Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Phụ Lục: Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc

I/ THIẾU THỜI.

Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản.

Hara ở ven Vịnh, nhìn ra Thái Bình Dương, gần núi Phú Sĩ.

Sư sinh vào ngày 25 tháng chạp năm 1685. Vào giờ Sửu, ngày Sửu, tháng Sửu, năm Sửu. Là con út trong một gia đình có 3 trai, hai gái. Lên 5 tuổi, được dẫn đi chơi trên bãi biển gần nhà. Trong khi các chị đùa giỡn với các, Iwajiro (Nham Thứ Lang) nhìn biển rồi nhìn lên trời thấy mây trôi không ngừng, cậu bé lẩm bẩm: “Ôi, lạ quá!” và bậc khóc.

Có lần Thầy tăng kỳ lạ thường niệm Phật và thổi sáo tre tên Kyushin thường theo lời thỉnh mời của cha Ngài đến nhà thọ trai xoa đầu cậu bé lên 7 và nói: “Đứa bé này gương mặt đĩnh ngộ, sau này sẽ là nguồn an lạc của nhiều người.”

Từ nhỏ, Iwajiro (Nham Thứ Lang) rất sợ địa ngục. Lên 11 tuổi đi chùa, nghe vị Sư phái Nhật Liên tông kể hình phạt trong tám cửa hỏa ngục, cậu sợ run bắn cả người. Về nhà, nước mắt cứ ràn rụa khiến cậu không sao ngủ được.

Năm 12 tuổi, nhân xem vỡ tuồng múa rối Sư Nisshin đội nồi:

Viên quan hỏi Sư Nisshin phái Nhật Liên: “Ai tụng kinh Pháp Hoa thì lửa không đốt cháy được phải không?” Sư đáp: “Ai thành tâm tụng Kinh Pháp Hoa thì vào lửa không cháy, xuống nước không chìm.” Viên quan ra lệnh mang lưỡi hái đã nung cháy sáng và nồi đốt cháy đỏ đến đặt lên đầu Sư Nisshin. Sư vẫn điềm nhiên tụng kinh.

Mọi người đang xem ai cũng xúc động vô cùng và đồng thanh niệm Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Khi ấy, cậu bé Iwajiro (Nham Thứ Lang) tin rằng người tu sẽ không bị đọa địa ngục nên phát nguyện đi tu. Mẹ rất hoan hỷ vì thấy cậu bé đã có vẻ khác phàm.

II/ XUẤT GIA TU HỌC.

Năm 14 tuổi, Iwajiro (Nham Thứ Lang) bắt đầu học Kinh điển với vị sư già Sokin ở gần chùa Tùng Âm (Shoin-ji, Tùng Âm Tự). Qua năm sau, Iwajiro (Nham Thứ Lang) vào chùa Tùng Âm đảnh lễ Đơn Lãnh Truyện Công (Tanrei Soden) xin cạo tóc xuất gia. Cạo tóc xong, Đơn Lãnh vỗ lưng đệ tử, nói: “Phạm nghi chánh thủ.” (đúng là một bậc nghi phạm Tùng Lâm). Và trao pháp danh Huệ Hạc. Sư thề: “Nếu thân này không bị lửa đốt, không bị nước cuốn thì sẽ tu học mãi, dù chết cũng không dừng nghỉ.”
Sau đó Huệ Hạc được gửi đến chùa Đại Thánh (Daisho) ở Numazu, tỉnh Suruga cho một vị thầy khác là Tức Đạo (Sokudo) dạy dỗ.

Năm 19 tuổi, Sư rời chùa Đại Thánh để tầm sư học đạo. Sư theo vị Thầy đầu tiên là Sokin đến Chùa Thiền Tùng (Zenso-ji). Một hôm nghe tọa chủ Sen’ei giảng về Nham Đầu Toàn Khoát. Sau đó Huệ Hạc tìm đọc tiểu sử thì được biết ngài bị côn đồ đánh đến chết. Huệ Hạc rất đỗi băn khoăn, nếu một vị cao tăng không thể thoát khỏi tai ách khi còn sống thì khi chết đi làm sao tránh khỏi địa ngục? Nếu vậy thì xuất gia làm gì? Nỗi lo sợ thời thơ ấu chụp xuống Huệ Hạc, nhưng cuối cùng sư nghĩ, dù không tránh khỏi địa ngục đi nữa thì không hơi đâu mà lo lắng nghĩ suy làm gì.

III/ THI HỌA.

Những năm đầu trong chùa làm thiền sinh, Sư được học văn chương nghệ thuật. Cộng thêm những chuyến hành hương sau này khiến Huệ Hạc có kiến thức uyên bác về thi ca Trung Hoa, nhất là đối với Lý Bạch, Đỗ Phủ, và sau này sư đã trở thành bậc thầy về thư họa trong cách viết chữ thảo - một sự tổng hợp giữa Hán tự và âm tự Nhật.

Trong làng Hinoki tỉnh Mino (Mỹ Nùng) có một thiền sư thi nhân già tên là Mã Ông (Ba-ō). Huệ Hạc là một trong số 12 học tăng đến đó vào mùa xuân năm 1704. Chùa Thụy Vân của Mã Ông quá nghèo nên học tăng phải tự lo liệu gạo ăn, củi đốt. Y như tên Mã Ông có nghĩa là ngựa hoang, Mã Ông la mắng đệ tử không tiếc lời. Chẳng bao lâu 11 người bỏ đi, một mình Huệ Hạc ở lại. Mã Ông thường đi đến thị trấn Ōgaki gần bên. Thừa cơ hội vắng thầy, Huệ Hạc đọc và làm thơ chữ Hán lúc rảnh rỗi.

IV/ KHẮC KHOẢI - QUYẾT TÂM TU HÀNH.

