Thầy Tâm Hạnh
Thưa toàn thể quý Phật tử!
Quý vị có biết hôm nay quý thầy sẽ nói chuyện với quý vị về đề tài gì không? Giả sử trong đây có một vị nào đó có tha tâm thông, biết được tâm của quý Thầy, đứng lên nói, bạch Thầy, hôm nay Thầy sẽ nói chuyện với Phật tử về đề tài gì đó thì quý vị có phục không? Chắc là phục lăn phải không? Tâm lý chung của phần đông con người chúng ta là rất thích những điều kỳ lạ, cụ thể là thần thông. Nhưng xét lại, chúng ta tu hành để làm gì? Để hết khổ, được an vui và tiến xa hơn là được giác ngộ giải thoát. Cầu giác ngộ giải thoát, muốn hết khổ, được an vui có nghĩa là chúng ta đang bị khổ. Nhưng động lực nào thúc đẩy chúng ta phải đi trong luân hồi chịu khổ? Đó là nghiệp. Nghiệp là nguyên nhân dẫn chúng sanh đi trong luân hồi chịu khổ, mà thần thông lại là cái thường hấp dẫn con người chúng ta hơn. Xét lại xem, thần thông và nghiệp lực, cái nào là cái cần thiết để người tu chúng ta cần lưu tâm chú ý và coi trọng hơn, hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện với toàn thể quý Phật tử đề tài “Thần thông và nghiệp lực”.
I/ Nghiệp lực là gì?
Thông thường ở ngoài đời, làm nghề buôn bán gọi là thương nghiệp, làm nghề nông gọi là nông nghiệp, làm cơ khí gọi là công nghiệp. Như vậy, nghiệp chính là những hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành một thói quen in vào trong tàng thức. Ví dụ quý vị nam giới ban đầu mới hút thuốc thì rất khó chịu, lâu ngày thành quen thì ghiền, hôm nào không có thuốc thì chịu không nổi, đó là đã huân thành nghiệp hút thuốc. Khi không chịu nổi, phải đi đầu này đầu kia tìm thuốc để hút, cái động lực bắt chúng ta phải đi tìm cho bằng được thuốc để hút đó là sức mạnh của nghiệp. Vì nghiệp có một sức mạnh thúc đẩy chúng ta như vậy cho nên gọi là nghiệp lực. Hút thuốc chỉ là một hành vi nhỏ mà chúng ta đã khó làm chủ nổi, huống nữa là tất cả hành động mình đã huân tập cả đời. Khi gần chết, nó sẽ ùa về một lần tạo thành một sức mạnh rất lớn. Chính sức mạnh đó nó sẽ đẩy chúng ta đi thọ sanh trong luân hồi và chịu lấy quả báo. Hằng ngày, nếu mình tạo nghiệp lành thì mình tái sinh đường lành, tạo nghiệp dữ thì phải chịu quả báo xấu ác và đi đường dữ, tùy theo nghiệp đã tạo của mỗi người mà đi thọ sanh khác nhau.
Như vậy chúng ta tu có nghĩa là phải chuyển nghiệp, ai có khả năng cao hơn nữa thì dừng sạch nghiệp, không tạo nghiệp và hết nghiệp thì giải thoát sanh tử. Nhưng mà chuyển nghiệp và dừng sạch nghiệp có cần phải dùng đến thần thông hay chính mỗi chúng ta cần phải sửa đổi? Để rõ hơn, quý Thầy sẽ cùng quý vị phân tích về thần thông để chúng ta thông suốt vấn đề này.
II/ Thần thông.
Khi nói đến thần thông, chúng ta thường hiểu một cách chung chung có nghĩa là sự biến hóa kỳ lạ, là thăng thiên độn thổ, nhưng nếu hiểu cho đầy đủ hơn thì “thần” có nghĩa là không lường được, “thông” có nghĩa là không có gì ngăn lại được. Thần thông là một lực phi thường không thể lường được, không có gì ngăn trở được hay còn gọi là thông lực. Thường quý vị nghe thần thông có sáu loại: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, túc mạng thông, tha tâm thông và lậu tận thông. Thiên nhãn thông là có thể nhìn thấy được hết các vật từ nhỏ đến lớn ở rất xa, thiên nhĩ thông là có thể nghe được âm thanh lớn nhỏ cách mình rất xa, thần túc thông là có thể đi lại một cách tự tại, túc mạng thông là biết được những kiếp quá khứ trở về trước của mình, tha tâm thông là có khả năng biết được tâm niệm của người khác đang khởi gì và lậu tận thông có nghĩa là thấy biết sạch hết lậu hoặc, giải thoát sanh tử. Năm loại thần thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, túc mạng thông và tha tâm thông là dựa vào định mà có, mất định thì hết thông, vì vậy mà ngoại đạo tập định cũng được ngũ thông. Nhưng ngũ thông của ngoại đạo không bằng được với đức Phật. Riêng lậu tận thông thì chỉ có Đức Phật và các đệ tử chứng A-la-hán của Ngài mới có. Nếu ai tu hành mà đạt được lậu tận thông, sạch hết nghiệp sanh tử, hoàn toàn an lạc giải thoát thì đó là bậc đạt đến trí tuệ viên mãn.
Ở đây, khi bàn về thần thông và nghiệp lực, quý Thầy không nói đến lậu tận thông mà chỉ bàn về năm loại thông trước, coi thử xem nó có cần thiết và giúp ích gì trong công phu tu hành của mình hay không. Do vậy, khi nghe về thần thông tức là nói về một trong năm loại thông đó.
III/ Thần thông có thắng được sức mạnh của nghiệp?
Đặt lại câu hỏi, chúng ta phát tâm tu hành có phải để cầu được thần thông hay nói cách khác, thần thông có phải là cái chính yếu, cần thiết để chúng ta cầu đạt được hay không? Quý Thầy sẽ kể một câu chuyện để quý vị thấy rõ.
Thưở xưa khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại thuộc Ấn Độ, có một vị Bà la môn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Sau khi bố mẹ qua đời, làm xong bổn phận của một người con, vị này xuất gia tu hành trong núi tuyết. Hằng ngày ông lượm các loại rễ và củ, trái cây rừng cùng các loại thực phẩm khác để ăn và nuôi sống thân thể. Không bao lâu ông đạt được thắng trí và các thần thông, vui thích trong thiền lạc. Sống một thời gian dài như vậy, sau đó ông nghĩ “Ta sẽ đi vào đường của dân chúng dùng muối và dấm, như vậy thân của ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Và ta sẽ đi bộ, những người cúng dường thức ăn sẽ đảnh lễ một người giữ giới như ta. Vì thế sau khi mạng chung những vị đó sẽ được sanh lên thiên giới”. Nghĩ như vậy rồi, vị ẩn sĩ đi bộ xuống núi, ngang qua vườn ngự uyển của cung vua. Nhà vua thấy dáng dấp nghiêm trang của vị ẩn sĩ thì đem lòng kính trọng và mời vào cung để cúng dường. Sau khi hỏi thăm và biết vị ẩn sĩ có ý định xuống trần gian để giáo hóa nên vua sai người cất cho vị ẩn sĩ một cái chòi lá ở trong vườn của vua. Ngày ngày vị ẩn sĩ thường đến cung vua để nhận thức ăn cúng dường. Được một thời gian, ở biên địa có nổi loạn nên đích thân vua phải đi đánh giặc. Trước khi đi vua dặn dò hoàng hậu ở nhà phải lo việc cúng dường cho vị ẩn sĩ này. Một hôm, vì mải nhập định nên tới giờ ăn mà vị ẩn sĩ không nhớ. Hoàng hậu đã chuẩn bị thức ăn rồi nhưng đợi mãi không thấy vị ẩn sĩ tới cho nên khoác trên mình một chiếc y để tạm nằm nghỉ. Khi ẩn sĩ xuất định, nhớ lại giờ ăn đã trễ nên dùng thần thông bay xuyên qua cửa sổ và vào trong cung vua để nhận thức ăn. Khi vào, vì ẩn sĩ mặc áo bằng vỏ cây nên phát ra tiếng động sột soạt, hoàng hậu lúc đó đang thiêm thiếp bỗng giựt mình ngồi dậy làm chiếc y bất ngờ rớt ra. Lúc bấy giờ, ẩn sĩ để các căn chi phối bởi đối tượng đặc biệt khác thường này cho nên đứng nhìn hoàng hậu như bị thôi miên. Khi đó, ác dục phiền não được chế ngự bấy lâu nay lại khởi lên mạnh mẽ, thiền định thối thất, các căn không còn thanh tịnh nữa. Trong Kinh diễn tả vị ẩn sĩ lúc đó giống như một con quạ gãy cánh, không thể ngồi xuống và ăn uống được nữa mà ôm bát về chòi lá giống như một người mất hồn. Về chòi lá, suốt một tuần liền vị ẩn sĩ không màng đến ăn uống, thức ăn bị bỏ đến thối rữa, luôn nằm mơ đến hoàng hậu và miệng thường nói nhảm. Sau khi dẹp loạn trở về, vua cũng không biết chuyện gì xảy ra cho nên vẫn rất kính trọng ẩn sĩ. Vừa về cung, vua liền chạy đến thăm vị ẩn sĩ. Khi tới nơi thấy vị ẩn sĩ đang nằm, vua mới hỏi: “Thưa tôn giả, Ngài có việc gì không ổn?”
