TT.Thích Tâm Hạnh giảng tại TVTL Bạch Mã
THIỀN SƯ VẠN HẠNH (? – 1018)
(Đời thứ 12, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Chánh văn:
Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp. Gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, thông suốt Tam học và nghiên cứu Bách luận mà vẫn xem thường công danh phú quý.
Năm hai mươi mốt tuổi, Sư xuất gia, cùng thiền sư Định Huệ thọ học với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức.
Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt.
Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp Tổng trì tam-ma-địa lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói ra lời gì, dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.
Ở đây có một chi tiết rất đặc biệt về quê Ngài. Làng Cổ Pháp trước đó có tên là làng Diên Uẩn, sau được thiền sư Định Không đổi thành làng Cổ Pháp. Nhân duyên là thiền sư Định Không (730-808) đời thứ 8 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên, Sư lập một ngôi chùa Quỳnh Lâm tại quê nhà (làng Cổ Pháp), lúc đó có tên là làng Diên Uẩn. Khi đào đất đắp nền chùa, Ngài thấy quả hương đề (miền Nam gọi là cây khay) và mười cái khánh. Sư sai đem xuống nước rửa, một cái khánh lăn xuống tận đáy ao mới chịu dừng. Sư mới giải rằng thập khẩu là mười cái khánh mà chữ thập với chữ khẩu (thập trên, khẩu dưới) là ra chữ cổ, một cái lăn xuống dưới nước (lăn là khứ, nước là thủy, bộ thủy một bên, chữ khứ một bên) là ra chữ pháp và xuất hiện ngay đất Ngài đang ở, nên đặt tên là Cổ Pháp.
Năm hai mươi mốt tuổi, Sư xuất gia, cùng thiền sư Định Huệ thọ học với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt. Như vậy, Ngài học cùng với thiền sư Định Huệ và cùng thờ học ở Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức.
Chùa Lục Tổ là một ngôi chùa liên quan rất nhiều đến các thiền phái Việt Nam từ thời ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi cho đến Thiền Ông đạo giả, rồi đến thiền sư Vạn Hạnh, về sau có thiền sư Thường Chiếu thuộc dòng Vô Ngôn Thông cũng là trụ trì tại chùa này. Đây là nơi tụ hội hai hệ phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông. Nhưng Hòa thượng Tông chủ nói, khi đến làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức thì không tìm thấy di tích chùa Lục Tổ. Nhưng gần đây, quý ngài đến thì tìm thấy chùa Lục Tổ tại làng Định Bảng. Quý vị cho rằng ở Bắc Ninh hiện nay có hai ngôi chùa Lục Tổ. Một ngôi ở làng Định Bảng, một ngôi tìm chưa ra. Tên chùa Lục Tổ này, ngày xưa Lục Tổ cũng ở phương Nam, tức có người nói ở Việt Nam, có người nói giáp ranh. Nhưng có giai thoại là ở Trung Hoa có quả lệ chi (quả vải), đem từ Việt Nam sang bên đó, chính Lục Tổ cũng ở phương này mang những giống của trái vải sang trồng ở chùa Nam Hoa, chùa Lục Tổ ở Trung Hoa. Từ tên chùa Lục Tổ cho đến sự tích cây Lệ Chi, cho chúng ta thấy là ngày xưa các ngài cũng ở vùng đất của chúng ta hoặc gần đâu đó.
Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp Tổng trì tam-ma-địa lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ, Sư có nói ra lời gì, dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.
Thiền sư Vạn Hạnh là một vị thiền sư gắn liền với sự ra đời của triều Lý (Lý Công Uẩn). Ngài thông hết các môn tam học và bách luận. Thông thường tam học là giới định tuệ, tức là tam vô lậu học nhưng ở đây thực tiễn thì cũng có thể chỉ cho Kinh Luật Luận, hoặc là các học thuyết tam giáo Thích, Đạo và Nho. Ngài ở làng Cổ Pháp, Sư Ông nói hiện nay nếu chúng ta đến Hà Nội, qua bên kia sông, phía Bắc Ninh thì liền đến làng Cổ Pháp, đây là nơi Lý Công Uẩn ra đời.
Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia cùng thiền sư Định Huệ thọ học với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ. Thiền sư Vạn Hạnh chuyên tu tập pháp Tổng trì Tam-ma-địa. Sư Ông nói Tổng trì là gồm hết, tam-ma-địa là chánh định. Đây là pháp tu chuyên về Mật tông, điều này cho thấy thiền sư Vạn Hạnh vừa tu thiền, vừa tu mật. Ngài biết trước sự việc sắp xảy ra như thế nào, cho nên sau này những lời Ngài nói ra đều gọi là sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất quý trọng, tôn kính Ngài như một bậc thầy.
Nghe những điều này, đại chúng phải nhớ một cơ sở quan trọng, đó là một số nhà nghiên cứu cho rằng thiền sư Vạn Hạnh có sự khuất tất trong việc ra đời của Lý Công Uẩn. Chúng ta là hành giả, qua thực tiễn thấy rõ điều này vô lý qua các y cứ. Thứ nhất, người trì chú nếu phạm giới thì sẽ không linh nghiệm, nhưng thiền sư Vạn Hạnh chuyên tập pháp Tổng trì tam-ma-địa lấy đó làm sự nghiệp, Ngài nói ra điều gì thì dân chúng đều cho là sấm ký, tức là đúng hết. Như thế không thể có chuyện là Ngài khuất tất trong sự ra đời của Lý Công Uẩn, bởi vì nếu khuất tất thì việc trì chú không linh nghiệm. Nếu không linh nghiệm thì lời sấm ký của Ngài không bao giờ đúng.
Chánh văn:
Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lãng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi:
- Quân ta thắng bại thế nào?
Sư đáp:
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.
Quả đúng như lời Sư đoán.
Lời sấm ký trước đúng, nếu đúng thì Ngài là người tu hành thanh tịnh, trì chú và có những lời sấm ký hiệu quả như vậy. Ngài nói trong ba, bảy ngày thì giặc lui. Ba, bảy ngày là ba hoặc bảy ngày hay sao? Học chữ Hán phải biết, khi nghe nói Tây thiên tứ thất, Đông Độ nhị tam, thì chúng ta phải biết Tây thiên tứ thất là bốn lần bảy là hai mươi tám, là 28 vị Tổ. Đông độ nhị tam, hai lần ba là sáu, là 6 vị Tổ Trung Hoa. Ở đây ngài Vạn Hạnh nói trong ba, bảy ngày thì giặc rút lui, ba bảy ngày là bao nhiêu? Là 21 ngày. Sau đó giặc rút lui đúng như lời Sư tiên đoán.
Chánh văn:
Có kẻ gian tên Đỗ Ngân âm mưu hại Sư. Biết trước sự việc, Sư đưa cho y một bài thơ:
土木相生艮畔金
為何謀我蘊靈襟
當時五口秋心絕
真至未來不恨心
Âm:
Thổ mộc tương sanh cấn bạn kim
Vân hà mưu ngã uẩn linh khâm?
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt
Chân chí vị lai bất hận tâm.
Dịch:
Thổ mộc sanh nhau cấn với kim,
Vì sao ôm ấp lòng hận phiền?
Bấy giờ tôi biết lòng buồn dứt,
Thật đến sau này chẳng bận tâm.
Bài thơ này là bài thơ chơi chữ trong chữ Hán. Thổ mộc tương sanh cấn bạn kim, chữ thổ và chữ mộc hợp lại thành chữ Đỗ, chữ cấn nằm bên chữ kim thành chữ Ngân. Bài này ngầm ý chỉ cho kẻ gian tên Đỗ Ngân. Vân hà mưu ngã uẩn linh khâm, vì sao ôm ấp lòng hận phiền? Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt, chữ ngũ và chữ khẩu thành chữ Ngô, chữ thu và chữ tâm thành chữ Sầu. Cho nên dịch là bấy giờ tôi biết lòng buồn dứt, thật đến sau này chẳng bận tâm. Đọc được bài thơ này, anh chàng tên Ngân hoảng sợ, không tiến hành mưu hại nữa.
