Phần 3: BÁCH LÂM THIỀN TỰ (Cypress Grove Monastery)
Bách Lâm Thiền Tự ở thành phố Thạch Gia Trang, Triệu Huyện, Hà Bắc.
Bách Lâm Thiền Tự xây dựng vào thời Đông Hán – Hán Hiến Đế, khoảng giữa niên hiệu Kiến An. Từ nhà Đường về trước gọi là Viện Quán Âm. Thời Nam Lưu Tống đổi là Viện Vĩnh An. Triều đình thời Nguyên, ban biển ngạch là Bách Lâm Thiền Viện. Đời Đường có Pháp sư Huyền Trang, Thiền sư Triệu Châu đến ở và giáo hóa. Đời Tống có Lão nhân Quy Vân. Đời Nguyên có Thiền sư Nguyệt Khê đều là các bậc cao tăng trụ nơi đây.
Đặc biệt vào đời Đường Đại Trung năm thứ 11 (857), Thiền sư Tùng Thẩm 80 tuổi, được thỉnh trụ tại Quán Âm Viện, hoằng pháp hơn 40 năm. Đến năm 120 tuổi, Ngài viên tịch tại đây. Người đời gọi là “Triệu Châu Cổ Phật”, Vua ban thuỵ “Chân Tế Thiền Sư”. Đời Nguyên, niên hiệu Thiên Lịch năm thứ ba (1330), xây dựng tháp xá lợi, cao 33m, gọi là tháp “Triệu Châu Cổ Phật Chân Tế Quang Tổ Quốc sư”.
Thời kỳ cách mạng văn hóa, Chùa bị hư hại gần hết. Năm 1988, Hòa thượng Tịnh Huệ (thị giả của Hòa Thượng Hư Vân ngày xưa) phát tâm xây lại. Công trình kiến thiết trải qua 20 năm mới hoàn thành. Hiện tại Chùa rất khang trang, tương đối hoàn chỉnh, kiến trúc quy mô. Chỉ còn lợp ngói một số công trình nữa.
Thượng tọa Trì trì Thích Minh Hải đang đi nhập thất tại Đài Sơn. Thượng tọa Phó Trụ trì Minh Ảnh tiếp đoàn rất nùng hậu. Có những buổi chia sẻ Phật pháp cởi mở, chân tình, đạo vị. Chúng tôi nhận thấy Thượng tọa rất khiêm tốn, thân thiện, tôn trọng nhau trong chí hướng cầu tiến công phu. Qua giao tiếp, chúng tôi nhận thấy Thượng tọa rất nhiệt huyết với sự phát triển Phật pháp, có những nghiên cứu Thiền kỹ lưỡng, có những thao thức cho nền Thiền học Trung hoa, đặc biệt chú trọng nghiên tầm, chỉ dạy, tự thân công phu ứng dụng thực tập, dạy chư Tăng và Phật tử cùng thực hành, dựa trên kết quả thực tế qua những mùa kiết đông vào tháng 11 và tháng chạp âm lịch, rút tỉa kinh nghiệm từ những vị đang tham gia cùng tu, đúc kết tìm ra một phương pháp ứng dụng để mang lại sự giác ngộ thiết thực cho quần chúng. Sau những mùa Kiết đông, Thượng tọa thấy những vị tăng lớn tuổi tu hành có kết quả phần nào, còn những vị tăng trẻ thì chưa khả quan lắm. Thượng tọa đã quyết định dành thêm thời gian đào tạo cho những vị tăng trẻ nhiều hơn. Trước một thời đại bị ngoại duyên chi phối quá mạnh, Thượng tọa trăn trở muốn tìm ra một hướng dụng công tu tập để hành giả có sự giác ngộ đích thực từ nội tâm. Nhưng thấy quá khó, chỉ cố gắng làm và hy vọng khoảng 30 năm sau thiền học Trung Hoa mới có được sự khởi sắc đích thực.
Những ngày sống trải trong Chùa Bá Lâm, cả đoàn rất phấn chấn và hoan hỷ qua những buổi thiền tọa, những buổi tọa đàm, lễ dâng đèn, dâng trà lên Thiền sư Triệu Châu… Qua sinh hoạt, nhận thấy một điều gì đó ở phái đoàn Thiền tông Việt nam nên dù Phật sự và công phu thiền tọa liên tục, Thượng tọa đã quyết định dành thêm một buổi giao lưu để rút tỉa thêm kinh nghiệm cho phương pháp ứng dụng Thiền tập. Thượng tọa đã ưu ái cho phái đoàn vào tham quan những nơi không được tham quan, như Tịnh thất Hòa thượng Tịnh Huệ, Thiền đường… Riêng Nội viện tăng và Phật học viện thì chỉ cho chư Tăng vào tham quan.
Rời chùa Bá Lâm với những cảm động trào dâng trong lòng mỗi người khôn tả xiết. Những cảm nhận ấn tượng sống động qua những gì Thiền sư Triệu Châu chỉ dạy vẫn còn đó, cây bách, cầu đá, uống trà, rửa bát... Hãy đến rồi cảm nhận. Đến đâu? Tự hỏi lại tâm mình!