khả năng của người bên cạnh chỉ chạy với tốc độ 50km/h. Mình thì chấp nhận ngang tốc độ ấy để đảm bảo trong tầm kiểm soát của mình. Anh bạn bên cạnh thì mỗi ngày nổ lực rèn luyện kỹ năng để vươn lên không ngừng. Kết quả theo thời gian, anh này lên tay lái và có thể chạy với tốc độ 120km/h mà vẫn làm chủ được khả năng kiểm soát. Còn mình thì vì tư tưởng ngang đó là vừa cho nên suốt đời chỉ đi được với vận tốc cũ 80km/h và bị mọi người bỏ lại sau lưng.

Qua ví dụ trên, quý vị có thể rút ra được kinh nghiệm cho mình. Cuộc sống của mỗi người cũng như đang chạy xe trên một đoạn đường tự do, mỗi người tự quyết định vận tốc nhanh chậm của đời mình. Không phải cố định nhanh hay chậm, cũng chẳng phải cố định giới hạn ngang nào là vừa tầm kiểm soát của mình, mà phải luôn rèn luyện, trau dồi để luôn được tiến bộ trong an toàn, chắc chắn. Như vậy chúng ta sẽ tiến mãi trong bền vững và an vui, không bị cuộc sống này làm cho căng thẳng, bào mòn năng lượng của mình, là được sống.

Những gì xảy ra trong tầm kiểm soát thì chúng ta cảm thấy vượt qua dễ dàng, không khổ. Nhưng tình huống nào ập đến quá sức chịu đựng của mình thì sẽ chới với, căng thẳng, đớn đau. Cuộc thế vốn dĩ khó lường. Bên cạnh những phần thưởng khiêm nhường, nó luôn dành tặng cho mỗi người chúng ta nhiều điều bất như ý. Có không ít người từng rơi vào tình cảnh sống không được mà chết cũng không xong. Cuộc sống luôn diễn tiến và xảy ra theo cách của nó, ít khi chìu ý người. Bản chất cuộc đời là phủ phàng, không nghe theo mình như thế, lẽ nào chúng ta cam chịu! Có nhất thiết là phải sống trong chán nản, bất mãn hay khổ sở mãi không?

“Trời không nghe đất thì đất nghe trời”. Cuộc đời vốn dĩ đã không chìu lòng người thì mỗi người chúng ta nên khoác cho mình một chiếc áo giáp, không phải để chờ chực đối phó, mà để mọi thứ trên đời không còn đủ lực tác dụng lên chúng ta khiến cho mình phải đau khổ. Chiếc áo giáp ấy không phải là một biện pháp, thủ thuật hay một hình thức gì đó bên ngoài. Nó chính là năng lực sống của mỗi người. Muốn khoác mặc được nó, chúng ta cần có cái nhìn đúng để sống và rèn luyện bản thân.

a. Cần có cái nhìn đúng về mọi thứ trên đời để bình tỉnh và sống:

Trên mọi tình huống trong đời, chúng ta cần phải bình tỉnh để sống. Dù chuyện có lớn lao đến đâu thì nó cũng chỉ là một phần của cuộc sống, không có một cái gì hay bất cứ điều gì có quyền lớn lao quá đáng như mình nghĩ. Có những chuyện cách đây hơn mười lăm năm, khi ấy chúng ta cảm thấy không thể vượt qua nổi, nhưng bây giờ nhìn lại thì chỉ là chuyện rất bình thường. Có nhiều điều trước đây khiến mình bực tức không thể chịu nổi, nhưng bây giờ nhìn lại thấy rất trẻ con. Cuộc sống thường có nhiều thứ luôn đi qua cuộc đời mỗi người như vậy, không có gì dừng lại và có giá trị mãi với chúng ta. Mọi thứ luôn trôi qua, chỉ có con người không khéo cho qua mà cố bám chấp, níu giữ và phải khổ. Sớm nhận biết bản chất không có gì của mọi thứ thì có gì làm cho chúng ta không bình tỉnh được. Cứ bình tâm rồi giải quyết thì việc gì cũng có cách giải quyết của nó. Chỉ cần nhìn nhận như vậy thì chúng ta sẽ bình tỉnh được để sống.