Tuy thư họa rất giỏi, nhưng Sư vẫn băn khoăn, cho dù trở thành thi bá hay thi thánh như Lý Bạch, Đỗ Phủ thì làm sao tránh khỏi địa ngục? Một hôm lên nhà trên thấy sách vở chất đầy trên giá, sư cầu nguyện chư Phật mười phương cùng long thần hộ pháp gia bị chỉ cho con đường nên theo đến hết đời, rồi nhắm mắt lấy đại một quyển kinh. Đó là quyển Thiền Quan Sách Tấn thuộc thế kỷ XVII do ngài Vân Thê Châu Hoằng ghi chép ngữ lục và những giai thoại về công phu hành trì miên mật của chư thiền đức. Niềm tin mãnh liệt, sư nâng quyển kinh ngang trán, không cần nhìn, lật sách ra trúng ngay chương nói về một thiền sư đời Tống là Từ Minh Sở Viên ở Thạch Sương tọa thiền suốt đêm ngoài trời lạnh. Vì muốn chống lại ma ngủ, Từ Minh đã lấy dùi đâm vào đùi (dẫn châm tự thích). Sư cảm kích tấm gương tha thiết cầu đạo của tiền nhân nên từ đó quyết tâm không ngừng nỗ lực tu học. Vài tháng sau, hay tin mẹ qua đời sư làm kệ dâng lên mẹ nhưng vẫn không rời làng Hinoki.

V/ THAM TẦM.

Mùa xuân năm sau, sư giã từ chùa Thụy Vân đi tham vấn khắp nơi: chùa Bảo Phước ở Đổng Hộ yết kiến Nam Thiền, viện Linh Tùng tham yết Vạn Hưu, chùa Đông Quang ở Mỹ Nùng (Mino) nương Đại Xảo (người chủ trương làm giảm nhẹ tinh yếu của thiền để có thể đại chúng hóa, đặt tên là Thiền bình thường). Năm 22 tuổi đến chùa Thường Cao ở Nhã Hiệp tham kiến Vạn Lý.

Khoảng thời gian này (1706) Huệ Hạc có được quyển Hư Đường Lục, ngữ lục này đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời sư sau này. Sư đến chùa Jōkō tỉnh Wakasa để nghe Pháp sư Banrei giảng về đại thiền sư Trung Hoa này ở thế kỷ XIII. Trong ngữ lục có ghi lại một bài thơ của một vị sư đã hoàn tục và sau đó đi tu lại:

Tôi đã bại hoại vì điên rồ hoàn tục sáu tháng
Nay trở về tu viện
Ôi hoan hỷ! Ôi hạnh phúc! Sau biết bao đau khổ.

Huệ Hạc đã khóc, tưởng như bài thơ viết về mình, vì sư đã có lần sanh tâm trở lại thế gian.

Mùa hạ năm đó sư đến chùa Chánh Tông (Shōshū-ji) ở Y Dự (Iyo) gặp Pháp hội của Dật Thiền đang giảng Phật Tổ Tam Kinh. Sư là một trong năm vị được mời đến nhà khách của lãnh chúa Matsudaira ở lâu đài Matsuyama. Người ta cho các khách tăng xem hàng chục bức tranh. Có một bức bọc trong túi gấm, bên ngoài còn đậy thêm hai chiếc hộp. Đó là thư họa của Daigu Sōchiky, một thiền sư thuộc thế kỷ XVII. Nhìn thoáng qua đường cọ vẽ chưa đều lắm và hơi vụng. Huệ Hạc hiểu rằng trong thư pháp người ta còn thưởng ngoạn cốt cách của người nghệ sĩ vốn là một nhà sư, do đó bức họa này rất được trân quý hơn hẳn các bức khác. Trở về chùa Chánh Tông, Huệ Hạc đốt hết tranh chữ, họa phẩm kể cả tập thơ.

 “Mười lăm tuổi tôi đi du phương, hai mươi hai và hai mươi ba tuổi tôi đau đớn ngày đêm để thâm nhập chữ VÔ”, Huệ Hạc đã viết lại trong một lá thư của tập Hoa Mảnh Mai. Như thế, có thể sư bắt đầu tham công án vào năm 1706 (22 tuổi). Công án luôn luôn được thầy trao cho trò, nhưng không rõ vị nào đã trao cho sư công án đầu tay này.

Năm 1707, Huệ Hạc 23 tuổi hành hương với bằng hữu trên hòn đảo lớn nhất nước Nhật, phía đông Fukuyama và ghé qua lâu đài danh tiếng ở Okayama. Sư không ngừng vật lộn với chữ VÔ suốt cuộc hành trình, trong khi bè bạn mải luận bàn cảnh đẹp chung quanh và kiến trúc lâu đài. Sư nhắm mắt thầm nhủ, việc lớn chưa xong, thì giờ đâu mà ngắm cảnh? Họ đã nghỉ lại ở một ngôi chùa trong núi và sư có làm bài thơ:

Dưới núi dòng thác chảy
Cuồn cuộn trôi đi mãi
Tâm thiền nếu như thế
Thấy tánh đâu ngăn ngại.

Lúc đến Y Thế, nghe Mã Ông bị bệnh nặng, sư bèn đến chùa Thụy Vân thăm. Sau đó đến quê nhà Hara. Gần bốn năm rưỡi xa nhà, gia đình và bè bạn tụ tập hỏi thăm, sư chỉ trả lời ậm ừ. Ai cũng bảo sư kỳ quặc.
Tháng 11 năm đó, núi Phú Sĩ phun lửa gây động đất lớn làm rung rinh cả chùa Tùng Âm, nơi trước đây Huệ Hạc xuất gia và hiện đang trú ngụ. Chư tăng chạy hết ra ngoài, riêng sư vẫn an nhiên tọa thiền: “Đã nhất quyết mở sáng mắt huệ thì có chư thiên phù hộ”. Lúc đó một tia lửa khổng lồ bên sườn núi bắn ra thành một đỉnh núi dung nham. Tro bụi trắng như tuyết phủ hết miền đông hòn đảo và trong thành Edo trời tối sầm giữa trưa.

