Thầy Tâm Hạnh.
Trong Thiền sử Nhật Bản có một vị thiền sư ni hiệu là Ryonen, có nghĩa là “sự thể hiện trong sáng”. Trước khi qua đời, vị này có để lại bài kệ:
Sáu mươi sáu lần đôi mắt này nhìn thu thay đổi
Tôi nói đến vầng trăng đã đủ rồi.
Xin đừng hỏi nữa,
Hãy lắng nghe âm điệu của thông ngàn và bách hương khi không gió lộng.
Hôm nay là ngày rằm Trung thu, lẽ ra phải nói về trăng, nhưng trăng thì quý Thầy đã nói qua hai kỳ rồi, coi như tạm gọi là đủ. Xin đừng hỏi nữa!
Hôm nay quý Thầy sẽ không nói về trăng nữa, mà muốn cho mỗi vị thực sự tự ngắm lại vầng trăng của chính mình, để thấy rằng mỗi vị đều đang tuyên thuyết diệu pháp. Vầng trăng và tất cả cảnh vật cũng đang tuyên thuyết diệu pháp cho chúng ta nghe. Cả hai vốn tự cảm ứng, giao xen, bàng bạc đạo lý khắp tất cả chỗ. Trong bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta và tất cả cảnh vật cũng đều đang thuyết pháp, cho nên gọi là “Pháp luân thường chuyển”.
Nhưng nói trăng nói cuội gì cũng không ngoài mục đích là nói đến đạo lý để được giải khổ, giải thoát, an vui. Bởi vì khi đến với đạo, hầu hết chúng ta đều có chung một tâm nguyện là muốn hết khổ và an vui. Muốn vậy, chúng ta cần phải có phương pháp để giải khổ, mà Phật pháp chính là dược liệu tối ưu giúp cho quý vị có thể dẹp phá phiền não và đạt đến an lạc giải thoát. Vì muốn chánh pháp còn mãi ở nơi đời để giải khổ cho tất cả chúng sanh cho nên hằng đêm quý Thầy vẫn thường phục nguyện câu “Pháp luân thường chuyển”, tức là nguyện cho bánh xe chánh pháp xoay chuyển liên tục mọi lúc, mọi nơi không dừng nghỉ, không gián đoạn. Muốn cho bánh xe chánh pháp chuyển một cách liên tục thì chúng ta cần có một cái nhìn về “pháp luân thường chuyển” như thế nào.
Quý vị thấy hiện nay có rất nhiều pháp hội đang giảng pháp và chúng ta cũng đi nghe pháp rất nhiều. Nhưng khi đang ở trong pháp hội, đang nghe pháp thì có Phật pháp, còn khi ra đường, về nhà thì có Phật pháp không? Khi có khi quên, phải không? Trong đây có vị nào không bao giờ quên? Vậy thì kẽ hở đó ở chỗ nào? Là tại vì chúng ta chưa được chuyên tâm, chưa được tỉnh giác một cách liên tục.
I/ CHUYÊN TÂM, PHẢN TỈNH, LUÔN TỈNH GIÁC.
Quý thầy xin kể quý vị nghe một câu chuyện có thật: Có hai vợ chồng nhà nọ học hỏi và thấm nhuần Phật pháp. Một hôm bà vợ bất giác mắng chửi ông chồng xối xả nhưng ông vẫn ngồi điềm nhiên, bình tĩnh, không nói gì. Đến khi bà vợ cạn lời, im lặng, ông chồng hỏi: “Vậy nãy giờ bà nói đã hết chưa?”. Bà vợ trả lời: “Hết rồi”. Ông chồng nói tiếp: “Cảm ơn bà, nãy giờ nhờ bà mà công phu tu tập của tôi được thành tựu”. Bà vợ nghe xong vừa cảm thấy sợ vừa tức tối vô cùng. Bởi vì ông chồng không chịu nói cho bà biết là ông đang tu, để bà đã xúc phạm đến người đang công phu như vậy. Từ đó về sau, bà không bao giờ dám bất giác để nói nặng với chồng mình nữa. Quý vị thấy, người vợ chửi mắng, nhưng người chồng lại thấy như là người vợ đang thuyết pháp cho mình nghe và tu tập được. Cũng nhờ vào hạnh tu của người chồng mà bà vợ thức tỉnh về sau không dám bất giác xúc phạm đến người khác. Đó là ông chồng cũng đang thuyết pháp cho bà vợ nghe.
Như vậy, hàng ngày đâu phải thiếu những người thuyết pháp cho mình nghe, chỉ là chúng ta chưa chịu nghe pháp. Có thể ở đây mình nghe rất nhiều mà về nhà quên, không chịu nghe pháp, thành ra không được liên tục.
Vào thời Đức Phật, có vị Sa di Hiền Trí mới bảy tuổi đã chứng A la hán. Nhân duyên chứng A la hán của Ngài rất đặc biệt. Lúc Ngài lên 7 tuổi thì cha mẹ cho xuất gia với Tôn giả Xá Lợi Phất. Khi xuất gia, gia đình phát tâm cúng dường liên tiếp trong 7 ngày đầu. Trong 7 ngày đó vì không phải đi khất thực nên Ngài Xá Lợi Phất dạy cho Sa di Hiền Trí các đề mục thiền quán về các thể trược trong thân này. Qua đến ngày thứ tám, gia đình hết cúng dường nên Sa di Hiền Trí phải theo Thầy mình đi khất thực. Trên đường đi, Ngài thấy người ta đang vét mương để dẫn nước vào ruộng. Ngài hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất: “Thưa Thầy, người ta đang làm gì vậy?”. Ngài Xá Lợi Phất trả lời: “Người ta đang vét mương để dẫn nước vào làm ruộng”. Sa di Hiền Trí liền nghĩ: “Nước là vật vô tri vô giác mà người ta còn có thể hướng dẫn sử dụng theo ý của mình để làm việc lợi ích. Vậy tại sao mình có tâm, có tri giác, có hiểu biết mà không thể hướng dẫn tâm mình đi theo con đường đến A la hán được?”. Đi tiếp một đoạn, Sa di Hiền Trí lại nhìn thấy một người đang chuốt những mũi tên, bèn hỏi Ngài Xá Lợi Phất: “Họ đang làm gì vậy?”. Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Họ đang chuốt những mũi tên cho ngay thẳng để bắn”. Ngài cũng nghĩ: “Tên cũng là vật vô tri mà người ta còn có thể uốn nắn khiến cho nó có thể ngay thẳng theo ý mình. Còn mình là người có lý trí, có hiểu biết, tại sao mình không thể uốn nắn tâm mình cho ngay thẳng, đúng đắn để đi đến con đường Niết Bàn?”. Đó là lần thứ hai. Đi một đoạn nữa, Ngài lại thấy một người đang đẽo bánh xe (ngày xưa, người ta làm bánh xe bằng gỗ cho nên đẽo tròn để đẩy), Ngài lại hỏi: “Bạch Thầy, người ta đang làm gì vậy?”. Tôn giả Xá Lợi Phất đáp: “Đó là người ta đang đẽo những thanh gỗ làm bánh xe để dùng vào việc chuyên chở”. Ngài cũng nghĩ: “Gỗ là vật vô tri, vô giác mà người ta vẫn có thể đẽo nó thành bánh xe để sử dụng theo ý mình. Còn mình có tri, có giác, có hiểu biết, tại sao mình không đẽo gọt những điều xấu xa, những điều hư dối trong tâm mình để tâm ý trở thành lợi ích chân thực trên con đường giải thoát?”. Ba lần đánh động sâu như vậy nên Ngài trao bát lại cho Tôn giả Xá Lợi Phất và thưa: “Xin Thầy cho phép con được về trước, con có vấn đề cần giải quyết”. Tức là ngay trong ngày hôm đó, Ngài muốn dứt khoát phải giải quyết xong quả vị A la hán của mình. Về đến nơi, Sa di Hiền Trí vào phòng mình ngồi thiền quán và quyết tâm quán xét cho tột cùng. Việc này cảm đến trời Đế Thích, Ngài sai bốn vị thiên vương xuống trấn giữ bốn góc vườn, không để chim chóc và người lai vãng làm động đến công phu của Sa di Hiền Trí. Chính trời Đế Thích đứng trấn ngay cửa giữa, đồng thời dùng thần lực làm mặt trời sáng hoài giống như vẫn đang còn trưa, cho nên Tôn giả Xá Lợi Phất thong thả đi về. Trong khi đó, Đức Phật quán xét thấy được tâm trạng và công phu của Sa di Hiền Trí, nếu Tôn giả Xá Lợi Phất khất thực trở về, mở cửa phòng mà Sa di Hiền Trí vẫn chưa chứng quả A la hán thì sẽ làm trở ngại công phu. Do đó khi Tôn giả Xá Lợi Phất về thì Đức Phật ra đón ở cửa trước, chặn lại và hỏi rất nhiều câu để cho Sa di Hiền Trí trong kia có thời gian thành tựu đạo quả. Quả nhiên, ngay sau đó, Sa di Hiền Trí đắc quả A la hán. Khi đó, Đức Phật để cho Ngài Xá Lợi Phất đem phần cơm khất thực vào cho Sa di Hiền Trí. Sau khi dùng cơm xong, thu xếp gọn gàng, trời Đế Thích thu thần lực lại thì mặt trời liền lặn và tối. Đại chúng thấy sự việc lạ rất ngạc nhiên và bàn tán. Đức Phật biết nên Ngài đến giải thích nguyên nhân của sự việc hôm nay là do Sa di Hiền Trí.
