Phần 7 - ĐẠI KHAI NGUYÊN TỰ
Sáng ngày 13 tháng 10 năm 2012, đoàn đi thăm Trương Quan Phủ, quê hương của hai môn Trần Thái Cực Quyền và Dương Thức Thái Cực Quyền. Chiều đi thăm Đại Khai Nguyên Tự tại Hình Đài, Hà Bắc.
Đây là thiền viện lớn nhất của thiền Tào Động, nơi hai Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác và Thiền sư Vạn Tùng Hành Tú từng trụ xứ.
Khai Nguyên Tự, ở phía Đông bắc thành phố Hình Đài (xingtai) tỉnh Hà Bắc, còn gọi là Đông Nguyên Tự. Chùa được sáng lập vào đời Đường, giữa niên hiệu Khai Nguyên. Đây là tổ đình tông Tào Động, trải qua hơn 1300 năm lịch sử. Đây cũng là nơi Nhị Tổ Huệ Khả truyền bát, và là nơi Thiền sư Thần Hội từng đến trụ. Khai Nguyên Tự từng có các vị trụ trì là cao tăng đắc đạo.
Từ khi Đường Huyền Tông (Lý Long Cơ) hạ chiếu xây dựng đến Chu Thế Tông, Sài Vinh xây dựng tháp Đại Thánh cao 108m. Đến thời Tống Huy Tông (Triệu Cát 趙佶), ban tên Viên Chiếu Tháp. Hiện nay bảo tháp đã bị sụp đổ toàn bộ, chỉ còn nền tháp. Hòa thượng Tịnh Huệ đang tiến hành trùng tu lại.
Đến năm 1250 Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt ban tên là Đại Khai Nguyên Tự, và tên Chùa duy trì cho đến ngày nay.
Tại Hình Đài còn có Ngài PHẬT ĐỒ TRỪNG (232-348) người Tây vực, năm 312 theo Thạch Lặc nhà Hậu Triệu đến Hình Đài (Tương Quốc) truyền bá Phật giáo, được tôn xưng là Đại Hoà thượng. Trước đó, triều đình quan niệm đức Phật là vị thần của nước khác nên không cho người dân Trung Hoa xuất gia. Nhờ Ngài Phật Đồ Trừng chuyển hóa Thạch Lặc và Thạch Hổ nên đến đời Thạch Hổ thì niềm tin Phật pháp đủ lớn mạnh, Vua mới cho người dân Trung Hoa được xuất gia. Tại chùa này, các nhà khảo cổ vừa khai quật được bệ đá hình hoa sen thời Ngài Phật Đồ Trừng, dưới có khắc kinh văn.
Ở đây còn là nơi trụ xứ của ngài TRÚC ĐẠO SANH (355-434), Cao Tăng đời Tấn và Lưu Tống, họ Nguỵ, nêu lên nghĩa Đốn ngộ thành Phật. Ngài là người giúp Ngài Cưu Ma La Thập dịch Kinh. Trong số đó có bốn vị danh tăng được gọi là Quan Trung Tứ Thánh như ngài Đạo Sanh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ. Theo quyển 'Phật Tổ Thống Ký' thứ 26, thì lúc trú tại núi Hổ Khâu, ngài Đạo Sanh giảng kinh Niết Bàn cho các tảng đá. Ngài thuyết rằng Nhất Xiển Đề cũng có Phật tánh, nên các tảng đá gật đầu. Câu chuyện này được gọi là 'Đạo Sanh thuyết pháp, các tảng đá gật đầu'.
Ngoài ra, Hình Đài được nổi tiếng bởi nhiều vị khác:
- NGẠN TÔNG 彥琮(557-610) người Triệu quân, Hình Đài, Hà Bắc, họ Lý. Tiết tháo trong sạch, từ trẻ đã nổi danh. Xuất gia năm 10 tuổi tên là Đạo Giang道江, tụng Đại Noa Kinh có liễu ngộ, mọi người kinh ngạc về sự mẫn tiệp của Sư. Bắc Chu Vũ Đế xảy ra pháp nạn, bị bức phải đổi áo, đổi tên là Ngạn Tông, tuy làm việc ở triều, cùng với quan liệu mà giới hạnh chưa từng khiếm khuyết. Thời Tuyên Đế, giao cho làm quan Lễ Bộ, sư từ chối không nhận. Đến đời Tùy Văn Đế, Phật pháp hưng thịnh, Sư trở về làm tăng, vì các hiền thần triều đình giảng kinh Bát Nhã. Sau được mời vào kinh sư phiên dịch kinh. Tuỳ Đại Nghiệp năm thứ 6, Sư thị tịch, thọ 54 tuổi.
- PHÁP SƯ ĐỊNH HỶ, trụ trì Khai Nguyên tự đời nhà Kim. Khoảng năm 1184 (năm Đại Định, Giáp Thìn), Pháp sư đúc đại thiết chung.
- Thiền sư HƯ CHIẾU 虛照, trụ trì Thiên Ninh Tự vào thời nhà Nguyên (1195-1252), Sư pháp danh Hoằng Minh 宏明, tự Hư Chiếu. Những việc sư làm được tôn xưng là “Đại tỷ kheo”, người đương thời gọi sư là “Tái thế Huệ Năng”.
Hiện nay, bên cạnh ngôi chùa cũ, Hòa thượng Tịnh Huệ đang xây dựng ngôi Đại Khai Nguyên Tự rất lớn và khang trang. Chùa được xây dựng theo kiến trúc thời Minh và Thanh. Công trình được khởi công vào năm 2006 và dự kiến sang năm (2013) sẽ khánh thành. Ngôi chùa Khai Nguyên xưa kia vẫn giữ nguyên để làm di tích.