ĐĐ.Thích Tâm Hạnh.
Trong những lần được hầu chuyện và thưa hỏi đạo lý, Hòa thượng ân sư đã chỉ dạy và nhấn mạnh giá trị của sự tu tập để sách tấn quý thầy. Có lần Ngài nói: “Tôi thấy mấy chú bây giờ còn trẻ mà sao để thời giờ phí quá!”. Đang lắng nghe nói về giá trị đạo lý, bất chợt Hòa thượng bảo “sao để thời giờ phí quá”, quý thầy giựt mình. Tự trong sâu thẳm lòng mình thôi thúc tôi tự hỏi:
“Như vậy lâu nay mình đã sống trọn vẹn hết thời giờ chưa? Mình có để lãng phí thời giờ hay không? Và bằng cách nào để chúng ta sống một cách có ý nghĩa, không để lãng phí thời giờ đúng như lời Hòa thượng tôn sư chỉ dạy?”
Từ suy nghĩ đó, hôm nay quý thầy sẽ nói chuyện với toàn thể quý vị đề tài: “Chớ để thời giờ qua suông”.
I/ CHƯ TỔ TÔN TRỌNG GIÁ TRỊ THỜI GIAN.
Trong bài “Tham Đồng Khế”, phần cuối, Thiền sư Thạch Đầu nói:
Cẩn bạch tham huyền nhân
Quang âm mạc hư độ.
Nghĩa là:
Kính bạch bậc tham huyền
Thời giờ chớ để luống qua.
Lời Ngài nhắc nhở thật là thiết tha! Ngay dưới bài đó, Thiền sư Pháp Nhãn có lời chú: “Ơn lớn vòi vọi khó đền.” Tiếp theo lời chú của ngài Pháp Nhãn, một vị Thiền sư nổi tiếng nữa là Ngài Đức Hồng Giác Phạm, còn có một hiệu khác là Tịch Âm tôn giả cũng có lời tán thán: “Pháp Nhãn quả là bậc thấy được tâm của Tiên đức”. Có nghĩa là Ngài Pháp Nhãn đúng là một vị thấy được tâm của Ngài Thạch Đầu.
Bài “Tham Đồng Khế” nói lên chỗ của những vị tham thiền khế hợp, nói đến lý mầu huyền diệu cao sâu, nhưng tại sao cuối bài Ngài lại nhắc “chớ để thời giờ luống qua”? Mới nghe qua thấy rất bình thường, chắc Ngài cũng chỉ nhắc nhở cho mọi người biết quý tiếc thời giờ vậy thôi. Nhưng với Ngài Pháp Nhãn thì thấy là một cái ơn lớn rất khó đền, Ngài Tịch Âm Tôn giả lại khen Ngài Pháp Nhãn là người thấy được tâm của bậc tiên đức, có nghĩa là thấy được tâm từ bi tha thiết của Ngài Thạch Đầu. Quý vị có thấy được tâm của ngài Thạch Đầu tha thiết thương chúng ta như thế nào chưa?
“Bậc tham huyền” là những hành giả tham cứu thiền thấu suốt đến chỗ huyền vi, tham tột đến chỗ yếu diệu của đạo. Thiền sư Thạch Đầu nói “kính bạch bậc tham huyền, thời giờ chớ để luống qua”, tức là Ngài thấy rõ và nói lên một cách chí thiết để nhắc thức cho những ai là người thiết tha tu hành, muốn đạt đến chỗ sâu xa mầu nhiệm của đạo lý thì đừng để thời giờ luống trôi qua suông.
Quý Ngài là những bậc Tông sư lỗi lạc của một thời. Hơn thế nữa, ở đây cả ba bậc tác gia cùng xướng họa khen nhau, có nghĩa là quý Ngài đã thầm khế hợp, đồng cảm thông nhau, cùng gặp nhau trong chỗ yếu diệu. Từ đó thấy rõ tầm quan trọng thiết yếu và sự lợi hại của việc quý tiếc thời giờ cho nên hết lòng răn nhắc người sau. Để thấu suốt, thấy rõ tại sao các Ngài lại đề cao và nhắc nhở người sau một cách thống thiết như vậy, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu tại sao phải quý tiếc thời giờ?
II/ TẠI SAO PHẢI QUÝ TIẾC THỜI GIỜ?
Nếu nói hết những nguyên nhân từ nhỏ nhặt cho tới lớn thì rất nhiều. Nhưng tóm gọn lại, theo quý thầy có ba nguyên nhân chính.
1/ VÌ TRÂN QUÝ DUYÊN LÀNH ÍT CÓ, KHÓ ĐƯỢC MÀ NGÀY NAY MÌNH ĐÃ CÓ ĐƯỢC.
Khi nhận ra được một cái gì đó ít có và khó gặp thì chúng ta sẽ rất quý trọng, tìm cách giữ gìn và làm cho nó tăng trưởng, không dám để bị cuốn mất đi. Nhưng thời gian trôi qua lại cuốn phăng cái quý báu đó đi, chuỗi ngày còn lại để mình may mắn còn có được nó thì quá ít ỏi nên chúng ta rất tôn trọng, trân quý. Chính vì trân quý như vậy cho nên không dám để một phút giây nào lơi lỏng, trôi suông.
1.a/ Thân người khó được.
Trong Kinh nói “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn” có nghĩa là “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Hiện nay chúng ta thấy con người ở trên quả địa cầu này quá nhiều, nhưng tại sao đức Phật lại nói làm thân người khó được? Có mâu thuẫn hay không? Tuy trên quả địa cầu này đang có nhiều chúng sanh được làm người, nhưng so với các chúng sanh ở những loài khác, chưa được làm người thì quá nhiều cho nên chúng sanh đang được làm người vẫn còn rất ít.
Trong Kinh Tạp A-hàm đức Phật ví dụ, ví như cả đại địa đất liền này đều biến thành biển cả, trên biển đó có một khúc cây trôi dạt từ đông sang tây. Có con rùa mù tuổi thọ sống đến một vạn năm, cứ mỗi một trăm năm nó mới trồi đầu lên một lần. Quý vị thử nghĩ, con rùa mù đó có dễ dàng gặp được bọng cây trôi dạt kia để chui vào trong hay không? Rất là khó! Vậy mà đức Phật nói được thân người còn khó hơn thế nữa!
Cũng trong một bài kinh đức Phật nói, ví như đất dính ở trong móng tay của Ngài và đất của cả đại địa thì những chúng sanh có được thân người chỉ như đất trong móng tay, còn những chúng sanh đi trong các đường khổ chưa được làm người giống như đất của quả địa cầu này. Ngài đã dùng Phật nhãn xem thấy rõ như vậy. Mới thấy, được làm thân người khó đến dường nào!
Vì vậy các bậc cổ đức nói:
Thiên niên thiết thọ khai hoa dị
Nhất thất nhơn thân vạn kiếp nan.
Nghĩa là “cả ngàn năm cây sắt mới trổ hoa một lần vẫn còn là dễ, nhưng một phen mất thân người rồi thì muôn kiếp khó được lại”. Ngày hôm nay chúng ta đã hội đủ phúc duyên nên mới có được thân người chứ không phải dễ dàng. Đã được làm thân người rồi, còn được đầy đủ căn trí, lại được gặp minh sư, nghe pháp, đó là một điều khó hơn. Cái ít có, khó được mà ngày nay chúng ta đã có, đã được thì phải biết trân quý, dốc hết lòng để giữ gìn và làm tăng trưởng duyên lành, không để bị thuyên giảm, lui sụt, mất đi.
1.b/ Chánh pháp khó nghe.