Qua đó, quý vị thấy, Sa di Hiền Trí mới bảy tuổi, nhưng khi ra đường thấy những sự việc người ta làm thì những việc đó đánh động sâu vào tâm Ngài, từ đó Ngài quyết tâm hạ thủ công phu để thành tựu. Như vậy, những công việc xem ra rất tầm thường, nhưng đối với Ngài, nó lại có thể biến thành pháp thoại khiến cho Ngài giác ngộ và chứng quả. Còn đối với chính những người đang làm việc đó hoặc những người nhìn thấy rất nhiều, nhưng xem thường cho qua thì những việc đó cũng trở thành tầm thường. Tại sao như vậy? Giả sử trên đường đi, nếu Sa di Hiền Trí thả tâm buông lung và nghĩ ngợi lung tung, không chú tâm vào đề mục thiền quán Thầy mình chỉ dạy thì liệu Ngài có thành tựu được sự giác ngộ không? Như vậy, cùng một hoàn cảnh đó, nếu chúng ta buông lung tâm niệm, sống theo phàm tình thì ngay đó Phật pháp đang vắng bóng. Còn nếu chúng ta chánh niệm, chuyên chú, tỉnh giác thì nó lại trở thành một cảnh giới giác ngộ, trở thành Phật pháp đối với mình. Ngay đó, bánh xe chánh pháp đang xoay chuyển đều, không thiếu vắng. Vấn đề còn lại ở đây là chúng ta có chịu chánh niệm, chuyên tâm và tỉnh giác để nghe thấy vạn vật tuyên thuyết diệu pháp hay chưa mà thôi.
Một hôm Ngài Dịch Thượng ngồi thiền mãn giờ thì có một hồi chuông xả thiền ngân vang đến.
Khi xuất định, Sư gọi thị giả đến hỏi:
- Sáng nay ai thỉnh chuông vậy?
Thị giả thưa:
- Đó là một Sa di vừa mới đến tham học.
Sư bảo thị giả gọi vị Sa di ấy đến.
Khi Sa di đến, Sư hỏi:
- Sáng sớm hôm nay, con dụng tâm như thế nào để thỉnh chuông?.
Sa di ngạc nhiên, trả lời:
- Bạch Thầy, con không có dụng tâm gì, chỉ là thỉnh chuông là thỉnh chuông vậy thôi.
Thiền sư Dịch Thượng bảo:
- Con chẳng thấy sao? Khi con thỉnh chuông, nhất định trong tâm con có niệm đến một chút gì, vì hôm nay ta nghe tiếng chuông của con âm thanh rất trong sáng. Chỉ người có chánh tâm thành ý mới phát ra tiếng chuông này.
Sa di nghe vậy, suy nghĩ một lúc rồi thưa:
- Bạch Thầy, thực ra con cũng không có ý niệm gì đặc biệt. Chỉ là trước kia khi chưa đi tham học, Thầy con thường răn nhắc, khi thỉnh chuông phải tưởng đến chuông tức là Phật, phải thật chí thành trai giới, kính chuông cũng như kính Phật, dùng tâm thiền như lúc nhập định và dùng tâm lễ bái để thỉnh chuông.
Quý vị thấy, khi mình thỉnh chuông phải coi chuông như Phật, nếu mình thấy Phật trước mặt mình thì có dám động niệm không? Quý vị thấy đi gần Hòa thượng Ân sư là chúng ta đã thanh tịnh rồi, huống nữa là mình gần Phật thì rất là chánh niệm. Sở dĩ mình buông lung nhiều là do tâm khinh suất của mình chứ nếu thận trọng hơn một chút thì tu dễ tiến.
Ngài nói “dùng tâm thiền như lúc nhập định và dùng tâm lễ bái để thỉnh chuông” nghĩa là tâm rất chí thành không một niệm khác. Nếu không phải là người chí tâm thành ý thì không thể phát ra được tiếng chuông này. Và nếu không phải là người có tâm đang thiền như Thiền sư Dịch Thượng thì cũng không thể nhận được tiếng chuông thiền vị ấy. Mới thấy, Phật pháp luôn sẵn quanh ta, nhưng chúng ta có biết vận dụng đúng mức hay chưa?
Nghe xong, Thiền sư Dịch Thượng rất hài lòng và ân cần nhắc thêm:
- Sau này, khi xử lý các việc, con cũng đừng nên quên một điều là đều giữ gìn cái tâm thiền đã thỉnh chuông sáng nay.
Từ đó về sau, Sa di luôn giữ thói quen như vậy, luôn luôn cung kính, kính cẩn, chẳng những khi thỉnh chuông mà khi làm bất cứ một việc gì, hễ vừa động một chút niệm, Ngài liền nhớ lời khai thị của Thiền sư Dịch Thượng và vị Thầy thế độ của mình nên luôn giữ cái tâm thiền thỉnh chuông đó. Sau này chú Sa di đó trở thành một vị thiền sư là Ngài Sâm Điền Ngộ Do.
Nhìn lại, chúng ta thường khinh suất, ít chú tâm, chứ còn nếu kính cẩn, thận trọng và chú tâm giống như trường hợp trên thì trên đường tu rất dễ thành tựu. Ví dụ, quý vị nghe Hòa thượng dạy “biết là chân tâm”. Nếu lúc nào quý vị cũng biết chỉ là biết, cứ liên tục như vậy một thời gian sẽ có một sức mạnh tỉnh giác cao, đó chính là vốn liếng cần thiết để khi mình gặp những nghịch cảnh thì có thể vượt qua một cách dễ dàng. Pháp không phải thiếu mà cái thiếu ở đây là sự chuyên cần, chuyên chú, chuyên tâm. Cũng giống như trong Kinh, Đức Phật dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, có nghĩa là chú tâm vào một chỗ thì không có việc gì là không thành tựu cả. Nếu chúng ta chú trọng việc tu hành và thực hành công phu một cách miên mật như Ngài Sâm Điền Ngộ Do thì ngày thành tựu của chúng ta không phải là lâu lắm. Thực hành được như vậy thì trong mọi lúc, mọi nơi Phật pháp không bao giờ thiếu vắng. Đó chính là bánh xe chánh pháp đang xoay chuyển một cách liên tục, không gián đoạn nơi mỗi người. Đó là mức độ bình thường, quý vị nghe nhiều rồi, giờ chỉ là nhắc lại để nhớ kỹ hơn.
II/ TÂM THỂ HIỆN BÀY TẤT CẢ CHỖ.