Vị ẩn sĩ mới đáp: Thưa đại vương, tôi đã bị trúng tên.
Vua nghĩ chắc là kẻ thù không hại được vua nên tìm cách hại người thân của vua là vị ẩn sĩ, và chúng đã đến đây gây ra thương tích này. Nghĩ vậy, vua lật vị ẩn sĩ lên để tìm vết thương mà không thấy, mới hỏi: Thưa tôn giả, tên ở đâu mà tôi tìm hoài không thấy?
Ẩn sĩ nói: Thưa đại vương, không ai bắn tôi cả, chỉ có tôi tự bắn quả tim mình.
Nói xong, ẩn sĩ phấn chấn tinh thần và ngồi dậy đọc bài kệ:
Không có người bắn cung,
Phóng tên ở bên tai,
Không có tên bằng lông,
Được nhổ từ cánh lông,
Và được trang hoàng đẹp,
Bởi người làm tên khéo.
Chính là tâm của ta,
Được gột sạch tham ái,
Liên hệ với dục tầm,
Bằng quyết tâm trí tuệ.
Chính dục tạo vết thương,
Thiêu đốt khắp tay chân,
Chẳng khác gì ngọn lửa.
Ta không thấy vết thương,
Từ đấy máu rỉ chảy,
Do tâm không chân chính,
Đã đâm thủng tự thân.
Nói xong, ẩn sĩ khuyên vua ra khỏi chòi lá rồi tự mình chấn chỉnh tinh thần và nỗ lực thiền định, sau đó phục hồi được thần thông trở lại. Ẩn sĩ từ giã nhà vua trở về chỗ cũ ẩn tu. Dù cho vua cố gắng thỉnh mời ở lại nhưng vị ẩn sĩ vẫn không dám nhận lời mà bay thẳng về Tuyết Sơn, không dám trở lại đường trần nữa. Từ đó vị ẩn sĩ tu ở Tuyết Sơn cho đến lúc mạng chung.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy ẩn sĩ này tuy là có thần thông, nhưng do tâm không chân chính, buông lung các căn khiến bị trúng tên nên mất thần thông. Như vậy, tu hành cốt ở chỗ giữ nội tâm chân chính, giữ gìn các căn thanh tịnh chứ đâu phải là cầu được thần thông? Nếu có thần thông mà tâm không chân chính, không gìn giữ, buông lung các căn thì cũng bị trúng tên độc và mất thần thông như thường. Quý vị thấy ẩn sĩ được thần thông là do đâu? Ban đầu là do tu tập thiền định cho nên mới có thần thông. Sau khi mất rồi, muốn thần thông được phục hồi trở lại cũng nhờ tu tập thiền định. Mới thấy, việc tu tập thiền định là cái gốc, là cái chính, còn thần thông là cái phụ, là cái có ra sau khi tu tập thiền định chứ không phải do mong cầu để được. Tu hành mà mong cầu đạt được thần thông có nghĩa là mong cầu cái ngọn, mong cầu cái phụ. Cái phụ chỉ đúng nghĩa là phụ khi và chỉ khi chúng ta đã đạt được cái chính, nghĩa là đạt được thiền định. Còn khi chưa đạt được thiền định mà cầu thần thông có nghĩa là mình bỏ cái chính mà theo cái phụ. Thành ra cái phụ lại đóng vai trò là chính đối với chính mình. Mà khi nhận cái phụ làm chính thì mình đã sai lầm và cái lầm đó sẽ gây nên bệnh, làm cho mình lầm lạc trong công phu tu hành, lọt vào đường tà chứ không thể xem thường được.
IV/ Chưa đạt được giác ngộ mà có thần thông thì chỉ có hại cho mình.
Nói xa hơn một chút, nếu mình chưa đạt được thiền định, chưa giác ngộ được tự tâm mà có thần thông thì chỉ có hại mà không có lợi. Những cái mầu biến mình thích đó chỉ có lợi nhất thời và nhỏ nhưng cái tai hại thì rất lớn.
Nếu chúng ta chưa giác ngộ được trọn vẹn như Phật Tổ hay mình chưa giác ngộ được phần nào hết mà nghe ai đó nói xấu gì về mình là chúng ta phiền giận liền. Bây giờ, tâm phiền giận còn nhiều như vậy mà có thiên nhĩ thông, ai nói gì ở xa mấy cũng nghe thấy hết thì quý vị thử nghĩ mình sẽ thế nào? Ví dụ có hai người ngồi bên cạnh mà xì xầm nói nhỏ với nhau cái gì đó thì quý vị có lắng tai nghe xem họ nói gì về mình không? Khi họ nói mà nghe thoang thoáng có tên mình thì chúng ta liền để ý xem họ nói xấu hay khen mình liền. Nghe không rõ thì trong lòng ấm ức không biết họ nói gì về mình. Còn nghe rõ ràng họ nói xấu mình thì mình phiền giận, chưa nói đến những hành động thô hơn là cãi lộn nữa. Hay chưa giác ngộ mà có tha tâm thông, thấy được tâm người khác nghĩ xấu về mình thì mình cũng phiền não. Qua đó quý vị thấy, khi chúng ta chưa giác ngộ, lòng mình còn phiền giận mà có thiên nhĩ thông, tha tâm thông, ai nghĩ xấu, nói xấu mình dù xa mấy cũng nghe hết thì một ngày cộng lại, mình phiền não biết bao nhiêu mà kể! Phiền não không bớt thì khổ vẫn hoàn khổ. Như vậy, chưa giác ngộ mà có thần thông thì thần thông đó khiến cho mình khổ hơn hay là giúp cho mình giải thoát sanh tử? Một ví dụ nhỏ dường như khôi hài, nhưng cũng đủ để chúng ta thấy cuộc đời mình phải lãnh chịu khổ đau rất nhiều. Cho nên quý vị thấy cái tác hại muốn có thần thông trước đạo lý là như thế nào, chưa nói đến cái tác hại khác là thích cái kỳ lạ, mê lầm chạy theo sự thần biến đó để rồi trở thành bệnh và sai lạc trên đường tu.
Điểm thứ hai là, khi chưa có đạo lý mà có thần thông thì đó chính là động cơ khiến mình dễ tạo nghiệp mạnh hơn. Tại sao? Khi mình giận ai hoặc bị ai chọc tức mà mình yếu hơn, không đủ sức để đánh lại thì dù không muốn nhịn cũng phải cố gắng nhịn. Còn khi có thần thông, nếu bị chọc tức là mình đủ sức để hại họ, vậy là gây nghiệp với người ta, tự mình phải lãnh chịu quả báo xấu ác. Như vậy, nếu mình không xác định được cái nào là chính, cái nào là phụ mà theo cái phụ bỏ cái chính thì cái chính trở thành phụ và cái phụ lại khiến cho mình dễ dàng tạo ác hơn và phiền não thêm chứ không giúp giải quyết được cội gốc đau khổ cho mình. Khi hiểu tường tận như vậy, quý vị mới thấy tu hành không đặt nặng ở thần thông, nếu đặt nặng ở thần thông, cầu cho được thần thông thì đã sai lệch, không đúng với tinh thần Phật Tổ chỉ dạy.
