Thứ Sáu 6/12/2024 -- 6/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Tự Xét Công Phu Tu Tập

 TT.Thích Tâm Hạnh

1. TU TẬP LÀ SỐNG ĐÚNG CHÂN LÝ, RẤT THẬT.

Sự thật luôn là sự thật. Chưa nói đến nhiều kiếp, cuộc đời đợi đến già mới biết thì đã phải trả giá quá đắt và muộn màng, không còn kịp để sửa đổi. Tu tập là một cách sống, nhưng sống thật, sống đúng để không bị những hối tiếc ân hận về sau. Vì thế, hành giả tu tập không thể dễ dãi tin vội qua cảm xúc, mà phải bằng vào nhiệt huyết và trí tuệ để chín chắn suy xét tìm ra chân lý rồi mới thực hành.

Không phải muốn dễ dàng chìu uốn theo cảm xúc của phàm tâm để vô tình tự đánh lừa chính mình. Tu hành là một cuộc sống tinh cần, rèn luyện trong an vui rất thật. Bởi chân lý luôn là sự thật, khiến cho chúng ta an vui mãi mãi. Xanh là xanh, vàng là vàng, nó được khẳng định bởi tất cả mọi người, không ai có thể chối bỏ được. Để đời sống tu hành đạt được như thế một cách cụ thể, chúng ta có thể kiểm tra lại mình qua các câu hỏi:

Con người có thích những món đồ ưng ý hay không?

- Ai cũng thích, không muốn rời bỏ.

Chúng ta có thực sự thích thú với những gì mình đang làm, đang sống hay không?

- Cần kiểm tra để xác định lại cuộc sống, để thực sự được sống là chính mình, không đau khổ.

Có khi chúng ta buộc phải công kênh, ca ngợi việc của mình đang làm, nơi mình đang sống như là một khẩu hiệu vì đồng tiền, vì danh dự, vì cuộc sống chứ chưa hẳn đã yêu mến nó thực sự. Thử lắng lòng lại sẽ nghe tiếng lòng mình nói, sẽ nhận ra, chứ không cần biện minh hay nói cho ai nghe cả. Vì đây là cuộc sống của mỗi người chứ không phải của người khác. Không ai có thể sống thay cho mình và mình không thể nào lừa dối lòng mình được, dù có cố tình, mong muốn.

Hoặc có khi cuộc sống chỉ là một sự gắng gượng để sống. Vì hoàn cảnh bắt buộc như vậy chứ tôi cũng không thích. Cuộc sống này trót lỡ vậy rồi, cố gắng để sống cho tốt vậy thôi. Hoặc sống ngày nào hay ngày đó, chứ thực sự thì đã quá mệt mỏi rồi. Hay cuộc sống này cảm thấy ngày càng bị áp lực, căng thẳng quá...

Như thế là chưa thực sự được sống thật với những gì mình mong muốn. Tu hành phải là cuộc sống bằng chính mình lựa chọn chứ không bị bất kỳ ai hay bất cứ gì ép buộc. Không phải khiên cưỡng, chúng ta thực sự muốn tu hành và cảm thấy rất vui, rất may mắn khi mình được đủ duyên sống đời thanh cao, thoát tục như thế.

Ở thế gian, khi học hết học hàm, có đủ học vị rồi, có còn thích thú cắp sách đến trường nữa hay không?

-  Thực tế là không.

Cho thấy, song song với sự cần thiết và nhiều ý nghĩa khác, nó còn ngấm ngầm vi tế xem đây là vì tình thế chứ chưa hẳn là việc thực sự ưa thích cho tất cả mọi người. Học để hoàn thành cho xong học hàm chứ quá vất vả, không muốn ở trong đó mãi.

Khi tu tập, sáng đạo, niềm vui ngập tràn, tự tại tiêu sái, không còn khổ đau, hành giả có thích hay không?

- Không thích cũng không được. Bởi trong thể tánh ấy tự hoan hỷ, an vui.

Qua các câu hỏi trắc nghiệm trên cho thấy, mọi thứ ở thế gian luôn có giá trị tương đối, nếu không muốn nói là hư dối, tạm bợ. Chân lý luôn là sự thật. Mọi người tự cảm nhận được ngay nơi chính họ. Hơn hết, nó được khẳng định bởi sự cảm nhận rất thật này nơi chính tự thân của tất cả mọi người. Bất kỳ ai đạt đến đều cảm nhận được giá trị thực như vậy, chứ không phải là một sự áp đặt, ép buộc, khiên cưỡng bởi một áp lực nào đó từ bên ngoài dù là vi tế, nhỏ nhiệm.