Xưa kia, trong một tiền kiếp, đức Phật là một nông dân ra đời không gặp Phật để nghe pháp, không có Tỳ kheo tăng để cầu pháp. Ngài thiết tha cần cầu chánh pháp nhưng không có ai nói pháp cho nghe. Có một người hàng xóm bảo: “Tôi biết ba điều giới luật”. Anh nông dân nghe thế trong lòng rất vui mừng quỳ xuống khẩn cầu. Người hàng xóm bảo: “Phật pháp vô thượng, ông chỉ muốn được nghe suông thôi sao?” Anh nông dân hỏi: “Vậy phải làm sao?” Người hàng xóm bảo: “Mỗi lỗ chân lông châm vào một cây kim, máu chảy ra như suối mà không có tâm hối tiếc thì mới được”. Anh nông dân vui mừng thưa: “Dẫu giết chết thân này tôi vẫn vui vẻ làm theo, huống nữa là còn sống?”. Anh nông dân liền ra chợ mua kim rồi tự tay châm vào thân thể mình, máu ra như suối. Người hàng xóm cảm phục ý chí của anh bèn trao cho bài kệ:
Giữ miệng và nhiếp ý,
Thân không phạm điều ác.
Trừ được ba hành này,
Thẳng tắt thành bậc Hiền.
Anh nông dân nghe xong trong lòng rất vui mừng, thân thể liền được bình phục như cũ, trời người đều khen ngợi. Từ đó càng thêm tinh tấn, trải qua nhiều kiếp không hề biếng nhác cho đến ngày thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Châm kim đầy mình, máu ra như suối chỉ để được nghe một bài kệ. Vì trân quý chánh pháp, dốc hết tâm quên mình cầu đạo cho nên vị nông dân này mới thiết tha, hết lòng siêng năng tu tập, trải qua thời gian lâu dài vẫn không hề chán mỏi, mới thành chánh quả. Như vậy, muốn nghe được chánh pháp là khó hay dễ? Ngày xưa, ra đời gặp thời không có ai nói pháp thì mới thấy chánh pháp khó được nghe. Do đó khi nghe được thì thấy vô cùng quý giá, dốc tâm tu hành. Còn ngày nay được nghe nhiều quá, phương tiện nghe pháp cũng dễ dàng quá cho nên sự tu hành cũng khiêm nhường, ít tiến bộ được như người xưa.
Hiện nay quý Thầy giảng nói khá nhiều, kinh luận in ấn cũng nhiều, phương tiện thông tin đại chúng hiện đại hơn rất nhiều nên chúng ta thấy chánh pháp vẫn dễ được nghe. Tuy được nghe nhiều, nhưng lắm lúc chúng ta cảm thấy khó hiểu, chưa thông hiểu hết nghĩa lý cho nên cũng đồng với nghĩa “khó nghe”. Có khi mình ngồi nghe mà còn buồn ngủ, hoặc tuy có chú ý nghe mà cũng cảm thấy khó tiếp thu, khó hiểu sâu đúng nghĩa, thành ra cũng là khó nghe. Như vậy quý vị đã thấy chánh pháp là khó nghe như thế nào chưa?
1.c/ Tóm kết.
Trong Kinh Kim Cang cũng như các kinh điển Đại Thừa, đức Phật thường nhấn mạnh:
“Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người đối với chương cú này mà hay sanh lòng tin, cho những điều đó là thật thì phải biết người ấy chẳng phải chỉ ở nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật gieo trồng căn lành, mà đã ở nơi chỗ vô lượng, ngàn vạn đức Phật gieo trồng các căn lành”.
Ngày nay mình đã được làm thân người, đầy đủ căn trí, được nghe chánh pháp, tin được diệu lý tối thượng, tin nơi chính mình có Phật tánh, hiểu được giáo lý thâm sâu và còn thực hành, ứng dụng tu tập nữa, thì phải biết rằng đó là duyên lành rất lớn của mình đã huân tu từ nhiều đời chứ không phải chuyện thường. Chúng ta phải nhận biết cho rõ thì mới biết trân quý và giữ gìn, làm cho duyên lành đó ngày càng tăng trưởng thêm.
Tất cả chúng ta giống như một đoàn người đang cùng đi trên một chuyến tàu sanh tử mà điểm cuối là con tàu sẽ lao xuống đáy biển. Chuyến tàu sanh tử ấy đang lao dần và tiến gần đến điểm cuối không còn bao xa nữa. Chúng ta từ khi sanh ra trên cuộc đời này, lớn lên, mỗi ngày qua là mỗi ngày thân thể và sức khỏe hao mòn, rồi đến già, bệnh… đó là dấu hiệu cho thấy con tàu nó gần đâm đầu xuống đáy biển. Và tới lúc ai rồi cũng phải tạm biệt cõi đời để ra đi. Cuộc đi ấy người người đều chung chịu, dù có sợ hãi hay lo lắng bao nhiêu cũng không thể tránh khỏi. Nếu là người biết thương mình, biết lo cho mình thì ngay từ bây giờ phải chuẩn bị kết phao để tự cứu mình. Mỗi vị tự chọn cho mình một cái phao. Phao gì tùy ý, miễn khi con tàu lao xuống đáy biển, chúng ta không bị chết chìm là sáng suốt.
Trong lời tựa quyển “Kiến Tánh Thành Phật” của Thiền sư Chân Nguyên, Ngài nói bài kệ “Khuyến Đàn-na”:
Quyến thuộc giai xả khứ
Tài hóa tán hoàn tha
Đản trì tự thiện căn
Hiểm đạo sung lương thực.
Có nghĩa là:
Quyến thuộc đều bỏ đi
Tiền của trả lại người
Chỉ căn lành gìn giữ
Đường hiểm lương thực đầy.
Đi trên con đường nguy hiểm, nhưng có lương thực đầy đủ thì không còn lo lắng gì cả. Hễ mệt chỗ nào thì ngồi lại nghỉ ngơi và ăn ở chỗ đó. Lương thực đó chính là căn lành. Biết lắng nghe chánh pháp, khéo ứng dụng tu tập là biết gìn giữ căn lành. Căn lành tăng trưởng, đó là loại lương thực rất cần thiết giúp cho chúng ta được an toàn khi đi trên con đường hiểm nguy sanh tử. Ngài Chân Nguyên đã thấy rõ và nhắc thức tất cả chúng ta biết trước như vậy để chuẩn bị tư lương cho ngày ra đi.
Cũng như mỗi người chúng ta đều có một chiếc xe, sử dụng một thời gian rồi cũng sẽ bị hư hoại. Khi chiếc xe sắp hư hoại, có người rất lo lắng, có người lại bình thường. Nếu trong quá trình sử dụng, chỉ biết đi xe mà không biết tu sửa xe, lo sống bê tha, không biết tận dụng thời giờ để làm ra tiền của thì khi chiếc xe gần hỏng, chúng ta phải lo lắng thôi. Nếu ai đó tranh thủ, chăm chỉ, biết tận dụng thời gian để làm ra thật nhiều tiền, được giàu có thì khi chiếc xe cũ bị hư, quý vị có bị hụt hẫng không? Xe hư mà tiền của có thừa thì muốn mua chiếc xe khác tốt hơn hay không cần mua nữa là quyền mình thôi, có gì phải lo sợ! Chiếc xe là dụ cho tấm thân tứ đại mà mỗi người chúng ta đang sống đây, tiền của giành dụm được chính là sự huân tu và phước đức của mình. Hiện nay chúng ta đang có một mái ấm gia đình, có một cuộc sống tương đối ổn định là do phước đức mình đã tích lũy từ đời trước. Nhưng nếu trong cuộc sống hiện tại không biết tu tạo, vun bồi mà chỉ tiêu xài cái của quá khứ thì có ngày nó cũng sẽ hết. Khi sắp ra đi, chúng ta sẽ hoảng hốt, lo sợ. Ngược lại, nếu biết ứng dụng tu tập, sống tỉnh giác, không quan trọng mình và mọi thứ một cách thái quá mà luôn nghĩ đến người khác, sẵn sàng làm bất cứ điều tốt gì trong khả năng có thể làm được thì khi sắp lâm chung, giống như người giàu sang đổi xe, không có gì lo sợ cả. Như vậy, nếu mọi thứ đã được chuẩn bị từ trước thì khi chiếc xe cũ hư hoại, chúng ta vẫn bình thường, chủ động, an ổn, vui vẻ mà không có gì buồn lo hay sợ sệt, nếu còn sợ sệt nghĩa là chưa chuẩn bị đủ tiền. Điều này mỗi người trong chúng ta cần phải xem xét để kiểm tra lại tài khoản của mình, xem hằng ngày có dành dụm được đồng nào hay không? Nếu có thì tài sản của mình đã đủ chưa?
