Thứ Sáu 26/4/2024 -- 18/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 10.Trang nghiêm tịnh độ

 

 

CHÁNH VĂN:

10. TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Ý ông nghĩ sao? Trước kia Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đối với pháp có chỗ được chăng?

GIẢNG:

Trang nghiêm tịnh độ tức nói về Bồ tát trên đường đến Phật quả, các Ngài thường trang nghiêm Phật độ để khi thành Phật được cõi nước tương ứng. Ở đây có mấy đoạn, đoạn đầu Phật nói về thọ ký mà không có chỗ được, tức Phật nhắc lại trước kia Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng đối với pháp có chỗ được chăng? Tu Bồ Đề đáp: “Không thể được”. Ở đây phá cái nghi về thọ ký, vì ở trước nói không có quả Phật thật để thành, không có quả Vô Thượng chánh đẳng chánh giác. Vậy Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng được thọ ký cái gì? Nên có chỗ nghi, mà cũng có chỗ liên hệ đặc biệt với thiền tông. Thiền tông cũng có ấn chứng, còn ở đây gọi là thọ ký. Trước khi vào đoạn này, xin nhắc lại đoạn nhân duyên về Đức Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng được thọ ký, là lúc Đức Phật Thích Ca còn trong hàng Bồ tát, thuộc về Bồ tát Bát Địa, Ngài đã vượt qua hai A tăng kỳ kiếp, mãn A tăng kỳ kiếp thứ hai. Bởi trong giáo lý nói thành Phật phải trải  qua  ba vô số kiếp. Thứ  nhất  từ phàm phu phát tâm rồi trải qua Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, tới Tứ gia hạnh là qua một A tăng kỳ kiếp; rồi từ sơ địa đến Bát địa là một A tăng kỳ kiếp nữa. Ở đây Ngài tới Bát Địa là sắp mãn hết A tăng kỳ kiếp thứ hai, lúc này Ngài sanh ra trong thế gian, thời đó có một vị tiên nhơn đạo hạnh rất cao, nổi tiếng trong nước, còn Ngài là Đồng tử Thiện Huệ, vị đồng tử Thiện Huệ này tìm đến vị tiên nhân học đạo, nhưng do chủng duyên sâu dày là Bồ tát Bát địa, mới học thời gian ngắn là học xong hết, thầy không còn gì để dạy, nên Ngài từ giã thầy xuống núi. Vị tiên nhân mới bảo: “- Hiện nay bao nhiêu pháp gì cần dạy ta đã dạy cho ông hết rồi, bây giờ phải dùng năm trăm đồng tiền vàng để đền ơn trở lại, đây là thông lệ chung”. Tức học xong phải đóng năm trăm tiền vàng. Đồng tử Thiện Huệ mới thưa: “- Nay con không có tiền, xin thầy đợi cho con thời gian, con xuống núi đi hóa duyên rồi trở lại đền đáp thầy”. Ngài đi xuống núi, gặp trong nước ông vua này cũng mến mộ Phật pháp, đang mở hội bố  thí vô già, vô già là không có ngăn, ai tới xin gì thì cho hết, cho thoải mái. Đồng Tử Thiện Huệ này đến đó xin năm trăm tiền vàng, ông vua hỏi lý do, ngài cũng nói rõ là xin để về đền đáp Thầy, ông vua thấy được tấm lòng tốt vì đạo nên cũng cho liền. Nhưng khi lấy ra rồi thì Đồng tử Thiện Huệ nghe nói hiện nay có Đức Phật ra đời hiệu là Nhiên Đăng đang ở trong nước, do có túc duyên lâu đời nên khi nghe đến Phật thì bên trong có một cái gì thúc đẩy, thay vì đem năm trăm tiền vàng trở về núi để dâng lên thầy, Ngài liền đổi ý đến gặp Phật. Trước khi đến gặp Phật, ngài bèn nghĩ mua hoa đến dâng Phật cúng đường, nhưng lại gặp ngày này ông vua ra lệnh ở trong thành có bao nhiêu hoa thì ông mua hết không cho bán ra ngoài, ông cũng mua đem cúng Phật. Kiếm hoài không có hoa, ngài bèn gặp một cô cung nữ tên là Thủ Ý cầm bảy cành hoa sen xanh rất là quí, ngài nói tôi muốn mua đem về cúng Phật để tỏ lòng thành kính của tôi dâng lên Phật nhưng kiếm hoài mà không được, cô có bảy cành hoa đây, tôi có năm trăm tiền vàng này xin đưa cô hết, nhưng tôi chỉ lấy năm cành thôi. Cô cung nữ nói: đây là những cành hoa của hoàng cung không thể bán, song thấy tâm thành của anh tôi cũng cảm xúc, thôi tôi biếu anh năm cành đem dâng lên Phật, còn hai cành tôi gởi lên cúng dường dùm tôi. Vì theo lệ thì cung nữ đâu được đi đến gặp Phật. Đồng Tử Thiện Huệ bèn cầm bảy cành hoa đó đi đến dâng Phật, từ xa thấy Phật ngài dùng những cành hoa đó tung lên trời gọi là tán hoa cúng dường. Khi ngài tung lên, ngài phát nguyện: “làm sao cho những cánh hoa này tỏa ra thành cái lộng che theo Phật đi trên đường”. Do túc duyên của ngài là Bồ tát bát địa nên nguyện lực được như ý, khi tung lên hoa biến thành cái lộng, che Phật đi trên đường. Khi Phật sắp đi tới ngài liền quỳ xuống đảnh lễ thì thấy trước chỗ Phật đi tới, có một khoảng đất còn bùn dơ, Ngài cởi áo ra che hết khoảng đất đó để Phật đi qua cho sạch, nhưng che rồi vẫn còn một chỗ sót lại che không hết, mà Phật thì sắp đi tới rồi, làm sao đây? Cho nên ngài mới xõa tóc phủ hết chỗ đất dơ đó để Phật đi qua. Nếu mình đã làm được chưa? Cho thấy người xưa quên mình vì đạo, không còn nhớ tới cái ngã này chút nào hết, chúng ta thì cái đầu này là quý dễ gì làm được như vậy! Ở đây ngài sẵn sàng làm không suy nghĩ gì, lúc đó mà còn suy nghĩ thì không thực tâm, tức là suy nghĩ nên hay không nên thì cái đó cũng còn vướng, với ngài thấy là làm liền không có một chút suy nghĩ gì trong lòng hết, thực sự quên ngã. Trong tâm Ngài nguyện thỉnh Phật đi qua để cho sạch chân Phật, và nguyện cho nghiệp chướng mình được sớm tiêu trừ. Đức Phật cũng biết được tâm nguyện của Ngài nên Phật bước đi qua trên tóc đó. Khi Phật đi qua rồi thì Ngài thấy lòng nhẹ nhàng sung sướng, coi như nguyện mình đã thành tựu. Sau đó, Phật thọ ký là: Ông sau này, trải qua 91 kiếp thì sẽ thành Phật ở tại cõi Ta Bà này, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.  