Phần 12 - BẠCH MÃ TỰ
Từ thị xã Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam đi thêm 10km, đoàn đến chiêm bái Bạch Mã Tự (Chùa Bạch Mã). Chùa được xây vào đời Đông Hán Vĩnh Bình năm thứ 2, (công nguyên 68). Bạch Mã Tự là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Trung quốc với nhiều giai thoại lịch sử ấn tượng.
PHẬT GIÁO VÀO TRUNG HOA
Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ tư (61 TL), Hán Minh Đế đêm mộng thấy người vàng, thân cao hơn một trượng, cổ đeo vòng mặt trời, ngực đề chữ vạn, bay đến sân điện, ánh sáng chói lọi. Sáng lại, vua hỏi quần thần, Thái sử Phó Nghị tâu rằng:
Thần theo Chu Thư dị ký, ngày 08 tháng 4 năm Giáp Dần, năm thứ 24 đời Chiêu Vương (Tây Chu). Sáng sớm chợt có gió lạ nổi lên, cung điện nhà cửa thảy đều chấn động, có ánh sáng năm màu vào sâu mọi chỗ, biến khắp bốn phương, màu xanh hồng.
Vua hỏi Thái sử Tô Diêu:
- Đây là điềm gì?
Thái sử đáp:
- Tây phương có Đại thánh nhân sanh.
Vua nói:
- Đối với Trung Hoa thì thế nào?
Thái sử đáp:
- Lúc này không có ông ta. Sau một ngàn năm, lời dạy mới đến.
Vua sai khắc lên đá ở trước đền thờ Nam Giao để nhớ. Tính theo năm thì đến nay là năm Tân Dậu được 1010 năm. Bệ hạ nằm mộng có lẽ ứng với việc ấy. Vua thầm tính rồi sai các ông Trung Lang Tương Thái Âm, Bác sĩ Vương Đạo, Tần Cảnh… 18 người đến Tây Vức, thăm dò đạo này.
Vào Thời Hậu Hán, triều đại Đông Hán, Vua Hán Minh Đế niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10, năm Đinh Mão (67 TL), Phật giáo bắt đầu vào Trung Hoa.
Nhiếp Ma Đằng - Trúc Pháp Lan với BẠCH MÃ TỰ
Các ông Thái Âm… đến nước Đại Nguyệt Chi (Tai Yueshi), một lãnh thổ gần Thiên Trúc, gặp hai Phạm tăng là Nhiếp Ma Đằng (She Moteng) và Trúc Pháp Lan (Zhu Falan) muốn dâng kinh tượng đến nước Trung Hoa, bèn cùng trở về phương Đông. Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (67 TL) đến Lạc Dương. Ma Đằng vào triều hiến kinh tượng. Vua rất vui truyền đến ở Hồng Lô Tự. Pháp Lan đi đến sau.
Chữ “Tự” lúc này có nghĩa là Quan Thự, là nơi để các viên quan “hầu cận” vua khi cần đến. Hồng Lô Tự là cơ quan tiếp đãi sứ thần của triều đình nhà Hán.
Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn (Kỷ Tỵ), vua xuống chiếu cho lập riêng một ngôi chùa ở ngoài cửa Tây Ung, mời hai ngài đến ở. Vì để kỷ niệm nơi hai Ngài ở đầu tiên là Hồng Lô Tự nên chỗ ở mới cũng được gọi là TỰ. Đồng thời nhớ công của con ngựa trắng chở kinh thư từ Tây Vực về Lạc Dương nên đặt tên là “BẠCH MÃ TỰ”. Cơ sở thờ tự của Phật Giáo Bắc Truyền được gọi là “Tự” có nguồn gốc từ đây. Khi đoàn đến tham quan Bạch Mã Tự, phía trước chùa còn hai bức tượng con ngựa được làm bằng bạch ngọc để kỷ niệm truyền tích Bạch mã chở kinh.