Trong Kinh Tạp A Hàm, đức Phật nói thế gian này có bốn hạng người: hạng thứ nhất đi từ tối đến tối, hạng thứ hai đi từ tối đến sáng, hạng thứ ba đi từ sáng đến tối và hạng thứ tư đi từ sáng đến sáng.
Đức Phật đã nói rõ bốn hạng người cho chúng ta biết, quý vị muốn làm hạng người nào thì tùy mỗi người tự chọn để sống. Không ai có thể sống dùm cho mình nên cũng không người nào có quyền chọn lựa thay cho mình được.
Ngài Tuyên Luật Sư ở núi Chung Nam thương xót cho người sau nên đã nhắc thức: “Chỉ nên đời sau hơn đời này, chớ để đời này hơn đời sau”, hay nói rõ hơn là đừng để đời sau tệ hơn đời này. Ngày hôm nay mình không nói là sáng hay tối, chuyện hôm nay là chuyện của hôm nay, nhưng nếu biết chọn đúng và sống cho trọn vẹn với những gì mình đã chọn thì chúng ta sẽ thấy được cái sáng sủa của mình ngày mai. Được như vậy thì càng về sau càng được thăng tiến hơn. Còn nếu để đời sau trì trệ hơn đời này thì thật đáng tiếc!
Ngày nay chúng ta đã được làm người, có đầy đủ trí tuệ, đầy đủ các căn lành, cuộc sống ổn định, còn được gặp minh sư, được nghe chánh pháp, khéo ứng dụng tu tập để thoát khổ sanh tử. Nếu nói là tối ưu thì cuộc đời này chưa người nào có được cái phước tối ưu tuyệt đối. Nhưng với ngần ấy phước đức mình đang có, nhìn lên tuy chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng có người chưa được may mắn như mình. Như vậy, hiện nay những gì đang có cũng là đáng quí lắm rồi.
Khi đã biết rõ sự có mặt của mình hôm nay là một phước duyên lớn do đã gieo trồng từ nhiều đời trước; một phen mất đi, muôn kiếp khó gặp lại thì chúng ta sẽ rất trân quí nó để tiếp tục vun bồi và phát huy thêm. Nhưng thử nghiệm xem, khoảng thời gian còn lại cho phép mình làm công việc đó là nhiều hay ít? Rất ít. Đã ít rồi mà mỗi ngày qua nó lại bào mòn đi mạng sống, cướp đi khoảng thời gian còn lại của mình thì quý vị có dám lơi lỏng hẹn nay hẹn mai để cho thời giờ nó trôi suông một cách hoang phí hay không? Còn ít mà lại bị cướp dần đi thì chúng ta phải trân trọng, tranh thủ chứ không dám hẹn nữa rồi. Nếu thấy rõ như vậy thì sẽ rất quý tiếc thời giờ, tranh thủ tận dụng khoảng thời gian mình còn có được để làm những gì có ý nghĩa nhất. Được vậy thì mỗi ngày qua là một ngày sống có ý nghĩa, sau này sẽ không hối tiếc, ăn năn cho quãng đời đã sống qua. Đó là lý do thứ nhất quý vị cần ý thức để quí tiếc thời giờ.
2/ VÌ VÔ THƯỜNG MAU CHÓNG, KHÔNG HẸN VỚI BẤT CỨ AI.
2.a/ Vô thường già bệnh, không hẹn với ai.
Con người chúng ta hễ có sanh ra, có lớn lên thì có già và rồi sẽ chết. Cuộc vô thường không tha bất cứ một ai. Hơn nữa cái già, cái bệnh, cái chết nó không báo cho ai biết trước hết. Muốn già là già, muốn bệnh là bệnh, nhỡ không may ngày mai mình có chết đi nữa thì hôm nay nó cũng không thèm báo trước cho mình biết gì cả. Chính vì không báo trước cho nên nó rất nguy hiểm. Bởi vậy không ai dám chắc khoảng thời gian còn lại của mình là dài được.
Trong Kinh A Hàm, đức Phật dạy có bốn việc không báo trước cho người hay biết: Một là đầu bạc, hai là già, ba là bệnh và bốn là chết. Bốn việc này tránh cũng không được mà bỏ cũng không xong. Mới thấy mình còn trẻ đây, lo làm ăn, lụi hụi thời gian sau soi gương nhìn lại thì tóc đã bạc hồi nào không hay biết. Vậy thì vô thường có hẹn với chúng ta hồi nào đâu? Nếu có hẹn thì mình phải được nó báo cho biết trước, đằng này đợi đến khi soi gương kiểm tra lại mới giựt mình thấy tóc bạc quá nhiều. Như vậy là nó không hẹn với ai cả. Bệnh cũng vậy, hôm qua mới khỏe mạnh đó, sáng nay thức dậy đột nhiên nghe trong người chóng mặt, nhức đầu, không được khỏe thì mới biết là bị bệnh, không được báo trước một tiếng nào hết. Nếu bệnh thông thường thì không nói, thời đại này có nhiều loại bệnh rất nguy hiểm và đến một cách bất ngờ không ai lường trước được. Cho đến cái chết nó cũng xảy đến rất đột ngột, bất thường.
Như vậy bốn việc này không ai tránh được và nó cũng không hẹn cho ai biết trước. Nó có thể đến với bất cứ ai trong bất cứ lúc nào mà không ai có thể đoán biết được cho nên bản chất của nó rất nguy hiểm. Nghiệm cho kỹ mới thấy rõ bản chất của sự vô thường là nguy hiểm và mau chóng, thời gian còn lại cho chúng ta sống được và làm những gì cần làm không còn nhiều nữa. Tự thân mình cảm nhận một cách sâu sắc và thấm thía như vậy thì mới thấy quý tiếc thời giờ, thấy rằng mỗi ngày qua là một sự mất mát cho nên không dám buông lung để thời gian trôi qua một cách vô ích.
2.b/ Con người thì hay hẹn.
Tuy sự vô thường nhanh chóng, không hẹn với bất cứ ai, nhưng con người chúng ta thì thường hay hẹn. Hôm nay hơi mỏi mệt một chút thì hẹn ngày mai tu. Bữa nay tính lên chùa nhưng bận quá nên hẹn tháng sau lên. Nó không hẹn với mình, nó không dừng lại và cũng không cho mình biết trước, nhưng mình lại hẹn với nó thì chúng ta đã bị lầm, bị thất trận rồi. Nếu cứ tiếp tục hẹn như thế thì chắc chắn sẽ mãi mãi chuốc lấy thất bại, chuốc lấy sự mất mát lớn lao mà không mang lại được lợi ích gì cho một ai cả.
Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Ngu Ám có ghi lại câu chuyện:
Khi Phật trú tại nước Xá Vệ, trong thành có vị Bà la môn gần tám mươi tuổi, giàu có vô kể. Nhưng ông là người khó độ, không tin đạo đức, không biết vô thường và ham thích cất nhà to lớn sang trọng. Ông ra sức cất nhà trên, nhà dưới, đài hóng mát, nhà sưởi ấm, dãy bên đông, dãy bên tây… tất cả mấy mươi gian, duy chỉ còn mái hiên che nắng căn nhà sau là chưa xong. Vị Bà la môn để hết tâm trí lo chỉ huy mọi người làm việc. Đức Phật dùng Phật nhãn thấy mạng ông này sống không hết ngày hôm đó, thế mà ông không tự biết, cứ mãi miết lo tính nhọc nhằn đến nỗi thân thể tiều tụy, thật đáng thương. Đức Phật cùng Ngài A Nan đi đến nhà ông thăm hỏi:
- Ông có mệt nhọc lắm không? Nhà cửa xây dựng nhiều như vậy dùng để làm gì?
Ông lão đáp:
- Nhà trước dùng để tiếp khách, nhà sau dùng để ở, hai dãy bên đông bên tây dành cho dâu con, tôi tớ và cất chứa của cải. Mùa hạ thì lên đài hóng mát, mùa đông lại vào phòng sưởi ấm.
Chút xíu nữa là đến lúc phải chết rồi mà còn ở đó nói đủ thứ chuyện. Nhưng tại sao đức Phật không nói thẳng cho ông biết mà phải hỏi một câu nhẹ nhàng để đặt vấn đề như vậy? Quý vị thử đến nhà một người chưa sẵn sàng nghe Phật pháp, người ta đang hăng hái để cất nhà như vậy mà bước vào nói “Thôi, vô thường chết tới nơi rồi, cất nhà làm gì cho uổng công” thì họ có nổi trận xung thiên mắng cho mình một trận không? Cái mê lầm sâu dầy của chúng sanh là như vậy. Chưa đủ nhân duyên, họ không nghe được sự thật. Vì thế đức Phật mới hỏi tế nhị trước để khơi mở cho ông nhận biết, nhưng ông đang còn hăng hái cất nhà quá nên không nhận ra đức Phật muốn nói gì. Nếu có chúng ta ở đó, thấy ông lão gần chết rồi mà không biết, còn hăng hái sắp xếp mọi việc một cách say sưa thì vừa thương cảm cho ông, vừa nín cười không được. Thương cảm và cười cho ông lão ấy mà có nhớ mắc cười và thương cho mình không? Mình còn sống được bao lâu nữa, có ai biết trước không? Hiện tại có vì hăng hái lo đủ thứ một cách thái quá để phải đánh mất cả chính mình giống như ông lão kia không? Có lẽ không lo bằng ông lão đó, nhưng cũng chỉ thua ông ta chút chút thôi!
Đức Phật nói:
- Đã lâu nghe danh đức của ông mà nay mới có dịp trò chuyện. Tôi có một bài kệ quan trọng có ích lợi cho cả kẻ còn và người mất muốn đem tặng ông. Không biết ông có vui lòng nghỉ tay ngồi nói chuyện một lát không?
Ông lão đáp:
- Hôm nay bận lắm, không thể ngồi trò chuyện, xin hẹn hôm khác đến sẽ thong thả luận bàn. Còn bài kệ quan trọng gì đó xin nói ngay đi.
Một lát nữa là chết rồi mà còn hẹn hôm khác! Lúc bấy giờ đức Thế tôn nói ba bài kệ, quý Thầy dẫn điển hình một bài cho quý vị cùng nghe. Ngài nói:
Có con, có tài sản
Người ngu phải rộn ràng.
Ta còn không thật có
Lo gì của và con.
“Đây là con ta, đây là tài sản của ta, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế mà họ không biết rằng, chính ta còn không thật có huống nữa là con ta hay tài sản của ta?” Thử chiêm nghiệm lại, con ta, tài sản của ta mang lại hạnh phúc cho ta, từ ta mà định hình, từ ta mà có ra. Nhưng xét lại, chính ta thật có hay không? Ai rồi cũng già, cũng đang bệnh và đang chết dần chết mòn từng phút từng giây thì thân tâm sanh diệt không bền chắc này có gì thật được! Chính ta đã không thật có thì dựa vào đâu để nói là con ta hay là tài sản của ta! Cụ thể nhất là lát nữa đây ông lão sẽ chết thì cái ta tạm tồn tại đó không có gì bền chắc lâu dài được. Vậy mà lại còn lăng xăng đi lo cho con ta, cái nhà của ta, tài sản của ta nữa. Khi chết rồi thì bao nhiêu thứ gọi là “của ta” đó đều trở nên vô nghĩa, nhưng phần đông chúng ta thường chạy theo cái vô nghĩa đó mà quên đi, không biết lo cho cái gốc chính nơi mình. Đó là điều thật đáng thương cho tất cả chúng ta.
Vị Bà-la-môn này nghe Phật nói kệ rồi mà vẫn chưa tỉnh ngộ:
- Bài kệ này hay thật. Nhưng hôm nay tôi rất bận, xin bữa khác hãy đến bàn luận.
Đức Phật chỉ còn biết thương xót và ra đi. Ông lão tiếp tục đích thân chỉ huy mọi người gác đòn tay. Bất ngờ cây đòn tay rơi xuống trúng vỡ đầu và chết. Con cháu than khóc động cả xóm làng xung quanh. Đức Phật đi chưa bao xa liền xảy ra biến cố này. Khi đến đầu làng, Ngài gặp vài mươi người Phạm Chí hỏi Phật:
- Ngài từ đâu lại?
Đức Phật đáp:
- Ta vừa đến nhà ông lão mới chết để thuyết pháp cho ông nghe. Nhưng ông ta không tin lời Phật, không biết lẽ vô thường, giờ đây bỗng chốc đã sang đời khác.
Rồi đức Phật nói lại bài kệ trước cho các Phạm Chí này nghe, ai nấy đều hoan hỷ chứng được Pháp nhãn.
Cùng một bài kệ đó, nhưng tại sao ông Bà-la-môn không chịu nghe mà các Phạm Chí này mới nghe qua lại chứng được con mắt pháp thanh tịnh nhanh như vậy? Bởi vì khi đức Phật nói kệ, ông Bà la môn còn lo để tâm vào việc cất nhà, không chí thành nghe nên không thấm được. Còn các vị Phạm chí này nghe nói ông lão kia không tin bài kệ, mới đó đã chết rồi thì giựt mình, cái chết đến với ông lão ấy hết sức đột ngột thì nó cũng sẽ đến với mình bất cứ lúc nào. Khi thấm sâu như vậy, trong lòng không thấy có gì quan trọng để vướng bận, tâm về một mối, lòng hết sức chí thành nên vừa nghe đức Phật nói qua bài kệ thì các vị Phạm Chí liền chứng được Pháp nhãn thanh tịnh. Tâm còn phân tán, loạn động, dính mắc mọi thứ bên ngoài; lòng không chí thành, tha thiết thì dù có gặp Phật ra đời cũng không cứu được!
Nghiệm kỹ lại mới thấy vô thường rất nhanh chóng, nó đến một cách bất ngờ, không hẹn với bất cứ ai. Vì thế chúng ta thường bị chới với, hoảng sợ trước vô thường bởi chưa kịp chuẩn bị gì cho mình một cách đúng nghĩa. Ông lão trong câu chuyện trên đã gần kề với cái chết rồi mà vẫn còn lo đủ thứ bên ngoài. Và cuối cùng ông đã lo được gì, hay chỉ lo cho một cái rỗng tuếch rồi một mình phải lủi thủi ra đi, gánh chịu một đống nghiệp mà mình đã gây tạo? Chẳng khác nào một người đang ngủ mê nói mớ, ở trong mộng mà lăng xăng đặt bày lắm chuyện, nào là đánh số đề, nào là mua vé số được trúng giải đặc biệt… Khi mở mắt ra, có tìm lại được gì không? Vậy mà đã có lúc ta mãi miết trong mộng quá say để rồi khi choàng thức giấc, ôm gối mộng mà lòng cứ vẫn bàng hoàng chưa chịu tỉnh! Người xưa nói:
Bách niên thế sự tam canh mộng,
Vạn lý càn khôn nhất cục kỳ.