2.  VỀ THIỀN VIỆN (CHÙA) HAY ĐẾN (SANG) THIỀN VIỆN?

Quý vị ở Việt Nam sang nước ngoài định cư. Thời gian sau đủ duyên trở lại quê để thăm người thân. Ai cũng nói “Về Việt Nam” chứ không người nào nói “Sang Việt Nam” cả. Nói là “về” bởi xem Việt Nam là quê hương của mình. Vậy hiện nay, quý Phật tử đang “Về thiền viện” hay “Đến thiền viện”?

Đức Phật đến với cuộc đời rồi vào (trở về) Niết-bàn. Bởi Ngài đã giác ngộ giải thoát, không còn đắm nhiễm trong trần tục. Phần đông mọi người thường đến với Chùa, đi Chùa chứ ít có ai về được với Chùa. Nếu vị nào xuất gia nửa chừng không tu nổi nữa thì hoàn tục, tức là xem trần tục là nơi để trở về. Tại sao không nghĩ, không tu nổi thì về lại Chùa? Bởi tâm thế tục mạnh hơn tâm đạo pháp. Cho nên các bậc Tổ đức dạy: “Đạo niệm nếu bằng với tình niệm thì thành Phật đã lâu rồi”.

Về là trở về lại chốn chân thật của chính mình. Đến là ra đi để tạm đến một nơi khác. Về thiền viện là về nơi tu tập, để được trở về lại ngôi nhà vô tướng muôn thuở chính mình. Vậy, chúng ta đang xem việc tu tập chánh pháp là trở về? Hay chỉ là một nơi tạm đến để rồi sẽ về lại ngôi nhà thế tục? Đặt lại câu hỏi nơi tâm mình, sẽ nhắc thức và định vị rõ ràng tâm thế tu tập.

3.  TÂM HƯỚNG ĐẾN ĐẠO LÝ CHÂN THẬT HAY THẾ GIAN?

Tự hỏi, mình đang tu tập để có lực tự chủ hơn trong công việc, cuộc sống. Hay công việc, cuộc sống chỉ để phục vụ cho việc tu tập mà thôi?

3.1. Tu tập để có lực tự chủ hơn trong công việc, cuộc sống.

Nếu thế, thầm xem đạo pháp chỉ là một phần để bổ túc và phục vụ cho cuộc đời. Khi tu hành, đặt tâm thế “lấy thế tục làm chủ đạo, làm đích để hướng đến” như thế thì không thể nào đạt đến giác ngộ, giải thoát. Bởi mục tiêu hướng đến là phàm tục và tất cả chỉ để hướng về phục vụ cho tiêu chí ấy thì làm sao chứng đạo được. Chưa giác ngộ thì tâm lực không đủ lớn để giải khổ. Có chăng chỉ là một sự an ủi tạm thời chứ không thể đạt được hết khổ an vui một cách trọn vẹn.

3.2. Công việc, cuộc sống chỉ để phục vụ cho việc tu tập.

Khởi đầu bằng tâm thế tu hành “Lấy giác ngộ giải thoát sanh tử cho mình và mọi người” làm đích đến. Làm việc, sinh hoạt là nhu cầu để duy trì sự sống, để có phương tiện tu học và làm lợi ích chúng sanh. Tất cả chỉ để phục vụ cho việc tu tập, giác ngộ, giải thoát. Với cách nhìn và sống như vậy thì khi làm việc cũng là lúc đang tu. Tất cả các vận hành sinh hoạt khác cũng chỉ để phục vụ cho một đích đến duy nhất là ngộ tâm, tự tại, tiêu sái. Có như thế mới đủ lực để dứt khổ, an vui mãi mãi được.

4.  ĐANG SỐNG TRONG THỂ ĐẠO CHÂN THẬT HAY VÌ VIỆC KHÁC.

Hiện nay đây, chúng ta có an yên và giác sáng ngay chỗ mình đang ngồi, đang sinh hoạt? Hay đang nghĩ đến một công việc khác cần thiết còn dang dở, phải làm?