Bây giờ sang cấp độ thứ hai rốt ráo hơn một chút. Ở tại Long Môn, nơi Thiền sư Phật Nhãn đang giáo hóa có làm một cái cối xay bằng đá, dùng sức nước để xay bột. Quý vị biết cái cối xay ngày xưa các Ngài làm thế này: Đào đất xuống, bên trên gác một tấm ván ngang qua, giống như là dòng suối gác ván ngang qua để làm cầu vậy. Trên tấm ván đó các Ngài để một cối xay bằng đá, có một cái trục từ trên cối xay này xuyên qua ván đó xuống dưới lỗ hổng. Phía dưới đẽo một bánh xe tròn bằng gỗ gắn ngang ở dưới. Sau đó, cho dòng nước chảy mạnh xuống thì nước sẽ đẩy làm cho bánh xe này quay. Ngài Hoàng Long Trung Đạo giả lúc mới đến chùa Long Môn, Sư rảo bước ngang sang cái cối xay bằng đá dùng sức nước đó, thấy có tấm bảng nhỏ ghi bốn chữ: “Pháp luân thường chuyển”, có nghĩa là bánh xe chánh pháp vẫn đang xoay chuyển liên tục, thì hoát nhiên tỉnh ngộ, vỗ tay nói hai câu kệ:
“Chuyển đại pháp luân
Trước mắt trùm khắp”.
Có người hỏi: “Thế nào là nước đẩy cối quay?”. Sư bèn lấy tay vẽ một hình tròn.
Theo quý vị, Ngài Trung Đạo giả đã thấy cái gì mà tỉnh ngộ và nói “chuyển đại pháp luân, trước mắt trùm khắp”. Có phải là ngài thấy tấm bảng ghi bốn chữ “pháp luân thường chuyển” không?
Đây là một điểm rất đặc biệt, nếu quý vị thấy được chỗ này thì sẽ thấy lúc nào các vật chung quanh cũng đang thuyết pháp cho mình nghe và lúc nào mình cũng đang thuyết pháp hết. Chỗ này quý vị không cần hiểu mà phải khéo nhận thì đúng hơn, cho nên đừng nghĩ là đã học hay chưa học, nghe gì trả lời nấy.
1/ CHỈ RA TÁNH THẤY BIẾT.
Thông thường, khi đưa cái tay lên, hỏi “Thấy không?” thì quý vị có thấy không? “Có thấy”. Nếu chưa biết thì khi bỏ tay xuống, hỏi “Thấy không?” thì quý vị nói là “Không thấy”, phải không? Như vậy, đưa tay lên, hỏi thấy không thì nói là có thấy, để tay xuống hỏi có thấy không thì nói là không thấy. Vậy tại sao thấy, tại sao không thấy? Đáp là khi có cái tay thì thấy mà không còn cái tay nữa thì không thấy, đúng không? Tiếp tục, đưa tay lên hỏi “Có cái tay không?” thì quý vị nói “Có cái tay”, để tay xuống hỏi có cái tay không thì nói “Không có cái tay”.
Cùng một động tác là đưa tay lên, mà hỏi thấy không thì quý vị đáp là thấy, hỏi về tay thì đáp là có tay. Vậy là cái tay với cái thấy đang bị lẫn lộn, quý vị đã đồng hóa cái tay này với cái thấy nơi chính mình, đó là mình đã quên mình mà theo cảnh bên ngoài rồi. Đây là cái thấy của phàm phu. Bởi vì khi đưa tay lên, quý vị đáp là có thấy, nhưng khi hạ xuống, nếu thực sự không thấy thì ai đang thấy biết không có cái tay mà nói “không thấy” đó? Nếu thực sự không thấy thì chắc chắn quý vị không trả lời được là “không thấy”. Khi đặt tay xuống mà nói là không thấy thì rõ ràng là mình đã bỏ quên ngay cái đang thấy nơi chính mình mà thấy theo cái tay, thấy theo cảnh bên ngoài rồi.
1a/ Không có cái tay, không cảnh để lựa ra và nhận lại tánh thấy biết.
Bây giờ, bằng cái thấy biết quý vị đang thấy đây, không cần theo cái tay này nữa, ngay khi đưa cái tay lên, quý vị có thấy không?
- Thấy.
- Thấy là chỉ thấy thôi, bình thường, lắng tâm mà thấy, khi để cái tay này xuống quý vị có còn thấy không?
- Cũng đang thấy biết rõ ràng mà không động. Như vậy, ngay đây, không nhìn theo nó thì đang lặng mà rỗng suốt, thấy biết rõ ràng, không động. Đây chính là tánh thấy biết vẫn hằng hữu nơi chính mình, chưa bao giờ thiếu vắng.
1b/ Khi có cái tay, có cảnh để lựa ra và nhận lại tánh thấy biết.
Cũng vậy, vẫn chỉ bằng một cái quý vị đang thấy biết trong lặng đó, quý thầy đưa cái tay này lên lại, quý vị có thấy không?
- Thấy.
- Thấy mà có động hay không?
- Vốn tự rỗng suốt – rõ ràng mà không động, đúng không?
1c/ Tánh thấy biết vốn tự không tịch, vượt ngoài có – không.
Như vậy, khi có cái tay quý vị cũng biết, khi không tay quý vị cũng biết. Cảnh này có còn, có mất, có có, có không, nhưng cái thấy của mình vượt ngoài có không, còn mất. Ngay đây, cái thấy vốn tự rỗng suốt, rõ ràng, không động. Tâm không thì cảnh tịch, cái tay này là không tịch (rỗng lặng).
1d/ Không trong - không ngoài, hiện bày khắp tất cả chỗ.
Bằng cái thấy này, quý vị nhìn lại cái tay này, nó ở trong hay ở ngoài quý vị? Khi thấy mà chưa có một niệm phân biệt thì có bóng dáng của cái tay này trong tâm quý vị không? Không, như vậy thì không phải ở trong. Nhưng quý vị có đang thấy không? Đang thấy thì không phải ở ngoài. Nếu nói trong ngoài là nói theo cái tay này rồi. Ngay khi thấy mà đang lặng đó thì cái tay này không in dấu trong tâm cho nên nó không phải ở trong, nhưng mà mình vẫn đang thấy cho nên nó không phải ở ngoài. Không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải có, không phải không mà cái tay là một sự hiện hữu trong tự tánh chánh định mỗi người. Ngay đây, chúng ta đang thấy biết vượt cả trong ngoài, có không, năng sở đối đãi hai bên. Cái tay là cái tay. Tâm cảnh nhất như, cho nên nhìn cái gì cũng là Phật pháp hết. Phật pháp bàng bạc khắp tất cả nơi.
Trở lại câu chuyện Ngài Trung Đạo giả, khi nhìn thấy tấm bảng đó, Ngài đã thấy cái gì mà ngộ đạo? Như quý vị nhìn cái tay này, không phải có, không phải không, không phải trong, không phải ngoài thì mình vốn là trong lặng mà đang thấy đây. Ngài vừa thoạt nhìn tấm bảng thì tỏ suốt tánh thấy biết chính mình vốn tự rỗng sáng, không động và đang hiện tiền khắp tất cả nơi. Ngay đó, Phật pháp bàng bạc trùm khắp không thiếu vắng. Đó chính là bánh xe chánh pháp đang xoay chuyển đều không xen hở. Cho nên Ngài mới nói kệ là: “Chuyển đại pháp luân, trước mắt trùm khắp”. Tức là Phật pháp ngay tất cả mọi nơi, khéo thể nhận thì cái gì cũng đang nói pháp cho chúng ta nghe hết. Không chỉ riêng Ngài nhìn thấy tấm bảng kia mà bây giờ quý vị đang thấy mọi thứ chung quanh đây, nếu khéo thể nhận thì cái gì cũng là chánh pháp đang bủa khắp, đại pháp luân đang chuyển trước mắt mình rõ ràng.
Nhìn lại, ngày xưa, Ngài Trung Đạo giả nhìn tấm bảng mà có tỉnh, bây giờ quý vị thấy quý thầy đưa cái tay này lên là giống hay khác? Nếu nói khác thì cái thấy của mình đã theo cái tay này rồi. Tấm bảng và cái tay có khác, còn cái thấy biết hiện tiền đây thì không khác. Cho nên ngày xưa là tấm bảng, bây giờ đưa cái tay này, cái thấy biết rỗng suốt kia vốn tự không đổi khác. Bây giờ không đưa tay nữa mà đưa cái ly này lên, quý vị có thấy khác không? Cũng không khác. Hay không đưa ly mà vẽ vòng tròn, quý vị có thấy khác không? Cũng vậy. Cho nên có người hỏi: “Thế nào là nước đẩy cối quay?” thì Ngài vẽ cái vòng tròn như vậy. Dù là thấy tấm bảng, thấy đưa cái tay, đưa cái ly, hay là vẽ vòng tròn, nhưng nó vẫn không ra ngoài cái thấy biết rõ ràng không động đang hiện tiền đây. Bằng cái thấy biết đó để sống, để thấy tất cả thì lúc nào tâm thể cũng đang hiện bày khắp tất cả chỗ, và đó là Phật pháp đang hiển lộ. Nếu chúng ta khéo nhận và sống được như vậy thì trong mọi sinh hoạt hàng ngày, cảnh nào cũng đang tuyên thuyết diệu pháp cho chúng ta nghe hết.
