Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Trà đạo

Thầy Thích Tâm Hạnh

 1. XUẤT XỨ

Trà đạo phát xuất từ tính chất nghệ thuật Thiền của Nhật Bản.

Thiền vốn là tâm thể lặng sáng biết khắp sẵn vậy nơi mỗi người. Trên tâm thể cứu cánh giác ngộ ấy thì Thiền là Thiền, không phân chia là Thiền Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam. Nhưng về mặt phương tiện giáo hóa thì cần phải khế cơ.

Chính vì vậy, khi Thiền được truyền vào một đất nước nào, các Thiền sư đã tùy theo phong tục tập quán và căn cơ của người dân ở địa phương đó mà uyển chuyển lập bày phương tiện giáo hóa cho phù hợp, để dẫn dắt người học trở về nhận lại bản tâm chân thật nơi chính mỗi người. Từ đó mới có Thiền Ấn Độ, Thiền Nhật Bản, Thiền Trung Hoa hay Thiền Việt Nam… Đây là tính chất khế lý và khế cơ, là tinh thần tùy duyên bất biến của Đạo Phật.

Cụ thể, Thiền Ấn Độ thì mang tính chất huyền bí, lý luận khúc chiết. Thiền Trung Hoa thì trực chỉ, táo bạo. Thiền Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa người Việt: Trực chỉ, thi vị, tùy duyên (nói thẳng, nói thật, nhưng tinh tế, khéo léo, bình dị và gần gũi). Thiền Nhật Bản: Trực chỉ, nghệ thuật. Có thể thấy Thiền đi vào đời sống nghệ thuật của người dân xứ sở Phù Tang như là: Võ đạo, kiếm đạo, trà đạo... Do đó, trà đạo có ra từ tính chất nghệ thuật trong văn hóa Thiền Nhật Bản.

 

2. TỔ TRÀ NHẬT BẢN.

Thiền sư Minh Am Vinh Tây (Eisai, 1141-1215) là người khai sơn Trụ trì chùa Kiến Nhân, Kyoto, Nhật Bản. Sư là người đầu tiên mang hạt giống trà từ Trung Quốc về Nhật Bản. Sư chia hạt trà cho Ngài Myonun (Minh Huệ) trồng và chăm sóc thành cây trà. Ngoài ra, Sư còn viết tác phẩm “Khiết Trà Dưỡng Sanh Ký”. Trong đó, Sư vừa giải thích sự liên quan của Trà với văn hiến “Dưỡng sanh là thuốc hay” của nước Nhật; vừa nói đến hiệu năng của Trà.

Đây là lần đầu tiên người Nhật biết đến loại cây quý này cho nên Thiền sư Vinh Tây (Eisai) được tôn kính như vị “Tổ Trà” ở Nhật Bản. Còn vị “Tổ Trà Đạo” là ngài Châu Quang, đệ tử của Thiền sư Nhất Hưu.

 

3. NGUỒN GỐC .

Từ câu chuyện Thiền ở Nhật Bản.

Đệ tử thiền sư Nhất Hưu là Châu Quang có tật ngủ gật kinh niên. Đến nỗi ở nơi công cộng vẫn thường có tư thái không nghiêm chỉnh. Vì thế Sư rất khổ não. Cuối cùng đi hỏi thầy thuốc và Sư được khuyên là nên uống nhiều trà. Ngài Châu Quang nghe theo lời chỉ dẫn. Kết quả, Sư không còn ngủ gật nữa. Nhân đây, Sư dần dần thích uống trà và cho rằng, lúc uống trà cũng cần đầy đủ lễ tiết, thế là Sư sáng lập “trà đạo”, sau được tôn làm vị Tổ của Trà Đạo.

 

4. GIAI THOẠI KHAI THỊ TRÀ ĐẠO.

Khi hoàn thành xong trà đạo rồi, Thiền sư Nhất Hưu bèn hỏi Sư:

- Châu Quang! Ông dùng tâm thái nào để uống trà?

Châu Quang đáp:

- Vì khỏe mạnh mà uống trà.

Thế rồi Thiền sư Nhất Hưu đưa công án “Uống trà đi!” của Triệu Châu cho Sư, bảo:

- Có học tăng xin Thiền sư Triệu Châu dạy cho đại ý Phật pháp, Triệu Châu bảo “Uống trà đi!”. Đối với sự kiện này, ông có cách nhìn thế nào?

Châu Quang lặng thinh.

Tiếp đó Thiền sư Nhất Hưu sai thị giả mang đến một chén trà trao cho Sư. Ngay khi Châu Quang đưa tay bưng lấy chén trà, Thiền sư Nhất Hưu bèn hét một tiếng và đánh rơi chén trà trên tay Sư xuống đất, nhưng Châu Quang vẫn chẳng động mảy may.