có chỗ khác ghi Thích Ca Văn -  đó là câu chuyện mà Phật Thích Ca được thọ ký. Như vậy thọ ký là thọ ký cái gì? Câu chuyện khai triển ra còn nhiều ý nghĩa, trong kinh chỉ nhắm thẳng vào thọ ký. Ở đây nói thêm những ý nghĩa sâu xa trong câu chuyện: Thứ nhất, thường thì đầu là quý nhất của con người, quỳ xuống lạy ai là đã thấp mình cúi đầu, còn mấy vị hơi cao mạn, dễ cúi đầu trước người khác không? Nhất là bên trong có một sự nghiệp gì, gặp người khác thì khó mà cúi đầu, “ổng cũng như mình vậy thôi cũng là người có gì mà cúi đầu”. Như Ngài Pháp Đạt tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, trong này đã dấy một bụng sự nghiệp rồi nên khó mà cúi đầu sát đất, còn ngài Thiện Huệ trải tóc cho người khác đi qua thì thấy quên ngã đến mức nào, cho thấy tinh thần quên mình vì đạo không nhớ tới cái ngã. Điểm thứ hai là, mãn vô số kiếp thứ hai, còn một vô số kiếp nữa mới thành Phật hoàn toàn, nhưng ở đây do quá tinh tấn nên Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký qua 91 kiếp, vậy là rút ngắn thời gian lại. Đáng lẽ một vô số kiếp, đây rút ngắn thời gian lại còn 91 kiếp. Cho thấy, tâm thanh tịnh rồi thì thời gian không còn làm vướng bận, thời gian không còn là vấn đề nữa; nhất là ai có kinh  nghiệm tu thiền thì thấy rõ, lúc mới tập ngồi thiền thì một tiếng đồng hồ thấy bằng mấy tiếng, như sức mình ngồi nửa tiếng thì mười lăm phút sau là đau chân, ngồi mà cứ trông cho hết giờ để xả, nên mười lăm phút đó bằng cả ngày. Trái lại, trường hợp ngồi đã thuần, tâm yên thì ngồi hai tiếng đồng hồ mà thấy như mới ngồi chút xíu vậy thôi. Vậy tâm yên lặng thanh tịnh rồi thì thời gian không còn cố định, thấy thời gian không thật, do tâm tưởng của con người thôi. Hiểu như vậy, khi tâm thanh tịnh rồi thì vượt qua thời gian không còn bị chi phối nữa, mới thấy rõ thời gian do khái niệm con người đặt ra để làm việc với nhau, không cố định. Chúng ta ở trong thế giới này thì tạm đặt ra một ngày có mấy giờ, để ứng dụng sống với nhau, chứ lúc khai thiên lập địa có tính hai mươi bốn giờ gì đâu, chỉ sau này người ta đặt ra. Như ở quả địa cầu này, nó quay khoảng một vòng của nó thì tính một ngày; nhưng qua mộc tinh, thổ tinh thì tính khác, thành ra thời gian không cố định, khi tâm này thanh tịnh thì vượt qua thời gian. Trong nhà thiền thường nói một niệm muôn năm, một niệm mà vượt qua cả muôn năm. Bởi vậy trong kinh Pháp Hoa phẩm Thọ ký, vị nào cũng được thọ ký bao nhiêu tiểu kiếp mới thành Phật mà các vị vẫn vui mừng, vì các Ngài thấy được cái thật nơi mình, chỉ còn sống được trọn vẹn vậy thôi, nên thời gian thọ ký thành Phật bao nhiêu, thì các Ngài thấy không thành vấn đề. Nếu chúng ta dù cho được thọ ký như vậy chắc cũng không vui lắm, thọ ký hai ba đời thành Phật chắc còn vui mừng, thọ ký bao nhiêu tiểu kiếp, tính thời gian chắc chúng ta tưởng tượng không ra nổi, vậy biết bao giờ mới thành Phật? Nhưng các Ngài ai được thọ ký cũng đều vui mừng hớn hở, bởi vì các vị đã thấy rõ được cái thật nơi mình, mà cái đó vượt ngoài thời gian chỉ còn sống được trọn vẹn với nó thôi, thời gian không bận lòng. Đó là nói xa một chút, bây giờ nói thẳng vào kinh. Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Đức Phật Thích Ca, lúc đó Ngài còn là đồng tử Thiện Huệ, sau này sẽ thành Phật; vậy thọ ký đó là Phật Thích Ca được gì? Phật Nhiên Đăng đem cái gì để thọ ký? Chỗ này nhiều người nghe tới, chắc tưởng tượng Phật Nhiên Đăng trao cho cái gì đó, nên sau này mới thành Phật! Có một pháp gì đó đặc biệt mà Ngài không nói được! Chỗ đó dễ bị lầm! Sau này, trong nhà thiền cũng nói là ấn tâm, hoặc ấn chứng, thầy ấn chứng cho trò khi trò có những cảm ngộ trình lên thầy, với người ngoài không ở trong cảm ngộ đó cũng nghi ngờ, không biết thầy trò ấn chứng cái gì trong đó? Đôi khi còn vẽ vời thêm cho kỳ lạ, nhưng sự thật hai chỗ thấy của thầy trò tương ứng nhau thì gọi là ấn chứng thôi. Tức là chỗ thấy của trò tương ứng với chỗ thấy của thầy thì được thầy chứng nhận “cái thấy của ông là đúng”, vậy là ấn chứng. Ở đây cũng vậy, chỗ thấy được của Ngài tương ứng chỗ thấy của Phật Nhiên Đăng, thì thọ ký sau thành Phật, chứ không phải đem một cái gì cho, rồi được một cái gì đó. Cũng như Tổ Huệ Khả sau khi nghe được pháp an tâm, một thời gian sau, một hôm Ngài thưa với Sơ Tổ:

- Hiện giờ con dứt hết các duyên.