VI/ NGỘ ĐẠO LẦN ĐẦU.

Khoảng năm 1708 (24 tuổi), Huệ Hạc biết có một thiền sư lỗi lạc ở Takada trong tỉnh Echigo, đó là vị trụ trì chùa Anh Nghiêm (Eigan-ji) tên Tánh Triệt (Eitetsu) đang giảng Nhân Thiên Nhãn Mục. Huệ Hạc cùng ba vị tăng đồng đến viếng Tánh Triệt vào mùa hè năm 1708. Qua cuộc tiếp xúc sư biết vị này chưa qua được chướng ngại. Thất vọng, sư giam mình trong ngôi miếu, tọa thiền suốt ngày đêm không ăn không ngủ. Ngày thứ bảy, trong khi các bạn đồng hành đang chuẩn bị trở về, Huệ Hạc đang tọa thiền chợt nghe tiếng chuông chùa từ xa. Đột nhiên, cả thân tâm biến mất. Đây là lần đạt ngộ đầu tiên, đã được ghi lại như sau: “Tôi tham chữ VÔ ngày và đêm, không dừng nghỉ dù trong chốc lát. Tôi chỉ lo lắng một điều là được thanh tịnh, bất nhiễm và kết nghi tình thành một khối. Tôi lo nhất là không thể thành một khối thường xuyên, thức cũng như ngủ. Hai mươi bốn tuổi, vào mùa xuân, tôi một mình vật lộn trong đau đớn tại thiền viện Anh Nghiêm ở Echigo. Tôi không ngủ dù ngày dù đêm, quên cả ăn ngủ, khi, bỗng chốc, trong tôi kết thành khối nghi. Tôi nhận thấy một cảm giác trong suốt cực điểm, như thể tôi bị đóng băng chết cứng trong cánh đồng giá rét trải rộng cả ngàn cây số. Tôi không tiến cũng không lùi được. Tôi như người mất hết trí khôn, và không gì hiện hữu đối với tôi ngoài chủ đề VÔ! Mặc dù tôi có tham dự những buổi giảng của thầy, tôi nghe như tiếng nói vang lên từ căn phòng đâu đâu, rất xa và hơn nữa tôi cảm tưởng như bay theo gió. Nhiều ngày trôi qua, tôi luôn luôn ở trạng thái đó. Cho đến một buổi chiều, tiếng chuông chùa đảo lộn tất cả tâm thái tôi. Giống như tiếng ầm của một tảng băng hay một ngọn tháp ngọc rớt xuống. Thức dậy, tôi thấy mình là vị tiền bối Nham Đầu, dù đã xa xưa vị tiền bối này vẫn không thay đổi. Khối nghi trước kia vỡ tan tành. Tôi kêu lớn: ‘Thật là vi diệu! Thật là vi diệu! Không còn sanh tử để thoát ra. Không một giác ngộ nào để kiếm tìm. Tất cả 1700 công án rắc rối từ xưa không còn phải tham nữa!’” Bạn đồng hành nhảy bổ vào sư, xiết tay chúc tụng. Bỗng chốc vượt qua nhị nguyên đối đãi giữa ta và người, hiện tại và quá khứ, sống và chết, trước mặt sư thoáng hiện giới xứ quang minh.

Trước đó Huệ Hạc đã bị “sốc” khi nghe kể cái chết của Nham Đầu. Một bọn côn đồ đến chùa. Chư tăng chạy hết, Nham Đầu vẫn tọa thiền và bị giết. Ngay lúc đó, trong tư thế kiết-già, Nham Đầu hét to, vang đến mấy cây số chung quanh. Giờ đây Huệ Hạc đã chiến thắng nỗi sợ chết đeo đuổi từ thuở ấu thơ. Đó là ngày 17 tháng 2, sư tròn hai mươi bốn tuổi. Từ đây sở kiến của sư nuốt hết các phương. Huệ Hạc tự nghĩ ba trăm năm sau chưa chắc có người liễu triệt như ta.

VII/ GẶP BỔN SƯ HUỆ ĐOAN KHAI THỊ.

Pháp hội của Tánh Triệt rất phổ biến, có hơn năm trăm tăng đến dự tại chùa Anh Nghiêm, trong đó có vị cao tăng là Tông Cách (Sōkakhu). Tông Cách nói với sư:

- Ông thật là siêu việt. Chỉ tiếc có đến mà cũng có chưa đến. Nếu được gặp ông già của tôi ắt có thể hiểu.

Sư gạn hỏi vì sao. Tông Cách nói tiếp:

- Tôi vốn người Tín Dương. Ở Phan Sơn (Iiyama) có am chủ tên Huệ Đoan (Etan) ở am Chánh Thọ (Shōju), cháu của Hư Đường. Đến cầu đạo am chủ hạ bút viết một quyển chuyên đề Ngô Tông Hướng Thượng. Gặp được am chủ, tôi biết ông là tay độc thủ nhiều năm.

Sư nghe thế bèn muốn đến tham kiến. Tông Cách nói:

- Hiểu biết của ông kham thọ được kiềm chùy. Nhưng môn phong am chủ chỉ cần loại cỏ thẳng tắp. Càng nhiều cái xấu thì càng náo nhiệt. Ông phải cẩn trọng với bạn bè. (Không đi nhiều người).