Ở đây không bàn đến việc an trú ngay hiện tại hay thực tại. Bởi nếu thấy có một thực tại hay hiện tại để an trú thì nó đã biến thành vật bị mình thấy biết, là cái bên ngoài mình, không phải chân thật. Đồng thời, thấy biết như thế là đã ngầm phân hai, có mình đang nhận biết thực tại và thầm thầm sống về, sống theo cái hiện tại, thực tại do tâm mình thấy ra đó trong vi tế, tình thức không phát hiện ra. Như thế là đã bỏ quên mình mà thấy biết theo vật. Dù đó là vật gì đi nữa thì cũng là thứ bị mình biết, là tướng bên ngoài, không phải chân thật là chính mình một cách tuyệt đối. Cụ thể là chưa đạt đến thể đạo rốt ráo vốn tự thênh thang, trùm khắp, không ngằn mé.

An yên, sáng rỡ ngay chỗ mình đang ngồi, có nghĩa là ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào, chúng ta luôn khéo giác sáng, không động, công phu vẫn đang hiện tiền như thế. Theo thời gian, công phu sẽ thuần thục, đắc lực. Tự mình cảm nhận được sự tiến bộ một cách rất rõ ràng. Chính năng lực của tâm thể này mới tự cứu mình được. Nếu không như thế, nghĩ về việc mình cần phải làm, dù đó là việc gì đi nữa thì cũng bị quên mình theo vật, là nguyên nhân đưa đến mê lầm, loạn động, sanh tử, khổ đau.

5.  HẰNG NGÀY TRONG SINH HOẠT, KIỂM TRA LẠI HAI ĐIỂM.

5.1. Công phu đang hiện tiền.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng luôn buông thư thả lỏng một cách tự nhiên, nhìn mọi vật một cách trong lặng, không mê thì tâm tự sáng biết linh thông, không động. Cứ thế, mình đang lặng sáng, giác sáng trên mọi sinh hoạt, công việc, không mất mình. Khéo sống, sinh hoạt và làm việc như vậy là đã khéo tu, lúc nào công phu cũng đang hiện tiền.

5.2. Vượt khỏi hai bên, tiêu sái, tự tại.

a)    Nhằm hai bên để kiểm chứng công phu.

Đối với những thứ hai bên: Buồn vui, mừng giận, hợp ý và khó chịu, thích và không thích, vừa lòng hay trái ý... Thật lòng chúng ta đã vượt qua được bao nhiêu phần trăm. Nhìn vào đó để nhận biết công phu. Từ đó nỗ lực tinh tấn rèn luyện, khéo ngay chỗ những thứ hai bên đang hiện hành với mình để dụng công, chắc chắn sẽ tiến bộ theo từng ngày trông thấy. Được vậy, đạo lực sẽ tăng trưởng, cho chúng ta tiêu sái, tự tại, tùy duyên và an lạc giải thoát.

b)    Nhìn, thấy, biết, làm, hành xử... vượt khỏi hai bên.

Dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi công việc, vấn đề, tình huống, hoàn cảnh không nằm trong hai bên.

*Không sanh tâm khen chê hay nghĩ xấu về người khác. Đối với một việc chưa tốt, thay vì nghĩ xấu là chuyện thường tình, chúng ta thử có cách nào nghĩ tốt nhưng rất hợp lý hay không? Như là:

-  Có rất nhiều điều mắt thấy cũng chưa chắc đã chính xác. Thời gian sau mới vỡ òa ra.

-  Nếu được quyền lựa chọn, ai cũng sẽ chọn điều tốt, không ai chọn điều xấu cả. Vị này làm như vậy, chắc là có lý do riêng gì đó mà họ chưa tiện nói ra. Hơn nữa, mình và mọi người có thấy nghe được gì thì cũng là theo sự thấy biết và nhận định của cá nhân, chưa chắc đã chính xác. Vì thế không nên vội kết luận. Mình cũng đâu đã hoàn hảo. Giúp được gì cho họ thì giúp, không thì thôi. Tất cả chúng sanh đều sống trên phước, nghiệp và nhân duyên của mỗi người. Không ai có thể sống thay cho ai được. Nghĩ xấu chỉ là tạo thêm nghiệp cho mình và người khác.

-  Biết được việc ấy sẽ giải quyết được gì, mang lại kết quả tốt nào cho người ấy? Hay chỉ biết cho thỏa thích cái tật lắm chuyện của chúng sanh? Soi mói, phân tích chuyện tốt xấu của người khác là tập khí thị phi sâu dày của phàm phu. Nếu cứ tiếp tục như thế thì chỉ tăng thêm sự loạn động mê mờ, có hại mà không lợi ích gì.