Sơ Tổ gạn lại:

- Có rơi vào đoạn diệt chăng?

(Ông nói dứt hết các duyên coi chừng rơi vào đoạn diệt ) Tổ Huệ Khả thưa:

- Chẳng rơi vào đoạn diệt.

Sơ Tổ bảo:

- Làm sao biết không rơi vào đoạn diệt?

Ngài nói:

- Rõ ràng thường biết, nói không thể đến.

Sơ Tổ bảo:

- Đây chính là tâm thể của chư Phật đã truyền, ông trọn chớ có hồ nghi!

Đó gọi là ấn chứng, vậy thôi. Trong Hàn Sơn Thi có bài kệ nói về chỗ thọ ký này, bài kệ như vầy:

Thường văn Thích Ca Phật

Tiên thọ Nhiên Đăng ký

Nhiên Đăng dữ Thích Ca

Kỳ luận tiền hậu trí

Tiền hậu thể phi thù

Dị trung vô nhất dị

Nhất Phật nhất thiết Phật

Tâm thị Như Lai địa

Tức là “Đã từng nghe Đức Phật Thích Ca, trước kia được Phật Nhiên Đăng thọ ký”. “Nhiên Đăng với Thích Ca, chỉ luận trí trước sau” Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca tuy là hai, chỉ luận trí phát trước, trí phát sau vậy thôi, “Thể trước sau chẳng khác, trong khác không một khác” về trí phát thì có trước sau, nhưng cái thể trước sau không khác, cái thể không trước sau, vậy trong cái khác đó không có một có khác gì hết; tức Đức Phật trước Đức Phật sau dường như có khác, nhưng trong cái khác đó, cái thể Giác kia không hai. “Một Phật tất cả Phật, tâm là đất Như Lai”. Không ngoài tâm. Ngài Hàn Sơn nói rất là rõ nghĩa, từng nghe Phật Thích Ca trước kia được thọ ký ở Phật Nhiên Đăng, vậy thọ ký đó là cái gì? Chúng ta tưởng đâu như có cái gì đó được thọ ký thì như vậy có Phật Thích Ca được thọ ký, có Phật Nhiên Đăng đem cái thọ ký. Nhưng ở đây Hàn Sơn nói rõ Nhiên Đăng với Phật Thích Ca đó chỉ luận trí trước trí sau, tức Đức Phật Nhiên Đăng Ngài giác ngộ trước, trí tuệ mở sáng trước; Đức Phật Thích Ca, giác sau thì trí tuệ mở sau, thì trí dường như có trước có sau, nhưng cái thể nó không có khác. Tức luận trí thì có trước sau, nhưng luận thể thì không trước sau, không hai, chỗ thấy như như. Phật Nhiên Đăng giác ngộ cái tâm thể này, Phật Thích Ca giác ngộ cũng cái tâm thể đó, cái thể không có hai, nhưng có người giác ngộ trước, người giác ngộ sau, cho nên người này thọ ký cho người kia vậy thôi, chứ không phải có hai cái sai khác. Vì vậy trong khác mà không có khác gì hết, tức là Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Nhiên Đăng có khác, trong cái tướng khác nhưng cái thể kia không khác, chỉ một thể giác thôi. Giác ngộ cái đó, sống trọn vẹn thì thành Phật. Nên nói “một Phật là tất cả Phật”, một Đức Phật như vậy thì tất cả Phật đều như vậy, nếu có gì khác thì không phải. “Chính tâm là đất Như Lai”, ngộ được tâm, sáng được tâm là đất Như Lai, là chỗ thành Phật. Hiểu như vậy thì thấy thọ ký là thọ ký cái gì? Chỉ là ấn chứng chỗ thấy vậy thôi, rất là sáng tỏ rõ ràng không có gì mờ ám.

Như câu chuyện của Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đến tham vấn Lục Tổ, Lục Tổ hỏi:

- Ở đâu đến.

Ngài thưa :

- Ở Tung Sơn đến.

Tổ hỏi:

- Đem vật gì đến?

Nếu hỏi mình thì đáp sao? Nếu nói đem cái này, đem cái kia đến liền bị gạt. Ngài bị câu hỏi đó, đáp không được, ôm ấp đến tám năm. Qua tám năm đó, ngài đến thưa:

- Hôm nay con đáp được rồi.

Tổ hỏi:

- Ông đáp sao?

Ngài thưa:

- Nói giống một vật thì không trúng.

Tổ hỏi:

- Có tu chứng chăng?

Ngài thưa:

- Tu chứng chẳng phải không mà nhiễm ô chẳng thể được.

Tổ bảo:

- Chỉ cái chẳng nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông đã như thế, ta cũng như thế.

Chỗ đó là chỗ đặc biệt! Nó vốn không một vật, vậy tu chứng là chứng cái gì? Thường chúng ta nghe nói không một vật, thì có gì tu chứng? Nếu nói như vậy thì dễ bị lầm, sẽ rơi vào đoạn diệt, không có gì hết. Nhưng ở đây ngài nói: Tu chứng thì không phải không, là mình có thể chứng nghiệm được, chứ không phải nói rỗng, nói suông, song nhiễm ô không thể được, trong đó không gì nhiễm ô được. Nếu cứ nói một bề tu chứng thì người ta dễ mắt kẹt là có tu, có chứng; mà tu chứng trong đây là có thể thực chứng nghiệm được, chứ không phải nói suông trên môi thôi, có điều ở trong đó không cái gì có thể làm nhiễm ô được. Khi nói đến đó, Tổ bảo: - Chỉ cái chẳng nhiễm ô này là chỗ chư Phật hộ niệm, ông đã như thế, ta cũng như thế! Đó là ấn chứng. Chính chỗ “chẳng nhiễm ô” đó, là chỗ chư Phật thường hộ niệm, mà ông như thế, ta cũng như thế, ông cũng như ta, đó là ấn chứng. Hiểu rõ ấn chứng, không phải đem một cái gì cho, mà chính là chỗ thấy không hai, “ông đã như thế ta cũng như thế”, vậy ông như ta, là xong. Trong đây, ngài Tu Bồ Đề cũng cảm thông được chỗ đó, cho nên ngài đáp.

CHÁNH VĂN:

- Bạch Thế Tôn, không thể. Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đối với pháp thật không chỗ được.