Sư liền đợi tan pháp hội, một mình cùng với Tông Cách đi Phan Sơn.

Trước đã từng xem Truyền Đăng Lục, thấy Sơ tổ (Bồ-đề Đạt-ma) bảy tuổi xuất gia đạt đạo mà vẫn còn hầu Bát-nhã Đa-la tu hành 20 năm mới sạch hết uẩn áo. Sư bỗng nhiên mãnh tỉnh, tâm kiêu mạn dần bớt, phát trí tinh tấn.

Khi cả hai về đến chùa, Huệ Đoan lúc bấy giờ 67 tuổi, đang lượm củi gần đó. Huệ Hạc được chính thức nhập chúng ngay, phá lệ nhà chùa là khách tăng đến học thiền phải ở riêng một thời gian.

Huệ Đoan Đạo Cảnh vốn là con hoang của lãnh chúa Matsudaira ở lâu đài Phan Sơn. Đến Edo (Bây giờ là Tokyo) năm mười chín tuổi, Đoan học thiền Lâm Tế hơn mười năm ở chùa Tōhoku với thiền sư Chí Đạo Vô Nan (Shidō Bunan), nếp sống đạm bạc và nổi tiếng nghiêm minh. Sau nhiều năm tham vấn các thiền sư khác, Huệ Đoan quay về với Vô Nan. Được thầy truyền pháp, nhưng Huệ Đoan từ khước không trụ trì chùa Tōhoku, mà dựng am tranh ở Phan Sơn để đón chờ vị đệ tử xuất cách.

Gặp am chủ, Huệ Hạc trình chỗ hiểu một thiên. Đoan dùng tay trái đề kệ rằng: “Cái ấy ngươi học được chăng?” Xong chuyển qua tay phải viết: “Cái này ngươi thấy được chăng?” Sư thưa:

- Nếu trình cái thấy được thì cần phải mửa hết.

Rồi làm tiếng ụa mửa. Đoan đè xuống hỏi:

- Triệu Châu một chữ “VÔ” làm sao hội?

Sư thưa:

- Triệu Châu “VÔ” thì chỗ đâu để tay chân?

Đoan lấy ngón tay dí chót mũi Sư nói:

- Nè! Để tay chân nhiều ít?

Sư khi ấy toàn thân toát mồ hôi, nước mắt ràn rụa không thốt nên lời.

Trước đó có lần Đoan trao lời tâm huyết với đệ tử: “Hiếm hoi làm sao những lời dạy quét sạch suy đồi trong nhà thiền và sáng tạo công án, như sao đêm mọc ban ngày.” Tuy nhiên, Huệ Hạc vẫn chưa nhận ra chân giá trị của thầy mình vì thấy trong xứ có biết bao thiền viện và thiền sư lỗi lạc, trong khi Đoan lại rút về nơi heo hút bần cùng ở Phan Sơn này. Và giờ đây Huệ Hạc ngồi yên câm nín trước vị thầy ẩn dật, truyền thừa từ tổ Hư Đường. Đoan hài lòng bảo Huệ Hạc:

- Đã tham cứu xong một công án sẽ là hậu duệ cổ Phật. Đứng lên! Hãy nghiền tới nghiền lui mọi mặt đến khi nào phá vỡ kết quả nửa đường này.

Đoan gợi ý nếu như quá kẹt với công án VÔ thì có thể đổi công án khác. Huệ Hạc liền phát nguyện trước Đoan:

- Nếu như không mở được công án trong tuần tới, xin long thần hộ pháp mười phương đừng để mạng con!

Huệ Hạc không thể nào chợp mắt vì nỗ lực quá mãnh liệt để nhảy qua cửa ải tư duy thường tình. Một chiều hè, sư đến trình chỗ thấy của mình cho Đoan, lúc ấy đang hóng gió trước mái hiên. Đoan bảo: “Trò nhảm!” Sư cười gằn mai mỉa lặp lại: “Trò nhảm!” Đoan nắm lấy học trò, đánh đá lung tung, rồi xô ra ngoài mái hiên. Sư té xuống sình. Lát sau tỉnh lại, vào lạy thầy, bị mắng “Đồ súc sinh ở hang động!” Bữa sau sư vào phương trượng quyết tâm đem hết biện tài ra tranh luận với Đoan. Đoan nổi cơn thịnh nộ chụp lấy sư xô ra khỏi cửa, từ gác cao té xuống chân tường đá, sư bất tỉnh nằm mê man. Đoan nhìn xuống cười ha hả. Tiếng cười đánh thức sư, mồ hôi đầm đìa. Sư ráng leo lên, nhưng Đoan vẫn chưa buông tha, mắng tiếp:“Đồ súc sinh ở hang động!”

Quá tuyệt vọng, Huệ Hạc định bỏ thầy ra đi. Một buổi sáng, sư vào thành Phan Sơn khất thực, đi từng nhà, ôm bát và cầm gậy đính nhiều vòng kêu leng keng. Tuy đứng trước nhà thí chủ mà vẫn không ngừng tham công án nên sư không nghe trong nhà la hét: “Đi! Đi! Đi chỗ khác!” Rồi có người ra, lấy cán chổi đánh bổ xuống đầu, sư ngã lăn ra bất tỉnh. Được khách qua đường đỡ dậy và lay tỉnh, sư mở mắt, và thình lình mở hết công án. Sư vỗ tay cười ngất. Khách bảo nhau: “Ông tăng này điên!”

Sư trở về chùa, đến gặp Đoan. Đoan cầm quạt vỗ vào người sư: “Con đã nối mạng ta! Hãy hứa là đừng bao giờ mãn nguyện với những tiểu ngộ thường thường!” Như thế vào năm 1708, Huệ Hạc đã được thầy ấn chứng.

VIII/ LÂM BỆNH.

