Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chiêm bái di tích tổ sư thiền Trung Hoa - Phần 10

Phần 10 - Thiếu Lâm Tự

Ngày 15/10/2012, đoàn đi chiêm bái Thiếu Lâm Tự tại Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Trịnh Châu là thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Đây là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Hà Nam, diện tích 74.462km2, dân số khoảng 6 triệu người. Trịnh Châu được mệnh danh là “Lục Thành Trung Nguyên”, tức thành phố cây xanh của Trung Nguyên và là một thành phố cổ, sạch và mát, dễ gây thiện cảm cho du khách mới đến.

Hơn 3.500 năm trước, thành phố này đã là cố đô của vương triều nhà Thương, sớm nổi tiếng về kỹ thuật luyện đồng xanh và gốm sứ. Thế kỷ XI trước công nguyên thuộc Tây Chu, Vua nhà Chu phong đất này cho người em tên Quản Thúc, gọi là Quản Quốc. Thời Xuân Thu, nơi đây là đất của Đại phu Tử Sản, thuộc Trịnh Quốc. Đến năm 583, Tùy Văn Đế đổi lại là Trịnh Châu và tên này được dùng luôn cho đến ngày nay.

Thiếu Lâm Tự, nằm dưới chân ngọn Ngũ Nhũ của núi Thiếu Thất, một ngọn núi phía Tây của ngọn Tung Sơn, cách Bắc Thành 15km, thuộc huyện Đăng Phong (Trịnh Châu), tỉnh Hà Nam.

Song song với “Tứ đại danh sơn”, Trung Quốc còn có năm rặng núi thiêng khác được gọi là Ngũ Nhạc.

- Đó là Thái sơn ở phía đông, thuộc tỉnh Sơn Đông,
- Hoa sơn ở phía tây, thuộc tỉnh Sơn Tây,
- Hành sơn ở phía nam, thuộc tỉnh Hồ Nam,
- Hằng sơn ở phía bắc, thuộc tỉnh Sơn Tây.
- Tung sơn ở trung tâm, thuộc tỉnh Hà Nam.

Trung Nhạc Tung Sơn cách Lạc Dương khoảng 50 km về phía Đông Nam. Đỉnh cao nhất 1.440m.

Chùa  tọa lạc nơi rừng trúc, dưới ngọn Ngũ Nhũ của núi Thiếu Thất, thuộc Tung Sơn nên gọi là “Thiếu Lâm”.

Thiếu Lâm Tự tựa vào Ngũ Nhũ Phong. Chung quanh đỉnh núi liền nhau. Phía đông Tung Sơn là Thái Thất sơn, phía tây là Thiếu Thất sơn, mỗi nơi có 36 ngọn núi, mỗi ngọn đều có tên.

Thời Bắc Nguỵ, niên hiệu Thái Hoà 太和 năm thứ 19 (495), Hiếu Văn Đế vì kính trọng tôn giả Bạt-đà-la 跋陀羅, một cao tăng Ấn Độ nên kiến lập Thiếu Lâm Tự.

Tôn giả Bạt-đà 跋陀 tại Thiếu Lâm Tự truyền thiền nguyên thuỷ, thiền pháp chỉ quán. Đệ tử đắc pháp có: Tăng Trù 僧稠, Huệ Quang 慧光, Đạo Phòng 道房… đều là danh tăng một thời. Riêng Ngài Tăng Trù được Bạt-đà khen rằng “từ Thông Lĩnh về đông, là bậc nhất trong thiền học”. Do vậy, Tung Sơn đương thời là trung tâm thiền phương Bắc. Có ảnh hưởng sâu rộng về sau.

Lúc thiền sư Phật-đà còn tại thế, ở phía Tây của chùa có xây tháp xá-lợi, phía sau tháp có xây Phiên Kinh Đài. Thời Bắc Nguỵ, niên hiệu Chính Thuỷ năm thứ năm (508) Cao tăng Lặc-na-ma-đề và Bồ-đề-lưu-chi lần lượt đến Thiếu Lâm Tự khai trường dịch kinh, cùng phiên dịch “Thập Địa Kinh Luận” của Bồ tát Thế Thân, trải qua ba năm mới hoàn thành, lưu truyền nơi đời, khiến thiền học phương Bắc phát triển.