Chánh văn:
Lúc vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đỉnh) ở ngôi quá tàn bạo, mọi người đều oán ghét. Khi ấy Lý Thái Tổ còn làm chức Thân Vệ, chưa lên ngôi (lúc này còn là Lý Công Uẩn). Bây giờ trong nước có nhiều điềm lạ xuất hiện liên miên. Tùy theo chỗ thấy nghe, Sư đều bàn giải phù hợp với triệu chứng nhà Lê sắp mất, nhà Lý lên thay.
Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ vẫn biết trước, báo tin cho chú và bác của vua Lý hay: “Thiên tử đã băng hà, Lý Thân Vệ đã khuất phục trong thành nội, túc trực trong vài ngày Thân Vệ ắt được thiên hạ.” Và để chiêu an bá tánh, Sư ra yết thị rằng:
蒺藜沉北水
李子樹南天
四方戈杆靜
八表賀平安
Âm:
Tật Lê trầm bắc thủy
Lý tử thọ nam thiên
Tứ phương qua can tịnh (tĩnh)
Bát biểu hạ bình an.
Dịch:
Tật Lê chìm biển Bắc,
Cây Lý che trời Nam.
Bốn phương binh đao dứt,
Tám hướng thảy bình an
Bốn câu kệ này, Ngài ngầm ý nói họ Lê chuẩn bị mất, nhà Lý sẽ lên làm vua, đất nước sẽ chấm dứt đao binh, dân chúng được thái bình. Việc Lý Công Uẩn lên ngôi đã từng được thiền sư Định Không và trưởng lão La Quý sấm ký trước đó. Thí dụ như thiền sư Định Không (730-808) đời thứ tám dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, khi Sư đào đất đắp nền xây chùa Quỳnh Lâm thì thấy cây hương đề (cây khay) và mười cái khánh, Sư sai đem xuống nước rửa thì một cái lăn xuống tận đáy ao mới dừng từ đó Sư đổi làng Diên Uẩn thành làng Cổ Pháp. Kế đó thiền sư Định Không lại nói pháp khí xuất hiện, thập khẩu đồng chung, Lý hưng vương, tam thập thành công. Có nghĩa là pháp khí hiện ra, mười cái chuông đồng, họ Lý làm vua, ba phẩm thành công, tức là thiền sư Định Không đã tiên đoán trước việc sau này Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi.
Kế là trưởng lão La Quý (852-936) đời thứ mười dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Khi sắp tịch, Sư bảo đệ tử là Thiền Ông rằng: Thuở trước Cao Biền xây thành bên sông Tô Lịch vì biết vùng đất làng Cổ Pháp có khí tượng đế vương, nên cho đào đứt con sông Điềm và những ao hồ liên hệ... Đến 19 chỗ để mà ếm đó. Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa, lại ta có trồng một cây bông gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ bị đứt, biết sau này ắt có vua hiện ra đời (tức Lý Công Uẩn) để vun bồi chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch ngươi nên đắp lên một nền đất, xây lên ngọn tháp, lấy pháp khí để kín trong ấy, chớ cho người khác thấy. Nói xong Sư thị tịch thọ 85 tuổi nhằm niên hiệu Thanh Thái thứ ba nhà Hậu Đường (936).
Chính vì vậy, sau này làng Cổ Pháp có một vị vua sáng ra đời đó là Lý Công Uẩn. Trước khi lên ngôi, Lý Công Uẩn được sự nuôi dưỡng, ủng hộ của nhà thiền là thiền sư Vạn Hạnh, sau trở thành một vị vua có công rất lớn với đất nước, lập nên cơ nghiệp đời Lý, giữ gìn đất nước độc lập trên hai trăm năm.
Ở đây muốn hỏi đại chúng, khi trưởng lão La Quý sắp viên tịch, Ngài dặn với đệ tử là ngài Thiền Ông đạo giả. Vậy trưởng lão La Quý có liên hệ gì với thiền sư Vạn Hạnh? Thiền sư Vạn Hạnh và thiền sư Định Huệ theo học với Thiền Ông đạo giả, thờ làm thầy ở chùa Lục Tổ, mà Thiền Ông đạo giả là đệ tử của trưởng lão La Quý. Trưởng lão La Quý sấm ký sau này có Lý Công Uẩn ra đời và lên ngôi vua, Ngài được thiền sư Vạn Hạnh dạy bảo. Như vậy, thiền sư Vạn Hạnh gọi trưởng lão La Quý bằng Sư Ông.
Chánh văn:
Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín (1018) ngày rằm tháng năm, Sư không bệnh chi mà gọi chúng nói kệ:
身如電影有還無
萬木春榮秋又枯
任運盛衰無怖畏
盛衰如露草頭鋪
Âm:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch:
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng.
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.
Hòa thượng Tôn sư giải cho chúng ta nghe là trước khi sắp tịch thiền sư Vạn Hạnh để lại bài kệ. Qua đó cho chúng ta thấy được tinh thần của người tu, nhất là người đã thấy đạo, thấy rõ đạo lý cho đến khi sắp lâm chung mà quý ngài vẫn tự tại, sáng ngời chứ không bị những đau đớn hay cái mê làm cho mình không thấy gì. Cụ thể, Ngài nói thân như bóng chớp có rồi không tức là cái thân của chúng ta hiện nay, ai cũng nghĩ sẽ sống rất lâu, tuổi thọ dài. Nhưng với cái nhìn của ngài Vạn Hạnh thì nó giống như một tia chớp, chớp nháng qua vậy thôi, vừa thấy xẹt, sáng đó rồi mất đó. Sư Ông nói đời người năm bảy mươi năm chỉ như một làn chớp vậy, không có gì quan trọng. Nói cái chuyện chớp có khi mình nói nhanh quá, chứ đời mình tuy nhiều nhưng quý vị thử ngồi nhìn cho kỹ thì giả sử quý vị nào trẻ nhất cũng hai mươi tuổi, còn lớn thì nhiều hơn. Ví dụ lấy cái tuổi trung bình khoảng ba mươi bốn mươi, giả sử mình sống khoảng một trăm tuổi thì còn sáu chục năm nữa để sống. Nhưng quay lại mình nhớ từ nhỏ tới bốn mươi tuổi thì nó có nhanh không? Chỉ mới đây thôi. Ăn tết mới xong là vô hạ, vô hạ mới xong thì lại giải hạ, để khánh tuế rồi loay hoay tới cuối năm. Chúng ta còn sống thêm chừng đó năm nữa cũng chỉ như là mới đây thôi, nó nhanh lắm. Thời gian cứ lụi hụi, lén mình qua mà mình không biết.
Cái vô thường nó nguy hiểm ở chỗ là nó không báo trước, không hẹn trước, nghĩa là sao? Mình không để ý là nó lặng lẽ, trôi qua tự do không ai biết. Khi nào mình bệnh nó cũng không nói cho mình biết, không báo trước năm đó mình sẽ bệnh gì. Có nhiều vị thiệt tài, hôm nay đang mạnh khỏe lên xin thầy tri sự tuần sau cho con nghỉ công tác, hỏi vì sao? Vì tuần sau con bị bệnh. Biết được tuần sau bị bệnh mới giỏi, làm gì có chuyện đó. Vô thường không báo cho mình biết trước, nó lần lượt qua và nó đến bất cứ khi nào. Cái nguy hiểm đó, chính là cái mình đáng sợ. Cho nên, các vị tổ đức ngày xưa hay nói quỷ dữ vô thường thiêu đốt mình là như vậy.
