Trước khi nói về quá trình tu tập, tôi xin lược qua đôi chút về mình.
Tôi sinh ra tại An Giang, lớn lên ở Sài Gòn. Năm ba mươi lăm tuổi, tôi về lại An Giang với nghề “Phở Bò.” Hai năm sau kể từ ngày tôi sống ở An Giang, tôi phát hiện mình có bệnh. Tại bệnh viện Đa Khoa An Giang, bác sĩ bảo tôi bị ung thư bướu. Việc buôn bán lúc này không khá. Tôi rời An Giang lên Hà Tiên sanh phương lập nghiệp, mang theo căn bệnh trầm kha. Bệnh mỗi ngày một tăng; việc buôn bán tại Hà Tiên lại phát đạt thuận lợi. Cho đến một hôm, vì làm việc quá sức, tôi bổ nhào vào xe phở nơi tôi đang nấu. Thế là gia đình chở tôi về An Giang điều trị rồi sau đó tôi được phẩu thuật cắt bướu. Sau một tháng rưỡi điều trị tại quê nhà, tôi còn yếu nhưng vui nhiều vì nghĩ rằng trở lại Hà Tiên kỳ này tôi đã đoạn tuyệt vĩnh viễn những cơn đau vật vã đến ghê hồn.
Sự đời nào ai biết trước.
Hai năm sau ngày mổ, niềm vui chưa dứt, cái đau lại đến với tôi lần nữa: bệnh tái phát, di căn lên phần trên của người phụ nữ. Tôi lại vật vã với cơn đau thấu trời, lại tiếp tục uống thuốc và … thuốc. Từ thuốc Tây sang thuốc Bắc, cách điều trị nào nghe nói đến tôi cũng áp dụng qua. Có vị chuyên trị thuốc Nam bảo tôi rằng ngoài việc uống thuốc nên kết hợp dùng củ hành Tây thái mỏng, giã nhuyễn với ít muối bọc trong vải mùng, cho vào nồi đất nung âm ấm, đắp lên cả hai bên ngực. Tôi vì đau quá, đầu óc lú lẫn, thân xác rời rã nên nhắm mắt làm theo, may ra hết đau thì tốt. Sau này nghĩ lại phát sợ. Bệnh tôi nếu áp dụng theo phương pháp đó lâu ngày thì từ dạng sưng đỏ sẽ tượng nên mủ rồi bể – thế là tôi hết đời. Cũng may, lúc đó có một người quen cùng xóm thấy tôi bệnh hoạn nước da xấu lắm (họ bảo thế), liền đem đến cho tôi mượn quyển kinh “Kim Cang Giảng Giải” của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Vị đó bảo tôi đọc kinh Kim Cang sẽ được nhiều phước, ắt có khi khỏi bệnh được mạnh giỏi. Tôi tiếp lấy quyển kinh không mấy nhiệt tình, nhưng vì thấy người ta có lòng với mình nên cũng xem qua cho biết. Tôi vốn từ lâu không tin, cũng như ít tìm hiểu những gì mà các tôn giáo nói; đạo Phật cũng không ngoại lệ, tôi không hiểu sao tôi tệ vậy.
Kinh Kim Cang đến với tôi trong lúc tôi đau khổ đến tột cùng. Tôi đang chờ cái chết đến để kết thúc những cơn đau thấu trời xanh. Bác sĩ Phượng là người “ra toa thuốc” cho tôi uống. Cô nhắc khéo với nhà tôi rằng khi nào bệnh tôi phát mạnh thì hãy đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Đa Khoa Kiên Giang, gần nhà hơn, tránh bị dằn xốc vì đường sá xa xôi. Tôi hiểu được thông báo gì ẩn sau lời khuyên ấy. Thật bi quan! Cái chết ám ảnh tôi hàng đêm khi gia đình tôi đang an giấc. Tôi đã dặn dò nhà tôi ở lại nuôi con và an bài mọi việc đâu đó xong xuôi mà tôi vẫn chưa đành lòng ra đi. Tôi còn muốn sống.
