Thích Tâm Hạnh
A. TINH THẦN PHẢN QUAN VỚI SỰ RA ĐỜI CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ:
Khi còn là Thái tử, Vua Trần Nhân Tông được vua cha là Thánh Tông giao cho Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ dạy Thiền. Một hôm, Thái tử hỏi:
- Bổn phận và tông chỉ người tu Thiền là thế nào?
Thượng sĩ đáp:
- Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc. (Xoay lại chính mình là phận sự chính, chẳng từ nơi khác mà được).
Ngay đó, Vua Trần Nhân Tông lãnh hội ý chỉ, hằng ngày ứng dụng tu hành.
Sau khi trao ngai vàng cho con là Anh Tông, ngài lên núi Yên tử tu hành ngộ đạo và đã sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Từ đây, dòng Thiền Việt Nam chính thức khai sinh. Dòng Thiền ấy đã sống dậy mạnh mẽ khiến Phật giáo thời bấy giờ trở thành quốc giáo. Tinh thần phản quan đã đóng vai trò chủ đạo, trở thành tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.
B. TINH THẦN PHẢN QUAN TRONG THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ:
I. Soi lại để biết cái gì là giả, cái gì chân thật là mình:
Tinh thần Phản Quan, hay nói đủ hơn là Phản quan tự kỷ, có nghĩa là xoay lại chính mình. Nói đến xoay lại chính mình, thì vấn đề then chốt trước tiên cần được đặt ra ở đây là: chính mình là gì? Hay cái gì là cái chân thật là mình? Xác định được cái mình chân thật, cái chính mình, đó là cái tiêu chỉ để xoay lại, thì tinh thần phản quan mới được sáng tỏ. Như vậy, chính mình (tự kỷ) là gì?
Cái chân thật là mình phải được nhìn nhận qua ba yếu tố:
1. Trước tiên, nó phải ở ngay nơi chính mình, không phải ở bên ngoài.
2. Cái ấy chỉ có một, không thể có hai cái thật là mình tồn tại trong một thân thể.
3. Nó phải là cái chân thật, không hư hoại. Nói rõ hơn là không sanh, không diệt.
Như vậy, ngay nơi con người chúng ta, cái gì là cái mình chân thật?
Thông thường con người được cấu tạo bởi hai phần, phần thể chất là thân thể và phần tinh thần, tức là nội tâm.
a. Về thân thể:
Giả sử cái thân này là mình thì khi một anh A nào đó bị tai nạn, một phần thân thể bị rời ra khỏi thân thì khi ấy, phần bị rời ra khỏi thân là anh A, hay thân anh hiện đang nằm đó là anh A? Nếu phần đó không phải là anh A thì nó là của ai? Nếu cả hai đều là anh A thì không lẽ có hai cái gọi là anh A lại cùng tồn tại trong một lúc? Hơn nữa, có thân thể nào sanh ra ở đời mà không bị sự chi phối biến hoại của vô thường sanh già bệnh chết?
Vì tấm thân này nó không phải là một thực thể tự có, mà nó là do nhiều bộ phận ráp lại, nhiều nhân duyên hợp lại mà thành. Đồng thời, nó là cái thuộc về biến hoại vô thường sanh diệt, cho nên nó là cái giả tạm, tạm có trong khoảng thời gian cố định nào đó rồi mất, nó không còn mãi, nên cái thân này không phải là cái chân thật là mình.
Như vậy, phần còn lại là tinh thần, hay là cái gọi là tâm hay nghĩ suy phân biệt, cái ấy có phải thật là mình hay không?
b. Về phần tinh thần, hay là cái tâm suy nghĩ phân biệt:
Trong một ngày từ sáng đến chiều, con người thường suy nghĩ rất nhiều thứ. Có khi thì buồn, có khi thì vui, khi thì suy nghĩ lành, khi lại suy nghĩ không được thiện… Vậy thì, cái nào thật là mình?
Nếu nhận cái vui cho thật là mình thì lẽ ra con người chúng ta phải vui mãi không bao giờ buồn. Bởi cái chân thật thì không biến đổi sanh diệt. Nhưng vốn nó lại là luôn luôn thay đổi, nào là buồn, vui, thương, ghét… rất nhiều thứ. Có khi suy nghĩ nhiều quá đến nỗi rối bời và không còn biết mình là gì nữa! Như vậy cái vui kia không phải thật là mình. Hơn nữa, nếu nhận tất cả những tâm suy nghĩ đó cho là thật mình thì mình là cái nhiều thứ lộn xộn. Nếu vậy thì hóa ra là có nhiều con người cùng tồn tại trên một cơ thể hay sao? Điều này vô lý.
