Thứ Tư 30/10/2024 -- 28/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Yếu chỉ Thiền tông ( Phần 1)

I. MỞ ĐỀ.
Thiền tông có một lối chỉ dạy quá độc đáo, khiến độc giả đọc sách thiền phải ngơ ngác, không tìm ra manh mối nghĩ suy, như người vớ tay vào tấm vách sắt không có chỗ để bám. Thật tình chủ yếu Thiền tông không muốn người học mắc kẹt vào ngôn ngữ bên ngoài, cũng không rơi vào tâm suy lự bên trong. Thiền sư chỉ thẳng, người học phải trực giác trực nhận, vừa mắc kẹt ngôn ngữ đã cách xa ngàn dặm, rơi vào suy tư đã cách xa bằng mấy năm ánh sáng. Phút giây tham vấn giữa Thiền khách với Thiền sư là phút xổ cờ khai trận.

 

 


Sự đối đáp phải nhanh như điện chớp lửa nháng, vừa trầm ngâm suy tư là ăn đòn đuổi ra. Cho nên trong khi đối đáp như thế, nhận được liền nhận, không nhận được thì về không, chớ không có thái độ lưng chừng, nửa hiểu nửa không. Mọi hành động, ngôn ngữ của Thiền sư chỉ dạy đều nhằm chỉ thẳng Bản tâm của chúng ta. Không quay về mình tự nhận, chạy theo ngôn ngữ các ngài là bị các ngài lừa. Bản tâm là cái sẵn có nơi chúng ta, bởi do vọng chấp nên quên mất nó. Hiệu dụng của Thiền sư là phá chấp, cốt khiến chúng ta nhận ra Bản tâm của chính mình. Vì thế, Thiền sư thường nói “ta không có một pháp cho người, chỉ tháo chốt nhổ đinh cho họ thôi”. Chúng ta mang quan niệm cầu pháp học đạo đến với các ngài, rốt cuộc ôm lấy một mối thất vọng lớn lao. Chúng ta cần phải có quan niệm chính xác hơn, “Học thiền là học tâm”, ngoài tâm không có thiền nào để học. Thế mới khỏi kinh ngạc khi nghe lời tuyên bố dưới đây của Tổ Bồ-đề-đạt-ma.

II. CHỦ ĐÍCH THIỀN TÔNG.

Khi sang Trung Quốc, Tổ Bồ-đề-đạt-ma dõng dạc tuyên bố về pháp thiền này rằng: “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, đã nêu rõ chủ đích của Thiền tông.

Văn tự kinh điển là Giáo tích chưa phải Giáo thể. Giáo tích là dấu chân của giáo pháp, Giáo thể là nguyên hình của giáo pháp. Ví như người tìm voi thấy được dấu chân voi, tuy biết được hướng đi của nó, song chưa thấy nguyên hình của nó. Nếu người tìm voi chỉ biết nghiên cứu dấu chân voi rồi hài lòng thỏa mãn nơi đó, thì ngàn đời cũng không thấy được con voi. Đây là bệnh của học giả thời đại xưa kia và hiện nay. Thiền tông không nỡ để cho chúng ta sa lầy nơi dấu chân voi, cốt dắt tay chỉ thẳng cho chúng ta thấy nguyên hình con voi. Do đó mới tuyên bố “chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý”. Nói “truyền ngoài” thật sự nào có ngoài. Nếu có pháp truyền ngoài kinh điển, đó là pháp ngoại đạo, đâu phải Phật giáo. Vì kinh điển là tấm bản đồ vẽ dấu chân và hướng đi của voi, nương đó người tìm voi tìm tận đến con voi là đạt được mục đích. Nếu người tìm voi nương bản đồ tìm thấy tận con voi, với người nhờ kẻ khác dắt tay chỉ thẳng con voi, cả hai đều đạt mục đích như nhau. Vì thế câu “chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý” mang sẵn tính chất trị bệnh và đầy đủ tinh thần chỉ bày sự thật. Thiền tông cốt chỉ cho chúng ta thấy đạo qua mọi phương tiện, đừng mắc kẹt phương tiện mà quên đạo.

Chính vì thế, nên nói “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Đạo không phải cái gì xa xôi huyền diệu, chính là Tâm thể của chúng sanh. Nếu người nhận ra Tâm chân thật của chính mình, sự tu hành không sớm thì chầy cũng sẽ thành Phật. Tâm chân thật này cũng gọi là Tánh giác hay Phật tánh. Thấy được Tánh giác thì thành Phật không nghi, vì đã biết Phật nhân nhất định sẽ đến Phật quả. Chỉ cho người nhận được Bản tâm mình là chủ đích của Thiền tông. Thế nên, Mã Tổ sai Thiền sư Tự Tại hiệu Phục Ngưu mang thơ sang cho Quốc sư Huệ Trung. Đến nơi, Quốc sư hỏi: “Gần đây Mã đại sư dạy đồ chúng thế nào?” Phục Ngưu thưa: “Tức tâm tức Phật.” Quốc sư bảo: “Là ngữ thoại gì?” Giây lâu lại hỏi: “Ngoài cái đó lại còn gì dạy chúng?” Phục Ngưu thưa: “Phi tâm phi Phật; bất thị tâm, bất thị Phật, bất thị vật.” Quốc sư bảo: “Vẫn còn so sánh chút ít.” Phục Ngưu thưa: “Mã đại sư dạy thế ấy, chẳng biết dạo này Hòa thượng dạy chúng thế nào?” Quốc sư bảo: “Ba điểm như dòng nước, uốn cong tợ chiếc liềm.” (Tam điểm như lưu thủy, khúc tợ ngãi hòa liêm.) Thế thì Mã Tổ dạy chúng cốt nhận ra tâm mình là Phật, Quốc sư Huệ Trung dạy chúng cũng tại một chữ tâm. Chỗ dạy của hai Ngài đều nằm gọn trong câu “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”.

Những sắc thái giáo ngoại biệt truyền ứng dụng đầy đủ qua sự đối đáp của các Thiền sư, được đơn cử dưới đây:

Thiền sư Vô Nghiệp đến tham vấn Mã Tổ, Sư lễ bái quì thưa: “Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe thiền môn ‘tức tâm là Phật’ thật chưa hiểu thấu?” Mã Tổ đáp: “Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.” Sư hỏi: “Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Độ sang?” Mã Tổ bảo: “Đại đức đang ồn, hãy đi! Khi khác lại.” Sư vừa đi ra, Mã Tổ gọi: “Đại đức!” Sư xoay đầu lại. Mã Tổ bảo: “Là cái gì?” Sư liền lãnh hội.

 

Thiền sư Linh Mặc đến tham vấn Thạch Đầu, tự ước hẹn: “Nếu một câu khế hợp thì ở, chẳng hợp liền đi.” Khi thưa hỏi vẫn không khế hợp, Sư bèn ra đi. Thạch Đầu theo sau đến cửa ngoài, liền gọi: “Xà lê!” Sư xoay đầu lại. Thạch Đầu bảo: “Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?” Sư liền đại ngộ.

Qui Sơn dạy chúng: “Bậc cao sĩ đi hành cước cần phải ở trong thanh sắc mà ngủ nghỉ, trong thanh sắc mà nằm ngồi mới được.” Sơ Sơn bước ra hỏi: “Thế nào là câu chẳng rơi trong thanh sắc?” Qui Sơn dựng cây phất tử lên. Sơ Sơn thưa: “Đây là câu rơi trong thanh sắc.” Qui Sơn trở về phương trượng.

Thiền sư Huệ Tịch đến tham vấn Nham Đầu. Nham Đầu thấy liền dựng cây phất tử lên. Sư trải tọa cụ. Nham Đầu đưa phất tử lại sau lưng. Sư vắt tọa cụ lên vai đi ra. Nham Đầu bảo: “Ta chẳng nhận ông buông, chỉ nhận ông thâu.”

Thiền sư Huệ Tịch về thăm thầy là Qui Sơn Linh Hựu. Qui Sơn hỏi: “Con đã xưng là thiện tri thức, có biện được những người các nơi đến: biết có hay chẳng biết có, đã kế thừa thầy hay không kế thừa thầy, nghĩa học hay huyền học, thử nói xem!” Sư thưa: “Con có kinh nghiệm, khi thấy Tăng các nơi đến, liền dựng cây phất tử dậy, hỏi y: - Các nơi có nói cái này hay chẳng nói? Lại hỏi: - Ý Lão túc các nơi thế nào?” Qui Sơn khen: “Đây là nanh vuốt trong tông môn từ trước.”

