Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chiêm bái di tích tổ sư thiền Trung Hoa - Phần 14

Phần 14 - CHÙA THẢO ĐƯỜNG

Sáng ngày 18/10/2012, đoàn lên đường tham quan Chùa Thảo Đường, chiêm bái tháp Xá lợi ngài Cưu Ma La Thập.

Chùa nằm bên một vùng ven êm đềm thanh lịch của thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Cảnh chùa thanh vắng, vẻ nét hoang dã đìu hiu. Hơi khác biệt so với các kiến trúc hoành tráng của các Chùa khác ở Trung Hoa, Chùa Thảo Đường đơn sơ, nằm lặng mình dưới rừng cây thớt thưa tươi mát. Trúc ốm, tùng gầy, cảnh vắng vẻ, chùa giản đơn, thoảng lên nét cổ kính như Chùa vẫn còn nguyên vẹn hình hài của tự ngàn xưa chưa hề thay đổi. Thoảng cơn gió nhẹ, những ngọn trúc tùng đong đưa làm rơi rơi từng giọt nắng hiếm hoi, gợi cho cảnh xưa nửa như đã qua đi, nửa như đang hiện về phảng phất đâu đây:

Trời vẫn còn hãy đong đưa nắng,
Cảnh đời sao thấy vắng đìu hiu.
Vì đâu nên nỗi tiêu điều,
Chiều đi, chiều lại rồi chiều về đâu?

Hiện chùa có 20 vị tăng đang ở tu học. Đi quanh một vòng không thấy có ai, chỉ gặp một vị Ni sư lớn tuổi đang ở ngoài vườn chùa đến đảnh lễ đoàn. Ni sư vốn ở Đài Loan. Khi sang đi dạo quanh các Thiền viện lớn tại Trung Quốc, Sư thấy nơi này thanh vắng hợp với sở nguyện của mình nên xin trú lại một thời gian còn phép. Ni sư đưa đoàn vào viếng thăm Kỷ Niệm Đường ngài Cưu Ma La Thập. Ở giữa thờ ngài Cưu Ma La Thập. Bên trái là hình ảnh Tôn giả Ưu Ba Ly, vị trì luật bậc nhất thời đức Phật. Bên phải là hình ảnh Ngài Đạo Tuyên ở Chung Nam Sơn, Sơ Tổ Luật Tông Trung Hoa. Chung quanh có các bức tranh minh họa cuộc đời ngài Cưu Ma La Thập theo mẹ xuất gia… Sau khi được tặng kinh sách, đoàn may mắn được Ni sư thưa với Thầy Trụ trì (pháp hiệu Đế Tánh) nên mới được Thầy mở cửa nhà tháp vào lễ bái Bảo tháp Xá lợi ngài Cưu Ma La Thập.

Bảo tháp hình bát giác (8 mặt), cao 2,46m, được làm bằng ngọc thạch tám màu, chạm khắc các phù điêu thủy ba (sóng nước), mây nổi, núi tu di... Vì đá ngọc tháp này sắc màu tươi nhuận, bố cục phối hợp hài hòa, điêu khắc rất tinh xảo, là vật báu hiếm có, cho nên gọi là "Bát bảo ngọc thạch tháp".

