Thứ Sáu 26/4/2024 -- 18/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 14.Tịch diệt lìa tướng

 

 

CHÁNH VĂN:

14. TỊCH DIỆT LÌA TƯỚNG

Lúc ấy Tu Bồ Đề nghe nói kinh này, hiểu sâu nghĩa thú, rơi lệ buồn khóc mà bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thật ít có! Phật nói kinh điển sâu xa như thế, con từ trước đến nay, đã có được huệ nhãn, mà chưa từng nghe được kinh điển như vậy. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người nghe được kinh này, lòng tin thanh tịnh, ắt sanh thật tướng, phải biết người đó thành tựu công đức ít có bậc nhất. Thế Tôn! Thật tướng đó, tức chẳng phải tướng, vì vậy Như Lai nói tên thật tướng. Thế Tôn! Nay con nghe được kinh điển như thế, tin hiểu, thọ trì, chẳng đủ cho là khó. Nếu đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sanh nào nghe được kinh này, tin hiểu thọ trì, người đó hẳn là ít có bậc nhất. Tại sao? Người này không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Tướng ngã, tức chẳng phải tướng. Tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải tướng. Tại sao? Lìa tất cả tướng, tức gọi là Chư Phật.

GIẢNG:

Tịch diệt tức là lặng lẽ, lìa hết tất cả tướng; chữ “tịch diệt” cũng chỉ cho Niết Bàn, là chỗ vô sanh. Đây có mấy phần.

Điểm thứ nhất: Ngài Tu Bồ Đề nghe kinh này, Ngài cảm sâu được nghĩa của kinh mới rơi lệ buồn khóc. Trước nói về tịch diệt lìa tướng cho quý vị hiểu qua. Sao gọi là tịch diệt? Tức là chỗ lặng lẽ mà dứt hết các tướng đối đãi. Cái gì là cái lặng lẽ dứt hết những tướng đối đãi? Tức là tâm thể Niết Bàn hiện tiền chứ không đâu khác. Tâm thể Niết Bàn, là tâm thể vô sanh hiện tiền. Cho nên Ngài Tu Bồ Đề mới cảm ngộ nó. Nếu mình còn bám vào một cái gì, đó là mình còn lang thang trong sáu trần không thể nào ra khỏi. Đến đây, Ngài Tu Bồ Đề đã trãi qua nghe được tên kinh và nghe được nghĩa phụng trì, nghe được cả Bát nhã tức chẳng phải Bát nhã thẳng luôn bằng trực giác, bỏ lại đằng sau hết cả hý luận. Đến đây, Ngài Tu Bồ Đề cảm ngộ sâu qua nhiều lớp rồi nên Ngài rơi lệ buồn khóc. Ở bản dịch khác nói rõ hơn, “Bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề nghe pháp môn này, Ngài sanh lòng tin hiểu sâu xa, rồi buồn khóc như mưa, Ngài mới gạt lệ bạch Phật rằng:” Đây nói đơn giản, “Ngài hiểu sâu nghĩa thú, rơi lệ buồn khóc…”. Nghĩa thú, là ý chỉ của kinh muốn chỉ, muốn nhắm, Ngài hiểu sâu được chỗ đó, Ngài vượt qua được ngôn ngữ văn tự. Tức là Ngài cảm nhận sâu xa nơi chính mình, ngay chính mình cảm nhận ra. Coi như một bước nhảy, nhảy qua ông thầy luôn. Nếu chưa nhảy qua được ông thầy, là chưa tỏ ngộ được. Nếu chúng ta cứ bám vào ông thầy, bám vào lời ông thầy, thì cũng là Bát nhã thôi, chứ chưa “Bát nhã tức phi Bát nhã”, phải tức “phi Bát nhã” nữa! Vậy thì, phải nhảy qua luôn ông thầy, chính mình sống dậy, mới cảm ngộ được, chính nhà thiền thường nhấn mạnh chỗ đó. Thường thường ở thế gian dạy thì ít có dám bảo học trò nhảy qua, có khi còn giấu nghề nữa, sợ nói hết vốn. Còn ở đây thì không có chuyện đó, nghĩa là chúng ta nói mấy đi nữa, nhưng lời nói đâu nói hết được chỗ sống của mình, nên nhảy đâu thì nhảy cũng không thể được nhảy được khỏi chỗ đó, còn cái kia là vì học bao nhiêu đó thôi, nói hết vốn sợ trò nhảy qua.

Có câu chuyện trong nhà thiền, Ngài Phong Huyệt khi còn đi tham vấn, Ngài đến hỏi Thiền Sư Huệ Ngung ở Nam Viện:

- Hòa Thượng ở đây một gậy thương lượng thế nào?

Ngài Nam Viện cầm gậy giơ lên bảo:

- Dưới gậy vô sanh nhẫn, gặp cơ chẳng thấy thầy.

Ngay dưới cây gậy đó mà không chỗ sanh, là thấy vượt ngoài cây gậy, không ở trên cây gậy đó mà sanh hiểu. Nếu ở trên cây gậy đó mà sanh hiểu thì sanh phân biệt, sanh phân biệt thì có thầy có trò, có ngăn cách. Không ở trên đó sanh hiểu, thì gặp cơ, trúng được người đó, tức chẳng thấy thầy, vượt qua ông thầy luôn. Tức khi gặp được người đó, thì trước mắt quên cả ông thầy luôn, tự trong đó sống dậy, không chết trong khuôn sáo cũ. Phải hiểu như vậy, phải thấy được chỗ đó, can đảm thực hiện một cái nhảy, vượt qua hết dấu vết của ông thầy, ngay nơi đây tự mình sống dậy, thì mới có cảm nhận sâu, khi cảm nhận sâu, thì từ chỗ cảm nhận đó không biết diễn tả như thế nào nữa, chỉ biết khóc thôi, nói sao cho hết! Cảm được cái nghĩa thú đó, là nghĩa thú gì? Thông thường chúng ta gọi nghĩa, là trong câu nói đó mình suy nghĩ thì nó ra được cái nghĩa, cái ý thú. Nghĩa ở đây, như kinh Lăng Già, Phật nói với Ngài Đại Huệ: “- Này Đại Huệ, thế nào là nghĩa? Nghĩa, tức là lìa tất cả tướng vọng tưởng, đó gọi là nghĩa.” Lìa tất cả vọng tưởng thì đó mới chính là nghĩa, nghĩa là phải dứt, vượt qua hết, lìa tất cả những tướng có thể suy nghĩ, có thể duyên theo, có thể bám được, lìa hết tất cả cái đó thì mới có thể cảm được, cái nghĩa đó mới là nghĩa thật. Nên “Nghĩa” không có trên chữ, mà “nghĩa” nó vượt ngoài cái chữ đó. Ở đây Ngài Tu Bồ Đề cảm kích được nghĩa thú đó, do Ngài cảm kích quá mạnh chỗ này, không diễn tả ra được, nên khóc.

