Vừa qua, đoàn Chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử Thiền phái Trúc lâm đã có chuyến hành hương tham cứu và tìm hiểu Thiền Tông Nhật Bản, đến thăm các ngôi Thiền tự thuộc các Tông Lâm Tế và Tào Động tại đất nước mặt trời mọc. BBT xin giới thiệu bài viết của Thầy trụ trì TVTL Bạch Mã ghi lại những cảm nhận sau chuyến hành hương đầy ý nghĩa này.
...Nói theo kiểu người xưa:
Thuyền lẻ cùng qua sông,
Còn có duyên từ trước.
Bảy ngày cùng đi Nhật,
Đâu không duyên nhiều đời.
Dù thoáng chốc tình cờ hay đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, hoặc cố ý hay vô tình, tất cả đã tạo nên nhân duyên, hình thành một chuyến tham cứu Thiền Nhật Bản đầy ý vị.
Những khung cảnh bình dị gần gũi mà thanh thoát, siêu nhiên của xứ sở mặt trời mọc; những ngôi Thiền tự hoành tráng hay mộc mạc đơn sơ; đến như giai thoại “con heo”; những nói cười thông thoáng; những câu chuyện thiền đầy ý vị; những công án “vất vả” hoặc “có gì đâu!”; những bất chợt phá lên cười ha hả... rồi dừng bặt... tất cả đã tạo nên những dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người đã tự mình chứng kiến, nếm trải suốt hành trình.
“Mưa cho nắng đẹp tình cờ!” Bên cạnh những lung linh huyền ảo, cuộc đời luôn có những sắc màu ngược lại, tương phản, tạo nên vẻ đẹp bất ngờ! Song song với những thuận duyên, đoàn đã gặp phải một số nghịch duyên nhất định. Trong hoàn cảnh khó khăn mới thấy hết tình người, mới thấy rõ đạo lý nhiệm mầu hiển hiện. Tuyệt vời thay, trước những duyên nghịch này, mọi người lại thể lộ được một đạo lý phi thường, đúng nghĩa con cháu nhà thiền Việt Nam đã thấm nhuần thiền vị trong mọi hoàn cảnh. Sự trầm lặng nhưng đầy hoan hỷ, tùy duyên của quý vị Ni trưởng; sự sống động, quắc thước, lạc quan của ni sư Hạnh Huệ; sự tươi vui, nhiệt huyết và đầy đạo vị của quý Sư cô; sự tận tụy, nhiệt tâm, tháo vác nhưng luôn vui tươi của “tứ quý” hay “tứ quái” đã lo cho đoàn; sự hy sinh thầm lặng nhưng luôn toát lên đạo phong hoan hỷ, chóng hòa nhập và tùy thuận của Nhân trưởng đoàn bất đắc dĩ; cho đến những khôi hài sôi động hay lặng thầm nhưng đầy hỷ tâm của quý Phật tử... tất cả đã thể hiện được tấm lòng mỗi người dành cho nhau trong lúc gặp khó khăn, cũng như thể lộ được một đạo tâm sống động, đầy thiền vị.
Trời tối, bụng đói, mệt nhoài, chỉ chờ đến quán ăn để giải quyết nhiều việc như là đầy xăng, ăn uống... Nhưng xe lại chạy lộn đường, vòng vèo lên xuống, tiến thối lưỡng nan... Nghe trưởng đoàn thông báo “8 giờ phải trả xe, chúng ta không ăn kịp, chỉ vào trả tiền rồi đi ngay.” Cả đoàn cười ồ lên một cách tự nhiên không hề có ý, không biết có phải là “thế à!” hay không nữa? Đến quán ăn, trưởng đoàn lên tiếng: “Trong khi chờ đợi giải quyết một số việc, có được thời gian nào tận dụng thời gian ấy. Ăn cũng trả tiền, không ăn cũng trả tiền. Đoàn cứ tranh thủ vào ăn được chừng nào thì ăn.” Cũng một tràng cười ồ lên không thêm không bớt, cả đoàn ngồi vào bàn có gì ăn nấy. Cứ ngỡ nhân viên dọn đúng thứ tự theo cách nhà hàng, sẽ có món khai vị hợp lý. Ngờ đâu chỉ mới kịp dọn một đĩa rau cải sống trộn giấm chua lè. Thế nhưng ai nấy đều hoan hỷ cầm đũa ăn ngon lành. Chưa được một đũa rau vào miệng, trưởng đoàn lên tiếng: “Xin quý vị tranh thủ đi, hết thời gian rồi, không chờ được nữa. Một phút cũng không, hai phút cũng không.” Đúng là cơm đưa tới miệng còn rơi. Cả đoàn cười ồ lên vô tư. Lần này không chỉ “thế à!”, chúng tôi còn thêm chút hương vị mới tươi tiếu tiếu, tranh thủ lấy đĩa rau giấm còn lại cho vào bị ny-lon để mọi người mang về ăn mì gói. Thế là cả đoàn không được ăn cơm, nhưng lại được ăn một bữa cười no nê, thỏa thích. Đến bữa, ăn kiểu Nhật đúng phong cách, nghệ thuật cũng hoan hỷ, ăn theo kiểu tự tìm có gì ăn nấy cũng được, hoặc có vị không có gì ăn cả, nhịn đói cũng xong. Đúng là một phái đoàn tự tại chưa từng thấy!