Vì vậy, nhiều lúc mình nghe nói vô thường thì thấy là pháp thấp quá, nghe thiền sư Vạn Hạnh nói vậy thì mình nghĩ Ngài cũng nói về vô thường thôi, đâu có gì. Cho nên mình cũng không cần học thuộc bài kệ, chẳng cần phân tích. Chính vì xem thường, cho nên mới bị vô thường giết chết mình mà mình không biết. Ví dụ thế này, hôm nay chúng ta học thiền sư Vạn Hạnh, kết thúc bài nói tới ngài Pháp Loa, vậy có lạc đề không? Quý vị nhận ra có gì trong đó không? Nó chính là vô thường. Ví dụ hôm nay tôi giảng đề tài cuộc đời là vô thường, tới cuối bài nói về đề tài nhân quả. Đâu cần nói vô thường là như thế nào, mới đầu nói là vô thường sau nói nhân quả tức là vô thường rồi. Trong đây có quý vị nào không bằng lòng với vô thường đưa tay lên? Cái tay đang để yên mà đưa lên là vô thường rồi.
Nói như vậy để chúng ta nhớ cái sự nguy hiểm của vô thường là nó lần lựa, nó qua và không báo trước cho mình và nơi mình ai cũng có nhưng chúng ta lại không để ý. Vì vậy, thiền sư Vạn Hạnh sống đời cho đến khi viên tịch, Ngài thấy rõ và nói cho mình biết thân như bóng chớp có rồi không.
Đó là nơi con người, còn bên ngoài thì sao? Cây cỏ xuân tươi thu đượm hồng, cây cỏ tượng trưng cho vạn vật bên ngoài, vừa thấy mùa xuân thì cây cỏ tươi tốt, thoáng đến mùa thu thì cây cỏ đổi màu, chuẩn bị héo tàn. Cuộc đời nó là một dòng vô thường đổi thay, không bao giờ dừng lại. Vô thường từ con người, cây cỏ cho đến những chuyện đúng và sai, phải và trái, thạnh và suy. Nó lừa gạt làm cho mình gian nan, bị gian truân không biết bao nhiêu mà kể.
Trong thịnh và suy đó, Ngài nói mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi. Nếu biết thân mỏng manh, tất cả sự vật là huyễn hóa, đổi thay không thật thì thạnh hay suy không có gì đáng lo buồn, sợ hãi. Đó là Sư Ông giải ra chúng ta nghe như vậy.
Quý vị nhớ rằng không phải chỉ khi chúng ta bị gian nan lên bờ xuống ruộng mà chính ngay lúc đang thuận duyên cũng như thế. Ở ngoài đời làm ăn tiền lên ào ào, nhà to cửa lớn, ở trong đạo thì tu hành phơi phới, được thầy thương, được huynh đệ quý mình. Chính thành công như vậy, Sư Ông vẫn nói nếu như chúng ta có được thành tựu gì đó thì cũng phải xem đó như là bọt nước, như là bóng, đừng có đưa tay bắt nó. Vì có thịnh được thì có suy được, nó không suy đi nữa thì ngày mai mình trăm tuổi rồi, những cái thịnh đó nó cũng không có giá trị gì.
Cụ thể nếu chúng ta buông được cái tâm vui trên sự thành công thì chúng ta sẽ khổ đau được trên sự thất bại. Ngày nay được thành công, chúng ta hả hê bao nhiêu thì ngày mai thất bại chúng ta sẽ ê chề bấy nhiêu. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta cho phép cái tâm của mình động. Khi gặp cảnh đẹp, gặp được tất cả những điều vừa lòng, tán dương hay công kênh mình, mình cho phép tâm mình động, để nó vui được thì nó quen tật là luôn xáo động. Trong đó, theo ngày, theo tháng, theo năm sẽ tăng dần một là thói quen xáo động, hai là sức mạnh của việc dao động, ba là bào mòn cái định tuệ chính mình, mất nội lực, mất năng lượng.
Cảnh khổ không báo trước, bất ngờ đập ngang một cái, trước đây chúng ta có tỉnh đâu mà bây giờ tỉnh. Khi không tỉnh, quen với động thì khi gặp cảnh ,mình lại xáo động lên, khổ đau và định tuệ không có, nội lực không có. Cộng ba yếu tố đó lại, lúc này chỉ có đau khổ thôi. Cho nên, nếu chúng ta càng để cho tâm mình tự do bao nhiêu thì chúng ta sẽ là người tội nghiệp bấy nhiêu.
Nhiều vị nói là vào khóa tu, tu được mấy tuần, cũng mệt rồi. Thay vì ngày xưa, Phật tử ở nhà nệm ấm chăn êm, có máy điều hòa, ăn đồ bổ dưỡng, đi du lịch chơi. Giờ vào đây khép mình, không điện thoại, không gì hết, tham dự khóa tu hai tuần, ăn chay, không điện thoại, ăn không có chất bổ nhiều, ngủ không đủ giấc, giờ giấc công phu liên tục, vậy cũng là hay lắm rồi. Bây giờ mãn khóa, mình về bù đắp lại, thư giãn. Thế là ăn uống tiện nghi, ăn ở êm ấm, đi mua sắm, đi du lịch...Đó là trước đó mình thấy có tu trong kềm đè, sau đó cái lò xo đè bật ra, quay trở lại trần gian chứ không phải tu hành. Thứ hai là mình cho phép mình được đi du lịch, chúng ta đi thư giãn tức là chúng ta đang cho phép mình rời bản tâm, tức phóng dật. Khi mình cho phép như vậy là cho phép mình động đó, cho phép mình khổ đau, cho phép mình bị những gian truân trong đời. Sau này bị khổ đau thì đừng trách đừng than, tại mình cho phép mà.
Chữ vô thường đơn giản nhưng nghiệm cho tới cùng là câu chuyện của bản thân mỗi người, chứ không phải đùa chơi. Chúng ta tu theo kiểu hôm nay vào khóa tu thì đè nén, mai ra khóa thì bung lò xo, phóng dật kiểu đó thì coi như là khi đang tu mà chưa phải tu. Bây giờ quý vị tu làm sao mà trong khóa mình cũng thư giãn, buông thư, sáng ngời và mãn khóa thì cũng chỉ có thế, chứ không cần phải thêm gì hết. Được như vậy, thì ngay khóa hay mãn khóa chúng ta đều chỉ có tu như vậy. Quý vị tu làm sao mà nhúc nhích cũng là đang tu, đi ra ngoài cũng đang tu, chứ đừng quan niệm tới giờ ngồi thiền mới tu. Tới giờ ngồi thiền mới tu thì sẽ mệt, làm biếng. Đơn giản là ở vào tư thế thư thái, thoải mái để mình đừng có quan niệm bị căng, khó chịu, sau đó khéo mất hút các tướng, không mê, tâm mình tự sáng ngời, sống như thế thì sống và tu không khác, không hai. Như vậy, khi vào khóa tu bằng với cái tâm đó thì sẽ suôn sẻ, thông suốt. Mãn khóa tu cũng bằng tâm đó thì an lạc vô cùng chứ đâu có gì lạ mà nói là đi để cho phép tâm mình động lên. Nhắc lại, nếu như chúng ta cho phép tâm động thì không thể nào yên được an được trước cái vô thường.
Được như vậy thì Ngài nói thạnh suy như cỏ hạt sương đông, như lộ thảo đầu phô,tức giống như là hạt sương đọng trên ngọn cỏ, trên lá cây, sớm còn, chút xíu nắng lên, liền tan hết. Đó là Ngài kết luận việc thạnh việc suy, việc vô thường ở đời giống như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Ngài răn nhắc cuộc đời không có gì thật, không có gì bền lâu, không có gì chúng ta phải buồn hoặc khổ trên nó. Nếu thấy cuộc đời chỉ là trò tạm bợ thì khi được cũng không gì vui, khi mất cũng không gì buồn.
