Phần 2: CHÙA VÂN CƯ
Sáng nay 09 tháng 10 năm 2012 (24/9/Nhâm Thìn), đoàn khởi hành đi thăm Chùa Vân Cư tại Phòng Sơn, thuộc ngoại ô Thành phố Bắc Kinh.
VÂN CƯ TỰ (Yunju Temple) là nơi toàn bộ kinh điển Phật Giáo được khắc vào đá. Công trình này hoàn tất trong thời gian 800 năm (625 – 1400). Đại Tạng Kinh được chôn trong một hang động gần chùa để tránh Pháp nạn.
Phòng Sơn - Vân Cư Tự còn gọi là Tây Vực tự, hay gọi là: “Tây Vực Vân Cư Thiền Lâm”. Cũng còn được gọi là Thạch Kinh Sơn, phía tây nam Phòng Sơn, cách kinh thành Bắc Kinh 75km.
Vân Cư tự do Ngài Tĩnh Uyển, vị cao tăng đời Tuỳ khai sơn kiến tạo.
Đứng từ Chùa nhìn ra, bên tay trái là Phòng Sơn Thạch Kinh do Cao tăng Tĩnh Uyển (?-639) bắt đầu khắc vào cuối đời Tuỳ, năm 605. Ngài Tĩnh Uyển, có nơi ghi là Trí Uyển. Nhưng khi vào chùa chỉ thấy ghi là Uyển Công.
Niên hiệu Đại Nghiệp (605-617), Sư trụ chùa Trí Tuyền ở U Châu. Xem lại việc Bắc Chu Vũ Đế phá hoại Phật giáo triệt để, Sư bèn phát nguyện khắc lại toàn bộ Kinh vào đá, cất giữ nơi Duyện Châu (Zhuozhou), Hà Bắc, trong núi Bạch Đới, đề Phòng sau khi pháp diệt, mọi người còn kinh để học.
Đời Đường, niên hiệu Trinh Quán thứ 13, chí nguyện chưa xong thì Sư đã thị tịch. Môn nhân Ngài tiếp tục kế thừa sự nghiệp khắc kinh. Lúc đương thời, việc khắc kinh nhờ vào sự bảo trợ của hoàng hậu Tuỳ Dạng Đế.
Sự nghiệp khắc kinh trải qua sáu triều đại Tuỳ, Đường, Liêu, Kim, Nguyên, Minh, thời gian dài 1039 năm. Hiện nay phát hiện hoàn chỉnh tiểu tạng và đại tạng gồm 14278 khối đá. Tính ra 1122 bộ kinh gồm 3572 quyển, hơn 3500 vạn chữ! Do đó núi này có tên gọi THẠCH KINH SƠN. Về sau lại đổi thành Thạch Cảnh Sơn.
Thạch Kinh Sơn cao 450m, có tất cả 9 động tàng trữ kinh, trong đó động Lôi Âm là mở cửa, trong động rộng như một sảnh đường, bốn vách khảm kinh, do Ngài Tĩnh Uyển khắc sớm nhất. Trong động có bốn trụ đá khắc 1056 tượng Phật, nên được gọi là Thiên Phật trụ (trụ đá ngàn Phật). Tất cả có 9 động chứa 4196 khối đá kinh.
Thời kỳ chiến tranh, Nhật ném bom nhiều lần, Chùa Vân Cư bị hư hại nặng nề. Đặc biệt, chỉ có ngôi bảo tháp Ngài Tĩnh Uyển ở phía Nam Chùa không bị đạn bom làm hư hoại. Quân Nhật đóng chiếm, sai bảo người dân phá tháp, lấy ngói để xây dựng đồn. Một buổi trưa mọi người đang nghỉ, bỗng ngôi bảo tháp tự sụp đổ, ngói vỡ vụn tan không thể dùng làm gì được. Chỉ còn lại đỉnh tháp có ghi lời hướng dẫn, ngay tại điểm này, đi về hướng Nam 100m sẽ có Thạch Kinh. Đúng như lời hướng dẫn, mọi người đã tìm ra nơi cất
giữ Kinh điển đã khắc vào đá không bị chiến tranh làm hư hoại.
Cạnh ba ngôi tháp của ba vị Trụ trì, khuôn viên Chùa còn có một ngôi bảo tháp khá cao. Dưới chân đế tháp có nhiều mảnh đá ghép quanh, mỗi phiến có khắc bài kệ Phật nói về nhân duyên. Thời Liêu Thánh tông ủng hộ Phật pháp, muốn xây dựng một ngôi bảo tháp bằng gạch nung, nhưng không làm được. Mọi người quyết định xây tháp bằng vôi bao bọc chung quanh. Khi đào lỗ đổ vôi để xây dựng bảo tháp, tình cờ nước chảy, vôi sôi tạo thành lối dẫn đến một vị trí có 177 phiến đá đã khắc chạm sẵn, đúng với số gạch cần xây bảo tháp là 176 phiến và có thừa ra một phiến.
Khi trùng tu lại Chùa, ba ngôi tượng đồng cổ từ Bắc Kinh, tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Quan Thế Âm được thỉnh về an trí tại Chùa này.
Tại phòng triển lãm văn vật, có những bức minh họa quá trình khắc Kinh vào đá rất công phu.
Khu vực chung quanh Chùa có nhiều hang động cất chứa Kinh điển, nhưng chúng ta chỉ được tham quan một hang động cạnh dưới chân tháp Ngài Uyển công. Qua lớp kính trong, chúng tôi thấy rõ các bản Kinh bằng đá được đục chạm rất công phu. Làm Phật sự sẽ khác hơn nhiều so với thế sự. Những việc thế gian chỉ cần có tiền là có tất cả. Với Phật pháp thì có khác. Ngoài các điều kiện bình thường, người thực hiện việc này cần phải có đủ trí, đủ đức và nhân duyên thì công việc mới thành tựu viên mãn. Nhìn sự nghiệp khắc kinh vào đá ở chùa Vân Cư, cả đòan chúng tôi lặng người thầm bái phục ý chí, nghị lực, công đức và trí tuệ của người xưa. So với tiện nghi của thời đại hiện nay, việc làm này có lễ dễ dàng hơn nhiều, nhưng để làm được thành tựu viên mãn như người xưa thì có lẽ chưa thấy có ai kiên trì thực hiện nổi.
Có lần chính phủ muốn thỉnh bản Thạch Kinh về Bắc Kinh để lưu giữ, nhưng nhận thấy có sự hỏng dần theo từng ngày không bảo quản được. Cuối cùng phải thỉnh về lại Chùa Vân Cư. Theo quan niệm ở đây, số 9 là tối ưu nên đúng lúc 9giờ, 9 phút, 9 giây, ngày 09, tháng 9 năm 1999, bản Thạch Kinh cuối cùng vừa được đưa xong vào động và cửa động cũng được khép lại vào thời khắc đặc biệt ấy.
Nghe nói phía sau núi còn một hang động có thể vào thăm được, nhưng phải đi bộ mất hai tiếng rưỡi mới đến. Thời gian không còn cho phép nên đành phải ra về, thôi thì hẹn lại duyên sau.