Qui Sơn lại hỏi: “Chúng sanh trên quả đất nghiệp thức mênh mang, không gốc có thể tựa, con làm sao biết họ có cùng chẳng có?” Sư thưa: “Con có chỗ kinh nghiệm.” Bỗng có vị Tăng đi ngang qua, Sư gọi: “Xà lê!” Vị Tăng xoay đầu lại. Sư thưa: “Bạch Hòa thượng, kẻ này là nghiệp thức mênh mang, không gốc có thể tựa.” Qui Sơn khen: “Đây là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa.”

Có người đến hỏi đạo, liền dựng cây phất tử lên, hoặc đưa một vật gì khác lên cũng thế, đều là “nanh vuốt trong tông môn từ trước”. Đó là hình ảnh “Đức Phật đưa cành hoa sen lên, Tổ Ca-diếp cười chúm chím” trong hội Linh Sơn. Thuật kêu liền dạ, quả là “một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa”. Chính là chỗ Tổ A-nan hỏi Tổ Ca-diếp: “Ngoài chiếc y kim lan, Thế Tôn còn truyền cái gì cho sư huynh?” Tổ Ca-diếp gọi: “A-nan!” A-nan: “Dạ!” Tổ Ca-diếp bảo: “Cây phướn trước chùa ngã.” Ngài liền ngộ đạo.

 

Hai diệu thuật này thường được ứng dụng nhiều nhất trong Thiền môn. Nó là hình ảnh linh động và cổ truyền nhất, cũng là hiện thân của “Giáo ngoại biệt truyền”. Trong đây không tìm ra được câu nào có tính cách đạo lý hết. Những người quen sống với nghĩa giải, không sao chấp nhận được. Song với bậc xuất cách, nhân đây liền ngộ đạo. Vì thế, người ta nhìn vào Thiền tông dường như có cái gì bí mật lạ lùng không thể nào hiểu nổi.

III. YẾU CHỈ THIỀN TÔNG HAY CỐT TỦY KINH ĐIỂN

Những câu nói bí hiểm, những hành động thần tốc của Thiền sư đều vì chỉ một việc rất khó chỉ, nói một việc rất khó nói. Trong cái bất thần khó khăn ấy, người học nhận được là ngộ đạo. Thiền khách đến tham vấn với Thiền sư có ngôn ngữ hành động kỳ đặc, gọi là tham “hoạt ngữ” (lời nói sống). Ngược lại, những Thiền sư nói ra có ý thú còn suy nghĩ được, gọi là “tử ngữ” (lời nói chết). Cho nên Thiền sư Đức Thành (Hoa Đình Thuyền Tử) nói: “Câu nói hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa.” Một câu nói ra có ý vị, có nghĩa lý là cây cọc cột chặt con lừa muôn kiếp.

Chính những kinh điển Đại thừa cũng thế, người đọc thấy như những “mật ngữ”, những hình ảnh huyền hoặc gì đâu đâu, thiếu sự dễ dàng thực tế. Song với hạng căn cơ bén nhạy đọc đến liền thấy đạo lý siêu thoát, chân lý hiện tiền. Như có Thiền khách đến hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?” Triệu Châu đáp: “Cây bá ở trước sân.” Thiền khách hỏi Động Sơn Thủ Sơ: “Thế nào là Phật?” Đáp: “Ba cân gai.” Những câu đáp này là “hoạt ngữ”. Trong kinh Đại thừa cũng có vô số lối đáp khó khăn chẳng kém. Kinh Kim Cang, ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: “Kẻ thiện nam thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm ấy?” Phật bảo Tu-bồ-đề: “Các vị đại Bồ-tát nên như thế hàng phục tâm ấy, có tất cả loài chúng sanh, hoặc noãn sanh, hoặc thai sanh, hoặc thấp sanh, hoặc hóa sanh, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng, hoặc chẳng không tưởng, ta đều khiến vào Vô dư Niết-bàn mà diệt độ; như thế diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thật không có chúng sanh được diệt độ…” Qua câu đáp này, thử hỏi chúng ta biết làm sao hàng phục được tâm? Kinh Pháp Hoa trong phẩm Như Lai Thọ Lượng có đoạn nói: “…Thiện nam tử! Thật ta thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp… Từ đó nhẫn lại, ta thường ở cõi Ta-bà này giáo hóa, cũng ở trong trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi nước khác, dắt dẫn lợi ích chúng sanh…” Chúng ta còn ai không biết đức Phật Thích-ca giáng sanh ở Ấn Độ, thọ tám mươi tuổi nhập Niết-bàn. Thế mà kinh nói như vậy làm sao tin được. Do lối nói bí hiểm này khiến kinh điển Đại thừa trở thành huyền hoặc mê tín.

 

Nay giải thích về Yếu chỉ Thiền tông thật là một điều khó khăn vô kể, vì chỗ không được giải thích mà đem ra giải thích. Nếu chúng tôi không giải thích toạc ra thì độc giả cũng thấy khó khăn như các quyển sách thiền xưa. Bằng giải thích trắng ra, chúng tôi mắc phải cái lỗi “tử ngữ”, đã cột độc giả vào chỗ ý tứ so lường. Song với thời đại lý giải này, không cho phép chúng tôi làm theo người xưa, mà buộc lòng phải giải thích. Nói yếu chỉ Thiền tông là “Kiến tánh khởi tu”.

A. KIẾN TÁNH.

Trong bài tụng Vô tướng của Lục Tổ, mở đầu đã nói: “Thuyết thông và tâm thông, như mặt nhật trong không; chỉ truyền pháp kiến tánh, ra đời phá tà tông…” Chữ kiến tánh có nghĩa là ngộ đạo hay giác ngộ. Song ngộ đạo có chia giải ngộ và chứng ngộ, giác ngộ có chia phần giác và toàn giác. Chữ kiến tánh này tương ưng với nghĩa giải ngộ và phần giác. Cho nên người kiến tánh chỉ gọi là Thiện tri thức hay là Tổ.

Song chữ Kiến tánh dễ khiến người ta hiểu lầm. Bởi mọi người cứ đinh ninh rằng kiến là thấy bằng mắt. Phàm cái gì mắt thấy được đều là đối tượng ngoài mắt, có hình có tướng. Nếu Tánh giác của chính mình mà mắt mình thấy được thì không phải của mình nữa, vì đã thuộc về đối tượng. Hơn nữa, mắt chỉ thấy cái có hình tướng, Tánh giác không hình tướng làm sao mắt thấy được? Chẳng những thấy mà khởi hiểu tánh mình cũng không được. Vì Tánh giác là cái năng tri, nếu bị hiểu thì đã biến thành sở tri. Thế nên các Thiền sư, khi bị hỏi đến đó, liền nói “ta không hiểu”, hoặc Thiền khách khi trả lời chẳng hiểu, các ngài bảo “không hiểu là tốt”. Vừa dấy niệm tìm thấy tánh thì đã cách xa, nên nói tìm thì không gặp. Muốn đến nó thì không thể đến, nên nói “thú hướng chân như tổng thị tà”. Chỉ phải thầm hội, khéo nhận ra mà thôi. Ví như con mắt chỉ thấy được cảnh, mà không thấy được con mắt. Muốn biết mình có mắt sáng thì khéo nhận khi trông thấy cảnh. Nhân cảnh biết mình có mắt sáng, như nói “kiến sắc minh tâm”. Người học đạo mà không kiến tánh là kẻ ở ngoài cổng. Người tu theo Phật mà không được phần giác là kẻ đứng trong đêm đen. Kẻ ở cổng ngoài, đứng trong đêm đen thì làm sao thưởng thức được mùi vị của đạo, nếu có cố gắng tu cũng chỉ tu trong mờ mịt mê tối. Vì thế, Thiền tông chủ trương “Kiến tánh khởi tu”. Do đó thuở xưa, các Thiền giả phải đi hành cước tham vấn trải một hai mươi năm, bao giờ ngộ đạo mới trụ. Thấy đạo rồi, tu hành dụng công ít mà kết quả nhiều. Ngược lại, người chưa thấy đạo tuy dụng công nhiều mà kết quả ít. Chính vì thế, sự tu hành có chia ra đốn (nhanh) tiệm (thứ lớp) khác nhau.