Căn cứ vào Lương Cao Tăng Truyện, quyển 1, chép: Tương truyền ở nước Thiên Trúc (Ấn Độ) có ngôi chùa tên Chùa Chiêu Đề. Vua nước này thường phá hủy các Chùa. Chùa Chiêu Đề gần đến lúc bị phá. Nhân một đêm nọ có một con ngựa trắng đi quanh tháp buồn khóc. Vua nghe được bèn dừng việc phá chùa, liền đổi tên chùa Chiêu Đề thành Chùa Bạch Mã. Về sau các Chùa được dựng lên đa số lấy theo tên này. Cho nên, vào Thời Hậu Hán, triều đại Đông Hán, ở phía Tây Thành Lạc Dương, Vua Hán Minh Đế (tên Lưu Trang) cho xây Chùa Phật đầu tiên tại Trung Quốc, đã nương theo điển tích này nên đặt tên Chùa là BẠCH MÃ TỰ.
Vua đến chùa hỏi tôn giả Ma Đằng:
- Sau khi Phật ra đời vì sao không giáo hóa đến đây?
Ngài Ma Đằng đáp:
- Nước Ca-tỳ-la-vệ ở Ấn Độ, ba đời chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức nhật nguyệt đều ở đây xuất hiện. Thiên thần rồng quỷ có nguyện lực đều sanh ở đó nhận sự giáo hóa, ngộ đạo. Chỗ khác Phật tuy không đến, nhưng ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. 1500 năm đều có thánh nhân truyền lời dạy của Phật đến để giáo hóa.
Vua rất vui.
Hai ngài hỏi Vua:
- Phía đông chùa có quán gì?
Vua đáp:
- Xưa có đống đất tự nhiên nổi lên, dẹp đi lại nổi, đêm có ánh sáng lạ, dân gọi là mộ Thánh. Do đó thờ, nghi là thần Lạc Dương.
Ma Đằng nói:
- Theo Kim Tạng ở Thiên Trúc ghi, Vua A-dục chôn Xá-lợi Phật khắp thiên hạ tới 84000 chỗ. Nay ở Trung Hoa có 19 chỗ, đây là một.
Vua giựt mình liền đến lễ bái. Chợt có một vầng ánh sáng tròn hiện trên mộ, ba thân hiện trong ánh sáng. Thị vệ hô “Vạn tuế!” Vua vui mừng nói:
- Nếu không gặp hai đại sĩ, đâu biết được Di hựu của Thượng Thánh.
Rồi xuống chiếu xây tháp lên trên theo cách thức của hai ngài. Tháp hoàn thành có chín tầng, cao hai trăm thước. Năm sau ánh sáng lại hiện, có cánh tay sắc vàng lộ trên đỉnh tháp cả thước như trong lưu ly thấy hương trời. Vua lại đến chiêm bái. Ánh sáng theo bước chân xoay vòng, từ ngọ đến giờ thân (11 giờ đến 5 giờ chiều) mới diệt. Vua đối với Phật pháp rất kính tín.
Nhị vị cao tăng Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan ở trong Bạch Mã Tự dịch kinh Phật và truyền Pháp. Bộ kinh Phật được dịch sang Hán văn đầu tiên ở Đông Độ là “Kinh Tứ Thập Nhị Chương”. Và hai Ngài lần lượt dịch các bộ Kinh khác, như: Thập Địa Đoạn Kết, Phật Bổn Sanh, Pháp Hải Tạng, Phật Bổn Hạnh…
Những quyển kinh quý Ngài dịch ra đã được trân quý cất giữ ở trong Đại Điện, người tăng kẻ tục thường đến lễ bái, cúng dường. Theo lời truyền tụng, vào thời Bắc Ngụy (386 - 534) khi các vị tăng đang quỳ lạy lễ bái những quyển kinh Phật này, thì bỗng nhiên hòm kinh phát ra hào quang ngũ sắc, chiếu sáng cả vùng trời Đại Điện, trong hào quang hiện ra hình ảnh của đức Phật.
Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn (71 TL), đạo sĩ Ngũ Nhạc là Trữ Thiện Tín, Phí Thúc Tài… đố kỵ, bài xích nói Phật pháp hư ngụy.
Ma Đằng, Pháp Lan tâu vua:
- Pháp xuất thế của Phật, nước lửa chẳng thể hoại. Xin vua cho cùng đạo sĩ thí nghiệm.
