KHÁI QUÁT
Ở Trung Hoa, cuối thời Nam Tống, Thiền bắt đầu suy yếu. Lúc này, có nhiều vị Tăng sĩ tu Thiền qua lại giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Từ đó, Thiền chánh thống của Trung Hoa bắt đầu truyền sang Nhật. Thiền Trung Hoa truyền sang Nhật Bản gọi là Thiền Đông Tiệm. Nghĩa là từ phía Tây dần dần lan truyền về phía Đông. Thiền được truyền sang Nhật Bản vào thời kỳ đầu của thời đại Kamakura (Liêm Thương). Có thể nói đây là thời kỳ đầy sáng tạo. Ngài Vinh Tây (Eisai) là vị Thiền sư người Nhật đầu tiên mang Thiền về Nhật Bản. Từ thời kỳ Kamakura cho đến nay có tổng cộng là 24 truyền thống Thiền có mặt, gọi là “24 dòng Thiền Nhật Bản”. Trong đó gồm có 21 dòng thuộc tông phái Lâm Tế và 3 phái thuộc tông Tào Động. Trong khi ở Trung Quốc chỉ có “Ngũ Gia Thất Tông” mà thôi. Hiện tại đã thất truyền hơn phân nửa trong số 24 dòng Thiền ấy, chỉ còn Tông Tào Động, Tông Lâm Tế và Phái Đại Ứng của Nam Phổ Thiệu Minh (hiệu Đại Ứng Quốc sư). Sau này, kết hợp ba vị Thiền sư nổi tiếng, cũng là ba đời Thầy trò truyền thừa liên tiếp, gồm Thiền sư Đại Ứng, Thiền sư Đại Đăng và Thiền sư Quang Sơn Huệ Huyền gộp thành phái Ứng Đăng Quang rất thịnh hành và nổi tiếng ở Nhật.
Tông Lâm Tế Nhật Bản chỉ có 14 chùa Tổ gọi là Bổn Sơn, cũng gọi là 14 phái của Tông Lâm Tế. Dù có nhiều dòng phái riêng như thế, nhưng thật chất không có gì khác biệt; chỉ giữ sự truyền thừa có tính cách hình thức được nối truyền vậy thôi, hoàn toàn không có sự đối lập với nhau.
CHÙA TỔNG TRÌ Soji-ji
Ngày 28/3/2014, đoàn rời Tokyo đi Yokohama tham bái chùa Tổng Trì.
Chùa Tổng Trì thuộc tông Tào Động Thiền Nhật Bản do Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn, tổ thứ tư Tông Tào Động Nhật Bản khai sơn Trụ Trì năm 1321. Thiền Tào Động do Thiền sư Đạo Nguyên truyền từ Trung Quốc sang Nhật vào thế kỷ 13, sau Thiền Lâm Tế. Đến thời Tổ thứ tư tông Tào Động là Ngài Oánh Sơn, dòng Thiền này phát triển rất mạnh. Hậu Đề Hồ (go-daigo) Thiên hoàng đã nâng cấp Tổng Trì tự ngang hàng với Vĩnh Bình tự (eihei-ji) và gọi là Đại bản sơn (daihonzan) của tông Tào Động. Ngoài ra, Ngài Oánh Sơn Thiệu Cẩn còn sáng lập một ngôi chùa nữa là Vĩnh Quang tự (yōkō-ji), một trong những ngôi chùa lớn của tông Tào Động Nhật Bản lúc bấy giờ.