 

Nói đến kiến tánh là nói đến giác ngộ, có giác ngộ là đối với vô minh. Muốn thông suốt chỗ giác ngộ, trước phải hiểu tường tận gốc vô minh.

1. Vô minh: Vô minh là mờ tối, là mê lầm, có chia ba bậc:

a) Vô minh thượng: Ngu si chấp ngã.

Trong tam độc thông thường nói tham, sân, si. Cần đặt đúng vị trí của nó, phải nói si, tham, sân. Si là si mê u tối, ngay nơi thân này do si mê ngu tối chúng ta chấp chặt một cách sai lầm. Chấp sai lầm có hai lớp, chấp thân làm ngã (mình), chấp tâm làm ngã (mình).

Chấp thân này làm ngã là bệnh thông thường của phàm phu. Tất cả người thế gian không ai chẳng chấp thân này là ngã. Bởi chấp thân này làm ngã nên thấy nó thật, nó lâu dài, nó cao cả quí báu, rồi đắm mê tham lam vì nó. Thân của ta mà bị chê bai, bị xúc phạm liền nổi sân lên, mặc dù sự chê bai xúc phạm ấy rất hợp lý và xác đáng. Ví như thân ta đen điu thấp xấu, có người chê anh chàng “lùn xấu”, liền nổi giận. Thân ta hôi hám bẩn thỉu, nếu có người nói anh chàng “nhớp nhúa” liền nộ khí xung thiên. Ngược lại, thân ta xấu mà có ai khen là “đẹp trai” liền vui vẻ tươi cười. Thân ta nhớp mà có người khen là “sạch sẽ” liền thích thú. Nơi thân này càng được khen, chúng ta càng tham chấp rồi sanh cống cao ngã mạn. Nơi thân này bị chê, chúng ta sanh sân hận oán thù. Bởi do si mê chấp thân nên sanh tham trước, tưởng nó chân thật, nó lâu dài, nó sang quí. Ngược với lòng tham, liền nổi cơn sân hận thù hằn. Do si mê về thân, mọi sự thật chung quanh thân không bao giờ chúng ta thừa nhận. Đã quí thân ta thì quí luôn những vật sở hữu của ta. Thế nên những nhu cầu về vật chất của bản thân, chúng ta lúc nào cũng muốn thỏa thuê sung túc. Đó là cái nhân khởi lòng tham về vật chất. Vì tham vật chất, nên mọi người đua tranh giành giật khổ sở cả đời. Được thì tham lại thêm tham, mất thì tham đổi ra thù hận. Do đó, tạo nghiệp trả quả kiếp kiếp đời đời. Vì tham thân nên khi thân sắp hoại, người ta sanh kinh hoàng sợ hãi. Nỗi lo sợ mất thân là sự khủng khiếp nhất của con người. Vì thế, tiếng “chết” coi như một cấm kỵ không bao giờ dám dùng đến. Đã sợ mất thân, khi thân này sắp mất, “cái niệm tìm thân” bùng dậy mãnh liệt. Đó là cái nhân dẫn đến thân sau. Bởi si mê chấp thân nên thân trước mất tìm đến thân sau, thân sau mất tìm thân sau nữa, cứ thế mãi mãi sanh tử luân hồi bất tận.

 

Chấp tâm làm ngã cũng là bệnh thông thường của mọi người. Mọi sự phân biệt suy tư nghĩ tưởng cảm thọ, cái nào cũng nhận làm ngã hết. Tôi phân biệt thế này, tôi suy tư thế kia, tôi nghĩ tưởng thế nọ v.v… Thừa nhận những cái ấy là tâm của chính mình. Chấp cái suy tư nghĩ tưởng… làm mình rồi, lúc nào cũng cho nó là đúng, tận lực bảo vệ nó. Ai chấp nhận nó thì chúng ta thương, ai phản đối nó thì chúng ta giận. Song cái suy tư nghĩ tưởng của ta, không chắc đã trùng hợp với cái suy tư nghĩ tưởng của kẻ khác. Vì mỗi chúng ta, môi trường sanh hoạt khác nhau, vọng tưởng do huân tập mà có. Đã không trùng hợp mà mỗi bên đều cho là đúng thì sự tranh chấp đối kháng không thể nào tránh được. Sự đối kháng của suy tư nghĩ tưởng… được mệnh danh là ý thức hệ, tuy nhỏ nhiệm song mãnh liệt và khốc hại hơn đấu tranh vật chất. Cố chấp bảo vệ ý niệm nghĩ tưởng của mình là bệnh chung của nhân loại. Do đó, mọi người sống chung nhau mà ít ai chịu chấp nhận nhau. Đã không chấp nhận nhau thì làm gì có tình thương chân thật đối với nhau. Đây là mối đau khổ muôn kiếp của con người không sao giải tỏa nổi. Từ cái si mê chấp suy tư nghĩ tưởng… làm mình, khởi lên cái tham lam bảo thủ ý kiến mình, nổi sân chống đối mọi ý kiến khác, tạo nên mọi thù hằn đau khổ cho nhau đời đời kiếp kiếp.

Tóm lại, cái si mê chấp thân làm ngã tạo thành thói xấu thích khen ghét chê, tham sống sợ chết, tham mê ngũ dục gây nghiệp thọ khổ không cùng. Cái si mê chấp tâm làm ngã gây nên bảo thủ ý kiến, tranh chấp đối kháng, làm tan biến tình thương, đưa nhân loại đến chỗ thù hằn đối địch. Trong kinh nói: “Do Hoặc tạo Nghiệp, do Nghiệp thọ Khổ, quanh quẩn không cùng.” Hoặc tức là Vô minh thượng này vậy.

b) Vô minh trung: Niệm khởi.

Trong tâm chúng ta bất thần dấy niệm là đã che mờ Tánh giác nên gọi là vô minh. Tổ Lâm Tế nói: “Chỗ ông dừng một niệm là cây bồ-đề, ông một niệm không thể dừng được là cây vô minh.” Vô minh là mờ tối, Bồ-đề là Tánh giác. Niệm dấy lên làm mờ tối Tánh giác, nếu dấy mãi không dừng thì Tánh giác bị khuất lấp, nên nói “cây vô minh”. Vọng niệm lặng yên thì Tánh giác bày hiện, vọng niệm càng lặng thì Tánh giác càng tỏ, nên nói “cây bồ-đề”. Ví như cái gương sáng, vừa có hạt bụi bám vào là đã mờ đi một tí. Nếu bụi cứ chồng chất bám vào thì ánh sáng mặt gương bị mờ tối hẳn. Ngược lại, lau đi một tí bụi thì ánh sáng hiện ra một phần, lau sạch tất cả bụi thì gương hoàn toàn sáng. Cũng tương tự như thế, niệm khởi lên chúng ta liền theo niệm mà quên Tánh giác. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật ví dụ “chàng Diễn-nhã-đạt-đa soi gương quên đầu” là ý này. Nếu thừa nhận đầu mặt trong gương là mình, nhất định đã quên mất đầu mặt thật hiện hữu này. Chúng ta thừa nhận niệm khởi là tâm mình, nhất định quên mất Tâm chân thật hiện hữu của chúng ta. Bởi nhận lầm như thế, nên gọi là vô minh. Cái vô minh này tế nhị hơn vô minh ở trên, vì vừa dấy niệm đã là vô minh, không đợi có suy tư nghĩ tưởng… mới là vô minh.

c) Vô minh hạ: Mê Tánh giác.

Mê là quên Tánh giác, gọi là vô minh. Bởi quên Tánh giác mới thừa nhận vọng niệm là mình. Như có người đi đến nhà quen, mà quên hẳn ông chủ nhà, nên thấy khách trong nhà nhận lầm là ông chủ. Khi đã nhận lầm khách làm chủ rồi thì chủ và khách cả hai đều hỗn tạp. Bởi quên đi mới có nhận lầm, đã nhận lầm thì muôn ngàn thứ lầm khác tiếp nối phát sanh. Ví như chúng ta vì quên đường mới đi lạc đường, đã đi lạc đường thì đi chừng nào càng lạc xa chừng ấy. Cái khổ lang thang không tìm ra lối cũ trở về, gốc từ cái quên ban đầu mà ra. Cái khổ luân hồi của chúng ta hiện giờ cũng vì quên Tánh giác tạo nên. Vì thế mê là cái vô minh căn bản, chính nó là chủ của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc của mọi cái sai lầm trên.