Vì cái tâm suy nghĩ buồn vui thương ghét kia có nhiều thứ. Đồng thời nó là cái niệm niệm sanh diệt biến đổi vô thường, cho nên nó không phải thật là mình.
Thân thể cũng không phải là thật mình, tâm suy nghĩ phân biệt cũng không phải thật là mình. Vậy thì, đâu là cái chân thật mình?
c. Cái chân thật mình là gì?
Có một lúc nào đó thật thảnh thơi, chúng ta thử ngồi lặng lại, trong lòng không một niệm nghĩ suy, có người hay vật đi ngang qua mình vẫn biết rõ ràng, gió thổi vẫn biết mát. Không cần khởi niệm mà vẫn biết một cách rõ ràng, sáng suốt, không động, cái ấy chính thực là mình, là cái mình chân thật nguyên vẹn.
Bởi lẽ khi có nghĩ suy chúng ta cũng biết, nhưng phần đông con người bận lo biết theo niệm nghĩ suy đó mà quên mất đi cái khả năng vốn tự hay biết kia. Và chính khi không một niệm nghĩ suy, nó cũng biết một cách rõ ràng, không cần đợi có cảnh, không cần đợi có đối tượng mới biết.
Như vậy khi có cảnh, có nghĩ suy, đó là tướng có, là tướng động, chúng ta cũng biết rõ ràng. Khi không cảnh, không nghĩ suy, là tướng không, là tướng tịnh, chúng ta cũng vốn tự biết một cách rõ ràng. Trên hai tướng có và không, động và tịnh, cái khả năng vốn tự biết kia luôn luôn sẵn có mặt, nó không theo hai tướng động tịnh, có không biến đổi sanh diệt kia mà biến đổi sanh diệt theo. Nó vốn là một thể sẵn tự nơi chính mình. Nó vốn là chính mình chứ không phải là cái từ nơi nào khác. Cho nên nó là cái mình chân thật. Đó là chúng ta đã xác định xong cái tự kỷ, cái thật là mình.
d. Cái tự kỷ, cái chân thật này được thể hiện qua Kinh Luận, đặc biệt là trong các Thiền sư đời Trần, hay là trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử:
Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy ngài A Nan: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt tức là tâm ông. Nếu tánh phân biệt, rời tiền trần mà không có thật thể, đó là bóng dáng phân biệt tiền trần”.
Như khi nhìn một cành hoa chúng ta biết một cách rõ ràng. Khi hái cành hoa đi thì cái biết đó vẫn hằng hữu, không biến đổi, không theo cành hoa mất đi mà nó mất. Đức Phật nói, chính đó là tâm chân thật nơi mỗi người chúng ta.
Nếu khi nhìn cành hoa thì có biết. Khi hái cành hoa đi, chúng ta không còn biết, thì đó là cái biết theo cành hoa. Cành hoa có thì nó có, cành hoa không thì nó không. Theo cành hoa mà nó sanh diệt có không. Đức Phật nói, đó là bóng dáng phân biệt tiền trần, không phải thật là tâm mình.
Một hôm, Nhị Tổ Pháp Loa nghe đồ chúng tụng Kinh bèn hỏi:
- Chúng đang làm gì?
Một vị tăng thưa: - Niệm Phật.
Sư bảo: - Phật vốn không tâm thì niệm cái gì?
Tăng thưa: - Chẳng biết.
Sư bảo: - Ngươi đã chẳng biết, vậy nói đó là ai?
Nếu thật sự là không biết, vậy ai đang nghe hỏi và biết đáp một cách rõ ràng, chưa hề thêm một niệm đó? Rõ ràng vị tăng này đang quên mất chính mình, đang biết nói đó mà bảo là không biết, có khác nào ngồi trên lưng trâu mà đi tìm trâu, đang tỉnh đó mà như người đang nói mớ. Ngài Pháp Loa đã khéo đánh động trở ngược lại, điểm thẳng để vị tăng này nhận lại cái chân thật là mình đang hiện hữu, đang biết nói đó. Cái ấy là ông Phật thật, là chỗ chính yếu mà chư Phật, chư Tổ muốn chỉ cho người học nhận lại.