Thứ hai nữa, là để kích phát cho tất cả mọi người, kích phát làm sao? Để cho thấy, cái cảm nhận đó, Ngài khóc như vậy đó, mà người bên ngoài nhìn thì không hiểu, không biết Ngài cảm nhận cái gì Ngài khóc như vậy? Có cái gì trong đó mà Ngài cảm nhận Ngài khóc? Thành ra, đứng ngoài cũng chỉ nghĩ đoán tới, đoán lui chứ không biết làm sao? Mà chính không biết làm sao đó, mới thắc mắc, cho nên mới có dấn thân vào, phải làm sao thể nghiệm được cái đó, chớ nếu nói được hết, thì mình nghe đủ rồi. Chính đó, cũng là cái kích phát mạnh cho mình. Cho nên có câu: “- Không vào hang cọp thì sao bắt được cọp con?” Chúng ta cũng vậy, phải dám can đảm đi thẳng vào trong đó, mới có cảm nhận được nó. Do đó, chúng ta nhớ lại kinh Kim Cang, trước sau nó thông suốt một mạch với nhau. Ở trước mới vào Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “- Ông phải lắng nghe!” Phải lắng nghe, chớ không phải nghe suông, nghe chơi chơi, nghe cho vui, nghe như thế thì không thấm sâu được. Khi Ngài cảm thông được, Ngài khóc là vậy đó. Ngài Tu Bồ Đề mới tán thán kinh và người nghe được kinh là rất ít có. Đây Ngài bạch: “- Bạch Thế Tôn, thật ít có”. Trong bản này nói một câu thôi, mà bản khác Ngài nói hai câu, tức “Thế Tôn! Ít có, Thiện thệ ít có”, hai lần ít có. “Phật nói kinh điển sâu xa như thế, từ trước đến đây con đã có được huệ nhãn mà chưa từng nghe được kinh điển như vậy.” Ngài tán thán, chính Ngài đã được huệ nhãn từ trước đến giờ mà cũng chưa thấy chỗ này, thì mới thấy sâu xa. Nhưng có ai thấy được ý nghĩa sâu xa gì trong lời tán thán đó không? Đây là lần thứ hai tán thán “ít có”. Lần đầu, là lúc ban đầu Ngài thấy Phật đi khất thực về, rồi dùng cơm, rửa bát Ngài mới tán thán: “- Ít có, Như Lai khéo hộ niệm, khéo phó chúc các vị Bồ Tát”, tức là Phật chưa nói gì hết mà Ngài đã thấy được trong đó, song Ngài tán thán ít có lần đó, với lần này có gì khác nhau? Nếu không có khác nhau thì Ngài đâu nói cảm sâu! Bởi lần trước là thấy được ánh sáng này nó hiện bày ở ngay đức Phật, Như Lai. Như Lai trong mọi cử chỉ, mọi sinh hoạt, mọi hành động, mọi oai nghi đều có hiện bày ánh sáng này, nhưng nó hiện ngay nơi Phật; đến đây là Ngài tự cảm nhận ngay nơi chính mình, nên khen một lần “ít có” nữa. Rồi Ngài mới tỏ bày rõ ràng để cho thấy rõ, nghĩa là Ngài được huệ nhãn mà từ trước đến giờ chưa được nghe những kinh điển sâu xa như thế, bây giờ mới được nghe. Song ai thấy được, Ngài tán thán như vậy, nhưng nghĩa sâu xa đó là sâu xa chỗ nào? Người thường nghe thì nghe, chứ không biết nó sâu xa chỗ nào. Chính mình không biết được chỗ sâu xa đó, chính đó là sâu xa! Tức là, nó ngoài cái hiểu biết này. Đây là ngầm chỉ chỗ tự chứng của chư Phật, Bồ Tát, người phải đạt đến, cảm nhận trong đó chứ không phải là chỗ của tâm suy nghĩ phân biệt hiểu được. Ở đây phân biệt rõ ràng, chính Ngài đã được huệ nhãn mà nghe chưa được, chưa thấy được, cho nên đến đây Ngài mới xác nhận rõ ràng “đã được huệ nhãn rồi mà chưa được nghe kinh sâu xa như vậy.” Ngài dùng hết lời để tán thán, nhưng tán thán cũng không hết nổi, dù có con mắt huệ mà dùng cũng chưa tới được, thì không phải sâu xa là gì? Bởi vì con mắt huệ là hiểu được cái lý không, nhưng chưa thấu lý chẳng không. Phải từ trong lý không mà sống dậy, trong cái không còn có  cái vi diệu trong đó nữa. Cho nên nói rằng, trong cái không nó có trăng, có sao, có đủ hết, không thể nghĩ bàn. Đến đây Ngài Tu Bồ Đề mới cảm nhận điều đó; bởi vì qua những phần trước, đức Phật đã từng lớp từng lớp phá tan những tình chấp, lột sạch hết những cái nghi chấp, đến đây thật tướng nó lộ bày, do đó phần sau Ngài mới nói “sanh thật tướng” Chính nó ít có là như vậy đó, nó vượt ngoài các hình tướng đối đãi, phải dấn thân vào thì mới cảm nhận được. Chỗ này cho thấy thêm một điểm nữa: “một lần được sáng tỏ chưa phải đủ.” Ở trước, Ngài đã thấy được ánh sáng tỏ bày nơi đức Phật qua mọi sinh hoạt, mọi cử chỉ rồi, đến đây lại sâu thêm một lớp, vì vậy học đạo không nên có lòng tự mãn thì mỗi ngày càng tiến sâu thêm, chứ mới thấy được một chút ánh sáng rồi tự hài lòng thì đâu có tiến được nữa, chỉ dừng lại ngang đó thôi. Trong Tứ hoằng thệ nguyện có “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Pháp môn không thể tính hết được, mình thệ nguyện học hết, chứ không có học một chút rồi đứng đó, như vậy mới gọi là đi đến chỗ sâu xa. Tiếp theo Ngài mới tán thán công đức của người tin hiểu được kinh này: “- Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người nghe được kinh này, lòng tin thanh tịnh, ắt sanh thật tướng, phải biết người đó thành tựu công đức ít có bậc nhất. Thế Tôn! Thật tướng đó, tức chẳng phải tướng, vì vậy Như Lai nói tên thật tướng.”

Trong đoạn này có hai phần, phần sau nói về người sau, đây nói về người hiện tại trong pháp hội. Ngài được như vậy đó, nhưng lại nói “người nào nghe được kinh này, sanh lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng, cũng phải biết người đó được thành tựu công đức ít có bậc nhất.” Nghe mà lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng, thế nào là lòng tin thanh tịnh? Rồi thế nào là thật tướng? Thế nào là công đức? mà công đức ít có nữa? Đây có mấy điểm đặc biệt, trước giờ chưa nói “công đức”, chỉ so sánh phước đức này vượt hơn phước đức hữu vi, đến đây nói thẳng công đức. Trước tiên chúng ta phải hiểu được “lòng tin thanh tịnh” thì mới thấy được “công đức ít có”. Lòng tin thanh tịnh là sao? Tin đây là, ngay một niệm hiện tiền lìa được các tướng phân biệt đối đãi đó, tin được cái tâm đó, như vậy nói là tin tâm, là thanh tịnh. Bởi vì sao? Vừa có tướng là rơi hai bên liền, có tướng là có đối đãi; có hai bên, là có năng có sở, có bị biết, có hay biết, có đối đãi tức là thật tướng nó bị che rồi, đâu còn gọi là lòng tin thanh tịnh. Bởi vì có năng có sở, có phân biệt đối đãi thì có sanh tâm, có động niệm; có sanh tâm, có động niệm thì có lấy có bỏ; có lấy có bỏ thì lòng mất thanh tịnh rồi, làm sao thấy được thật tướng? Ở đây, ngay một niệm lìa tất cả tướng, tức tâm lặng lẽ, thì thật tướng hiện tiền, cho nên “ắt sanh thật tướng”. Chỗ này cần hiểu rõ thêm. Bởi vì, cảnh bên ngoài nó không phải tự nó khởi, cảnh do tâm mà khởi. Ngược lại, tâm cũng chẳng tự sanh, tâm cũng duyên cảnh mà sanh. Hai cái đó, nó nương nhau mà thành, chỉ tạm có vậy thôi. Cho nên nó không có tự tánh chân thật gì hết. Như vậy, tâm thì nó nhờ cảnh mà nó sanh, cảnh nó do tâm mà khởi, vậy tâm không thì cảnh không có chỗ nương. Nếu tâm không sanh phân biệt thì cảnh có cũng như không, mà cảnh bặt thì tâm không có chỗ bám. Tin được chỗ đó tức sanh thật tướng ngay, không nghi ngờ. Ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ:

“Chưa có, cảnh không tâm; Từng không, tâm không cảnh.”

Nghĩa là chưa có cảnh nào mà không tâm lại có cảnh. Thử chỉ ra cái cảnh không tâm mà có xem? Nếu cảnh mà mình nói được đó, cũng do cái gì biết mà nói? Cũng từng không có cái tâm nào mà không có cảnh, không có cảnh làm sao biết có tâm? Nhưng đây nói tâm đó, là tâm hư dối, tâm vọng tưởng, tâm đó luôn luôn đi theo cảnh, không có cái tâm nào, vọng tưởng nào mà không có cảnh cả. Còn cái tâm không có cảnh, không có đối tượng đó, nó vượt ngoài đối  đãi rồi, tâm đó mới là tâm thật. Ở đây là nói tâm hư đối. Tiếp theo:

“Cảnh quên tâm tự diệt; Tâm diệt cảnh cũng không.”

Khi cảnh mình quên rồi thì tâm tự dứt, không có cảnh thì tâm lấy chỗ nào mà duyên, liền đó tâm tự dứt. Như vậy, tâm đó rõ ràng là tâm sanh diệt, cho nên nó mới có diệt có dứt; và tâm diệt thì cảnh không còn, tức là cảnh đâu có chỗ để cho nó bám, nó sanh khởi.

“Trong kinh gọi thật tướng; Lời diệu lý lại sâu.”

Trong kinh gọi chỗ tâm cảnh đều bặt đó là thật tướng, lời này vừa diệu mà lý nó sâu, tại sao nó diệu nó sâu? Nói thật tướng đó thì không phải nó có một cái tướng gì để thấy đâu, cho nên lời đó nó vi diệu, nó vượt ngoài ngôn ngữ đó nữa; lý đó nó sâu, nó vượt qua chỗ ngôn ngữ nói diễn đó.

“Chứng biết chỉ có Phật; Tiểu thánh dễ nhận đâu!”