Hiện nay, song song với Tổ đình Thiền Tào Động đầu tiên tại Nhật Bản là Vĩnh Bình Tự, Tổng Trì Tự là trụ sở chính của dòng Thiền này. Thiền viện là một trong những nơi dạy thiền lớn nhất của Nhật Bản hiện nay. Khi đến đây, chúng tôi nhận thấy có quý Thầy hướng dẫn hai phái đoàn khá đông đến tham quan, nghiên cứu. Với phong cách người Nhật Bản, mọi việc đều phải được sắp xếp trước, có lịch trình đàng hoàng. Vào chùa cũng thế, phải có hẹn, đăng ký và xin phép trước mới được gặp quý Thầy Trụ trì trong Chùa, hoặc Sư Ông (vị Trụ trì chính, như Viện Chủ ở Việt Nam vậy). Phải đăng ký trước khoảng một tuần mới được quý Ngài sắp xếp cho vào trong Tăng đường, nơi Thiền đường, khu chuyên tu để tham quan, nghiên cứu. Nếu không thì chỉ đi bên ngoài gặp các vị tân tăng. Đoàn chúng tôi không được hẹn trước nên chỉ đi tham quan cảnh chùa bên ngoài. Ngắm chùa, ngắm hoa, hưởng gió, vào đảnh lễ Phật tổ... không biết như thế đã đủ chưa, tùy mỗi người vậy. Đặc biệt khi đến Tổ đường đảnh lễ Tổ sư, chúng tôi gặp chư tăng ở đây đang chuẩn bị cho Đại pháp hội hiệp kỵ của hai vị Tổ sư của Chùa. Đó là húy kỵ lần thứ 700 của Thái tổ Oánh Sơn Thiệu Cẩn và húy kỵ lần thứ 650 của Tổ thứ hai của chùa là Ngài Nga Sơn Thiều Thạc, một đại đệ tử của Ngài Oánh Sơn kế thế trụ trì chùa Tổng Trì. Vì môn hạ của Tông Tào Động tôn kính Ngài Oánh Sơn nên gọi Ngài là Thái Tổ và gọi Ngài Đạo Nguyên là Cao Tổ. Nhìn vào trong Đại Tổ Đường hơi tối, ai nấy đều làm việc trong tĩnh lặng, nhẹ nhàng.
Khuôn viên chùa quá rộng, điện đường nguy nga, thời gian thì có hạn nên phải đi tập trung và tranh thủ. Mọi người vừa đi, vừa nhìn, vừa chụp hình khá vội. Vì thế khi rời chùa, nhiều vị có cảm giác như vừa trải qua một giấc mơ quá lẹ, không biết mình vừa đi qua chùa nào, do ai sáng lập, thuộc tông phái nào nữa... Lên xe, bình tâm hồi tưởng, mở hình ra coi lại và nhờ quý Thầy giải thích tiếp.
VỊ TỔ SÁNG LẬP TÔNG TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Thiền Tào Động (Sōtō) tại Nhật Bản do Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen, cũng thường được gọi là Eihei Dōgen) (1200-1253), sáng lập.
Năm Ngài lên 2 tuổi thì cha mất và mẹ lại qua đời lúc Ngài mới lên 7. Ngài được một người trong họ đang làm quan triều đình đem về nuôi. Sớm giác ngộ sự vô thường, năm 13 tuổi Ngài xuất gia tại núi Hiei với thiền sư Kōen thuộc tông Thiên Thai và được ban pháp danh là Buppō-bō Dōgen. Trong thời gian tu tập, Sư vẫn thắc mắc mãi vấn đề: “Theo các kinh điển thì tất cả chúng sanh đều sẵn có Phật tánh, vậy tại sao phải khổ công tu hành để chứng đạt được Phật tánh và giác ngộ?”
Không tìm được sự giải đáp nơi vị trụ trì Kōen, Sư đến thiền viện Mii-deraji với vị trụ trì là Kōin, nhưng vị này cũng không giải đáp được và có khuyên Dōgen đến gặp thiền sư Myōan Eisai (Minh Am Vinh Tây) tại thiền viện Kenninji (Kiến nhân) ở Kyoto. Thiền sư Vinh Tây (1141-1215) đã qua Trung Hoa và đem tông Lâm Tế về truyền bá tại Nhật, được coi là vị tổ khai sáng Thiền tông tại Nhật. Thiền sư Vinh Tây bảo: "Tất cả chư Phật ba thời đều không thấy mình có Phật tánh, nhưng trâu trắng mèo hoang đều thấy chúng có Phật tánh". Nhờ có Ngài Vinh Tây khai mở nên Sư phần nào thấy được con đường tu tập và quyết định ở lại đây tham học. Nhưng rất tiếc, năm sau thiền sư Vinh Tây qua đời. Sư tiếp tục ở lại thiền viện để theo học với thiền sư Myōzen (1184-1225), người kế thừa Ngài Vinh Tây. Nơi đây, Sư được chỉ dẫn tu tập theo pháp môn tông Lâm Tế và rời bỏ tông Thiên Thai.