2/ HOÀN CẢNH NÀO CŨNG ĐƯA CHÚNG TA VÀO ĐẠO.
Có một vị Thiền sư nói trong một bộ luận như thế này: “Cho đến tường, vách, ngói, gạch, không có gì chẳng biết thuyết pháp. Nên Linh Vân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo, Huyền Sa bảo yến hót là bàn sâu thực tướng, thế thì cả quả đất đều là cửa ngộ, cái gì chẳng phải là đạo lý này”.
Chính vì vậy mà trong bộ Sơn Am Tạp Lục của Thiền sư Vô Uẩn Thứ Trung đời nhà Minh có chép một câu chuyện của thị giả Miễn. Thị giả Miễn là cháu trong dòng họ của Thiền sư Vô Uẩn Thứ Trung, khi Ngài Vô Uẩn gạn hỏi nguyên do ngộ nhập thì thị giả Miễn kể lại như sau: “Miễn này có một lần ở nơi Ngọc Kỷ, ngồi ở trên bàn kinh chỗ rừng chiên đàn, tình cờ thấy Tạng chủ Khuê đang cùng với một vị tăng bàn luận Phật pháp. Vị Tăng đó hỏi: “Thế nào là việc hướng thượng?” Tạng chủ Khuê nắm hai tay lại để lên đầu rồi sau đó chắp tay lại, nói “Tố rô, tố rô”. Tạng chủ Khuê đang nói với vị Tăng ở đằng kia, nhưng thị giả Miễn ngồi trên bàn ở đằng này mà được chỗ hoan hỷ (có nghĩa là được chỗ tỉnh sáng) liền vội vàng đi đến Mông Đường (là nhà nghỉ của những vị chức sự sau khi nghỉ việc) để thuật lại với Thủ tọa Đạt nghe. Thủ tọa Đạt cười và bảo “Ông lại đến chăng?”. Từ đó trong lòng tôi tự giác biết rõ ràng”.
Sau khi Ngài Vô Uẩn Thứ Trung được nghe thị giả Miễn kể lại như vậy, Ngài đến gặp Tạng chủ Khuê để thuật lại và hỏi nhân duyên đó như thế nào thì Tạng chủ Khuê đỏ mặt không dám đáp lại. Lúc đó Thiền sư Vô Uẩn thong thả hỏi lại lần nữa thì Tạng chủ Khuê mới nói: “Lúc đó tôi làm dáng vẻ ấy là để đùa với vị Tăng đó thôi, chứ thực tình không biết thế nào”.
Ngài Vô Uẩn đã thuật lại câu chuyện trên và có lời bình: “Mới tin việc này chẳng ở trên lời nói, đến như gió động, bụi dấy, chim lượn, mây bay, thảy đều là chỗ đẩy người vào, nhưng tự là ngay mặt lầm qua. Hãy xem Tạng chủ Khuê đùa với vị tăng mà thị giả Miễn được chỗ hoan hỷ. Chính như trong hội Đức Phật có ông Sa di nhỏ lấy trái banh da đùa giỡn chọi trên đầu vị Tỳ kheo già mà vị Tỳ kheo già nhân đó chứng được tứ quả A la hán thì việc cũng có thể y cứ”.
Quý vị nhìn lại, Tạng chủ Khuê chỉ có ý đùa với vị Tăng đó thôi chứ không phải là thuyết pháp gì hết nhưng thị giả Miễn lại tỏ ngộ. Rồi ông sa di nhỏ nghịch, lấy trái banh da chọi lên đầu vị Tỳ kheo già nhưng Thầy Tỳ kheo già lại chứng tứ quả. Đó là do tâm quý Ngài chuyên nhất, lúc nào cũng chỉ một việc tham thiền thôi cho nên khi thuần thục, nhân duyên chín muồi, gặp duyên liền hay ra, sáng tỏ đạo lý. Mới thấy, chính hành động đùa giỡn của Tạng chủ Khuê cũng đã thuyết pháp cho thị giả Miễn, rồi chính trái banh da cũng thuyết pháp cho thầy Tỳ kheo già. Cho nên nếu tâm ta chuyên nhất và dụng công một cách miên mật thì cảnh nào cũng là cảnh đưa chúng ta vào đạo hết. Vì vậy mà Ngài Vô Uẩn nói: “Đến như gió động, bụi dấy, chim lượn, mây bay thảy đều là chỗ đẩy người vào nhưng mà ngay mặt lầm qua”, có nghĩa là trong tất cả các cảnh hàng ngày, bụi dấy, chim lượn, mây bay…, tất cả đều đẩy mình vào cửa đạo, nhưng tại chúng ta không khéo nhận nên bị lầm qua đi. Tức là hằng ngày ngay trên các cảnh duyên, đạo vốn sẵn đủ, nhưng mình không tự biết, không khéo nhận lại nên chúng ta theo duyên bên ngoài mà bỏ quên mất chính mình, thì đó gọi là bỏ sót, lầm qua. Cụ thể khi quý vị đang nghe đây, nhưng quý vị duyên theo tiếng mà nghe hoặc phóng tâm mà nghe thì mình đã bỏ sót tánh hiện hữu của mình đang rõ đây. Cho nên Ngài Tăng Triệu nói: “Đau xót thay cái mê hoặc của tình người đã lâu lắm rồi, mắt đối diện với cái chân thật mà không ai hay biết”. Ngài nói rất là đau đớn, vì chuyện này là sẵn trước mắt, nhưng vì cái mê lầm của con người đã lâu lắm rồi cho nên mắt đối diện với cái chân thật mà không ai hay biết. Điều này do sự mê lầm nhiều đời của mình lấp đi chứ thực ra cũng không ai muốn mê, nhưng vì bị vùi lấp sâu quá nên vừa giác một chặp thì lại quên đi. Cho nên mình thấy rõ hàng ngày các cảnh đã bày đủ rồi, nhưng mà chúng ta không khéo nhận để lầm qua rồi luống chịu cái khổ rỗng trong sanh tử.
III/ VÔ TÌNH THUYẾT PHÁP.
Thiền sư Động Sơn Lương Giới là vị tổ khai sáng tông Tào Động. Quý vị biết nguyên nhân ngộ nhập của Ngài rất đặc biệt.
Khi Ngài Động Sơn đến Ngài Quy Sơn Linh Hựu để tham vấn, Ngài hỏi:
- Được nghe Quốc sư Huệ Trung nói “Vô tình thuyết pháp”, con chưa hiểu thấu chỗ vi diệu ấy.
Ngài Quy Sơn nói:
- Ta trong ấy cũng có, chỉ là ít gặp được người kia.
Sư thưa:
- Con chưa hiểu, xin Thầy chỉ bày.
Ngài Quy Sơn dựng cây phất tử lên, hỏi:
- Hội chăng?
Sư thưa:
- Chẳng hội, thỉnh Hòa thượng nói.
Ngài Quy Sơn nói:
- Miệng do cha mẹ sanh, trọn không thể vì ngươi nói.
(Từ nãy đến giờ đã nói qua chỗ này rồi, nhưng nói cũng chỉ để quý vị khéo tự nhận lại thôi chứ không thể nào nói tột đến chỗ đó được).
Sư thưa:
- Lại có người cùng Thầy đồng thời mộ đạo chăng?
Ngài Quy Sơn bảo:
- Ở Lễ Lăng, tại huyện Du, trong các thất đá nối nhau có một đạo nhân Vân Nham, nếu hay vạch cỏ xem gió ắt vị ấy là người ngươi kính trọng . Tức là ngươi có duyên với vị đó, nên đến rồi vị đó sẽ khéo chỉ cho ngươi.
Ngài Động Sơn từ giã Ngài Quy Sơn và thẳng đến chỗ Ngài Vân Nham. Khi đến Vân Nham, Sư hỏi:
- Vô tình thuyết pháp, người nào được nghe?