Bởi vậy, chứng biết chỗ đó chỉ có Phật thôi, còn Tiểu thánh đâu dễ gì nhận, vậy thì mình không có phần sao? Không có hiểu kỹ thì mình mất niềm tin. Trong kinh Pháp Hoa có đoạn Phật nói: “- Chỗ trí tuệ Phật này thì chỉ có Phật với Phật biết thôi, còn những người có trí tuệ như Xá Lợi Phất, nhiều như lúa, như mè, như tre, như lau, cộng lại cùng chung mà suy lường trí tuệ Phật cũng không suy lường được nữa” Nghe như vậy thì chắc chúng ta sạch trơn không có phần gì! Trí tuệ như Xá Lợi Phất mà không phải một người như vậy, mà vô lượng vô số người như vậy đó, cùng chung lại suy lường về trí tuệ Phật cũng không thể biết được, thì chúng ta còn hy vọng gì nữa. Vậy thì Phật nói kinh Pháp Hoa là nói cho ai? Đây ngầm chỉ chỗ này là chỗ người tự chứng mới biết thôi, người ở trong cảnh mới thầm nhận được, người ngoài không mong gì suy nghĩ tới. Còn Ngài Xá Lợi Phất, dù cho trí tuệ bậc nhất nhưng cũng không thể suy lường đến trí tuệ Phật đó, bởi cái lỗi là ở “chỗ suy lường”, vì chỗ này không phải là chỗ suy lường. Thấy được ý đó, thì mới thấy chúng ta cũng có phần trong đó, nếu mình can đảm dừng được những cái suy lường này, phải không? Như vậy mới thấy được ý sâu của kinh, còn hiểu theo chữ nghĩa kia thì chắc cái đó chỉ giao cho Phật! Thấu suốt chỗ này mới đủ niềm tin, lòng tin như vậy mới là lòng tin chân thật, mới sanh thật tướng. Qua bài kệ này, cho chúng ta rõ thêm mọi cảnh này và tâm hư vọng này, sở dĩ có được là nhờ nó nương với nhau thôi, chứ không có tự tánh, nên gọi là duyên sanh, duyên sanh là không thể tự đứng một mình, mà nó có là phải nhờ cái khác mà có. Như vậy khi chúng ta nghĩ để biết thì nghĩ biết đó, là biết một cái gì, có khi nào mình nghĩ chỉ khởi nghĩ khơi khơi không đối tượng chăng? Đương nhiên ta phải nghĩ một cái gì đó phải không? Tưởng cũng vậy, tưởng là phải tưởng một cái gì, không có đối tượng để tưởng, thì làm sao mà tưởng? Xác định rõ, tưởng là luôn luôn có tưởng một cái gì. Nghĩ là luôn luôn nghĩ một cái gì, cái gì đó là cái đối tượng để duyên, hai cái đó nó nương nhau mà tạm có thôi, lìa ra thì nó rỗng suốt không tìm đâu được, ngay đó tâm tự lìa, tự lặng lẽ. Thử nghĩ một cái mà không cần đối tượng xem! Cho nên hãy quên cảnh đi thì tâm nó yên thôi, không cần phải dẹp cảnh. Chúng ta hay đổ lỗi cho cảnh nó làm quấy rầy, hãy dẹp nó luôn, vì vậy bỏ thành thị để lên núi non mà tu cho nó yên. Nhưng lên núi non cũng còn cảnh của núi non nữa! Bởi vậy, chuyện ông Uất- đầu- lam- phất ở trong núi cũng bị mấy con chim nó quấy rầy, vì thấy cảnh cho là thật, thì không chạy trốn đâu khỏi được. Nếu thấy cảnh không thật, quên cảnh thì tâm tự yên, tâm yên rồi thì dù có cảnh bên ngoài cũng không làm sao xâm phạm được nó, tâm mà yên thì cảnh không dính dáng gì, ngay đó trong ngoài đều lặng lẽ, cũng không có niệm trong niệm ngoài nữa, ngay đó thật tướng hiện tiền. Nhưng chỗ này làm sao diễn tả cho người hiểu đây? Như vậy đó, không phải là ít có sao? Cho nên chỉ khen “ít có” thôi, không phải nói nhiều. Chính chỗ đó là lòng tin thanh tịnh bèn sinh thật tướng! Song chỗ này cũng phải nghiên cứu kỹ lại, thật tướng làm sao sanh? Nếu sanh thì còn thật tướng sao? Còn sanh là còn diệt, thì thật tướng ở chỗ nào? Chính là, ngay khi đó mình tự thầm khế hợp thôi, thật tướng hiện tiền thôi, nói sanh là một danh từ tạm lập, chúng ta không kẹt trên danh từ sanh; nghe nói sanh, tưởng có một cái thật tướng sanh, thành ra có sanh có diệt, thật tướng liền khuất ngay, đó là chỗ rất sâu xa, học kinh nhất là học kinh Bát nhã phải chính chắn không thể hời hợt, không phải nghe nói đâu là bám theo liền chữ nghĩa đó! Bởi vậy các thiền sư luôn luôn phá chấp không cho mình bám vào lời lẽ các Ngài, gọi là chỉ nhổ đinh tháo chốt thôi, không có gì cho chúng ta chụp bắt, cốt đánh thức chúng ta sống trong cái thực kia. Khi mình buông sạch hết rồi thì nó hiện ra. Không có chỗ gì để bám, chỗ gì để dính, không có chỗ gì để chấp, tự nhiên còn lại cái gì đó, là thực tướng hiện tiền. Một hôm Tôn Giả Nghiêm Dương đến hỏi Ngài Triệu Châu:

- Khi không có một vật gì đem đến thì sao?

Ngài Triệu Châu bảo:

- Buông xuống đi!

Tôn Giả nói:

- Đã không có một vật đem đến thì buông cái gì?

Có thì mới buông chứ, không có một vật gì hết thì buông cái gì đây? Ngài Triệu Châu đáp:

- Buông chẳng được thì vác mà đi.

Hay không? Khi không còn gì để buông được, để bám được hết thì ngay đó nhận mà sống thôi, còn tìm cái gì khác thì vọng rồi! Chúng ta luôn luôn là phải tìm có cái gì để buông, cho nên không có gì buông nữa bèn ngơ ngác, không biết khi ấy toàn thể hiện tiền rồi, tức là tâm thể vô tướng lộ bày, ngay đó thầm khế hợp, tạm gọi là sanh. Bởi vì sợ rằng, nếu nói dứt hết không còn gì, thì người sẽ rơi vào cái thấy đoạn diệt, nói “sanh đó” để cho người thấy rõ là nó không phải không hoàn toàn. Nhưng chỗ đó là phải dứt được những niệm phân biệt, buông xả hết các tình chấp thì mới thấy được chỗ sâu xa vi diệu của Bát nhã. Sâu xa như vậy đó, ít có là như vậy đó, khi cảm đến chỗ đó không khóc sao được? Không khóc thì cười? Do đó khi lặng sạch hết những tình chấp, thì trong đó đầy đủ tất cả, đừng sợ buông hết rồi không còn gì. Xưa có một vị thiền sư Trung Hoa khi đọc kinh Pháp Hoa đến câu: “Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng”, tức các pháp từ xưa nay, tướng thường tự lặng lẽ, đọc đến đó ông liền nghi, thắc mắc hoài, ôm ấp trong lòng mãi đến một hôm, tới mùa xuân, ông ngồi nhìn ra ngoài sân thấy hoa mai vàng nở, trên cành có con chim hoàng oanh hót vang tiếng, ông liền chợt tỉnh ngộ, bèn làm thêm hai câu tiếp nối :

Chư pháp tùng bản lai,

Thường tự tịch diệt tướng.

Xuân đáo bách hoa khai,

Hoàng oanh đề liễu thượng.

Tức là, “Các pháp từ xưa nay, Tướng nó thường lặng lẽ”, hai câu đầu nói lên cái thể đó, nó vốn vô tướng, lìa tất cả tướng, lặng lẽ không sanh không diệt, không thể nghĩ đến, không thể nói đến; nhưng không phải là một bề không ngơ, không phải là không biết gì, không có gì, mà “Xuân đến trăm hoa nở, Cành liễu hoàng oanh hót”. Nghĩa là khi mùa xuân về đó, thì hoa nở chim hót, tức tâm thể vốn nó lặng lẽ nhưng khi công phu mình khế hợp thì thật tướng hiện tiền, lặng lẽ mà gặp duyên, đủ duyên thì nó hiện đầy đủ, chứ không phải hoàn toàn không không. Cũng như Ngài Nam Tuyền, một hôm đến ngày cúng cơm Mã Tổ, Sư muốn gạn lại trong chúng để xem chỗ thấy trong chúng như thế nào, bèn hỏi tất cả trong chúng:

- Hôm nay cúng trai Mã Tổ, vậy chứ không biết Mã Tổ có đến chăng?

