Là hạnh phúc có điều kiện. Do con mắt sáng cho nên tôi cảm thấy hạnh phúc. Vậy người bị mù lòa họ không thể có được hạnh phúc hay sao? Khi có thật nhiều tiền, của cải, nhà lầu, xe hơi, đi du lịch... tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc. Vậy hiện nay ai bắt buộc mình phải đau khổ?
Do điều này có cho nên tôi cảm thấy hạnh phúc. Khi không phải như thế thì tôi cảm thấy khó chịu, khổ đau. Là chuyện thường tình, không nói thì ai cũng biết. Hạnh phúc ấy chẳng có triết lý gì sâu xa để phải bàn nói. Đó là hạnh phúc có điều kiện. Nhưng những điều kiện, yếu tố khiến cho chúng ta được hạnh phúc ấy lại mong manh, không bền chắc và cũng không dễ dàng đạt được như ý. Một niềm hạnh phúc được đặt nền tảng trên những thứ mong manh như thế, cho nên nó luôn luôn cứ như là chập chờn đùa dỡn với con người. Vừa thoáng thấy lại vụt mất; bởi sự thật không thể có gì để trao cho chúng ta được niềm vui trọn vẹn. Vì thế, đời người vui ít khổ nhiều. Con người ít khi được hạnh phúc, mà thường phải gánh chịu nhiều nỗi khổ niềm đau.
Hằng ngày, những lúc mạnh khỏe thì kêu gọi nương nhờ được nhiều thứ bên ngoài; chia bùi, sẻ ngọt, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đến khi nằm trên giường bệnh rồi thì mọi thứ bên ngoài đều vô nghĩa, bất lực. Sự trái ngang, cay nghiệt của cuộc đời là như thế. Lúc chưa cần thiết thì lại cho phép chúng ta giúp đỡ nhau được. Đến khi cần rồi thì có muốn giúp cũng không thể giúp được gì thêm. Có quý trọng nhau bao nhiêu cũng không thể gánh thay cho sự đau đớn của mình đang cơn hoành hành, bệnh tật. Nhà cao cửa rộng, của cải ắp lẵm, tràn trề, nhưng không cứu được mạng sống mong manh. Chức lớn quyền cao, cũng không thể chở che, sống thay cho nhau được. Có khi nhìn đống tài sản càng cao, lại càng thấy đớn đau, vô nghĩa. Lúc này mới thấy rõ, niềm vui của tiền tài, danh vọng, ngũ dục thế gian mang lại chỉ là thứ hạnh phúc an ủi trong nhất thời. Bởi con người chưa đủ duyên lành để nhận chân được niềm vui nào bền chắc hơn, cho nên vội vàng vay mượn, tạm thời nắm bắt những gì đang có để khỏa lấp, sống vùi qua ngày tháng.
Con người bị khổ là do chưa một lần hoạch định rõ ràng, trong mình lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ và không thoải mái. Nếu tỉnh tâm nhìn lại, sẽ thấy rõ để khẳng định: Một tháng, gia đình cần bao nhiêu cho sinh hoạt, cuộc sống? Còn lại là của xã hội, của mọi người. Đi du lịch cũng đóng góp cho xã hội. Đầu tư làm ăn cũng để góp phần tăng trưởng cho xã hội. Dư được nhiều thì xã hội được nhiều, nếu tháng nào được ít hơn thì cũng của xã hội được ít thôi. Với mình hoàn toàn không dính dáng. Rõ ràng, khẳng định, quả quyết như vậy, tinh thần chúng ta sẽ được an, cuộc sống mới được tốt đẹp.
Tuy nhìn lên thì chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống vẫn còn nhiều người nghèo khó hơn mình. Với những gì đang có, mình vẫn sống tốt. Hễ thấy đủ thì bao nhiêu cũng đủ, lòng sẽ an vui. Thấy còn thiếu thì bao nhiêu cũng không vừa lòng, chỉ khiến bất an, đau khổ. Có người cất một am tranh, tháng ngày vui sống. Khi đói thì rau nước sẵn đủ. Sáng sớm thì khói sương vắt ngang chừng núi, ảo huyền. Đêm về gió trăng lồng lộng, có gì thiếu thốn? Không đua đòi, mơ tưởng, tạm chấp nhận và hài lòng với những gì đang có để sống vui. Quan niệm và sống như thế có thanh cao hơn, nhưng niềm an lạc này vẫn còn trong có điều kiện. Nếu hoàn cảnh cho phép như ý để an bần thủ đạo thì có an lạc, hạnh phúc. Giả sử khi bị chiến tranh loạn lạc, lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, chỗ ngồi cũng không có thì lấy gì, nương vào đâu, bằng cách nào để được an ổn, nói gì đến sự an vui? Cho thấy, đây cũng là hướng sống tốt, nhưng chưa phải rốt ráo chân thật.
Hạnh phúc chân thật tuyệt đối trước tiên là hạnh phúc vô điều kiện. Không do điều kiện gì cả, tâm này tự vui. Hạnh phúc ấy bắt nguồn từ tâm tánh lặng sáng nơi mỗi người. Trong ấy vốn sẵn ngập tràn lạc an, không vì một điều kiện gì bên ngoài khiến cho chúng ta vui hay buồn khổ cả.