2. Giác ngộ: Giác ngộ là tên khác của Trí tuệ Bát-nhã. Có trí tuệ mới biết chỗ sai lầm, nhận ra điều chân thật. Trí tuệ là ngọn đuốc sáng soi phá vô minh tối tăm. Song giác ngộ cũng có thứ bậc: giác ngộ hạ, giác ngộ trung và giác ngộ thượng.                   

a) Giác ngộ hạ: Giác ngộ hạ là vô ngã đối phá vô minh thượng. Do vô minh lầm chấp thân tâm này làm ngã, rồi tạo nghiệp thọ khổ. Giờ đây, chúng ta dùng trí tuệ soi xét xem thân tâm này có phải thật là ngã không?

Về thân, trước do tinh cha huyết mẹ kết hợp, cộng với thần thức chung họp thành thai. Bào thai lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng bằng máu huyết và hơi ấm của bà mẹ. Khi thân này ra khỏi thai mẹ, được hít thở khí trời, bú sữa mẹ, từ từ biết ăn uống, dần dần lớn lên. Bản chất đầu tiên của thân này, do hòa hợp tinh huyết và thần thức, tức là do duyên mà thành. Thân này lớn lên là do hít thở ăn uống… mà tồn tại. Theo chỗ Phật dạy, thân này sống còn là do tứ đại bên trong hợp lại và tứ đại bên ngoài nuôi dưỡng. Nếu có tứ đại bên trong mà thiếu tứ đại bên ngoài cũng không sống, có tứ đại bên ngoài mà thiếu tứ đại bên trong cũng không thành thân. Như vậy sự thành hình và sống còn của thân này là do tứ đại trong ngoài chung nhau hòa hợp. Đã chung nhau hòa hợp thì cái gì là chủ mà chúng ta chấp làm ngã? Hơn nữa, sự sống còn hiện nay, chúng ta từng phút giây vay mượn tứ đại bên ngoài; một phút giây không vay mượn là đã tử vong. Song chúng ta lại mê lầm, khi muợn tứ đại của trời đất đem vào thân, liền chấp nhận cái đó của mình. Sự chấp ngang ấy mà tự cho là hợp lý. Ví như chúng ta có cái nhà trống, đến hàng xóm mượn bàn, ghế, giường, tủ… để trang hoàng. Vừa mang vào nhà, chúng ta liền tuyên bố rằng “đây là đồ của tôi”, thử hỏi mọi người nghe thấy có chấp nhận được không? Huống là thân này, lỗ mũi hít thở không khí, khi không khí còn ở ngoài là của trời đất, vừa hít vào mũi liền nhận ngang rằng “hơi của tôi”. Miệng uống nước, ăn vật thực cũng thế, nước còn ở ngoài là của thiên nhiên, vừa nuốt qua khỏi cổ liền nói “nước của tôi”; thức ăn còn ở ngoài là của người này kẻ nọ, vừa nuốt khỏi cổ liền nói “những chất của tôi”. Hơi tạm mượn không đầy một phút liền trả, khi trả ra ngoài là của ai? Nước tạm mượn vài tiếng đồng hồ cũng trả, khi trả ra là nước của ai? Vật thực mượn trong một ngày rồi cũng trả, trả ra là vật thực của ai? Quả là chúng ta mắc phải hai cái lầm lớn: lầm thứ nhất, thân hòa hợp vay mượn không có chủ, lầm nhận là ta (chủ); lầm thứ hai, chỉ trong phút giây không vay mượn là chết ngay, lầm nghĩ mình sống lâu dài. Bởi hai cái lầm này, chúng ta chấp thân một cách sai lạc đáng thương. Trí tuệ phân tích rõ ràng không cho phép chúng ta chấp ngang như vậy, phải thấy rõ rằng thân này vô ngã (không chủ), thân này vô thường (chẳng lâu dài). Thế là chúng ta thấy đúng sự thật, biết đúng chân lý. Do chỗ thấy đúng biết đúng, phá được cái ngu si chấp ngã về thân.

Về tâm, thừa nhận cái suy tư, nghĩ tưởng, phân biệt, cảm thọ làm ngã. Tôi suy tư, tôi nghĩ tưởng… Song cái suy tư, nghĩ tưởng… đổi thay luôn. Khi có suy tư nói là tôi suy tư, suy tư lặng mất, khởi nghĩ tưởng thì ai nghĩ tưởng? Chẳng lẽ mỗi tâm trạng khác nhau, mà cái nào cũng là tôi hết. Tôi là chủ, tâm trạng khá nhiều, cái nào cũng là chủ hết sao? Nếu cái nào cũng là chủ thì quyền năng trong ấy bị hỗn độn. Phương chi những tâm trạng này, khi dấy lên dường như có, cần tìm lại nó thì vắng bóng mất hình. Cái có một cách mờ mờ ảo ảo mà cho là mình (ta), thật là tự mình phủ nhận mình. Những khi chúng ta ngồi chơi, hoặc đi bách bộ, không có nghĩ tưởng chi cả, lúc đó không có mình (ta) hay sao? Cho đến cả đêm, chúng ta ngủ không có mộng, khi ấy không có mình (ta) rồi chăng? Đây là do ngu si lầm chấp cái không thật, tưởng là thật, cái không chủ, tưởng là chủ. Ở đây, chúng ta cần phải dùng trí tuệ nhận thức rõ ràng, để thấy như thật và biết đúng như thật. Thấy rõ nó có nhiều thứ, biết chắc nó không phải chủ (mình). Tướng trạng của nó hư ảo, quyết định nó không phải thật. Cái không phải chủ, không phải thật, khờ dại gì nhận nó làm mình (ngã). Thấy đúng và sống đúng như vậy, gọi là giác ngộ tâm vô ngã.

 

Tóm lại, thân này có tướng mạo, có sanh diệt, cho nên thuộc vô thường. Tâm tuy không có tướng mạo thô, song có trạng thái tế luôn luôn sanh diệt, cũng thuộc vô thường. Thân tâm đều là tướng duyên hợp, không có chủ nên vô ngã. Bởi vô thường, nên biến hoại là khổ, biến hoại đến diệt tận là không. Vô thường, khổ, không và vô ngã là tinh ba của các kinh A-hàm trong Hán tạng, Nikaya trong Pàli tạng. Đạt được lý vô thường, khổ, không, vô ngã ngay nơi thân tâm này, đó là người giác ngộ bậc hạ. Do thấy thân tâm này không phải ngã (ta) nên mọi sự chấp về thân tâm đều xả bỏ, mọi sự do thân tâm tạo nghiệp cũng dừng lại, quả khổ đau do thân tâm gây nên không còn nữa. Thế là do giác ngộ mà dứt khổ đau. Cái giác ngộ này cũng gọi là giác ngộ ngũ uẩn phi ngã của Bát-nhã.
b) Giác ngộ trung: Giác ngộ trung là vô niệm, đối phá vô minh trung. Nơi vô minh trung do niệm khởi làm mờ Tánh giác. Ở đây thấy rõ niệm là hư ảo không thật, là bóng dáng của ngoại trần chớ không phải tâm ta. Không phải tâm ta, nên ta không nhận nó và theo nó. Nó là cái làm rối bời, làm mờ tối Tánh giác của ta. Bất cứ niệm thiện niệm ác gì cũng đều là vô minh, vì niệm nào dấy lên cũng che mờ Tánh giác. Ví như bụi rơi vào con mắt bị xốn, mạt vàng rơi vào con mắt cũng thế. Chỉ một thể rỗng lặng mới là chân thật. Ta phải nhìn thẳng thấy niệm khởi là không thật, nó là bóng dáng, nó là tạm bợ, thể nó là không. Niệm lặng mất, thể không hiện tiền là chân thật.

Đây ta hãy nghe câu chuyện Tổ Huệ Khả cầu pháp an tâm nơi Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Huệ Khả thưa: “Tâm con không an, xin Thầy dạy cho phương pháp an tâm.” Tổ Đạt-ma bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Huệ Khả sửng sốt tìm lại không thấy tâm, thưa: “Con tìm tâm không được.” Tổ Đạt-ma bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Tổ Huệ Khả liền tỉnh ngộ.