Năm 1223, Sư được 23 tuổi, theo thầy Myōzen qua Trung Hoa để tiếp tục tu học. Sư đã tham học với nhiều vị thiền sư ở Trung Hoa, tuy có tiến bộ, nhưng chưa thỏa mãn sở nguyện. Thất vọng về việc đi tìm học đã lâu mà chưa đem đến kết quả, Sư có ý định trở về Nhật. Tình cờ được biết Thiền sư Như Tịnh (Ju-ching) (1163-1228), ở Thiên Đồng kế nghiệp Trụ trì. Ngài là vị tổ thứ 13 tông Tào Động, nổi tiếng rất nghiêm mật, đặc biệt chú trọng vào việc ngồi thiền nên Sư quay trở lại đó đêm ngày chăm chỉ tu tập. Sư luôn nhấn mạnh đến vai trò của vị Thiện tri thức. Sư lấy ví dụ như có khúc gỗ quý, nếu không có người điêu khắc giỏi thì không thể có được một pho tượng hoàn hảo.
Pháp tu của Ngài Như Tịnh chủ yếu là nhất tâm chuyên chú tọa thiền. Mặc dầu đã ngoài 60 tuổi, nhưng đêm nào cũng vậy, không thiếu đêm nào, ngài Như Tịnh vẫn tọa thiền cho tới hơn 11 giờ đêm và thức dậy lúc 2 giờ rưỡi hoặc 3 giờ để tiếp tục tọa thiền. Những thiền sinh nào ngủ gật trong khi tọa thiền đều bị Ngài thẳng tay đánh đập và trừng phạt. Kỷ luật tại thiền viện này nổi tiếng là nghiêm ngặt so với những thiền viện khác.
Năm 1225, một buổi sáng sớm trong khi đi kiểm thiền, ngài Như Tịnh thấy một thiền sinh ngủ gật liền quở rầy: "Việc tu tập tọa thiền là phải buông xả thân và tâm. Nay ngươi ngủ gật như vậy thì đạt được gì?" Vừa nghe, Ngài Đạo Nguyên tức thời đại ngộ. Sau khi được ấn chứng, Sư ở lại thêm 2 năm để tiếp tục tu tập.
Năm 1227, Sư quyết định trở về Nhật để truyền bá Thiền tông. Ngài Như Tịnh chấp thuận và trao cho Sư chiếc cà sa của Ngài Phù Dung Đạo Giai (Fu-jung Tao ch'ueh) (1043-1118), một vị tổ tông Tào Động, và hai cuốn sách nổi tiếng của tông Tào Động là Bảo cảnh Tam muội và Động sơn ngũ vị cùng một bức họa chân dung của mình.
Sư từng nói: "… sau khi tu học với sư phụ Như Tịnh, tôi đã ngộ ra mày ngang, mũi dọc, không còn bị thiên hạ lừa nữa". Hoặc nói: "Gần đây, tôi trở về quê nhà với hai bàn tay không. Và như vậy, sơn tăng này không có Phật pháp." Đây cũng là chỗ Thiền sư Minh Am Vinh Tây đã từng nói với Sư trước đó: “Ba đời chư Phật không thấy mình có Phật tánh...”