Thử rũ xuống tất cả, lặng tâm, tỉnh sáng, sẽ cảm nhận được niềm vui nhẹ nhàng nhưng đong đầy. Năng lực này càng mạnh, chúng ta càng được bình tâm trên mọi cảnh duyên, niềm vui sẽ luôn có mặt trên mọi hoàn cảnh, tình huống, không luận là thuận hay nghịch. Đây là niềm vui sẵn đủ nơi chính mình, tự mình được an vui, chứ không đợi đến bất kỳ điều kiện nào bên ngoài đạt được như ý, mình mới có được hạnh phúc. Vô thường thành bại, đến đi của cuộc đời không làm ảnh hưởng đến niềm hạnh phúc này, bởi nó không bị lệ thuộc, không vì những điều kiện ấy mà có.
Một lần buông sạch, tâm này sáng ra, mọi thứ chỉ là bình thường, không còn đủ giá trị để chi phối. Là nhờ vào năng lực từ bản tâm chân thật mỗi người. Lúc này trên mọi cảnh duyên thuận nghịch cũng vẫn một tâm bình thường không đổi. Lắm việc hay không việc cũng chỉ như thế, luôn nhàn. Ngũ Tổ nói, người đến đây rồi, dù múa đao giữa trận chiến vẫn không bị mất. Vẫn bất động nhưng sáng ngời, linh hoạt; an vui nhẹ nhàng nhưng thênh thang trùm khắp. Một niềm hạnh phúc chân thật như hình ảnh đức Phật Di Lặc dù đời có thế nào, miệng Ngài vẫn luôn tươi cười hết cỡ.
Gặp lúc ốm đau, tiền của, địa vị không thể gánh giúp cho mình khỏi đớn đau được. Dù thân thiện cách mấy cũng chỉ biết lặng nhìn, xót xa. Mới thấy, tiền tài danh vọng chỉ chơi với mình lúc còn thuận duyên, khỏe mạnh. Đến khi thất bát, bệnh đau thì mấy anh bạn này bất lực, có khi còn quay lưng, phụ bạc mình. Một người bạn như thế có được coi là hết lòng trung thành và vì nhau hay không? Vậy mà hầu như mọi người ai ai cũng đang tìm niềm hạnh phúc trên những người bạn khó lòng thủy chung như thế. Ngộ ra được sự bất lực của mọi thứ trần đời không thể gánh vác gì được cho mình những lúc nguy nan. Nhận rõ, chỉ có năng lực của bản tâm chân thật nơi chính mình mới cứu giải mọi chuyện cho bản thân mình được. Từ đó, mỗi người nên “gói trọn đời mình làm tri kỷ”. Mình sẽ là tri kỷ của chính mình, đừng lệ thuộc vào ai hay bất cứ gì bên ngoài cả. Bằng cách nhận lại tâm tánh lặng an vốn sẵn nơi mỗi người, không ai thiếu vắng. Hằng ngày huân tu, sống bằng chính nó thì tự nó sẽ có mãnh lực, định tỉnh, sáng suốt. Cái đau của thân thể bệnh hoạn không làm cho năng lực này đau được; cái loạn của giặc dã ngoài chiến trường không làm cho tánh sáng này máy động nổi, bởi nó lìa cả định và động.
Sống bằng chân trời sáng biết bất động này, bóng dáng của đau khổ không còn. Chính mãnh lực định tỉnh, sáng suốt này cho ta một khả năng ổn định, tỉnh sáng, không gợn chút bàng hoàng, lo sợ. Không phải sống để chờ bệnh, chờ chết, mà bệnh chết là điều mà ai cũng lo sợ, cho nên lấy đó để đo lường năng lực sống của mình. Khi đã sống là chính mình đúng nghĩa và trọn vẹn như thế, chúng ta sẽ có được sức định tỉnh, an vui, lạc quan trong từng khoảnh khắc, cho chúng ta một cuộc sống trọn vẹn. Lúc bệnh, gặp chuyện không may, hay đứng trước ngưỡng cửa tử thần, năng lực này giúp chúng ta hóa giải, không bị chi phối để cho mình phải đớn đau, lo sợ, khổ não… Khi thuận duyên, lúc nghịch cảnh, anh bạn “tri kỷ chính mình” này luôn có mặt để sẻ chia, gánh vác những đớn đau cho mình được. Anh này mới là người tri kỷ thực sự và đúng nghĩa. Sống được như thế mới cảm nhận được sự lợi lạc khi biết sống trọn vẹn bằng chính cái chân thật nơi mình. Chính năng lực ấy là cội nguồn của hạnh phúc chân thật, cho ta một cuộc sống viên mãn, đong đầy mà không đợi đến bất cứ một điều kiện gì bên ngoài mang lại.
Mới thấy, ngoài những niềm vui thông thường trong cuộc sống, con người còn có một niềm vui bất tận, thanh thoát nhẹ nhàng, ngập tràn từ một tâm thể giác sáng không động, không thể nào đem niềm vui huyễn ảo nhất thời của thế gian mà so sánh đến được. Có vào núi mới cảm nhận được núi rừng thanh vắng. Vượn có hú vang, chim có réo gọi ríu rít cũng trong ngần, không làm sao phá nổi vẻ thanh u tịch mịch. Có xuống biển mới thấy hết biển trời bao la. Sóng có vỗ, nhạn có tung cánh vờn bay, cũng chỉ điểm tô, xé sao được thênh không vời vợi. Có ngồi lại thực hành tỉnh tâm, tự mình mới cảm nhận hết nguồn lạc an thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng ngập tràn bất tận ấy. Niềm vui này không có gì đánh đổi được. Nó không bị vô thường sanh diệt chi phối, và mãi theo ta đi suốt mọi nẻo đường.