 

Niệm khởi là rối bời, là xao xuyến, mà chúng ta lầm chấp nó làm tâm mình, cho nên có lúc nào thấy nó an đâu! Bởi tâm không an nên chạy cầu pháp an tâm. Diệu thuật của Tổ Đạt-ma bắt ta nhìn thẳng lại nó, thử xem nó có thật không mà cầu an. Biết nó không thật, nó tự tan biến lặng lẽ, đấy là an tâm. Chỗ niệm không khởi gọi là không tâm hay vô niệm. Đến đây không còn thấy có tướng mạo gì nên nói là không. Như kinh Bát-nhã nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” và nói “thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt…”, thấy rõ năm uẩn đều không, chữ thấy ở đây là nhận thấy. Nhận thấy tường tận thể xác và tâm hồn của thân này đều nằm gọn trong cái thể không. Thể không của các pháp này là không sanh, không diệt… Đạt được chỗ không tâm hay vô niệm mới nhận ra thể không ấy là chân thật, nên kinh Bát-nhã nói “không tướng là thật tướng”. Phần vật chất do duyên hòa hợp không có Thật thể, phần tâm hồn cũng là tướng của bóng dáng sáu trần không có Tự thể, cả hai đều là thể không. Nơi thân tâm là tướng duyên hợp thể không, ngoại cảnh là tướng duyên hợp cũng thể không. Cả nhân gian đều là tướng duyên hợp nên tất cả đều là thể không. Thể không mà không phải không, nên gọi là chân không. Đây là tinh thần của sáu trăm quyển kinh Bát-nhã, cũng là cửa vào Thiền tông. Vì thế cửa Thiền thường gọi là cửa Không. Chính Lục Tổ bước vào cửa này bằng bài kệ:

 

Bồ-đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?

Bồ-đề vốn không cội
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính trần ai?

Bởi lẽ thấu triệt được thể không, Lục Tổ hạ hai câu “xưa nay không một vật, chỗ nào dính trần ai”. Đọc qua bài kệ này Ngũ Tổ mới cho Ngài vào thất. Cửa Không là cửa của Thiền tông, Tổ Huệ Khả do nhận được vọng niệm không thật, được pháp an tâm, Tổ Huệ Năng thấy rõ xưa nay không một vật, được cho vào thất. Tất cả những người tu theo Thiền tông trước kia, hiện nay và sau này thảy đều từ cửa ấy mà vào. Đây là bước giác ngộ đầu của người tu Thiền tông, là phần giác ngộ trung trong ba phần giác ngộ. Phần giác ngộ này gọi là tâm không hay vô niệm. Chính ông Bàng Long Uẩn ca tụng chỗ này bằng bài kệ:

Thập phương đồng tụ hội
Cá cá học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ qui.

Mười phương đồng tụ hội
Mỗi mỗi học vô vi
Đây là trường thi Phật
Tâm không được đậu về.

Chỉ cần tâm không là thi làm Phật được đậu. Các Thiền sư thường ca ngợi chỗ vô tâm, vô tâm là thấy đạo, vô tâm là Bồ-đề… Song cũng một Thiền sư nói:
Mạc vị vô tâm vân thị đạo
Vô tâm du cách nhất trùng quan.

Chớ bảo không tâm gọi là đạo
Không tâm còn cách một lớp rào.

Chỗ vô tâm ấy chỉ là vào cửa, chớ chưa thấy mặt thật ông chủ nhà. Cần vào thẳng trong nhà, nhận ra mặt thật của ông chủ nhà mới là cứu kính. Đó là bước sang cái giác ngộ thứ ba.

c) Giác ngộ thượng: Giác ngộ thượng là tri hữu, đối phá vô minh hạ. Bởi quên (mê) Tánh giác nên niệm khởi và chấp ngã sai lầm.

Ở đây giác ngộ là nhận ra mình có Tánh giác. Tánh giác là chân thật, là vĩnh cửu, là hiện hữu và cũng chính là Bản thể của mình (Pháp thân). Tánh giác này mang nhiều tên tùy công dụng của nó. Về phương diện thường biết rõ ràng (liễu liễu thường tri) một cách chân thật, gọi là Chân tâm; Thật thể của thân tâm mà không tướng mạo, gọi là Pháp thân; hằng giác không mê gọi là Bồ-đề; vĩnh viễn không sanh không diệt, gọi là Niết-bàn; chân lý tuyệt đối không bàn nói đến được gọi là Đạo; Thể chân thật không đổi thay gọi là Chân như; cái ta chân thật ngàn đời gọi là Bản lai diện mục… Quên Tánh giác là mê, nhận ra mình có Tánh giác là ngộ. Biết có Tánh giác của chính mình gọi là tri hữu.

Một hôm, Tổ Huệ Khả bỗng nhiên đại ngộ, bạch với Tổ Đạt-ma: “Từ đây trở đi con dứt hết các duyên.” Tổ Đạt-ma bảo: “Chớ rơi vào đoạn diệt.” Huệ Khả thưa: “Không rơi.” Tổ Đạt-ma hỏi: “Con làm thế nào?” Huệ Khả thưa: “Con thường biết rõ ràng, nói không thể đến.” Tổ Đạt-ma dạy: “Đây là chỗ truyền của chư Phật, chớ nên hồ nghi.”
Tổ Huệ Năng khi được vào thất, Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang cho nghe. Giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài đại ngộ kêu lên: “Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh! Đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt! Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ! Đâu ngờ tánh mình vốn không dao động! Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp!” Ngũ Tổ biết đã ngộ Tự tánh, bảo: “Chẳng biết Bản tâm, học pháp vô ích; nếu nhận Bản tâm mình, thấy Bản tánh mình, gọi là Trượng phu, Thiên nhân sư, Phật…”

Hai vị Tổ nổi bật nhất ở Trung Hoa, chỗ ngộ đạo nào có khác nhau. Tổ Huệ Khả nhận ra mình có cái “thường biết rõ ràng, nói không thể đến”, được Tổ Đạt-ma xác nhận: “Đó là chỗ truyền của chư Phật, chớ có hồ nghi.” Tổ Huệ Năng nhận ra “tánh mình vốn tự thanh tịnh, tánh mình vốn không sanh diệt…”, được Ngũ Tổ ấn chứng là bậc Trượng phu, Thiên nhân sư, Phật. Hai vị Tổ đến đây mới thật sự tri hữu, tức là nhận ra Ông chủ thật của chính mình. Nhận ra Ông chủ này là hoàn toàn kiến tánh, cũng gọi là đại ngộ. Giác ngộ mình có Tánh giác và hằng sống với Tánh giác gọi là hằng giác, phá được cái mê từ vô thủy. Hằng giác tức là hằng nhớ Tánh giác, cũng gọi là niệm Chân như. Chỗ này là chủ yếu của Thiền tông, cũng là mục đích của các bộ kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết-bàn, Hoa Nghiêm.

Đã từ muôn ức kiếp, chúng ta quên bẵng Tánh giác của chúng ta, rồi đi lang thang khắp nẻo luân hồi, tạo nghiệp ngập trời, thọ khổ tràn biển. Nhân Phật, Tổ hay Thiện tri thức chỉ dạy, chúng ta nhận ra mình có Tánh giác, liền ngưng bước luân hồi, dừng tay tạo nghiệp. Như người sực nhớ con đường về quê, không còn lê bước lang thang, mà phải hối hả trở về quê cũ, khúc nhạc hoàn hương êm ả nhẹ nhàng, âm ba trong veo cao vút, từ quê nhà vọng lại bên tai. Đấy là hình ảnh giác ngộ đi đến giải thoát của đạo Phật nói chung, của Thiền tông nói riêng.

d) Làm sao biết mình có Tánh giác?
Tuy nhiên, Tánh giác nơi mọi chúng ta đều sẵn có, chỉ vì chúng ta quên nó, lầm nhận các vọng niệm, vọng tưởng làm mình. Một khi đã quên và đã lầm rồi, Tánh giác quả thật hiện hữu, mà chúng ta chưa bao giờ biết đến nó. Cả ngày chúng ta chấp nhận là mình, chỉ căn cứ trên thân giả dối, tâm hư vọng mà thôi. Đến đây, chúng tôi bạo gan chỉ thẳng ra một cách tường tận và dễ dàng, để quí vị cùng nhận ra, đồng tu tập. Việc làm này của chúng tôi có thể có lợi ích, nếu người đọc có đủ can đảm, nồng nhiệt, bền chí và lâu dài. Nó sẽ vô ích, còn có thể có hại là khác, nếu người đọc có tánh cách khinh xuất, lơ là và tùy hứng. Chúng tôi ước mong độc giả sẽ không làm cho chúng tôi trở thành tội nhân.

