Nhân dịp Lễ hội Festival Huế lần thứ 8, nghệ nhân ưu tú Trần Độ, Phó chủ tịch hội gốm sứ Thành phố Hà Nội đã cung tiến tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào Tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện cho xứ sở Miền Trung.
Sáng nay, 19 tháng 4 năm 2014 (nhằm ngày 20.3. Giáp Ngọ), dưới sự quan lâm chứng minh của chư tôn thiền đức Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế, sự tham dự của Lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các nghệ nhân làng nghề Bát tràng Hà Nội, tôn tượng đã được làm lễ thếp vàng tại Đại Nội, giữa lòng Thành phố Huế.
Sau hơn 30 phút, công việc thếp vàng hoàn mãn, tôn tượng đã được cung tiến thỉnh về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, một ngôi Thiền viện Trúc Lâm đại diện tại miền Trung để an vị, phụng thờ.
Tôn tượng cao 81cm, nặng 70kg, do nghệ nhân ưu tú Trần Độ chế tác bằng kỹ thuật đặc biệt của công nghệ gốm sứ Bát Tràng. Sau khi nung xong, tôn tượng được thếp bằng 1,5 cây vàng thật. Đây là pho tượng thứ ba do nghệ nhân ưu tú Trần Độ chế tác theo công nghệ đặc biệt này. Tôn tượng thứ nhất được cung tiến vào Viện Trần Nhân Tông thuộc trường đại học Harvard, Hoa Kỳ. Tôn tượng thứ hai được cung tiến vào Tổ đường Chùa Trường Sa, đảo Trường Sa. Và tôn tượng thứ ba này cung tiến phụng thờ tại Tổ đường Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Thừa Thiên Huế.
Chiêm ngưỡng, đảnh lễ Ngài, chúng ta sẽ có cơ hội nhớ lại một bậc vĩ nhân tài ba, lỗi lạc, thế giới phải công nhận. Hơn thế nữa, Ngài một vị Tổ đã sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền thuần túy Việt Nam do người Việt Nam sáng lập. Thiền phái này ra đời đã ghi dấu một thời vàng son của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo trở thành quốc giáo.
Trích Diễn văn khai mạc của ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tại lễ thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (sáng 19/4/2014)
- Kính thưa ông Ngô Hòa, Ủy viên Thường VụTỉnh Ủy, Phó Chủ Tịch Thường Trực UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2014,
- Kính thưa ông Phan Công Tuyên, Ủy viên Thường VụTỉnh Ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
- Kính thưa Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế.
- Kính thưa Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó Ban Trị Sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Kính thưa Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, Trú trì Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã;
- Kính thưa Thượng tọa Thích Quang Tư, Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Kính thưa Nghệ nhân ưu tú Trần Độ cùng các nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng;
- Thưa quý vị đại biểu và các đồng nghiệp,
Trúc Lâm đệ nhất tổ hay Trúc Lâm đại đầu đà, miếu hiệu Trần Nhân Tông, thế danh là Trần Khâm, sinh năm 1258, viên tịch năm 1308, là vị Hoàng đế thứ 3 của triều Trần, là một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử dân tộc. Chỉ với 50 năm trên cõi dương gian, ngài đã để lại những chiến công hiển hách, đặc biệt là trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, hai lần lãnh đạo Đại Việt đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, sự nghiệp mở mang bờ cõi đất nước, sáng lập ra một thiền phái mới trong đạo Phật, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi: Vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thủa trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.
Sau 15 năm ở ngôi hoàng đế (1278-1293), ngài nhường ngôi cho con trai là vua Trần Anh Tông. Năm 1299, ngài xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó lên Yên Tử tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng. Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là một trong những thiền phái nổi bật nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây là dòng thiền do người Việt sáng lập, mang đậm bản sắc dân tộc. Ngài là tổ thứ nhất của dòng thiền này, và do vậy được đời sau tôn vinh là Phật Hoàng.
Ngài viên tịch ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (16/12/1308), được an táng tại lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp Ngọa Vân.
Đối với Thừa Thiên Huế, Phật hoàng Trần Nhân Tông có một mối lương duyên đặc biệt. Ngài chính là người nhìn ra vị thế trọng yếu của vùng đất này. Trong chuyến Nam du vào thăm vương quốc Champa, ngài đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm. Năm 1306, khi đám cưới được thực hiện, hai châu Ô, Lý đã trở về với Đại Việt, thành hai châu Thuận Hóa mà trung tâm là đất Huế ngày nay.
Ghi nhận công lao to lớn ấy, đền thờ của ngài và công chúa Huyền Trân đã được người Huế xây dựng và khánh thành ở núi Ngũ Phong, xã Thủy An, thành phố Huế vào ngày 26 tháng 3 năm 2007.
Hôm nay, tại Không gian văn hóa Bát Tràng trong lòng cố đô Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp cùng nghệ nhân Trần Độ và các nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng tổ chức lễ thếp vàng cho pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và cung thỉnh, dâng hiến cho Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Đây là pho tượng thứ 3 do nghệ nhân Trần Độ thực hiện và dâng cúng (pho thứ nhất đã trao tặng cho Viện Trần Nhân Tông thuộc trường đại học Harvard, Hoa Kỳ; pho thứ 2 đã dâng tặng và cung thỉnh đến nhà thờ Tổ ở chùa Trường Sa).
Tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện rất có ý nghĩa ngay trong dịp festival lần thứ 8 năm 2014 và cũng là một sự kiện đặc biệt chuẩn bị đón mùa Phật Đản Quốc tế năm nay, năm Phật lịch 2558.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc buổi lễ.
Nghệ nhân Trần Độ và các đông nghiệp bên tôn tượng vừa hoàn thành
Tại Tổ Đường Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.