Sau khi học đạo với Huệ Đoan Đạo Cảnh suốt sáu tháng, Huệ Hạc và ba người bạn đồng hành lên đường trở về chùa Tùng Âm.

Sau đó Huệ Hạc vẫn tiếp tục tham thiền ở nhiều nơi trong tỉnh Suruga và Tōtōmi, theo lời dạy của Đoan là dồn hết sức mình tiến tu sau khi ngộ. Vì tu hành quá miên mật, nghiêm túc nên Huệ Hạc lâm bệnh rất nhanh, phổi yếu, khó thở. Sư bước đi mà không còn cảm giác gì đối với cơ thể, lỗ tai lùng bùng và đôi khi mắt mờ. Sư lại lên đường du phương. Đến gặp Bạch U Chơn Nhơn (Hakuyu) ở ngoại ô đông bắc Kyoto. Trong tập Dạ Thuyền Nhàn Thoại đã kể lại buổi viếng thăm này. Trở về Suruga sư hành thiền theo pháp Nội Quán Tu Dưỡng Quyết của Bạch U. Không đầy ba năm sư lành bệnh. Từ đó, Huệ Hạc bắt đầu giải đáp những công án rất khó đã tham cứu từ lâu, về sau đại ngộ sáu bảy lần.

IX/ VÂN DU.

Giữa thập niên 20 và 30 tuổi, Huệ Hạc hành khước nhiều chùa trong các tỉnh Shimosa, Ise, Wakasa, Kawachi và Izumi trên hòn đảo chính, nhưng không có duyên gần gũi thiền viện dòng Lâm Tế. Ở Izumi sư ngụ tại chùa Inryō-ji phái Tào Động, gặp thiền sinh Jukaku, cả hai cùng nhau tọa thiền suốt đêm không ngủ. Một hôm Huệ Hạc tọa thiền liên tục bảy ngày bảy đêm, đại ngộ và làm bài thơ waka (liên ca):

Làm sao người nghe tiếngTrong ngôi cổ tự xa
Giữa rừng ShinodaTuyết rơi đêm thanh vắng.

Sau một thời gian ngắn, Huệ Hạc rời chùa Inryō-ji trở về chùa Reishō-ji tỉnh Mỹ Nùng. Nhưng sư thất vọng vì 50 vị tăng Lâm Tế đều tu thiền mặc chiếu theo Tào Động. Sư đến tỉnh Yamanoue nơi thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền, khai tổ chùa Diệu Tâm, ẩn cư thuở xưa, dựng một am cỏ trên núi Nham Lan (Iwadaka) mùa xuân năm 1715.

X/ TRỞ LẠI TÙNG ÂM TỰ tại quê nhà.

Độc cư gần 2 năm trời, mùa đông năm 1716, Huệ Hạc được người thân tín của cha là Shichibei tìm gặp và cho biết chùa Tùng Âm bây giờ hoang tàn, tường vách đổ nát. Chùa không có nóc, trông thấy trời và sao lấp lánh thâu đêm, mà cũng không có sàn. Làm lễ ở chánh điện gặp lúc mưa phải đội nón và mang ủng cao. Tất cả sự sản của chùa đều rơi vào tay chủ nợ, còn vật dụng sở hữu của sư cũng bị cầm cố cho bạn hàng. Vật duy nhất đáng giá ở đây là ánh trăng và tiếng gió. Cha của Huệ Hạc đang bệnh và rất đau lòng về tình trạng ngôi chùa, xưa kia do người chú xây cất và gia đình từng là đại thí chủ nhiều năm qua. Sư bằng lòng theo ý nguyện của cha muốn sư về chùa cũ nên đã rời thất cùng Shichibei trở về quê nhà.

Đầu năm 1717, ngày kỵ trai tiên sư Đơn Lãnh, Huệ Hạc tổ chức lễ nhập tự và lãnh chức trụ trì chùa Tùng Âm. Mười một tháng sau thì cha Ngài qua đời.

XI/ ẨN CƯ.

Ít lâu sau, Huệ Hạc bắt đầu dùng Pháp hiệu Bạch Ẩn (Hakuin). Điều này ngụ ý từ nay về sau sư không rời xa chùa Tùng Âm trong khoảng 40 đến 55 tuổi.

Bởi vì Pháp hiệu của sư dẫn xuất (bắt nguồn) từ tên chùa đầy đủ là Hạc Lâm Sơn Tùng Âm Tự (Kakurin-zan Shōin-ji), tức là chùa dưới bóng cây tùng trên núi trong rừng Hạc Lâm. Khi xưa Đức Phật nhập Niết-bàn giữa hai cây Sa-la, cánh rừng nhất thời trổ hoa một màu trắng như đàn chim hạc. Do đó, rừng Sa-la này ở Câu-thi-na gọi là Hạc Lâm. “Haku” là trắng, “in” là ẩn, “Hakuin” là người ẩn trong hạc trắng, tức trong Niết-bàn.

Chẳng bao lâu Bạch Ẩn được tấn phong đệ nhất điển tọa trong ba tháng an cư tại chùa Diệu Tâm, tổ đình dòng Lâm Tế phái Diệu Tâm, một trung tâm tu thiền quan trọng từ đời Muromachi (1333-1568).

Thời kỳ này tông Lâm Tế tạo ảnh hưởng mạnh đối với văn hóa và chính trị nước Nhật, các chùa thuộc nhóm Ngũ Sơn (Liêm Thương Ngũ Sơn và Kinh Đô Ngũ Sơn) và chùa Đại Đức của Quốc sư Đại Đăng là ngọc báu thời đó. Nhật Hoàng Hoa Viên (Hanazono) khi rời ngôi đã đến học đạo với Đại Đăng và cúng cho ngài một dinh thự ở ngoại ô Kinh Đô năm 1337. Sau này đổi thành chùa Diệu Tâm. Một đệ tử của ngài là Quan Sơn Huệ Huyền (Kanzan Egen) được cử làm trụ trì. Quan Sơn lập một pháp tu rất tinh nghiêm khiến chùa Diệu Tâm nhanh chóng nổi tiếng là trung tâm thiền Lâm Tế ưu việt.