Trong chuyến đi này, ngoài sự ngắm nhìn những phong cảnh tuyệt đẹp của 16 loại hoa anh đào đua nhau khoe sắc, nở rộ; tận mắt trông thấy những ngôi Thiền tự hoành tráng, trang nghiêm, đoàn còn được cảm nhận và mang ơn nhiều sự ân cần, nhiệt tình nhưng rất sâu lắng trên đất nước Phù tang vô cùng đặc biệt, trân quý. Thoáng gặp bất ngờ, nhưng được Hòa thượng Trụ Trì chùa Nhật Tân và Sư cô Tâm Trí đặc biệt quan tâm một cách ưu ái và thân thiện. Sự lặng thầm dõi theo, nhiệt tâm lo lắng cho cả đoàn của Thầy Trụ Trì Long Ẩn, Chùa Viên Giác. Khi lạc lối, hỏi bất cứ ai chúng ta cũng được người Nhật sẵn sàng bỏ gian hàng của mình để đưa mọi người đến nơi gặp đoàn một cách nhẹ nhàng, vui vẻ. Trên đường ra sân bay bị lạc đường, vói qua hỏi tài xế xe bên cạnh, anh tài liền dừng lại, xuống xe vui vẻ chỉ dẫn tường tận rồi mới đành lòng đi. Thiết nghĩ, để có được một cuộc sống an lành, tươi đẹp cho riêng mình và xã hội, có lẽ mỗi người không thể thiếu những đức tính này trong sinh hoạt hằng ngày.
Khi chia tay tại sân bay, chúng tôi đã nói với Nhân theo kiểu thiền công án Nhật Bản: “Một công án đã suốt thông thì muôn ngàn công án khác đều được thấu triệt. Trong chuyến đi này, nếu rõ biết được chừng ấy ngôi chùa Nhật Bản thì cũng sẽ biết hết tất cả các ngôi chùa khác còn lại phải không Nhân?” Nhân nắm tay chúng tôi, khum mình lịch sự thân thiện theo kiểu Nhật và nói: “Thưa Thầy, đó cũng là một công án.”
Khám phá ra công án này, sẽ thấy mình đã có được một chuyến đi quá đầy đủ. Nếu chưa như thế thì cảm thấy có một cái gì đó chưa thỏa mãn, còn thiêu thiếu trong lòng. Tất cả đều là nhân duyên để chúng ta còn gặp lại nhau vậy!
Thích Tâm Hạnh.
Chùa Đại Đức - Ts. Tông Phong Diệu Siêu (Qs. Đại Đăng) khai sơn Trụ trì.
Chùa Đại Đức - Lối vào phương trượng Ngài Nhất Hưu.
Chùa Diệu Tâm - Ts. Quan Sơn Huệ Huyền khai sơn Trụ trì.
Chùa Diệu Tâm - Nơi Thối Tàng Viện
Chùa Kiến Nhân do ngài Minh Am Vinh Tây Khai Sơn Trụ trì.
Chùa Kiến Nhân - Tổ đình Thiền tông đầu tiên tại Nhật Bản.
Chùa Kiến Nhân - Phái Thiền Lâm Tế Nhật Bản.
Chùa Kiến Nhân - nơi Ngài Vinh Tây lần đầu tiên mang trà từ Trung Hoa sang Nhật Bản.
Chùa Thanh Thủy - Ngài Từ Ân (đệ tử Ngài Huyền Trang) khai sơn Trụ trì.
Chùa Thanh Thủy - Ngài Từ Ân (đệ tử Ngài Huyền Trang) khai sơn Trụ trì.