Thứ Năm 28/3/2024 -- 19/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Ký sự Nhật Bản P8: Chùa Đại Đức

CHÙA ĐẠI ĐỨC - Daitokuji

Đúng như mong mỏi, hôm nay ngày 31.3.2014, đoàn sẽ đi chiêm bái bốn ngôi Thiền tự trong một ngày.

Chùa Đại Đức do Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu, còn gọi là Hưng Thiền Đại Đăng Quốc Sư khai sơn Trụ trì năm 1326. Ngài là hậu thân của Thiền sư Vân Môn Văn Yển ở Trung Hoa.

Nhân mẹ nằm mơ thấy một vị tăng đưa cành hoa trắng; hoa nở năm cánh và tặng cho Bà. Bà thọ thai. Khi thọ thai, Bà sống trong tình trạng như ngủ mê, không thức dậy. Đến ngày mãn nhụy khai hoa, bà ngủ thật sâu, mê man. Bỗng chốc bà mụ nghe tiếng trẻ la lớn. Bước đến nhìn thì thấy da của đứa bé đã sáng ngời ngay cả khi chưa tắm. Đứa bé sớm phát triển rất tốt. Đỉnh đầu phía trên trán phồng lên. Đôi mắt chiếu sáng như xuyên vào người khác. Đứa trẻ đã biết xoay đầu nhìn những chuyển động chung quanh mình.

Năm lên 6 tuỏi, một hôm khi đang nô đùa gần chùa với bọn trẻ, Sư chỉ tượng Phật trong chánh điện và hỏi một đứa trong bọn: “Cái gì đó?”

Đứa trẻ đáp: “Ông Phật.”

- Không phải.

- Nếu không phải thì là cái gì?

- Nếu là ông Phật thì sẽ không có mặt người như mặt của mi đó.

Rồi Sư leo lên vai tượng Phật. Đám trẻ sợ hãi bỏ chạy hết, Sư vẫn điềm nhiên không chút lo sợ.

Năm lên mười tuổi, Sư được song thân gởi vào Chùa tu học.

Năm 1303 - 1304, Sư đến gặp vị thầy đầu tiên của mình là Cao Phong Hiển Nhật (1241–1316) hiệu là Phật Quốc Quốc Sư. Không bao lâu, Sư được thọ giới làm tăng. Pháp hiệu đầy đủ của Đại Đăng là Tông Phong Diệu Siêu. Sau, Sư đắc pháp nơi Thiền sư Nam Phổ Thiệu Minh (Đại Ứng Quốc Sư) và theo hầu Thầy cho đến cuối đời.

Khi Thiền sư Thiệu Minh viên tịch, Sư thừa giáo mệnh của Bổn Sư, phát nguyện hành hạnh đầu đà 20 năm, đi xin ăn và ngủ dưới cầu Ngũ Điều với những người ăn xin để tự kiểm điểm sự tỏ ngộ của mình. Sau đó, Sư dời đến ở ẩn tại một ngôi am nhỏ tên là Vân Cư am ở đất Tử Dã, sau nầy là đông Kyoto.

Tin truyền về một kẻ ăn xin lạ thường đồn đến tai Thiên hoàng Hoa Viên (hanazono), ông đích thân đến cầu Ngũ Điều để tìm cho ra lai lịch của vị khất sĩ phi thường này. Ông mang theo một giỏ dưa và nói với các khất sĩ:

- Ta sẽ tặng quả dưa cho người nào đến đây mà không sử dụng đôi chân.

Mọi người đều suy nghĩ chần chừ, Sư liền bước ra nói:

- Đưa quả dưa cho ta mà không được dùng đôi tay!

Ngay sau sự việc này, Nhật hoàng thỉnh Sư về cung điện tham vấn, nhưng Sư chần chừ chưa muốn xuất hiện.

Một đêm Sư nằm mơ thấy sáu vị tỳ-kheo hình như là đại đệ tử của Phật. Vị trưởng thượng nhất bảo: “Thời cơ đã đến cho ông trụ trì. Tại sao không chịu đi?”

Theo các nhà viết tiểu sử, những năm quy ẩn của Đại Đăng ở Vân Cư am chấm dứt vì điềm chiêm bao thấy sáu vị tỳ-kheo yêu cầu Sư “ra đi!” Để nhấn mạnh lời khuyến cáo, một trong sáu vị đó đã đâm một mũi kim bằng tre vào đầu Đại Đăng. Thức dậy, Sư bị đau đầu. Trạch Am cho rằng sáu vị tỳ-kheo này chính là “Sáu vị Tổ Sư (Thiền) đã được truyền y bát”.