Niên hiệu Kiến Xương thứ 3 (527), Tổ Bồ-đề Đạt-ma đến chùa này, ở sau núi Thiếu Lâm ngồi xoay mặt vào vách chín năm, sau đó gặp và truyền pháp cho ngài Huệ Khả, sáng lập Thiền tông. Đệ tử đắc pháp có: Ngài Huệ Khả, Tăng Phó, Đạo Dục, Ni Tổng Trì…

Về sau, đệ tử của ngài Phật-đà là ngài Tăng Trù trụ trì Chùa Thiếu Lâm. Sau do pháp nạn hủy Phật của Võ Đế thời Bắc Chu khoảng năm (572-577) nên già-lam bị phá hủy. Vào thời vua Tĩnh Đế khoảng (579-580), chùa được phục hưng lại, đặt tên là chùa Trắc Hộ, với 120 vị tăng tu học tại đây.

Thời vua Văn Đế đời Tùy, vua ban sắc phục hồi tên cũ của chùa (có thuyết nói vua Văn Đế đổi tên chùa là Trắc Hộ, đời Đường phục hồi tên chùa là Thiếu Lâm). Đến những năm 614-616, toàn bộ chùa đều bị sơn tặc phá hủy, chỉ còn linh tháp. Đầu đời Đường, tăng chúng chùa Thiếu Lâm có công giúp vua Đường Thái Tông khai quốc, từ đó nơi đây mở rộng thêm môn quyền thuật. Vì vậy thiền tông và võ thuật Thiếu Lâm rất nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi, chẳng những ở Trung Quốc mà còn lan sang các quốc gia khác trên thế giới. Vua Cao Tông (Lý Trị), Võ hậu Tắc Thiên đều sùng kính đạo Phật, nên ra lệnh chỉnh đốn tu sửa các già-lam. Về sau trải qua các cuộc chiến loạn thời Ngũ Đại cuối đời Đường, chùa dần dần suy vi. Năm 1245 đời Nam Tống, ngài Tuyết Đình Phước Hữu vâng lệnh vua Thế Tổ đời Nguyên coi sóc chùa, xây dựng lại tự môn,

Đệ tử của Sư là ngài Linh Ẩn Văn Thái cùng các vị Cổ Nham Phổ Tựu, Tức Am Nghĩa Nhượng, Thuần Chuyết Văn Tài nối nhau trụ trì, đều làm hưng thịnh Thiền tông. Đến năm 1735 đời Thanh, chùa được trùng tu. Vào thời Ngũ Đại, cuối đời Đường, Chùa Thiếu Lâm thuộc về tông Lâm Tế. Từ đời Kim, đời Nguyên về sau chùa trở thành đạo tràng của tông Tào Động cho đến nay. Năm 1929, quân phiệt Phùng Ngọc Tường, Phàn Chung Tú xua quân cướp sạch, chùa gần như bị phá hủy toàn bộ. Năm 1932, các vị Lâm Sâm, Đới Truyền Hiền, Đỗ Nguyệt Sinh trùng tu lại. Diện tích bây giờ trên 30.000m2. Trong chùa hiện còn các kiến trúc: Sơn môn, nhà khách, đình Đạt-ma, điện Bạch Y, điện Địa Tạng, điện Thiên Phật...
Điện Thiên Phật còn gọi là Tỳ-lô Các, bên trong có bích họa 500 vị La-hán lễ Phật Tỳ-lô-giá-na đời Minh, rộng khoảng hơn 300m2. Trong điện Bạch Y có quyền phả chùa Thiếu Lâm đời Thanh và bích họa 13 vị tăng cứu vua Đường. Am Sơ Tổ, am Nhị Tổ đều ở gần đó.

Trong chùa còn bảo tồn nhiều thạch khắc, nổi tiếng có “Tần Vương Cáo Thiếu Lâm Tự Chủ Giáo Bi”, “Võ Hậu Thị Thư Bi”, “Linh Vận thiền sư Công Đức Tháp Minh”, “Tức Am thiền sư Bi”.

Xưa kia tổng diện tích của chùa lên đến 55km2, do nhà vua ban cho. Cổng tam quan bằng đá, trên khắc bốn chữ “Tung Sơn Thiếu Lâm”, đôi câu đối dọc hai bên cột đá:

Nhất vi độ Trường giang tu trì cửu tải,
Lưỡng sơn tuế cổ tự tham bái thập phương.     

Chín năm Tổ sư ngồi xoay mặt vào vách, trở về lại Tây Trúc một cành lau,
Mười phương lữ khách đến bái tham, vẫn còn đó Chùa xưa hai rặng núi.

Vào một đoạn khá xa mới đến cổng Sơn Môn. Bút tích của vua Khang Hy ghi ba chữ  “Thiếu Lâm Tự” trên cổng sơn môn vẫn còn đó lặng lẽ an nhiên dưới rừng thiền tươi mát.