Cạnh tháp không xa có một cái giếng nhỏ gọi là Liên Hoa Tỉnh (giếng hoa sen), là nơi cung cấp nước uống cho 3000 đệ tử ngài Cưu Ma La Thập ngày trước. Tương truyền sau khi ngài Cưu Ma La Thập thị tịch, dùng lửa để trà tỳ, củi tắt hình hài đã thiêu rụi, chỉ có cái lưỡi là còn nguyên. Mọi người đem tro, xương và xá lợi lưỡi an táng dưới tháp. Năm đó, trong miệng giếng này chợt nở ra một đóa sen. Khi đào tìm đến gốc cây sen thì nó thông chạm đến chót lưỡi ngài Cưu Ma La Thập. Về sau giữ lại cái miệng giếng đã đào tận gốc cây sen ấy. Hai bên đường dẫn đến giếng có trồng mỗi bên một cây bách cho nên mọi người kết hợp lại gọi là "Nhị bách nhất nhãn tỉnh" (hai cây bách một lòng giếng). Chữ BÁCH cùng một âm, nhưng có hai chữ riêng biệt và nghĩa cũng khác nhau. Một chữ nghĩa là cây bách và một chữ có nghĩa là một trăm. Ở đây, chùa viết chữ Bách có bộ mộc, có nghĩa là cây bách, chỉ cho hai cây bách đang trồng hai bên lối dẫn vào giếng, nhưng chùa cũng muốn dùng âm bách này để hiểu thêm một nghĩa nữa là một trăm, để nói lên thời ngài Cưu Ma La Thập, Tự viện đã từng hoằng dương Phật pháp rộng khắp, tăng chúng rất đông. Bây giờ người ta lấy đá ốp quanh giếng, chỉ để lại miệng giếng nhỏ khoảng 30cm. Vì sâu hút và lúc nào cũng có khói cuộn nhẹ vờn lên trên miệng như mây mỏng nên không thấy được nước trong giếng.

Về sau, có vị Thiền sư thuộc Thiền phái Thảo Đường đến trụ Chùa này giáo hóa nên Chùa có tên là Thảo Đường Tự. Pháp phái Thảo Đường sau này có truyền sang Nhật Bản rồi biến thành Nhật Liên Tông (Tông Pháp Hoa).

Ở Việt Nam chúng ta, vào năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đem binh sang đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ cùng một số tù binh. Về triều, vua ban cho bá quan những tù binh để làm nô bộc. Có một người được phân công quét dọn trượng thất một vị Tăng Lục. Một hôm vị Tăng Lục đi vắng, người ấy thấy bản Ngữ Lục để trên bàn có mấy chỗ sai nên tự ý chỉnh sửa lại. Khi về thấy vậy, vị Tăng Lục ngạc nhiên, hỏi ra mới biết người phục dịch của mình đã chỉnh sửa. Tăng Lục đem việc ấy trình lên Vua Lý Thánh Tông. Vua mời vào triều đem kinh luận và thiền ra hỏi. Vị này ứng đối rất lanh lẹ và xác đáng. Vua rất kính phục, truy nguyên ra mới biết đây là một vị Thiền sư thuộc Thiền phái Thảo Đường. Sư vốn là người Trung Hoa, là đệ tử của Thiền sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu, nhằm đời pháp thứ ba phái Vân Môn. Không rõ lý do gì, Sư sang ở Chiêm Thành.

Từ đó, vua Thánh Tông thường thưa hỏi Phật pháp nơi Sư và thỉnh Sư làm Quốc sư, mời ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đồ chúng nghe tiếng tìm đến tham vấn rất đông. Do đây biến thành phái thiền thứ ba ở Việt Nam. Cùng với Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường trở thành một trong ba Thiền phái nổi tiếng ở Việt Nam thời ấy. Sau này Vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành, dựa trên căn bản giác ngộ chính mình, Ngài đã dung nhiếp tinh túy ba Thiền phái này trở thành Thiền Phái Trúc Lâm Yên tử Việt Nam. Hiện ở Sài Gòn, Việt Nam vẫn còn một ngôi Chùa tên là Thảo Đường. Thầy Trụ trì ở đây cho biết hai chùa vẫn có sự liên hệ qua lại mật thiết với nhau.

Hoài niệm về một thời gian truân vất vả, quên thân vì đạo, ngài Cưu Ma La Thập đã khéo léo tùy duyên vận dụng đạo lý trên tất cả hoàn cảnh thuận nghịch để đem Phật pháp phát triển thạnh hành một thời tại Trung Hoa. Cảnh nay còn đó, người xưa đâu rồi? Khâm phục trước công hạnh cao cả nên nay tuy Ngài đã vắng bóng, nhưng chúng tôi có cảm giác như Ngài vẫn đang còn hiện hữu đâu đây. Xe rời chùa Thảo Đường một đoạn khá xa, nhưng cả đoàn vẫn còn bàng hoàng xúc động.



Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1194076
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2327
4486
18593
1147600
79079
118095
1194076