Thầy Thích Tâm Hạnh
...“Năm nay chùa mình có tổ chức dâng sao hay không, cho con đăng ký”. Quý Thầy bảo: “Quý Thầy dâng sao cho quý Phật tử thì ai dâng sao cho quý Thầy?”
Nếu quý Thầy nhờ tu tập mà giải được tất cả sao hạn, không cần dâng sao, là đã minh chứng được kết quả rõ ràng. Vậy tại sao quý Phật tử không học và tu theo cách quý Thầy đã sống và thực hành cho chắc chắn?
Nghe nhiều người đi dâng sao thì mình cũng làm theo. Vậy có bao giờ tự hỏi: “Vì sao, bắt đầu từ đâu, động lực nào khiến mình đi dâng sao? Nguồn gốc của sự việc này xuất phát từ đâu? Và nếu không dâng sao thì đức Phật đã dạy chúng ta tu tập để hóa giải những điều ngoài ý muốn này như thế nào?”. Giải quyết được ba câu hỏi trên, chúng ta sẽ có trí tuệ để thấy rõ và biết mình nên làm gì.
Một đứa trẻ mới sinh ra, chắc chắn là không hề biết việc phải dâng sao. Lớn lên thấy mọi người làm rồi bắt chước theo để được yên tâm vậy thôi. Người châu Âu, châu Mỹ cũng không hề biết việc này. Cho đến khi những ai có nhu cầu đi nghiên cứu cho biết thì mới biết có việc dâng sao giải hạn. Trước khi chưa biết dâng sao giải hạn, chắc chắn sẽ không có việc dâng sao. Nhưng trẻ con và người nước ngoài họ vẫn sống tốt. Đôi khi cuộc sống ở những nơi không dâng sao còn có đời sống dồi dào và trình độ cũng cao hơn. Vậy thì, chúng ta bắt đầu biết sao tốt và xấu để dâng sao từ bao giờ? Thực tế phần đông là từ khi chúng ta thấy nhiều người làm và làm theo cho yên tâm vậy thôi, chứ không suy nghĩ gì nhiều cả. Như vậy là bị số đông chi phối và chúng ta bị thôi thúc làm theo bởi hiệu ứng số đông, chứ không phải thấy do biết rõ ràng chắc chắn.
Chư vị Tôn túc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo và những nhà nghiên cứu đã cho chúng ta biết, dâng sao giải hạn là phát xuất từ Lão giáo của Trung Quốc. Nhưng văn hóa tín ngưỡng ở Trung Quốc không chỉ có Lão giáo, mà ngoài ra còn có Khổng giáo, Phật giáo và nhiều nữa. Lão giáo chỉ là một phần trong đó, không phải là tất cả. Nếu là còn nhiều bản sắc truyền thống văn hóa tín ngưỡng khác nữa thì sẽ không giống nhau. Bản sắc của văn hóa này không phải là màu sắc của văn hóa tín ngưỡng khác. Như vậy, chính Lão giáo chỉ là một phần của văn hóa, tín ngưỡng, chưa phải là tất cả của Trung Quốc, cho nên dâng sao giải hạn cũng chưa phải là điều duy nhất mà tất cả mọi người ở đất nước này ai ai cũng phải nhất nhất tin theo.
Hơn nữa, là nét bản sắc văn hóa của Trung Quốc thì chưa hẳn là văn hóa của đất nước khác. Mà cụ thể là có rất nhiều nước khác trên thế giới không hề biết đến quan niệm dâng sao, nhưng vẫn phát triển và sống tốt.
Kinh Di Giáo, bài Kinh cuối cùng đức Phật căn dặn các Thầy Tỳ-kheo trước lúc sắp nhập Niết-bàn: “Không được …, xem tướng lành dữ; nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư. Những việc xem ngày giờ tốt xấu đều chẳng nên làm”.
Đức Phật dạy, tất cả đều do bản thân mình tạo nhân, hội đủ duyên thì sẽ có kết quả tương ứng. Những điều tốt và xấu của hôm nay, đều do chính mình tạo tác từ quá khứ. Quá khứ sống tốt, làm lành; hôm nay gặt hái quả ngọt, gọi là may mắn. Quá khứ sống xấu ác, hôm nay mắc quả mặn đắng như muối, gọi là xui rủi, tai họa. Họa hay phước là do chính mình gây tạo. Nếu quá khứ lỡ tạo nhân xấu thì bây giờ phải khéo tu tập, làm lành, lánh dữ thì những điều xấu ác bị chan hòa, bớt đi hoặc không còn nữa, như nước hòa tan muối, bớt hoặc không còn mặn.