Mãn nhiệm kỳ Bạch Ẩn lui về chùa Tùng Âm, tự nguyện vâng theo triệt để lời dạy của sư phụ Huệ Đoan lúc ấn chứng:

“Tông ta suy dưới đời Tống và hoại dưới đời Minh. Tinh ba còn lại đã truyền sang Nhật, nhưng thật là hiếm... Hãy phát huy dũng khí và giáo dưỡng hai môn đồ ưu tú. Nếu nhiều hơn hai thì không phải là đại pháp khí. Chỉ cần hai hạt giống chánh truyền con sẽ gầy dựng Thiền Tông.”

Đúng vậy, sau này Huệ Hạc có vị đại đệ tử là Nga Sơn Từ Trác (Gasan Jitō) có hai môn sinh là Ẩn Sơn (Inzan) và Trác Thiên (Takuju) đã phát triển ra hai dòng thiền chính sau này của tông Lâm Tế. Và đến ngày nay đã có mười bốn chi phái. Mỗi phái có tổ đình riêng, thiền viện biệt lập và các thiền sư đều là hậu duệ của hai dòng Ẩn Sơn và Trác Thiên này.

XII/ ĐỌC KINH LIỄU NGỘ.

Một hôm nhân đọc kinh Pháp Hoa, phẩm Ẩn Dụ, trước đây sư không cho là quan trọng, bỗng nghe tiếng chuông. Thình lình sư hiểu ra diệu nghĩa tinh yếu, các pháp như thị và bất khả phân. Thấu nhập huyền ý của Định trong sinh hoạt hằng ngày, sư bật khóc. Theo Niên Phổ của Đông Lãnh, là đệ tử nối pháp, thì đột biến này là sự dụng công từ nhân thành quả. Đạo quả viên mãn, giờ đây việc phải làm là truyền bá sự chứng ngộ. Bấy giờ là mùa thu năm Bạch Ẩn 42 tuổi.

XIII/ GIẢNG DẠY - ĐỘ ĐỆ TỬ.

Nhiều tăng tục đồng đến chùa Tùng Âm tu dưới sự giáo hóa của Bạch Ẩn.
Trong những người đầu tiên đến Pháp hội, có một thiếu nữ 16 tuổi tên Satsu. Chỉ sau một thời gian ngắn cô đạt ngộ. Một hôm đang ngồi thiền trên cái rương, cha cô đến bảo:

- Nè! Con có biết đang ngồi ở đâu không? Có tượng Phật trong rương đó!

Cô đáp: - Nếu có chỗ nào không Phật, xin chỉ cho con.

Cha cô rất đỗi kinh ngạc. Hôm khác có vị tăng hỏi:

- Đập bể ngọc trắng trong đống rác là thế nào?

Lập tức cô liệng cái chén đang cầm bể tan tành.

Trong một buổi tham vấn, Bạch Ẩn giải thích một công án cho cô rồi hỏi:

- Hiểu không?

Cô đáp:

- Xin thầy nói lại cho con nghe.

Ngay lúc Bạch Ẩn vừa mở miệng, cô ngắt lời bảo:

- Cám ơn thầy đã nhọc lòng!

Bạch Ẩn choáng váng, hét lên:

- Gớm thật! Con bé miệng còn hôi sữa đã làm ta xiểng niểng!

Chuyện này có kể trong tập Lùm Bụi Gai Góc của Myōki Soseki thuộc thế kỷ XIX.

Trong 15 năm ở chùa Tùng Âm, Sư mở pháp thoại một năm vài lần, giảng kinh Pháp Hoa, Duy Ma, Lâm Tế Ngữ Lục và Bích Nham Lục. Những bài giảng này được ấn hành lấy tên Kinh Tòng Độc Thụy. Tăng ni và cư sĩ cả nước hội tụ về Tùng Âm. Chùa không đáp ứng nổi nhu cầu dù chỉ một số nhỏ học tăng. Phần lớn chúng hội phải kiếm chỗ ở bên ngoài. Họ tập tu và qua đêm ở tư gia hoặc nhà bỏ không, am cốc hay đền thờ hoang phế, hoặc dưới mái hiên trang trại, có người còn cắm dù ngoài trời. Vùng đất mấy dặm chung quanh chùa biến thành trung tâm tu thiền vĩ đại.

Năm 1740, sư giảng Hư Đường Lục, quyển này sư đã nghiên cứu hai mươi năm qua. So với Pháp hội đầu tiên vào năm 1736 chỉ có độ ba mươi người, trong đó có tám vị tăng thường trú, bây giờ đến bốn trăm tăng. Sư lên tiếng về sự suy đồi của tông Lâm Tế. Theo sư, sở dĩ như thế là do các vị thầy đã duyệt công án một cách hình thức, nên đệ tử không đủ phẩm chất, nếu không muốn nói là phóng túng. Sư bảo: “Tôi không bằng lòng những thầy tu như thế. Tôi sẽ xé xác làm nghìn mảnh và nuốt chửng nếu chộp được họ...”

Vài năm sau sư được mời đến chùa Từ Chiếu (Jishō-ji) trong tỉnh Kai để giảng Bát Nhã Tâm Kinh. Về chữ “Bát Nhã”, Sư nói:

Tai điếc, mắt mù,
Ban đêm trong hư không, thân biến mất.