Vì vậy, trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo, Hội thứ 5, Vua Trần Nhân Tông nói:
Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt,
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta…
Thì mới biết, Phật ở trong nhà, chẳng phải tìm ở đâu xa. Bởi quên gốc, quên chính mình cho nên con người mới chạy đi tìm Phật đâu đâu ở bên ngoài. Đến khi tỉnh lại, hay ra thì Phật chính là mình. Bỏ quên chính mình mà đi tìm Phật bên ngoài thì càng tìm càng xa. Phản quan, xoay trở lại thì Phật vốn là mình, trong nhà mỗi người vốn sẵn một ông Phật thật.
Có lần trong pháp hội tham vấn, Sơ Tổ Trúc Lâm nói kệ:
Thân như hô hấp tỷ trung khí, Thân như hơi thở ra vào mũi,
Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân. Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú, Tiếng quyên từng chặp vầng trăng sáng,
Bất thị tầm thường không quá xuân. Đâu phải tầm thường qua một xuân.
Cuộc thế và con người đâu phải chỉ có vô thường và tạm bợ? Trong cái sanh diệt chuyển biến vô vàn kia, vẫn còn đây một cái đang rõ biết nó, đang hiện diện đây chưa hề bị những cái đó làm biến đổi bao giờ. (Đâu phải tầm thường qua một xuân). Chỉ là khéo phản quan, khéo nhận lại thì ngay trên cảnh vô thường sanh diệt hằng ngày, đạo lý chân thật đã hiện bày đầy đủ.
II. Xoay lại, sống trở về với con người chân thật, không theo cảnh giả tạm:
Khi đã biết rõ cái gì là giả tạm, đâu là con người chân thật chính mình rồi thì hằng ngày trong mọi sinh hoạt, trên tất cả cảnh, hành giả luôn luôn xoay lại, sống trở về với con người chân thật đó, không theo niệm tưởng phân biệt, không chạy theo cảnh giả tạm bên ngoài. Đó là đang phản quan, là đang dụng công tu tập.
Trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ hai, vua Trần Nhân Tông có nói:
Biết vậy!
Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.
Gìn tinh sáng tinh mới hầu an; Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Cốt là tâm được rảnh đi những niệm tưởng lăng xăng, rảnh đi những duyên trần rối rắm, thì ngay đó tánh thật hiển hiện sáng ngời, không còn có phép nào khác tối thắng hơn nữa. Khéo gìn giữ và sống về với tánh sáng đó thì mới ngỏ hầu được an. Phải dừng lại vọng niệm, vọng niệm đã dừng rồi thì không còn bóng dáng mê lầm nào nữa. Đó là ngài đã nói lên tinh thần phản quan, nên quay lưng với những thứ giả tạm phù hoa để sống trở về với con người chân thật. Đó là phép tối thắng khiến cho con người không còn mê lầm.
Hay là trong Hội thứ tám thì ngài khuyên nhắc:
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc (biết).
Nếu mãi mê đắm theo công danh, đó là đánh quên mất chính mình mà theo cái vô thường tạm bợ. Ngài nói đó là ngây thơ, là khờ dại. Nếu xoay lại mình lo trau dồi phúc tuệ, lo cho cả hai đều được tròn đầy. Ngài nói, đó mới là người thật biết lo cho mình.
Ngài Pháp Loa dạy: “Cửa giới, cửa định, cửa huệ, ông không thiếu sót, cần phải phản quán nơi mình.”
Vừa phản quan, nhận lại cái chân thật nơi mình, ngay đó quấy ác vắng bóng, giới vốn tự tròn đủ. Trong ấy vốn tự không động thì nói gì đến định? Định vốn tự tròn đầy. Tánh ấy vốn sáng tỏ, biết khắp không một vết mê mờ, ngay đó huệ đã tự tròn đủ.
Khi Ngài Pháp Loa còn học đạo với Sơ Tổ Trúc Lâm. Có lần Ngài hỏi:
- Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?
Sơ Tổ nói: - Mưa tầm tã.
Người qua khỏi cổng thì không còn hỏi người gác cổng. Đã là muôn dặm mây tạnh rồi, sao không ngay đó thể nhận thẳng và sáng tỏ đi mà còn đi hỏi tìm gì nữa? Ngay đó mà còn đi hỏi tìm thì không phải là mưa vẫn đang tầm tã hay sao!
Ngài Pháp Loa hỏi tiếp:
- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?
Sơ Tổ nói: - Trăng vằng vặc.
Nếu thật sự là mây che kín thì ai đang biết hỏi đó? Nhận thẳng cái đang biết hỏi đó thì liền hay ra, trăng vẫn sáng vằng vặc tự bao giờ, không một vết mây mờ có thể che phủ được.
Chạy theo cảnh bên ngoài, đó là bỏ sót tự tâm. Ngược cái thấy trước để xoay trở lại, thì lại là thừa ra cái phân biệt. Phải thật chính chắn dụng công, khéo thầm nhận thì liền khế hợp. Còn như vừa tác ý động niệm liền sai. Chỗ này Nhị Tổ Pháp Loa có dạy:
Trong 12 giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cái sở duyên của thức mà chạy ra. Thức không vì cái sở duyên của cảnh mà chun vào. Ra, vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chận. Tuy nói ngăn chận mà không phải (có tác ý, có hành động) ngăn chận. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế…
Nếu tâm theo cảnh mà khởi, đó là dính mắc trên cảnh. Đã dính mắc trên cảnh thì bị cảnh trần chi phối, trói buột, bao nhiêu vui buồn đau khổ có ra. Cảnh thuận thì vui, cảnh nghịch thì không thích. Cái mình ưa thích đang còn trong tầm tay thì vui mừng, mất đi thì đau khổ. Đó là đã bị cảnh vật bên ngoài xoay chuyển. Nếu khéo xoay lại, tâm không theo cảnh khởi, vẫn bình thường an nhiên bằng cái biết sáng ngời đang hiện hữu đây, thì cảnh dù có thuận nghịch, đến đi, nhưng cái ấy vốn tự sáng biết rõ ràng không động. Ngay đó là đã chuyển cảnh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai.” Tức là đức Phật nói rõ, người nào hay chuyển được cảnh, người ấy đồng với Phật. Giờ phút nào chuyển được cảnh, giờ phút ấy Phật đang hiện tiền.
Cho nên khi có người hỏi về gia phong của mình, Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ nói:
Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp, Lười câu cá suối khiến hạc tranh.
Gia phong của Ngài Thượng Sĩ Tuệ Trung là khi nhàn thì ném trái rừng kêu vượn tiếp. Lười thì câu cá suối tranh giành vui với chim hạc. Ném trái rừng, câu cá suối, đó là việc mọi người vẫn thường làm. Nhưng nếu hay nhàn được đi những tâm niệm bộn rộn rối rắm, lười được đi những vọng niệm lộn xộn lăng xăng, thì luôn là đang sống trong nếp nhà Thượng Sĩ.
III. Sống bằng con người chân thật:
Khi nhận ra chính mình và sống thuần thục rồi thì không còn tác ý soi lại nữa. Tinh thần phản quan lúc này là sống thẳng bằng tự tánh chính mình. Bằng cái biết toàn thể chân thật đó để sống, để thấy biết, để làm tất cả việc. Lúc này cái thấy biết vượt cả năng sở, tâm cảnh nhất như, thấy biết như thị.
Trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ nhất, vua Trần Nhân Tông nói:
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Đi dạo chơi suối nước xanh biếc hoặc ẩn trong non xanh, nhân gian có nhiều người ưa thích, đắc ý. Nhưng khi dạo chơi hay ẩn trong suối rừng đó, người đang sống và sáng tỏ cái đang biết rõ, đào là hồng, liễu là lục, trong thiên hạ có được mấy người là tri âm, đồng cảm thông nhau trong chỗ đạo lý chân thật rốt ráo đó? Người sống được như vậy rồi thì, nào là nguyệt bạc, vừng xanh, đâu đâu cũng rờ rỡ ánh sáng thiền lai láng. Nào là hoa mềm, nào là liễu biếc, nơi nơi đều hiển hiện ánh sáng trí tuệ rạng ngời. Lúc này, nhìn cái gì mà không phải là đạo chân thật? Có lúc nào thiếu vắng ánh sáng thiền!
Tinh thần này hiện rõ ở Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Trữ Từ Tự Răn:
Tâm thanh tịnh chẳng nhơ chẳng bợn, Thân kiên cố không trước không sau.
Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng, Trăng thu bóng tròn tròn viên diệu.
Cái ấy vốn không chút bợn nhơ nên nói là tâm thanh tịnh. Nơi chúng sanh còn mê, nó cũng không mất, chỉ là tạm quên. Người đạt ngộ cũng không phải mới được cái gì khác, mà chỉ là nhận lại cái vốn sẵn. Không phải là cái mới có, mới làm ra, mà nó vốn sẵn tự thuở nào, thì lấy gì để định trước sau? Buông bỏ nó cũng không được, bởi mọi người đang sống bằng nó, nên nói là thân kiên cố. Nếu ai hay bằng cái ấy mà sống thì nhìn cái gì cũng sáng rỡ, tươi mát. “Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng, trăng thu bóng tròn tròn viên diệu.” Cái gì cũng đang hiển hiện pháp thân thanh tịnh, cũng đang toát lên một sức sống kỳ diệu, lạ thường.
Chỗ này rất sống động trong bài thơ Cúc Hoa số 5 của Tam Tổ Huyền Quang:
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu, Người ở trên lầu, hoa dưới sân,
Phần hương độc tọa tự vong ưu. Đốt hương ngồi ngắm bỗng quên ưu.
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh, Hồn nhiên người với hoa vô biệt,
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu. Một đóa hoa vừa mới nở tung.
Khi niệm lự chợt quên, trong ngoài liền rỗng lặng, người với hoa hồn nhiên hòa lẫn không xen cách kia đây. Lúc này, hoa cúc là hoa cúc. Ngay khi ấy, "một đóa hoa vừa mới nở tung" trùm khắp tất cả chỗ, nơi nơi đang hiển hiện một đóa hoa này. Đóa hoa nào vừa mới nở tung? Thử vô ưu ngồi ngắm đi rồi sẽ thấy.
C. KẾT LUẬN:
Mỗi người chúng ta vốn tự có khả năng biết. Nếu khi đang đọc bài này mà chỉ một bề biết theo tờ giấy, đọc theo chữ nghĩa, thì tuy vẫn đang biết, nhưng đó là biết theo cảnh và đã bỏ sót chính mình. Trong nhà Thiền nói, phút chốc tạm quên, liền đồng với người chết. Cũng ngay khi đang đọc bản văn này, nếu khéo lắng lại, lặng trong, biết suốt mà đọc thì từng chữ, từng chữ hiển hiện một cách rõ ràng, đang sáng ngời thấy biết. Cái ấy không động, nó chính thật là mình và mình đang sống bằng cái tâm biết chân thật, đang thực sự là sống.
Nhận lại, hay ra, sáng tỏ cái chân thật đó gọi là ngộ đạo. Sống trọn vẹn bằng cái chân thật đó một cách miên mật, không xen hở thì gọi là sống đạo. Đến đây rồi thì hằng ngày làm việc gì cũng là việc làm đạo lý, ánh sáng Thiền rờ rỡ, bàng bạc trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cho nên khi có người hỏi về gia phong của Sơ Tổ Trúc Lâm, Ngài nói:
Áo rách che mây sáng ăn cháo, Bình xưa tưới nguyệt tối uống trà.
Gia phong của Tổ là mặc áo rách, buổi sáng ăn cháo đạm bạc. Tối đến thì tưới nguyệt, uống trà. Chỉ là cuộc sống bình thường, giản dị.
Đây chính là chỗ rốt ráo của tinh thần phản quan tự kỷ. Tinh thần này vốn sẵn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi người. Chỉ khéo nhận lại thì ngay đây liền là đầy đủ. Nhận và sống trọn vẹn bằng tinh thần phản quan là chúng ta đang giải thoát ngay trong sinh hoạt hằng ngày, ngay trong cuộc sống hiện tại chứ không phải tìm kiếm ở một nơi nào khác xa vời hay sau khi chết mới có được. Lúc này sẵn sàng làm lợi ích chúng sanh mà không thấy ngăn ngại, mỗi mỗi việc làm đều là việc Phật. Tinh thần phản quan thật xứng đáng là tông chỉ của một dòng Thiền thuần túy Việt nam – Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.