Từ đây, Sư rời am Vân Cư đi hoằng hóa. Mọi người ngưỡng mộ ân đức của Sư nên đã cùng nhau kiến tạo chùa Đại Đức tại núi Long Bảo và cung thỉnh Sư làm Tổ khai sơn Trụ trì.

Năm 1326, khi làm trụ trì khai sơn chùa Đại Đức, Sư đã nói lên sự chứng ngộ của mình qua nén nhang ngát hương: “Dù ta cất giữ hương thơm này trong đãy ngót hai mươi năm, nhưng càng giấu kín thì càng thơm lừng”.

Thượng Hoàng Hanazono và Thể Hồ Thiên Hoàng nghe danh Sư đều đến hỏi đạo và tham Thiền.

Thầy Bổn sư của Sư là Thiền sư Thiệu Minh được sắc thuỵ là Đại Ứng Quốc sư. Và Sư được sắc thuỵ là Đại Đăng Quốc sư. Từ đó trong Thiền môn gọi là “Ứng, Đăng Nhị Tổ”. Hơn nữa, sau này đệ tử của Sư là Ngài Quang Sơn Huệ Huyền khai sơn chùa Diệu Tâm cũng rất nổi tiếng nên người thời ấy xưng tán Đại Ứng, Đại Đăng và Quang Sơn là phái Thiền “Ứng Đăng Quang”. Pháp Mạch của phái này phát triển rất mạnh cho nên hiện nay tất cả các phái của Tông Lâm Tế đều thuộc về pháp hệ nầy.

Đoàn đến chùa Đại đức vào một buổi sáng đẹp trời, nắng nhẹ và hơi se lạnh. Cảnh chùa trầm hùng, rộng lớn và có sinh khí lắm. Đường đi lối lại cho đến cây cảnh ở đây được chăm chút khá kỹ lưỡng. Trước Chánh điện là cội tùng khá to và cao như ghi lại chứng tích một thời vàng son của Thiền tông nơi này.

Trong chùa có nhiều phân viện. Mỗi viện đều có Trụ trì riêng theo truyền thống chùa Nhật. Đẹp nhất vẫn là Đại Tiên Viện. Ngay cửa vào đoàn đã nhận thấy chữ Thiền trên một tấm gỗ rất độc đáo. Nơi này có Thiền đường, vườn cảnh khá đẹp. Vị Trụ trì ở Viện này có đi giảng dạy nhiều nơi trên thế giới.

Trước đây, lúc Thiền tự Đại Đức đã náo nhiệt do quá nhập thế, Thiền sư Hoa Tẩu Tông Đàm Trụ trì một am trong Chùa Đại Đức, Ngài Nhất Hưu Tông Thuần đã ở đây chín năm để kiên nhẫn tu tập theo pháp rốt ráo của Hoa Tẩu. Nhất Hưu đã ngộ đạo và ở lại cho đến khi Hoa Tẩu quy tịch (1428) mới rời chùa Đại Đức để chu du, tùy duyên giáo hóa. Những năm cuối đời, sau khi thôi Trụ trì chùa Diệu Tâm, Hòa thượng Nhất Hưu đã về lại Trụ trì chùa Đại Đức này.

Nơi ngày xưa Hòa thượng Nhất Hưu ở khá đơn giản và yên vắng. Đi ngang qua đây ai cũng muốn vào thăm nơi ở của một vị Thiền sư khá đặc biệt mà mọi người đều rất ngưỡng mộ. Nhưng nghe nói vị Thầy Trụ Trì ở khu vực này không dễ tính nên chỉ đứng ngoài cổng nhìn thôi, không ai dám vào.

Đến Chùa Đại Đức với một sự ngưỡng mộ, tôn kính. Bởi nơi này do vị Thiền sư lỗi lạc khai sơn, trụ trì, giáo hóa. Đồng thời, nhiều đời từng có các vị cao tăng trụ trì hoằng hóa tại đây. Nhưng khi đến nơi, đoàn không đủ duyên gặp quý Ngài nội viện, không trao đổi được gì với ai ở đây. Chỉ ngắm cảnh trong thầm lặng, hồi tưởng về một quá khứ Thiền tông hưng thạnh, rạng rỡ. Ra về với nhiều nỗi niềm tiềm ẩn trong tâm khảm mỗi người.



Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

361389
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1768
1816
12758
335955
60397
88584
361389