Tánh giác và Chân tâm là hai tên mà một thể. Nhận ra Chân tâm là thấy Tánh giác. Muốn nhận ra Chân tâm chúng ta cần phải giải rõ xem tâm là cái gì? Thân chúng ta do đất, nước, gió, lửa hòa hợp thành hình. Đất nước gió lửa là vật vô tri, trên thân này có cái tri giác, cái tri giác ấy gọi là tâm. Đã nói là ta, chẳng lẽ ta là cái vô tri? Thế nên hầu hết mọi người đều thừa nhận cái tri giác là mình, tức là chấp nhận tâm làm mình. Song cái tri giác dễ nhận dễ thấy và nổi bật nhất là suy tư nghĩ tưởng…, buồn thương giận ghét…, người ta cho những cái đó là tâm mình. Khi đã chấp nhận những cái đó làm tâm mình rồi, vừa khởi nghĩ cho là mình nghĩ, khởi tưởng cho là mình tưởng; dấy buồn bảo rằng tôi buồn, nổi giận bảo rằng tôi giận. Thế là cả ngày chạy theo cái hỗn tạp lăng xăng, vì đã thừa nhận nó là mình. Những cái ấy được tạm dừng phút giây, người ta cảm thấy như đã mất mình. Song chúng nó mang sẵn tánh chất phức tạp, dao động, không thật, mà người ta thầm nghĩ nó thật, thường và duy nhất. Ngoài những cái đó ra, người ta tưởng như không còn cái gì khác nữa. Quả thật là lầm to!

Đã nói tâm là cái tri giác, khi mắt thấy sắc chưa cộng với cái suy nghĩ, tự mắt có tri giác không? Tai nghe tiếng, tự tai có tri giác không? Thân xúc chạm, tự thân có tri giác không?… Không có tri giác làm sao gọi là thấy, không có tri giác làm sao gọi là nghe, không có tri giác làm sao gọi là xúc? Thế là, có thấy, có nghe, có xúc chạm là có tri giác, có tri giác là có tâm. Tại sao không thừa nhận nó là tâm? Tuy nhiên tâm có chia hai loại, tâm vọng và tâm chân. Tâm vọng là tâm mang tánh chất phức tạp, dao động, không thật. Tâm chân là Tâm chân thật, không động và thường hằng. Qua hai tánh chất ấy, chúng ta kiểm điểm lại nơi thân này, tâm nào chân, tâm nào vọng? Những cái suy nghĩ, tưởng tượng, phân biệt, ghét thương… thật là phiền toái, phức tạp, cái này sanh, cái kia diệt, chợt có chợt không, bất thường, khi dấy lên dường như có, tìm lại nó thì không. Chúng lập lòe như ánh lửa ma trơi, lúc ẩn, lúc hiện, chợt có chợt không. Qua ánh sáng trí tuệ của ta, chúng đã phơi bày bản chất hư ảo, không thật rồi. Ngược lại, cái tri giác nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… của ta, chúng luôn luôn có mặt, chưa từng sanh diệt, lặng lẽ bất động, thực tại hiện hữu, như ánh mặt trăng đêm rằm, vằng vặc sáng rỡ, trong veo lặng lẽ. Thế thì còn nghi gì không nói chúng là chân thật. Song làm sao biết chúng thường hằng hiện hữu?

Lấy mắt và tai là hai cái dễ nhận thấy nhất, đại biểu cho các thứ kia. Như mắt chúng ta thấy cảnh, cảnh có thể đổi thay trăm ngàn thứ, cái thấy không bao giờ đổi thay. Khi có cảnh, mắt thấy cảnh; khi không cảnh, mắt thấy không cảnh. Cảnh khi có khi không, cái thấy lúc nào cũng có, cho đến khi mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy tối thấy sáng, là do sự nhắm mở của con mắt, chớ không can hệ gì cái thấy. Ví như bóng đèn với điện, gắn bóng đèn thì điện cháy, mở bóng đèn thì điện tắt. Có cháy có tắt là tại gắn bóng đèn hay mở bóng đèn, chớ không can hệ gì đến điện. Nhẫn đến con mắt bị mù đi, cái thấy cũng không mất, nó sẽ phát hiện sang các cơ quan khác. Vì thế người mù thì lỗ tai nhạy, ý nhớ hay, cảm xúc nhanh. Ví như bóng đèn bị đứt, điện không phát được, điện sẽ phát mạnh hơn ở các bóng khác, hoặc bộ phận máy móc khác. Như vậy, cái thấy không thuộc về cảnh, không tại con mắt, nó chính là tâm. Vì có thấy là có biết, biết tức là tâm.

Cái nghe cũng thế, có tiếng thì nghe tiếng, không tiếng nghe biết không tiếng. Tiếng thì lúc có lúc không, cái nghe lúc nào cũng có. Cho đến khi ngủ dường như không nghe, song có tiếng động mạnh liền trỗi dậy. Nếu không nghe làm sao hay trỗi dậy? Tiếng động vang lên một lúc nhiều thứ, vẫn nghe rõ ràng tiếng nào ra tiếng ấy. Dù là tiếng có đến trăm ngàn, nhưng cái nghe vẫn là một. Nghe rành rõ tiếng nào ra tiếng ấy, cái nghe quả thật là tâm. Khi lỗ tai điếc, cái nghe sẽ phát mạnh ở con mắt, thấy dáng miệng nói, đoán biết nói cái gì. Thế là tâm thấy, tâm nghe vẫn hiện hữu thường trực nơi chúng ta. Song tối kỵ khi có ý thức hợp tác với nó. Khi có ý thức hợp tác với cái thấy, thì cái thấy đã mất tánh chất chân thật thường hằng bất động rồi. Khi cái nghe hợp tác với ý thức cũng lại như thế. Vì ý thức là cái so lường phân biệt, luôn luôn biến động không dừng. Nó vừa hợp tác với cái nào thì cái ấy phải chịu ảnh hưởng của nó. Cho nên muốn sống với Tâm chân thật của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chúng ta không nên có ý thức xen lẫn trong ấy. Có ý thức xen vào, tức đã làm băng hoại Tâm chân thật đi rồi.

Tuy nhiên nhìn vào bên trong, chúng ta vẫn có cái Tâm chân thật ở trong. Tâm này thấy sự rong ruổi của ý thức, thấy được vọng niệm khi dấy khi lặng. Nếu không có tâm ấy, chúng ta làm sao biết được khi có vọng, khi không vọng, lúc có ý thức, lúc không ý thức. Cái biết được vọng quyết định cái đó không phải vọng. Vọng thì khi sanh khi diệt, cái thấy rõ sự sanh diệt của vọng quả là không phải sanh diệt. Vọng dấy lên do vin theo bóng dáng trần cảnh nên có tướng mạo, thuộc về nhân duyên. Cái biết vọng chưa từng dấy lên, chưa từng theo trần cảnh, nên không liên hệ đến nhân duyên. Cái thuộc nhân duyên thì có hợp có tan, có còn có mất, có sanh có diệt. Cái không thuộc nhân duyên không có tướng mạo, nên thường hằng, bất biến, chân thật. Nhận ra được cái đó là thấy Tâm chân thật ở trong.

