Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách Tấn Tu Học

HT. Thích Thanh Từ.

(Hòa thượng Tôn sư nhắc nhở Tăng Ni nhân ngày mãn Hạ năm Quý Mão- 2023)

Hôm nay nhân ngày mãn hạ, tất cả Tăng Ni quy tụ về đây mừng khánh tuế tôi. Nhân đây tôi sẽ nhắc lại vài điều thiết yếu, để quý vị nhớ và tinh tấn tu hành.

 

Tất cả Tăng Ni đều biết, nguyện của tôi là tu thiền, bởi vì pháp tu gốc của đạo Phật là thiền định. Đức Phật ngồi định tâm phát trí tuệ được giác ngộ chứ không cầu gì bên ngoài. Chư Tổ cũng vậy, đều định rồi mới được tuệ. Sống với vọng tâm thì điên đảo tạo nghiệp, dừng được vọng tâm là trở về với chân tâm. Chân tâm thanh tịnh cho nên sáng suốt giác ngộ. Do đó mục tiêu của người tu theo đạo Phật phải lấy giác ngộ làm gốc, lấy thiền định làm phương pháp căn bản.

Cái biết lăng xăng trong đầu là hư dối. Nếu cho nó là tâm mình rồi chạy theo thì phiền não phát sanh. Vì vậy Phật dạy chúng ta phải định tâm loạn tưởng. Dừng được nó thì trí tuệ chân thật hiện ra, đuổi theo nó thì muôn kiếp đi trong luân hồi. Cho nên người tu tâm luôn luôn sống trong an định. Nên nhớ không phải trong giờ tọa thiền mới tu, mà đi đứng nằm ngồi bất cứ lúc nào tâm thường tỉnh giác không mê muội. Phải nhớ và biết trở về mới thực là tu.

Tới giờ ngồi thiền phải hăng hái lên, bởi vì đó là giờ vàng ngọc. Chúng ta tu quý ở tâm an định, muốn an định phải ngồi thiền. Ngồi thiền định tâm thì đi đứng nằm ngồi mới giữ định được. Định ở đây chính là định tâm loạn tưởng. Nếu ngồi hai tiếng, hết nghĩ Đông tới nghĩ Tây, hết nghĩ Nam tới nghĩ Bắc, chạy giáp vòng bốn phía, coi như cúng dường hết giờ tu hành cho bọn ma vọng tưởng, buông lung rồi.

Tất cả Tăng Ni nỗ lực quyết tâm, làm sao sự tu phải có kết quả, đừng lơ là. Bởi vì chúng ta có trách nhiệm quá ư nặng nề. Bỏ cha mẹ, bỏ gia đình vào chùa tu. Khi có người hỏi sao không lo nuôi cha mẹ mà bỏ đi tu, quý vị đều trả  lời tu để sau này độ cha mẹ. Nhưng nếu tu lơ mơ thì độ được không? Ai quyết tâm tu nhất định phải thấy được trách nhiệm nặng nề này. Trước là tu cho mình, sau làm nền tảng độ cha mẹ. Tôi thấy nhiều người bên ngoài vui vẻ tươi cười, nhưng ngồi thiền một chút lại gục lên gục xuống. Những người như vậy thật đáng trách, giờ tu không quý trọng, mà lại xem thường bỏ phí.

Tu không phải là việc nhàn hạ, ở trong chùa ngồi thiền, tụng kinh cho qua ngày. Thực tình trách nhiệm người tu hết sức lớn. Nguyện sớm được giác ngộ để độ cha mẹ, độ tất cả chúng sanh. Muốn được giác ngộ phải có định có tuệ. Ngay đời này tỉnh giác chứ không đợi đời sau. Đừng nói tu để gieo nhân đời sau tu tiếp, chết rồi biết đời sau có gặp lại Phật pháp không. Cho nên phải cố gắng tận lực tu, không hẹn hò.

Sự tu trong đạo Phật mới nhìn qua thấy như dễ. Tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông đánh khánh đủ hết. Tu như vậy chỉ là ngoài da, nếu niệm niệm sanh diệt không đuổi được thì đi tới đâu? Cho nên muốn đạt đến mục đích rốt ráo là giải thoát sanh tử thì phải vô niệm, đó là điều không thể khác hơn. Tất cả chúng ta cố gắng nỗ lực buông xả, việc gì qua rồi cho qua luôn, để tâm thảnh thơi không một niệm.

Trong Tỳ Ni Nhật Dụng có dạy, trước khi ngồi thiền hành giả thầm đọc bài kệ:

Chánh thân đoan tọa,

Đương nguyện chúng sanh,

Tọa Bồ -đề tòa,

Tâm vô sở trước.

Vô sở trước tức là không khởi nghĩ, không dính mắc bất cứ cái gì. Trải tọa cụ ngồi, tâm không vướng mắc tức là vô niệm. Hiểu thế chúng ta mới thấy chư Tổ rất khéo léo, trong tất cả việc làm ở mọi lúc mọi nơi, mỗi mỗi đều nhắc nhở bằng bài kệ ngắn gọn để mình nhớ. Rõ ràng chân tâm thường trực điều hành. Nó sẵn có chỉ vì niệm che khuất. Ngồi thiền để định cái lăng xăng, chứ đâu phải định cái thường biết. Cái thường biết tràn ngập vốn không động tịnh, đâu cần định nó.

Tu là phải tập dừng tâm lăng xăng hư dối, sống trở về cái thực của mình. Dù đi kinh hành hay ngồi thiền, tâm luôn luôn rỗng rang không một niệm là sống được với chân tâm. Nếu quý vị tu lơ mơ, vướng kẹt các duyên bên ngoài và tham sân si bên trong là nhân dẫn đi trong luân hồi không có ngày dừng. Muốn ra khỏi luân hồi phải trở về cái chân thật của mình. Nói trở về không phải có nơi chốn nào khác để trở về, mà ngay nơi mình dừng tâm sanh diệt, thì cái bất sanh bất diệt hiện tiền. Cũng như bụi phủ trên gương thành tối, muốn gương sạch phải lau bụi thì gương sẽ sáng. Chân tâm cũng như thế, chỉ cần dừng niệm sanh diệt thì chân tâm hiện tiền. Đi đứng cứ đi đứng, không nghĩ không tưởng. Ngồi thiền buông tất cả, yên lắng mà thường biết gọi là thiền định.

Tôi nhắc lại ngày nào Tăng Ni còn ở thiền viện, ngày đó Tăng Ni phải thực hiện hai điều. Thứ nhất là phải tu. Quý thầy ngồi thiền chúng ta ngồi thiền. Thứ hai là phải học. Tới giờ học lên lớp học, học hiểu thấu đáo, chỗ nào không biết thì hỏi những vị lớn hơn nhờ giải thích. Như vậy thời gian sống trong thiền viện mới không uổng phí. Tăng Ni không được để mất một giờ, nửa giờ nào hết. Làm sao giờ nào cũng là giờ tu học. Ráng tu học đến nơi đến chốn, mai kia mới có thể lãnh trọng trách, đền ân Tam bảo.

Mong tất cả Tăng Ni nhớ những lời tôi nhắc nhở mà ráng tu đừng bê trễ, đừng để một đời tu không có kết quả, sau hối hận không kịp. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, con cháu Tổ sư.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1192959
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1210
4486
17476
1147600
77962
118095
1192959