Sang một câu chuyện nữa, quý vị sẽ thấy rõ sự thấy biết của thần thông vẫn còn hạn hẹp và không đáng chuộng. Vào thời đức Phật, có vị Bà la môn có huyễn thuật, hễ ông gõ vào đầu lâu của người chết nào thì biết người đó tái sinh ở đâu, gần như là có túc mạng thông. Cho nên những vị Bà la môn khác khoác lên mình vị Bà la môn này một cái áo đỏ và đi khắp nơi để quảng cáo, tuyên rao tài ba của vị Bà la môn này. Khi đến thành Xá Vệ gần tinh xá Kỳ Viên thì gặp các Phật tử đang chuẩn bị đi nghe đức Thế tôn thuyết pháp, vì không biết nên những vị Bà la môn này vẫn quảng cáo tài huyễn thuật gõ lên đầu lâu biết kiếp tái sinh ở đâu của vị Bà la môn kia. Họ nói: “Nghe pháp thì có được gì, không có ai hơn ông bạn của chúng tôi đâu, ông ấy gõ lên đầu lâu người chết là biết được người ấy đã được tái sinh về đâu. Các ông bà nên đến đây để hỏi thăm người thân của mình đi”. Nhóm Phật tử đáp lại rằng: “Ông ấy không thể bằng đức Thế Tôn của chúng tôi được”. Vì không ai tin ai cho nên họ cùng nhau đến gặp đức Phật và thưa hỏi sự việc. Khi đến gặp đức Phật, Ngài lấy năm cái sọ đặt thành một hàng, sọ thứ nhất là của một người đã đọa địa ngục, sọ thứ hai là của một người đã bị đọa làm súc sinh, sọ thứ ba là của người đã sanh về cõi người, sọ thứ tư là của người đã sanh về cõi trời và sọ thứ năm chính là sọ của một vị Tỳ kheo đã đắc quả A la hán. Đức Phật chỉ từng sọ và hỏi xem những người có cái sọ ấy đã sanh về đâu. Khi ấy, ông Bà la môn này lần lượt đáp trúng được chỗ tái sinh của bốn cái sọ trước và được đức Phật tán thán tài huyễn thuật này. Cuối cùng đức Phật chỉ cái sọ thứ năm và hỏi cái sọ này là của ai, ông Bà la môn gõ vào cái sọ, tìm mãi mà không biết người có cái sọ này đã tái sinh về đâu nên đành thú thật với đức Phật là không biết. Quý vị biết cái sọ thứ năm là của một Tỳ kheo đã đắc quả A la hán, không còn tái sanh trong luân hồi sanh tử nữa nên vị Bà la môn không tìm được người này đã tái sanh ở đâu. Ông nghĩ rằng đức Phật biết được người có cái sọ này đã sanh về đâu nhưng không nói, cho nên thỉnh Phật chỉ cho ông huyễn thuật đó. Lúc này, đức Phật khéo léo tìm cách khai thị cho ông. Ngài nói huyễn thuật của Ngài không thể chỉ cho những người không phải là sa môn, có nghĩa là chỉ những người xuất gia theo Phật mới được chỉ huyễn thuật này. Vị Bà la môn nghĩ nếu mà biết được huyễn thuật này thì ông sẽ là số một trên toàn cõi Ấn Độ, vì vậy ông bảo những người bạn của mình tìm nơi trú ẩn và đợi một thời gian, ông sẽ xuất gia làm đệ tử Phật, gia nhập tăng đoàn để học huyễn thuật này, sau đó trở ra và đi làm ăn lại với mấy người này. Sau khi xuất gia, đức Phật trao cho vị tân Tỳ kheo một pháp thiền quán và bảo: “Ông phải lặp đi lặp lại cho thuộc lòng những thứ này thì mới có thể học được huyễn thuật kia”. Vị Tỳ kheo này vâng lời. Thỉnh thoảng, mấy người bạn của ông vì trông mong nên tới thăm hỏi, vị tân tỳ kheo này nói: “Xin các bạn đợi tôi một thời gian nữa, tôi đang học”. Vài ngày sau vị tân Tỳ kheo này đắc quả A la hán, sạch hết các phiền não lậu hoặc, tham muốn, không còn ý niệm học huyễn thuật để đi làm bá chủ thiên hạ nữa. Khi những người bạn đến hỏi thăm thì thầy Tỳ kheo A la hán này đáp: “Này các huynh đệ, bây giờ thì tôi không thể học nó nữa”. Đức Phật khen thầy Tỳ kheo này là từ đây biết hết đường sanh tử của chúng sanh.
Quý vị thấy đức Phật dạy huyễn thuật có tài tình hơn vị Bà la môn kia không? Vị Bà la môn có huyễn thuật biết được các đầu lâu của người đã chết sanh về đâu, nhưng chỉ biết đầu lâu của những ai còn tái sinh, còn những bậc A la hán không còn sanh tử thì ông không biết được. Phải là người sạch hết lậu hoặc, chứng A la hán mới biết được các vị A la hán. Quý vị xem lại coi, việc tu hành chứng đạo là đáng chuộng hay luyện tập được huyễn thuật, được thần thông là đáng chuộng? Đức Phật có thần thông hơn vị Bà la môn này nhưng Ngài không chuộng huyễn thuật và thần thông, coi đó là cái phụ, không cần thiết mà chỉ cốt đưa người đạt đến đạo thông mà thôi. Ngài muốn chỉ một cái quan trọng hơn, cần thiết hơn cho nên mới dùng phương tiện khéo léo bày ra năm cái đầu lâu để dẫn dắt vị Bà la môn này tỉnh ngộ. Biết cái thần thông của mình chưa phải là tột cùng, vẫn còn một điều vi diệu không thể dùng sức thần thông để biết được, từ đó mới để tâm nghiên cứu tìm xem trong giáo lý của đức Phật còn có cái gì cao siêu hơn những cái thần thông mà mình có được. Chính nhờ sự khéo léo của đức Phật mà vị tân Tỳ kheo này chứng được quả A la hán, tức là đạt đến chỗ chính yếu quan trọng, đó là đạo thông, nghĩa là thông suốt được đạo lý chân thật mà đức Phật muốn chỉ dạy. Sau khi thông suốt được đạo thông thì thông suốt hết tất cả, thần thông siêu việt hơn cả ngày xưa. Còn nếu chưa chứng đạo mà có thần thông thì chỉ biết trong phạm vi hạn hẹp của những cái phụ thôi.
Một điểm nữa là, ông Bà la môn này biết được các đầu lâu sanh ở đâu, nhưng chính ông khi gần chết liệu có biết mình sẽ sanh ở đâu không? Không biết. Giả sử có biết được mình sanh về đầu thì liệu rằng ông có biết mình cần phải làm những gì để chuyển được đường sanh của mình hay không, hay khi biết được rồi thì lo sợ, hốt hoảng? Đó là một điểm mà chúng ta phải thấy cho thật rõ. Nếu ông Bà la môn này biết trong cuộc sống hằng ngày mình phải làm gì để chuyển được nghiệp xấu ác và sau khi chết được sanh đường lành, không rơi vào đường dữ thì cái biết này sẽ thiết thực và lợi ích hơn là biết các đầu lâu của thiên hạ đã tái sanh ở đâu. Biết được các đầu lâu của thiên hạ sanh ở đâu là biết cái đã tái sanh rồi, mà đã đi tái sanh thì làm sao cứu lại được nữa. Biết như vậy chỉ là biết theo đuôi, biết cái đã rồi, không có lợi ích gì cho chính ông và những người chung quanh. Phần đông con người nghe ai nói ông bà mình tái sanh ở đâu thì thích và hay đi coi cho biết. Còn đức Phật, Ngài đã thành đạo, thấy rõ và chỉ dạy một cách thiết thực và rõ ràng là ai giữ ngũ giới thì được làm người, giữ thập thiện thì sanh lên cõi trời, tu phước thì đi đường lành mà làm ác thì phải đọa địa ngục. Nhưng chúng ta thường ít để ý cái thiết thực đó để lo tu tập mà ngược lại, mình muốn đi xem cái đã lỡ rồi. Mà đã lỡ rồi thì xem để làm gì? Nghe để lo sợ hay vui chút ít vậy thôi chứ đâu có chuyển được! Những cái xấu dở do nghiệp nhân mình đã tạo, thay vì nghe và xem để lo sợ, chi bằng nên xoay lại, chuyển ngay nghiệp nhân thì nghiệp quả được chuyển. Hiểu rõ như vậy thì chúng ta theo lời Phật dạy mà tu hành, làm lành thì nhất định sẽ sanh đường lành, không còn nghi ngờ, khỏi phải đi coi ở đâu hết. Đó là cách thiết thực nhất.
Chư Tổ ngày xưa cũng chỉ dạy: “Chưa nhận được Trí tuệ Kim Cang Bát Nhã, dù có thần thông dời núi lấp biển, không phải thiên ma thì cũng là ngoại đạo.” Nhận được trí tuệ Kim Cang Bát Nhã tức là được đạo thông. Qua đó chúng ta thấy từ chư Phật cho đến chư Tổ cũng chỉ chú trọng đạo thông. Tu là cốt ở đạo thông chứ không phải cầu thần thông.
Quý Thầy dẫn thêm câu chuyện của một thiền sư đã dùng thần thông và biết lỗi lầm như thế nào để quý vị thấy được cái nhìn của quý Ngài.
