LỜI CUỐI
RA ĐI chiêm bái di tích Tổ Sư Thiền phương Bắc Trung Hoa, hay là lần dấu TRỞ VỀ quê hương chân thật nơi chính mỗi người, ai mà biết được!
Qua Hoa Sơn để thăm các vị tiên nhơn luyện đơn có còn sống? Về Vân Cư Tự hay sang Long Môn Thạch Quật mới thấy công trình kỳ vĩ rồi cũng đến lúc dần tàn. Thử nhớ lại các công trình của một thuở Nalanđà Ấn Độ, các Tự Viện thời thịnh Đường của Phật giáo Trung Hoa, hay các cơ sở của một thời vàng son Phật giáo Trần Triều Nam Việt, có còn chăng chỉ trí tuệ cho đời. Đến Bạch Mã để cảm nhận sự lặng thầm của hai tôn giả sau khi làm xong hạnh nguyện mang Phật giáo vào Trung Quốc. Đến Chùa Thảo Đường để cảm nhận nét trầm mặc hiền hòa, nơi Ngài Cưu Ma La Thập đã biến kho tàng Kinh điển Ấn Độ hóa thân thành Kinh tạng Phật giáo Trung Hoa. Đến Đại Nhạn Tháp nhìn thấy công hạnh một Tam Tạng Pháp sư để nhìn lại xem công hạnh mình đã đủ chưa hay còn thiếu? Đến Ngọc Tuyền Tự để cảm nhận nét bút lừng danh với từng ngày sống bình dân đầy đạo vị.
Về Bá Lâm, qua cây cầu đá vẫn còn đó với ngàn xưa và muôn thuở, ngồi lại dưới cội bách cỗi già từ vạn kỷ, vào ăn cháo, rửa bát, uống trà đi! Để nhìn xem cây chổi của Thiền sư Triệu Châu năm xưa đã nói gì với Ngài Đại Từ Hoàn Trung khi hỏi “Bát nhã lấy gì làm thể?” Để nghe lại tiếng cười to của Ngài trong bầu trời xanh khi gặp Hàn Sơn luận trâu, luận La Hán. Và cuối cùng, cắt mây vá áo, ăn bát cháo xưa, rửa chân uống trà và nằm dài trên chiếc chỏng cây, một góc bị hư lấy dây ràng rịt lại. Dù có bàn luận pháp vương hay nhân vương đáng trọng, thì Vua Triệu hay Vua Yên có đến thăm cũng chỉ cứ mặc tình, không thèm đứng dậy. Và cây gậy vẫn còn mãi trong tay khi huynh chẳng phải là quân tử thì tôi cũng chẳng phải Phật, cũng chẳng phải là ma, nhằm chốn nào tìm kiếm? Thật là những bài học quý giá khi nhắc lại thấy hăng hái cả người. Từ sự thể sai biệt, thể nhập vào tánh thể bình đẳng, mầu nhiệm, cao siêu, rồi lại trở về ngay trong cuộc sống giản dị bình thường mà phi thường, ảo diệu! Đó dấu vết ngàn xưa, hay đó quê nhà chính ta muôn thuở? Chỉ tự mỗi người khéo nhận lại thôi, đâu cần bàn nói mãi! Một câu rốt sau, để dành mỗi người tự xướng. Có cần quát lên một tiếng thật to cho thỏa chí bình sanh không nhỉ? Xin lỗi, tôi đã lầm rồi!
Về Lâm Tế có nghe tiếng hét vang còn muôn thuở dưới hạt mưa ngâu cam lộ bất ngờ? Qua Khai Nguyên xem xem Mặc Chiếu Thiền, và có thấy "một câu" cả đời Lão Nhơn Hành Tú Vạn Tùng muốn nhắn nhủ? Đến Nhị Tổ còn đây xá lợi Tổ đang dần dần phóng quang tái hiện. Và Thuyết pháp đài cũng đang vang lại tiếng rống sư tử như tự ngàn xưa.
Đến động Đạt Ma, nghe đâu đây bài pháp An tâm còn vang vọng, câu trình tâm “rõ ràng thường biết” cứ ngân nga. Tổ ngồi đó chín năm là hữu ý hay vô tâm, mà có ngày tâm truyền Tổ Huệ Khả, pháp vào Đông độ, về sau cháu con làm mưa làm gió, không ai chịu nổi giữa trời người! Chín năm hay thoáng chốc, chỉ người trong cuộc mới biết. Dù có thoáng chốc tình cờ gặp, hay ngồi mãi đến muôn đời, cũng chỉ là bất động mà tùy duyên, nào có dấu vết gì cho người ngoài nhìn thấy! Và Tổ vẫn còn ngồi đó hay đã về Tây, xin mời mọi người thử một phen cùng đến trong đây đồng xem thấy. Tôi cũng đã mệt mỏi rồi, không muốn nói nữa. Buồn chán quá! Có miệng mà không thể thốt nên lời! Ha! Ha! Ha!!!