Mặc dù nói có trong ngoài, thường hiển lộ ở sáu cơ quan khác nhau, song thể “thường biết rõ ràng” trong lặng không tướng mạo thì không phải là hai. Trên dụng dường như có sáu, Bản thể vẫn là một. Cho nên kinh Lăng Nghiêm nói: “Từ một tinh minh sanh sáu hòa hợp.” Vì thể nó rỗng lặng, nên nói Pháp thân thanh tịnh. Thể này hằng giác tri nên gọi là Phật tánh, Chân tâm. Trong sáu cơ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thường hiển lộ Tánh giác, nên nơi mắt gọi là tánh thấy, nơi tai gọi là tánh nghe, nơi mũi gọi là tánh ngửi… Mỗi nơi đều để chữ “tánh” đứng đầu, chứng tỏ rằng mỗi cái ấy đều từ Tánh giác phát ra. Do đó trong sáu cơ quan, chúng ta nhận được Tự tánh của một cơ quan thì cả sáu cái đều thông suốt. Cho nên câu “Phản quan tự tánh” của nhà thiền thật tối hệ trọng. Khéo dùng phương tiện gợi cho người tham vấn nhận ra Tánh giác của mình thường biểu hiện ở sáu căn là một xảo thuật của Thiền sư. Trong sáu căn chỉ có hai căn dễ nhận nhất là mắt và tai. Thiền sư dùng cảnh sắc đánh thức Tánh thấy cho người, gọi là “nanh vuốt trong tông môn”, dùng âm thanh đánh thức Tánh nghe cho người, gọi là “một giọt sữa sư tử”. Chúng ta hãy khéo xem những xảo thuật của các Thiền sư đánh thức Tánh thấy:

Một hôm, Thiền sư Linh Hựu đứng hầu Tổ Bá Trượng. Tổ hỏi: “Ai?” Linh Hựu thưa: “Con, Linh Hựu.” Tổ bảo: “Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?” Linh Hựu vạch ra, thưa: “Không lửa.” Tổ đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa trước Sư hỏi: “Ngươi bảo không, cái này là gì?” Linh Hựu liền phát ngộ, lễ tạ.
Tổ Bá Trượng cố tình hỏi lửa chăng? - Không. Tổ cố mượn đốm lửa để đánh thức Tánh thấy của Thiền sư Linh Hựu. Quả có hiệu dụng, Thiền sư Linh Hựu nhân đốm lửa nhận ra Tánh thấy của mình, liền sụp xuống lễ tạ.
Thiền sư Lương Giới đến tham vấn Qui Sơn Linh Hựu. Sư hỏi: “Được nghe Quốc sư Huệ Trung nói ‘vô tình thuyết pháp’, con chưa hiểu thấu chỗ vi diệu ấy.” Qui Sơn bảo: “Ta trong ấy cũng có, chỉ không gặp được người xứng đáng.” Sư thưa: “Con chưa hiểu, xin Thầy chỉ dạy.” Qui Sơn dựng đứng cây phất tử, hỏi: “Hội chăng?” Sư thưa: “Chẳng hội, thỉnh Hòa thượng nói.” Qui Sơn bảo: “Miệng do cha mẹ sanh, trọn không thể vì người nói.”

Thiền sư Lương Giới cố tìm hiểu “Vô tình thuyết pháp”. Tổ Qui Sơn đưa cây phất tử lên, hỏi: “Hội chăng?” Nếu ngay đây mà hội thì “vô tình thuyết pháp” cho Thiền sư nghe rồi. Vì Thiền sư chưa hội, cầu xin Qui Sơn nói, nếu Qui Sơn hứa nói, đã thành “hữu tình thuyết pháp” mất vậy.

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Quang Dũng: “Văn-thù là thầy của bảy đức Phật, Văn-thù có thầy chăng?” Quang Dũng đáp: “Gặp duyên liền có.” Tăng hỏi: “Thế nào là thầy Văn-thù?” Sư dựng đứng cây phất tử lên. Tăng thưa: “Cái ấy là phải sao?” Sư ném cây phất tử, khoanh tay.

Vị Tăng muốn biết thầy của Bồ-tát Văn-thù, Thiền sư Quang Dũng dựng cây phất tử lên mà ông không nhận. Nếu khi đưa cây phất tử lên mà ông nhận ra thì đã thấy thầy của Văn-thù. Rất tiếc ông Tăng lầm qua, nên Thiền sư đành ném cây phất tử.

Có Thiền khách đến Kiền Phong hỏi: “Trong kinh Lăng Nghiêm có câu: ‘chư Phật mười phương, chỉ một con đường vào cửa Niết-bàn’ (thập phương Bạc-già-phạm, nhất lộ Niết-bàn môn), xin hỏi đầu đường ở chỗ nào?” Kiền Phong cầm cây gậy vạch ngang trong hư không, nói: “Ở chỗ này.” Thiền khách mờ mịt không hiểu. Sau ông đến Vân Môn, cũng đem câu ấy hỏi. Vân Môn đưa cây quạt lên nói: “Cây quạt nhảy phóc lên cung trời Tam thập tam đập vào mũi Đế Thích, con cá lý ngư ở biển Đông, mưa như cầm chĩnh mà đổ.”

Thiền sư Kiền Phong chỉ đầu đường vào cửa Niết-bàn bằng một vạch trong hư không. Người ta tưởng đầu đường vào cửa Niết-bàn từ hư không, chẳng ngờ từ Tánh thấy. Thiền sư Vân Môn cũng chỉ đầu đường bằng cây quạt đưa lên. Nếu Thiền khách thấy đầu đường ngay khi cây quạt đưa lên, thì câu nói sau của Vân Môn là câu thần chú. Nếu lầm qua khi cây quạt đưa lên, mò theo câu nói thì suốt đời không tìm ra đầu đường. Thế nên, Vân Môn có làm bài kệ:

Cử bất cố, tức sai hỗ
Nghĩ tư lương, hà kiếp ngộ.
Đưa chẳng đoái, ắt sai lầm
Toan nghĩ suy, kiếp nào ngộ.

Qua những hình ảnh được nêu ở trên, nếu Thiền khách khéo nhân cảnh sắc nhận được Tánh thấy của mình, gọi là “kiến sắc minh tâm”.

Đây chúng ta hãy khéo nghe chư Thiền sư sử dụng âm thanh đánh thức Tánh nghe một cách tài tình. Quả là “một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa”.

Có Thiền khách hiệu Sư Tổ đến Nam Tuyền hỏi: “Ma-ni châu nhân bất thức, Như Lai tàng lý thân thâu đắc, thế nào là tàng?” Nam Tuyền bảo: “Vương lão sư cùng ông qua lại, ấy là tàng.” Sư Tổ hỏi: “Thế nào là châu?” Nam Tuyền gọi: “Sư Tổ! Sư Tổ!” Sư Tổ: “Dạ! Dạ!” Nam Tuyền bảo: “Đi! Ngươi không hiểu ý ta.”

Sư Tổ muốn biết hạt châu, Nam Tuyền sẵn sàng chỉ hạt châu bằng cách hai lần gọi, Sư Tổ hai lần dạ mà không nhận ra hạt châu. Buộc lòng Nam Tuyền bảo: “Đi! Ngươi không hiểu ý ta.” Chỗ Nam Tuyền chỉ nhanh như đá nháng, điện xẹt, Sư Tổ chậm lụt nên không thấy được.

Một hôm Quốc sư Huệ Trung gọi: “Thị giả!” Thị giả: “Dạ!” Lại gọi: “Thị giả!” Thị giả: “Dạ!” Lại gọi: “Thị giả!” Thị giả: “Dạ!” Huệ Trung bảo: “Tưởng ta cô phụ ngươi, không ngờ ngươi cô phụ ta.”

Thị giả ba lần dạ mà không thấy chỗ dạy của Quốc sư. Nếu khi dạ liền nhận ra Tánh nghe của mình, Quốc sư đâu trách “không ngờ ngươi cô phụ ta”. Tất cả việc làm của Thiền sư đều nhằm người học thấy lại cái chân thật của chính mình. Nếu chúng ta cứ nghe và chờ các ngài chỉ dạy cái gì, qua mất mục tiêu của các ngài nhắm rồi.

Có Thiền khách vào thất của Thiền sư Qui Tỉnh, nhờ giải nghi về việc vị Tăng hỏi Triệu Châu “thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang”, Triệu Châu đáp “cây bá trước sân”. Thiền sư Qui Tỉnh bảo: “Tôi nói với ông, ông tin chăng?” Thiền khách thưa: “Lời của Hòa thượng là quí trọng, con đâu dám chẳng tin.” Qui Tỉnh nói: “Ông nghe giọt mưa rơi ở thềm nhà chăng?” Thiền khách bỗng nhiên khai ngộ, bất giác la: “Chao!” Qui Tỉnh hỏi: “Ông thấy đạo lý gì?” Thiền khách nói kệ đáp:

Thiềm đầu thủy đích
Phân minh lịch lịch
Đả phá càn khôn
Đương hạ tâm tức.