Qua một lúc, Châu Quang nói lời tạ từ Thiền sư Nhất Hưu và đứng lên đi về phía Huyền Quan (tên cái cổng). Thiền sư Nhất Hưu kêu lên:

- Châu Quang!

Châu Quang quay đầu thưa:

- Đệ tử đây!

Thiền sư Nhất Hưu hỏi:

- Chén trà đã rơi xuống đất, ông lại có trà để uống chăng?

Châu Quang hai tay làm như bưng chén nói:

- Đệ tử vẫn đang uống trà.

Thiền sư Nhất Hưu chẳng chịu thôi, hỏi tiếp:

- Ông vừa rời ở đây để đi chỗ khác, làm sao nói vẫn đang uống trà?

Châu Quang thành khẩn nói:

- Đệ tử đến bên đó uống trà.

Thiền sư Nhất Hưu lại hỏi:

- Ta vừa hỏi ông tâm đắc của việc uống trà, ông chỉ hiểu được bên này uống, bên kia uống, toàn không tâm đắc. Cái loại vô tâm uống trà này như thế nào?

Châu Quang trầm tĩnh đáp:

- Trà vô tâm, liễu xanh hoa thắm.

Thiền sư Nhất Hưu rất vui, liền ấn khả cho Sư.

Sư hoàn thành xong Trà đạo, trở thành vị Tổ Trà Đạo.

 

5. TRONG TRÀ CÓ ĐẠO HAY TRONG ĐẠO CÓ TRÀ?

5.1. Trong Đạo Có Trà.

Các Thiền sư nói:

Vô tận tạng trung vô nhất vật

Hữu giang, hữu nguyệt, hữu lâu đài.

Như trăng vẫn chỉ là mặt trăng trên trời cao, nhưng lại hay tùy vào mỗi dòng sông nhỏ to, sâu cạn... nơi nào ánh trăng cũng đều soi bóng không hề vướng kẹt, đồng thời cũng chẳng có tác động hay ảnh hưởng gì đến mặt trăng trên trời kia. Cũng thế, thể đạo chân thật thênh thang chính ngay tâm thể mỗi người. Trong ấy xưa nay không một vật, nhưng tùy duyên hóa hiện ra muôn vật, tự tại không ngăn ngại.

Các pháp từ tâm sanh. Mọi vật đều từ tâm này mà được hình thành, hóa hiện. Nếu từ tâm vọng động tạo tác mà thành nên thì bị muôn vật (các pháp) khuấy động, vô minh, phiền não, khổ đau. Nhưng từ tâm thể đại đạo hay tự tại tùy duyên hóa hiện, hay sanh muôn pháp thì tất cả chỉ đều là diệu dụng từ tâm. Bởi do tâm này không động cho nên các pháp cũng vắng bặt. Tâm không, cảnh tịch, các pháp vẫn đang vận hành nhưng cũng vẫn đang vắng bặt, như như từ tâm thế ấy. Đây là diệu nghĩa mà Thiền sư Châu Quang, vị Tổ Trà Đạo đã trình lên và được Sư phụ rất vui, ấn khả: “Trà vô tâm, liễu xanh hoa thắm”. Vô tâm nhưng liễu xanh hoa thắm cho nên không rơi vào cơ lặng yên. Liễu xanh hoa thắm, nhưng không rời trà vô tâm do đó không rơi vào phàm tình loạn động. Rời vô minh, rời loạn động, sống thẳng ngay đó là trung đạo, là thể đạo hiện tiền, đầy đủ tất cả, không hề thiếu vắng gì. Cho thấy, trong thể đạo chân thật ấy, có tất cả, có trăng, có nước và tất nhiên là có cả trà. Cho nên nói, trong đạo đã có trà. Nếu thế, có cần đợi đến uống trà mới có đạo hay không?

5.2. Trong Trà Có Đạo.

Thể đạo chân thật nơi mỗi người trùm khắp pháp giới, không bị giới hạn hay ngưng trệ bởi bất cứ gì. Không phải cố định ở một vật gì đó hay ở một nơi nào; cũng chẳng phải ở nơi khắp pháp giới, mà chính là ngay tâm thể không động giác sáng nơi mỗi người. Bằng tâm thể này, hễ thấy, nghe, biết hay chạm đến đâu, đều là rạng ngời đạo Bồ đề giác sáng ấy. Và nếu sẵn bát trà đây để uống thì ngay uống trà cũng đang hiển hiện thể đạo sáng ngời thênh thang này, chứ không phải đợi tạo tác, chờ thiết trà ra để uống mới có đạo.

5.3. Tóm Lại.

Trong đạo đã có trà, trong trà không thiếu đạo. Vậy thì đợi uống trà mới có đạo, hay không uống trà vẫn có đạo? Nếu chưa qua được thì không thể uống được trà đạo rồi.

