LONG TRẠCH TỰ - Ryutakuji
Rời chùa Viên Giác, đoàn lên đường đi về khu vực Hakone, gần thành phố cổ Mishima để chuẩn bị ngày mai đi Chùa Long Trạch.
Chùa Long Trạch là ngôi già lam quan trọng thứ hai trong cuộc đời hoằng pháp của Thiền Sư Bạch Ẩn. Chùa tọa lạc gần bưu cục Mishima, cách Hara 7 dặm về phía tây.
Sau một thời gian đi xa tham tầm, hành đạo, ở ẩn, Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc trở về Tùng Âm Tự trụ trì, giáo hóa và cuối cùng ẩn cư ở đó. Cách chùa Tùng Âm không xa, có một ngôi chùa bỏ hoang tên Long Trạch Tự (Ryūtaku-ji) ở Y Đậu (Yto) gần thành phố cổ Mishima, cách Hara khoảng mười một cây số về phía đông. Hội chúng của Sư đề nghị mua lại để làm chỗ tọa thiền.
Tháng 2 năm 1760, mọi người thỉnh cầu Sư trùng tu chùa này, Sư nhận lời và giao phó cho Ngài Đông Lãnh Viên Từ, một đại đệ tử của Ngài về đây trụ trì. Tháng 9 năm 1761, Đông Lãnh tụ tập cả trăm tăng ni nghe Sư thuyết pháp.
Đoàn đến đây khoảng 9g 30 sáng ngày 29/3/2014. Chùa nằm trên một ngọn núi tương đối cao và đẹp. Cảnh chùa bình dị, yên tĩnh. Những ngôi chánh điện, thiền đường... ở đây khá đơn giản, nên thơ, không to lớn hoành tráng như các ngôi Thiền viện khác, nhưng lại yên tĩnh vô cùng. Đoàn phải đi xe trung chuyển hai lần nên không được tập trung. Quý vị đến trước được quý Thầy trong chùa đón tiếp đưa đi tham quan cho đến khi vào Thiền đường tọa thiền thì chúng tôi mới đến, được mọi người chỉ dẫn đi quanh một vòng.
Phía sau có khu mộ tháp. Mộ tháp ở Nhật rất đơn giản, chỉ là một thỏi đá hình trụ duyên dáng có đường kính khoảng 40cm, cao khoảng 80cm. Nằm ở trung tâm khu này là mộ tháp Thiền sư Bạch Ẩn. Tuy Ngài thị tịch tại chùa Tùng Âm, nhưng phân tháp ra ba nơi nên có ngôi mộ tháp thờ Ngài ở chùa Long Trạch. Chúng tôi thành tâm đảnh lễ ngôi mộ tháp Ngài với nhiều cảm xúc giao xen trong một khoảng lặng thênh thang khó tả. Chung quanh có mấy ngôi mộ tháp khác. Đặc biệt khi vừa bước vào khu vực này, bên phải có một ngôi mộ tháp nằm riêng một mình. Tháp đá được mài bóng, trang trọng, có hình dáng đặc biệt hơn hẳn các ngôi khác. Bên dưới có ghi ba chữ: “Vô phùng tháp.” Không biết đây là ngôi mộ tháp của một vị nào hay là lấy biểu tượng ý nghĩa tháp Vô Phùng của Quốc sư Huệ Trung. Không biết gặp ai để hỏi, nhưng thấy kiểu dáng, chất liệu, vị trí nằm đều đặc biệt hơn cả. Cho nên khi quý Phật tử yêu cầu, chúng tôi có nói qua về cuộc đời Thiền sư Bạch Ẩn và giai thoại Tháp Vô Phùng của Quốc sư Huệ Trung. Tháp Vô Phùng là chỉ cho pháp thân. Nếu thật sự đúng như vậy thì ngôi này là chủ của các tháp, nhắc nhở chúng ta nhớ đến, sống về với pháp thân chứ không nên bám trụ trên các ngôi tháp có hình tướng này.
Đảnh lễ cúng dường, đoàn được quý Thầy ở đây trao tặng một cây thiền bảng khá đẹp. Rời chùa Long Trạch trong niềm cảm xúc vô biên. Bởi Thiền
sư Bạch Ẩn quá vĩ đại, nhưng cuộc đời cuả Ngài chỉ với những ngôi Thiền tự đơn giản đến không ngờ!