Chúng ta nhớ nếu tất cả mọi thứ trên trần gian này có thật thì chúng ta bị làm chúng sanh mãi không bao giờ tu hành giác ngộ thành Phật được, phải nhớ điều này, không nhớ thì chúng ta khổ mãi. Nhưng thái tử Sĩ-đạt-ta tu hành thành Phật được thì đời này không có gì thật. Nếu những cái tham sân si, muộn phiền, trần lao, khổ não có thật, những câu chuyện đúng sai, những vấp ngã trong đời, những cái mình gọi là tội lỗi mà có thật thì nó cứ theo chúng ta, ngăn chở chúng ta không bao giờ thành Phật. Nhưng Phật đã thành Phật, Tổ đã thành Tổ, chư vị thiền sư đã ngộ đạo, thì chắc chắn những thứ đó không thật. Nhưng cái mê của chúng ta làm chúng ta rất tội nghiệp, là cứ quên bản tánh và lao vào nó và cho rằng cái buồn, cái gì gì đó nó có thật. Cái cố tật đó, chúng ta ở trong đó, biến nó thành mình và mình đang giết chết mình. Thí dụ như mình đau răng, nhờ bao nhiêu người vất vả mua thuốc cho mình uống để lành bệnh, lúc đó mới đi chữa trị được, chứ răng đang sưng làm sao chữa trị được, mà mình không nhớ rằng ai đã lo cho mình, người phải lấy xe đi mua thuốc cho mình. Vài ba ngày sau hỏi hết đau răng chưa, nói có uống thuốc đâu mà hết. Chúng ta đang có một cố tật, chúng ta biến nó thành mình và ở trong nó. Thưa quý vị, chúng ta sẽ biến nhiều thứ đau khổ trở thành mình và nhốt mình trong một đống bờm xờm, một đống sắt vụn, nó đè mình, “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Giấc mơ nào? Không có giấc mơ nào hết, bày cái tập khí của mình ra biến thành nó và giết chết mình trong nó thì mình không có tiến được. Cứ mang cái tập khí đó từ kiếp này qua kiếp nọ thành một con người như thế, một chúng sanh như thế, có vui không?
Cho nên, Sư Ông nhắc đừng nên vì những việc không ra gì mà mình quanh quẩn đâu đó để rồi qua một đời không ra gì. Việc nào không ra gì và việc nào chính đáng? Tất cả những gì có việc đều không ra gì. Vì sao vậy? Kinh Kim Cang Phật dạy: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Hễ có việc đều không ra gì, đồ bỏ, Sư Ông gọi là huyễn hóa. Chúng ta cứ luẩn quẩn hoài, bước vô trong đây thấy cái mặt này không ưa thì đi ra, đi ra thấy cái mặt chằm bằm bực bội đi vô. Đi vô thấy cái mặt này không ưa, đi ra, đi hoài. Đó là ví dụ thôi chứ mỗi con người đều có một kiểu trong đó, phải tìm cái kiểu đó. Mà nói thành thơ, thành nhạc cho hay là trong ai cũng có một dòng sông riêng mình. Dòng sông nào? Dòng sông chết. Vì sao? Cái mặt héo hon, quẹo đeo, bực bội, hằm hằm … Gặp mặt này thấy như sống không nổi, buổi sáng gặp mặt này bán buôn không xong, đời làm ăn không phát đạt, gặp mặt này tu hành tăm tối… Những cái đó là dòng sông riêng mình, dòng sông chết. Vì đâu? Do chúng ta vì những thứ không ra gì mà quanh quẩn trong đó.
Tất cả những thứ đó không có thật. Nếu thấy có thật thì chúng ta biến nó thành mình và tự giết chết mình, trầm mình trong cái dòng sông chết không có thật. Và những gì chúng ta bị sai lầm cũng không thật, buông xuống, sửa sai, vươn lên. Và xa hơn, chính nó không thật cho nên trong vô lượng kiếp có khi quý ngài vẫn có những sai lầm, nhưng hôm nay các ngài vẫn thành Phật thành Tổ.
Câu chuyên năm thầy Tỳ-kheo trong quá khứ, các ngài đã từng phạm tội giết cha mẹ. Đến thời đức Phật, năm thầy này đã chuẩn bị chứng A-la-hán rồi, nhưng khi tọa thiền nhớ lại kiếp trước của mình đã từng giết cha mẹ thì khựng lại không chứng A-la-hán được. Lúc đó ngài Văn Thù biết, Ngài thị hiện, Ngài cầm kiếm đến đòi chém Phật. Lúc đó Phật can ngăn, Phật khai thị. Ngay khi Phật khai thị thì năm thầy Tỳ-kheo này nghe và ngộ ra nghiệp không có thật, liền tan cái khựng trong đầu, chứng quả A-la-hán.
Tức là không phải chúng ta cố phạm, nhưng lỡ phạm rồi thì nhớ một là không thật, hai là sám hối, ba là vươn lên, đừng ngồi ì trong đó mà khổ đau mãi. Không sáng, tu không tiến và tàm quý một cách thái quá như vậy thì bị ma bi nhập tâm, không thể tu tiến được.
Như vậy có hai điều quý thầy muốn gửi gắm đến đại chúng về sự thật trong đời tu. Một là những cái cố tật của mình nó không thật, mau mà ra đi, mau mà vượt qua đi đừng ở trong đó lâu quá, ở lâu quá nó giết chết mình, nó nhốt mình, kềm mình, thiêu đốt không còn là con người nữa. Thứ hai là khi tu hành thì chúng ta phải tỉnh giác, đừng để bất giác phạm lỗi. Phạm lỗi có khi bị quả báo. Nhưng lỡ phạm lỗi thì phải nhớ là biết sám tội, chuyển hóa, vươn lên tu tập.
Qua lời nhắc của thiền sư Vạn Hạnh, Ngài nói tất cả những thứ có trong cuộc đời này, không gì thật. Biết những tập khí, buồn đau không gì là thật thì chúng ta sẽ tiến. Có nhiều vị bị những cái buồn đau trong đời khiến mình uất ức, dù không sân không hận đi nữa thì cũng bất đắc chí. Và cái bất đắc chí này nhốt mình trong đó, làm mình khúc mắc, bất mãn, suy nghĩ và lời nói đều tiêu cực. Tiêu cực thì không lợi lạc gì cho ai về việc gì mà còn đốt cháy tâm can mình, làm hỏng tư tưởng của mình. Qua lời dạy của ngài Vạn Hạnh, quý thầy muốn nói rộng, nói thật về cuộc sống, nếu đại chúng nghe kỹ thì chúng ta sẽ lấy bài toán này để làm nhiều bài toán tương tự như vậy.
Nói như vậy để đại chúng nhớ là lấy định tuệ thì nội lực có, trí tuệ sáng, thấy đời này không phải là đời mây bay bên ngoài mà chính là cuộc đời của mình. Thấy buồn vui, đúng sai, phải trái, bên ngoài đẹp xấu, thân này quan trọng, tư tưởng này có những gì đó, tất cả những thứ đó là cuộc sanh tử không thật để vươn lên thì chúng ta tu hành phơi phới, nhẹ nhàng.
Có khi chúng ta không để ý, coi chừng mình tu mà mình quên vui. Có những người hay lắm, gặp chuyện tự nhiên cười trước, nhẹ nhàng, sau đó nhìn vào, có cách xử trí. Còn mình quên vui thì chúng ta tu hành sao thấy khổ quá, ở dưới bị sư phụ rầy, ra vườn thì bị tri sự quở trách, vô trong chúng thì bị huynh đệ nhắc, lên thiền đường ngồi nhúc nhích tí thì bị nhắc nhở, ngủ gục thì bị đánh, hy vọng lên giờ học nhưng lại bị ông thầy nói xéo. Khổ đi đâu cũng khổ, mình tu sao khổ dữ vậy? Vì mình quên cái tâm của mình, đi vô trong những con đường đó nên khổ. Bây giờ chỉ cần tỉnh lại, sáng ra, hoan hỷ, tu phơi phới, đâu vất vả gì đâu.