6.  KHÔNG CẦN BÀY BIỆN.

Nếu đợi uống trà mới có đạo thì đạo chỉ riêng có ở chỗ uống trà mà không có ở chỗ khác. Đạo mà ở đây có, chỗ kia không là đạo có chỗ nơi, là thuộc về bên ngoài, không thật. Đồng thời, như thế là đạo có giới hạn của ngằn mé, bị ngăn trệ bởi ở chỗ uống trà và nơi khác, chưa phải là thể đạo chân thật tự tại thênh thang trùm khắp, không có giới hạn. Nhưng nếu khắp tất cả chỗ, nơi nơi đều sẵn đạo này hiện tiền rồi thì đâu cần phải bày ra uống trà mới có đạo?

Thực tế, thể của đại đạo là nơi nơi sáng sạch không ngăn ngại. Tức là thể ấy vốn tự sẵn vậy, sáng rỡ, không động. Ở bất cứ đâu, đối diện với bất cứ gì (nơi nơi), thể đạo vẫn giác sáng, không một vết mê (sáng), không chút động niệm, bợn nhơ (sạch) và không có gì làm cho chướng ngăn được (không ngăn ngại). Ở bất cứ đâu có nghĩa là không tâm phân biệt chọn lựa kia đây, đối diện bất cứ gì có nghĩa không phải có ý định trước là phải thi thiết trà ra mới có đạo. Bởi còn trong ý thức phân biệt suy tính của cố định hay bày biện, tạo tác như thế là đã mất đi bản chất sáng sạch không ngăn ngại của thể đạo chân thật rồi.

Trà Đạo ở đây là vì tọa thiền ngủ gục như ngài Châu Quang, hoặc nhơn một nhân duyên gì đó có uống trà, như buổi Lễ Phổ Trà... thì sẵn khi uống trà, chúng ta phải thanh tịnh, trang nghiêm, tỉnh giác, không được buông lung để hợp với đạo vị vậy thôi. Chứ không phải bày biện rườm rà, đợi uống trà mới có đạo.

 

7. TRÀ ĐẠO TẠI VIỆT NAM.

Trà ở Việt Nam rất nhiều và phong phú, nhiều chủng loại. Đạo thì khi nào cũng luôn sẵn đủ nơi nguồn tâm mỗi người. Chúng ta có thể cảm nhận qua Bài thơ Cúc Hoa số 5 của Tam Tổ Huyền Quang:

Người ở trên lầu, hoa dưới sân,

Đốt hương ngồi ngắm bỗng quên ưu.

Hồn nhiên người với hoa vô biệt,

Một đóa hoa vừa mới nở tung.

Khi tâm vắng bặt (bỗng quên ưu) thì thấy biết vượt cả năng và sở, không còn phân biệt kia đây, tâm cảnh tự như như (hồn nhiên người với hoa vô biệt). Ngay đó, thể đạo chân thật nơi chúng ta đang lặng sáng rạng ngời, mỗi mỗi rõ ràng, suốt thông tất cả (một đóa hoa vừa mới nở tung). Đó là Tổ Huyền Quang khéo vạch bày cho tất cả thấy, đạo đã sẵn đủ ngay mỗi người chúng ta.

Các Thiền sư ngộ đạo nói ra luôn nhất quán, lo-gic như là đang gặp mặt, sống chung và rất thấu hiểu về nhau, mặc dù quý Ngài không phải sống cùng thời. Tam Tổ Huyền Quang nói: “Hồn nhiên người với hoa vô biệt”, thì chính là chỗ ngài Châu Quang trình lên Thầy mình: “Trà vô tâm”. Tổ Huyền Quang nói: “Một đóa hoa vừa mới nở tung”, cũng là chỗ ngài Châu Quang thưa: “Liễu xanh hoa thắm”. Sanh không cùng thời, sống không gặp nhau, nhưng nói ra như thể xưa nay chưa từng ngăn cách. Đó là cách thấy nhau của người sống về bằng thể của đại đạo chân thật. Gọi là chân thật bởi xưa nay không có cái khác, ai về trong đó thì liền thấy nhau. Không bị không gian địa lý của Nhật Bản và Việt Nam, hay bị thời gian của năm trước và thế kỷ sau làm cho ngăn cách được.

Ở Việt Nam đã có trà, người Việt Nam vốn sẵn thể đạo chân thật. Do đó, tại Việt Nam không thiếu trà đạo. Đâu nhất thiết lúc nào nói đến trà đạo cũng phải là ở Nhật Bản mới có. Cho thấy, trà đạo không phải chỉ có ở Nhật Bản hay cố định ở một nơi nào đó, mà nó ở ngay chỗ mỗi người biết sống về bằng tâm chơn thật rốt ráo nơi chính mình.