Việc thế sự trăm năm chỉ là ba canh mộng, đất trời muôn dặm cũng chỉ một cuộc cờ. Giấc mộng của một đêm là giấc mộng ngắn, đời người là một giấc mộng dài. Dài hay ngắn thì mộng vẫn là mộng. Mình đang còn mộng thì việc trong mộng có gì thật đâu. Cái không thật mà dốc sức lo cho nó một cách thái quá, để rồi dòng thời gian cứ thế cuốn trôi đi. Cho đến một ngày hay ra thì mọi thứ đã muộn màng, hụt hẫng, hoảng hốt, chơi vơi, không nơi nương tựa, lúc này mới tủi thương mình và hối tiếc cho khoảng thời gian qua đã luống phí trôi suông vô ích. Thấm sâu như vậy thì chúng ta mới sực tỉnh, quý tiếc thời giờ còn lại và sống cho có ý nghĩa.
Ngài Hàn Sơn có nói:
Nhân sanh bất mãn bách
Thường hoài thiên cổ ưu.
Ngài nói đời người sống không đầy một trăm tuổi nhưng thường lo tới chuyện của ngàn năm. Có ai dám cam đoan rằng mình sẽ sống được một trăm tuổi? Chưa biết ngày mai mình sẽ thế nào, nhưng hôm nay lại lo đủ thứ. Hết lo cho con rồi đến lo cho cháu. Lăng xăng lộn xộn, chạy đầu này kiếm đủ tiền cho con cháu tiêu xài. Vội vội vàng vàng, tìm đầu kia cho có tài sản để lại, một mai mình chết con cháu nó còn có cái để trang trải cho cuộc sống. Lo lắng như vậy là người có trách nhiệm tốt, nhưng lo trong cái lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, đánh mất sự tỉnh táo chính mình thì có khi lại làm cho con cháu không yên tâm, không bằng lòng và còn lo lắng trở ngược lại cho mình nữa. Như vậy là lo qua lo lại trong vòng lẩn quẩn, không thoát ra được sự ràng buộc khổ đau. Mới thấy, sống trong tán tâm, lo trong loạn động thì không mang lại lợi ích đích thực cho mình và người, là cái lo không đúng nghĩa.
2.c/ Vô thường mau chóng.
Ví dụ khi đang khỏe mạnh, nếu có ai đó khuyên tu hay bảo làm việc tốt gì đó thì chúng ta thường chần chừ, cứ sống tà tà và hẹn từ từ rồi hãy làm, không có gì vội. Tình cờ đi khám sức khỏe, bác sĩ báo bị ung thư, thời gian sống không còn được lâu nữa. Khi thấy cái chết đã cận kề, chờ chực sẵn một bên thì có còn thời giờ để hẹn nữa không? Nghe báo tử rồi thì hễ thấy cái gì cần làm là tranh thủ làm ngay, không cần ai đôn đốc cả. Nếu có hiểu biết Phật pháp thì chúng ta sẽ tranh thủ thu xếp, gói gọn mọi việc để cắm đầu cắm cổ lo tu tập, không còn thời gian để hẹn nữa. Trong cuộc sống, nếu chúng ta thấy rõ vô thường mau chóng thì lòng xem nhẹ mọi thứ bên ngoài, tranh thủ thu xếp mọi việc và khéo ứng dụng tu tỉnh trong mọi hoàn cảnh thì tất cả mọi việc đều được chu đáo, mỗi một ngày qua là một ngày sống vui và cuộc sống sẽ trở nên sinh động, đầy ý nghĩa.
Nghiệm lại trên thực tế, nhất là những người đã có tuổi, tóc đã bạc thì sẽ thấy cuộc sống của mình từ nhỏ cho đến lớn như là mới thoáng chốc đây thôi. Nếu đem khoảng thời gian còn lại được sống so sánh với khoảng thời gian quá khứ mình đã sống qua thì sẽ thấy khoảng thời gian còn lại để sống không còn nhiều nữa. Kỷ niệm thơ bé ngày nào, bây giờ ngồi nhớ lại như mới xảy ra hôm qua. Và giờ đây tuổi đã lớn, tóc đã bạc, mới thấy cuộc sống sao mà ngắn ngủi vô cùng. Khi thời gian trôi qua và cuốn phăng mọi thứ đi rồi, chúng ta có muốn quay trở lại cũng không được nữa. Ngồi đó mà hối tiếc có ích lợi gì! Ngay từ bây giờ, sao không chịu ngồi lặng lại, tỉnh táo mà xét cho tường tận để thấy rõ vô thường nhanh chóng, sống nay chết mai bất thường, nó rình rập chực sẵn bên mình, sẵn sàng cướp đi mạng sống của mình bất cứ lúc nào, để từ đó thấy rằng một ngày còn sống là một ngày đáng trân quí và phải tận dụng để sống cho xứng đáng, để không hối tiếc về sau?
Ngài Qui Sơn Linh Hựu, một vị Thiền sư nổi tiếng đã nói: “Vô thường già bệnh không hẹn cùng người, sáng còn tối mất chỉ trong khoảng sát-na là đã qua đời khác. Ví như sương mùa xuân, móc sáng sớm bỗng chốc liền tan, cây bên bờ vực, dây leo miệng giếng há được lâu bền. Niệm niệm qua nhanh chỉ trong khoảng sát-na, chuyển hơi thở đã là đời sau. Sao lại ngồi yên để ngày tháng trôi suông vô ích?”
Ngài nói sự vô thường già bệnh nó không hẹn với bất cứ một người nào. Mới sớm thì còn, lát tối lại mất, chỉ trong một khoảng chớp thôi là mình đã qua đời khác. Mạng sống của con người cũng giống như sương mùa xuân, móc sáng sớm, thấy thì có đó, nhưng chỉ cần nắng lên chút xíu là tan liền, đâu có tồn tại lâu dài. Giống như cây mọc bên bờ vực, nửa trên nửa dưới, chỉ cần một làn nước cuốn, một ngọn gió chợt thổi qua, một cơn mưa ngấm vào làm đất sạt lở… thì liền đổ ngã. Và cũng như dây leo ở miệng giếng rất mong manh, không có gì bền chắc cả. Mỗi niệm, mỗi niệm cứ qua nhanh, chỉ trong thoáng chốc hơi thở vừa chuyển, vừa thở ra mà không hít vào thì mình đã qua đời sau. Nó vốn ngắn ngủi như vậy, tại sao mình lại ngồi không để cho thời gian trôi qua suông, cuốn phăng đời mình một cách vô ích như vậy?
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật nói mạng sống của chúng ta chỉ trong hơi thở. Trên thực tế, bất kỳ ai thở ra mà không hít vào là chết, có nghĩa là chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Khoảng thời gian còn sống đây không có gì đảm bảo là lâu dài được. Con người ai cũng sợ chết, nghe nói tới chữ chết là đã không ưa rồi. Thêm một ngày qua đi nghĩa là đưa chúng ta tiến đến gần với cái chết. Nhưng phần đông con người chúng ta thường trông chờ ngày mai coi thử có gì hay hơn, vui hơn không. Trông chờ ngày mai có nghĩa là trông mong đưa mình đến với chỗ chết. Tâm lý thì sợ chết, nhưng lại trông đến ngày mai để gần với cái chết hơn, có mâu thuẫn không? Để thấy, do thiếu sáng suốt nên thường sống trong mê lầm, dẫn đến nhiều thứ mâu thuẫn như vậy. Muốn ngày mai vui hơn thì ngay từ ngày hôm nay, ngay phút giây hiện tại này, tại sao chúng ta không sống thực sự có ý nghĩa, không phấn đấu sống cho tốt hơn ngày hôm qua, mà lại ngồi đó mong chờ một cái gì đó viễn vông, không có căn cứ?