Một nắm muối bỏ vào chum nước nhỏ để ăn thì rất mặn. Nhưng bỏ vào nồi nước lớn hơn thì chỉ như là nêm canh để ăn, thì vẫn ăn nắm muối, nhưng lại là ngon. Nắm muối chỉ cho những quả báo xấu ác, những điều xui rủi. Nước chỉ cho công đức lành. Quá khứ chúng ta hoặc vô tình hay cố ý đã lỡ lầm tạo nhiều điều chưa tốt, không thể biết được. Ngày nay chỉ lo tu tâm dưỡng tánh, thành tâm sám hối những tội cũ, ý nghĩ tốt, làm những điều lành. Khi quả báo xấu ác có chín muồi thì nhờ vào công đức lành mà được hóa giải như nước nhiều thì muối được hòa tan, không còn mặn.
Một điều nữa phải lưu ý là không gọi muối đến để đổ vào. Tức là không khởi tâm phát nguyện trả nghiệp, hoặc nghĩ ngợi, lo lắng năm nay mình xui rủi. Nghĩ như vậy là nó ùa đến, chúng ta sẽ chưa đủ công đức để trả và hóa giải cho nên bị nghiệp khảo, có họa thật. Như có người nằm thấy ác mộng, hoặc bị máy mắt gì đó liền nghĩ mãi trong đầu đến nỗi ám ảnh mình sẽ bị xui rủi, tai nạn thì sau đó bị thật. Cũng có nhiều người nằm mộng và máy mắt như thế, nhưng phớt lờ xem như chưa thấy gì, chỉ sống tốt, tỉnh sáng, cẩn thận thì lại không có chuyện gì xảy ra. Đó là do không sanh tâm chú ý đến điềm xấu, không thèm để ý năm nay bị sao la hầu, kế đô hay thái bạch gì cả. Có rất nhiều vị cả năm sống tốt, may mắn, cho đến Tết kiểm lại mới biết năm vừa rồi mình tuổi 53. Đây là một sự thật đã qua kiểm chứng, thí nghiệm ở rất nhiều người chứ không còn là lý thuyết để lý luận. Hoặc có thể tin, không thèm khởi tâm về nghiệp xấu để khỏi phải trả giá. Hoặc không tin thì cũng có thể tự mình thí nghiệm để kiểm chứng kết quả cho tơi bời rồi tin sau.
Từ quá khứ mình đã lỡ tạo rất nhiều điều xấu, không ai biết được. Ngày nay mới tu tạo phúc lành phần nào thôi, cho nên không biết đã đủ để hóa giải hay chưa. Khi tuyên bố, gọi về, không đủ sức để trả thì thành chuyện xấu.
Ví dụ nhiều năm khổ cực, luôn vay nợ hàng xóm nhiều quá không nhớ nổi. Một hôm tình cờ trúng số được 500 triệu, mừng quá và tuyên bố với tất cả mọi người đến nhà để trả nợ. Nợ mắc thì cả mười tỷ, mới trúng có 500 triệu mà tuyên bố trả hết. Mọi người đến đòi mà không có đủ để trả cho họ, người được người không thì chắc chắn sẽ có chuyện không tốt. Đó là bị khảo.
Một cách khác là không cần tuyên bố, cũng chẳng phải có tâm quỵt nợ. Khi trúng số, không trốn nợ cũng không tuyên bố trả nợ; cứ bình thường và đầu tư kinh doanh cho có tiền nhiều thêm. Thỉnh thoảng có người đến đòi vài trăm, số tiền quá nhỏ so với tiền mình đang có, do đó tự động trả một cách dễ dàng, bình thường mà không hề thấy nặng nề là đang trả nợ gì cả. Đó là trả mà không trả.
Điều xui rủi, không may hiện tại là do nhân xấu quá khứ mình lỡ gây tạo. Chúng ta nên thành tâm sám hối để nghiệp chướng được tiêu trừ. Còn lại, hóa giải bằng cách mở tâm thoáng rộng, không nhỏ hẹp, căng thẳng; tu tập, làm các việc lành. Mặt khác, không khởi tâm phát nguyện, tuyên bố trả nghiệp; không chú tâm ám ảnh mình bị sao xấu, sẽ bị xui rủi, sắp có điều không may… Đồng thời, chỉ nên giữ tâm thanh tịnh, tỉnh giác, thanh thoát, nhưng cẩn thận trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, đi đứng… Luôn luôn lúc nào cũng tu tập và làm tốt như thế thì các họa tự trừ. Nếu có, cũng chỉ nhẹ nhàng, qua nhanh; cuộc sống trở nên đơn giản, thiết thực, vui tươi, an ổn.