Không ngờ mọi việc lại đổi thay. Kinh Kim Cang thổi vào xác tôi một luồng sinh lực. Đọc đến đoạn bốn, tâm tôi bừng “Ngộ,” mồ hôi rịn ra, gió thổi chạm vào da tôi nghe mát mẻ và sảng khoái làm sao. Trong người tôi nghe nôn nao xao xuyến, thơ thới nhẹ nhàng. Thì ra tôi vẫn là tôi, tôi chưa hẳn mất, tôi đã tìm ra lối thoát: thân, đời là giả có, pháp thân nằm trong mỗi người không hoại – vậy là có cách để “được bất tử.” Tôi nhất định tìm ra nó. Tất cả phương pháp nằm cả ở đây, trong tay tôi lúc này. Vỏn vẹn chỉ có mấy câu thôi sao đến bây giờ tôi mới gặp, trời hỡi!
Cuộc đời tôi sang trang từ đó. Tôi đọc kỹ đoạn bốn trong kinh Kim Cang. Tôi thích nó lắm, đọc đi đọc lại nhiều lần tên Hòa thượng ân sư. “Ông có mặt trên trần gian này để độ mình đây,” tôi nhủ thầm như vậy. Những tháng ngày sau đó tôi thường đến chùa tìm hiểu đạo Phật và thỉnh đọc nhiều sách nói về Thiền phái Trúc Lâm của ân sư. Rồi duyên may đưa đến tôi có trong tay băng hình dạy tọa thiền do đích thân Thầy chỉ dạy cho Phật tử nước ngoài (Việt kiều ở Úc.) Từ đó tôi tự tập tọa thiền tại nhà. Tôi nhất nhất thực hiện mọi điều Thầy dạy trong sách bằng tất cả nghị lực tư duy của mình. Mỗi lời Hòa thượng nói là ngọc ngà châu báu đối với tôi. Tôi góp nhặt trân quý không bỏ sót để làm giàu kho báu của mình. Sau giờ nghỉ bán mỗi đêm (1 giờ 30), tôi tập tọa thiền. Đầu tiên tôi ngồi được năm phút, sau tăng dần lên mười lăm phút. Tôi tập ngồi theo thế kiết già nên đau dữ lắm. Tôi cắn răng chịu đựng đến hết mức mới chịu xả. Tôi xả thiền theo đúng pháp: xoa nắn các chỗ đau nhiều, đi tới đi lui thư giãn êm rồi lại tiếp tục ngồi đến hết đêm. Tôi ham tu thiền đến mức không cần ngủ đêm. Tôi vốn bị mất ngủ hơn mười bảy năm, chắc vì căn bệnh ung thư trong người tôi. Điều này thường làm tôi đau khổ mỗi khi nghĩ đến nổi bất hạnh không ngủ được. Rồi tôi tự đặt cho mình nội quy một năm phải ngồi được một tiếng đồng hồ và ba năm phải ngồi đủ hai giờ (tôi bắt chước Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt.) Sau bảy tháng công phu, tôi có được giấc ngủ an lành và nhiều việc tốt đến với tôi do kết quả công phu tu thiền. Tôi phục hồi thị lực. Mắt tôi mờ hai độ ở tuổi năm mươi bây giờ sáng lại như tuổi hai mươi. Tôi không dùng kính đeo mắt nữa. Tôi có thể đọc sách và khâu vá ban đêm. Tôi thường làm thơ, kệ đạo dâng Thầy trình chỗ thấy của mình. Tôi thích viết chữ nhỏ như con “kiến riệng” (thuở còn đi học chữ tôi viết to lắm) bởi đó là thành quả tôi có được kể từ ngày tôi biết đạo. Đau nhức trong người tôi thưa dần, mặt tôi sáng ra, không còn nám nhiều ở hai má. Mùa Đông đến tôi không còn ủ ấm mà thường nghe mát mẻ dễ chịu. Lúc bắt đầu hạ thủ công phu tu tập, tôi sống chay lạt đạm bạc qua ngày. Do trước đây chưa hiểu đạo tôi “quàng xuyên” đủ thói hư tật xấu; giờ biết ra tôi tự phạt mình. Tôi đã biết mình có “cái tôi” thật – đó là “ngã Phật.” Tôi đem ngã Phật điều khiển thân tâm tu tập. Hơn một năm rưởi tôi thư đi thư lại Thiền viện Trúc Lâm để thưa hỏi những vướng mắc. Tôi thường hay khóc mỗi khi viết thư. Tôi khóc mừng vì hiểu đạo. Tôi khóc cho những lầm lỗi ngu si của mình trước đây. Tôi lại khóc khi nghĩ đến ơn Thầy chưa đền đáp được.