Mỗi ngày qua là một ngày bào mòn thân mạng con người, đưa chúng ta đến gần với cái chết, làm giảm bớt đi thời gian quý báu còn lại của mình. Chỉ cần nhìn lại thì ai cũng thấy rõ sự thật này. Từ đó chúng ta mới biết quý tiếc thời giờ để tận dụng dành vào những việc làm có ý nghĩa và cần thiết, sẽ sống với những phút giây có giá trị nhất. Động lực đó sẽ cho chúng ta một cuộc sống tích cực, sống động, trở nên có ý nghĩa và không để đời mình trôi suông vô ích. Đến khi nhắm mắt, chúng ta sẽ thấy xứng đáng, không có gì hối tiếc cho khoảng thời gian mình đã sống qua. Nếu chưa thấy rõ, đến khi gần chết thì ai cũng sẽ nhận ra như vậy, nhưng mọi chuyện đã trễ, không còn làm gì được nữa. Chi bằng hôm nay nên nhận biết trước để lo cho mình thì khi đang sống cũng có ý nghĩa và đến lúc gần nhắm mắt lìa đời cũng được an vui. Như vậy không thích hơn sao?
3/ KHỔ LỚN TRONG SANH TỬ DÀI LÂU.
Trải qua nhiều kiếp gánh chịu khổ đau lâu dài trong luân hồi sanh tử, hôm nay nhờ gặp được Hòa thượng ân sư chỉ dạy, chúng ta mới thấy rõ con đường để thoát ra khỏi cái khổ lớn đó. Con đường đã thấy, nhưng mỗi một chúng ta còn phải đi nữa, cần phải có thời gian ứng dụng tu tập nữa mới thoát ra khỏi cái khổ sanh tử được. Nhưng khoảng thời gian còn lại cho phép chúng ta làm được việc đó thì quá ít cho nên mình rất quý tiếc thời giờ, cố gắng tận dụng tu tập, không dám để trôi suông vô ích. Đó là lý do thứ ba mà chúng ta phải quý tiếc thời giờ.
Tất cả chúng ta không phải mới có mặt ở đây mà đã lặn hụp trong sáu đường luân hồi sanh tử từ lâu lắm rồi. Đức Phật nói, Ngài cầm cây gậy cắm vào bất cứ chỗ nào trên quả địa cầu này cũng đều trúng nhằm thân xác của Ngài cả. Bởi nhiều kiếp tử đi sanh lại, tấm thân chết đó chôn xuống đất đã trải khắp cả quả địa cầu. Với Phật nhãn, Ngài thấy rõ tất cả chúng sanh luân hồi trong sáu đường đã quá nhiều lần. Sanh ra rồi chết, chết rồi lại sanh, cứ như thế mãi miết trôi lăn chịu khổ trong vòng luân hồi sanh tử.
Thời xưa có vị Thánh Xà-dạ-đa, đã tu chứng A-la-hán nên có tuệ nhãn. Một lần đi vào thành, vị đệ tử thấy Ngài bỗng nhiên buồn, chốc lát lại vui và cười lên. Khi thưa hỏi nguyên do, Ngài thuật lại:
Ban đầu đi vào thành, Ngài thấy ở dưới cửa thành có một con quỷ đói mệt lã, nó tự nói rằng, mẹ sanh ra ta rồi thì bỏ đi vào thành tìm kiếm thức ăn. Từ khi từ biệt đến nay đã năm trăm năm rồi, bụng đói trống trơn, khốn khổ, mạng sống chẳng còn bao lâu. Mạng chẳng còn bao lâu không phải là nó sẽ chết ngay. Quỷ đói là phải chịu nghiệp đói chứ chưa được chết liền. Dù có đói đến gần chết nhưng không thể chết đi được vì phải mang cái nghiệp ngạ quỷ. Nhiều lúc mình bị bỏ đói một hai ngày là chịu không nổi rồi. Đằng này nó phải chịu đói gần chết tới năm trăm năm mà vẫn còn là một con quỷ con, vậy bao lâu nữa nó mới già và chết để thoát khỏi kiếp quỷ đói đó? Quá lâu! Sống một thời gian dài như thế để chịu đói thì có gì khổ bằng?
Sau khi đi một đoạn nữa thì gặp con quỷ mẹ, Ngài đã thuật lại đầy đủ lời của con quỷ con. Lúc ấy con quỷ mẹ nói: “Tôi từ biệt vào thành đã lâu để tìm thức ăn mà không có được, nếu kiếm được một chút ít đồ khạc nhổ thì lại bị các con quỷ mạnh cướp đi”. Loài ngạ quỷ chỉ ăn những đồ khạc nhổ. Khi quỷ mẹ kiếm được một chút đồ khạc nhổ thì bị những con quỷ mạnh hơn giành cướp đi nên không đem về cho con được. “Mới ngày hôm nay gặp một người ói mửa mà không có con quỷ nào khác, tôi định muốn đem về cho con, nhưng ở dưới cửa thành lại có nhiều quỷ thần, sợ bị giành đoạt mất nên chẳng dám mang ra. Nguyện tôn giả từ bi ngầm đem tôi ra khỏi thành để mang những đồ người ói đó ra cho mẹ con tôi cùng ăn.” Quý vị thấy đau khổ chưa?
Tôn giả Xà-dạ-đa hỏi: “Từ khi ngươi được sanh ra cho tới nay là bao lâu rồi?” Quỷ mẹ nói: “Tôi cũng không biết là thời gian bao lâu nữa, chỉ thấy cái thành này bảy lần thành rồi hoại”. Có nghĩa cái thành này được xây lên rồi sau đó bị hoại đi, hoại đi rồi xây lại, rồi lại hoại đi, bảy lần như vậy mà con quỷ đó vẫn còn chịu đói và chưa thoát ra khỏi kiếp của nó. Nghe quỷ mẹ nói như vậy, tôn giả Xà-dạ-đa rất đau buồn cho việc sanh tử không có bờ mé, do đó lộ vẻ buồn bã không vui.
Chỉ một kiếp ngạ quỷ thôi mà thời gian đã dài lâu như thế, chịu khổ quá nhiều, huống chi trong vòng luân hồi sanh tử, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu kiếp như vậy, đã làm đủ tất cả mọi loài lên xuống trong sáu đường rồi. Quý vị thử gẫm lại thì mới thấy ôi thôi là dài, trôi lăn chịu không biết bao nhiêu là khổ. Mới thấy, hôm nay mình được làm người, còn gặp được chánh pháp, đó là một phúc duyên to lớn chứ không phải chuyện thường.
Tôn giả Xà-dạ-đa lại thuật lý do khiến Ngài vui:
Trong quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp về trước, Ngài sanh ra trong gia đình của một trưởng giả giàu có. Vì chán lìa dục trần, Ngài rất muốn xuất gia. Giả sử khi đó được xuất gia thì Ngài sẽ đoạn được các kết sử và thành bậc A-la-hán. Nhưng vì trong gia đình chỉ có một mình Ngài là con trai nên cha mẹ không cho phép theo chí nguyện, bắt phải cưới vợ để mong có người nối dõi. Biết chẳng thoát khỏi, Ngài đành phải cưới vợ sanh con rồi sẽ tìm kế xin xuất gia sau.
Thế rồi, theo mong ước của gia đình, một đứa bé chào đời. Khi lên sáu tuổi thì cha mẹ của Ngài, tức là ông bà nội của đứa bé mới bảo nó rằng:
- Cha của con muốn từ giã ta để đi xuất gia, con nên đến ôm chân cha mà nói rằng “nếu cha bỏ con đi thì ai sẽ nuôi con, thà trước cha nên giết con đi rồi sau đó hãy đi tu”.