Ngài Vân Nham bảo:
- Vô tình thuyết pháp, vô tình được nghe.
Sư hỏi:
- Hòa thượng lại nghe chăng?
Ngài Vân Nham nói:
- Nếu ta nghe thì ngươi đâu thể được nghe ta thuyết pháp.
Sư thưa:
- Con vì sao chẳng nghe?
Ngài Vân Nham dựng cây phất tử lên, hỏi:
- Lại nghe chăng?
Sư thưa:
- Chẳng nghe.
Ngài Vân Nham bảo:
- Ta thuyết pháp mà ngươi còn chẳng nghe, huống nữa là vô tình thuyết pháp.
Sư hỏi tiếp:
- Vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?
Ngài Vân Nham nói:
- Đâu không thấy trong Kinh Di Đà nói: “Nước, chim, cây rừng, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp”.
Ngay câu nói đó, Sư liền tỉnh ngộ và nói bài kệ:
Cũng rất kỳ, cũng rất kỳ
Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì
Nếu lấy tai nghe trọn khó hội
Phải đem mắt thấy mới liễu tri.
Khi chúng ta nghe nói “vô tình thuyết pháp”, quý vị dùng tai để lắng nghe cây cối nói pháp gì đó, pho tượng nói pháp gì đó thì có phải là quý vị nghe theo tiếng không? Lắng tai để nghe nói một điều gì đó có nghĩa là đợi có tiếng mới nghe mà quên mất cái đang biết nghe đây. Đó là lầm. Còn nếu chúng ta không rời bản vị của chính mình, có nghĩa là đang ở trong cái đang thấy nghe đây mà không cần duyên theo tiếng, ngay đó mình nghe suốt một cách lặng lẽ, rõ ràng. Ngay đó, hoa lá, cỏ cây, chim chóc cũng đang tuyên thuyết một bài pháp vi diệu cho chúng ta nghe. Pháp này dùng tai hay dùng mắt gì cũng nghe được hết. Nghe được “vô tình thuyết pháp”, không phải đợi có tiếng mới nghe, không phải là cái nghe theo tiếng như cái nghe sanh diệt bình thường của bao nhiêu người khác. Mà ở đây, tự tánh vốn lặng lẽ, hằng nghe một cách rõ ràng, không bao giờ thiếu vắng. Quý vị nếu thấu suốt chỗ này thì dùng mắt hay dùng tai gì cũng nghe được hết. Đó là chỗ “vô tình thuyết pháp” mà Ngài Động Sơn Lương Giới đã sáng được. Quý vị rõ cái đó thì cỏ cây, hoa lá gì cũng đang thuyết pháp cho mình nghe, nói chi là đến con người. Mình nghe được như vậy thì dù cho là ở đây hay ra đường, về nhà chúng ta đều luôn nghe pháp.
Quý vị còn nhớ giai thoại cây bách của Ngài Triệu Châu. Có một vị Tăng đến Ngài Triệu Châu, hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?”. Ngài Triệu Châu nói: “Cây bách trước sân”. Sau này, có vị Tăng đem giai thoại đó đến hỏi Ngài Diệp Huyện Quy Tỉnh. Ngài bảo:
- Ta chẳng tiếc nói với ngươi, mà ngươi có tin không?
Tăng thưa:
- Lời nói của Hòa thượng là quý trọng, con đâu dám chẳng tin.
Sư bảo:
- Ngươi lại nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?
Vị Tăng ngay đó hoát nhiên thốt ra tiếng: “Chao!”.
Sư hỏi:
- Ngươi thấy đạo lý gì?.
Vị Tăng ấy đáp bằng một bài tụng:
Giọt mưa trước thềm,
Rành rẽ, rõ ràng.
Đập nát càn khôn,
Liền đó tâm dứt.
Sư vui vẻ.
Quý vị thấy, chỉ một cây bách trước sân của Ngài Triệu Châu, nhưng từ xưa đến giờ vẫn còn thuyết pháp. Cho đến giọt mưa kia cũng thuyết pháp cho vị Tăng ngộ đạo. Nếu chúng ta khéo nhận thì cảnh nào cũng là cảnh đưa chúng ta vào đạo, cảnh nào cũng đang diễn bày Phật pháp chân thật hết.
Có một vị Tăng đến hỏi Thiền sư Duy Chánh:
- Thầy nhân danh là Thiền sư, vì sao không nói thiền?
Sư nói:
- Ngày đêm nhờ vạn tượng diễn bày hết rồi, ngôn ngữ có gián đoạn mà pháp này thì vô tận, nên gọi là tạo hóa vô tận tạng.
Ngay trong sinh hoạt hàng ngày, mọi cảnh vật đã diễn bày Phật pháp một cách đầy đủ và rõ ràng hết rồi, pháp ấy vốn thênh thang trùm khắp mà ngôn ngữ thì có giới hạn không thể nói đến được. Chỉ là chúng ta có khéo nhận lại hay không mà thôi.
Đọc giai thoại trên, có vị đã cảm hứng thành bài thơ thế này:
“Tiếng mưa đọng lại ai ơi,
Và dòng sông hát thay lời chúng ta.
Nghiêng vai chạm ánh trăng già,
Vỡ tan đại mộng nên ta không lời”.
Một lúc nào đó thảnh thơi, quý vị ngồi lắng lại không cần khởi một niệm gì hết, nhìn mưa rơi thì sẽ thấy rõ. Quý vị chỉ cần không một niệm, lắng lại mà nhìn, nhớ là đừng nhìn theo giọt mưa, thì tự nhiên giọt mưa sẽ lắng đọng lại, từng giọt, từng giọt rất rõ ràng, rành rẽ. Lúc ấy không gian như lắng đọng lại, tâm mình bỗng dưng rỗng suốt, lặng trong, thênh thang, không động. Ngay đó, giọt mưa đang tuyên thuyết diệu pháp cho chúng ta nghe. Và tất cả cảnh vật chung quanh cũng lắng xuống, ngay đó đừng thêm nữa thì tánh đang là đó. Điểm chính yếu là chạm ánh trăng già thì đại mộng sinh tử liền tan vỡ. Trong ấy, ánh trăng thanh bàng bạc vốn tự tròn trịa, đầy đủ. Vạn tượng đã diễn bày đầy đủ, không cần nói thêm gì nữa. Nếu cần nói thì nói có được không? Được. Nếu nói không được thì đã kẹt trên chuyện có nói và không nói rồi. Cần nói thì nói, cần nín thì nín, trong ấy tự nó vốn không có gì ngăn ngại. Toàn một thể kia, có tay hay không tay vẫn là một thể. Chỗ này cũng vậy, thể ấy vốn lìa cả nói nín, tùy thời nói nín nào có vướn kẹt gì! Đến trong đó rồi thì nói cũng được, nín cũng được, đâu cần gắng gượng dựng lập một cái gì cố định!
IV/ ÁNH TRĂNG TÂM BÀNG BẠC KHẮP NƠI.
Khi vua Lý Nhân Tông vào núi hỏi Thiền Lão thiền sư:
- Hàng ngày, Hòa thượng làm gì?
