CHÙA NAM THIỀN - Nanzenji
Hôm nay ngày 31.3.2014, sau khi chiêm bái Chùa Đại Đức, đoàn tiếp tục đi tham quan Chùa Kim Các và ăn trưa ở đây. Chiều tiếp tục đi chiêm bái Chùa Nam Thiền. Trên đường về
ghé qua Chùa Thanh Thủy và ăn chiều ở một nhà hàng gần đấy.
Chùa Nam Thiền do Thiền sư Vô Quan Phổ Môn, tức là Đại Minh Quốc Sư khai sơn Trụ trì.
Thiền sư Vô Quan Phổ Môn sinh tại Tín Nồng, huyện Nagano. Lúc đầu Sư tham cứu với Ngài Viên Nhĩ Biện Viên ở chùa Đông Phước. Sau Sư sang Trung Hoa học Thiền 12 năm với các bậc Cao Tăng Thạc Đức ở Diệu Luân. Sau khi đắc Thiền, Sư liền về nước và một lần nữa đến Ngài Viên Nhĩ cùng tu Thiền.
Chùa Nam Thiền nói cho đầy đủ là Thái Bình Hưng Quốc Nam Thiền Thiền Tự. Trước đây, khu vực này nguyên là hoàng cung của Thiên hoàng Kameyama. Do trong Hoàng cung có ngôi điện nhiều ma nên Thiên Hoàng rất sợ, ăn ngủ không yên. Ông đã nhờ các phái Thiên Thai tông, Mật tông và Tịnh độ tông đến cúng bái cầu nguyện nhưng không hết. Thiên hoàng thỉnh thoảng phải rời cung điện Takiyama ra ngoài đi đây đó cho khuây khoả việc sợ ma. Tình cờ gặp Thiền sư Vô Quan Phổ Môn và trình bày sự việc. Thiền sư Vô Quan không làm gì cả, chỉ cho chúng toạ thiền và khuyên Thượng Hoàng nên ngồi thiền. Mọi chuyện được yên. Thiên Hoàng cảm nhận ân đức của Sư nên lập chùa Nam Thiền thỉnh Sư khai sơn Trụ trì.
Chùa do Vua xây dựng nên rất nguy nga, lộng lẫy. Đây là ngôi Thiền tự vượt hẳn lên trên cả Ngũ Sơn. Chùa nằm trên núi Thụy Long thật lớn. Vừa qua khỏi cổng tam quan, ai nấy đều bị chinh phục bởi hai hàng hoa anh đào sừng sửng, cao lớn, nở rộ. Những cành hoa lượn mềm như liễu rũ. Thoạt cơn gió nhẹ thoảng qua, từng đợt hoa rơi nhẹ theo chiều gió trải dài trên mặt đất, mặt hồ, khiến cho lòng người có cảm giác mênh mông, khó tả:
“Thôi em ngủ giấc nghìn thu,
Một vòm thái hoát, mộng phù du tan.
Trời không tuyệt dấu hành tàng,
Xác hoa là bóng trăng vàng đáy sương.”
Đi vào bên trong điện đường rất lớn. Bên trái của chùa có một thành trì oai nghiêm, kiên cố. Bên trong ấy là khu nội viện rất thanh tịnh. Muốn vào khám phá, nhưng không có ai quen để hẹn trước nên đành chịu. Không trong, không ngoài, chúng ta về thôi!