Trong chúng không ai đáp được, lúc đó có Ngài Lương Giới, tức sau này là Tổ Động Sơn của Tông Tào Động, Ngài ra thưa:

- Đợi có bạn liền đến.

Đáp rất là hay! Mã Tổ đây, là Mã Tổ gì? Đây là chỉ cho pháp thân vô tướng, mà vô tướng thì không có đến không có đi; nhưng trong đó “đợi có bạn liền đến”. Có bạn là đủ duyên, đủ duyên liền đến. Bởi pháp thân thì ai ai cũng đủ hết, nhưng nó không hình tướng, không ai thấy được, chỉ khi người nào có duyên liền thấy. Vậy có ai thấy được Mã Tổ chưa? Ngài sẵn sàng đến thôi, chỉ chưa đủ bạn vậy. Như vậy, nhận được chỗ đó thì có cái gì ở thế gian sánh kịp? Khi thành tựu được chỗ đó, sống được chỗ đó, là chúng ta đi vào con đường bất sanh bất diệt rồi, mọi cái ở trên thế gian này có gì sánh kịp được, nên ở đây nói là “thành tựu công đức ít có bậc nhất”. Ở trước, chỉ so sánh phước đức này vượt hơn những phước đức hữu lậu kia thôi, bao nhiêu phước đức hữu lậu đó không bằng phước đức này. Ở đây nói thẳng là công đức, bởi vì thật sự ở trong tự tánh mình hiện ra, cho nên Ngài Tu Bồ Đề mới cảm ngộ rõ ràng công đức mà khóc! Xét lại lâu nay chúng ta hay dùng chữ “công đức”, nhưng thật sự chưa đúng nghĩa công đức, chính chỗ đó mới là công đức. Nhưng khi nói đến “lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng, phải biết người đó thành tựu công đức ít có nhất”, thì Phật sợ chúng ta chấp nữa, nên vừa nói “thật tướng”, Ngài phá liền “nói thật tướng đó tức chẳng phải tướng vì vậy Như Lai nói tên thật tướng”, vừa nói đến “thật tướng” sợ chúng ta chấp ngay, bởi nói thật tướng đó cũng là danh từ, không phải có cái tướng thật để thấy, nếu tưởng có tướng gì đó để thấy, lại lầm nữa! Bởi chúng sanh luôn theo DANH mà khởi TƯỞNG. Nghe tên THẬT TƯỚNG, liền nghĩ ngay đến một TƯỚNG THẬT, mà có TƯỚNG để tưởng đến, nghĩ đến, đó là TƯỚNG HƯ VỌNG rồi! Cái này thì nó vượt ngoài mọi thứ hư vọng, vốn chân thật lặng lẽ, không sanh không diệt, nên nó lìa tất cả mọi tướng đối đãi. Song sợ người chấp là “không có gì”, Phật bất đắc dĩ phải gọi là THẬT TƯỚNG để cho người có trí thì khéo THẦM NHẬN.

Bởi THẬT TƯỚNG đó, nó chẳng phải tướng CÓ, chẳng phải tướng KHÔNG, không chỗ so sánh phân biệt, là chỗ tự chứng của chư NHƯ LAI, người muốn thấy làm sao thấy được? Đây dẫn câu chuyện Thiền:

Bồ tát Vô Trước hỏi Thiện Tài:

- Tôi muốn thấy Văn Thù, cái gì tức phải?

Thiện Tài nói:

- Ngài phát một niệm tâm thanh tịnh tức phải.

Bồ tát Vô Trước nói:

- Tôi đã phát một niệm tâm thanh tịnh, vì sao chẳng thấy?

Thiện Tài nói:

- Đó là thật thấy Văn Thù!

Chính ngay đó là thật thấy Văn Thù rồi. Còn muốn có tướng Văn Thù để thấy, là thấy cái sanh diệt thôi!

CHÁNH VĂN:

Thế Tôn! Nay con nghe được kinh điển như thế, tin hiểu, thọ trì, chẳng đủ cho là khó. Nếu đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sanh nào nghe được kinh này, tin hiểu thọ trì, người đó ắt là ít có bậc nhất. Tại sao? Người này không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Tướng ngã, tức chẳng phải tướng. Tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải tướng. Tại sao? Lìa tất cả tướng, tức gọi là Chư Phật.

GIẢNG:

Trong đây, điểm thứ nhất, Ngài Tu Bồ Đề dẫn ngay chính bản thân Ngài, Ngài nghe, tin hiểu không đủ cho là khó. Điểm thứ hai, người đời sau, ai nghe được kinh này mà tin hiểu, thọ trì, là RẤT ÍT CÓ BẬC NHẤT. Là bởi vì sao? – Bởi, Ngài Tu Bồ Đề chính Ngài đã được Huệ nhãn rồi, Ngài lại đích thân ở trước Phật trực tiếp nghe pháp, thì quá ưu! Còn chúng ta ngày nay, sống cách xa thời Phật quá lâu, còn bị nhiều người dọa ngăn “Học Kim Cang coi chừng chấp không, bị đổ nghiệp, ma chướng nhiều…!” mà chúng ta nghe được, tin nhận, thọ trì nữa, thì quả là Chủng duyên Bát nhã sâu dày, không còn nghi ngờ gì nữa!

Trong đây, cũng cho thấy Ngài Tu Bồ Đề đã thật sự cảm nhận sâu kinh này, có ai thấy được điểm đó chăng? Hãy nhớ lại, ở đoạn trước Ngài còn hỏi Phật là: “Đời sau có người tin chân thật chăng?”, tức còn ngờ, không biết có người tin nỗi chăng? Ở đây, Ngài nói xác quyết rõ ràng: “Đời sau, có ai tin hiểu, thọ trì kinh này, người đó ắt là ít có bậc nhất”, nói một cách quả quyết như vậy, tức là đã có chỗ cảm nhận sâu, rõ ràng rồi! Đây cũng là một điểm thêm sức mạnh cho chúng ta, càng vững tin với Kim Cang Bát Nhã mà tiến tới.

Kế, Ngài giải thích lý do, vì sao tin nhận, thọ trì được, là ít có bậc nhất? Bởi vì người tin nhận được kinh này, là không dính kẹt bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nghĩa là, người đó dám quên cái “ngã” này, là cái chấp trước sâu dày từ vô lượng kiếp, thì không ít có sao được! Cho nên đoạn trước đã nói, đem bố thí thân mạng như cát sông Hằng so sánh cũng không bằng. Để nhấn mạnh lại ở điểm này là: “muốn cảm nhận sâu Kinh này, phải dám quên cái Ngã này!”, đó là điều cần nhớ!

Song, bốn tướng đó làm sao quên? Nếu bốn tướng đó là thật, thấy nó là thật, thì làm sao không chấp được đây? Cho nên vừa nói tới bốn tướng, Ngài Tu Bồ Đề liền phá ngay “Tướng ngã tức chẳng tướng; tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải tướng”, cho thấy bốn tướng đó cũng không thật, để mọi người tin sâu thêm. Thường chúng ta nghe nói có bốn tướng, ngầm tưởng là thật có bốn tướng nên mới có chấp. Nếu không có, thì chấp cái gì? Rồi lại phá chấp? Hay là nó có mà Phật không cho mình chấp thôi? Đó là lý do vừa nói tới bốn tướng, Ngài Tu Bồ Đề liền phá ngay “Tức chẳng phải tướng”.

Thực ra, bốn tướng rõ ràng chỉ là giả danh, chỉ tưởng tượng ra thôi, chỉ có trong khái niệm, chứ bảo đem ra trình xem, làm sao đem? Và, nếu quả Nó là thật, thì không thể phá rồi! Cũng không thể tu giải thoát. Như vậy, bốn tướng đã không thật, vậy cái CHẤP là thật được sao? Kinh Viên Giác gọi, như người đi đêm, lầm phương Đông là phương Tây, chấp đó là thật phương Tây. Khi trời sáng, thấy rõ, liền hết lầm, vậy cái lầm chấp đó ở đâu? Cho nên, Giác được nó liền quên, liền hết, nói phá, mà thật không có cái để phá.

Kinh Bách Dụ có câu chuyện: Hai người nghe đồn ngôi miếu nọ có quỷ, người thứ nhất làm gan, đợi tối đến trong miếu trước rình xem. Người thứ hai nghe nói, cũng tỏ ra gan dạ, tối đó cũng đến nhưng đến sau, thấy cửa đóng liền xô vào. Người thứ nhất ở bên trong tưởng quỷ đến thật, liền đẩy kín lại. Người thứ hai bên ngoài thấy vậy tưởng có quỷ bên trong thật càng cố xô vào. Hai bên xô đẩy mãi, đến khi trời sáng buông ra, mới vỡ lẽ không có quỷ đâu cả, hai bên đều là người thật.