Vua sắc Thiện Tín… đem hết kỳ kinh, bí quyết sẵn có cùng sa môn đem kinh Phạn vào ngày rằm tháng giêng, lập đàn đốt để nghiệm. Các kinh của đạo sĩ đều bị đốt sạch, chỉ có kinh tượng Phật vẫn còn nguyên. Bọn Thiện Tín xấu hổ. Bao nhiêu đạo sĩ đều đê đầu khâm phục.
Ngài Pháp Lan ở trong đại chúng xướng kệ:
Chồn chẳng phải sư tử Hồ phi sư tử loại
Đèn chẳng phải trời trăng Đăng phi nhật nguyệt minh
Ao không có sức chứa của sông biển Trì phi giang hải nạp
Gò chẳng tươi tốt như núi rừng Khưu vô sơn nham vinh
Mưa pháp rưới thế giới Pháp vân thùy thế giới
Giống lành được nứt mầm Thiện chủng đắc khai manh
Hiển thông pháp hy hữu Hiển thông hi hữu pháp
Nơi nơi giáo hóa quần sanh. Xứ xứ hóa quần sanh
Vua càng thêm kinh dị.
Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười sáu (73 TL) tôn giả Nhiếp Ma Đằng nhập diệt. Tôn giả Trúc Pháp Lan tự dịch năm bộ kinh, tổng cộng 13 quyển.
Kiến trúc chùa Bạch Mã trục chính gồm có cổng Tam quan, Thiên vương điện. Bên phải có khách đường, bên trái là Tổ đường. Giữa là Đại Phật Điện, Đại Hùng Bảo Điện. Bên trái là Tiếp Dẫn Điện bên phải là La Hán Đường. Ngoài ra còn có Thanh Lương Đài (di tích phần đốt kinh thư so tài giữa Phật Giáo và Đạo Giáo), Tỳ Lô Các, bên trái có Văn Thù Điện, bên phải có Phổ Hiền Điện.
Hai bên cổng Tam quan, ở góc đông nam và tây nam trong khuông viên chùa có phần mộ của hai Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Trên bia mộ của Ngài Ma Đằng có ghi “Hán khải đạo viên thông Nhiếp Ma Đằng Đại Sư mộ”. Trên bia mộ Ngài Trúc Pháp Lan ghi “ Hán khai giáo Tổng Trì Trúc Pháp Lan Đại Sư mộ”.
Nghe nói khoảng 220 thước Anh (yard) về hướng đông nam của chùa Bạch Mã, có bảo tháp Tề Vân cao 26 thước Anh (khoảng 20m) với 13 tầng gạch. Tên nguyên thủy của tháp này là Thích-Ca Xá-Lợi tháp, Kim Phương tháp, hay Bạch Mã Tự tháp. Ban đầu Bảo Tháp được làm bằng gỗ, cao 9 tầng, vào triều đại Vua Đường Trang Tông (923-925). Sau này vào thời nhà Tống (960 – 1279), do nạn binh hỏa nên tháp bị hủy hoại. Vào thời nhà Kim, niên hiệu Đại định thứ 15 (1175), có vị Tăng là Ngạn Công xây dựng lại bảo tháp. Vào thời nhà Thanh, niên hiệu Gia Khánh thứ 3 (1798), vị Tăng hiệu Viên Lãng trùng tu lại ngôi bảo tháp này. Đến nay hiện còn ngôi bảo tháp bằng gạch cao 13 tầng. Điều đặc biệt ở tòa tháp này khi chúng ta đứng trong phạm vi chung quanh tháp vỗ tay thì sẽ có âm thanh vọng lại nghe như tiếng ếch kêu nên tháp này rất nổi tiếng. Do ngày xưa đứng trên tháp Tề Vân có thể trông thấy thành Lạc Dương, cho nên tên tháp được đặt với ý nghĩa, cao tới tầng mây, cao ngang trời (TỀ VÂN). Nhưng khi đến, không biết vì sao mà đoàn không thấy ngôi tháp ở đâu cả.