- Còn trong sanh tử thì không có gì có giá trị thật. Vì tất cả không cứu được mình và mọi người giải thoát khỏi khổ đau.

-  Tất cả các sai lầm đều do vô minh. Mà vô minh mê muội thì không thật. Như người ngủ mê nói mớ, tỉnh dậy tất cả đều không. Phút trước mê lầm thì sai. Giây sau tỉnh ngộ liền hết. Vô minh mê muội không thật thì sự sai trái trong đó cũng không có giá trị thật. Ngày mai tỉnh ra sẽ khác...

Khéo hài hòa giữa bi và trí, sự và lý phải được viên dung, không thiên lệch, ngăn trệ. Tu tập lâu ngày như thế sẽ có trí tuệ đặc biệt vượt khỏi phàm tình của hai bên.

*Trước mọi vấn đề, chúng ta an tịnh và thấy biết như thế nào để vượt thoát hai bên.

Ví dụ, khi được hỏi, ở đây đẹp, có cho người thân đến tập tu hay không? Nếu đáp là cho hoặc Tkhông thì đã quên mình chạy theo câu hỏi, là đã rơi vào mê mờ, mà hiện tướng cho thấy là chưa vượt khỏi hai bên của cho và không cho. Như thế chỉ là cái thấy biết của thường tình, ai cũng làm được và đang sống trong gọng kềm của hai bên ấy. Không có gì xứng đáng hay đặc biệt để cho chúng ta tu hành cả.

Ngược lại, khi được hỏi, tâm chúng ta cũng bình lặng như trước khi chưa nghe hỏi, không sanh khởi gì, nhưng tự sáng biết tất cả. Nghe xong câu hỏi, chúng ta bình thản đáp: “Chúng con không ép buộc người thân. Nhưng có nên cho mọi người đến tập tu hay không thì xin Thầy cho quý vị một lời khuyên”. Nói cũng như chưa nói gì, thấy biết đúng chân lý, hành xử thấu tình đạt lý, không kẹt hai bên. Cũng có thể tùy vào từng hoàn cảnh và câu chuyện mà uyển chuyển để có nhiều cách xử lý, nhưng điểm chính yếu ở đây là mình vẫn ở trong tự tâm lặng lẽ mà sáng biết của chính mình, không bị biến đổi. Được vậy là đã thấy biết và hành xử vượt thoát hai bên, không đánh mất bản tâm, là đang tu tập hết sức miên mật.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là không nên ở trên niệm sanh thêm phân biệt hai bên. Bởi niệm vốn đã không thật, ở trong niệm chỉ tăng thêm mê lầm, và ở trên niệm để tư duy trong hai bên chỉ khiến chúng ta càng thêm mê, đưa đến sai lầm, đau khổ. Nếu luôn ở trong tự tâm lặng sáng để biết suốt tất cả thì vẫn thấy rõ hai bên đúng sai phải quấy một cách tỉ mỉ rõ ràng, nhưng không động thì trí tuệ lại rạng ngời và tướng thị phi cũng trong lặng, thanh tịnh, trong trẻo, không bị chúng chi phối. Sống, nhìn nhận và hành xử như thế không khác lúc ngồi tu. Tu như thế sẽ đắc lực.

6.  KẾT LUẬN.

Muốn sống đúng và tu tốt, cần thấy ra hai điều. Một là “thấy ra vấn đề”, đây là nhờ trí tuệ. Hai là “thực hiện, làm được như những gì mình thấy biết đúng đắn” phải nhờ vào định lực, nội lực của bản thân mới cho chúng ta tự chủ và sống được như những gì mình muốn. Nhưng muốn có trí tuệ sáng suốt và định lực, nội lực thâm hậu, không gì khác hơn là phải khéo dụng công tu trên mọi hoàn cảnh. Trên đây là một vài gợi ý để hành giả lấy làm cơ sở tự soi xét lại mình trong khi tu tập. Luôn kiểm điểm lại tâm qua những điều cơ bản như thế để luôn đặt mình trong công phu. Cốt yếu cũng chỉ để luôn sáng lại tâm mình chứ không phải để tâm vào những chi li khiến rơi vào tạo tác sanh diệt. Khéo léo vận dụng kiểm điểm để luôn ở trong tự thể vô tác, chắc chắn công phu sẽ đắc lực, tiến đạo.

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1249584
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
854
3690
25277
1199158
25277
109310
1249584