Thiền sư Ẩn Phong họ Đặng cho nên thường gọi Sư là Đặng Ẩn Phong. Ngài là Thiền sư đã ngộ đạo nơi Mã Tổ Đạo Nhất vào đời Đường khoảng niên hiệu Nguyên Hòa tức năm 806 – 821 Tây lịch. Sư dự định lên núi Ngũ Đài Sơn, trên đường đi đến Hoài Tây thì gặp Ngô Tuyên Tế khởi binh chống lại triều đình. Quân hai bên đánh nhau, sát hại rất nhiều mà chưa phân hơn thua nên Sư mới nghĩ mình phải cứu cái nạn này. Nghĩ rồi, Sư ném cây tích trượng trong hư không và phi thân bay qua. Tướng sĩ hai bên trông thấy nên tâm đấu tranh dứt sạch và rút quân lui không đánh nữa. Sau khi dùng phép lạ thì Ngài ngại là đã làm mê hoặc quần chúng nên vào hang Kim Cang ở trong Ngũ Đài Sơn thị tịch. Trước khi thị tịch, Sư họp chúng lại hỏi: “Tôi thường thấy các vị tiền bối khi thị tịch thì có vị hoặc là ngồi hoặc là nằm nhưng có vị nào đứng mà tịch chưa?” Chúng thưa đã có vị đứng tịch rồi. Sư hỏi: “Có vị nào lộn ngược mà tịch được chăng?”. Chúng thưa, chưa từng thấy. Sư lộn ngược lên mà tịch, y phục vẫn giữ nguyên vẹn giống như đứng vậy. Chúng định thỉnh Ngài vào quan tài để trà tỳ nhưng đến xô hoài mà không ngã. Dân chúng xa gần nghe chuyện lạ nên đồn đại kéo nhau đến xem đông vô số, đầy nghẹt cả hang. Sư có một người em gái xuất gia làm ni cũng có mặt tại đó, lúc bấy giờ cô nắm thân Sư và trách: “Lão huynh ngày trước đã chẳng giữ luật, khi chết còn mê hoặc người nữa”. Trách xong, sư cô liền đẩy một cái thì thân của Sư liền ngã xuống. Chúng đem Sư làm lễ trà tỳ và lấy xá lợi.
Quý vị thấy nếu thần thông là cứu cánh, là cái tột cùng của đạo được cho sử dụng một cách tự do thì sau khi sử dụng thần thông xong, lẽ ra Thiền sư Đặng Ẩn Phong sẽ không tịch. Nhưng sau khi dùng rồi, Ngài lại ngại mình đã làm mê hoặc quần chúng nên phải thị tịch thì thần thông đâu phải là cái trọng yếu mà Phật Tổ muốn chỉ dạy, cũng đâu phải là cái mà trong nhà Phật cho sử dụng một cách tự do. Kế nữa, khi bị em gái là vị ni cô trách và xô một cái thì Ngài liền ngã. Nếu lời trách của em ngài là sai thì khi đẩy, Ngài sẽ không ngã. Nhưng Ngài chịu ngã tức là đã nhận lỗi lầm, biết được việc sử dụng thần thông là không đúng. Ở đây Ngài biết, nhưng muốn dùng hình ảnh đó để nhắc cho người sau, thần thông là cái ngọn, không nên chạy theo để bỏ mất chánh đạo, bị gạt, mê lầm mà rơi vào đường tà và phải chịu khổ. Đó là một sự thị hiện, Ngài không chỉ giúp ích cho hai bên khỏi đánh nhau mà còn giúp cảnh tỉnh cho người sau không nên sai lầm mà chú trọng vào thần thông. Tại sao Ngài phải cảnh tỉnh như vậy? Vì tâm lý của con người thường thích, thường chuộng thần thông cho nên các Ngài phải thị hiện để kéo chúng ta về lại, đừng nên theo. Tại sao con người chúng ta thường theo? Vì chúng ta thường thích những cái lạ lùng, huyền bí, vì nó dễ hấp dẫn và hợp với lòng hiếu kỳ của chúng sanh nên mọi người cứ nương vào đó mà tập luyện rồi quên đạo. Mà quên đạo thì mê hoặc, mê hoặc thì chính mình bị lầm rồi làm cho người khác cũng bị lầm theo. Chính vì vậy các Ngài xưa thường cấm sử dụng thần thông. Nếu mình thích thần thông, nghe ai nói trúng điều gì mà mình nghĩ hoặc làm cái gì huyền bí mà giúp được cho mình thì liền khâm phục và theo. Nhưng khi khâm phục và theo thì mình đang bị thần thông làm mê hoặc và quên suy nghĩ lại xem cái đó có hợp với chánh đạo hay không.
Ví dụ quý vị đang ngồi nghe quý thầy giảng ở đây, nhưng bất thần ở ngoài kia có ai đó bay lên hư không, ngồi kiết già ở trên đó và bắt chước lời đức Phật nói câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” thì quý vị có chịu ngồi yên ở đây bình tĩnh nghe giảng hay chạy ra để xem? Vì giả sử nên mình còn có thể làm chủ được, nhưng chuyện đó mà hiện ra thật thì không chừng quý Thầy ngồi ở đây một mình, không biết giảng cho ai. Như vậy mới thấy, chuộng những điều kỳ lạ là tâm lý chung của hầu hết con người chúng ta. Vì đoán được tính hiếu kỳ đó cho nên những người ngoại đạo hay dùng huyễn thuật của thần thông để dụ dỗ chúng sanh, chẳng hạn như nói pháp của họ tu trong vòng ba tháng hay năm tháng là có thần thông, đạt kết quả ngay, còn mình ngồi thiền mắt nhìn xuống hoài có được cái gì đâu. Khi nghe như vậy mà chạy theo họ là biết rằng mình đang thích cái hiếu kỳ bên ngoài mà quên cái chính. Một khi họ đã dụ vào rồi tức là mình đã rơi vào tà giáo, là tối tăm, làm con cháu của họ, mà Đức Phật nói một khi vào đường tà thì khó mà ra lại. Có ba nguyên nhân khiến một chúng ta khi rơi vào đường tà thì khó ra lại. Thứ nhất là mình đã gieo một chủng nhân với tà thì mình mang cái chủng nghiệp đó, đời này qua đời khác mình bị cái đó huân tập để đi tiếp, nếu không có người khai mở thì rất khó chuyển. Thứ hai là lực của tà khiến mình bị hấp dẫn. Thứ ba nữa là chính những người đó họ bảo vệ thân quyến của họ, không muốn mất đi. Biết vậy thì phải dè dặt từng bước chân của mình. Khi nào quý vị thấy chuyện ngồi thiền là thiết thực thì mới thấy được cái trọng yếu của giác ngộ giải thoát nơi chính mình.
Từ chư Phật cho đến chư Tổ đều không chú trọng thần thông, không cho nó là cái trọng yếu của đạo và không chấp nhận việc sử dụng thần thông một cách thông dụng. Dù cho ngoại đạo có dùng thần biến như thế nào cũng chỉ là cái lạ lùng, vui mắt nhất thời, không có gì quan trọng. Nó chỉ hợp với tâm hiếu kỳ chứ không giúp ích gì cho đạo tâm của mình cả. Biết rõ như vậy thì chúng ta không còn bị những thần thông đó làm mê hoặc mình nữa.
V/ Thần thông và nghiệp lực.
Để thấy được sự tương quan giữa đạo thông, thần thông đối với nghiệp lực như thế nào, trước tiên chúng ta xét xem thần thông và nghiệp lực, cái nào đáng để chúng ta chú tâm hơn.
1/ Thần thông có khả năng cứu được nghiệp lực không?
Thời xưa vua Ba Tư Nặc rất quý dòng họ Thích nên đòi cưới con gái dòng họ này. Bấy giờ Thích Ma Ha Nam mới đem cô gái con của người nô tỳ dâng cho vua. Vua rất hài lòng và sanh hạ được một thái tử đặt tên là Lưu Ly. Khi còn nhỏ, Thái tử Lưu Ly được gửi sang dòng họ ngoại để học bắn cung cùng với năm trăm trẻ con dòng họ Thích. Một hôm, dòng họ Thích chuẩn bị mời Thế tôn vào cúng dường và thuyết pháp trong một giảng đường mới xây cất rất khang trang. Thái tử Lưu Ly dắt năm trăm đứa trẻ cùng học vào giảng đường này và leo lên ngồi vào tòa sư tử dành sẵn cho đức Phật. Những người dòng họ Thích trông thấy như vậy rất tức giận, lôi thái tử Lưu Ly xuống đánh một trận rồi mắng chửi thậm tệ nói là đồ con của người nô tỳ. Thái tử khi đó nói với cận vệ của mình là Hiếu Khổ rằng: “Họ Thích hủy nhục ta đến như thế này, sau này nếu ta có nối ngôi vua thì ngươi nên nhắc lại chuyện này để ta báo hận”. Từ đó, mỗi ngày Hiếu Khổ tâu với thái tử ba lần là hãy nhớ mối nhục từ dòng họ Thích. Khi vua Ba Tư Nặc qua đời, Thái tử Lưu Ly nối ngôi vua, Hiếu Khổ lại nhắc vua mối nhục trước. Vua Lưu Ly bèn tập hợp bốn bộ binh để đi chinh phạt dòng họ Thích. Các Tỳ kheo nghe được như vậy liền thưa lên đức Phật. Đức Phật đến ngồi nơi một gốc cây khô trụi lá nằm bên vệ đường nơi Vua Lưu Ly sẽ đi qua. Từ đằng xa trông thấy, vì rất kính trọng đức Phật nên vua xuống ngựa và đến thưa:
- Có những cành cây lá xum xuê tươi tốt như loại cây ni câu lưu... sao Ngài không đến đó ngồi mà lại ngồi dưới cây khô này?