Đến câu “Sắc chẳng khác không”, Sư nói:

Một bát canh thật ngon,
Ôi thôi hai cục cứt chuột!

XIV/ ĐỆ TỬ NỐI PHÁP.

Đạo cao đức trọng của vị thầy thường được đánh giá qua hàng môn đệ. Mặc dù cuộc đời Bạch Ẩn phần lớn trụ trì ở ngôi chùa nhỏ miền quê, nhưng số đệ tử càng ngày càng đông từ thế hệ này đến thế hệ khác trong tông Lâm Tế. Như thế, sư đã hoàn thành tâm nguyện khôi phục dòng thiền công án và được xem là tổ trung hưng thiền Lâm Tế ở Nhật.

Trong hàng đại đệ tử có Đông Lãnh Viên Từ (Tōrei Enji), người viết tiểu sử của Bạch Ẩn và Toại Ông (Suiō), kế vì trụ trì chùa Tùng Âm.

Một đại đệ tử khác là Nga Sơn Từ Trác (Gasan Jitō) có hai môn sinh là Ẩn Sơn (Inzan) và Trác Thiên (Takuju) đã phát triển ra hai dòng thiền chính sau này của tông Lâm Tế, và đến ngày nay đã có mười bốn chi phái. Mỗi phái có tổ đình riêng, thiền viện biệt lập và các thiền sư đều là hậu duệ của hai dòng Ẩn Sơn và Trác Thiên này. Pháp tử của dòng Ẩn Sơn có sắc thái mạnh bạo và tự nhiên trong khi dòng Trác Thiên nghiêng về sâu kín và êm dịu.

Bạch Ẩn truyền tông yếu cho Đông Lãnh trong một buổi lễ riêng, ngày 25 tháng Chạp năm 1749. Lại nhằm ngày lễ thần Tenjin bảo hộ tuổi Sửu, một ngày trọng đại trong cuộc đời của Bạch Ẩn. Lúc đó Bạch Ẩn 65 tuổi và Đông Lãnh 29 tuổi. Thầy trò đồng tu với nhau bảy năm trời. Số học nhân đến tu thiền tại chùa Tùng Âm ngày càng đông.

XV/ ĐỔI CÔNG ÁN “VÔ” QUA “TIẾNG VỖ MỘT BÀN TAY”.

Dù vẫn hướng dẫn học nhơn tùy theo căn cơ mỗi người, nhưng pháp dạy của Bạch Ẩn đều liên hệ chặt chẽ với công án VÔ của Triệu Châu. Thế nhưng khoảng năm 1748 có một biến chuyển. Bạch Ẩn đã viết trong tập Hoa Mảnh Mai: “... Trong bốn mươi lăm năm chẳng khước từ bè bạn và gia đình, chẳng bỏ rơi dù già hay trẻ, dù sang hay hèn, chỉ mong sao ai cũng đạt đến năng lực thâm nhập đại sự, do đó tôi đều yêu cầu họ tham chữ VÔ. Tôi phải dùng những phương tiện khéo léo để mở đường cho họ. Vài người đã đạt kết quả tùy theo khả năng, và tôi cảm thấy hài lòng. Nhưng từ 5 năm nay tôi dùng phương pháp khác. Tôi bắt mọi người phải nghe TIẾNG VỖ CỦA MỘT BÀN TAY. Việc này khác hẳn cách dạy của tôi trước đây. Học nhân thấy dễ dàng hơn. Sự khác biệt thật là to lớn.”

Cũng trong thư này, Bạch Ẩn có nêu lên lời một thiền sư: “Thiền sinh dòng Lâm Tế và ngay cả dòng Tào Động nhiều người trở về già lại niệm Phật A-di-đà!” Bạch Ẩn nhận xét rằng, phái thiền nào bao biện pháp tu và tín ngưỡng Tịnh Độ tông không chóng thì chày sẽ lụn bại.

XVII/ TỰ NẶN ĐẮP CHÂN DUNG.

“Gương mặt của người thật đặc biệt. Tia mắt nhìn thiên hạ như hổ chúa, bước đi như sơn dương. Sức mạnh siêu quần và rất khó đến gần.” Đông Lãnh đã mô tả thầy mình như thế trong phần cuối quyển Niên Phổ.
Pho tượng đặt trong chùa Tùng Âm xem như do chính tay Bạch Ẩn nặn lấy chân dung của mình, một con người quả quyết và năng động. Có lẽ thời đó nhiều Phật tử không có cảm tình với dáng dấp con người này.
Năm 71 tuổi, Bạch Ẩn tự họa chân dung, kèm theo bài thơ:

Bị ngàn Phật ghét bỏ trong cõi giới ngàn Phật,
Bị ma quỷ tẩy chay trong bọn quỷ ma.
Gã đầu trọc này, đui mù và gớm ghiếc,
Một lần nữa lại hiện lên giấy trắng.
Trời ơi là trời!

Hầu như sau này Bạch Ẩn đều viết lại bài thơ này trên chân dung của mình.
Sau năm 1750, trong thập niên sáu mươi lăm đến bảy mươi lăm tuổi, nét bút của sư có thể nói đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Danh tiếng vang dội, hàng tăng ni và cư sĩ đều muốn có một bức thư pháp của sư.

XVIII/ TẬP HÀI LÒNG TRONG MỌI HOÀN CẢNH

Bạch Ẩn khi giáo hóa thời nhân không chủ trương thay đổi xã hội phong kiến, mà đặt sứ mệnh của mình hòa điệu với đạo đức Khổng giáo đang ngự trị tại Nhật lúc bấy giờ. Sư cũng khuyên bảo mọi người học Phật, tọa thiền, nhưng vì không phải ai cũng theo nổi kỷ luật hành trì nghiêm túc nên sư khuyên bảo họ tìm cách sống an vui, tập hài lòng trong mọi hoàn cảnh.