Cũng vậy, nói tướng Ngã là do người lầm tưởng, tưởng hết, thì chỉ một chân thật hiện tiền thôi. Phá là phá cái ý niệm lầm tưởng đó thôi, chứ không phải thật có cái Ngã để phá!.

Kế, lại sợ người rơi vào đoạn diệt, như vậy thành không hết sao? Nên Ngài Tu Bồ Đề nói tiếp: “- Lìa tất cả tướng, tức gọi là chư Phật”. Chúng ta cần phải tham thiền cho thấu qua chỗ này. Ngài Nam Nhạc có nói: “- Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu” lìa tất cả tướng, tức là sạch hết mọi chỗ chấp trước, không chỗ duyên, bặt mọi niệm phân biệt, thì ngay đó là gì? Lục Tổ có dạy: “Này thiện tri thức! Ngoài lìa tất cả tướng, gọi là vô tướng. Hay lìa nơi tướng, tức pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể”.

Khi chúng ta lìa tất cả tướng, không còn một chỗ nào để duyên, thì vọng tưởng bám vào đâu để khởi? Cái gì đang sáng ngời ngay đó? Tức tâm thể vô tướng, không sanh diệt hiện tiền chứ gì? Hay pháp thân vô trụ sờ sờ đó!.

Có vị tăng hỏi thiền sư Văn Yển ở Vân Môn:

- Khi lá rụng cành trơ thì thế nào?

Vân Môn đáp:

- Thân bày gió thu.

Lá rụng cành trơ là sạch hết tình chấp, rớt hết mọi phân biệt sanh khởi, thì TOÀN THỂ XƯA NAY LỘ BÀY SỜ SỜ TRƯỚC MẮT – Dám buông tất cả, chết cái tâm đuổi theo TƯỚNG này, từ trong đó sống dậy, liền gặp Phật, gặp Tổ, không còn ai dối gạt được mình.

Trong Kinh Viên Giác có đoạn nói về xa lìa huyễn, Phật bảo Bồ Tát Phổ Hiền:

- “Này thiện nam tử! Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời sau phải xa lìa tất cả cảnh giới hư vọng, huyễn hoá. Do giữ tâm xa lìa, nên tâm như huyễn cũng lại xa lìa. Xa lìa là huyễn cũng lại xa lìa. Lìa cái xa lìa huyễn cũng lại xa lìa. Được không chỗ gì để xa lìa, liền trừ các huyễn”.

Trong đây có mấy lớp:

  1. Xa lìa tất cả cảnh huyễn.
  2. Xa lìa tâm huyễn.
  3. Xa lìa cái xa lìa huyễn.
  4. Xa lìa cái xa lìa.
  5. Không còn gì để xa lìa, huyễn hết, tức giác tâm bất động.

Nên Phật nói tiếp bài kệ:

Phổ Hiền ông nên biết,

Tất cả các chúng sanh,

Vô thỉ huyễn vô minh,

Đều từ tâm Viên giác,

Các Như Lai dựng lập.

Giống như hoa trong không,

Nương không mà có tướng,

Hoa trong không nếu diệt,

Hư không vốn chẳng động.

Huyễn từ các Giác sanh,

Huyễn diệt, Giác viên mãn,

Vì giác tâm chẳng động.

Đây Phật chỉ rõ, vô minh vốn không thật có, tâm chấp trước cũng hư vọng không tự thể, đều do Mê Bản Giác mà hiện khởi. Nếu giác ngộ, xa lìa tất cả TƯỚNG HUYỄN  đó, đến chỗ không còn gì để xa lìa, còn lại là TÂM VIÊN GIÁC BẤT ĐỘNG, đó là chỗ sống chân thật, là Nguồn Sống vĩnh viễn không thể nghĩ bàn. Cho nên huyễn diệt, Giác viên mãn, hoa đốm hết hư không vốn chẳng động, chưa từng có sanh, chưa từng có diệt. Do đó huyễn hết chẳng phải thành đoạn diệt.

Song, điểm quan trọng là làm sao lìa? Đó mới là công phu thực tiễn, nếu chỉ lý luận suông thôi thì có ý nghĩa gì? Tức ở ngay lúc “chưa khởi tâm động niệm”, luôn luôn quán chiếu một cách tinh mật, khít khao, ắt không cần lìa mà các tướng tự lìa. Bởi, chưa động niệm thì có tướng gì? Đó chính là Thể Giác của Phật Tổ cùng tất cả chúng sanh chứ gì? Tức là Tâm hằng biết mà không cần đối tượng, cần sống trở lại chỗ này! Nói chỗ, nhưng thực ra là không có chỗ gì cả! Bởi, có chỗ là có nghĩ đến, duyên đến, là vọng tưởng đến!.

Tiếp là Phật ấn khả.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Đúng thế! Đúng thế! Nếu lại có người nghe được kinh này mà chẳng hoảng, chẳng sợ, chẳng hãi, phải biết người đó rất là ít có.

GIẢNG:

Nghe Tu Bồ Đề nói xong, Phật liền ấn khả “Đúng thế, đúng thế!”. Nghĩa là, ta như thế, ông cũng như thế, quả là khế hợp với Như Lai! Đó là chỗ nhà thiền nói “Dĩ tâm ấn tâm”, đem tâm ấn tâm. Bởi qua đây, chứng tỏ Ngài Tu Bồ Đề đã hiểu sâu Kinh này, lời nói của Ngài xác quyết rõ ràng. Nhìn lại trước, chúng ta thấy ý Kinh trước sau một mạch thông suốt. Ở trước Phật bảo: “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, liền thấy Như Lai”. Đây thì nói: “Lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật”. Rất là tương ứng. Nhưng ở trước, Ngài Tu Bồ Đề nghe xong, liền hỏi Phật: “Có chúng sanh nào nghe được những lời lẽ, nghĩa lý rõ ràng như thế, sanh lòng tin chân thật chăng?” bị Phật quở: “Chớ nói lời ấy!”. Tức còn có điểm do dự chưa quyết. So với đây thì Ngài nói quyết rõ ràng: “Nếu đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sanh nào nghe được kinh này, tin hiểu, thọ trì, người đó ắt là ít có bậc nhất”. Xác định rõ ràng không nghi ngờ.

Do đó, Phật ấn khả và Ngài xác định kỹ: “Nếu ai nghe Kinh này, chẳng kinh nghi, sợ sệt, thì biết chắc là có duyên với Bát nhã sâu rồi!”

Bởi, nghe Bát nhã chẳng phải Bát nhã, lìa tất cả tướng, không chỗ gì để bám, để nghĩ, để biết, làm sao không sợ? Con người là luôn luôn cầu Biết, luôn luôn vin theo, đây dạy ngược lại hết, mà tin được, thì quả là không phải mới nghe lần đầu! Kinh nghiệm cho thấy rõ, nhiều người nghe nói đến Bát nhã liền ngại, nghe người học Bát nhã liền ngăn. Chính mình không dám hiểu, còn kéo thêm người khác nữa, thì biết có phỉ báng Bát nhã chăng?

Để rõ thêm điểm này, xin dẫn bài kệ của ngài Phó Đại Sĩ:

Như năng phát tâm giả, Nếu người hay phát tâm,

Ưng đương liễu nhị biên. Phải suốt thấu hai bên.

Niết bàn vô hữu tướng, Niết bàn không có tướng,

Bồ đề ly sở duyên. Bồ đề lìa chỗ duyên.

Vô thừa cập thừa giả, Thừa người thừa không cả,

Nhân pháp lưỡng câu quyên. Nhân pháp thảy đều quên.

Dục đạt chân như lý, Muốn đạt chân như lý,

Ưng đương thức bổn nguyên. Cần nên rõ cội nguồn.

Người thật sự phát tâm là phải can đảm vượt qua hai bên, thẳng đến cội nguồn chân thật, không dừng chỗ nào để bám lấy mới thật tự tại. Vì thấu rõ, niết bàn vốn không có tướng gì để suy tới, Bồ đề thì lìa tất cả mọi chỗ có thể duyên, còn hiểu được bồ đề, là chẳng phải bồ đề thật, mà đó chính là cái bồ đề bị hiểu. Trong đây không có thừa, là giáo pháp tu hành và người thừa tức người tu hành theo đó, nghĩa là cả nhân và pháp đều quên, bặt niệm hai bên đó, quên cái thấy thứ lớp tu chứng, thẳng suốt cội nguồn chân thật không đây kia.

Kế, Phật giải thích về Ly tướng Bát nhã, ly tướng nhẫn nhục.