Đức Phật đáp: “Bóng mát của thân tộc là hơn hẳn bóng mát của các loại cây bên ngoài”. Tức là Phật đề cao thân tộc cho vua Lưu Ly biết. Vì vua là họ ngoại với dòng họ Thích, còn Hiếu Khổ chỉ là người dân ngoài thân tộc. Vua Lưu Ly hiểu được ý của đức Phật nên trở về nước, không chinh phạt thành Ca Tỳ La Vệ nữa.
Nhưng khi vua kéo bốn bộ binh trở về thì cận thần Hiếu Khổ lại nhắc mối nhục trước và vua lại nổi giận lên, đem quân đi chinh phạt tiếp. Các thầy Tỳ kheo lại bạch lên Thế tôn và cũng giống như lần trước, đức Phật ngồi dưới cội cây khô trên đường vua Lưu Ly sẽ đi qua. Vua Lưu Ly thấy đức Phật liền xuống ngựa và đến bạch rằng:
- Lại có những cội cây tốt Ngài không đến ngồi mà hôm nay, vì cớ gì Ngài lại ngồi dưới cội cây khô này?
Đức Thế Tôn đáp: “Bóng mát của thân tộc là hơn người ngoài” và nói bài kệ:
“Bóng mát của thân tộc
Từ họ Thích có Phật
Đều là cành lá ta
Nên ngồi dưới cây ấy”.
Vua Lưu Ly nghĩ “Ngày nay đức Thế Tôn phát xuất từ dòng họ Thích, ta không nên chinh phạt”, nên đem quân quay trở về nước. Khi quay trở về thì lần thứ ba Hiếu Khổ lại nhắc mối nhục xưa, vua Lưu Ly nghe nổi giận và triệu tập bốn bộ binh tiếp tục đi đánh dòng họ Thích. Phật thấy hai lần ngăn cản mà không được nên lần này Ngài không cản nữa. Lúc bấy giờ, Ngài Mục Kiền Liên là đệ tử có thần thông đệ nhất xin Phật cho Ngài dùng thần thông để cứu dòng họ Thích, bằng cách dời dòng họ Thích sang phương khác tránh nạn.
Đức Phật bảo: Thầy có thể đem túc duyên của dòng họ Thích ném sang phương khác được không?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thật không thể đem túc duyên đặt vào thế giới phương khác được.
Đức Phật nói: Thôi thầy hãy về chỗ ngồi đi.
Ngài Mục Kiền Liên bạch Phật: Nay con có thể dời thành Ca Tỳ La Vệ này để lên hư không để tránh cái nạn này.
Đức Thế Tôn hỏi: Thầy có thể dời túc duyên dòng họ Thích để trên hư không được chăng?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn.
Đức Phật nói: Vậy thầy hãy về chỗ mình đi.
Ngài Mục Kiền Liên rất nhiệt tình bạch Phật một lần nữa: Bạch Đức Thế Tôn, cho phép con lấy cái lồng sắt thưa chụp lên thành Ca Tỳ La Vệ thì vua Lưu Ly không đến được.
Đức Thế Tôn bảo: Thế nào Mục Kiền Liên? Thầy có thể lấy lồng sắt thưa để mà chụp lên túc duyên chăng?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thưa không, bạch Thế tôn.
Lúc bấy giờ, đức Phật mới bảo Ngài Mục Kiền Liên: Nay thầy hãy trở về chỗ ngồi đi, hôm nay họ Thích túc duyên đã chín muồi và nay sẽ thọ báo.
Có chỗ khác chép lời đức Phật nói: Này Mục Kiền Liên, ta biết ông có khả năng trí đức che chở cho nước Xá Di, nhưng chúng sanh có bảy việc không thể tránh khỏi. Đó là: sanh, già, bệnh, chết, tội, phước và nhân duyên. Bảy điều này dù ta muốn tránh cũng không thể được. Dù oai thần của ông có thể làm được chuyện đó, nhưng túc nghiệp tội lỗi làm sao tránh được.
Và cuối cùng, vua Lưu Ly vào thành giết dòng họ Thích. Ngài Mục Kiền Liên tuy đã được Phật nói về túc duyên không thể tránh, nhưng vì nóng lòng không thể ngồi yên nên Ngài đã dùng thần thông thu 500 người của dòng họ Thích vào trong cái bát của ngài và bay sang phương khác. Sau khi trận chiến kết thúc, Ngài mở cái bát ra thì 500 người họ Thích đã hóa thành máu. Trong Kinh diễn tả người dân trong thành Ca Tỳ La Vệ chết máu chảy thành dòng sông. Đức Phật quán sát vua Lưu Ly vì gây nghiệp tàn sát quá nặng nên sẽ chịu quả báo trong thời gian không lâu nữa. Ngài báo trước cho các Thầy tỳ kheo rằng: “Nay vua Lưu Ly và quân lính này sẽ chẳng còn ở đời bao lâu nữa, sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt hết”, có nghĩa là phải thọ báo và chịu chết. Vua Lưu Ly nghe Phật nói về quả báo thì rất tin và lo sợ, bảo các quần thần coi xem bên ngoài lý do chết của mình có phải là trộm giặc, nước, lửa, tai biến xâm phạm hay không. Các quần thần thưa là không có các nạn đó. Phạm chí Hiếu Khổ khuyên vua cứ yên tâm mà vui chơi, đừng nên lo sợ. Nhưng vua tin lời đức Phật nói là không sai nên đếm từng ngày và lo sợ. Tính qua sáu ngày mà chưa có hề hấn gì, đến buổi sáng ngày thứ bảy vẫn không có vấn đề gì cho nên vua rất mừng rỡ. Vì không kềm nổi nên vua dẫn các cung nữ đến bên bờ sông Ca Di Na vui chơi rồi nghỉ ở đó. Bất ngờ nửa đêm mây kéo đến, gió to mưa lớn và mọi người không thể rút lui kịp cho nên bị nước cuốn trôi hết, tất cả đều bị chết và đọa vào địa ngục A tỳ. Những người thân của vua còn ở trong thành không đi chơi, đêm đó cũng bị sét đánh và cháy hết cả cung điện. Các Thầy tỳ kheo thấy dòng họ Thích bị tàn sát như vậy cho nên mới thưa hỏi về túc duyên.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các thầy Tỳ kheo: Ngày xưa trong thành La Duyệt có một làng đánh cá. Khi ấy đời sống hết sức đói nghèo và người dân phải ăn rễ cây, một đấu vàng đổi được một đấu gạo. Trong làng có một cái ao tắm rất nhiều cá, dân trong làng đều đến bắt cá để ăn. Dưới ao có hai loại cá, một loại tên là Câu Tỏa và loại thứ hai tên là Lưỡng Thiệt. Hai loại cá này bị bắt ăn như vậy nên hai con cá đầu đàn mới bảo với nhau: “Chúng ta đối với những người này trước tiên không có lỗi lầm, tại họ ở trên đất bằng còn ta ở dưới nước, nhưng nhân dân này lại ăn nuốt chúng ta. Nếu sau này có một chút phước đức gì thì chúng ta sẽ dùng nó để báo oán trở lại”. Lúc bấy giờ trong làng có một đứa bé mới 8 tuổi không đánh cá, cũng không hại mạng của cá, nhưng lúc thấy những người khác đánh giết cá và thấy con cá bị chết trên bờ thì đứa bé này hết sức hoan hỷ. Cuối cùng, đức Phật kết luận rằng: “Tỳ kheo nên biết, các Thầy chớ xem rằng nhân dân trong thành La Duyệt Kỳ bấy giờ là ai khác, nay họ chính là những người trong dòng họ Thích, con cá Câu Tỏa hồi đó, nay là vua Lưu Ly, và con cá Lưỡng Thiệt nay là phạm chí Hiếu Khổ. Đứa bé thấy cá chết trên bờ mà vui thích lúc đó, nay chính là ta. Dòng họ Thích lúc ấy là người dân ngồi ăn cá, do nhân duyên này nên vô số kiếp vào địa ngục, nay chịu sự trả này. Ta lúc ấy vì thấy cá chết mà hoan hỷ vui cười cho nên nay bị quả báo đau đầu giống như đá đè, ví như lấy đầu mà đội núi Tu Di vậy”. Cuối cùng Đức Phật khuyên các Thầy tỳ kheo nên giữ gìn hành động của thân, miệng và ý.