GIẢNG:

Ngài Tu Bồ Đề đáp: “Như Lai ở chỗ  Phật Nhiên Đăng thật không chỗ được”. Bởi vì sao? Nếu mà Đức Phật Thích Ca có chỗ được thì Ngài không phải là Ngài nữa, Ngài thành chỗ được đó rồi, tức Ngài không phải Ngài mà Ngài thành một cái khác, đó là chỗ tế nhị. Nhiều người tu cầu cho được cái này, cái khác, mà được cái đó là đã qua cái khác rồi, không còn là mình nữa. Hiểu chỗ đó, mới thấy rõ thọ ký hay truyền tâm là không có gì khác để được, mà để nói lên chỗ ấn chứng là chỗ thấy rõ ràng của mình, xác định chỗ thấy của mình đúng với chỗ thấy của Phật của Tổ, gọi là ấn chứng. Như vậy, khi ấn chứng đó là mình thật ngộ mới được ấn chứng, người ngoài không thể biết, ông thầy mà không khéo cũng dễ tạo cho mình lớp mê mới, tới trình mà khen ngợi quá: Ông được cái này là đặc biệt, xưa chưa từng có, làm cho  người ta  tưởng  được cái gì trong đó, làm tăng thêm sở đắc là mắc kẹt. Bởi vậy trong nhà thiền khi ngộ rồi đến trình, thầy không khen kiểu đó, đôi khi chê, nếu mình thực ngộ rồi, thì khen chê không thành vấn đề. Như ngài Vô Nghiệp đến hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ  Ấn độ sang?

Ý tổ sư từ Ấn độ sang, tức trong đó có cái gì bí mật mà truyền, gọi là mật truyền? Nhiều người cứ tưởng Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung quốc, ngài đem một cái gì bí mật để truyền qua cho các vị bên này, bên đây nhận được cái gì đó làm Tổ. Cho nên các vị thiền tăng đi tham thiền thường đặt câu hỏi: - Thế nào là ý Tổ sư từ  Ấn độ sang? Ở đây ngài Vô Nghiệp hỏi:

- Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ  Ấn độ sang?

Mã Tổ bảo:

- Đại đức chính đang ồn, thôi hãy đi đi, khi khác lại đến!

Nghĩa là ông còn đang ồn lắm, khi khác đến. Cái gì ồn? Có phải trong đầu này đang ồn không? Nó đang ồn nên không thấy được chỗ này! Bởi vậy khi ông hỏi chỗ đó thì trong tâm ông đang nghĩ cái gì đó rồi, nghĩ Tổ Bồ Đề Đạt Ma có một cái gì đó đem đi truyền; khi có nghĩ là tâm mình đang loạn, nên ngài bảo như vậy đó. Vô Nghiệp bước ra, ngay khi bước ra đó, Mã Tổ gọi lại:

- Đại đức!

Bất thần bị gọi, Sư xoay đầu lại. Tổ bảo:

- Là cái gì?

Sư liền tỏ ngộ. Vậy có cái gì là mật truyền trong đó? Mới bước ra đó, gọi, xoay lại thì ngộ, mật truyền đó! Do đó, có vị quan hỏi thiền sư Đạo Ưng:

- Thế Tôn có mật ngữ, Ca Diếp chẳng che giấu, thế nào là mật ngữ của Thế Tôn.

Sư gọi:

- Thượng thơ!

Vị quan ứng:

- Dạ!

Sư hỏi:

- Hội chăng?

Vị quan thưa:

- Chẳng hội.

Sư bảo:

- Nếu ông chẳng hội thì Thế Tôn liền có mật ngữ, nếu ông hội thì Ca Diếp chẳng che giấu.

Nghĩa là khi chưa hiểu thì thấy đức Phật giống như có mật ngữ, có gì bí mật ngài không nói ra để cho người ta nghi. Như đọc các thiền sư, thấy các Ngài sao cứ nói đâu đâu, khó hiểu, nếu nói được thì cứ nói thẳng ra, có gì mà nói mí mí chi vậy, giống như có gì bí mật; nhưng khi ngộ rồi thì sao? Không có gì bí mật, sự thật là ngay nơi mình thôi chứ không có gì khác. Cho nên khi ngộ, ngài Vô Nghiệp liền lễ bái, thì Tổ bảo: “- Cái gã độn, lễ bái làm gì?” Độn là chậm lụt. Tại sao không khen? Đó là không cho mình sanh có tâm sở đắc. Khi được nói như vậy là đã hài lòng rồi, còn đợi khen thì chưa phải. Ngài Hoàng Bá có câu: “- Chỉ một tâm này, trọn không có pháp bằng một hạt bụi nhỏ có thể được. Tức tâm là Phật” Chỉ có một tâm này thôi chứ ngoài ra không có gì khác, dù là một hạt bụi nhỏ có thể được, tức tâm là Phật, khéo soi sáng lại tâm mình, chỗ đó là chỗ bí mật chứ không gì lạ. Hiểu rõ như vậy để sau không bị lầm, hoặc nghe ai nói “tôi có cái pháp cao siêu, vi diệu, ông theo tôi, tôi sẽ trao cho ông, pháp đó tu hành mau đắc đạo”, nghe nói như vậy là không phải thật rồi! Đó là đoạn nói về thọ ký không chỗ được.

CHÁNH VĂN:

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Tát trang nghiêm Phật độ chăng?

- Bạch Thế Tôn, không được. Tại sao? Trang nghiêm Phật độ, tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.

GIẢNG:

Phật hỏi Bồ tát có trang nghiêm Phật độ chăng? Ngài Tu Bồ Đề nói: Không được, tại sao? vì trang nghiêm Phật độ tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm. Tức là Bồ tát trên đường tu hành Bồ tát đạo, để tiến đến quả Phật thì, phải làm bao nhiêu công hạnh lành hồi hướng về cõi Phật, để khi thành Phật rồi, có một cõi nước tương ứng. Cũng như đức Phật A Di Đà có 48 nguyện, khi thành Phật rồi có cõi nước tương ứng với nguyện đó. Nhưng ở đây, trước đã nói không trụ nơi quả chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không thật có quả đó để được, nghĩa là không cho mình trụ nơi quả chứng; kế không có pháp thật để thọ ký, như vậy cái trang nghiêm này thì sao? Quả chứng không cho chấp, cho đến không thực có chỗ để thọ ký, vậy trang nghiêm để làm gì? Vì vậy phải hiểu rõ thế nào là trang nghiêm? Và trang nghiêm bằng cách nào? Các cõi nước mình đang sống đây, đầy dãy những hang, hầm, gò, nổng, lồi lõm núi cao, biển sâu làm sao san bằng cho hết? Còn tâm của chúng sanh thì mỗi người một nghiệp riêng, cũng làm sao trang nghiêm cho hết, để khi thành Phật, cõi nước đó đều được trang nghiêm tốt đẹp, đất đai đều thành lưu ly xa cừ, cây cối thành vàng bạc hết cả? Làm sao trang nghiêm được như vậy? Đây là chỗ phải chú ý! Đức Phật đã thành Phật, vậy còn ham muốn gì tốt đẹp nữa? Nếu đã thành Phật rồi, còn ham muốn vàng bạc châu báu gì nữa mà trang nghiêm cõi nước cho tốt đẹp để ở? Vậy phải hiểu trang nghiêm thế nào? Chính trang nghiêm đó, là trang nghiêm tự tâm, tâm thanh tịnh tức là trang nghiêm. Khi tâm thanh tịnh thì thấy cái gì cũng thanh tịnh, đó là trang nghiêm chân thật; còn mình cứ lo trang nghiêm bên ngoài mà không trang nghiêm tự tâm thì khó thành tựu được, cũng không thể sạch sẽ thanh tịnh như ý mình muốn. Bố thí, cúng dường, cất chùa, xây tháp thường gọi đó là trang nghiêm, nhưng chấp vào đó tức là trước tướng trang nghiêm, trang nghiêm mà chấp tướng. Bố thí mà chấp vào bố thí cúng dường, chấp vào cất chùa thì sao? Tâm mình không thanh tịnh mà làm những việc đó thì có trang nghiêm không? Nhiều khi làm những việc đó còn phiền não nữa. Bố thí, tâm không thanh tịnh thì sao? Bố thí mà còn hậu ý! ví dụ cho người đó mà hậu ý muốn nhờ người đó cái gì, hay cho người là muốn người phải biết ơn mình, hoặc bố thí như vậy để tỏ ra mình là con người hào hiệp, con người rộng rãi, khi có tâm đó là đã không thanh tịnh rồi, cho nên lỡ người kia không biết ơn trở lại thì phiền não liền, như vậy là có trang nghiêm chưa? Rõ ràng trang nghiêm là trang nghiêm tự tâm thì mọi việc làm gì cũng thanh tịnh hết. Kinh Duy Ma có câu:

Dục tịnh Phật độ,                    Đương tịnh kỳ tâm,

Tùy kỳ tâm tịnh,                      Tắc Phật độ tịnh

Tức là, muốn cho thanh tịnh cõi Phật thì phải thanh tịnh tâm mình, tuỳ nơi tâm mình thanh tịnh thì các cõi Phật thanh tịnh. Rõ ràng muốn cho cõi Phật thanh tịnh, trước phải thanh tịnh tâm mình, nếu tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật tương ứng. Tâm mình mà còn chứa nhiều hang hố, gai góc hiểm hóc trong đó thì sao? Thì làm hang ổ cho rắn rít, cọp beo nó ở, rõ ràng vậy thôi. Vậy tìm tịnh độ ở chỗ nào? Nên có câu: “- Tâm bình thì thế giới bình”, còn tâm mình chưa bình thì thế giới đừng mong bình. Lục Tổ cũng nói: “Tâm bình đâu cần giữ giới, hạnh thẳng nào phải tu thiền”, rõ ràng như vậy, tâm mình mà được an bình thì có tội lỗi gì đâu? Tâm bình thì làm ra cái gì cũng đâu có tội lỗi, khỏi cần giữ giới mà nó đã thành giới rồi. Còn các hạnh mình chân thật ngay thẳng thì lúc đó đâu có loạn gì, ngay đó là thiền rồi, còn tìm thiền nữa thì dư. Hiểu vậy thì căn bản là thanh tịnh tự tâm đó là gốc, tâm thanh tịnh thì thấy gì cũng trang nghiêm cho nên đây kinh nói“trang nghiêm tức chẳng phải trang nghiêm” bởi trang nghiêm đây không phải thật thấy có tướng trang nghiêm, thật có cõi nước trang nghiêm. Người xưa có câu: “Do tâm chúng sanh cấu nên phương Đông hiện ra cõi Ta bà”, nghĩa là do tâm chúng sanh nhơ nhớp nên phương Đông mới hiện ra cõi ta bà, nhơ nhớp đủ thứ và “do tâm chúng sinh tịnh nên mới có cõi Cực lạc ở phương Tây.” Như vậy tâm mình cấu thì hiện ra cõi Ta bà, còn tâm mình tịnh thì hiện ra cõi cực lạc ngay nơi mình, khỏi tìm đâu xa. Đem tâm nhơ cấu này về bên Cực lạc sống thì có thanh tịnh không? Ở bên đó đất bằng lưu ly, còn chim chóc đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, mà mình đem tâm nhơ cấu này qua đó thì nó có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng nỗi không, hay là tâm mình chứa những nhơ cấu buồn bực trong lòng thì dù nghe những tiếng bên ngoài như tiếng ca lăng tần già, tiếng ca hát hay cũng cảm thấy một nỗi sầu ảm đạm! Bởi tâm mình đang buồn bực nên thấy gì cũng u tối hết, rõ ràng là vậy. Còn tâm thanh tịnh dù thấy cảnh buồn bực gì đó nhưng thấy đều thanh tịnh sáng ngời. Hiểu như vậy đó, mới thấy trang nghiêm tịnh độ, căn bản là ở tự tâm, còn cứ lo trang nghiêm bên ngoài thì không thấy được. Vậy mọi người làm sao cho tâm thanh tịnh? Đây mới nói:

CHÁNH VĂN:

Vì vậy, Tu Bồ Đề! Các vị Bồ Tát Lớn nên như vầy mà sanh tâm thanh tịnh: chẳng nên trụ sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy.