b. Biết khai thác năng lực vĩ đại nơi mỗi người:

Hằng ngày nhìn thấy hàng rào kẽm gai bên cạnh, không ai tài nào có thể leo qua được. Một đêm thình lình có tiếng nổ trong nhà, giặc đến, chúng ta liền nhảy vù một cái thoát thân. Sáng mai trở về nhà, không hiểu bằng cách nào, vì sao đêm qua mình lại có thể phóng qua hàng rào một cách phi thường như thế! Mỗi người đều có một năng lực phi thường, nhưng mới chỉ dùng được một phần rất nhỏ, chưa có ai khai thác và sử dụng đúng mức của nó. Lúc nào đó có thể, chúng ta nên tập an định tự tâm để bồi dưỡng, khai thác và phục hồi năng lực vĩ đại vốn có nơi mỗi người. Khi năng lực đủ lớn, tâm ta tự an bình. Sự bình tâm an tỉnh trước mọi tình huống lúc này là một sự tự nhiên từ năng lực vô biên của mình chứ không phải từ một sự kìm nén hay gắng gượng gì cả. Chính năng lực này sẽ giúp cho chúng ta bình tâm, tỉnh táo được trong cuộc sống.

c. Khéo rèn luyện và phấn đấu vượt khó:

Đừng bao giờ ham thích sự dễ dãi hoặc ngủ say trong chiến thắng mà phải luôn có tinh thần nổ lực vượt khó. Thích dễ dãi và an toàn thường khiến cho con người ta hèn yếu. Khó quá sức của một con người thì không thể vượt qua. Nhưng hơi khó một tí để nổ lực cố gắng phấn đấu vươn lên thì bao giờ cũng là đang tiến bộ.

Khéo trang bị ba điều kiện trên một cách trường kỳ, liên tục, không nghĩ đến bao giờ là ngày cuối cùng để ngừng phấn đấu thì chúng ta sẽ hưởng được thành quả ngay khi mình đang sống. Chúng ta đang tiến bộ từng ngày theo sự phấn đấu rèn luyện tùy vào khả năng của từng người. Như thế là một cuộc sống đang phát triển bền vững, an toàn. Đời sống mỗi người đang tiến bộ, an ổn và được sống. Đâu có mức nào cố định để dừng lại so sánh mà bảo là nhanh hay chậm! Cuộc sống là một sự phát triển và tiến bộ không ngừng trong cân bằng để được sống. Một cuộc sống phát triển lành mạnh, mọi người đang được sống.

IV/ MUỐN HƯỚNG ĐẾN HIỆU QUẢ HAY ĐUA TỐC ĐỘ?

1. Tốc độ và hiệu quả.

Nói sống nhanh hay chậm là đang nói đến tốc độ. Nếu tốc độ ấy không mang lại hiệu quả, không đạt được kết quả như mong muốn thì đâu có ích gì. Bằng vào trí tuệ sáng suốt, khéo tùy thời uyển chuyển để đạt được hiệu quả tốt nhất cho cuộc sống, đó là hướng sống, cũng chính là điều nhiều người mong đợi.

Ở đời có rất nhiều người tài ba lỗi lạc, nhưng thiếu chút may mắn cho nên không đạt được những thành công như mong đợi. Có biết bao người không phải tài giỏi lắm, nhưng gặp nhiều cơ may nên họ đạt được nhiều thành tựu bất ngờ. Cho thấy, trong cuộc sống, để mọi việc làm và tính toán đi đến kết quả như ý thì phải cần đến chất keo may mắn kết dính lại. May mắn là cách gọi nôm na của nhiều người, bản thân của nó chính là phước đức do mỗi người tu tạo. Chúng ta sống tốt sẽ có được phúc lành may mắn. Cội nguồn của mọi ý nghĩ và hành động tốt đều từ tâm thoáng rộng. Khi lòng thanh thoát, tâm hồn thoáng rộng, con người luôn có những ý nghĩ và việc làm tích cực, hướng thiện và hướng thượng, phúc lành may mắn từ đó có ra. Phúc đức càng nhiều, cộng với sự rèn luyện, vượt khó, trí tuệ được phát huy, cuộc sống chúng ta càng được may mắn, sáng suốt, an vui và thành đạt.