Qua câu chuyện trên quý vị thấy thần thông là đáng sợ hay nghiệp lực là đáng sợ? Nghiệp lực thật là đáng sợ! Ngày xưa mới đọc qua câu chuyện này thì chính quý thầy cũng thắc mắc. Khi vua Lưu Ly kéo quân đánh dòng họ Thích, tại sao đức Phật không báo tin cho dòng họ Thích biết trước để trốn đi. Nhưng sau đó, mình tự đặt lại câu hỏi: Giả sử đức Phật cho dòng họ Thích biết trước là vua Lưu Ly sẽ sang đánh phá thì liệu dòng họ Thích có trốn được định nghiệp đã gây tạo hay không? Quý vị nghĩ có thoát khỏi được hay không? Nếu ai khéo một chút sẽ thấy, chính vua Lưu Ly và quân lính đã được đức Phật cho biết trước là sau bảy ngày nữa thì họ phải chịu quả báo ác nghiệp, bị tiêu diệt và chết. Khi biết trước như vậy thì vua và quân lính cũng đã tính cách để tránh nhưng mà đâu có trốn được! Nếu họ ra bờ sông thì bị nước cuốn chết hết, còn ở tại cung điện thì cũng bị sét đánh và cháy rụi. Nếu có thể dùng thần thông trốn được định nghiệp thì lẽ ra khi được đức Phật cho biết trước, vua Lưu Ly phải trốn tránh được và không bị chết. Và cũng vậy, giả sử dòng họ Thích có được Phật cho biết trước đi nữa cũng đâu có thể trốn được định nghiệp mà mình đã tạo. Nếu dòng họ Thích biết trước mà trốn khỏi cái định nghiệp mình đã tạo thì sẽ không bị vua Lưu Ly giết và 500 người dòng họ Thích được Ngài Mục Kiền Liên thu vào trong bát và đem sang phương khác lẽ ra phải còn sống. Nhưng sau trận đánh rồi, ngài Mục Kiền Liên mở bát ra thì thấy 500 người đó đã hóa thành máu. Qua đó cho thấy, thần thông không thể cứu được định nghiệp. Chính đức Phật đã dùng phương tiện để cứu giải, có nghĩa là Ngài đã đến cội cây và ngồi hai lần để cản vua không cho đi qua, nhưng cuối cùng cũng không cứu được định nghiệp của dòng họ Thích. Như vậy những nghiệp nhẹ, những cái bất định nghiệp thì có thể chuyển hóa được, nhưng định nghiệp thì khó chuyển cho nên thần thông không có khả năng chuyển được nghiệp mình đã tạo.
Quý vị thường nghe câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Khi còn sống, mẹ Ngài tạo nhiều ác nghiệp nên khi chết phải đọa làm quỷ đói. Ngài đã dùng thần thông để tìm mẹ thì thấy bà sanh trong loài ngạ quỷ rất là đói khổ cho nên Ngài đi khất thực, được một bát cơm bèn mang đến dâng cho mẹ. Khi dâng cơm thì mẹ Ngài một tay che cơm, một tay bốc ăn, nhưng cơm vừa đưa tới miệng thì hóa thành than lửa không thể ăn được. Lúc bấy giờ Ngài đau lòng, về thưa với đức Thế tôn và được đức Phật chỉ dạy nên thiết trai cúng dường và cầu chư tăng tu hành thanh tịnh để chú nguyện cho mẹ ngài. Sau đó mẹ Ngài được sanh thiên.
Chúng ta thấy, nếu thần thông có khả năng cứu được nghiệp lực thì tại sao Ngài Mục Kiền Liên lại không dùng thần thông để thổi tắt lửa cho mẹ Ngài ăn cơm, hoặc tại sao Ngài không dùng thần thông để cõng mẹ Ngài thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ để đi sang phương khác? Mà khi thấy mẹ như vậy thì Ngài lại khóc và bất lực trước nghiệp lực của mẹ. Quý vị nghĩ thế nào về thần thông của Ngài Mục Kiền Liên và nghiệp của mẹ Ngài đã tạo? Rõ ràng, thần thông dù rất cao nhưng cũng không thể cứu được nghiệp lực.
Chúng ta tu hành, nếu chú trọng cầu thần thông mà thần thông lại không cứu được nghiệp, không giúp cho mình giải khổ được, thì cầu để làm gì? Phải đặt lại vấn đề để suy gẫm mới thấy thần thông là cái phụ chứ không phải cái chính để chúng ta cầu.
Ngày xưa ông Uất đầu lam phất là vị tiên nhân tu đạt được ngũ thông, được vua Tần bà sa la rất kính trọng và mời cúng dường mỗi ngày. Vì chỗ ông ở cách cung vua rất xa nên mỗi lần đến cung vua thì ông dùng thần thông bay tới. Một hôm vua có việc đi vắng nên dặn hoàng hậu ở nhà sớt bát cúng dường. Theo tập tục Ấn Độ xưa, khi kính trọng ai, để bày tỏ lòng chí thành thì phải kính lễ, lúc lạy xuống đầu và mặt tiếp xúc với chân người đó. Khi tiên nhân Uất đầu lam phất đến thì hoàng hậu cũng đúng như phép, sụp lạy và để mặt bà chạm vào chân của tiên nhân. Nhưng khi chạm vào chân thì ông Uất đầu lam phất động tâm cho nên mất thần thông, khi về phải đi bộ trở về núi. Khi tới thì rất là nhanh nhưng khi về nghe nói phải mất tới mấy tháng mới về lại núi được. Vì mất thần thông nên ông rất hối hận, quyết tâm đến bên gốc cây tu luyện để cầu được thần thông trở lại. Khi nhất tâm, cố gắng chuyên chú thì có một con chim kêu, ông tưởng nó đang tâm tình với nhau nên bị loạn ý, không thể nào thu nhiếp tâm ý để hồi phục thần thông được. Lúc bấy giờ ông bỏ cội cây, đến bên bờ suối để tập trung nhiếp định cầu lại thần thông. Khi ông nghe các loài cá quậy giỡn ở dưới, ông cũng động niệm nghĩ chúng tự tình với nhau nên cuối cùng việc luyện tập của ông cũng không thành công. Vì tập trung cầu hồi phục thần thông mà không được cho nên ông tức giận và thề: “Sau này ta sẽ làm một con chồn bay để ăn hết tụi bay” vì cái tội làm cho ông loạn ý, tu không được. Sau đó ông vào rừng sâu, tìm một chỗ yên vắng tập trung và hồi phục được thần thông đã mất. Sau khi chết ông sanh lên cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ và ở đó một thời gian. Khi hết tuổi thọ, vì lời thề xưa cho nên ông đọa xuống làm một con chồn bay. Lòng uất hận ngày xưa giờ vẫn còn nên con chồn bay và ăn giết cá chim rất nhiều. Vì gây vô lượng tội ác như vậy nên sau khi chết, con chồn bay này đọa vào địa ngục rất lâu dài và chịu vô số hình khổ đau đớn bởi nghiệp đã tạo đó.
Nếu dùng thần thông mà thoát được nghiệp thì lẽ ra ông Uất đầu lam phất phải dùng thần thông để trốn, không vào địa ngục. Nhưng sau khi có được thần thông lại, ông cũng không hóa giải được lời thề cũ. Hết phước cõi trời thì ông theo lời thề đó trở xuống làm con chồn bay tạo nghiệp ác và phải đọa địa ngục. Vậy thần thông đâu có giúp cho ông thoát khỏi nghiệp và hết khổ? Nó không thể thắng được nghiệp lực, không thể hóa giải được nghiệp lực, vậy thì mình nên sợ thần thông hay nên sợ nghiệp lực?