Sư đáp:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Nào là trúc biếc, hoa vàng, trăng trong, mây bạc…, tất cả những thứ đó đều hiện rõ tánh chân của mình, tánh chân đang bàng bạc trên tất cả cảnh đó. Bây giờ, quý vị kinh nghiệm lại nơi mình, sống như thế nào, làm sao thì rõ được tánh chân đang hiển hiện? Chỗ này không phải chỉ lúc ngồi thiền mà là chỗ hàng ngày mình làm gì thôi. Giờ quý thầy chỉ sơ qua, khi đi kinh hành, thay vì mình chú tâm, bây giờ không cần chú tâm, mà cũng không phải buông lung. Tại vì tâm đó không phải giữ mà được, không phải buông lung mà có. Khi đi, trên tất cả cảnh, quý vị đừng thèm trụ vào cảnh nào hết. Nhìn hết nhưng đừng để tâm vào bất cứ cảnh gì, nhìn suốt qua cảnh, đi bình thường. Rồi bên trong quên luôn cả chỗ ngộ, sở chứng của mình. Hoặc là một điều Phật pháp gì đó mình cũng đừng thèm nhớ đến. Lúc đó quý vị vẫn bình thường, vẫn trong lặng nhìn suốt qua tất cả mà không trụ vào một cái gì hết. Ngay đó, tâm mình liền hiển hiện sáng suốt rõ ràng và thênh thang lắm. Khi đó, tuy đang đi mà nhẹ tênh, không động. Lúc bấy giờ không cần sanh tâm trụ hay giữ gì nữa. Miễn là không bất giác, không một vết mê mờ và không niệm là tốt. Cảnh và tâm không cần biện biệt phân hai mà tự nó rỗng suốt rõ ràng không ngăn ngại, ngay đó tự là như như, sáng rỡ. Tâm cảnh nhất như thì tâm thể hiện bày trên tất cả chỗ. Lúc này, trúc biếc, hoa vàng, trăng trong, mây bạc…, cảnh nào cũng là cảnh đang tuyên thuyết diệu pháp âm. Cho nên bà Bàng Long Uẩn mới nói: “Dễ, dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư”. Chỉ cần ngoài nhìn suốt qua tất cả mà không dừng trụ, trong không giữ một điều gì, ngay đó, "trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư" chứ không phải là đi tìm một cái gì đó ở đâu đâu nữa. Đây là chỗ các bậc cổ đức nói:
Thanh thanh thúy trúc tổng thị pháp thân.
Uất uất hoàng hoa vô vi Bát Nhã.
Nghĩa là:
Xanh xanh trúc biếc thảy đều pháp thân,
Rợp rợp hoa vàng toàn bày Bát Nhã.
Có một vị Tăng đem câu này đến hỏi Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ: Kính bạch Thượng sĩ, “xanh xanh trúc biếc thảy là pháp thân” phải chăng?
Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: Hôm qua Sa di ăn măng bờ suối, nào khác ngày nay pháp thân của ông?
Nếu nhận trên cảnh cho trúc biếc là pháp thân thì hôm qua ông Sa di ăn măng bên bờ suối, như vậy là đã ăn pháp thân của ông rồi. Vậy thì làm sao hiểu?
Nãy giờ quý vị đã nghe qua và cũng phần nào nhận được. Nhưng ngang đây thì mình cũng cần chính chắn lại một chút, nếu không thì sẽ lầm nhận cảnh bên ngoài cho là mình.
Giờ quý thầy sẽ trích dẫn một giai thoại để quý vị nhận rõ ràng hơn, không lầm cho cảnh là mình.
Thiền sư Tam Bình Nghĩa Trung ban đầu đến tham vấn Ngài Thạch Củng Huệ Tạng. Trước kia Ngài Thạch Củng là một vị thợ săn, sau gặp Mã Tổ được khai thị và ngộ đạo. Từ đó về sau, Ngài thường dùng cung tên ngày xưa săn bắn để khai thị cho người học. Khi Ngài Tam Bình đến, Ngài Thạch Củng giương cung bảo:
- Xem một mũi tên của ta đây.
Ngài Tam Bình vạch ngực ra nói:
- Đây là mũi tên giết người, còn mũi tên cứu người thì làm sao?
Ngài Thạch Củng gảy dây cung ba cái, Ngài Tam Bình Nghĩa Trung liền làm lễ. Ngài Thạch Củng bảo:
- Ba mươi năm một phen giương cung, một hai mũi tên chỉ bắn được nửa người.
Sau đó Ngài Tam Bình đến tham vấn Ngài Đại Điên thuật lại việc trên. Ngài Đại Điên nói:
- Đã là mũi tên cứu người (mũi tên sống) thì làm sao lại nhằm trên dây cung mà biện?
Ngay đó Sư mờ mịt không đáp được.
Quý vị thấy bắn được nửa người chưa? Quả tang Ngài Tam Bình mới nhận được nửa người thôi, còn nửa người còn lại chưa biết. Đến đây Ngài Đại Điên dẹp bỏ dây cung thì Ngài Tam Bình liền mờ mịt, chứng tỏ Ngài Tam Bình đã nhằm trên dây cung mà nhận. Vì vậy mà Ngài Thạch Củng bảo “chỉ bắn được nửa người thôi”. Nếu quý vị thấu rõ nửa người còn lại, nghĩa là ngay đây quý vị thấy rõ ai là người vừa được cứu sống lại thì chúng ta sẽ thấy rõ cung tên của Ngài Thạch Củng đang thuyết pháp. Ngày xưa dùng để bắn giết thú mà ngày nay dùng để thuyết pháp cứu sống người cho muôn đời không bao giờ chết nữa. Còn nếu nhằm trên dây cung mà biện thì chưa khỏi nhận cảnh làm mình nên bị cung tên của Ngài Thạch Củng bắn mù mắt.
Quý vị biết Pháp sư Chứng Ngộ, hiệu là Viên Trí khi đến Thiền sư Thử Am Nguyên, Ngài Chứng Ngộ dẫn hai câu tâm đắc nhất trong bài kệ “Ngủ lại nơi Đông Lâm” của ông Tô Đông Pha để trình với Thiền sư Thử Am Nguyên:
Sắc núi vốn là thân thanh tịnh
Tướng khe đâu chẳng lưỡi rộng dài.
Thân thanh tịnh là chỉ cho Phật, mà tướng lưỡi rộng dài cũng chỉ cho Phật. Có nghĩa là cảnh sắc núi rừng, tiếng suối khe chảy thảy đều là đức Phật đang tuyên diệu pháp âm, cảnh núi hay tiếng khe gì cũng đều đang nói pháp cho chúng ta nghe hết. Ngài Thử Am Nguyên gạn lại thì Ngài Chứng Ngộ liền nghi, biết rằng Ngài chưa tột nên khuyến khích dụng công thêm. Suốt đêm Sư không ngủ, cho đến khi chuông sáng vừa điểm thì trừ sạch hết những điều tích chứa thầm kín trong lòng, bèn nhân bài kệ trước nói thêm một bài kệ nữa:
Cư sĩ Đông Pha quá lắm lời,
Trong cổng thanh sắc khéo thấu thân.
Khe nếu là thinh, non là sắc,
Không non, không nước khiến người sầu.
Tức là ông Đông Pha nói khe cũng là Phật mà sắc núi cũng là Phật, cái gì cũng thuyết pháp, như thế là bày biện quá nhiều lời khiến cho người khác dễ nhận lầm trên những tướng ấy mà cho là Phật. Nếu thực sự khe, suối, núi rừng là Phật thì khi không có khe, không có suối, không có núi rừng thì Phật ở đâu? Đây là Ngài Chứng Ngộ đã tỏ Phật thật và thốt lên một chút xíu lầm của mình khiến ông suốt đêm không ngủ được. Khi hay ra thì nó quá gần gũi và đơn giản vô cùng, chỉ là theo lời theo cảnh bị lầm và không khéo thể nhận thôi.
Qua đó chúng ta thấy, nếu như nhận trên tiếng suối chảy, trên cảnh sắc của núi rừng mà cho đó là Phật pháp chân thật, cho đó thảy đều là pháp thân thì khi không có khe suối, không thấy cảnh núi rừng thì Phật pháp không còn nữa hay sao? Cái theo cảnh mà có, cảnh hết thì không, nó sanh diệt theo cảnh trần nên không phải là Phật pháp chân thật. Nếu không khéo, chúng ta chỉ nhận lầm trên cảnh mà chưa tột chỗ tâm cảnh nhất như rồi cho là đã rốt ráo, không cầu tiến nữa thì sẽ giết mất đời mình.
Chuyện cung tên, chuyện khe suối hãy để qua một bên, không bàn nữa, trả lại hết cho người xưa đi. Ngay đây, quý vị khéo nhận lại một lần nữa cho sâu hơn để mình rõ được nửa người còn lại.
Bây giờ xin hỏi quý vị, hiện ngay đây, bánh xe chánh pháp có đang chuyển không?
- Dĩ nhiên là có.
- Ai đang nói? Ai đang nghe?