Những mong làm xong trách nhiệm rồi được đi tu, nhưng khi có con rồi thì nó lại ôm chân cha và nói, thà giết nó rồi đi tu chứ đi rồi ai lo cho nó. Ngài thấy đứa bé ôm chân thì sanh quyến luyến bèn nói với con rằng:
- Nay cha vì con nên không đi xuất gia nữa.
Vì đứa trẻ này cho nên kiếp ấy Ngài không được chứng đạo. Trải qua chín mươi mốt kiếp luân hồi trong sanh tử cha con không gặp nhau. Hôm nay gặp lại, người cha năm xưa bây giờ đã chứng Thánh quả, dùng đạo nhãn thấy đứa con hồi đó vẫn còn sanh trong loài quạ, Ngài thương xót cho sự ngu dại của nó nên cười.
Mới thấy, trong luân hồi sanh tử, chúng ta đã lang thang lâu lắm rồi, lên xuống đủ chỗ và chịu đủ thứ khổ đau, khóc cười lẫn lộn, nhưng nào có hay biết gì đâu! Cho nên đức Phật nói chúng sanh mê mờ là vậy. Ngày nay sống được thì cứ lụi hụi sống vậy thôi chứ không ai biết là mình đã lăn lộn và khổ đau như thế nào. Nếu thấy được nỗi khổ trong vòng luân hồi sanh tử đã quá lâu dài, giác biết được mạng sống của con người là ngắn ngủi thì chúng ta sẽ rất quí tiếc thời gian còn lại để chọn cho mình một hướng sống tốt.
III/ LÀM SAO ĐỂ TẬN DỤNG THỜI GIỜ MỘT CÁCH SÍT SAO, KHÔNG BỊ LÃNG PHÍ?
Là người đã hiểu đạo, biết được làm thân người là khó, được nghe chánh pháp là khó, hôm nay mình có được thân người, được nghe chánh pháp là điều trân quí, biết vô thường là nhanh chóng, biết hết tất cả và biết khoảng thời gian còn lại cũng là ít oi và đáng quý nữa… Khi đã biết rõ hết tất cả diệu lý rồi, chúng ta phải sống như thế nào thì mới tận dụng thời giờ quí báu ấy một cách sít sao và tối ưu nhất để không bị lãng phí?
1/ NGAY MỖI NIỆM KHÉO XOAY TRỞ LẠI KIỂM ĐIỂM CHÍNH MÌNH.
Thiền sư Đại Huệ nói:
“Người học đạo sở dĩ để cho ngày tháng trôi suông chỉ vì cứ lo kiểm điểm công phu của người khác. Nếu thường tự kiểm điểm lại chính mình thì đạo nghiệp sẽ chóng thành. Hoặc mừng, hoặc giận, hoặc tĩnh lặng, hoặc náo động đều là lúc để cho chúng ta tự kiểm điểm cả”.
Kiểm điểm người khác là đã phóng tâm ra ngoài, bỏ mất công phu cho nên Ngài nói để cho ngày tháng trôi suông. Thay vì kiểm điểm người khác, chúng ta xoay lại kiểm tra suy xét tâm mình, mỗi một hành động đều luôn xoay lại quán xét như thế thì lúc nào cũng là lúc công phu, thời gian không bị lãng phí. Cho nên các bậc cổ đức đã khuyên dạy:
“Chư nhơn tự tảo môn tiền tuyết,
Mạc quản tha nhơn ốc thượng sương”
Mỗi người nên quét tuyết trước nhà mình, đừng có đi quan tâm những hạt sương mai đọng trên nhà người khác. Tuyết nhà mình thì dày đặc lấp kín cả cổng không có lối đi nhưng không chịu nhìn thấy để quét cho sạch, lại đi dòm ngó, soi mói mấy hạt sương mỏng đọng trên nhà người ta. Đó là cái tật chỉ giỏi phóng ra kiểm điểm người khác mà không xoay lại để soi xét tự kiểm điểm mình. Khi phóng tâm kiểm điểm người khác là đã đánh mất chính mình. Người xưa nói, nếu như chợt quên, liền đồng với người chết. Đánh mất chính mình thì lúc ấy cái chân thật là mình không còn hiện hữu, mình đang vắng bóng, đang chết, chính mình đã tự giết chết mình và thời gian ấy cũng bị giết chết, bị bỏ trôi qua suông một cách vô ích. Và Ngài dạy, nếu như ngược lại, thay vì đi kiểm điểm người khác, chúng ta xoay lại để kiểm điểm chính mình thì đạo nghiệp rất chóng thành. Như vậy, với khoảng thời gian mình lo kiểm điểm người khác, bây giờ dùng để xoay trở lại kiểm điểm mình thì đạo nghiệp sẽ chóng thành và không có một thời gian nào luống phí cả. Tất cả chúng ta chưa phải là Thánh nên trong cuộc sống có khi mừng, có khi giận, có khi tĩnh lặng mà cũng có khi náo động, xôn xao… Khi các duyên đó xảy ra, nếu luôn xoay trở lại tự kiểm điểm mình thì bất kỳ duyên nào đến, mỗi mỗi thảy đều là lúc để cho chúng ta tự soi xét và tu tập. Ngay cả khi nghịch duyên đến khiến cho mình dễ sanh bực bội, dễ nổi giận, cũng chính là lúc có cơ hội tốt để chúng ta ứng dụng công phu tu tập của mình. Lúc ấy khoan phán đoán đúng sai trên cảnh mà hãy tỉnh táo trở lại, lặng lòng xuống, không thèm tốn công để giận mà nên nhận hết về mình thì những sự việc diễn ra tiếp đó sẽ tốt, mọi duyên tự trong lặng và được hóa giải một cách diệu kỳ. Được như vậy là quý vị đã tận dụng thời giờ một cách có hiệu quả.
2/ SỐNG VỀ VỚI BẢN TÂM MIÊN MẬT, KHÔNG ĐỂ CÓ KẺ HỞ CHO PHÀM TÌNH CHEN VÀO.
Như trên vẫn là mức độ của những vị còn đang trên đường quay trở về dụng công tu tập. Còn một mức độ sít sao tuyệt đối hơn nữa là phải một phen nhận lại bản tâm nơi chính mình và hằng sống bằng bản tâm đó, không để một chút xen hở. Như thế trong tất cả thời, lúc nào chúng ta cũng sống đầy đủ ý nghĩa chân thật, không có một phút giây nào lãng phí. Đây là điểm chính yếu. Quý vị là những người được nghe Hòa thượng giảng dạy đã lâu năm, hiểu suốt đạo lý, nếu nắm rõ chỗ này và ứng dụng được thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa trọn vẹn.
Trở lại bài “Tham Đồng Khế” của Thiền sư Thạch Đầu, Ngài nói:
Kính bạch bậc tham huyền
Thời giờ chớ để luống qua.
Ngài Pháp Nhãn nói đó là “ơn lớn vòi vọi khó đền”, còn Thiền sư Đức Hồng Giác Phạm thì bình: “Pháp Nhãn đúng là bậc thấy được tâm của Tiên đức.”
Quý vị thấy Ngài Thạch Đầu chỉ nói “kính bảo với bậc tham huyền, chớ để thời giờ luống trôi qua suông”, nhưng Ngài Pháp Nhãn thấy gì qua lời khuyên ấy mà lại nói là “ơn lớn vòi vọi khó đền”? Và Ngài Tịch Âm Tôn giả thấm nghiệm được gì, cảm thông điều gì mà nói rằng Pháp Nhãn đúng là bậc thấy được tâm của Tiên đức, tức là thấy được nội tâm sâu thẳm của Thiền sư Thạch Đầu? Vì lý do gì, phát xuất từ đâu mà Ngài Thạch Đầu đã nói lên câu ấy để khuyên bậc tham huyền một cách thống thiết như vậy?