GIẢNG:

Sanh tâm thanh tịnh là như vậy đó. Chữ “vì vậy”, để kết lại vì sao trang nghiêm mà chẳng phải trang nghiêm, gọi là trang nghiêm. Bởi Bồ tát phải sanh tâm thanh tịnh như vậy mới thật là trang nghiêm, tức là không trụ sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp, nơi sáu trần không trụ vào một chỗ nào hết mà sanh tâm ấy, là tâm thanh tịnh. Ý nghĩa trang nghiêm hiện rõ trong này. Vậy thế nào là tâm thanh tịnh? Tâm thanh tịnh là “tâm không trụ” chứ không gì khác. Tâm không trụ vào một cái gì hết, nghĩa là không trụ vào một trần nào, đó là tâm thanh tịnh. Bởi tâm có trụ tức còn dính tướng, trụ vào trần nào thì dính vào tướng đó, mà tâm có dính tướng là có chỗ để duyên theo, tức có chỗ để khởi vọng sanh phiền não; còn tâm không trụ vào một cái gì hết, tức đâu có chỗ để bám, thì đâu còn chỗ để duyên, vậy vọng bám vào đâu để khởi? Khi vọng tưởng có khởi, là khởi về cái gì đó, nghĩa là nó có đối tượng, tức có chỗ để khởi; còn ở đây không có chỗ nào để bám thì bám vào đâu để khởi? Như vậy vọng không khởi thì phiền não từ đâu sanh? Ngay đó tức tâm thanh tịnh. Vì vậy tâm không trụ vào một chỗ nào hết, đó là tâm thanh tịnh, thanh tịnh là như vậy, thanh tịnh là không chỗ trụ. Song cần chú ý: “sanh tâm thanh tịnh”, là tâm thanh tịnh sao phải sanh? Đó mới là chỗ khó hiểu. Nếu sanh thì đâu thanh tịnh? Vì có sanh là có diệt rồi, mà ở đây nói sanh tâm là sao? Đó là một ý nghĩa sâu xa, nếu không có thể nghiệm rõ ràng cũng khó thấu được “sanh”, quý vị đọc kỹ trong văn kinh: “sanh” mà không có chỗ gì để trụ hết, không trụ sắc sanh tâm, không trụ thanh, hương vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Sanh mà không có chỗ trụ, sanh mà không có chỗ nào để sanh hết, vậy thì làm sao sanh? Đó là ý, để ngừa rơi vào đoạn kiến chấp không, e người nghe nói không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không trụ vào một chỗ nào hết, người ta dễ mắc kẹt vào cái không tưởng, tưởng như vậy là không còn gì hết, vì không còn chỗ nào để bám, sẽ sanh ra cái lo sợ, chới với. Do đó Phật nói không trụ gì hết mà sanh tâm thanh tịnh. Khi không trụ vào cái gì, không phải là không còn gì, mà chính ngay đó tâm thanh tịnh hiện bày rõ ràng. Vì vậy “sanh” là một lối nói, để hiểu rõ khi tâm không trụ vào một cái gì thì ngay đó tâm thanh tịnh hiện bày, không mắc kẹt vào có hoặc không. Bởi không trụ vào một cái gì, là không kẹt có, sanh tâm thanh tịnh là không kẹt không; qua được cả hai, không mắc kẹt nơi “có” nơi “không”, ngay đó “rõ ràng thường biết”. Có một điều đặc biệt là “nói không thể đến”, đó mới là chỗ khó hiểu, bởi vì sao? Vì đây là chỗ mình phải thể nghiệm chứ không phải chỗ để nói năng; nếu nói đến tức là có chỗ trụ, mà có chỗ trụ tức là có tướng, là nó không còn thanh tịnh. Đây là chỗ chính mình khi sống được, thể nghiệm được thì thầm biết. Cho nên trong nhà thiền có câu “nóng lạnh tự  biết”, làm sao diễn tả được chỗ đó cho người hiểu, nếu người khác chưa sống được chỗ đó? Nên Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng đến chỗ này, ngài liền đại ngộ la lên: “Đâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt v..v.” năm cái đâu ngờ; còn chúng ta bây giờ nghe thì la được gì? Bởi vì sao? Là vì còn có chỗ trụ, cho nên chưa la lên được, chứ ngay đây mà không trụ vào bất cứ chỗ nào hết thì tỏ ngộ ngay! Không còn chỗ nào để bám, tức tâm thanh tịnh hiện bày, thì tỏ ngộ liền, chứ hiện giờ còn có chỗ bám chưa dám buông làm sao tỏ ngộ được? Đơn giản vậy thôi. Để thấy rõ, tâm mình trụ vào sáu trần là tâm vọng; còn tâm mình không trụ vào tất cả, đó là tâm chơn, ngay đó chơn vọng phân minh. Bởi vậy trong kinh Lăng Nghiêm có một đoạn rất hay: “Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay mọi thứ điên đảo, còn những người tu hành thì chẳng thành Vô Thượng Bồ đề, riêng thành Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo đều do chẳng biết hai thứ căn bản mà tu tập lẫn lộn.

Một là căn bản sanh tử từ vô thỉ: chính là ông cùng mọi chúng sanh hiện nay dùng tâm phan duyên mà làm tự tánh (tâm phan duyên là tâm trụ sáu trần, dùng tâm đó làm tự tánh) đó là căn bản sanh tử từ vô thỉ, (trụ vào cái này, trụ vào cái kia cho nên nó dẫn mình đi luân hồi, quên mình nhận cái đó làm tự tánh nên nó dẫn mình đi, đi khắp cả sáu trần, đi vòng vòng không hết.)