CHÁNH VĂN:

Tại sao? Tu Bồ Đề! Như Lai nói Đệ nhất ba la mật, tức chẳng phải Đệ nhất ba la mật, đó gọi là Đệ nhất ba la mật. Tu Bồ Đề! Nhẫn nhục ba la mật, Như Lai nói chẳng phải Nhẫn nhục ba la mật, đó gọi là Nhẫn nhục ba la mật. Tại sao? Tu Bồ Đề! Như xưa kia ta bị vua Ca- Lợi cắt đứt thân thể, ta ở ngay lúc đó, không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Tại sao? Ta đối với xưa kia, khi từng phần thân thể bị cắt rời ra, nếu có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, phải sanh sân hận. Tu Bồ Đề! Lại ta nhớ quá khứ, trong năm trăm đời làm vị tiên nhẫn nhục, ở trong những đời đó không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì vậy, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có trụ, tức chẳng phải trụ. Vì vậy Phật nói Bồ Tát, tâm chẳng nên trụ sắc bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát vì lợi ích tất cả chúng sanh nên bố thí như thế.

GIẢNG:

Đệ nhất ba la mật tức Bát nhã ba la mật, cũng khiến lìa tướng đệ nhất đó, không thể chấp vào tướng đệ nhất. Bởi rốt ráo là lìa tất cả tướng, vượt qua mọi ngôn ngữ, nếu còn giữ lại tướng “đệ nhất” trong tâm, tức còn có tướng chưa lìa, thì sao gọi là đệ nhất ba la mật được! Bởi năm độ kia đều lấy Bát nhã làm dẫn đường, nếu thiếu Bát nhã thì khó thành ba la mật.

- Bố thí: ngoại đạo cũng có, cũng dạy bố thí, nhưng để cầu quả báo nhân thiên, thụ hưởng đời sau, nên không thành ba la mật.

- Trì giới: ngoại đạo cũng có, như trì giới bò, giới chó, giới ăn trái cây…nhưng vẫn còn Ngã.

- Nhẫn nhục: ngoại đạo luyện thân cả ngày trầm mình trong nước lạnh mùa đông, ngồi trong tuyết, trên gai góc để nhẫn chịu thân thể đau đớn, nhưng chỉ làm khổ thân tâm không sáng được lẽ thật.

- Tinh tấn: ngoại đạo đứng một chân cả ngày…

- Thiền định: ngoại đạo tu chứng đến phi phi tưởng định.

Song họ không có Bát nhã nên không giải thoát được, chỉ lẩn quẩn trong ba cõi lên xuống, vì còn có Ngã.

- Trí tuệ: ngoại đạo cũng cầu trí tuệ, nhưng không phải thật trí, còn hướng bên ngoài, không đến chân lý.

Ngay trong đạo Phật, người tu các độ, nếu không có trí Bát nhã, còn kẹt tướng ngã, nhân, vẫn không đến ba la mật. Do đó, Bát nhã gọi Đệ nhất ba la mật, song cũng không cho người chấp, đó là tinh thần cao tuyệt của Bát nhã.

Có vị tăng hỏi thiền sư Duy Giản:

- Phật và chúng sanh là một hay là hai?

Sư đáp:

- Hoa nở đầy cây hồng,

Hoa rụng muôn cành trống.

Hỏi : - Rốt ráo là một hay là hai?

Đáp: - Chỉ còn thừa một đóa,

Ngày mai ngại gió rơi.

Nghĩa là đến chỗ tột cùng, “một” cũng không còn. Bởi, trong tâm còn dấu vết “cái một”, tức có “cái hai”, thì chưa vượt qua được cửa miệng của người. Vì vậy, người thật thông suốt Bát nhã thì tướng “một” cũng quên, tướng “bậc nhất” cũng buông, không chỗ nào để bám, chính đó mới là chỗ Phật ấn tâm “Đúng thế! Đúng thế!”.

Đó là nói về ly tướng Bát nhã đệ nhất, kế là ly tướng nhẫn nhục. “Nhẫn nhục ba la mật, Như Lai nói chẳng phải nhẫn nhục ba la mật, đó gọi là nhẫn nhục ba la mật”. Nhẫn nhục, là nhịn chịu mọi cảnh đến bức ta, không sanh tâm nóng giận, hiềm hận, không có cái ta nhận chịu. Để đạt vô ngã, nhẫn nhục rất quan trọng. Song, nếu còn thấy có Ta hay nhẫn, có cảnh đến làm nhục, tức khó thành ba la mật. Nên ở đây phá tướng nhẫn nhục, nói nhẫn nhục tức chẳng phải nhẫn nhục, mới thật sự nhẫn nhục.

Phật dẫn duyên xưa của Ngài bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể. Tức lúc Phật còn trong nhân địa tu bồ tát hạnh, Ngài làm vị Tiên nhân ; trong nước đó có vị vua tên là Cực Ác.  Một hôm, tiết trời mùa xuân tươi sáng, vua dẫn cung nữ vào núi vui chơi. Mệt mỏi, vua nằm nghỉ và ngủ thiếp đi. Cung nữ lâu ngày mới được ra khỏi thành, được dịp tản ra đi hái hoa, dạo chơi. Có một nàng gặp cái động, trong có một vị tiên nhân trẻ tuổi đang tu ở đó. Nàng cung nữ ấy bèn gọi cả thảy đến xem và hỏi đạo với tiên nhân. Vị tiên nhân thấy những cung nữ này có duyên lành, bèn vì họ giảng nói về lý vô thường, khổ não của thế gian, trên đời không có gì thật vui, do người mê tham đắm trong đó, rồi tạo nghiệp, chịu khổ. Ngài dạy họ chớ buông lung theo ngũ dục, cần hướng tâm đến giải thoát. Cung nữ chú tâm nghe pháp quên mất thời gian. Vua tỉnh dậy, nhìn chung quanh không thấy đám cung nữ, nổi giận đi tìm; gặp họ đang ngồi vây quanh một vị tu hành trẻ tuổi, ông tức giận cho là Ngài dụ hoặc cung nữ của ông, bèn bảo:

- Ngươi là người gì, dám dụ dỗ cung nữ của ta ?

Tiên nhân nói: - Tôi vốn là người tu hành, đã từ bỏ ngũ dục thế gian đâu có lý gì dụ hoặc cung nữ của ngài.

Vua hỏi: - Ngươi chứng tứ quả chăng ?

Tiên nhân đáp: - Chưa.

Hỏi:  - Đã chứng tam quả chưa?

Đáp: - Chưa.

Vua cười lạt, bảo: - Ngươi còn trẻ, lại chưa chứng tứ quả, tam quả, hẳn là còn tham dục, đâu thể lừa ta. Ta thấy bao nhiêu người tu hành không ăn đồ nấu nướng, ngày ngày luyện khí thôi, mà gặp sắc vẫn còn khởi tâm tham luyến kia mà!.

Tiên nhân nói: - Đoạn tâm tham sắc dục không phải nhờ ở luyện khí, không ăn đồ nấu nướng, chỉ ăn trái cây, mà vốn do tu quán vô thường, quán bất tịnh mà trừ.

Vua nói: - Ngươi dám phê bình chỉ trích pháp tu của người khác, là có tâm tật đố, nhất định sẽ còn có tâm tham sân.

Tiên nhân nói: - Tôi là người tu hành trì giới, đối với người chê bai ngay tôi, tôi còn nhẫn nhục, huống nữa lại đi chê bai người khác!

Vua chụp lấy lời đó, bảo:

- Tốt, ngươi bảo hay nhẫn, vậy để ta cắt lỗ tai ngươi, thử nghiệm xem!.

Nói xong, vua vung gươm cắt đứt lỗ tai tiên nhân. Tiên nhân vẫn bình tĩnh, không lộ vẻ gì oán giận. Mọi người tùy tùng khuyên can vua, vua càng tức khí, chặt cả tay, chân tiên nhân.

Khi ấy, bốn vị Thiên vương hộ trì người tu hành thấy vậy, bèn làm mưa cát đá, trời đất tối tăm. Vua thấy vậy biến sắc, vội cầu xin sám hối. Tiên nhân nói:

- Tôi không có để tâm động niệm gì, không có một niệm sân hận ngài.

Vua hỏi: - Lấy gì chứng minh?

Tiên nhân liền phát nguyện: - Nếu thực vua cắt đứt từng phần thân thể tôi, tôi không một niệm sân hận, xin cho thân thể bình phục như cũ.

Phát nguyện xong, thân thể bình phục như cũ. Tiên nhân còn phát nguyện sau khi thành đạo sẽ độ vua trước. Tiên nhân đó tức tiền thân Phật Thích Ca, vua Ca Lợi đó tức tiền thân ngài Kiều Trần Như.