 

8. TÓM LẠI.

Có sáng ra giai thoại của Thiền sư Nhất Hưu khai thị ngài Châu Quang (vị Tổ Trà Đạo) thì mới có thể uống được loại “trà vô tâm liễu xanh hoa thắm”. Nếu có tâm, tác ý, bày ra cách thức hình tướng để uống thì chưa qua được lời Thiền sư Nhất Hưu chỉ điểm: “Ông chỉ hiểu được bên này uống, bên kia uống, toàn không tâm đắc”.

Một ngụm trà này, xưa nay làm sao uống? Nếu dùng miệng để uống trà thì trà đã tràn đổ ra ngoài lênh láng rồi, không hớp được giọt nào cả. Vậy cuối cùng, làm sao để uống được trà đạo? Nếu đã sáng ra, suốt thông rồi thì khắp nơi đầy trà nước. Bày thêm nữa, để vào đâu? Nếu chưa như thế thì bụng vẫn còn như cũ đói khát, bởi hằng ngày dù có uống mà sự thực thì chưa thể hớp được ngụm nào.

Trà bánh luôn bày sẵn ra đó, chưa từng thiếu vắng hay che giấu ai cả. Nhưng để ăn được bánh có Thiền, uống được trà có đạo thì chưa dễ chút nào? Vậy hiện nay, làm sao để uống trà, ăn bánh?

Bánh đang ngon ngọt, trà khói ngát hương đến dư thừa ra đó mà bụng thì đói khát lại thêm đói khát, chưa ăn uống được chút nào. Thật đáng tiếc, vô lý, lạ lùng làm sao!

Có uống ăn được thì cũng mới chỉ là người giỏi uống, khéo ăn. Hãy nói, hiện nay đây, ai là người hay đãi bánh thiết trà để mời mọi người cùng dùng được?

 

9.THỰC CHẤT TRÀ ĐẠO.

Cuối cùng, thực chất Trà Đạo là gì? Không thể là ức tưởng, tự nghĩ ra, tôi nghĩ rằng, theo tôi là, có thể là... Mà phải xét nguồn, định cội, căn cứ vào nguồn gốc phát tích của Trà Đạo để nhận biết.

9.1. Do Có Nhân Duyên Uống Trà Thì Phải Đúng Lễ Tiết.

Theo con người thật, có lịch sử thật, ngài Châu Quang (Tổ Trà Đạo) có tật ngủ gật kinh niên. Thầy thuốc khuyên nên uống trà để trị bệnh. Sư bắt đầu uống trà để điều trị bệnh. Sau đó nghĩ rằng, lúc uống trà cũng cần có đầy đủ lễ tiết, vì đó là phong cách, là văn hóa nghệ thuật trong Thiền của Nhật Bản. Cho nên Sư sáng lập “Trà đạo”. Cho ta một y cứ đầu tiên để biết nguồn gốc ban đầu để có ra Trà Đạo đó là do nhân duyên. Cụ thể, khi có nhân duyên, như Lễ Phổ Trà…, sẵn có thiết trà thì nên uống trà trong trang nghiêm thanh tịnh, tỉnh giác, hợp đạo.

9.2. Sáng Tâm, Thông Thiền, Tỏ Đạo, Hoàn Thành Xong Trà Đạo.

Cũng theo nguồn gốc Trà Đạo như trên, ngài Châu Quang sau đó được Sư phụ ấn khả thì mới hoàn thành xong Trà Đạo. Cho thấy, yếu tố tối thiểu làm nên trà đạo ở đây là phải đạt ngộ chân tâm, thông suốt Thiền, tỏ sáng thể đạo chân thật. Tâm đã có đạo thì Trà mới thực có Đạo, mới đúng nghĩa Trà Đạo thực sự. Người này mới có đủ trí lực và diệu dụng, sẽ tự biết tùy thời làm nên Trà Đạo một cách linh hoạt, nhưng hợp đạo đúng nghĩa rốt ráo của nó. Có khách thì bày trà bánh ra để đãi khách. Khách về thì dọn vào. Khi không có khách thì chủ và trà cũng vắng bặt. Tùy thời ứng hiện bày ra hay dẹp vào một cách tự tại, chứ không chỉ khéo ăn, giỏi uống. Như thế mới là người thấy sâu và hay tùy duyên làm nên tất cả chứ không chỉ riêng Trà Đạo. Đến điền địa này rồi thì làm gì mà không phải là đạo. Tùy cơ ứng hiện, có khả năng làm nên Trà Đạo theo cách của mình, chứ không nhất thiết đợi phải có Trà và nước mới tạo nên được.

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1193188
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1439
4486
17705
1147600
78191
118095
1193188