Thứ hai là thể Bồ đề Niết bàn vốn sẵn thanh tịnh từ vô thỉ: tức cái thức tinh nguyên minh của các ông, (thức tinh nguyên minh tức là cái biết sáng ngời trong sáng thuần nhất chưa xen tạp gì) nó hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót nó”. Chính vì các duyên bỏ sót mà đi vào luân hồi, còn rõ biết được nó thì chính nó là căn bản, là thể của Bồ đề Niết bàn sẵn thanh tịnh từ vô thỉ; “cái biết trong sáng đó” thuần nhất chưa có xen tạp, nó luôn luôn hiện hữu ngay nơi mình, nhưng nó hay sanh ra các duyên, biết cái này, biết cái nọ, biết cái kia, cái gì cũng biết hết, chỉ tiếc vì theo các duyên mà bỏ sót nó, chỉ nhớ cái này cái nọ thôi nên đi vào luân hồi, trái lại biết tất cả duyên mà luôn có mặt nó không quên, chính đó là cái thể Bồ Đề Niết Bàn không gì khác. Tóm lại, căn bản sanh tử là nhận cái tâm phan duyên, nhận cái tâm duyên nơi sáu trần làm tự tánh; còn cái tâm biết tất cả mà mình không bỏ sót nó thì đó là thể Bồ Đề luôn luôn hiện hữu nơi mình, nhớ cái đó là mình sống trở về Bồ Đề Niết Bàn, rõ được cái đó thì mình biết được cái nhân tu hành của mình rõ ràng không còn sai lầm nữa, đó là cái nhân chân thật, cái nhân đó là cái nhân không sanh diệt, hợp với cái quả không sanh diệt, đó là nhân với quả không còn sai lạc. Như vậy, ngay đây khéo soi trở lại cái biết nó đang sáng rõ nơi mình đó, để luôn luôn sống vững ở trong đó, không để quên nó mà theo các trần hoặc là đồng hóa nó với các thứ trần. Thường chúng ta hay đồng hóa nó với các trần, như thấy cái hoa này liền đồng hóa nó với cái hoa, nên chỉ còn biết nó là cái hoa thôi, đâu có nhớ tới nó! Nghe tiếng thì chỉ nhớ tiếng thôi, không hề nhớ cái đang nghe rõ ràng sáng suốt đây, nên có tiếng thì có nghe, hết tiếng thì không nghe, tức đồng hóa nó với cái tiếng; còn luôn luôn nghe tất cả nhưng không quên nó, không bỏ sót nó, chính đó là đang sống trở về với thể Bồ Đề Niết Bàn. Mê ngộ cũng ngay nơi đây. Ý nghĩa trang nghiêm cũng ngay đó thôi. Trang nghiêm là trang nghiêm tự tâm mình như vậy đó, còn chỉ lo trang nghiêm bên ngoài, không lo cái gốc này thì trái xa lý thật. Cho nên Ngài Phó Đại Sĩ, là hiện thân của Bồ Tát Di Lặc, Ngài có bài tụng về  đoạn này:

Tảo trừ tâm ý địa,                             Danh vi tịnh độ nhân.

Vô luận phước dữ trí,                      Tiên thả ly tham sân.

Trang nghiêm tuyệt năng sở,         Vô ngã diệc vô nhân,

Đoạn thường câu bất nhiễm,       Dĩnh thoát xuất hiêu trần.

“Quét sạch đất tâm ý, Đó là nhân Tịnh độ” chớ lo tìm tịnh độ ở chỗ khác, nếu tâm ý mình không có sạch.

“Chẳng kể phước cùng trí, Trước hãy lìa tham sân”, bất kể nói phước hay nói trí thế nào, nhưng trước phải lìa tham sân mới được. Nếu chưa lìa tham sân mà có phước có trí thì sao? Có phước, có trí cũng dễ mang họa nữa; có phước mà chưa lìa tham sân thì dễ tham đắm vào cái phước đó tạo tội không chừng. Thực tế cho thấy, mấy người có phước nhiều quá, rồi tham đắm vào cái phước đó cũng dễ tạo lỗi; có trí cũng vậy, trí mà chưa lìa tham sân thì trí đó là trí gì? Nó nguy hiểm vô cùng phải không? Trí đó mà nó nổi tham sân lên thì sao? Tức sẽ dùng trí đó lập thành cái mưu này, kế kia mà hại người ta thật rất nguy hại!. Cho nên không kể phước hay trí, trước tiên phải lìa tham sân là chính.

“Trang nghiêm bặt năng sở, Không ngã cũng không nhân”, Trang nghiêm vốn bặt cả năng cả sở, là không thấy có mình, có người trang nghiêm; năng là ở nơi mình, sở là cái đối tượng.

“Đoạn thường đều chẳng nhiễm. Vượt hẳn ra cõi trần”, nghĩa là không dính nơi đoạn, nơi thường hai bên có không, vượt ra ngoài sáu trần này, chính là thanh tịnh đó! Gốc là phải quyét sạch nơi tâm, đó là nhân Tịnh độ. Trang nghiêm tịnh độ là phải trang nghiêm tự tâm là như thế. Đoạn kế:

CHÁNH VĂN:

- Tu Bồ Đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu Di, ý ông nghĩ sao? Thân đó to lớn chăng?

- Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, rất to lớn. Tại sao? Phật nói chẳng phải thân, đó gọi là thân to lớn.

GIẢNG:

Bởi vì ở trước nói Bồ Tát tu lục độ, trang nghiêm cõi nước mà không thấy có cõi nước trang nghiêm, như vậy Phật có báo thân, báo thân đó có nhiều công đức, khi tu đầy đủ mọi công đức đó thì báo thân này sao đây? Ở đâu? Trang nghiêm cõi nước mà không hề có cõi nước trang nghiêm thì báo thân của Phật sẽ ở đâu? Cho nên ở đây Phật mới thí dụ, có người thân to lớn như núi chúa Tu di. Núi chúa Tu di đây, là theo Kinh nói rằng, giữa bốn châu thiên hạ có núi Tu Di, Trung Quốc gọi là núi Diệu Cao, nghĩa là nó vừa cao khỏi mặt nước (84 ngàn do tuần) nó vừa diệu do bốn thứ báu lưu ly, kim, ngân, pha lê hợp thành. Ai thử nghĩ một người có thân to lớn như núi chúa 84 ngàn do tuần, bằng mấy chục ngàn cây số thì như vậy người đó là người gì? Làm sao nhìn thấy cho hết? Phật hỏi Tu Bồ Đề thân như vậy có to không? Ngài Tu Bồ Đề đáp: “- Rất là to lớn.” Ngài đáp như vậy là sao? Ngài hiểu ý Phật không? Thân dù cho to lớn đến đâu nhưng đã có tướng thì sao? Có tướng tức là có đối đãi mà có đối đãi, tức là có vô thường, cái thân to lớn như núi Tu Di, cao cả 84 ngàn do tuần nếu mà có cái thân to lớn tới 90 ngàn do tuần thì sao? Thân này thành nhỏ rồi! Cho nên có tướng là có đối đãi thì chưa phải thật, vậy Ngài Tu Bồ Đề Ngài không biết ý đó sao, Ngài lại trả lời rất to lớn? Đó là ý gì? Ngầm ý nói là Ngài không phá hoại tướng của thế gian, đứng về thân tướng mà nói thì thân rất là to lớn, nhưng Ngài cũng hiểu được ý Phật hỏi như vậy là không phải nhắm vào cái thân tướng đó, mà nhắm vào pháp thân vô tướng kia, cho nên Ngài nói tiếp: “Phật nói chẳng phải thân đó mới gọi là thân to lớn”, tức là nói cái thân đó, nó to lớn như vậy, nhưng nó còn có tướng lớn tướng nhỏ, tương đối với nhau thì chưa phải là thật lớn, chính không còn có một tướng lớn nhỏ đối đãi, vượt qua mọi tướng, đó mới là thân to lớn, thân đó là thân gì? là pháp thân to lớn của chính mình. Thấy như vậy, là tâm thanh tịnh; còn tâm mà thấy tướng thì sao? Nghe nói tướng lớn đó, tưởng là tướng lớn, tức dính nơi tướng, là mất thanh tịnh, bị cái tướng nó che rồi. Chấp vào cái tướng thấy nghe đó, nghe nói tướng lớn, tưởng có một cái tướng to lớn gì đó bằng cả núi Tu di, thì pháp thân của mình nó bị cái tướng đó che, bị cái tưởng đó khuất lấp, đâu thanh tịnh? Ngài Phó Đại Sĩ có câu: “Có hình trọn chẳng lớn, không tướng mới là chân.” Có hình tức là thân tướng mà có hình thấy được là nó chẳng lớn, vì còn đối đãi bị thấy; cái không tướng đó mới là thật, mới là lớn. Do đó chúng ta nghe nói Phật có ba thân, pháp thân, báo thân, hóa thân, cũng dễ mắc kẹt. Tổ Lâm Tế có đoạn nói về ba thân như sau: “Trên tâm niệm thanh tịnh sáng suốt là ngôi nhà Phật pháp thân của ông. Trên tâm niệm vô phân biệt sáng suốt đó là ngôi nhà Phật báo thân của ông. Trên tâm niệm vô sai biệt sáng suốt đó là ngôi nhà Phật hóa thân của ông. Ba thân này là người hiện nay đang ở trước mặt nghe pháp của ông đây.” Chúng ta nghe nói Phật có ba thân, tưởng là có ba cái thân, một cái thân là pháp thân, một cái thân là báo thân, một cái thân là hóa thân. Nếu hiểu kiểu đó thành ra một người có ba ông Phật, hoặc một ông Phật mà có ba cái thân thật, không biết thân nào là ông Phật đó? Đây là mắc kẹt trên ngôn ngữ. Ngài Lâm Tế nói rõ, ba thân này là người đang nghe pháp trước mặt của ông ở đây chứ không đâu khác, người đó có hình tướng gì? Ngộ được người đang nghe pháp đây, và sống được với con người đó, đầy đủ tất cả công đức là thành tựu báo thân; khi thành tựu được công đức đó thì, tùy duyên mà mình ứng dụng ra, đó là hóa thân, Đây là phá cái chấp ba thân ở trên danh tướng, để cho người soi trở lại tự tâm chính mình, thấy như vậy là tâm thanh tịnh, chấp tướng thì không thanh tịnh. Đến đây là thân, cõi đều phá hết, cõi nước trang nghiêm cũng không có thật để trang nghiêm, thân cũng không có thật thân lớn, mới gọi là thân lớn, tức hiển bày pháp thân vô trụ chính mình rõ ràng rồi còn gì nữa! Thân cõi đều bặt, ngay đó pháp thân vô trụ hiện sờ sờ. Trái lại nếu ngay đây có một niệm phân biệt thì sao? Nếu nghe nói pháp thân thanh tịnh và nghe nói trang nghiêm cõi nước, liền khởi cái ý niệm dơ sạch, chính ngay đó hết trang nghiêm rồi. Còn dứt niệm dơ sạch thì ngay tâm đó là tâm thanh tịnh, đó là cõi Phật trang nghiêm. Như vậy để kết lại phần này, xin nhắc lại bài kệ của Sơ Tổ cho nhớ.

Chân như việt tam giới,                  Cấu tịnh bổn lai vô.

Năng nhân khởi phương tiện,    Thuyết tế cập thuyết thô.

Không giới vô hữu pháp,                Thị hiện nhất luân cơ.

Bổn lai vô nhất vật,                         Khởi hữu lưỡng ban hồ.

Tức là “Chân như ngoài ba cõi. Nhơ sạch xưa nay không” cái chân đó vượt ngoài ba cõi, Xưa nay không có dơ không có sạch, đừng có mắc kẹt niệm dơ sạch.

“Năng Nhân khởi phương tiện, Nói tế và nói thô.” Năng Nhân chỉ cho Phật. Phật gọi là Năng Nhân Ngài khởi phương tiện nói tế nói thô, sở dĩ nói thân này đẹp, thân kia xấu là dùng phương tiện để dẫn dắt chúng sanh thôi. Bởi vì chúng sanh ưa đẹp, ghét xấu, Ngài phải nói có cái thân tốt đẹp, sáng ngời phóng hào quang họ mới lo tu, mới chán bỏ thân này. Như Phật nói cái báo thân của Phật cao cả ngàn thước, đầy đủ muôn công đức trang nghiêm tốt đẹp, người nghe liền thích; đó là phương tiện để dẫn dắt người thôi.

“Cõi không không có pháp, Thị hiện một vòng tròn.” Trong cõi không nó không có một pháp thật nào hết, nhưng tạm thị hiện một vòng tròn, là chỉ cho một vầng trăng sáng, cũng là tạm bày thôi, chứ trong đó nó không có tướng, cái chân thật này nó có hình tướng gì?

“Xưa nay không một vật, Há có hai thứ sao?”, trong đó xưa nay vốn không có một vật gì, thì có báo thân, có hóa thân gì nữa?  Đó là cái phương tiện, chúng ta phải khéo thấy trở lại pháp thân vô tướng, đó mới là chỗ chân thật. Chính pháp thân chân thật đó, nó không có hình tướng, không có một vật gì, thì nó có chỗ nơi gì để ở? Trang nghiêm cõi nước tốt đẹp để cho ai ở? Trong kinh Duy Ma Cật có nói: “- Sở dĩ Bồ Tát nhận lấy cõi nước trang nghiêm tốt đẹp là vì chúng sanh”, vì để độ những chúng sanh theo căn cơ, sở thích của họ, nếu muốn tốt đẹp thì hiện ra cõi Cực lạc, nhận cõi Cực lạc, ai thích cõi tốt đẹp trang nghiêm thì tự nguyện sanh về cõi Cực lạc, người trí phải thấy lại chỗ chân thật vô tướng, chỗ đó mới là chỗ chân thật, chứ đừng mắc kẹt trong tướng, mới là mở sáng con mắt Bát Nhã của mình. Để thấy ý nghĩa trang nghiêm tịnh độ là như vậy đó.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

440163
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
879
2424
13047
401307
65698
73473
440163