Đây cho thấy, tiên nhân tuy bị cắt đứt thân thể như vậy, làm nhục như vậy, mà ngài vẫn không sanh tâm sân hận, là do đâu được? Ngài giải rõ, ngay lúc đó ngài không thấy có tướng ngã, tướng nhân, thì lấy ai bị chém? Bị cắt? Không thấy có cái gì bị chặt, bị nhẫn. Nếu còn thấy có Ta nhẫn chịu, tức chưa thể thành sức nhẫn ba la mật, ắt sẽ thấy có cái khổ phải chịu, phải nhẫn.

Đây là khiến người thấu suốt năm uẩn đều không, càng rõ thêm nghĩa vô trụ ở trước, không có gì để bám cả.

Để thêm niềm tin vững mạnh cho người, Phật còn dẫn thêm, Ngài không phải chỉ có một đời làm tiên nhẫn nhục đó thôi, mà có cả năm trăm đời Ngài từng tu hành làm tiên nhẫn nhục như thế, và trong những đời đó, Ngài đều không có bốn tướng ngã, nhân …

Do đó, Phật kết luận: “Vì vậy, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác …”

Lìa tất cả tướng đó, là gồm cả tướng bố thí, trì giới, nhẫn nhục…, không trụ vào sáu trần. Đó là nhắc kỹ để chúng ta không hời hợt nhận lầm một tướng nào!.

Phật lại nhấn mạnh: “Phải sanh tâm không chỗ trụ”, tức tâm không bám vào đâu. Song không chỗ trụ, làm sao sanh? Đây là, ngay sanh tức chẳng sanh, chính đó mới là Tâm bồ đề, đó mới là tâm thanh tịnh an trụ.

Chú ý: Trước nói: “nên không chỗ trụ thì sanh tâm thanh tịnh”. Đây nói thẳng: “Nên sanh tâm không chỗ trụ”. Tức là sao? Nghĩa là đến đây, phải thực sống, phải thẳng vào ngay hiện tiền đây thôi, chứ không lý luận nữa. Được vậy thì, nơi nơi, chỗ chỗ đều sáng ngời Bát nhã, đó mới thực sự là Bát nhã sống, còn lo tìm hiểu Bát nhã trong sách vỡ, chữ nghĩa là chưa phải!.

Ở đây, điều không thể quên là: “Nếu tâm có trụ tức chẳng phải trụ”, phải luôn luôn nhớ như vậy. Có trụ, tức là dời đổi rồi! Có Trụ, tức có tướng, là dính mắc, trái với Bát nhã rồi! Kinh Đại Bát Nhã nói: “Chẳng trụ tất cả pháp tức trụ Bát nhã, chẳng tin tất cả pháp tức gọi là tin Bát nhã”. Tức là đi qua tất cả chỗ, tất cả trần, tất cả cảnh mà không dừng lại ở một trần nào, cảnh nào, là luôn luôn ở trong Bát nhã. Nhà thiền có câu: “Bóng trúc quét sân trần chẳng nhiễm”, đó là Bát nhã vô trụ. Vua Lê Dụ Tông có lần hỏi Thiền sư Hương Hải:

- Thế nào là ý Phật, ý Tổ?

Sư dẫn bài kệ của Thiền sư Nghĩa Hoài:

Nhạn quá trường không, Nhạn bay trên không,

Ảnh trầm hàn thủy. Bóng chìm đáy nước.

Nhạn vô di tích chi ý, Nhạn không ý để dấu,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Nước không tâm giữ bóng.

Tức là đi qua hết thảy mà không để lại dấu vết gì, đó là đi thẳng vào ý Phật, ý Tổ, ngay đó liền gặp Phật Tổ.

Thiền sư Xuyên cũng có bài kệ nói về ý này:

Kiến sắc phi can sắc, Văn thinh bất thị thinh,

Sắc thinh vô ngại xứ, Thân đáo pháp vương thành.

* * *

Thấy sắc chẳng phải sắc, Nghe thinh chẳng phải thinh,

Sắc thinh đều vô ngại, Tự đến pháp vương thành.

Nghĩa là, chính ngay cái thấy, nghe, hiểu biết rõ ràng đây. Thấy nghe tất cả mọi sắc thinh, nhưng không có một tướng trạng gì, không thành một cái gì hết, thì tự nó vốn sáng ngời, có gì che ngại? Ngay đó là thành pháp vương, là Bảo sở muôn đời, còn phải tìm đâu nữa? Thấy sắc, nghe tiếng mà vẫn hằng lìa tướng sắc, tướng tiếng, thì đó chính là “nghĩa thường trụ” sáng như ban ngày rồi. Bởi ngay cái thấy, biết hiện tiền đây mà chẳng bị thâu vào sáu trần, thì có gì trói buộc, lỗi lầm?.

Do đó, Phật kết lại: “Vì vậy Phật nói, Bồ Tát tâm chẳng nên trụ sắc bố thí”. Tức là Bồ Tát tâm phải buông xả hết, không bám vào một cái gì. Được vậy thì sẽ như Ngài Duy Nghiễm Dược Sơn. Một hôm Tổ Thạch Đầu hỏi Sư:

- Gần đây chỗ thấy của ông thế nào?

Sư thưa:

- Da mỏng, da dày đều rớt sạch, chỉ còn một chân thật.

Cuối cùng là rớt sạch mọi tình chấp, không còn chỗ nào để bám, còn lại là “Chân thật sờ sờ!”. Đó là triệt ngộ.

Phật nhấn mạnh: “- Bồ Tát vì lợi ích tất cả chúng sanh nên bố thí như thế”. Nghĩa là mở rộng tâm thênh thang không giới hạn. Vừa có chỗ trụ, tức có giới hạn, mà có giới hạn thì không thể lợi ích tất cả chúng sanh, chẳng qua chỉ lợi ích trong giới hạn nào đó, vì tâm mình đã có hạn hẹp rồi!.

CHÁNH VĂN:

Như Lai nói tất cả các tướng, tức chẳng phải tướng. Lại nói tất cả chúng sanh, tức chẳng phải chúng sanh. Tu Bồ Đề! Như Lai là người nói lời chân, lời thật, lời như, lời chẳng dối, lời chẳng khác. Tu Bồ Đề! Pháp Như Lai đã được, pháp đó không thật không hư.

GIẢNG:

Ở trên vừa nói đến “Nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô Thượng Chánh đẳng chánh giác”, và “Bồ Tát vì lợi ích tất cả chúng sanh nên bố thí như thế”. Sợ chúng ta bị mắc kẹt “tất cả tướng”, mắc kẹt “chúng sanh”, nên Phật phá ngay: “Như Lai nói tất cả tướng tức chẳng phải tướng”. Lại nói “Tất cả chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh”.

Bởi nghe nói lìa tất cả tướng, có người sẽ nghĩ: “Tướng là cái gì mà lìa? Bảo lìa nó, hẳn là nó phải có mới lìa? Song lìa nó, bỏ đi đâu?” Như vậy, vô tình lại chấp các tướng là thật! Song, đã là thật, làm sao lìa? Do đó, Phật phá ngay: “Nói tất cả tướng, tức chẳng phải tướng”, nghĩa là tùy chỗ người chấp, Phật phương tiện gọi tên “tất cả tướng” để nhắc, không phải gọi tên, tức có thật, chớ lầm! Sở dĩ các tướng có hiện ra, đều do “tưởng phân biệt” mà vọng có. Nếu dừng “phân biệt tưởng”, tất cả vốn lặng lẽ! Các tướng nó đâu tự nói có, nói không, nói chân nói vọng, nói nhiễm nói tịnh gì? Tự người sanh tâm phân biệt, rồi gán cho nó thế này, thế kia thôi! Nên Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự lặng lẽ”.

Nói “Chúng sanh” cũng vậy, tùy theo chỗ thấy của người, phương tiện gọi như thế để dẫn người trở về chân thật. Chúng sanh chẳng qua là năm ấm giả hợp thôi, trong đó tách rời ra, tìm xem cái gì là chúng sanh? Không thể được! Để rõ, cũng vốn từ mê tự tâm mà vọng hiện. Nếu giác ngộ tự tâm, rõ thấu pháp thân chân thật vô tướng, chưa từng sanh diệt, thì chúng sanh cũng là tên rỗng, vốn không có thật thể. Kinh Niết Bàn nói: “Người thấy Phật tánh thì chẳng gọi là chúng sanh. Chẳng thấy Phật tánh gọi là chúng sanh”. Như vậy, chúng sanh mà thấy Phật tánh, tức giác ngộ, thì đổi tên chúng sanh, thì chúng sanh không hẳn là chúng sanh mãi. Lục Tổ cũng nói: “Tất cả chúng sanh trọn là giả danh, nếu lìa vọng tâm tức không chúng sanh có thể được, nên nói: tức chẳng phải chúng sanh!”. Không vọng tâm, còn ai gọi là chúng sanh? Song, làm sao lìa? Ngộ suốt tự tánh vô tướng, không lầm chấp trên các tướng, gọi là lìa! Lìa mà không có tướng để lìa. Đây là, ngộ suốt thực thể chúng sanh vốn không, tìm tướng chúng sanh không thể được, không chấp vào tướng giả hợp đó nữa, tức Tâm không chỗ trụ, ngay đó liền AN TRỤ! Chính đó là nghĩa Bố thí của Kim Cang Bát nhã! Đoạn kế, trước khi Phật thổ lộ một điều bất ngờ đối với mọi người, Ngài xác định rõ lời Phật là chân thật, không dối, để cho người vững niềm tin, và tin sâu thêm. Phật xác định: “Như Lai là người nói lời chân, lời thật, lời như, lời chẳng dối, lời chẳng khác”.

