Thiền sư Điểu Khòa tên húy là Đạo Lâm, con nhà họ Phan ở núi Phú Dương, Hàng Châu. Mẹ ngài họ Chu. Khi sanh Sư ra có mùi hương lạ và ánh sáng soi khắp nhà, nhân đó đặt tên là Hương Quang. Năm 9 tuổi xuất gia. Năm 21 tuổi Sư đến chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu thọ giới.
...Đến đời Đường Đại Tông, vua xuống chiếu mời Thiền Sư Đạo Khâm (Quốc Nhất) ở Kỉnh Sơn vào cung, Sư bèn đến. Nhơn đó, Sư được gặp Ngài để yết kiến và khế ngộ tâm yếu.
...Ở phía Bắc Tây Hồ, nơi núi Tần Vọng có một cây tùng cao lớn, cành lá sum suê, uốn quanh như cái lọng, Sư bèn ở trên cây đó. Vì thế, người thời bấy giờ gọi Sư là Thiền Sư Điểu Khòa (Tổ Chim). Lại có chim khách đến làm tổ bên cạnh nên người ta còn gọi Sư là Hòa thượng Thước Sào.
Đời Đường (772-846), khoảng niên hiệu Trường Khánh năm thứ hai (822), quan Thái thú Hàng Châu là Bạch Cư Dị, tự là Lạc Thiên, một thi hào nổi tiếng thời bấy giờ, nhân vào núi yết kiến, thấy Sư ngồi trên tổ chim, liền hỏi:
- Sao Thiền sư ngồi nơi nguy hiểm quá vậy?
Thiền sư Đạo Lâm nói:
- Chỗ ngồi của Thái thú còn nguy hiểm hơn nhiều.
Bạch Cư Dị nói:
- Đệ tử là viên quan trọng yếu của đương triều, địa vị trấn cả giang sơn, có gì mà nguy hiểm?
Thiền sư Đạo Lâm nói:
- Củi lửa giao nhau, thức tánh chẳng dừng, quan trường thay đổi, tranh chấp lẫn nhau. Chỗ ngồi của đại quan là dưới vua, mà trên các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì không vừa lòng vua, tính mạng của đại quan và thân quyến đều lệ thuộc vào lòng thương ghét của vua và sự tật đố tị hiềm của mọi người, một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi thiên hạ thì không nguy hiểm sao được!
Bạch Cư Dị như hiểu được phần nào, nên hỏi tiếp:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Đạo Lâm nói:
- Chớ làm các điều ác, những điều thiện nên làm.
Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ, ngỡ là Thiền sư sẽ khai thị đạo lý thâm sâu cho mình, không ngờ Ngài lại nói ra điều tầm thường đến thế. Cảm thấy quá thất vọng, Bạch Cư Dị nói:
- Đạo lý này đứa bé ba tuổi cũng biết nói.
Thiền sư Đạo Lâm mỉm cười:
- Đúng thế! Đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng ông lão 80 tuổi làm chưa xong.
Bạch Cư Dị lại dùng kệ hỏi:
Đặc nhập không môn vấn khổ không,
Cảm tương thiền sự khấu Thiền ông.
Vi đương mộng thị phù sanh sự,
Vi phục phù sanh thị mộng trung.
Nghĩa là:
Riêng vào cửa không hỏi khổ không,
Dám đem việc thiền hỏi Thiền ông.
Ngay khi mộng là việc phù sanh,
Hay việc phù sanh ở trong mộng?
Đạo Lâm đáp:
Lai thời vô tích khứ vô tung
Khứ dữ lai thời sự nhất đồng
Hà tu cánh vấn phù sanh sự
Chỉ thử phù sanh thị mộng trung.
Nghĩa là:
Đến thì không dấu, đi không vết,
Khi đến cùng đi, có khác gì.
Việc phù sanh ấy cần chi hỏi,
Chỉ phù sanh này là mộng rồi.
Bạch Cư Dị liền làm lễ và từ giả ra về.
(Theo TRUYỆN TRANH THIỀN Tổ đường Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã)