CỬA THỨ BA:NHỊ CHỦNG NHẬP
Nhị chủng nhập tức là hai thứ vào. Ở cửa này có hai thứ vào, đó là thứ gì?
Phàm vào đạo thì có nhiều lối, lấy cái cốt yếu mà nói thì không ngoài hai thứ: Lý nhập và Hạnh nhập.
Vào đạo thì có nhiều đường, nhưng lấy cái cốt yếu thì chỉ có hai đường chánh là lý nhập và hạnh nhập. Lý nhập và hạnh nhập là sao?
I. Lý nhập.
Nghĩa là nương nơi giáo để ngộ được tông.
Nương nơi giáo tức là nương nơi kinh điển, ngộ được tông tức là ngộ được cái lý thiền hay là ngộ được tâm.
Tin sâu chúng sanh đồng có một chân tánh đều bị khách trần vọng tưởng nó che lấp không thể nào hiển bày. Nếu mà bỏ vọng để trở về chân, ngưng trụ xem vách (tức là dừng cái tâm, yên lặng cũng như tường vách, không động không lay), không có tự, không có tha, phàm thánh đồng một, kiến trụ không dời đổi. Lại không tùy theo văn giáo (là không chạy theo văn nghĩa ở trong kinh). Đây tức cùng lý phù hợp, không có phân biệt.
Lặng lẽ vô vi gọi đó là lý nhập. Như vậy lý nhập này tức là như hiện giờ đây, chúng ta nhân nơi kinh, nơi luận của Phật, Tổ để nhận ra được tâm của mình, biết nơi mình có bản tâm thanh tịnh thì gọi đó là nương nơi giáo mà ngộ được tông.
Khi mình đã tin sâu vào chân tánh hay là chân tâm đó, ai ai cũng có sẵn, mỗi chúng ta đồng như Phật. Nhưng tại sao có mà chúng ta không thấy? Bởi vì khách trần vọng tưởng nó che lấp đi, cho nên chúng ta không thấy, nó không có hiển bày. Bây giờ chúng ta muốn thấy, muốn trở về nó thì cốt yếu chúng ta phải xả bỏ vọng tưởng. Nếu xả bỏ vọng tưởng tức là chúng ta trở về chân tánh, khi đó chúng ta mới thấy tâm nó yên lặng, dừng đứng, không bị xao xuyến, không bị lay động. Như vậy chừng đó tâm mình nó yên lặng rồi mới không còn phân biệt có mình, có người, có phàm, có Thánh riêng khác nữa. Như vậy lúc đó chúng ta chỉ nhân nơi kinh mà ngộ tâm, chớ không còn mắc kẹt trên chữ nghĩa văn tự, do đó mà hợp lý. Thành ra chữ lý trong nhà Phật dùng đây là chỉ cho cái gì? Chữ lý đây là chỉ cho lý nhất tâm. Thường trong nhà Phật nói: “từ nơi sự đạt lý”, tức là từ nơi
hình thức bên ngoài mà thấy được cái bản tâm của mình, cho nên gọi là từ sự mà đạt lý. Chúng ta không hiểu được từ cái lý nên cứ tưởng là lý ở đâu đâu. Như vậy ở đây nói lý nhập là chúng ta nương nơi giáo điển để nhận ra bản tâm. Khi nhận ra bản tâm rồi, chúng ta mới sống trở về bản tâm ấy gọi đó là lý nhập. Như vậy thì lâu ngày chúng ta được lặng lẽ vô vi gọi là lý nhập. Như vậy đó là hạnh thứ nhất:
Lý nhập.
II. Hạnh nhập.
Hạnh nhập nghĩa là gồm có bốn hạnh: báo oán hạnh, tùy duyên hạnh, vô sở cầu hạnh và xứng pháp hạnh.
1. Báo oán hạnh (hạnh trả thù).
Thế nào là báo oán hạnh? Nghĩa là người tu hành khi gặp cảnh khổ phải tự nghĩ rằng: Ta từ xưa đến giờ ở trong vô số kiếp, bỏ cái gốc mà theo cái ngọn cho nên trôi lăn trong các cõi, nên phần nhiều khởi lòng oán ghét căm hận vô hạn (tức là lưu cái hại vô hạn). Đời nay tuy rằng không có phạm những tội lỗi ấy, nhưng thảy đều do cái họa ương đời trước. Cái nghiệp ác nó đã chín thì không phải trời, không phải người mà hay cùng thấy (cũng không phải do trời, không phải do người mà hay cùng thấy, tức là không phải trời cũng không phải người tạo ra cho mình). Như vậy thì phải cam nhận chịu, trọn không có oán trách. Kinh nói rằng: Gặp khổ mà chẳng buồn. Vì cớ sao? Khi cái tâm này sanh cùng với lý nó phù hợp. Vì cái thứ oán nó liền tiến đến đạo (tức là từ cái gốc oán thù mà khiến cho mình tiến được đến đạo). Cho nên gọi là “báo oán hạnh”.
Điều này tất cả người tu cũng như người cư sĩ tại gia, chúng ta cần phải nhớ cái hạnh này thì hiện tại chúng ta mới hết khổ, cũng hết oán hờn. Hạnh này là hạnh báo oán, báo oán là những oan gia đời trước nó còn lưu lại thì sớm chầy gì nó cũng sẽ đến với mình. Chúng ta là người Phật tử hay là người xuất gia, hiện đời này chúng ta biết cái nào là tội chúng ta tránh, cái nào là phước chúng ta làm. Tuy đời này chúng ta không gây những nghiệp ác, nhưng mà những nghiệp ác của đời quá khứ chúng ta đâu có lường được. Biết bao nhiêu đời, biết bao nhiêu kiếp chúng ta đã tạo bao nhiêu cái đau khổ. Nếu thuở xưa mà chúng ta đã biết trở về nguồn chân, không để trôi theo dòng sanh tử thì bây giờ chúng ta đâu còn ở đây, phải vậy không? Sở dĩ bây giờ chúng ta còn ở đây là biết rằng: Chúng ta đời trước và đời trước bao nhiêu kiếp nữa còn ở trong cái mê lầm. Bởi hồi xưa ở trong mê
lầm cho nên tạo nghiệp mà không thể lường được, vì tạo nghiệp không thể lường được cho nên đã bao nhiêu đời rồi, chúng ta đã gây những tai họa lưu lại không biết là bao nhiêu. Đời nay tuy là mình biết tu, không còn phạm nữa, nhưng mà cái họa ương của đời trước, cái nghiệp ác nó đã thuần thục, cái quả nó đã chín mùi rồi thì bây giờ phải chịu, thấy không? Bây giờ có những gì đau khổ nó đến là cái quả chín của đời trước, chớ không phải là cái tội ác của đời này. Không còn trách cứ ai hết. Biết như vậy rồi thì biết rằng cái quả khổ hiện giờ mình gánh chịu đây không phải do trời làm ra, cũng không phải người gây nên, chính là do cái nghiệp trước của mình đã tạo. Như vậy chỉ còn có một cách là cam tâm chịu thôi. Cái gì xảy tới với mình thì sẵn sàng cam tâm nhận chịu, không trách trời, không oán người, không phiền ai hết, vui vẻ nhận lấy, vì đó là cái nghiệp quá khứ của mình. Như vậy là mình không còn buồn khổ nữa. Cái khổ có đến với mình, mình không buồn. Do đó mình tự nhiên có cái gan dạ, chịu đựng tất cả cái khổ đến. Còn bây giờ chúng ta gặp cảnh khổ là kêu trời trách đất, nói tại sao đời này tôi ăn hiền ở
lành, tôi cứu người này, tôi giúp người kia mà chính thân tôi khổ lắm vậy? Như vậy là mình cứ oán trách. Như vậy cái quả trước mình trả chưa hết mà bây giờ lại còn oán trách còn thêm tội nữa, phải vậy không? Chi bằng vui vẻ, cam nhận chịu, chúng ta sẵn sàng nhận lãnh tất cả những gì chúng ta đã tạo, như vậy mới là gan dạ chứ, thấy không? Can đảm nhận lãnh như thế rồi thì tự nhiên mình khổ mà tâm mình không khổ. Thân khổ hay cảnh khổ mà tâm không khổ vì mình chấp nhận mà, mình không sợ sệt gì hết. Người ta sở dĩ đau khổ là vì người ta sợ sệt, còn mình không sợ sệt cho nên tự nhiên khổ mà không khổ. Đó là điều mà tất cả chúng ta, nhất là lúc này, chúng ta phải tập cái hạnh đó cho nhiều mới được, đúng không? Chớ còn nếu trong thời này mà không tập được cái hạnh đó, thì sau này không sao tránh khỏi là trách người này, oán trời kia đủ thứ hết: Tại sao tôi hiền lành quá mà xảy ra chuyện này? Tôi tốt quá mà lại xảy đến cho tôi chuyện kia? Phải vậy không?
Không có ai làm cho mình khổ mà chính là cái nghiệp quá khứ của mình còn lưu lại, đến giờ thì chín mùi rồi thì mình phải chịu. Như vậy, mình trách mà mình có hết khổ không? Chi bằng vui vẻ nhận lấy.
Cho nên, chúng ta mà hiểu được lý nghiệp báo của thuở xưa thì chúng ta không còn cái yếu ớt, nhát hèn, kêu la than khổ như những người khác nữa. Chúng ta thấy có người nghèo mà họ vui, có người nghèo mà họ khổ. Tại sao nghèo mà vui? Tại sao nghèo mà khổ? Bởi vì có người nghèo, họ tự biết thân phận họ nghèo là tại họ vô phước cho nên nghèo, họ cam chịu, không trách hờn ai hết. Còn người nghèo mà cứ dòm người này, ngó người kia: ông đó làm ác, ổng gian tham quá mà sao ổng giàu còn mình sao nghèo? Rồi cứ thế mà trách người này, ghét người kia, thù người nọ, có phải tự mình chuốc khổ cho mình hay không? Như vậy, chúng ta ở trong cảnh khổ mà chỉ cần nhớ rằng: nếu không phải đời này chúng ta tạo, đó là do đời trước chúng ta gây nên. Đời này hay quá khứ cũng là mình tạo mình chịu, chớ có ai làm đâu? Mà mình tạo mình chịu còn oán hờn ai nữa? Không ai bỗng nhiên tới mà làm khổ mình, nó phải có lý do nào đó. Bây giờ mình nói theo lẽ công bằng mà nghe, thì hiện giờ chúng ta không ai buồn ai, không ai giận ai hết, thì có người nào nỡ lại chửi người không? Từ đó suy ra, mình chưa buồn người đó chút nào hết, không phiền không giận, không buồn mà mình dám lại chửi người ta không? Vậy ở đâu mà bây giờ có? Vậy bây giờ thấy mặt người đó là muốn chửi liền thì biết chuyện gì rồi, có căm hờn trong bụng rồi, thấy không? Chớ nếu không có căm hờn, làm sao vừa thấy mặt mình muốn chửi liền được? Vậy cái căm hờn đó, hoặc là mình mới tạo, hoặc mình đã tạo lâu rồi mà mình quên, phải không? Như vậy là lỗi tại mình chớ phải tại người ta đâu, mà cứ trách người ta hoài.
Như bây giờ nhiều khi, người đó có điên khùng chửi ông, chửi cha mình hồi nào mà mình thấy mặt là ghét liền hà. Tại sao vậy? Tại vì mình đã sẵn ác cảm với họ. Còn có người chưa từng cho mình bữa cơm, bữa cháo nào mà tự nhiên thấy rồi thương. Như vậy là tại sao? Dĩ nhiên đó cũng là duyên trước của họ với mình đã có từ bao đời nào, cho nên bây giờ hiện đời tuy chưa có gì qua lại với nhau, mà khi gặp tự nhiên nó có cái gì, hoặc là dành sẵn cái tình cảm mến thương, hoặc dành sẵn cái ác cảm, oán ghét. Cái đó cũng là lỗi tại mình chớ không phải tại ai hết. Như vậy nếu chúng ta vô phước, sanh ra gặp ai cũng bắt ghét chúng ta hết thì lúc đó chúng ta cũng cười mà chịu: ờ tại mày hồi xưa mày dữ quá cho nên bây giờ để người ta phỉ nhổ trên đầu mày cũng đáng, thấy không? Vậy có trách ai chi? Còn nếu không như vậy thì cho rằng cái xã hội này đem tới toàn xấu xa, mình phải đạp đổ nó... Như vậy tức nhiên lòng căm thù của mình nó dấy lên, rồi cái nghiệp kia chưa trả hết, bây giờ cái nghiệp mới lại gây thêm. Như vậy thì đời đời oan gia
không hết. Am hiểu được lẽ này thì chúng ta gan dạ chịu, không oán hờn ai hết. Giả sử bao nhiêu cái đau khổ dồn trên đầu chúng ta gánh chịu không muốn nổi đi nữa thì cũng phải ráng mà chịu, không nổi thì cứ nằm quẹp xuống đó chết luôn, chớ không có hờn trách ai hết, chớ đừng nói thôi để cho tôi ít ít. Có nhiều Phật tử cứ than van như vậy đó. “Nếu khi xưa tôi có tạo nghiệp ác, bây giờ có trả lại cho tôi thì trả từ từ, trả ít ít thì tôi chịu mới nổi, trả quá tôi không chịu nổi, tôi chịu không nổi thì tôi chết, chết thì thôi cũng là trả.” Như vậy thì chúng ta mới sẵn sàng, cái gì đã vay thì bây giờ sẵn sàng trả. Trả bao nhiêu cứ trả, hồi đó vay một triệu thì bây giờ trả một triệu, mà vay một trăm ngàn thì bây giờ trả một trăm ngàn, tùy theo sự vay nhiều ít, chớ còn không muốn để đời sau nữa, thấy không? Ngay đời này trả cho rồi, trả cho xong. Bây giờ chúng ta muốn dồn lại nợ trước cho hết để mà tự mình được giải thoát thì bao nhiêu nợ nần sẵn sàng trả hết, trả nhiều chừng nào mừng chừng nấy, cảm thấy hân hoan là lúc này mình trả rút, bao nhiêu trả hết.
Như vậy là mừng chớ không có khổ. Còn nếu không hiểu như thế là thấy khổ, thấy tai họa nó dồn tới mình chừng nào, mình lại oán trách, rồi mình than phiền mình khổ. Nếu mình hiểu nó dồn nhiều chừng nào thì mình trả mau hết, thì tức nhiên mình mừng chớ không có gì hết. Còn bây giờ trả thưa thưa, trả một cách lâu lắc, chậm lắm, thấy không? Như vậy chúng ta nhớ cái báo oán hạnh này thì chúng ta không còn gì buồn khổ nữa. Bao nhiêu cái khổ tới thì sẵn sàng chấp nhận hết, vui vẻ chấp nhận chớ không có buồn hờn. Nếu trong xã hội này ai cũng có cái gan như vậy, thì xã hội này có ai oán trách ai đâu? Phải vậy không? Không buồn, không oán ai hết, sẵn sàng gan dạ. Chính người Phật tử chân chánh có cái gan dạ như vậy, nghĩa là gan dạ chịu chớ không có buồn. Còn mình không phải chân chánh cho nên mình mới buồn. Nếu khi nào mình oán trách, người ta biết mình là chưa phải chân chánh rồi đó. Chưa tin được lý nhân quả mà, thấy không? Chưa tin được lý nhân quả nên mới oán trách người, chớ còn tin lý nhân quả thì không có oán trách ai hết. Bây giờ tự kiểm lại lòng mình coi mình có tin nhân quả chưa? Cái lý mà nó gần nhất và phổ thông nhất của nhà Phật mà mình chưa tin, thì những cái cao làm sao mà tin nổi. Vì vậy cho nên tất cả chúng ta phải gan dạ, chịu đựng tất cả cái khổ nó đến với chúng ta, không oán, không hờn, không buồn, không phiền ai hết. Giả sử như người trong gia đình làm cho mình khổ thì mình cũng vẫn chịu, biết rằng chắc hồi trước mình
cũng làm cho người đó khổ nhiều, bây giờ họ trả lại. Hoặc người bên ngoài làm cho mình khổ, mình cũng biết trước kia mình đã làm cho họ khổ nhiều bây giờ họ trả lại. Chuyện đó không có ngẫu nhiên mà đến với mình đâu. Hiểu như vậy rồi thì chúng ta an nhiên cam chịu, không oán hờn và không thù hận ai hết. Đó là cái hạnh thứ nhất.
2. Tùy duyên hạnh.
Hồi nãy là báo oán hạnh trong hoàn cảnh cơ cực, đau khổ. Bây giờ tùy duyên hạnh là trong hoàn cảnh sung sướng an vui. Chúng sanh không có ngã, tùy duyên nghiệp mà chuyển. Khổ vui đồng thọ đều từ nơi duyên sanh mà ra. Nếu được quả báo thù thắng những việc danh dự, ấy là thuở quá khứ do nhân lành đời trước của chúng ta mà nó cảm nên nay mới được như thế đó. Khi duyên hết rồi thì cũng trở thành không. Như vậy thì có gì mà mình phải mừng?
Bây giờ có những cảnh vinh dự tốt đẹp nó đến với mình, thì mình biết chẳng qua là cái duyên đời trước của mình tạo, bây giờ nó đến, nếu nó đến rồi thì nó sẽ hết, thấy không? Mình hưởng rồi nó hết. Như vậy cái mình hưởng đây chẳng qua là việc làm đời trước để dành chớ có gì lạ đâu mà mừng. Được, mất đều do duyên, tâm không có thêm bớt. Như vậy là ngọn gió hỉ nó không làm động mình được. Hằng thuận với đạo, thế nên nói là tùy duyên hạnh.
Như vậy hạnh này gọi là hạnh tùy duyên. Bởi vì hai trường hợp chúng ta thấy đây có tánh cách sự tướng, vì chúng ta ở đời không thức thời cho nên chúng ta khổ hoài, gây nhiều bệnh hoạn.
- Trường hợp thứ nhất: gặp cảnh khổ, chúng ta không biết nó từ đâu đến cho nên rồi cứ oán người, trách trời thành ra trong khi chịu khổ đó, còn có căm hờn ở trong, như vậy là chúng ta không thức thời.
- Trường hợp thứ hai: khi chúng ta gặp cảnh vinh dự, an vui nó đến. Nếu chúng ta không thức thời thì sanh cái tâm gì? Mừng, thích rồi thì đâm ngã mạn, thấy mình có vinh dự quá thì tự cho mình là cao, người khác hèn quá cho đó là thấp. Như vậy chúng ta đâm ra bệnh ngã mạn, cao ngạo. Như vậy mừng, tâm cũng loạn rồi thêm cái ngã mạn, cao ngạo tức là thêm oán thù cho chúng sanh. Như vậy hai cái đó là hai cái không thức thời của chúng ta. Bây giờ, chúng ta thức thời là khi khổ đến với chúng ta, biết đó là duyên nghiệp đời trước của mình thì cam chịu, vui vẻ chấp thuận không buồn, không hờn, đó là thức thời trong cảnh khổ. Kế đến gặp cảnh vui, chúng ta biết đó là duyên nghiệp đời trước mình đã gây, không phải ngẫu nhiên mà có thì có gì mà mừng. Mình làm mình hưởng có gì đâu mà mừng, nhưng mà phải nhớ hưởng hết thì sẽ thành không, cho nên chính trong khi hưởng đó dè dặt không dám hưởng hết, mà cái đó rất phù hợp với nhà Nho có câu: “hữu phước bất khả hưởng tận”, tức là có phước chớ có hưởng hết. Ở đây mình biết rõ như vậy, mình bây giờ được cái vinh dự, cái tốt đẹp đến với mình thì mình biết là cái phước duyên đời trước, bây giờ nếu mình hưởng nó sẽ hết, hết rồi tức nhiên sẽ thành tay không. Nên trong khi hưởng phải dè dặt, không mừng cũng không khinh ai, biết vậy ráng mà tạo thêm phước nữa chớ không thì nó hết. Như vậy tự nhiên trong khi đó mình không mừng, không dám khinh ai là tâm không tăng giảm. Đó là ngọn gió hỉ nó không động tâm mình. Như vậy là mình thuận với đạo lý, đó gọi là biết tùy duyên, do duyên trước mình tạo bây giờ mình được hưởng, trong khi hưởng mình không mừng, không khinh người, không ngã mạn thì cái hưởng đó là không có tội lỗi. Hưởng mà vẫn còn biết gây thêm cái duyên lành nữa thì hưởng đó là hưởng tốt. Chúng ta thấy hiện giờ, tôi nói nói gần mà nghe, tỷ dụ như hai đứa học trò học cùng lớp, khả năng tương đương với nhau, chừng vô thi thì một đứa thi đậu, một đứa thi rớt thì đứa đậu sẽ sao? Đứa đậu thì quá mừng, mừng quá nhiều, khi đó vì quá mừng mà quên cái khổ của người bạn bên cạnh mình, thấy không? Rồi do mừng quá rồi mình nói hớ làm cho bạn mình buồn, thấy không? Rồi nhiều khi, có
người thấy mình đậu, người kia rớt mà hồi xưa trình độ ngang nhau, bây giờ mình đậu, người kia rớt, họ coi như người kia thấp hơn mình, như vậy là không thức thời. Còn người thi rớt cũng vậy, vừa rớt rồi có mặc cảm sẵn trong đầu, thấy người ta đậu coi như là hơi ghét, rồi buồn, rồi trách người này, trách người kia, trách người nọ, đủ thứ hết. Như vậy là cũng không thức thời. Cho nên chúng ta biết nhiều khi tài năng ngang nhau mà do cái duyên phước đời trước sai biệt, cho nên hiện tại kết quả cũng sai biệt. Cái sai biệt đó chúng ta biết rồi thì thôi, không oán hờn gì hết, cũng không mừng gì hết. Người ta đang buồn mình tỏ vẻ vui mừng thì tự nhiên người ta ghét mình rồi, thấy không? Thành ra mình được thì mình cũng dửng dưng như thường, thì người bị mất không hổ thẹn. Còn nếu được, mình mừng, thì người mất tự nhiên phải buồn, mà một người mừng, một người buồn thì hai người không gặp nhau được. Chuyện đó là như vậy, cho nên mình tập làm sao mà bất tăng bất giảm. Muốn được bất tăng bất giảm thì phải biết đó là tùy duyên,
không thêm không bớt gì hết. Đó là hạnh thứ hai.
3. Vô sở cầu hạnh.
Người đời hằng ở trong mê, mỗi chỗ, mỗi chỗ đều có tham trước nên gọi đó là cầu.
Người ta hằng ở trong mê cho nên mong cái này, mong cái kia. Lúc nào có tâm mong cầu đều là tướng trạng của cái gì? - Của cái mê! Chúng ta nhớ lại mình có cầu gì không? - Cầu hoài không thôi, thấy không? Mong cái này, cầu cái kia hoài không thôi, đó là tướng trạng của mê. Vì hằng ở trong mê cho nên hằng cầu, nếu hết mê thì hết cầu. Thành ra bây giờ chúng ta mới nhớ lại thử nơi mình là kẻ mê hay là không mê? Nhiều khi cầu mong thấy tức cười lắm! Người ta điên cuồng say mê không lường được. Những chuyện hết sức là dễ thấy: như chúng ta biết mỗi ngày chúng ta gỡ đi một tấm lịch là mạng sống của chúng ta mòn một chút rồi, phải không? Vậy mà có ai không muốn hết ngày hết tháng cho mau không? Muốn không? Cứ hừng đông là muốn gỡ lịch rồi cho qua ngày khác, rồi tháng này mong cho tới tháng kia, tháng kia mong cho tới tháng nọ. Như vậy mong cho mau chết phải không? Chết thì không chịu, mà muốn hết ngày tháng. Cái chuyện vô lý làm sao là vô lý! Như vậy không phải hằng ở trong mê là gì? Rõ ràng! Cũng như tu, không ráng tu mà cứ mong hết năm, hết ngày, năm này tới năm kia đặng tính lại: tôi tu được mười năm, ở chùa hai chục năm mà công đức không chịu ráng bồi bổ mà cứ tính hết năm làm cái gì chứ? Phải không? Giá trị ở chỗ mình tu hành chớ đâu phải giá trị ở thời gian, mà bây giờ chúng ta cũng mắc kẹt bệnh đó. Cứ nghĩ rằng mong cho hết ngày, mà mong cho hết ngày đó là với cái lòng vọng cầu qua ngày mai, qua tháng tới, qua năm tới có gì tốt hơn hay không? Cứ mong như vậy, vì cứ cầu mong như vậy là mong hết ngày chớ gì? Sở dĩ người ta mong hết ngày đó là vọng cầu. Cho nên ở những ngày cuối năm người ta xôn xao thấy không? Trông qua năm mới! Hỏi qua năm tới để làm chi? Như năm ngoái nghĩ ra thì chúng ta ít khổ hơn năm nay chứ, thấy không? Vậy mà cũng mong riết cho tới năm nay. Rồi năm nay không biết năm tới có bớt khổ hơn không mà cũng mong hết năm nay tới năm tới. Cứ như vậy mà mong hoài, không ngờ mong đó để rồi chịu khổ!
Tỷ dụ như chúng ta thấy năm nay mình còn khỏe mạnh, tuổi còn nhỏ một chút. Nếu mong năm tới là già thêm một chút rồi, thấy không? Già một chút thì lẩm cẩm hơn một chút, đi đứng nó yếu đuối hơn một chút, như vậy thì mong làm cái gì chứ? Già thì sợ, chết thì sợ mà mong hết ngày, hết tháng, hết năm. Chúng ta thử nghĩ coi có phải cái mong đó là mê hay không? Mong cầu là cái mê rõ ràng, cho nên nói rằng đó là “trường mê” (mê dài). Ở trong mê dài cho nên vọng cầu quá nhiều. Vì vậy cho nên còn có mong tức là biết mình còn mê. Thôi bây giờ cứ hiện tại, chúng ta sống một cách bình an, tâm tư lặng lẽ thanh tịnh thì đó là biết sống. Còn mong hết ngày hết tháng đó là chưa biết sống. Vì vậy cho nên cái “Vô sở cầu” là không mong. Có mong tức là còn mê. Người trí ngộ được cái chân cho nên cái lý nó sẽ khác ngược với người thế tục (người trí do ngộ được lẽ chân cho nên cái lý khác với người thế tục) an tâm vô vi hình tùy vận chuyển. Vạn hữu đều là không, không có cái gì mà mong thích. Công đức thầm lặng thường thầm theo nhau. Ba cõi ở lâu vẫn như là ở trong nhà lửa. Có thân đều là khổ, cái gì mà được an vui? Rõ suốt được chỗ này cho nên bỏ các cái hữu, dứt cái tưởng, không có mong cầu. Kinh nói rằng: “Có cầu đều là khổ, không cầu mới an vui.” Đâu biết không cầu thật là đạo hạnh. Cho nên nói: “vô sở cầu hạnh” (tức là hạnh vô sở cầu).
Chúng ta thấy người trí khác với kẻ ngu. Kẻ ngu vì sống trong mê cho nên thường tham trước, bởi tham trước cho nên mới mong cầu. Người trí thì ngược lại, biết tất cả thế gian này nó không thật, bởi không có thật cho nên tâm an ổn vô vi tùy theo duyên vận chuyển. Biết mọi vật đều “không” thì có cái gì mà mong thích? Mà mong cầu? Như vậy tự nhiên bao nhiêu công đức thầm thầm mà vận chuyển theo đó, mình biết rõ ba cõi này không có lâu bền chẳng khác nào như trong nhà lửa. Có thân là có khổ, hỏi cái gì an đâu mà mong cầu? Vì vậy cho nên mình mới xả hết những cái hữu vi, tâm không có mong cầu gì hết. Như vậy tâm không mong cầu là tâm mình được an vui. Còn tâm mong cầu là tâm mình bất an. Còn mong cầu là còn bất an. Cho nên nói còn cầu là còn khổ. Bây giờ chúng ta thử kiểm lại coi mình khổ hay vui? Nếu còn cầu là còn khổ. Ai không cầu thì người đó tự an vui. Cái vui là ngay chỗ vô cầu. Xét như vậy, biết như vậy rồi thì chúng ta muốn khổ hay muốn vui? Tưởng rằng cầu được là vui, cầu cái này cầu cái kia là được vui nhưng không ngờ đó là khổ. Tại sao? Nếu cầu là khổ sao? Tỷ dụ như bây giờ có người mong cầu được nhiều tiền, khi họ được nhiều tiền rồi khổ hay vui? Nếu cầu bất đắc mới khổ chớ cầu mà đắc làm sao khổ? Bởi vì thế thường, người ta nói cái gì?
- Mong mà được như ý đó là vui. Nhưng mà sự thật, như hôm qua tôi nói: không có cái như ý, bởi vì cái ý của mình không dừng ở đâu hết thì làm sao có cái được như ý, thấy không? Bây giờ tỷ dụ có người họ nghèo quá, họ mong rằng mình có chừng mười ngàn thì mình cũng qua được chừng một tháng an lành, do đó họ đương mong cái đó. Rỗi ngẫu nhiên có người nào đó, họ thấy người này khổ, thương giúp cho mười ngàn, như vậy là họ được cái sở nguyện rồi. Nhưng khi được mười ngàn họ dừng ngang ở đó chưa? Được mười ngàn thì ý họ nghĩ rằng: nếu mình có một trăm ngàn trong tay thì cả năm nay mình hết khổ, thấy không? Họ được mười ngàn trong tay rồi họ muốn có một trăm ngàn. Muốn có một trăm ngàn đó dễ hay khó? Như vậy họ cứ muốn hoài làm sao mà hết khổ được? Chỉ có cái không muốn là không có khổ, còn có muốn thì tức nhiên muốn được cái này, muốn được cái khác, chớ họ đâu có được một cái rồi họ dừng ngang ở đó. Nếu họ biết dừng thì khả dĩ họ cầu được rồi họ không khổ. Nhưng không bao giờ có cái dừng. Đó là tôi nói chiều thuận. Còn nếu nói chiều nghịch cầu bất đắc là chuyện thường thấy phải
không? Cầu mà không được là chuyện thường của thế gian, nghĩa là nhiều khi muốn cái đó mà không bao giờ được như ý. Cho nên thế gian đau khổ nhiều nhất là “cầu bất đắc”.
Còn cầu mà đắc nó sẽ khổ hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất: Cầu được cái này rồi muốn được cái kia. Trường hợp thứ hai: Được rồi người ta sẽ đâm ra xem thường cái đó, bởi vì người ta thường nói rằng: tất cả cái gì chưa được thì muốn cho được, mà được rồi thì sao nữa. Được rồi sanh chán, thấy không? Rồi muốn cái khác nữa. Đó là bệnh của chúng sanh như vậy đó. Hễ được rồi thì đâm ra chán. Tỷ dụ như bây giờ chúng ta đói quá, nghe ai nói có xôi, chè đâm ra thích, muốn. Mà xôi chè đem ra nhiều quá ăn một hồi kêu ăn thêm nữa thì sao? Ngán quá! Hết muốn ăn nữa, muốn ăn cái khác chớ không muốn ăn xôi chè nữa. Như vậy tức nhiên rồi cái gì cũng là khổ hết. Tất cả đều là khổ! Cho nên cái tâm của con người không có dừng lại, mà dừng lại tức là vui. Thành ra cái vui là cái biết dừng lại, còn cái mong cầu là cái không dừng lại. Cho nên trong nhà Phật nhất là tinh thần Thiền tông hay là Đại thừa là “vô cầu vô trước”, chỗ đó là chỗ chính yếu.
Cho nên nói tới chỗ tột cùng đến Phật cũng không cầu nữa, phải vậy không?
Thường thường tu là cầu thành Phật nhưng mà tới Phật cũng không cầu nữa thì sao? Bởi vì chúng ta cầu thành Phật cho nên chúng ta ngán ngược, ngán xuôi, thấy không? Nghe nói thành Phật tới ba vô số kiếp, mình có muốn thành Phật mà dài quá cũng ngán. Bây giờ không cầu thành Phật mà chỉ biết vọng mình còn nhiều hay ít vậy thôi. Cái vọng mình hết thì ông Phật mình không cầu cũng vẫn thành. Còn nếu mình cầu thành Phật mà vọng tưởng cứ dấy lên hoài làm sao mà thành? Như vậy cho nên chúng ta biết ngay nơi cái nhân mà trừ chớ không có mong cái quả. Mong cầu phần nhiều mong cái quả. Cái hình ảnh mong cầu cũng như hình ảnh mấy anh làm vườn, trồng cây xuống muốn cho cây mau lớn, thấy không? Rồi không chịu vô phân tưới nước để tự nhiên nó lớn. Rồi cứ nhong nhóng lên cho mau lớn thì ít bữa cây nó thúi rễ chết tươi thấy không? Đó là cái kiểu mong cầu vô ích, cho nên mình không có cầu. Người làm vườn khôn ngoan thì chỉ chịu khó lựa hạt giống tốt, rồi lựa chỗ đất có phân đầy đủ, uơng nó xuống rồi mỗi ngày chỉ săn sóc, nhổ cỏ, tưới nước, vun phân đều đặn không mong gì hết. Tới thời tiết, nhân duyên đến thì tự nhiên nó thành cây rồi đơm hoa, nở trái chớ có gì đâu thấy không? Có cầu cũng là chuyện vô ích.
Như vậy, chúng ta thấy người làm vườn khôn ngoan với người làm vườn nông nổi thì hai người có hai kết quả khác nhau. Người tu chúng ta cũng vậy, ngồi lại tu cứ mong thành Phật hoài, mong không được thì chán, vì tính tháng tới thành Phật, tháng tới không được rồi đâm ra nản, rồi tính tới tháng nữa, chừng ba bốn lần tính không được coi bộ muốn thối lui! Rồi muốn trở ra kiếm rượu chè đặng thay đổi không khí. Cái đó là tại mong quá mà không được như ý rồi đâm ra thối. Còn mình cứ bình tĩnh, ngày nào tháng nào mình biết cái nhân thành Phật là cái gì? - Là hết vọng tưởng, cứ ngày tháng nào cũng dẹp vọng tưởng, chừng nào vọng tưởng hết thì tự nó đến, chớ còn không có mong. Cái mong cầu là cái khờ khạo, cho nên còn cầu là còn khổ, nhớ như vậy. Cho nên chúng ta phải tập cái hạnh thứ ba là “hạnh vô sở cầu” tức là không có chỗ mong cầu.
4. Xứng pháp hạnh.
Cái lý tánh tịnh đó gọi đó là pháp. Tin hiểu được lý này, các cái tướng đều không: không có nhiễm, không có trước, không có đây, không có kia. Thành ra lý là chỉ cho lý gì? Cái lý tánh tịnh tức là cái thể tánh thanh tịnh của chúng ta. Cái thể tánh thanh tịnh đó gọi là chân tâm, hay là Bát-nhã ba-la-mật, hay là pháp thân, hay là Như Lai tàng. Tự mình tin được, chúng ta có cái tánh thanh tịnh đó gọi là “lý” mà cái “lý” đó cũng gọi là “pháp”. Bây giờ chúng ta mới thấy rõ chữ “pháp”, “Pháp bản vô pháp” đó. Pháp bản vô pháp là cái lý thanh tịnh đó cũng gọi là pháp nữa. Mình tin mình hiểu được cái lý này, thì bao nhiêu cái hình tướng bên ngoài mình biết nó là hư giả, nó thảy đều là rỗng không. Như vậy cho nên mình mới không có nhiễm, không có trước, mình cũng không có phân biệt
đây kia. Kinh nói rằng: “Pháp không chúng sanh, và lìa cái cấu của chúng sanh. Pháp không có ngã, và lìa cái cấu của ngã.” Người trí hay tin hiểu được cái lý này nên nói: phải xứng với pháp mà hành. Pháp thể không có xan tham cho nên đối với thân mạng, tiền của, mình thực hành hạnh bố thí, tâm không có tiếc lẫn. Thấu suốt được ba cái lẽ không, không có nương, không có mắc chỉ là dẹp bỏ những cái cấu nhơ để mà xứng hợp giáo hóa chúng sanh, mà chẳng có cái chấp tướng đây là tự hành. Lại hay làm lợi cho kẻ khác, cũng hay trang nghiêm được đạo Bồ-đề. Bố thí đã như vậy, tới năm cái khác (tức là trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ) cũng như vậy. Vì trừ vọng tưởng tu hành lục độ mà không có cái sở hành, ấy là: “xứng pháp hạnh”. Như vậy xứng pháp hạnh là sao? Là chúng ta nhận ra nơi chúng ta có cái thể thanh tịnh, cái thể thanh tịnh đó hằng không bị mất, không có bị sanh, không có bị diệt thì thể tánh thanh tịnh đó gọi là “lý” cũng gọi là “pháp”. Bây giờ đây, chúng ta làm tất cả việc, tu tất cả hạnh mà đều trở về phù hợp với cái tánh thanh tịnh ấy thì gọi là “Xứng pháp hạnh” chớ không mắc kẹt trên hình thức, không mắc kẹt trên cái công hạnh thuộc về tướng bên ngoài. Như vậy tất cả tướng bên ngoài chúng ta thấy nó đều không thật, đều hư giả cho nên mới không nhiễm, không trước, không chấp ngã nhân, chúng sanh, thọ giả cũng như không chấp cả pháp bên ngoài. Biết như vậy mà tu gọi là “xứng pháp hạnh” hoặc là lục độ tùy theo đó mà khởi hành.
Nói kệ rằng:
Ngoài dứt các duyên
Trong tâm không xiển
Tâm như tường vách
Khả dĩ vào đạo.
Bài kệ bốn câu đầu nói rằng: ở bên ngoài chúng ta dứt hết các duyên, không còn mắc kẹt vào các pháp hư giả bên ngoài, còn trong tâm thì không cho nó xao động, chữ “xiển” là xao động. Trong tâm không có xao động, tâm mình nó lặng yên như là tường vách như vậy mới có thể vào đạo được. Sở dĩ chúng ta vào đạo là do tâm chúng ta “lặng”. Nếu tâm còn xao động thì không thể vào đạo, vì đạo tức là vô tâm, vô tâm tức là về đạo.
Rõ được tâm tông của Phật
Đồng không có sai biệt
Hạnh và giải hợp nhau
Gọi đó là Tổ.
Người nào mà rõ được tâm tông của Phật, bình đẳng không có sai biệt, như vậy “Hạnh” là nơi sự tu hành của mình, “Giải” là sự lãnh hội của mình, hai cái đó hợp nhau thì gọi là Tổ. Nhiều khi chúng ta hạnh và giải không tương ưng, phần nhiều như vậy chớ không phải ít, phải không? Như bây giờ hiểu thì hiểu thân này là giả, cảnh là giả. Nhưng mà giả sử cái gì mình thích mà nó mất đi thì mình buồn, thấy không? Mình buồn thì nó (cảnh) giả hay không giả? Nếu nó là giả thì mất có gì là buồn? Mất mà buồn thì tức nhiên cái hiểu (giải) nó chưa hợp với cái hạnh, thấy không? Như vậy hạnh và giải chưa tương ưng. Còn nói thân này là giả, mình thường hiểu nó như là hoa đốm trong hư không, như trăng đáy nước... mà nó đau thì khóc. Như vậy hạnh giải chưa tương ưng. Bình thường coi hiểu như hay lắm, coi như là đạo lý sâu xa lắm, nhưng mà tới lúc đó nó (thân) suy yếu, tới chừng đó đâm ra buồn, sợ chết đủ thứ hết. Như vậy đó là hạnh giải chưa tương ưng. Cho nên chúng ta làm sao mà hai cái đó phù hợp nhau, thì giữa đời này tôi tin rằng không có cái gì làm cho chúng ta khổ được hết.
Chúng ta từ đầu năm trước cho tới đầu năm nay đã nghe mỗi tháng trong lỗ tai mình rất nhiều vấn đề: thân này huyễn hóa, cảnh giả dối, nghe hoài. Mỗi tháng, tháng nào cũng được nhắc tới nhắc lui thì ai cũng thuộc lòng mấy chữ đó. Nhưng mà có huyễn hóa thật hay chưa? (Có tiếng thính chúng trả lời: Chưa). Sao mà chậm quá vậy? Nếu chúng ta thấy nó là huyễn hóa thật rồi, chắc giả sử ai cầm cây súng chĩa ngay vào mình chắc mình cũng không sợ nữa. Cái huyễn hóa này có gì đâu? Còn cũng được mất cũng được. Hay là ai cầm dao đưa tới cổ mình, mình cũng không sợ. Chính cái đó chúng ta thấy ở đệ tứ Tổ. Vua Đường đòi Ngài về, Ngài không về. Vua nói: không về thì lấy thủ cấp về, thì Ngài ngửa cổ ra đưa chờ chặt. Như vậy đó mới được. Như vậy hạnh giải mới tương ưng phải không? Còn mình bây giờ hạnh một đường mà giải một ngả, thấy không? Cho nên nói người ta không tin, rồi cứ trách người ta! Tại vì mình nói một đàng mà làm một nẻo. Miệng thì nói cái gì cũng huyễn hóa, không thật mà gặp của nhiều thì thích. Miệng thì nói
nó là giả, thế gian là giả, mà muốn cất cái chùa cho to để dành đời đời. Như vậy nó làm sao giả được? Mình còn muốn kiến thiết cho tốt cho đẹp thì làm sao nói giả chứ. Muốn nó đẹp thì không thấy nó giả, mà nói nó giả thì không muốn nó đẹp, nhớ như vậy. Chúng ta thấy kỹ nó rõ ràng như vậy. Nếu mình biết thân này là giả thì không muốn trau dồi nó. Còn nếu mình cứ trau dồi nó thì biết nó chưa phải là giả, hai cái nó như vậy. Mình nói cái chùa này là giả thì mình không muốn trau dồi hay trang hoàng cho thật đẹp, còn mình muốn trau dồi cho thật đẹp để ngắm nghía thì tức là chưa thấy nó giả. Đó là một sự thật, rồi mình cứ nói: tại sao tôi nói mà người ta không tin? - Tại vì chính hành động của mình nó chưa phù hợp cho nên nói người ta không tin. Bao giờ cái hiểu và cái hành của mình hai cái nó phù hợp nhau, tự nhiên nói người ta tin. Nói được, làm được chớ không phải nói mà không có làm thì tự nhiên ai cũng tin hết.
Như vậy chúng ta bây giờ nói pháp khô cổ, một trăm người thì chừng mười người tin được là tại vì hạnh giải của chúng ta chưa tương ưng, chớ lúc nào hạnh giải tương ưng rồi, chúng ta nói một câu sơ sơ thôi, thì thiên hạ ai cũng tu hết. Tu rần rần. Còn bây giờ mình nói mà người ta không chịu tu, người ta còn dòm chừng coi thầy có làm đúng hay không đã chứ, thầy nói được chờ coi thầy làm được hay không? Chờ cho tới mình làm được thì lâu quá, chớ còn thầy nói giả mà cái gì tới coi bộ thầy cũng chuộng, cũng quí quá thì làm sao mà tin cái giả đó là giả thật? Thầy làm không được mà biểu trò làm thì trò làm sao mà làm được? Chuyện đó là như vậy, cho nên nhiều khi tôi cũng không muốn nói nữa, cảm thấy mình nói chưa đủ niềm tin cho người ta tin, vì cái làm của mình nó chưa tới nơi, cho nên cái nói nó chưa có giá trị. Vì lẽ đó mà chính tôi nhiều khi tôi cũng nói hoài với Tăng Ni:
“Đừng ham học nhiều, mà chỉ cần học được cái gì mà mình làm được, rồi ứng dụng cái đó ra thì nói họ tin.” Còn học thì Tam Tạng kinh điển thuộc lòng mà kinh nói một đường mình làm một ngả, thì hỏi sao? Nói ra người ta đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy nói cái đó chớ Thầy làm được chưa?” Rồi mình trả lời sao? Nói: “Không có, đừng hỏi tôi cái đó, tôi nói cho mấy người làm.” Nói cho người ta làm, mình không làm thì ai mà làm cho được? Cho nên chúng ta đừng theo lối đó. Tôi cũng thường nói rằng: “Người tu khác hơn những triết gia, những triết gia có thể tưởng tượng cái gì rồi họ viết ra, họ nói ra, theo cái tưởng tượng của họ. Còn chuyện ai làm được hay không làm được gì đó là chuyện của người sau. Còn chúng ta là người tu thì không phải như vậy.” Tôi thấy đức Phật Ngài định nghĩa xác đáng: Ngài bảo đừng gọi Ngài là gì khác lạ mà chỉ gọi Ngài là một ông thầy dẫn đường. Nhớ, Ngài luôn luôn xác nhận rằng: “Ta chỉ là một ông thầy dẫn đường.” Ông thầy mà chưa đi qua con đường đó có dám dẫn đường người ta đi không? Thấy không? Nếu là ông thầy dẫn đường thì dĩ nhiên con đường đó phải đi qua, đi qua rồi mới dám dẫn người ta, chớ chưa đi qua mà dẫn người ta thì nguy. Như vậy đó cho nên Phật, Ngài từ chối tất cả những danh xưng khác mà bảo gọi Ngài là ông thầy dẫn đường, là vị đại Đạo sư. Hiểu như vậy rồi, chúng ta mới thấy rằng những cái mà đức Phật làm, đức Phật nói, đều là cái mà Ngài đã đi qua, Ngài đi qua rồi Ngài mới trở lại dẫn chúng ta. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta cũng có trường hợp hơi dễ hơn Ngài một chút. Tỷ dụ, Ngài từ bờ mê đi qua tới bờ giải thoát, rồi Ngài trở lại dẫn chúng ta. Như vậy bây giờ chúng ta chưa đi tới chỗ giải thoát, mà chúng ta có thể dám dẫn một vài người là tại sao? Tuy rằng trong lúc đó, chúng ta đồng hành với một số người ấy, mà chúng ta thêm được cái bản đồ của đức Phật vẽ sẵn, thấy không? Vì có bản đồ đó cho nên mình coi kỹ rồi thì mình có thể rủ anh em đi, trong khi đó mình cũng đi với họ. Như vậy khả dĩ mình cùng đi thì dẫn họ đi, rủ họ đi thì được, chớ còn mình không đi mà xúi người ta đi là chuyện vô lý, thấy không? Tuy có bản đồ mà mình không đi, mà xúi người ta đi là vô lý. Cho nên chuyện đó là phải như vậy, thành ra ít nhất hay là tối thiểu mình đồng đi với họ hoặc là đi trước hơn họ, nghĩa là họ đi sau mình năm bảy bước, thấy không? Lúc nào mình cũng cầm bản đồ mình cũng đi trước họ chứ, chớ đâu có lý cầm bản đồ đây rồi xúi họ đi, mình ở lại một chỗ. Vì vậy cho nên đối với chúng ta là dễ hơn đức Phật. Chuyện đức Phật, Ngài muốn dẫn người nếu Ngài chưa đi tới tận nơi thì Ngài làm sao mà dám chỉ? Ngài đã đi tới tận nơi rồi, Ngài trở về Ngài chỉ dẫn người ta đi, đồng thời Ngài còn vẽ lại con đường đi. Cho nên chúng ta tuy không được Ngài dẫn trực tiếp nhưng mà được bản đồ đó rồi, chúng ta huynh đệ với nhau kẻ trước, người sau mà đi, nhất là kẻ cầm bản đồ thì phải đi trước. Nhớ như vậy đó, chớ không có quyền đi sau. Hiểu được như vậy thì chúng ta mới có thể đi đến được chỗ mà đức Phật đã chỉ. Ở đây Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói rằng: “Người nào mà giải hạnh tương ưng đó mới gọi là Tổ.” Tổ là vậy, chớ còn ông Tổ mà nói suông, không có hạnh thì ông Tổ đó chưa phải là Tổ. Đó là điều mà ở đây Tổ nhắc chúng ta.
Như vậy cửa thứ ba này chúng ta thấy dễ hiểu phải không? Cửa thứ ba này có tánh cách tuy trong đó có sự có lý lẫn nhau, nhưng mà trong đây còn dùng phương tiện thứ lớp từ cạn đến sâu, tức là từ sự vào lý chớ không có chỉ thẳng. Tại sao cửa này phải từ cạn đến sâu? Bởi vì hai cửa trước, nhắc lại cửa Tâm Kinh, dùng chữ “Tâm Kinh” là đủ nói cửa đó rồi, là cho chúng ta nhận ra được cái chúng ta sẵn có. Rồi tới cửa “Phá Tướng” để chúng ta không còn mắc kẹt hình tướng bên ngoài. Bây giờ tới cửa thứ ba này là cửa giao tiếp giữa sự và lý. Phá tướng trước là phá hết những hình thức để trở về bản tâm, quán tâm là duy nhất đó, nhưng mà mới phá thôi chớ chưa thực hành. Tới cửa thứ ba này là bắt đầu sống, bắt đầu vào cuộc sống, vào cuộc sống đó thì trước hết mình phải tránh hai cái lỗi gọi là duyên bên ngoài: là “khổ và vui” đến với chúng ta. Ở đời hiện tại, con người không gì hơn là tránh khổ, cầu vui, thấy không? Mục tiêu duy nhất của con người thế gian này là tránh khổ cầu vui, mà bây giờ khổ và vui hai cái đó nếu chúng ta không làm chủ nó được, bị nó chi phối, thì chúng ta không thể tu được. Cho nên bước thứ ba này là bước phải nhận định cho chín chắn, hai cái khổ và vui này chúng ta đừng mắc kẹt nó. Khổ đến không phải là chướng đạo, tu không được, mà vui đến cũng không phải là chướng đạo, tu không được. Như vậy cái khổ cái vui không phải là chướng đạo. Bây giờ, chúng ta thấy người tu cảm thấy cái khổ, cái vui đến là chướng đạo, tu không được. Bây giờ chúng ta phải nhận định như thế nào để hai cái đó đừng chướng đạo chúng ta, mà nhận định được cái đó rồi thì bước vào những cửa sau đó, là cửa Ngộ Tánh v.v... chúng ta mới sống được với nó, còn nếu không có nhận định như vậy, không có một đường hướng bảo đảm được sự an toàn khi gặp cảnh khổ, vui thì chúng ta bị chướng, tu không thể tiến nổi. Vì vậy cho nên cái nhận định khổ và vui không động tâm là cái nhận định thiết yếu đối với người tu. Tuy đó là sự bên ngoài mà thật là thiết yếu. Khi mà nhận định được hai cái đó rồi, chúng ta mới bước tới hạnh thứ ba là “Hạnh không cầu”, không mong mỏi. Hạnh thứ tư là “Xứng với pháp” tức là trở về bản tâm. Như vậy, cửa thứ ba này là cửa đưa chúng ta từ sự vào lý, nhưng nó chỉ là giao thời giữa sự bước qua lý chớ chưa phải là đi sâu vào trong. Vì vậy cho nên mới tới cửa thứ tư là “An Tâm”, cửa thứ năm là “Ngộ Tánh” mới là đi tới thực hành trở về bản tâm ở trong.
Như vậy phần rất thường là khổ và vui, mà ở đây chúng tôi nhắc tới, nhắc lui hạnh báo oán và hạnh tùy duyên, hai cái hạnh đó người tu chúng ta phải tin cho chắc, nhận cho sâu thì trong sự tu hành không bị chướng ngại; cái gì đến chúng ta cũng vẫn tu được. Còn hai cái đó mà nhận định không chắc thì chúng ta sẽ bị chướng ngay trong khi tu. Ai tu mà không gặp khổ? Ai tu mà không được vui? Có khi khổ, có khi vui mà chính cái khổ vui đó không bị chướng thì cái tu đó mới là miên viễn, mới là trường tồn. Còn nếu gặp khổ đâm ra thối chí, gặp vui đâm ra phấn khởi thì tức nhiên người đó cũng chưa tiến tới chỗ bảo đảm không bao giờ lùi.