* Lời chân: Tức đúng với chân trí mà nói ra.

* Lời thật: Tức như thật nghĩa mà nói.

* Lời như : Tức không ai làm biến đổi được.

* Lời chẳng dối gạt: Tức không lừa dối người.

* Lời chẳng khác: Tức không sai khác, không hai lời.

Cần chú ý: Như Lai có nói ra lời gì, đều là từ “tâm chứng” mà nói, đúng với lý thật, không có thêm bớt, không có dối gạt người, trước sau không có hai lời. Nghĩa là, từ sự thể nghiệm của Ngài mà Ngài nói, không phải suy đoán, giả thuyết. Nhưng, chính vì từ chỗ tâm chứng nói ra, nên với người mê thì khó hiểu, khó suy lường, đôi khi nghi ngờ! Cho nên trong Kinh thường nói: Phật thuyết pháp như sư tử rống, tức dẹp tan mọi tà thuyết, không sợ sệt, không ngại ai gạn hỏi. Bởi, Ngài thấy như vậy thì nói ra như vậy, dù người có hiểu hay chưa hiểu, tin hay không tin, xuyên tạc hay phỉ báng, lý thật vẫn là như vậy, không gì phá hoại được. Chứng Đạo Ca đoạn cuối, Thiền sư Huyền Giác xác định:

Nhật khả lãnh, nguyệt khả nhiệt,

Chúng ma bất năng hoại chân thuyết.

Tức là, mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng, song chúng ma cũng không thể nào phá hoại được lời chân thật ấy. Muôn đời vẫn đúng như vậy!

Phật xác định như vậy, là chuẩn bị nói ra một điều bất ngờ này:

“Tu Bồ Đề! Pháp Như Lai đã được, pháp đó không thật không hư”.

Mọi người có nghi chăng? Từ trước đến giờ, Phật đã nói “Ngài không có pháp gì để nói, không có pháp quyết định gọi là Vô Thượng Chánh đẳng chánh giác, ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đối với pháp thật không có chỗ được”, đến đây, chợt Phật lại nói: “Pháp Như Lai đã được”, vậy là sao? Trước nói “chẳng được”, nay lại nói “được”, sao lạ vậy? Trước sau có nói khác nhau chăng? Chính vì vậy, Phật xác định trước: “Lời Như Lai là lời chân, lời thật, lời như, lời không dối gạt, lời không khác”, để người khỏi nghi!

Song, nếu người nhạy bén, sẽ nhận ngay Ý SÂU trong đây! Chỗ nào? Nói “không pháp để được, không pháp để nói” đó, không phải hoàn toàn không có, mà vì nó là “KHÔNG THẬT KHÔNG HƯ”.

Thật: là có. Hư: là không. “Pháp ấy”, vốn vượt ngoài Có Không đối đãi; nói “thật” cũng không được, vì không thể chỉ ra; nói “hư” cũng không được, vì Phật đã giác ngộ rõ ràng, vậy phải nói như thế nào đây? Cho nên nói “Không thể được”, là ngầm chỉ nó vượt ngoài mọi ý niệm đối đãi, phân biệt, không thể đem tình thức của thế gian để hiểu, cũng không thể đem trí suy xét mà soi tới! Vì vậy phải nói bằng cách ngược đời: “Bát nhã ba la mật, tức chẳng phải Bát nhã ba la mật”. Hoặc như Nhà Thiền nói: “Người thấy Bát nhã liền bị Bát nhã trói, người chẳng thấy Bát nhã cũng bị Bát nhã trói”. Có vị tăng hỏi Quốc Sư Đức Thiều:

- Đã thấy Bát nhã, vì sao bị Bát nhã trói?

Sư đáp:

- Ông nói Bát nhã thấy cái gì?

Tăng hỏi:

- Chẳng thấy Bát nhã, vì sao cũng bị Bát nhã trói?

Sư đáp:

- Ông nói Bát nhã chỗ nào chẳng thấy?

Bởi còn tâm hai bên, nói thế nào cũng kẹt. Đây là muốn đưa người thẳng vào, nhảy qua ngôn ngữ chữ nghĩa, vượt khỏi môi lưỡi lý luận, chỉ tự thầm chứng nghiệm thôi.

Nên đây tạm nói: KHÔNG THẬT KHÔNG HƯ, để người tự rõ!

CHÁNH VĂN:

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát, tâm trụ nơi pháp mà thực hành bố thí, như người vào trong tối, ắt không thấy gì. Nếu Bồ Tát, tâm chẳng trụ nơi pháp mà thực hành bố thí, như người có mắt, ánh sáng mặt trời soi tỏ, thấy mọi thứ sắc. Tu Bồ Đề! Đời sau này, nếu có người  thiện nam, kẻ thiện nữ hay thọ trì, đọc tụng kinh này, ắt Như Lai dùng trí tuệ Phật biết hết người ấy, thấy hết người ấy, đều thành tựu được công đức vô lượng vô biên.

GIẢNG:

Đây là thí dụ để rõ thêm ý nghĩa trụ và không trụ. Bởi vì, Bát nhã vốn lìa tất cả tướng, không chỗ trụ, giống như mặt trời đi trên hư không, không vướng mắc, không bám vào đâu, mới tự tại soi khắp.

Nếu tâm có trụ vào pháp, khác nào như mặt trời có sợi dây treo hay mây che, thì sao? Có dây treo thì mặt trời không thành mặt trời. Mây che, thì bị khuất lấp, không soi thấu tới dưới. Tức Bát nhã bị khuất, nên dụ vào nhà tối, là bị pháp trụ đó che rồi!.

Nếu Tâm không trụ vào pháp, giống như mặt trời đi trên hư không thênh thang, không bị mây che, dây cột, tức nó soi sáng tất cả sắc – Đó là mắt Bát nhã mở toang, không gì lầm lẫn!.

Đoạn này, có ngầm ý gì? Đó là ngầm chỉ, chân như Phật tánh, ai cũng có đủ, cũng đồng như chư Phật, Bồ Tát không thiếu. Nhưng vì sao có người thấy, người chẳng thấy? Lỗi ở chỗ nào? Chỉ ở TRỤ PHÁP và KHÔNG TRỤ PHÁP. Có TRỤ, tức có cảnh, có cảnh thì bị cảnh đó chướng ngăn, che ngại. KHÔNG TRỤ, tức không cảnh, không cảnh thì thấy suốt tất cả, không gì trước mắt che ngăn. Cho nên nói: Bát nhã không biết mà không gì chẳng biết. Bát nhã vô tri vô sở bất tri.

Bát nhã không biết, tức không trụ vào một pháp gì.

Bát nhã không gì chẳng biết, tức thấy tất cả sắc. Như vậy, chớ lo không Bát nhã, chỉ đừng dính các pháp!.

Sau cùng Phật kết lại công đức trì Kinh vô lượng vô biên. Song chú ý: ở trước nói “Như Lai thảy thấy, thảy biết”, đây thì nói rõ: “Như Lai dùng TRÍ TUỆ PHẬT biết hết, thấy hết” tức là đến đây đã thầm hợp Trí tuệ Phật. Hay nói ngược lại, ngoài Trí tuệ Phật ra, không thể lấy gì thấy hết công đức này! Đó là đã đi trong trí tuệ Phật rồi! Là được Phật ấn khả rồi! Dù không được truyền y bát, nhưng thấu suốt như thế, là được ấn khả không nghi ngờ! Chính đó là Phật HUYỀN KÝ!.

Như vậy, nếu người TIN được chỗ này, thì còn ai làm lay động được? Vì vậy, CHÂN THUYẾT ấy không thể hoại, không thể phá. TIN vào quả quyết như vậy, đó là TIN VÀO KIM CANG BÁT NHÃ, đây là CÔNG ĐỨC KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN!.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

442316
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
638
2394
15200
401307
67851
73473
442316