Người tu đúng rồi, khi nghe cử tội thì lòng mình vui, bởi vì mình đã làm đúng và những gì sai mình có cơ hội nghe để sửa, ngày mai mình không sai. Cho nên mình kiểm tra lại, nghe nói xấu mình mà mình vui là biết tu đúng pháp, vui tức là mình thấy mình được cơ hội nghe để sửa. Nghe để sửa vui chứ không phải vui kiểu cười hì hì, bữa sau phạm nữa. Có nhiều vị phạm tội làm bể bóng đèn, lên sám hối thì thầy từ bi không la rầy, nhắc nhở đừng làm vậy tổn hao của Tam bảo, tổn phước. Nghe xong bữa sau ra sám hối cũng phạm lỗi làm bể bóng đèn, cười khì vậy, thầy cũng từ bi cho qua, bữa sau sám hối cũng vậy nữa. Thầy nói đừng phạm tội một cách tự do rồi cười khì vậy, kiểu đó là ù lì rồi phạm lỗi mãi.
Có nhiều vị hiểu lầm, nói tự tại trên đúng và sai, phải và trái, tội và phước, cho nên phạm lỗi cười cái khì, không ăn năn gì, giống như bị đơ, ù lì, không biết tàm quý. Bây giờ quay lại thử kiểm tra hằng ngày, gặp việc chúng ta an tĩnh hay băn khoăn, lo lắng, sợ người khác hiểu lầm mình? Điều này là một bài toán để quý vị kiểm tra, nếu không người mình tội nghiệp lắm. Khi gặp việc mà mình cứ sợ người ta hiểu lầm mình, người mình nóng ran, quen cái tật đó nên cả đời đau khổ, lo sợ mà lo sợ riết nó thành cái thói. Cho nên mình kiểm tra, gặp việc chúng ta có băn khoăn, lo lắng, sợ người khác hiểu lầm mình, từ đó mình sẽ bào chữa, tụ họp lại bàn nói để mong mọi người cảm thông và hiểu mình để tự trấn an mình không? Nếu như thế, chúng ta đang đưa nguyên cái mạng của mình trên đầu lưỡi người khác, chúng ta khổ lắm.
Khi lỡ bị như vậy, quý thầy chỉ cho quý vị một mẹo khi gặp việc mình băn khoăn. Ví dụ gặp chuyện không biết họ có hiểu lầm tôi không, hiểu đúng không? Khi gặp những cái đó, mình nhớ đây là cái điểm yếu chí tử, sẽ đánh gục mình, làm cho đời mình đau khổ, thì chúng ta sẽ có cách tu. Nếu tỉnh trước đó thì sẽ không có cái này, còn trước đó chúng ta thiếu tỉnh thì cái này có ra và khi vừa băn khoăn, chúng ta nhớ sẽ đưa nó vào trong chân không, không còn lực hút, nó chết thì bữa sau nó sẽ hết bằng cách trở lại tánh sáng của mình, đừng có bỏ nó. Quý vị dẹp nó là quý vị thua, nó mà trốn thì mai mốt nó ra sẽ gây chuyện lại với mình. Đừng cho nó chạy, để yên đó, trở lại cái tâm sáng của mình, không gì hết, bỗng dưng tâm mình hồi phục mạnh lại. Tâm mình mạnh, lặng và sáng ra thì những điều mình xấu sẽ mất, không còn giá trị. Những cái khác chi phối, mình cũng tu như vậy.
Quý Thầy có kinh nghiệm rằng là đưa nó vào chân không, mất lực hút, nó phải chết trước mặt mình, đừng có đuổi nó đi, đuổi đi thì mình sợ nó, hù nó thì nó trốn. Mai mốt mình yếu, nó ra nó quật lại. Không đuổi, để yên đó, không chạm vào, trả lại tự tánh sáng biết, bình thường không có gì, tánh này hồi phục lại, tự nhiên mạnh lên và lặng trong, nó mất giá trị. Đã trị được một anh thì tất cả các anh đều đẩy vào chỗ đó thì anh ta không có giá trị chi phối và tự mất hồi nào mình không biết. Đó là cách để đại chúng áp dụng, để mình bớt khổ.
Chánh văn:
Nói xong, Sư lại bảo chúng:
- Các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ. Ngừng giây lát, Sư tịch.
Vua Lý Thái Tổ và đệ tử làm lễ hỏa táng, nhặt xá-lợi xây tháp cúng dường.
Bài kệ trên Ngài nói không có gì bền chắc, đến đây Ngài lại nói đến chỗ an thân lập mạng, là chỗ có trụ và không có chỗ trụ. Hai nghĩa này có tương quan mật thiết với nhau. Thứ nhất là bài kệ nói thân tâm sanh diệt, các pháp, cuộc đời... không có gì bền chắc. Vậy thì cuộc đời chỉ có thế thôi sao? Nếu vậy thì nương vào đâu để sống, thân này cũng huyễn hóa chán ngắt, đời này vô thường, của cải phù du, đời này chán ngắt như vậy thì sống sao? Nếu chỉ hiểu ngang đó thì chán chường, sống không có hướng sống thì chúng ta sẽ bị yếm thế và tiêu cực. Thứ hai, chúng ta nhớ khi nói cuộc đời vô thường, tạm bợ thì mình đang đứng ở đâu để nói? Nếu chỉ nhìn theo thân tâm sanh diệt và các pháp để nói thì đó là phan duyên, là trôi theo cuộc đời mà nói, là bị trôi trên vô thường. Cho nên kết quả là còn bị vô thường sanh diệt chi phối.
Ngược lại, có một chỗ đứng, đó là sáng lại tánh mình thì sẽ tự thấy rất rõ, tất cả huyễn hóa. Nhưng vì sáng lại tánh cho nên mình vẫn không động, biết huyễn hóa vẫn không động thì bất động. Không động an định gọi là tam muội. Thấy các pháp huyễn hóa vẫn không động thì gọi là như huyễn tam muội. Thấy biết như thế thì vượt thoát vô thường sanh diệt bởi vì nó không đến kịp, không chạm được mình.
Thiền sư Vạn Hạnh nói chỗ an thân lập mạng chính là Ngài nhấn mạnh thể tánh nơi chính mình và từ sức sống đó, Ngài nói rõ sự thật cuộc đời cho chúng ta biết. Ngài nói vô thường huyễn hóa nhưng đã vượt thoát ra khỏi vô thường huyễn hóa, chứ không phải ở trong vô thường mà nói vô thường.
Cụ thể, hai câu cuối Ngài nói rõ mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi, thịnh suy như hạt cỏ sương mai. Ai cho chúng ta có khả năng thịnh suy không chi phối mình, ai cho chúng ta có khả năng đó? Ở đây không phải là một sự chịu đựng, chúng ta có cắn răng chịu đựng, răng có mẻ đi nữa thì khổ vẫn là khổ bởi sức chịu đựng có giới hạn. Còn Ngài nói là tất cả đều vượt thoát thì khả năng tự tại trước tất cả thịnh suy bắt buộc phải từ năng lực của tự tánh. Chính chỗ an thân lập mạng là kế sống của thiền tăng cũng chính là năng lực đó. Cho nên, trên Ngài nói vô thường, ở đây Ngài nhấn mạnh nếu muốn tự tại trên vô thường thì phải nhận ra chỗ an thân lập mạng.