Nếu chỉ thấy quý thầy đang nói và quý vị đang nghe, có nghĩa là quý vị chỉ nhận trên tướng này, đó là nhận trên cái sanh diệt đổi thay này rồi, phải không? Cũng là quý thầy đang nói đây, quý vị nghe thì cứ bình thường mà nghe, ở nguyên bản vị của mình mà nghe, không cần khởi tâm để ý quý thầy đang nói gì, đừng nghe theo tiếng. Quý vị cứ lắng lại, bình thường ngay bản vị của mình mà nghe. Lúc này thấy thế nào? Quý vị có nghe không? Mình vẫn đang nghe, nhưng rỗng lặng, không cần khởi niệm thì bản tánh vốn tự nó biết suốt một cách rõ ràng mà không động, chứ không phải là mình cần để ý mới nghe. Lâu nay mình quen để ý cho nên nghe trong phạm vi nhỏ, nghe trong cái phân tích của vọng động. Bây giờ quý vị không cần để ý, trả lại nguyên trạng thái ban đầu, nghe một cách bình thường thì vốn là tự biết suốt mà không hề động, chứ không phải là không biết gì đâu mà sợ. Ngay đây, quý thầy đang nói, quý vị đang nghe, cả hai đều rỗng lặng, rõ ràng, tỏ suốt thì đạo vốn tự cảm ứng, giao xen không thể nghĩ bàn.
Quý vị vẫn đang lắng lại mà nghe, quý Thầy vẫn cứ nói. Nhưng xin hỏi quý vị, khi quý Thầy đang nói thì quý Thầy có nghe không? Nếu được hỏi đến: “Đang nói có nghe hay không?” mà mình sanh tâm để ý "có nghe thấy cái gì không?" thì đã rơi vào sanh diệt, chia cái nói và nghe thành hai, liền bị ngăn ngại. Trong đây đâu phải có hai con người, có một con người đang nói và có một con người đang nghe đâu? Chúng ta cứ lắng lại bình thường thì nói vốn tự suốt nghe, rỗng suốt không hề ngăn ngại, lúc nào cũng sẵn vậy, đâu có cái gì làm ngăn trệ cái gì đâu mà phải phân chia? Mới biết rằng, tánh mình tự thông, nhưng con người lại bỏ quên, lao ra ngoài cho nên mới bị hạn cuộc trong cái phân biệt ngăn trệ nhỏ nhoi đó. Bây giờ quý vị không cần duyên theo mà lắng lại thì vốn tự là suốt. Nếu khéo nghe như vậy thì không những nghe đây mà các cảnh xung quanh cũng đang hiện bày một cách rõ ràng, đang hiện hữu trong tự tánh chánh định của mỗi người. Đạo ngay đây bàng bạc, suốt khắp tất cả chỗ.
Trong pháp hội này thì tất cả đều đang chuyển pháp luân, nhưng khi ra đường, về nhà sinh hoạt thì có ai chuyển pháp luân cho mình nghe không? Ở bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có người chuyển pháp luân cho mình nghe hết. Nhưng có khi nào mình nghe pháp mà lại nổi sân không? Khi nào nghe mà nổi sân thì biết là không phải nghe pháp rồi, phải không? Cho nên cần phải chuyển cái nhìn lại thì mới thấy lúc nào cũng có người nói pháp cho mình nghe hết. Không có người thì có cảnh nói cho mình nghe. Chỉ cần chuyển một cái nhìn thì lúc nào Phật pháp chân thật cũng đang hiển hiện trước mắt chúng ta. Chuyển như thế nào?
Ngày xưa chưa biết, nhìn cái gì thì nhìn theo cảnh sắc bên ngoài, nhìn theo vật và dính trên vật, bỏ quên mình, đó là mê chưa biết. Giờ biết rồi thì sao? Có phải là khi nhìn một cái gì, mình không cần theo cái đó mà ngược cái đó để trở lại mình không? Nếu ngược cái thấy trở lại, nghĩa là quay trở lại mình thì lại thừa ra một cái phân biệt ở giữa nữa rồi. Tại vì quý vị thấy kia là cảnh, đây là mình, bây giờ trái với nó, quay lại mình thì thừa cái phân biệt sanh diệt ở giữa, hóa ra lại thành thêm một cái nữa, thay vì ngày xưa mình dính chỉ có một cái. Chỗ này rất tế nhị, trên vật đã hiện bày tự tâm, nhưng nếu mình gá vào vật, nhìn theo vật, dính trên vật thì đó là bỏ sót tự tâm, tức là chỉ biết vật mà quên mình. Khi quý vị tiếp duyên xúc cảnh, nghe thì bình thường mà nghe, đừng duyên theo tiếng, mình bình thường thì đâu có phân biệt kia là tiếng, đây là mình? Và thấy thì cứ bình thường mà thấy, đừng thấy theo cảnh vật bên ngoài. Có nghĩa là lặng lại, lắng xuống, ở nguyên bản vị của mình giống như là cọp tựa núi vậy. Ngay đó, tánh tự thấy nghe, không cần khởi mà hằng thấy biết. Tánh tự thấy nghe thì vốn là tự biết suốt, rõ ràng, không động. Sống được như vậy lâu ngày thuần thục sẽ có lực. Lực giác sáng này sẽ giúp cho mình có một năng lực lớn vượt qua được những cảnh khác. Đây chính là trí làm chủ sanh tử, trí phá sanh tử. Lúc này sẽ thấy rõ, đối trước muôn vật tự nhiên mình riêng thoát, giống như là nước đổ xuống đá, giống như sắt vụt hư không vậy. Nước đổ xuống đá thì nước với đá là một hay là hai, không phải một nhưng cũng không rời nhau, sắt với hư không cũng không phải là một mà cũng không phải rời nhau. Ngay đó tự nhiên riêng thoát trên tất cả cảnh. Khéo nhận và sống miên mật như vậy thì bản tính mình đang hiện bày thênh thang, khắp tất cả chỗ, trùm khắp chưa thiếu vắng bao giờ. Trong bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu ánh sáng giác ngộ cũng sáng ngời, cũng bàng bạc khắp tất cả chỗ và cảnh vật nào, hoàn cảnh nào cũng đang tuyên thuyết diệu pháp cho chúng ta nghe. Đó chính là nghĩa rốt ráo của “pháp luân thường chuyển”. Ngay đây, quý vị đã nhận rõ hết chưa?
V/ MỖI NGƯỜI HÃY TỰ NGẮM VẦNG TRĂNG MÌNH.
Từ khi bắt đầu cho đến giờ quý Thầy đã nói cho quý vị hiểu hết rồi, nhận biết hết rồi. Bây giờ đến đây quý thầy không giải thích nữa mà quý vị phải khéo nhận lại. Nếu quý vị nào khéo nhận thì liền hết nghi ngờ, tự biết rõ ràng, an ổn và tự thọ dụng.
Quý Thầy xin dẫn một câu chuyện để quý vị khéo nhận lại và kết thúc. Đây là một trong những mẩu chuyện với lời bình rất thú vị, được một nhà sư nào đó kể lại.
Vào thời kỳ quân chủ xa xưa, có một vị quân sư tài đức vẹn toàn, không những giỏi về binh thư mà còn kiêm luôn cả tướng số, không những sắc sảo cả nội chính mà còn mưu lược cả lân bang. Ông có công giúp vua đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, mở trường quốc giáo dạy học cho người từ trong triều chính cho đến thứ dân, làm cho trên thuận dưới hòa, nhân dân sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Dưới vị quân sư này có một danh tướng tài ba, bách chiến bách thắng, mà cũng là một đệ tử có tài, thường hay giúp ông trong những lúc cần thiết, thay thế ông trong những lúc vắng mặt. Một hôm ông quân sư bảo vị danh tướng tài ba: “Quân vương nói ta đã già rồi, cần phải chọn người thay thế. Ngoài ngươi ra, thực ta chẳng thấy có ai xứng đáng, vì vậy ta sẽ trao lại cho ngươi. Nhưng trước khi làm việc này, ngươi phải tìm đến lão ăn xin lượm rác ở ngoài thành để học hỏi. Nếu như ngươi không học được ở ông ăn xin lượm rác dù chỉ là một điều nhỏ thì thà đất nước này không có quân sư còn hơn. Bởi lẽ ta thấy ngoài ông ra không còn ai nữa, và ta thấy rằng ông không phải là một người tầm thường”.