Đình Đạt-ma, nơi ngài Huệ Khả đứng ngoài tuyết chặt tay dâng lên cầu Sơ Tổ truyền pháp an tâm, nên còn gọi là đình Lập Tuyết.

Cách chùa Thiếu Lâm 500m về phía tây, có Tháp Lâm là một quần thể tháp lớn nhất Trung Quốc. Tổng cộng gồm 250 ngôi mộ tháp lớn nhỏ. Kiến trúc mộ tháp nơi đây mang phong cách đủ các thời đại, xa nhất là niên hiệu Trinh Nguyên thứ 7 (791) đời Đường, gần nhất là niên hiệu Gia Khánh thứ 8 (1803) đời Thanh. Trong đó phần lớn là tháp gạch, chỉ một ít tháp đá, từ một tầng đến bảy tầng, cao từ 15m trở xuống. Mỗi tháp đều có niên đại chuẩn xác, được ghi chép tỉ mỉ, tạo hình cũng phong phú đa dạng.

LÊN ĐẠT MA ĐỘNG

Đến Thiếu Lâm đoàn không tìm Sơ Tổ,

Sơ Tổ về Tây rồi đoàn chỉ muốn gặp Đạt Ma.

Không dừng lại trước cổng Sơn môn, vừa bước xuống xe, cả đoàn một mạch đi thẳng lên Đạt Ma Động, phía tây bắc Thiếu Lâm Tự, cách núi Ngũ Nhũ Phong vài km. Đây là động thiên nhiên, mặt bằng chung quanh khoảng 10m2, sâu khoảng 5m, động rộng khoảng 3m.

Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa tiếp kiến Vua Lương Võ Đế, cơ duyên không khế hợp, Tổ đã sang đây, vào trong động này ngồi xoay mặt vào vách chín năm. Chín năm hay muôn thuở, phút chốc hay ngàn đời, chỉ là bất động mà tùy duyên, nào có lăng xăng cho ai biết! Rồi một ngày kia, Thần Quang từ Hương Sơn vượt ngàn dặm tìm đến đứng ngoài trời suốt đêm, tuyết lên đến gối, chặt tay cầu đạo, qua bài pháp an tâm liền được lối vào, trình tâm rõ ràng thường biết, được Tổ truyền trao y bát kế thế Tổ vị thứ hai Trung Hoa, hoằng pháp lợi sanh...

Chín năm lặng thầm há cho là vô cớ! Cơ duyên hội tựu, tâm pháp trao truyền, ai dám hồ đồ bảo Tổ có ý chăng! Ý Tổ Tây sang, xưa nay lắm trường bày biện, gai góc quá nhiều. Cũng Ý Tổ Tây sang, đã chuyển biết bao phàm tâm đăng thánh địa. Cuối cùng Tổ có ý chăng? Là có ư? Không phải Tổ rồi? Là không ư? Thế sao Huệ Khả được truyền trao tâm ấn? Nếu hay tỏ rõ, được đó tức không chỗ được, mới hay ra ý Tổ Tây sang, lìa cả có không được mất, đâu có chỗ cho chúng ta bàn nói lăng xăng!

Người đến trong đây rồi, nói có cũng được nói không cũng được, nói ra thì muôn lời ngàn lời không thể nói hết. Người chưa đến được thì đành đứng ngoài cửa, không biết làm sao bây giờ. Thôi thì vào Động Đạt Ma, tìm chút lặng thầm, may ra Tổ mách bảo cho. Nếu cứ lăng xăng, e rằng muôn đời ngàn đời Tổ cũng đành phải ngồi chờ đợi, không cách nào đem cho ai được.

Vào hang động đảnh lễ Tổ mà lòng cứ ngập tràn không thể nói lên thành lời. Là mênh mông nhưng ngưng đọng, là đã gặp từ muôn thuở hay lần đầu, là chín năm hay phút chốc, là vắng bóng nhưng còn đây, là về Tây nhưng hiện hữu... Tất cả cứ trào dâng, ngập tràn, đan xen, ảo huyền khó tả, khiến cho cả đoàn không ai còn quan tâm đến quảng đường leo núi thế nào.

Ở lâu trong ấy sẽ bị Tổ quở. Dù có lưu luyến, cả đoàn cũng phải xuống núi ra về. Không ai nói với ai cảm xúc của mình, nhưng ai ai cũng sẵn ý Tổ, người người cùng gặp nhau trong ấy và sẽ cảm nhận theo cách của riêng mình.

Nhìn từ Đạt Ma Động


Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1194128
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2379
4486
18645
1147600
79131
118095
1194128