VỊ TRÍ LỊCH SỬ BẠCH MÃ TỰ
Chùa Bạch Mã có vị trí quan trọng trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, là ngôi Tổ Đình đầu tiên của Phật Giáo Trung Hoa, xứng danh Pháp Nguyên Tổ Đình với ba ý nghĩa:
1. Nơi đầu tiên phật giáo truyền vào Đông Độ .
2. Cơ sở tự viện đầu tiên của Phật Giáo Bắc Truyền.
3. Dịch kinh trường đầu tiên của Phật Giáo Bắc Truyền. Phật Giáo Bắc Truyền từ đây trổ cành, nẩy lộc, trở thành một trong ba chi phái Phật Giáo, gồm: Phật Giáo Bắc Truyền, Phật Giáo Nam Truyền, Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng.
Chùa Bạch Mã ra đời quá lâu, chịu nhiều binh lửa hủy hoại, nên đã qua nhiều lần trùng tu. Thời kỳ Nữ hoàng Võ Tắc Thiên nhà Đường (năm 624 – 705 sau Công nguyên) là thời cực thịnh của chùa Bạch Mã, tăng nhân có hơn 1.000 người. Tuy nhiên, chùa Bạch Mã đã bị phá hoại trầm trọng vào thời nổi loạn của An Sử (755 - 763) và thời Hội Xương diệt Phật giáo (840 - 846). Sau này, ngôi chùa bị tàn phá này chỉ tìm thấy qua các tàn tích lưu lại với những mảnh đá vỡ khắc chữ trên đó. Thời Tống Thái Tông đã cho trùng tu chùa Bạch Mã (939 -997). Vua Gia Tĩnh nhà Minh (1507- 1567) và vua Khang Hy nhà Thanh (1662-1722) cũng đã tiến hành việc tu sửa chùa này. Thời Ngũ Đại, các vị tăng Thiền tông đã tới đây hoằng hóa. Cuối thời Kim, chùa này là nơi hoằng giáo của các vị sư tông Hoa Nghiêm, thính chúng rất đông, pháp sự nhiều đời thịnh hành. Thời Tào Ngụy có các vị cao tăng là Khương Tăng Khải, Đàm Đế, Bạch Diên; thời Tây Tấn có ngài Trúc Pháp Hộ; thời Bắc Ngụy có ngài Đàm-ma-lưu-chi, Phật-đà-phiến-đa; Đời Đường có Phật-đà-la-đa v.v… đều từng ở chùa này dịch kinh.
Có thể thấy, từ thời Bắc Ngụy trở xuống, chùa Bạch Mã là trung tâm Phật giáo thời Bắc Triều. Năm 1928, chùa bị bọn quân phiệt Phùng Ngọc Tường phá hủy. Năm 1931, chùa được các vị hộ pháp là Đới Quý Đào và các vị văn nhân Đỗ Nguyệt Sinh v.v… trùng tu kiến tạo. Đến năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai cho trùng tu lại lần cuối cùng, được xem là quy mô nhất.
Chùa Bạch Mã lưng hướng bắc, mặt hướng nam, đúng theo quy cách truyền thống của tự viện cổ đại Trung Quốc. Chùa được xây theo kiểu hình chữ nhật, tổng diện tích 60.000m2. Trước chùa là một đại sảnh rộng. Các cơ sở của chùa đi theo trục chính nam bắc, tổng cộng có các điện lớn: Thiên Vương Điện, Đại Phật Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Bi Lư Các… Hai bên có Lầu chuông, lầu trống, Trai đường, Khách đường, Thiền đường, Pháp Bảo đường, Tàng Kinh Các… Tất cả kiến trúc trên được xây theo thế tả hữu đối xứng, bố cục hoàn chỉnh ngăn nắp.
Cả đoàn cảm động dừng lại khá lâu nơi hai ngôi mộ của hai Tôn giả Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Vắng lặng, đìu hiu, cỏ mọc phủ cao cả thước trên nấm mộ tròn. Không biết ngày xưa các Ngài đã làm gì, nói gì, hy sinh sống trải gian nan thế nào mà hôm nay hàng con cháu đứng bên mộ hai Ngài lại trào dâng cảm giác bùi ngùi xúc động. Nửa như đang hoài vọng về một quá khứ nhiều buồn vui, bại thành lẫn lộn, nửa như muốn sẻ chia một điều gì đó ở hiện tại trong cảm xúc, lời chưa nói lên được mà đã cảm thấy thỏa lòng.