Bây giờ xét kỹ lại, khi tu mà bị chim cá quấy rối nên ông nổi giận và thề ngày sau sẽ làm con chồn bay ăn hết loài chim cá. Đó là vì trong bất giác, trong cơn bực tức nhất thời không kịp kiểm soát nên đã lỡ lời mà buông ra lời nói như vậy thôi. Đã là lỡ lời thì lẽ ra sau khi hết giận, ông phải biết lỗi mình đã lỡ nói lời ác sẽ dẫn đến quả báo không tốt để ăn năn và thành tâm sám hối, thì chính cái tâm ăn năn sám hối đó mới giúp cho ông chuyển đổi, không còn theo nghiệp đó mà làm con chồn bay để tạo thêm nghiệp ác. Bởi vì lúc bấy giờ nghiệp chỉ mới khởi từ ý, chưa phát ra thân và miệng. Nếu trong lúc bất giác nhất thời đó mà biết ăn năn sám hối thì không có cơ hội phát ra miệng và thân làm, cho nên không kết được thành nghiệp. Như vậy chúng ta thấy, ông có thần thông nhưng cũng không hóa giải được nhân sẽ tạo nghiệp là lời thề đó, huống chi là những nghiệp đã tạo rồi, mà khi quả đã chín muồi và phải thọ quả báo thì làm sao có thể dùng thần thông mà thoát được. Chính thần thông mà không thể chuyển được một nghiệp nhân nhỏ trong tác ý thì làm sao có thể chuyển được nghiệp nhân đã thành hình?
Quý vị xét lại, nếu trong một lúc bất giác nào đó, quý vị lỡ có tâm bực tức và thề giống ông Uất đầu lam phất và sau đó tỉnh táo lại, quý vị sẽ biết đó là một niệm không tốt, mình phải thành tâm sám hối ngay cái niệm xấu ác đó. Khi sám hối thì mình không còn theo, mà không theo thì không còn tạo nghiệp, không còn đi thọ khổ trong vòng luân hồi nữa. Mà ăn năn sám hối thì có nhất thiết cần đến thần thông mới làm được hay không? Đâu cần! Chỉ cần có trí tuệ, biết rằng cái nghĩ khởi lên trong khi giận đó là nhất thời, là sai, là nhân dẫn đến tạo nghiệp và thọ khổ thì phát một tâm ăn năn sám hối, không theo niệm đó để tạo nghiệp thì liền khỏi. Còn cho dù là tiên nhân, đắc được thần thông mà không biết cách hóa giải niệm ác của mình ngay khi mới phát khởi thì cuối cùng vẫn theo nghiệp, tạo nghiệp và thọ lấy quả báo.
Qua đó quý vị thấy, thần thông đâu có khả năng chuyển hay tiêu trừ được nghiệp, cho nên nó không phải là cái chính để chúng ta tu theo và mong cầu được. Chúng ta tu hành không cần thần thông vẫn tu được, chỉ cần chuyển sửa ngay ba nghiệp thân, khẩu và ý để tiêu trừ nghiệp, đó là cái thiết thực nhất. Cái chính là chuyển ngay từ ý nghiệp, ý không nghĩ xấu ác thì miệng không nói lời ác và thân sẽ không làm, ngay đó chúng ta đã dừng được nghiệp ác. Đó là dừng được cái nhân, mà nhân đã không có thì quả khổ làm sao có? Còn thần thông là cái không thể chuyển được nghiệp, không giúp cho mình hết khổ mà còn khiến chúng ta dễ bị lầm lạc. Vậy trong khi tu hành, quý vị thấy mình có nên cầu để được thần thông không? Như đã phân tích, nó chỉ là cái nhất thời, không có lợi ích gì cho mình mà mình lại phải tốn một thời gian rất dài để có được. Dồn hết công sức thời gian để mong cầu một cái không có lợi ích như vậy thì cái nhìn của mình có được đầy đủ hay chưa? Biết như vậy rồi trong khi tu hành, chúng ta không nên chú trọng cầu thần thông để rồi phải bị lầm lạc.
Tóm kết lại cho quý vị thấy, trong hàng đệ tử Phật, Ngài Mục Kiền Liên là người có thần thông bậc nhất, nhưng cuối đời Ngài cũng phải trả một cái định nghiệp từ đời trước.
Trong sử kể lại, một hôm trên đường đi khất thực và giáo hóa, Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên mỗi người cách nhau một khoảng xa thì gặp ngoại đạo Ni kiền tử đón đường. Gặp Ngài Xá Lợi Phất, chúng hỏi: “Trong chúng chánh mạng có Sa Môn quả hay không?” Có nghĩa nó hỏi trong chúng Ni kiền tử có chứng được bốn quả Thanh Văn không? Ngài Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất cho nên Ngài không nói có hay không. Nếu nói không thì bị chúng đánh mà nói có thì trái với đạo, cho nên Ngài nói: “Chúng chánh mạng Sa Môn quả không, chúng Thích Ca Sa Môn quả có. A la hán còn tham dục thì đời không có người ngu si”. Ngài nói một dọc như vậy chúng nghe không kịp, tưởng ngài khen nên chúng tha cho đi. Quý vị có hiểu Ngài Xá Lợi Phất nói gì không? Phân tích thì Ngài nói đúng với Phật Pháp, nhưng Ngài không nói rõ. Ngài nói “chúng chánh mạng Sa Môn quả không” nghĩa là trong chúng Ni kiền tử không có quả Sa Môn, không có bốn quả vị Thanh Văn, “chúng Thích Ca Sa Môn quả có”, có nghĩa là trong chúng xuất gia hàng đệ tử Phật thì có chứng được bốn quả Thanh Văn, còn nếu cho rằng ngoại đạo Ni kiền tử còn tham dục mà chứng được bốn quả Thanh Văn thì đời này không có người ngu si. Bậc A la hán mà còn tham dục thì đời không có ngu si. Trên thực tế ở đời vẫn có ngu si thì A la hán phải sạch tham dục. Mà chúng chánh mạng tức là ngoại đạo Ni kiền tử này còn tham dục mà đòi chứng được A la hán thì chuyện đó không có bao giờ.
Tới phiên gặp Ngài Mục Kiền Liên, nó đón đường lại và hỏi như trên: “Trong chúng chánh mạng có Sa Môn quả không?”. Thường ngày Ngài Mục Kiền Liên hay dùng thần thông để chiết phục ngoại đạo. Vì thời bấy giờ ở Ấn Độ người ta chú trọng thần thông, nếu giáo hóa mà không có thần thông thì người ta không tin, nên duy chỉ có Ngài Mục Kiền Liên là người đặc biệt được đức Phật cho phép sử dụng thần thông để giáo hóa những người ngoại đạo. Ngài đã chứng A la hán nghĩa là Ngài đã có đạo thông, đã thông suốt về đạo, cái chính đã được thành hình nên khi dùng thần thông không bị lầm. Lúc ấy Ngài Mục kiền liên đáp một cách rất thẳng thắn: “Chúng chánh mạng thì làm gì có Sa Môn quả”. Nghe vậy, chúng tức giận xúm lại đánh ngài đến ngất xỉu, thân thể chảy máu. Khi đó Ngài Xá Lợi Phất đã đi được một đoạn, quay lại nhìn không thấy bạn mình nữa cho nên trở lại tìm thì thấy Ngài Mục Kiền Liên đã bị đánh ngất xỉu. Ngài Xá Lợi Phất dùng y Tăng già lê cuốn lại và đem về. Các Thầy tỳ kheo thấy vậy rất thương cảm nên đến thăm và hỏi rằng: “Hằng ngày Ngài thường dùng thần thông để bay đi tự tại và chiết phục được ngoại đạo, thần thông của Ngài cao hơn ngoại đạo nữa, sao lúc đó Ngài không dùng thần thông bay đi mà lại đứng lại để cho ngoại đạo đánh đến như vậy?”. Ngài Mục Kiền Liên đáp: “Nghiệp lực đáo thời, thần chi nhất tự, thượng bất nan ức, huống phát thông tai”, có nghĩa là khi nghiệp lực đã tới rồi thì một chữ thần còn không kịp nhớ, làm sao mà phát thông cho kịp. Sau trận bệnh đó thì Ngài tịch.
Thường chúng ta cũng thắc mắc tại sao Ngài nói sự thật mà lại bị bọn ngoại đạo đánh đến như vậy, tại sao thường ngày Ngài dùng thần thông để chiết phục ngoại đạo, thần thông của Ngài cũng vượt xa ngoại đạo nữa mà lúc này Ngài lại phải chịu một sự đánh đập như vậy, quá là vô lý. Chúng ta có tâm như vậy là có tâm tốt đối với Ngài Mục Kiền Liên và tốt với chánh pháp, nhưng vì chúng ta quan trọng thân này quá mà quên rằng nghiệp đã tạo rồi thì không thể dùng sức thần thông để có thể hóa giải được. Một điểm quan trọng nữa, chúng ta cảm thấy không bằng lòng khi thấy ngoại đạo đánh Ngài Mục Kiền Liên như vậy là bởi vì mình chỉ thấy trên quả mà không biết nhân. Ngày hôm nay sở dĩ Ngài Mục Kiền Liên bị sự đánh đập như vậy là do trong tiền kiếp, Ngài đã từng làm nghề chài lưới giết rất nhiều cá và từng đốt rất nhiều tổ ong cho nên bây giờ phải trả quả báo như vậy. Khi nghiệp đã chín muồi thì không thể dùng thần thông để trốn thoát được, nếu trốn thoát được thì đâu có công bằng với luật nhân quả. Nghiệp đã tạo với người mà bây giờ dùng thần thông để trốn thì đó là mình trốn nợ và không công bằng.