Sau khi trở về Nhật, Sư trở lại thiền viện Kiến Nhân (Kenninji) ở đó được 3 năm, Sư thất vọng vì thấy tình trạng tu hành của tăng đoàn quá suy thoái so với trước. Chư tăng ở phòng riêng, đồ đạc sang trọng, quần áo là lượt, thích nói những danh từ hoa mỹ, quên cả lễ nghi, chánh pháp. Sư từ giã thiền viện Kenninji và dọn đến thiền viện An'yō-in.
Thời gian sau, Sư dọn tới thiền viện Kōshōji và lập thiền đường để đào tạo tăng ni cùng các cư sĩ. Vì nhu cầu nên Sư phải lập thiền đường để có chỗ huấn luyện, đào tạo. Nhưng sư vẫn luôn nhắc nhở: “Việc xây chùa lớn nguy nga không phải là điều chính yếu đưa đến giác ngộ. Dù ở trong một chòi nhỏ, dưới gốc cây mà theo hiểu được lời Phật dạy và hành trì đúng pháp thì Phật giáo mới được thịnh hành.”
Mười năm ở thiền viện Kōshōji được coi như là khoảng thời gian đạt tới đỉnh cao nhất trong cuộc đời tu hành của Sư. Tại đó, Sư đã sáng tác được nhiều tác phẩm chính của mình, đã truyền bá pháp Thiền đem từ Trung Hoa về, đồng thời thêm vào những kinh nghiệm tu hành độc đáo của Sư để lập nên tông phái Tào Động đặc biệt của Nhật bản. Thiền viện Kōshōji được xây dựng theo một kiến trúc khác hẳn, tổ chức sinh hoạt cũng đặc biệt và nghiêm ngặt hơn các thiền viện khác. Số đệ tử tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, Sư rất chú ý tới việc giảng dạy cho hàng Phật tử tại gia.
Sư luôn nhắc nhở, việc tu hành không phải là phương tiện để đạt đến cứu cánh giác ngộ. Nếu cho rằng việc giác ngộ chỉ đạt được sau khi tu hành thì không thể nói đó là bản nguyên được. Sư nhắc lại, đó là cái "bản lai diện mục" (original face), cái tự tánh mà tổ Huệ Năng nói trong Pháp Bảo Đàn Kinh, cũng còn được gọi là Phật tánh.
Bấy giờ, các vị tăng của tông Thiên Thai (Tendai) đang có nhiều thế lực, thấy tiếng tăm, ảnh hưởng của Sư mỗi ngày gia tăng nên ganh tị, kiếm đủ cách để ngăn cản, phá rối, đến mức ra lệnh phá thiền viện Kōshōji. Sư và một số đệ tử phải dời đến một ngôi thiền viện nhỏ là Yoshimine-dera. Nơi đây, nhờ sự bảo trợ của quận trưởng Yoshishige có thế lực và rất sùng bái đạo Phật. Sau đó ông quận trưởng này xây một ngôi thiền viện thỉnh Sư trụ trì lấy tên thiền viện Daibutsu. Sau đó được đổi tên thành thiền viện Eiheiji (Vĩnh Bình, Eternal Peace), là một trong hai tổ đình của tông Tào Động, cũng là ngôi chùa Thiền tông được coi như lớn nhất của Nhật thời ấy. Rất tiếc là Thiền viện này nằm gần phía giáp ranh với Hàn Quốc, xa quá và ngược đường nên đoàn chưa đủ duyên đến được.
Sư mất năm 53 tuổi tại Kyoto vào ngày 28 tháng 8 năm 1253. Trong số đệ tử của sư có những vị đặc sắc như Ejō, Sōkai, Sen'e, Ekan, Gikai, Giin, Gien, Gijun. Đặc biệt là Koun Ejō (Cô Vân Hoài Trang) (1198-1280) rất thân cận với sư. Về sau vị này đã có công trong việc thâu thập những ngữ lục của Sư. Ngài Cô Vân Hoài Trang còn phụ giúp Sư trong việc xây dựng thiền viện Vĩnh Bình và được cử làm phó trụ trì. Khi Sư tịch, Ngài Cô Vân Hoài Trang được suy cử là vị tổ thứ 2.