Nói vô thường mà thoát ra vô thường để nói hay ở trong đó để nói, gọi là đứng ở đâu để nói? Nếu ở trong vô thường để nói thì trôi theo vô thường thì bị khổ, chưa thoát. Nếu vượt thoát vô thường bằng tánh sáng để nói thì như huyễn tam muội, như thế thì không bị vô thường chi phối. Sau này quý vị muốn bình, muốn giảng giải bài thơ Mộng của Sư Ông cũng nhớ điều này. Nói mộng là còn ở trong mê, trong mộng để nói mộng hay là đã tỉnh mộng, vượt thoát mộng mà nói mộng? Từ đó chúng ta giảng giải bài thơ mới thấy, cùng là nói mộng nhưng người chưa tỉnh mộng thì khác nhưng với Hòa thượng thì nói ghi lời mộng, sao biết ghi lời mộng? Tại thoát ra rồi cho nên lời Ngài nhắn lại cũng là lời trong mộng mà thôi. Nhắn khách mộng, vì sao vậy? Vì Ngài thoát, thấy tất cả chúng ta đang mê cho nên Ngài nhắn cho mình, nhắn như thế nào? Biết được mộng tỉnh cơn mộng. Vì sao vậy? Ngài tỉnh rồi, Ngài biết rằng hễ biết nó là mộng thì tỉnh, thoát. Từ đó chúng ta nhấn mạnh, Sư Ông đang ra khỏi mộng để nói mộng cho mình, chứ không phải ở trong mộng mà nói mộng như người chưa ngộ.
Vô thường cũng vậy, nếu mình không nói rõ chỗ này thì không trở thành điểm sáng giữa người chưa ngộ và đã ngộ, giữa người tu và chưa tu. Đời cũng nói vô thường, thiền sư cũng nói vô thường. Vậy khác nhau chỗ nào? Khác ở chỗ đứng ở đâu để nói. Cụ thể có hai chỗ đứng. Một là trôi trong đó thì nói mà vẫn còn khổ đau. Hai là thoát khỏi, thấy rõ và nói cho chúng ta biết thì vị ấy không còn mộng ảo, vô thường sanh diệt không chạm đến được, tức là giải thoát đau khổ.
Bài kệ chúng ta vừa nghe trên, thiền sư Vạn Hạnh nói thế gian này không có gì bền chắc. Vậy các ngươi trụ chỗ nào? Nó có logic, liên hệ với nhau. Ngài vừa nói bài kệ vô thường, không có gì bền chắc, nếu tất cả đều vô thường trôi như vậy thì các ông trụ ở đâu? Mọi người bám trụ vào đâu? Nhằm chỗ nào để sống, để an thân lập mạng? Nói thế gian vô thường, không phải để chán nản mà để tìm kế sống lâu bền. Ở đây, chúng ta muốn thấy rõ, thì đặt ra câu hỏi thảo luận nhóm.
Câu hỏi thảo luận: Thiền sư Vạn Hạnh nói ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ. Rốt cuộc Ngài trụ chỗ nào?
Ở đây chúng ta muốn biết thiền sư Vạn Hạnh trụ ở đâu thì nên biết mình an trụ như thế nào. Nếu mình khéo an trụ thì chúng ta liền sáng ra chỗ trụ của Ngài. Bởi vì sao? Vì khi ngộ bản tâm thì tất cả đồng về nguồn tâm đó, tâm tâm vốn đồng tâm thể chư Phật. Do đó, chúng ta muốn biết thiền sư Vạn Hạnh trụ ở chỗ nào, thì không thể tìm hiểu bên ngoài để biết đến được, mà cần phải nhận lại nơi tâm mình. Tức là cần biết mình trụ lại ở chỗ nào thì chúng ta liền suốt thông chỗ trụ của thiền sư, cụ thể ở đây là thiền sư Vạn Hạnh.
Rốt cuộc chúng ta an trụ ở đâu? Chỗ có trụ và không trụ đều chưa lìa chỗ sanh diệt, mà khéo lìa cả hai thì sẽ không có chỗ cho tình thức bám. Tình thức không bám được, ngay đó không mê thì tánh tự hiện tiền. Sống ngay tự tánh đó thì tạm gọi là trụ nhưng thực ra không phải có nơi trụ mà nó bàng bạc trùm khắp. Cho nên, trụ vô sở trụ mới thật là an trụ, tức trụ là một cách nói. Có nghĩa là đến lúc này nó không còn dịch chuyển, không còn dời đổi mà các thiền sư gọi là mãn mục thanh sơn, đầy mắt núi xanh. Chỗ không còn dời đổi tạm gọi là thật trụ, an trụ mà chẳng phải có chỗ trụ, trụ vô chỗ trụ như thế mới thật là an trụ không biến đổi. Cho nên trụ tức là trở về.
Vì vậy trong kinh Kim Cang đức Phật dạy ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm. Có nghĩa là khi chúng ta không trụ vào đâu cả mà không mê, thì tâm Vô thượng bồ-đề hiện tiền ra đó, khéo nhận, liền xong.
v TÓM LẠI
Quý Thầy nêu ra ba bước căn bản cho đại chúng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tu. Thực tình nếu quý vị khéo tu thì ngay đây nhận thẳng nơi tự tánh liền xong, không có bước nào hết. Nhưng có khi nhiều vị chưa giỏi như vậy, thì tiến trong mức tiến của mình.
1. KHÔNG DỪNG TRỤ
Cụ thể là khi ta thấy nghe biết, hằng suốt qua tất cả, không dừng trụ vào bất cứ một cái gì.
2. AN TRỤ
An trụ nghĩa là khi chúng ta suốt qua không dừng trụ ở bất cứ gì, thì tánh thể hiện tiền, tánh này trùm khắp không biến dịch, cho nên thật sự an trụ. Hằng như thế tạm gọi là an trụ. Khi an trụ như vậy nếu mình không khéo thì mình bị cột trong Bát-nhã, gọi là bị Bát-nhã trói. Khi chưa biết Bát-nhã thì bị năm uẩn, bị pháp trần, các pháp trói. Biết Bát-nhã rồi không khéo bị Bát-nhã trói. Ví dụ như câu chuyện của ngài Đại Giác Liễn, Ngài làm quốc sư, khi tuổi đã cao, muốn về núi dưỡng già. Vua Đường hỏi: Núi xanh là thể như như của Bát-nhã, vậy quốc sư muốn về đâu? Ở đâu cũng Bát-nhã, về núi cũng Bát-nhã, vậy sao lại muốn đi? Nếu dời đây đi đằng kia, vậy không phải Bát-nhã. Nếu không sáng chỗ này chúng ta bị Bát-nhã trói.
3. DIỆU HẠNH VÔ TRỤ
Bước thứ ba này là bước chúng ta có phần dùng được, đó là diệu hạnh vô trụ. Tức là thuần thục, đạt đến diệu hạnh vô trụ. Cụ thể là khi thuần thục rồi, tánh này hiện sờ sờ, tới lui chủ động, nhưng không can hệ đến nó, sẽ đạt đến diệu hạnh vô trụ. Như hình ảnh vào đầu kinh Kim Cang, đức Phật đến giờ ăn, ôm bát khất thực...Ví dụ như ngài Đại Giác Liễn khi vua Đường hỏi núi xanh là thể như như của Bát-nhã, ở trong triều đình cũng là Bát-nhã, ở đâu cũng là một thể Bát-nhã như như trùm khắp, thì việc gì quốc sư lại bỏ đây tới kia? Nếu bỏ đây mà về trong núi thì coi như có dịch chuyển, có động, không phải thể Bát-nhã. Nếu mà quốc sư không đi, ngồi đó là bị vua Đường trói, tức là bị Bát-nhã trói. Làm một vị quốc sư đâu đơn giản, Ngài ngộ thiền nên Ngài nói bài kệ với vua rất hay.
Quân sứ cho hay xuất cấm thành,
Còn mời thần trụ chốn lều tranh.