Vậy tổng kết lại cho quý vị thấy, Ngài Mục Kiền Liên không thể dùng thần thông để thổi tắt lửa cho mẹ ăn cơm được, không thể dùng thần thông để cõng mẹ đi sang phương khác để thoát khỏi cái nghiệp ác mà bà đã tạo. Rồi một lần nữa, Ngài Mục Kiền Liên đã nhiệt tình dùng thần thông để cứu năm trăm người dòng họ Thích vào trong bát và bay sang phương khác, nhưng cuối cùng cũng không thành công. Và cho đến chính bản thân Ngài, khi nghiệp đã chín muồi thì cũng phải thọ báo và không thể trốn thoát được định nghiệp. Qua đó, chúng ta thấy rất rõ ràng, thần thông không thể chuyển được nghiệp cho chính mình, cũng không thể dùng thần thông mà giải nghiệp cho người thân của mình được. Nghiệp đã tạo thì dù là tình thân như cha mẹ, anh em ruột thịt cũng không thể thay thế cho nhau được. Cho nên muốn hết khổ thì chúng ta phải tu ngay ba nghiệp để chuyển nghiệp chứ không phải mong cầu có thần thông để chuyển nghiệp. Bởi vì thần thông không thể giúp cho mình tiêu nghiệp được.
2/ Đạo thông mới chuyển được nghiệp.
Có thể có vị sẽ thắc mắc, Ngài Mục Kiền Liên có thần thông, lại chứng A la hán nữa thì tại sao Ngài không thoát được cái nghiệp của Ngài đã tạo? Như vậy người đã có đạo thông cũng bị trả nghiệp hay sao? Quý vị nghĩ Ngài Mục Kiên Liên có trả nghiệp hay không? Nếu mình nói là có trả thì cũng phải vì mình đang là phàm phu, dưới con mắt phàm tình thì mình thường nhìn trên hình tướng, vì chỉ thấy trên tướng cho nên thấy Ngài có bị đánh, có trả nghiệp rõ ràng. Nếu Ngài Mục Kiền Liên chỉ có thần thông mà chưa chứng A la hán thì khi bị ngoại đạo đánh như vậy, Ngài sẽ đau khổ, sẽ khởi niệm hận thù rồi chính niệm đó sẽ dẫn Ngài sanh đường ác. Như vậy là ngài đã trả nghiệp một cách trọn vẹn như bao nhiêu người phàm phu khác. Nhưng vì Ngài đã chứng A la hán, sạch hết lậu hoặc, giải thoát mọi khổ não, không còn thấy thân này là thật, cái đau là thật, nghiệp là thật cho nên khi nghiệp báo đến, tuy trên hình tướng là có trả, nhưng Ngài không còn khổ giống như phàm phu chúng ta, cho nên sau khi tịch thì Ngài nhập vào vô dư y Niết Bàn, an lạc giải thoát và không còn sanh tử nữa. Đó là trả mà không trả. Không trả mà trả, trả mà như không trả, đây chính là tinh thần đặc biệt trong nhà Thiền nói riêng và trong nhà Phật nói chung.
Minh họa một ví dụ cho quý vị dễ thấy, giả sử ngày xưa mình lỡ mắng chửi một người nào đó thậm tệ và khiến cho họ đau khổ tột cùng. Hôm nay, khi quả báo chín muồi, mình bị người khác chửi mắng thậm tệ lại giống như ngày xưa mình từng mắng chửi người khác. Nếu trong lúc này chúng ta chưa biết đạo lý thì sẽ rất đau khổ và buồn bực. Nhưng với người thâm nhập phần nào về đạo lý, biết rõ rằng tiếng chửi của người ấy phát ra trong khi nóng giận là nhất thời trong bất giác, họ đang mê nên nói lời thiếu chính xác thì chúng ta sẽ không chấp, không buồn và còn trở lại thương cho sự sân hận của người đó là rất khổ. Cao hơn nữa, quý vị thấy thân này là không thật, là giả tạm trong một thời gian ngắn, nghiệp mình không thật thì cái họ đang phát ra đó cũng từ một cái nghĩ không thật của họ, mình cũng không thật thì cái gì thọ báo.
Như vậy ngày xưa vì mê cho nên mình chửi họ, nay bị người khác chửi lại đó là chúng ta đang thọ báo và trả nghiệp một cách rõ ràng. Hôm nay vì biết đạo lý, khi nghe chửi, mình không thấy khổ như người mê mà còn sáng suốt biết thương người đang chửi. Như vậy trên hiện tướng thì mình có trả mà thực ra không trả gì hết, có khổ đâu mà trả.
Như vậy chính đạo thông mới có khả năng giải được nghiệp đã tạo, chính đạo thông mới có khả năng dừng được sức mạnh của nghiệp. Đạo thông là cái quan trọng, cái chính yếu mà người tu chúng ta cần phải để tâm lo tu hành. Còn thần thông thì không thể dùng nó để tránh được nghiệp đã tạo. Chính đức Phật là người đã trải qua nhiều số kiếp tu hành đạt đạo, có thần thông và Ngài thấy được rõ ràng sự lợi và hại của thần thông, thấy thần thông không quan trọng, dễ làm mê hoặc, làm chướng đạo tâm người khác nên Ngài không dạy chúng ta tu để cầu được thần thông. Đồng thời răn nhắc, ngăn cấm không cho chúng ta sử dụng thần thông. Nếu là người thực tâm học Phật thì chúng ta phải lưu tâm đến vấn đề này.
Giờ quý vị đã biết thần thông không thể giải được nghiệp, muốn giải được nghiệp thì chỉ có đạo thông, thông suốt được đạo lý. Mà rốt ráo đạo thông chính là sự giác ngộ, nhận lại tánh giác sẵn có nơi chính mỗi người chúng ta. Chỉ cần không theo những cái vọng giả thì tánh giác sẵn có sẽ hiện tiền. Chính khi tánh giác hiện tiền là chúng ta đã có được năng lực giác ngộ. Chính sức giác ngộ đó giúp mình chuyển được nghiệp và chuyển được thần thông. Quý vị phải nhớ tánh giác đó là ngay nơi chính mình, không phải ở bất cứ chỗ nào mà phải đi cầu xin hay luyện thần thông mới có được. Thấy được cái nào là chính, cái nào là phụ như vậy thì chuyện tu hành của mình mới không bị sai lầm. Hằng ngày chúng ta ngay nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình mà tu. Thay vì ngày xưa mình nói ác, nghĩ ác, làm ác thì chịu quả báo ác. Bây giờ biết tu rồi thì sửa lại, vừa nghĩ ác thì mình không theo, không tạo ác, không có quả báo khổ. Đồng thời nên nghĩ và làm những việc lành thì chúng ta sẽ được quả báo lành và an vui. Nếu quý vị nào phát tâm tu mạnh hơn thì hằng ngày cũng ngay nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, chỉ là tùy theo duyên của cuộc sống mà tiêu dung những nghiệp cũ và không tạo thêm nghiệp mới, đó là đã dừng được nghiệp. Mà không tạo nghiệp thì không còn động lực đẩy mình đi trong sanh tử luân hồi, là dứt hết mọi khổ đau.
VI. Kết luận.
Như vậy, ngay ba nghiệp thân, khẩu, ý, tùy theo khả năng của mỗi người để ứng dụng tu sửa. Sửa ngay nơi chính mình thì đó là chúng ta đang tu hành thiết thực chứ không cần phải mong cầu một cái gì xa xôi, ảo huyền thần thông nào cả. Vì chúng chỉ là cái phụ, không giải quyết được nghiệp của mình. Còn ngay nơi ba nghiệp mà tu sửa được thì chuyển được nghiệp. Chuyển được nghiệp thì không cần phải có thần thông, chỉ là phàm phu chay như mình mà biết tu thì cũng chuyển được. Cao hơn nữa, nếu ngay cuộc sống, mỗi mỗi khéo nhận lại tánh giác thì sẽ có đạo thông, nhổ tận cội gốc sanh tử, được an lạc niết bàn. Công phu tu hành rất đơn giản, rõ ràng và thiết thực như vậy chứ không phải cần đến thần thông cầu kỳ. Nghe và hiểu như vậy rồi, mong rằng một khi đã phát tâm tu hành thì quý vị phải nên suy xét cho kỹ để nắm rõ chỗ chính yếu của sự tu rồi từ đó ứng dụng công phu, không còn lầm theo những việc huyền bí trái với lẽ đạo, trái với tinh thần mà Phật Tổ đã chỉ dạy rồi tự đánh lừa mình và người.