***
THIỀN SƯ OÁNH SƠN THIỆU CẨN (keizan jōkin, 1268-1325)
Sư quê tại Echizen, sớm được người mẹ sùng tín gửi đến Vĩnh Bình tự để tu học. Năm 1280, Sư thọ giới lần đầu với Thiền sư Cô Vân Hoài Trang (koun ejō, 1198-1280), vị tổ thứ hai tông Tào Động Nhật Bản. Không lâu sau, Ngài Hoài Trang quy tịch, Sư ở lại tu học với Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới (tettsū gikai, 1219-1309). Đến năm 17 tuổi, Sư bắt đầu một cuộc hành cước kéo dài bốn năm (1285-1288). Sư yết kiến nhiều vị cao tăng của nhiều tông phái khác nhau. Cuối cùng, năm 1294, Sư trở về lại với Thiền sư Nghĩa Giới. Lúc này Ngài Nghĩa Giới đã trụ trì chùa Đại Thừa (daijō-ji).
Thiền sư Nghĩa Giới trao cho đại chúng công án thứ 17 của Vô môn quan để tham cứu. Trong lúc vấn đáp công án, đến đoạn Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện trả lời Thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm "Tâm bình thường là đạo" (bình thường tâm thị đạo). Sư đang suy nghĩ trình Ngài Nghĩa Giới 'Bình thường tâm', Nghĩa Giới liền đánh ngay vào miệng Sư. Ngay khi ấy, mắt tâm Sư liền mở sáng. Không bao lâu sau, Nghĩa Giới phó chúc Sư là người kế thế tổ vị. Từ đây, Sư bắt đầu giáo hoá, hoằng pháp lợi sanh.
Sau khi kế thừa Thiền sư Nghĩa Giới trụ trì chùa Đại Thừa (1303), học chúng khắp nơi đến tham học rất đông. Ngôi chùa này trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của các miền Đông bắc Nhật Bản. Tại đây, Sư hoàn tất hai tác phẩm quan trọng là Truyền quang lục và Toạ thiền dụng tâm ký (zazenyōjinki). Trong Toạ thiền dụng tâm ký, Sư khuyên mọi người chú tâm đến việc Toạ thiền:
"Toạ thiền giúp con người khai sáng tâm lực và an trú nơi cội nguồn. Đó chính là thấy rõ bản lai diện mục, là phát minh tâm địa. Thân tâm đều biến mất, không còn vướng mắc vào những hành động như ngồi, nằm. Vì thế nên hành giả không nên nghĩ thiện ác, vượt hẳn ngôn ngữ như phàm, thánh, vô minh, giác ngộ, rời bỏ các cõi giới chúng sanh và Phật..."
Trong khoảng thời gian cuối đời, Sư lui về Vĩnh Quang tự và giao phó việc quản lý chùa Tổng Trì cho một đại đệ tử là Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365). Trước khi tịch, Sư còn soạn tập Oánh Sơn thanh quy (keizan shingi). Hài cốt của Sư được chia ra thờ cúng tại bốn ngôi chùa: Đại Thừa, Vĩnh Quang, Tổng Trì và Tịnh Trụ (jōjū-ji). Trong sách ghi lại, các đệ tử trong môn đình Tào Động tôn trọng, cung kính nên gọi Sư là Đại Tổ (zh. 大祖, ja. daiso). Nhưng khi đến Chùa Tổng Trì, chúng tôi thấy trên bảng ghi trước chùa là Thái Tổ (太祖). Theo Hán tự, chữ đại và chữ thái chỉ khác nhau ở một dấu chấm, nhưng nghĩa thì cùng chỉ cho sự vĩ đại giống nhau. Còn Thiền sư Đạo Nguyên, Tổ khai sáng tông Tào Động Nhật Bản được gọi là Cao Tổ (zh. 高祖, ja. kōso).