Kim Cang biết đạo thọ ơn Thầy,
Đêm ngày tu tập chẳng lúc khuây.
Tủi duyên nghĩ phận mình phước mỏng,
Chẳng được cận Thầy học đạo thâm.
Mài mò thân bệnh bao lần khó,
Tróc vẩy trầy vi tự trở xoay.
Thương Thầy nổ lực hằng tinh tấn,
Công phu bất nệ báo ơn dày.
Tất cả vướng mắc của tôi trên đường tu tập đều được Hòa thượng ân cần chỉ dạy. Tâm lão bà của Thầy thể hiện qua mỗi bức thư tôi nhận được từ Thiền viện Trúc Lâm. Tôi luôn tinh tấn vì lòng tôi lúc nào cũng nhớ đến ân sư. Tôi ấp ủ ước mong gặp được Thầy. Tôi chỉ gặp Thầy duy nhất một lần khi Thầy về Sắc Tứ Tam Bảo (lúc này tôi đã qua quá trình tu tập được hai năm rưỡi.) Đêm đó Thầy giảng về chữ KHÔNG trong Bát Nhã và lợi ích của việc tu Thiền. Dịp này Thầy về Tam Bảo Hà Tiên để đặt tên cho Đạo tràng theo thỉnh cầu của chúng tôi. Sau bài giảng này quí Phật tử đi chùa lâu năm rất thích học tu thiền. Đạo tràng Tuệ Giải của chúng tôi được thêm người mộ thiền. Từ đó tôi thường dõi theo bước chân hoằng pháp của Thầy, qua các nơi Thầy khánh thành thiền viện, chùa. Mỗi khi bắt gặp hình Thầy trên báo Giác Ngộ, trong băng hình, trên truyền hình, hay nghe ai nói đến tên Thầy, tôi nghe lòng ấm lạ. Thầy tôi đó, người đã cứu sống tôi trong kiếp này, người đã đưa tay vớt tôi khỏi dòng sông sanh tử, khó có lời nào thay được xúc cảm trong tôi.
Bao nhiêu của quí ở đời,
Bao nhiêu hoa gấm dệt lời thế gian.
Nếu đem so sánh bằng ngang,
Ơn Thầy khó sánh nào ngang cao bằng.
Trong con ghi nhớ vĩnh hằng,
Lời Thầy sách sách hóa thành báu châu.
Của kia nguyện giữ bền lâu,
Theo gương người trước chẳng câu nệ lòng.
Đạo tràng Tuệ Giải ra đời cho tôi nhiều thuận lợi. Thầy trụ trì Sắc Tứ Tam Bảo hết lòng bảo hộ chúng tôi từ vật chất đến tinh thần. Chúng tôi sống trong tinh thần lục hòa của đạo: thương yêu giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, cùng nhau sách tấn tu tập, trao đổi kinh nghiệm, và từ đó những dòng sữa pháp đáng giá ngàn vàng được quí thầy mang từ Thiền viện Trúc Lâm xa xôi về tận miền biên giới heo hút Hà Tiên, mớm cho chúng tôi lớn dần tâm đạo. Hà Tiên chỉ là một địa danh trong bao nhiêu địa danh khác mà trên bước đường hoằng dương Phật pháp, quí thầy đã thay lời Hòa thượng ân sư dạy dỗ nhắc nhở chúng tôi con đường trở về quê cũ. Từ gần đến xa, từ trong nước đến nước ngoài, quí thầy thay phiên nhau tỏa đi khắp chỗ, đem bầu nhiệt huyết của Hòa thượng truyền sang cho chúng tôi, giúp chúng tôi con đường ngắn nhất, tốt nhất trở về cội nguồn, trở về với chính con người thật của mình từ muôn thuở; thử hỏi còn lời nào ở thế gian nói lên tâm lão bà của Hòa thượng ân sư. Chúng tôi nguyện cố gắng ra sức tu tập, đạt kết quả mỹ mãn để báo ơn dày. Và Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên là duyên lành tôi có được. Nơi đó có bạn đạo, có thầy hay, là nơi tu tập tốt, ở đấy mắt tuệ tôi từ từ mở.