Giọt mưa mé thềm
Rõ ràng từng giọt
Đập nát càn khôn
Liền đó tâm dứt.

Thiền khách khéo nghe hạt mưa rơi, bỗng thấy cây bá trước sân của Triệu Châu. Cây bá trước sân hay giọt mưa rơi mé thềm nhà đều rõ ràng chỉ cho chúng ta thấy ý Tổ sư từ Ấn Độ sang. Nhận ra được chỗ này, càn khôn biến hoại, mọi vọng tưởng tan tành, thật còn gì sung sướng bằng.

Một hôm Tướng quốc Bùi Hưu đến chùa Đại An xem thấy bức họa Cao tăng, liền chỉ và hỏi Thiền sư Hoàng Bá: “Hình có thể thấy, Cao tăng ở đâu?” Hoàng Bá gọi: “Bùi Hưu!” Bùi Hưu: “Dạ!” Hoàng Bá hỏi: “Ở đâu?” Bùi Hưu ngộ được ý chỉ.
Qua tướng mạo, Bùi Hưu muốn thấy Cao tăng. Hoàng Bá chỉ Cao tăng qua tiếng “dạ” của Bùi Hưu. Nhân tiếng dạ của chính mình, Bùi Hưu chẳng những biết Cao tăng, mà còn nhận ra bổn mạng của mình từ vô thủy kiếp, như người đã nắm được hòn ngọc quí.
Để kết thúc hai đoạn trên, chúng ta hãy nghe bài kệ của Thiền sư Nghĩa Trung:

Tức thử kiến văn phi kiến văn
Vô dư thanh sắc khả trình quân
Cá trung nhược liễu toàn vô sự
Thể dụng hà phòng phân bất phân.

Chính nơi thấy nghe chẳng thấy nghe
Còn đâu thanh sắc để trình anh
Trong kia nếu liễu toàn vô sự
Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.

Quả thật chính nơi cái thấy nghe, chúng ta nhận ra Tánh thấy nghe. Đã nhận ra Tánh thấy nghe thì không mắc kẹt vào thanh sắc, nên nói thấy sắc như mù, nghe tiếng như điếc. Như mù chớ chẳng phải mù, vì hằng thấy mà chẳng vọng tưởng phân biệt hơn thua, đẹp xấu. Như điếc mà chẳng phải điếc, vì tiếng nào nghe rõ tiếng ấy, chỉ không phân biệt hay dở, phải quấy. Đã như thế thì còn thanh sắc nào để Thiền sư dạy chúng ta nữa. Nếu ngay nơi thấy nghe mà liễu ngộ được, còn gì phải phân biệt đây là thể, kia là dụng cho thêm phiền.

Tóm lại, chúng ta muốn nhận ra Tánh giác hay kiến tánh phải từ nơi sáu căn mà nhận. Trong sáu căn, hai phần nổi bật hẳn là mắt và tai, nhận ra một trong hai cái Tánh thấy và Tánh nghe là đã đến đầu đường vào Niết-bàn. Hoặc nhận ra Tánh giác của ý, cái mà biết ý thức có, ý thức không, trong tâm có niệm không niệm, cái giác liễu thường trực không tướng mạo ấy được mệnh danh là Chân tâm thanh tịnh. Vừa dấy niệm là mất chân, niệm lặng Chân thể hiện tiền. Không niệm là chân, niệm khởi là vọng. Chân và vọng dường như hai mà thật không hai. Ví như sóng và mặt biển, bao nhiêu lượn sóng lặn hụp đều không ngoài mặt biển. Khổ nỗi, khi người ta nhìn sóng là quên mặt biển. Nếu người khôn khéo, dù thấy sóng nổi lao xao đều biết chúng ở trong mặt biển. Muốn thấy mặt biển lặng, chỉ cần sóng dừng. Bỏ sóng đi tìm biển là khờ, diệt sóng để thấy biển lặng là dốt. Cũng thế, bỏ vọng tâm đi tìm Chân tánh là khờ, diệt vọng để thấy chân là dốt. Bởi vì vọng chỉ là cái dụng động của Thể chân, vọng dừng thì chân hiện. Cái chân ấy nó trùm cả trong lẫn ngoài, thường có mặt mà không tướng mạo, hằng giác tri mà khó nhận biết. Ví như nước trong sông ngòi và ngoài biển cả.

Nơi sông ngòi, chúng ta dễ thấy tướng nước chảy, ở biển cả chúng ta không thấy có chảy bao giờ. Song thủy triều lên xuống là có đổi dời, tại vì rộng nên không thấy, chỗ hẹp thì dễ thấy. Tánh giác tri trùm cả thân, chúng ta khó nhận, niệm khởi vọng tưởng có tướng mạo từng chập, từng hồi nên dễ biết. Bởi tánh cách rộng rãi đó nên nhà thiền thường nói “trong da chỗ nào mà không có máu” hay “chết chìm dưới sông mà kêu khát nước” hoặc “cỡi trâu mà tìm trâu”.

e) Giải ngộ và Chứng ngộ: Giải ngộ là nhân nghe một câu kinh hay một lời chỉ dạy của Thiện tri thức, liền thấy được Bản tánh. Tính cách đạt được rất nhanh, nên cũng gọi là Đốn ngộ. Nhân Phật, Tổ, thầy, bạn mà được ngộ đạo, nó thuộc về Trí hữu sư. Giải ngộ mới là kẻ thấy đường về quê, chưa phải là người về đến nhà. Người tu được giải ngộ, đã thanh toán xong năm mươi phần trăm nghi ngờ trên đường tu của mình. Thế nên Cổ đức đã nói:

Đốn ngộ tuy đồng Phật
Đa sanh tập khí thâm
Phong đình ba thượng dũng
Lý hiện niệm du xâm.

Đốn ngộ tuy đồng Phật
Nhiều đời tập khí sâu
Gió dừng sóng vẫn vỗ
Lý hiện niệm còn xâm.

Chỗ thấy không khác chư Phật, song tập khí sâu dày chưa có thể sạch. Cần phải nỗ lực buông xả vọng tưởng lâu ngày khả dĩ lặng, như gió đã dừng mà sóng chưa lặng, phải đợi thời gian từ từ nó mới im. Chân lý đã thấy rõ rồi mà vọng niệm vẫn còn xâm lấn mãi. Vì thế sau khi giải ngộ cần phải cố gắng tu hành mới được chứng ngộ. Thiền sư Trần Tôn Túc nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ.” Khi chưa giải ngộ phải tận lực tham vấn nghiên tầm cho giải ngộ, khi đã giải ngộ cũng phải cố gắng tu hành để được chứng ngộ. Chứng ngộ là chỗ viên mãn công phu tu tập, an trụ Tánh giác trọn vẹn. Nó là mục thứ mười trong Mười mục chăn trâu của nhà Thiền. Chứng ngộ là do công phu tu hành phát ra, không phải là sự chỉ dạy của thầy bạn, nên cũng gọi là Trí vô sư. Đạt được Trí vô sư hay chứng ngộ thì mới chống được sanh tử. Trong nhà Thiền thường nói: “tùng môn đắc nhập phi thị gia trân”, nghĩa là từ cửa nhận được không phải của báu trong nhà. Từ cửa mà được là Trí hữu sư, chưa thật là của báu trong nhà. Thật là của báu trong nhà thì đâu cần người khác chỉ, phải tự mình lấy ra mà dùng.

Tóm lại, giải ngộ là đã tách con đường mê, vào con đường giác, song mới là chia đường thôi. Trên con đường giác đi đến đích mới là chứng ngộ. Buổi đầu người học đạo do thầy bạn chỉ dạy phát khởi trí tuệ là Trí hữu sư. Biết rõ đường lối tu hành, hạ thủ công phu tu tập, phát trí tuệ là Trí vô sư. Trí này tương tự với “Tuệ” trong ba môn “Giới Định Tuệ”. Có Trí vô sư mới thoát khỏi sanh tử, cho nên trong nhà Thiền nói “Kiến tánh khởi tu”

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1109859
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3082
2716
14046
1072396
112957
92670
1109859