XIX/ GIAO CHÙA TÙNG ÂM CHO TOẠI ÔNG

Tháng 7 năm 1764 sư 80 tuổi, không làm trụ trì chùa Tùng Âm nữa, nhường cho đệ tử Toại Ông kế thừa. Toại Ông bốn mươi tuổi, đã sống bên thầy mười tám năm. Nhưng thương thay cho sư vốn rất yêu quý đệ tử, bỗng nhiên tình thầy trò lợt lạt, trắc trở. Lý do không được biết, nhưng rồi Toại Ông rời chùa Tùng Âm ra đi năm 1765 đến chùa Quán Âm (Kannon-ji) cũng ở Hara.

XX/ LÂM BỆNH – NGHỈ DƯỠNG

Sau đó, Bạch Ẩn lâm bệnh. Đông Lãnh đến Edo sửa sang lại am của Chí Đạo Vô Nan (Shidō Bunan) nơi thầy của Huệ Đoan xưa kia đã ẩn tu, xong thỉnh Bạch Ẩn đến. Nhưng tăng chúng chùa Tùng Âm không đồng ý.

Cuối cùng, năm 1766 Đông Lãnh cử một vị tăng tên Enkyō đến Hara thỉnh sư đi Edo (Tokyo). Sư đi kiệu cùng Enkyō đến đèo Hakone thì có bốn vị tăng chùa Tùng Âm đi theo nài nỉ sư trở về. Enkyō phải giải thích hết lời về lòng hiếu thảo của trò đối với thầy đang cần dưỡng bệnh, bốn vị tăng mới bằng lòng lui gót. Enkyō cùng sư tiếp tục đi Edo.

XXI/ ĐỘ NGA SƠN TỪ TRÁC

Trong năm này Nga Sơn Từ Trác (Gasan Jitō) đến học đạo với Bạch Ẩn tại Edo (nay là Tokyo). Lúc đó Nga Sơn đã bốn mươi tuổi và đã hành khước khắp nước Nhật, tham học hơn ba mươi thiền sư, nhưng không vị nào đáp đúng sở nguyện qua những vấn đáp gay gắt. Do đó, khi gặp Bạch Ẩn, Nga Sơn đã đưa ra một loạt câu hỏi. Ba lần vào thất, ba lần đều bị sư tống ra cửa. Trong tập Lùm Bụi Gai Góc, Nga Sơn đã kể ba lần tham kiến này: “Tôi không màng đến đức độ siêu vĩ của thầy, dù danh vang khắp nước, tôi cũng chẳng để ý. Tôi chẳng quan tâm về tri kiến của thầy vượt bậc chư tiền bối hay đạo sư đương thời. Dù có hàng trăm hàng ngàn tăng ni vây quanh thầy, dù thầy được xem như Phật tái lai thế gian. Đối với tôi chỉ có một việc: Vị đại quốc sư đã đưa tay giơ chân đạp tôi ba lần như trời giáng, xô tôi vào đường cùng, đẩy tôi vào chỗ tận.”

Rồi Nga Sơn ở lại tham học với sư, sau đó với Đông Lãnh. Và chín năm sau khi Bạch Ẩn tịch, Nga Sơn được Đông Lãnh truyền pháp. Dù Đông Lãnh đã tác thành cho Nga Sơn, nhưng lúc nào cũng xem Nga Sơn như đệ tử của thầy mình. Sau này Nga Sơn có hai đệ tử là Ẩn Sơn và Trát Thiên rất nổi tiếng. Con cháu Tông Lâm Tế ở Nhật Bản sau này đều là hậu duệ của hai vị này.

XXII/ CUỐI ĐỜI

Đến cuối đời, Sư bệnh yếu nên thường nằm.

Được cung thỉnh đến chùa Long Trạch đón mừng Tết năm 1768, sư nói: “Tôi nay tám mươi bốn tuổi và chưa thấy ngày Tết nào vui như hôm nay, tôi phải cảm ơn Đông Lãnh”. Đông Lãnh dâng lên sư bánh nếp cổ truyền, nhưng sư chỉ dùng được vài miếng.

Tháng 11, Bạch Ẩn trở về chùa Tùng Âm, bệnh tình càng tăng, tứ đại chẳng điều hòa. Mùng 7 tháng Chạp, thầy thuốc ở Cổ Quận bắt mạch thưa rằng: “Mạch yếu chẳng có gì lạ.” Sư quở: “Ta sắp chết, chẳng quá ba ngày, không biết được sao gọi là lương y?”

Mùng 10, sư ủy thác công việc cho Toại Ông, đã được sư cho sám hối. Sư nằm yên trên đệm.

Hừng đông ngày 11, Sư kêu lên tiếng cuối cùng, nghiêng bên phải mà hóa, thọ 84 tuổi, không để lại kệ từ thế như lệ thường của thiền sư. Bạch Ẩn chấm dứt một đời độ sanh trong im lặng. Ngày 15, đưa tiễn, phân tháp ở ba nơi.

Nối pháp có Đông Lãnh Viên Từ, Toại Ông Nguyên Lưu, Nga Sơn Từ Trác, Đại Hưu Huệ Phỏng, Quyết Long, Đông Nham,... hơn bốn mươi người. Hàng đệ tử bạch y chấp lễ khó biết được, Pháp tràng hưng thịnh xưa nay ít có. Thiên Hoàng sắc thụy Thiền sư Thần Cơ Độc Diệu, Quốc sư Chánh Tông. Ngữ lục khắc ở rừng Độc Nhị hơn mười quyển đều lưu hành ở đời.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1193082
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1333
4486
17599
1147600
78085
118095
1193082