Quý vị biết, là một danh tướng trẻ, có tài, lại thích trau chuốt cùng với lòng tự hào cao cả, bây giờ lại được Thầy mình là một vị quân sư xem xét dạy bảo để chuẩn bị kế ngôi thì vừa mừng, vừa ngại, lại vừa lo vì đang ở trên ngôi vị cao mà bây giờ phải hạ mình đi học nơi người ăn xin thì khó quá. Là một việc bình thường mà thấy còn khó hơn cầm quân ra chiến trận đối diện với sống chết. Còn nếu không đi học nơi người ăn xin thì ngôi vị quân sư không thành tựu, tại vị Thầy chưa bao giờ nói hai lời. Trong một đêm khắc khoải nằm suy nghĩ, trong vinh là nhục hay trong nhục là vinh? Cuối cùng, anh quyết định khăn gói lên đường giả dạng một thường dân, gặp ông già bần cùng, hỏi:
- Xin ông cho phép con được hỏi thăm.
Ông già nói:
- Cứ tự nhiên.
Anh hỏi:
- Con có thể gọi ông là gì cho phải?
Ông già nói:
- Gọi ta là gì cũng phải.
Ngay đó, anh đỏ mặt. Không lẽ gọi ông này là vua sao? Nhưng rồi lắng lại, vì có gọi là cục phân chắc ông cũng không nói gì. Cho nên anh nói:
- Thế con xin gọi ông là ông lão vậy. Chẳng hay nhà ông lão ở đâu?
Ông lão trả lời:
- Đầu câu hỏi ấy.
Anh hỏi tiếp:
- Còn thân thuộc của ông thì sao?
Ông già nói:
- Ai ở trong đó?
Anh chàng cười ha hả, cảm thấy lời lẽ hết sức ngộ nghĩnh và khôi hài, hỏi tiếp:
- Ông có sự nghiệp gì để dìu dắt kẻ hậu lai hay không?
Ông già im lặng, chỉ thẳng đống rác trước mặt. Ngay đó, anh ta trầm ngâm một hồi rồi tự nhủ: “Thì ra chỉ là một người hốt rác không công, đói bụng đụng ai xin nấy, thế mà chẳng đói ngày nào. Đúng với lời đồn đại không khác. Không hiểu Thầy mình nghĩ sao lại bắt buộc ta phải học một điều mà trẻ con cũng làm được, không cần ai dạy cũng biết, hà huống là một danh tướng tài năng. Thật lãng phí thời gian và sự nghiệp vĩ đại của một vị quân sư. Còn không học được thì không xong, đành phải xin vậy”. Nghĩ vậy, anh ta nói:
- Ông có thể cho con theo cùng không?
Ông già nói:
- Tốt.
Nói rồi, học trò cầm xẻng, ông lão xách giỏ đi. Cứ như thường lệ, thấy rác thì lượm. Bất ngờ, hai người gặp phải xác thối của một con chồn chết. Anh chàng xúc một cái thật mạnh thì cán xẻng gãy rời ra khỏi lưỡi. Ớn cả người, trong khi anh ta chống gậy chưa biết phải làm sao thì ông già điềm nhiên lấy tay hốt một cái gọn gàng rồi đem đi. Anh này ném xẻng xuống, bỏ về, không cần thưa hỏi gì hết, trong lòng rất tâm đắc vì có vấn đề để nói với Thầy mình: “Ta có đủ lý do để chứng minh lão này không những là kẻ bần cùng, dốt nát mà lại hết sức bẩn thỉu. Ở nơi ông không có gì đáng học cả”.
Khi về gặp vị quân sư già đôn hậu, bình dị mà đĩnh đạc, uy nghi. Cậu học trò kính phục và cẩn trọng kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối. Vừa kể xong, anh định nói lời bình thì ông Thầy bảo: “Một danh tướng bách chiến bách thắng mà hôm nay chỉ cần xác thối của một con chồn cũng đủ chặn đứng bàn chân”. Quý vị nghe rất là chua xót, phải không? Cậu học trò vừa đau đớn, vừa uất ức, tức tối, định đổ thừa cho ông lão nhưng trong lòng lắng lại thì nghe tiếng gọi quân sư từ đâu đó, cho nên bắt đầu cuộc hành trình lần thứ hai đến gặp ông lão để học hỏi tiếp.
Một buổi sáng mai trên đường phố có đủ hết những thứ bẩn thỉu. Cậu học trò nhìn lại phía sau vẫn là ông lão ăn xin ấy dùng tay lượm hết và mang đi. Vừa đối diện thì gợi trong lòng anh một điều gì đó, anh liền hỏi:
- Thưa ông, động cơ nào giúp ông làm được một việc mà chẳng màng đến sạch nhơ?
Ông lão trừng mắt nhìn, chỉ thẳng vào đống rác trước mặt và bảo:
- Hãy hỏi thử đống rác xem!
Chẳng hiểu sao, cậu học trò lắc đầu lia lịa, với tính chất rất là khinh bỉ, rồi bỏ đi với một niềm tin chắc chắn hơn, phen này có đủ lời lẽ để khẳng định rằng: “Lão ăn xin không những bần cùng, dốt nát, bẩn thỉu mà còn quá ngu si”. Trở về diện kiến với Thầy mình, với lời lẽ lanh lợi, cậu học trò dồn dập kể lại những gì mắt thấy tai nghe cũng như cả lời hỏi đáp. Khi kể xong, vừa lấy hơi cuối cùng định trút lời bình thì vị quân sư già thâm trầm, điềm tĩnh bảo: “Hôm qua, xác thối của một con chồn hoang cũng có thể chặn đứng bàn chân của một danh tướng tài ba, lỗi lạc. Hôm nay, một đống rác cũng có thể làm Thầy cả vị ấy”.
Kể ngang đó, nhà sư dừng bút để lại đằng sau câu chuyện một điều gì đó. Quý vị thử tìm hiểu qua một số lời bình thú vị dưới đây:
Có một ký giả viết: “Cốt tủy của câu chuyện mà nhà sư muốn nói là ‘Chớ xem thường việc nhỏ, vì việc nhỏ nó phản ánh bản chất thật của một con người.' Mặt khác, câu chuyện không có niên đại lịch sử, nhân vật con người địa thế chẳng có tuổi tên, chứng tỏ câu chuyện trên do nhà sư đặt ra để phản ánh một mặt nào đó của cuộc sống, mà thực tế cuộc sống có lẽ cũng không oan uổng lắm.”
Dưới đây là lời bình của nhà văn Nguyễn Thức, nhà phê bình văn học:
“Việc lớn thường có danh to. Muốn được danh to cần lập nghĩa rộng. Thế nên, cậu học trò chẳng màng gian nguy xông pha trận mạc, tích cực nghiên cứu giúp thầy làm lợi ích quần sanh. Khi danh càng to nghĩa càng lớn. Danh nghĩa to lớn sâu dày nên nó bao phủ ‘cái tôi’ thật ấm cúng. Đến lúc gặp phải việc nhỏ, mà việc nhỏ thường vô danh, vì vô danh nên dường như vô nghĩa, do vô danh vô nghĩa nên cái tôi có mặt thật lạnh lẽo cô đơn, nào khác chi con cá kình ở ngoài biển cả: dù hắn có tung tăng vẫy vùng đến mấy có lúc nào được ráo khô.”
Cuối cùng là lời của một đạo nhân vô danh như sau:
“Thầy trò quân sư khéo học hỏi nơi đống rác; các nhà thức giả thì giỏi phân tích lớn nhỏ, danh nghĩa, ngã nhân, duy chỉ “tội nghiệp” cho phong thái cử chỉ của lão già ăn xin, có ai nhìn đến!”
Quý vị thấy, ngày nay hình ảnh của lão ăn xin có lẽ không còn lạ lắm đối với Tông môn chúng ta. Song mà toàn bộ câu chuyện như âm vang của một tiếng chuông nho nhỏ, thức tỉnh hành giả chúng ta một điều gì đó phía sau dấu chấm hỏi. Điều đó là gì? Nếu quý vị nào rõ được điều này thì mọi vật chung quanh đều đang chuyển pháp luân, đều đang nói pháp cho quý vị nghe và lúc nào quý vị cũng là người đang tuyên thuyết bài pháp vi diệu. Nếu chưa nhận ra thì Phật pháp vẫn còn đó. Chỉ cần chuyên tâm hơn nữa để công phu tu hành thì có ngày chúng ta sẽ nhận ra và tỏ suốt tất cả.