2. Hiệu quả cuộc sống.

Không kể đến những bậc thoát tục phi phàm. Còn lại, cuộc sống của mỗi người phải hội đủ hai yếu tố tinh thần và vật chất thì mới có được một cuộc sống an vui, lành mạnh, thật sự là sống. Nếu chỉ một bề chăm chăm vào vật chất để phấn đấu mà quên lo cho đời sống tinh thần thì chỉ là cục thịt sống. Bao điều thiếu sót, sai lầm đưa đến bất hạnh, khổ não từ đây mà có ra. Thử nghĩ đến một gia cảnh có rất nhiều tiền của, nhưng suốt ngày bận rộn quần quật, lúc nào cũng căng thẳng như đàn gần đứt dây, mọi người không nhìn được mặt nhau thì liệu gia đình này có được một cuộc sống an vui thật sự? Thử nhìn lại một khối tài sản to lớn không ai bằng, nhưng do vì sự giàu sang ấy mà bị bệnh tật, tàn phế, không sử dụng được, chúng ta sẽ như thế nào? Đứng trước những điều bất hạnh hoặc căng thẳng, khổ sầu, những nhà lầu, xe hơi, tiền bạc, vàng ngọc… còn có ý nghĩa với mình không? Mới biết, tài sản giàu sang không phải là yếu tố duy nhất mang lại cho ta một cuộc sống tốt. Vật chất vẫn cần cho cuộc sống, nhưng nó không phải là tất cả đối với cuộc sống của một con người.

Một khi nào đó quá căng thẳng trong công việc, chúng ta thử tạm thời dừng lại, buông xuống mọi thứ, tìm một nơi thoáng đãng, yên tĩnh để tinh thần được giải phóng. Sau đó sẽ hay ra được nhiều điều. Sẽ cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng và nhận ra nhiều điều sáng sủa; không cần phải mất quá nhiều căng thẳng mà vẫn đem lại hiệu quả công việc ngoài mong đợi. Mới thấy, tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống.

Khéo cân bằng và điều hòa cuộc sống, bằng một tâm thái bình tỉnh, tâm hồn thoáng rộng, chúng ta vừa được phúc lành may mắn để giúp cho công việc của mình thành tựu, vừa có trí tuệ sáng suốt, vừa có một tâm hồn an vui để được sống. Trí tuệ thông thái, vật chất không thiếu, tinh thần có thừa, một cuộc sống như thế có ai không mơ ước?

V/ KẾT LUẬN:

Gió vẫn thổi, mây vẫn trôi và nước vẫn không ngừng chảy. Cuộc sống đang phát triển, mọi thứ cần được phát huy; ngưng lại tức là đã bị thụt lùi, bị cuộc đời đào thải. Không phải cố định là phải sống chậm, cũng chẳng phải nhất thiết là phải sống nhanh. Mỗi người cần khéo léo rèn luyện, tập an định tự tâm để khai thác năng lượng vĩ đại vốn có. Năng lực ấy rất lớn, nó thừa sức để đưa chúng ta vượt lên trên tất cả, cuộc đời không còn làm khổ mình một cách dễ dàng như trước nữa. Bằng cách này, cuộc sống của mỗi người luôn là một sự tiến bộ. Ngày nay mình phải hơn mình của ngày hôm qua. Để có được một cuộc sống có ý nghĩa trọn vẹn, mỗi người chúng ta nên khéo léo hoàn thiện mình. Có vẻ hơi khó. Nhưng mỗi thành công đều đến từ trí tuệ và ý chí nổ lực phấn đấu vượt khó. Ít thấy có thành tựu nào đến từ sự dễ dãi, yếu hèn.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1194611
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2862
4486
19128
1147600
79614
118095
1194611