Ngài nói vậy tức đã biết vua sai quân sứ cho rời đây, còn cất cái am, cái thất trên núi cho Ngài về dưỡng già.
Núi xanh chẳng chịu chứa ngàn vụng,
Tóc bạc lấy gì ích vạn cơ.
Tức là Ngài cũng muốn ở lại giáo hóa, về núi tu hành còn dở, thì núi không chịu chứa ngàn vụng. Có nghĩa là trong tâm mình chưa tốt thì về núi cũng không tốt. Cũng có nghĩa là pháp thân nó không dung chứa những điều có tướng sai quấy, có tướng tốt và sai trong đó. Nhưng bây giờ già rồi, tóc bạc rồi, biết lấy gì giúp mọi người đây.
Ơn lớn rưới ban vừa thấm nhuận,
Núi rừng tình vị khổ nhớ hoài.
Ở trong cung được vua ủng hộ mọi thứ tiện nghi. Vừa hưởng ân vua vừa thấm nhuần, bây giờ về núi rừng đạm bạc chắc sẽ nhớ mãi ân vua.
Quân vương huống nữa như trời rộng
Mảnh mây xin để tự tại bay.
Đây là câu trả lời, vì nói chuyện với vua không thể nào nói thẳng được, cho nên phải nói trước cái ơn, cái nghĩa. Cuối cùng câu này là câu trả lời Quân vương huống nữa như trời rộng tức vua là chủ đất nước, chỉ cho Phật tánh của mình là chủ của tất cả bản thân và vạn vật, nó trùm khắp bao la, ví tợ như trời thênh thang. Thân này có lui tới thì chỉ là mảnh mây nhỏ đi trong đó. Chân trời xanh có động không? Không. Chân trời xanh bất động bởi thể tánh đã an trụ không biến đổi và diệu hạnh vô trụ là gì? Là mây vẫn bay trong đó nhưng không can hệ chân không trời này. Cho nên mảnh mây tới lui một cách chủ động nhanh chậm, lượn lờ hay bay vút gì cũng được, tan biến hay tụ thành cũng thế thôi, cũng bất động trong chân trời đó, gọi là diệu hạnh vô trụ.
Mảnh mây trong chân trời là ví dụ cho thân này với pháp thân. Khi ngộ Bát-nhã rồi, ngộ pháp thân rồi thì thân này tới lui, có động sao? Nếu thấy động là nhìn trên tướng, kẹt tướng là chưa ngộ. Còn người ngộ, sống bằng tự tánh thì tới lui tự tại có động bao giờ đâu. Ngài Đại Giác Liễn trả lời rất khéo, núi xanh là thể như như Bát-nhã, tôi lui tới có động bao giờ đâu, tôi đi được mà, bệ hạ thấy lấy bỏ sao? Nhằm trên thân tướng mà thấy mới thấy có lấy bỏ, còn ở tự tánh thì lui tới tự do, đâu ngại gì.
Qua lời khai thị trước khi lâm chung của thiền sư Vạn Hạnh và cả cuộc đời Ngài, chúng ta xoay trở lại nghi vấn của các nhà nghiên cứu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thiền sư Vạn Hạnh có khuất tất trong sự ra đời của Lý Công Uẩn. Chúng ta là hành giả, là người tu, chúng ta học, hiểu và tu, thấy ra nơi bản thân mình qua những gì Ngài dạy, sẽ thấy rõ điều vô lý trên qua ba chứng cứ.
Một là người trì chú nếu phạm giới sẽ không có linh nghiệm, nhưng ngài Vạn Hạnh tu thiền và tu mật, nói ra lời gì đều là sấm ký đúng, không sai. Như vậy có linh nghiệm thì không thể phạm giới.
Thứ hai là hành giả ngộ tánh không thể sống khác tự tánh này. Cụ thể thiền sư Tử Thuần bảo với ngài Hoằng Trí Chánh Giác rằng là: Ông chẳng thấy nói tạm thời chẳng còn thì đồng với người chết hay sao? Có nghĩa là người ngộ tánh trong phút chốc mà sống khác tánh này thì không chịu được, đó là một sự thật. Như vậy ngài Vạn Hạnh đã ngộ Ngài mới nói ra những lời cho chúng ta nghe, ít nhất là cuối đời Ngài còn nói về chỗ diệu hạnh vô trụ. Có nghĩa là Ngài ở trong tánh vô trụ đó, Ngài có sanh ra và viên tịch đi cũng không chạm đến tánh đó gọi là sanh tử tự tại, diệu hạnh vô trụ ở đó. Ngài nói ra đạo lý đó thì Ngài không thể sống khác, sống khác không chịu được. Đạo lý qua hiểu thì có quyền hiểu khác, hoặc có khi bất giác thì sống khác. Nhưng đã ngộ, khác đi trong này không chấp nhận được.
Thứ ba là nếu Ngài không thật tu thật ngộ thì trước lúc lâm chung, Ngài không thể tự tại được. Ngài vượt qua chỗ có trụ và không trụ thì tánh vô trụ hiện tiền, đạt đến diệu hạnh vô trụ. Cụ thể, có thị hiện sanh tử, đến đi nghĩa là sanh ra rồi tới lúc lâm chung là ra đi nhưng đạt đến diệu hạnh vô trụ thì không có đến đi, không sanh tử, tức đến đi sanh tử không chạm đến được tánh đó. Vì vậy đối với Ngài cũng không đến đi, sanh tử bao giờ. Đã như thế thì chắc chắn Ngài không giống như các nhà học giả nói, bởi vì học giả hiểu theo cách của họ. Họ sống trên đời này, muốn có niềm vui họ phải có gì đó,... còn chúng ta là người tu và nhất là thiền sư Vạn Hạnh thì Ngài vui với cái gì? Tất cả đều không, trả lại tánh mình thì tánh tự vui.
Có lần, có mấy vị nhà báo đến thăm rồi phát biểu. Thưa thầy, theo con nghĩ một con người bình thường mà nói tu như quý thầy, thanh tịnh, an vui, con không tin? Tôi nói, vậy quý vị có gia đình chưa? Dạ, có rồi. Có cuộc sống ổn định tốt không? Dạ, tiện nghi tốt. Đúng rồi, tại vì có gia đình, nhà lầu xe hơi, có cuộc sống tiện nghi. Tất cả những cái có đó cho quý vị hạnh phúc nên hạnh phúc của quý vị được đặt trên những cái có, thì quý vị sẽ không bao giờ biết cái hạnh phúc được đặt trên những cái không.
Quý vị đã không bao giờ chưa, để biết được người hạnh phúc trong cái không. Chưa từng mà, muốn biết quý thầy có thanh tịnh, an vui hay không thì chịu khó cạo đầu vô chùa tu hai chục năm, ngồi thiền như quý thầy rồi biết, chứ bây giờ mà không vào đây thì dù có nói cũng không bao giờ biết. Nếu không muốn thì cứ về, sống bình thường. Nếu muốn biết, cạo đầu, buổi sáng ba giờ thức dậy, ngồi hai tiếng đồng hồ kiết già. Xả thiền, ăn đạm bạc, rau tương. Đúng giờ ra lao tác, nóng lạnh không ngán, có khi bị la, bị quở. Tối tụng kinh xong, phải tọa thiền tiếp, lúc đó đi kinh hành đúng giờ mới được ngủ. Không được ngủ sáu tiếng như ngoài đời. Ngài Thiện Chiêu Phần Dương nóinhọc thân tâm rèn ý chí mới ra chuyện. Ở máy lạnh, nệm ấm chăn êm mà muốn biết được an lạc của người vượt thoát thì sao biết được.
Do quý vị quan niệm có, cho nên có hạnh phúc. Còn quý thầy là không cho nên được an lạc, tịch tĩnh, diệu thường. Mình có học có tu rồi, sau này ra ngoài có nghe ai nói gì thì phải tỉnh táo xem lại, đừng nên vội bị chi phối. Nếu bị phân tâm theo bên ngoài thì mình bị rối, tin theo người ta nữa thì sai.