Qua năm năm tu tập, bệnh tôi hết lúc nào không hay. Tất cả những lời Thầy dạy trong sách (sách mà lúc mới đọc tôi chỉ hình dung thôi) thí dụ như những từ "Thân tâm an lạc," "Mọi người ai cũng dễ mến," "Mọi cảnh đâu đâu cũng đẹp," "Tâm cảnh như như,".v.v..., bây giờ tôi thật sự mới có "nó." Tôi cảm nhận y như vậy. Một tiếng chim hót, một tia nắng còn sót lại trên đầu ngọn tre buổi hoàng hôn hay một cơn gió nhẹ thổi mát da cũng làm tôi vui thích lạ. Tôi đã tập được "nhìn" chỉ có thấy, "nghe" chỉ có nghe, "cảm nhận" chỉ có cảm nhận, trong trạng thái vô thức, "vô thức" mà "biết" tất cả cảnh vật xung quanh không qua suy tưởng.
Lục căn tiếp xúc lục trần mà,
Thức kia không khởi chẳng chạy xa.
Căn, trần, thức nếu không hòa hợp,
Sống giữa ta bà dạo cảnh hoa.
Chuyện tu thấy khó mà không khó,
Kiên cố tâm bền thấy được "Va."
Pháp không một pháp mà thành đạo,
Thành chẳng phải thành tự của ta.
Và để hoàn thành việc lớn, tôi quyết định chấm dứt mưu sinh. Với chút vốn liếng tạo được thuở còn trẻ, tôi nguyện suốt đời đạm bạc tương rau mà sống trọn vẹn với ông chủ của mình. Tôi đã làm một cuộc cách mạng trong đời khi chủ động gia đình chấm dứt nghiệp mưu sinh. Tôi thà không biết "nó," chớ biết rồi mà không sống được với "nó" thì ấm ức lắm. Buôn buôn bán bán hoài khó "bứt xiềng nô lệ." Tôi muốn dứt luân hồi.
Thế là chúng tôi dắt dìu nhau về quê cũ. Gia đình tôi sống thanh bần tự tại nơi mảnh vườn nhỏ 600m2 đất. Mùa nước nổi sự đi lại coi như ngưng trệ, chỉ sinh hoạt được trong mùa khô. Nơi đây ngày ngày tôi tưới cây, làm thơ, đọc sách, tọa thiền, sống bình dị như mọi người, chỉ khác là chuyện tu tập không còn dụng công nữa. Trâu tôi thuần rồi.
Một mảnh nhồi thành chẳng dụng công,
Nói năng đi đứng thảy được thông.
Mong manh áo vải đời đạm bạc,
Sương khói công hầu tợ mảy lông.
Sớm nghe chim hót vừng Đông mọc,
Nắng rọi ngàn cây tỉnh giấc nồng.
Mây chiều lửng thửng vui phiêu lãng,
Ánh hồng chợt lịm ở cuối sông.
Nghe tin Thầy sắp "rửa tay gác kiếm," lòng tôi nghe buồn. Từ đây đến ngày ấy biết tôi còn dịp gặp Thầy? Tôi ấp ủ nguyện vọng được gặp Thầy để tôi dập đầu đảnh lễ xin Thầy ban cho Pháp danh. Tôi muốn được quy y làm đệ tử của Thầy và xin Thầy lời chỉ dạy sau cùng trước lúc Thầy đi xa. Lúc đó tôi chắc mình sẽ không thốt được lời nào, chỉ cần vừa mở lời thôi tôi sẽ khóc ngay.
Tâm Bồ đề của Thầy đã soi sáng nẻo vô minh của chúng con - những chúng sinh có duyên với Thầy. Chúng con nguyện lập hạnh theo Thầy đời đời tâm không thối chuyển.
Chơn Giác (Đạo tràng Tuệ Giải)