Sáng ngày mùng 1 tháng 11 Nhâm Thìn ( nhằm 13/12/2012), đại diện Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm cùng quý Tăng, Ni và Phật tử từ các Thiền viện trong Tông môn đã vân tập về Thiền viện Trúc Lâm Yên tử - Tỉnh Quảng Ninh tham dự Lễ cúng giỗ lần thứ 704 năm Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà- Sơ Tổ Trần Nhân Tông .
“Trúc Lâm khai Tổ đạo
Sơ Tổ lập Tông phong”
Từ sáng sớm , đông đảo Phật tử từ các đạo tràng và bà con Phật từ các tỉnh lân cận đã quy tụ đông đủ về tham dự lễ cúng giỗ. Buổi Lễ diễn trong không khí trang nghiêm, thành tâm hướng về Sơ Tổ cùng nhau ôn lại công hạnh của Ngài.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc; Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, nhân dân, Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.
“ Thế Tôn lìa đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ Đề thành chánh giác
Giác Hoàng ở ngai vàng lìa ngôi báu lên Yên Tử dạy chúng Tăng”
Năm 2012 này, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục ban hành thông bạch số 499 /TB.HĐTS thống nhất hướng dẫn việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 704 ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn nhằm tôn vinh những công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp.
Như Hòa Thượng Tôn sư, Viện trưởng các Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 21 đã kính cẩn tán dương “Con người của Sơ Tổ Trúc Lâm làm việc gì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả viên mãn mới thôi. Đánh giặc khi nào quân xâm lăng ra khỏi nước mới dừng. Nghiên cứu Phật pháp đến chỗ uyên thâm nhất mới thỏa mãn. Tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Thật là một tấm gương sáng ngời để cho kẻ đời, người đạo học hỏi theo”.
Đó chính là tính cách của Trần Nhân Tông Sơ Tổ Trúc Lâm, một con người hiện thực mà siêu thực, hướng thượng mà chẳng bỏ hàng hạ căn thiểu trí, nhập thế mà chẳng nhiễm trần thế. Cho nên Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sanh bất diệt trong lòng hậu thế, không tính kể phương sở thời gian.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.