Chánh văn:
Về sau vua Lý Nhân Tông có làm bài truy tán Sư rằng:
萬行融三際
真符古讖機
鄉關名古法
柱錫鎮王畿
Âm:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky (cơ).
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
Dịch:
Vạn Hạnh thông ba mé,
Thật hợp lời sấm xưa.
Quê nhà tên Cổ Pháp,
Dựng gậy vững kinh vua.
Vạn Hạnh dung tam tế theo nghĩa thông thường chỉ cho ba mé tức quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhưng sau này nhiều dịch giả nói tam tế là Phật, Khổng và Lão. Sư Ông nói theo ngài cách nói này hơi gượng ép, không hợp thực tế. Bởi vì xét theo hoàn cảnh bấy giờ thì thiền sư Vạn Hạnh là người thông suốt cả ba thời, cho nên chữ tam tế ở đây là ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Khi giặc tới Ngài biết bao lâu giặc sẽ rút lui, việc chưa đến mà biết đó là thông suốt vị lai. Vào thời điểm đang chuyển giữa họ Lê qua nhà họ Lý, Ngài ngồi tại chùa mà biết rõ việc xảy ra trong thành nội là thông suốt về hiện tại...Như vậy quá khứ, hiện tại, vị lai Ngài đều thông suốt, nên vua mới tán thán Ngài là người thông suốt tam tế.
Thật hợp lời sấm xưa tức là rõ ràng không nghi ngờ. Ngài xuất thân từ quê nhà làng Cổ Pháp, cầm gậy thiền chống đỡ, nhờ đó mà triều đình dân chúng đều được bình an. Lời tán thán của vua dành cho Ngài thực là trọng hậu. Đối với sự nghiệp nhà Lý, sư Vạn Hạnh có công gầy dựng giúp cho vua nhà Lý được vững bền. Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Lý trị vì lâu nhất, gần hơn hai trăm năm. Nếu xét ra không có đời vua nào sánh bằng, ngay cả đời Trần cũng chỉ gần hai trăm năm thôi. Suốt triều đại nhà Lý đất nước luôn được bình an thịnh vượng.
Nói thêm về nơi thiền sư Vạn Hạnh làm Phật sự để quý vị biết thêm tiểu sử và câu chuyện cuộc đời của Ngài. Dấu tích của thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn được ghi lại tại chùa Tiêu, tên chữ là chùa Thiên Tâm. Đây là nơi trải qua nhiều đời cao Tăng trụ trì hoằng dương chánh pháp. Đặc biệt chùa Tiêu từng là nơi trụ trì của nhiều vị thiền sư đắc đạo. Ví dụ thiền sư Như Trí, hiện nay nhục thân của Ngài vẫn còn lưu lại. Nơi đây còn là trú xứ của một vị quốc sư nổi tiếng là thiền sư Vạn Hạnh đã dạy dỗ Lý Công Uẩn trở thành một vị vua đầy huyền thoại. Từ đó lịch sử chùa Tiêu Sơn gắn liền với sự ra đời của một vị vua sáng lập triều đại nhà Lý, đó là vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Hai câu đối trước chùa nhắc lại sự tích này đó là:
Lý gia linh tích tồn bi ký,
Tiêu lĩnh danh khu đắc sử truyền.
(Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc,
Danh thắng non Tiêu có sử truyền.)
Ở giữa nhà có đặt một tấm bia đá nhám, kích thước 60x40x25cm. Mặt chính khắc bốn chữ là Lý gia linh thạch, tức là bia đá linh thiêng đời nhà Lý. Trước đây tấm bia này ở ngoài vách núi, ba mặt bị đất cỏ che lấp cho nên cho chuyển vào trong nhà bia. Mặt sau có khắc chữ Hán trong đó có một đoạn viết thế này:
Chùa Thiên Tâm có Ngài Lý Vạn Hạnh Trụ trì tăng viện, người làng Cổ Pháp. Đặc biệt phía Đông chùa, bên tả ngạn sông Tương có bà họ Phạm, mỗi khi lên chùa thắp đèn dâng hương, thường thấy một vị thần hầu đứng cạnh cột chùa. Vị thần này bảo đi theo vào giữa hang núi lấy của. Điềm hóa khói hương bay hiện Lục giáp thần thông. Từ đó, bà gẫm lại sự việc hiện nơi mặt đá lúc bà ngồi trên núi (thấy trong người có sự linh nghiệm khác thường). Rồi ngẫu nhiên có thai sinh người con họ Lý (Lý Công Uẩn).
Đây là đoạn dịch trong nguyên bản chữ Hán khắc trong tấm bia đá ở chùa Tiêu (chùa Thiên Tâm) ở Bắc Ninh.
Ngay sau ngày bà Phạm Thị có thai, vì lễ giáo thời đó nên bà không thể về quê mẹ ở Hoa Lâm. Bà được Lý Khánh Văn, em trai Lý Vạn Hạnh (Thiền sư Vạn Hạnh) đưa về Đầm Sấu chăm sóc. Ngày 12 tháng 12 năm Giáp Tuất (974), bà sinh Lý Công Uẩn tại cái am nhỏ ở chùa. Từ đó ngôi chùa được dân gian gọi là chùa Dặn.
Lý Công Uẩn tư chất thông minh lại được Lý Khánh Văn nuôi dạy chu đáo. Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lê Long Đĩnh mất, được sự trợ giúp của Quốc sư Vạn Hạnh, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tổ, trở thành vị vua khai sáng triều Lý.
Chúng ta cần biết rõ lịch sử để khi có những tư duy chưa tới, mình biết để giải thích. Có một lần có một vị giáo sư hỏi quý Thầy là con muốn làm một viện bảo tàng khôi phục lại tinh thần của đời Trần ở Trúc lâm Yên Tử, thầy cho ý kiến góp ý thêm. Quý Thầy nói giáo sư là người tài giỏi lại cũng có dạy bộ môn này, có nghiên cứu nhưng mà để góp ý thì quý Thầy chỉ có ý nhỏ thôi. Chúng ta muốn biết điều gì thì chúng ta ở trong cái xuất xứ đó mới biết được. Vua Trần Nhân Tông ở đâu để Ngài tu sáng đạo? Ở đâu để Ngài sáng tác ra những áng thơ văn đó? Ở trong núi Yên Tử để tu, sáng đạo trong núi Yên Tử và trong tự tánh vắng bặt mà làm ra những áng thơ, áng văn, bài kệ đó. Hiện nay, nếu chúng ta dùng tâm loạn động ở ngoài quán cafe, ngoài đường phố để mà hiểu về trong núi rừng thì e là tội nghiệp cho mình. Tại vì mình có hiểu lầm Ngài cũng không dính dáng, Ngài đâu có sợ, cũng không can hệ đến Ngài. Nhưng hiểu sai Ngài thì chúng ta không học được ở Ngài thì tội nghiệp cho mình. Có nghĩa là khổ đau của mình vẫn còn mà thôi. Nói thêm như vậy để đại chúng có những mở mang, hiểu biết, sau đó học hiểu, tu tập thêm, tư duy thêm. Sau này bước ra, nghe ai nói gì đó, mình tỉnh lại coi nó như thế nào. Sau đó bằng cái học kĩ, tu kĩ của mình, bằng cái tâm hiện tiền đây, đem cái lý thuyết đã học cộng với thực tiễn hiện tiền để khẳng định và nói lên điều đó thì không trật đi đâu được. Còn nếu nói tôi nghĩ thế này, tôi tư duy thế kia thì ngày mai sẽ nghĩ khác. Nhất là nói về thiền sư, chúng ta phải dè dặt, không thể tùy tiện được.