Với những lý do quý thầy vừa nêu bày ở trên để quý vị chiêm nghiệm lại và thấy rõ chúng sanh đã chịu khổ lâu dài trong sanh tử. Điều thứ hai là ngày nay mình có được thân người, được nghe chánh pháp, đó là một duyên lành lớn, là một điều kiện thuận lợi nhất giúp cho chúng ta thoát được cái khổ triền miên trong sanh tử. Thêm vào đó nữa là sự vô thường mau chóng không hẹn trước với bất cứ ai, cho nên thời gian còn lại cho chúng ta tu hành thoát khổ là ít ỏi quí hiếm. Vì chúng ta không biết cho nên Ngài nhắc thức cho biết. Mà nhắc thức cho biết trước để chuẩn bị thì đó là một ơn lớn vô cùng!
Nhưng nếu nhìn như vậy thì mới thấy được một phần thôi. Muốn thấy trọn vẹn cái ơn lớn của Thiền sư Thạch Đầu, thấy rõ được sự cảm thông của Thiền sư Pháp Nhãn và cái thấm nghiệm của Tôn giả Tịch Âm thì bước cuối là chúng ta phải xét cho tột cùng lời dạy của Ngài bằng sự chiêm nghiệm công phu tu hành thực tế nơi mỗi người. Như thế, chúng ta mới thấy rõ lời khuyên của Thiền sư Thạch Đầu quả là một bậc thấy tột cùng sự lý cho nên mới nói ra lời thống thiết như vậy.
Ngài đã xưng hô là “kính bạch”, rồi không gọi là người này người khác mà gọi là “bậc tham huyền”. Đó là lời nói rất trân trọng, xuất phát từ tâm từ bi cao cả chí thiết của Ngài chứ không phải thường.
Qua giai thoại trên, Ngài Tịch Âm tôn giả bình tiếp: “Chúng sanh hằng ngày do vọng tưởng điên đảo tự che mất ánh quang minh, cho nên phần nhiều bỏ sót đánh mất thời giờ, gọi là để thời giờ qua suông.”
Nhìn lại, trong khoảng sống theo vọng tưởng là chúng ta đang sống với cái giả, nhận cái giả làm mình, mê lầm quên mất bản tâm chân thật chính mình. Như thế tuy nói là sống, nhưng thực ra trong khoảng thời gian đó chúng ta đang chết. Vì thế cho nên Ngài nói theo vọng tưởng điên đảo che mờ ánh quang minh, bỏ sót, đánh mất thời giờ trong khoảng đó nên gọi là để thời giờ trôi suông một cách vô ích. Dù cho chúng ta có tụng kinh hay tọa thiền suốt đêm đi nữa, nhưng nếu không khéo “chăn” mà cứ buông thả tâm phóng ra chạy đi đầu này đầu kia thì khoảng thời giờ đó vẫn bị để trôi suông như thường. Bởi ngay khi phóng tâm chạy ra cũng chính là lúc công phu bị xen hở, gián đoạn. Có những khoảng thời gian đang ngồi tu, nhưng không khéo dụng công, để cho tâm bị loạn động, hoặc chìm trong cái lờ mờ không sáng suốt, hay hôn trầm ngủ gục... thì tuy đang ngồi tu như vậy mà thật sự là chúng ta đang chết, đang giết chết thời gian quý báu cho nên cũng bị lãng phí thời giờ, để cho thời giờ trôi suông một cách vô ích.
Ngài Tịch Âm tôn giả bình tiếp: “Người có đạo không phải làm gì khác, chỉ khéo dụng cái tâm kia thôi.” Thế nên Ngài Triệu Châu nói: “Hết thảy chỉ như cũ, các bậc Thánh từ trước không ai chẳng từ trong chỗ như cũ mà được”. Chỗ như cũ chính là chỗ nguyên thủy ban đầu chưa khởi niệm, chỗ chưa phân vọng kiến hai bên, cũng chính là bản tâm chân thật mà các Ngài muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Người có đạo chỉ là khéo thầm nhận và sống bằng tâm đó. Sống được như vậy thì thời giờ nào cũng là thời gian sống có ý nghĩa.
Đời là cõi mộng và tất cả chúng ta là những người đang sống trong cõi đời mộng huyễn ấy. Nếu ai nhận lại bản tâm, sống trở về trọn vẹn bằng bản tâm chân thật, đó là người tỉnh đi trong cõi mộng để đánh thức những người đang say mộng. Bằng ngược lại, không quay về nhận lại bản tâm mà cứ lao ra sống theo vọng tưởng, đó là người đang ngủ say trong mộng, làm tất cả mọi thứ cũng chỉ là việc của người đang ngủ mê nói mớ trong mộng mà thôi. Việc trong giấc mơ thì không có gì thật. Vì hoài công làm một việc không thật và vô ích cho nên thời gian dùng vào việc mộng huyễn ấy cũng rất luống uổng, lãng phí mà thôi.
Chúng sanh mê lầm chạy theo vọng tưởng, đó là bỏ phí thời giờ trôi qua vô ích. Với bậc có đạo, quí Ngài không làm gì khác, chỉ là dụng tâm kia. Nếu khéo nhận lại, thầm khế hợp với bản tâm, khéo sống trọn vẹn bằng bản tâm một cách miên mật, không xen hở thì lúc nào chúng ta cũng đang sống có giá trị, giờ nào cũng là giờ sống có ý nghĩa. Sống bằng bản tâm một cách liên tục như vậy, không có chỗ xen hở cho vọng tưởng lao ra thì có khoảng thời giờ nào lãng phí?
Cho thấy, muốn tận dụng thời giờ thì không phải làm gì khác, rốt cuộc chỉ là khéo dụng tâm kia. Người nào đã thể nhận và sống trở về được với bản tâm chân thật chính mình thì chỉ sống trọn vẹn bằng bản tâm đó. Ai còn trên đường tu tập, chưa được như vậy thì ngay mỗi niệm nên kiểm điểm lại mình, đừng lo ra nhìn lỗi người khác, đó là chúng ta đã tận dụng thời giờ một cách tối ưu nhất.
Ngài Tịch Âm Tôn giả nói tiếp:
Luận Đại Trí Độ nói: “Tâm tánh chúng sanh giống như dao bén, chỉ dùng để cắt bùn, bùn chẳng thành gì, mà dao thì mỗi ngày một hư tổn. Lý thể thường diệu mà chúng sanh tự thô, nếu ai hay khéo dùng đó thì liền hợp với bản diệu.”
Ngài nói tâm tánh của tất cả chúng sanh cũng giống như là con dao bén, nghĩa là vốn tự sáng suốt, nhưng dùng để cắt bùn. Tức là trong thể sáng suốt đó, con người không khéo thể nhận để sống, ngược lại bất giác khởi vọng, nghĩ tưởng lung tung, lăng xăng làm tất cả việc trong mê loạn, tạo bao nhiêu thứ nghiệp không đáng làm cho tâm tánh ngày càng bị che mờ. Đó là dao thì bén mà chỉ dùng để cắt bùn, dao bị hư tổn và bùn cũng chỉ là bùn thôi. Quên bản tâm theo vọng thì vọng càng chập chùng. Quên cái chân thật mà sống theo cái giả thì làm việc gì cũng chỉ là trên giả mà tạo tác để thành những thứ giả, không có gì giá trị cả. Hơn nữa, càng sống bằng vọng rồi tạo các vọng nghiệp thì ngày càng che lấp tâm tánh sáng suốt chân thật chính mình. Cho nên các Ngài nói, bùn không thành gì mà dao thì mỗi ngày một hư tổn.
Tương tự, Ngài nói lý thể vốn thường tế diệu, do chúng ta khởi tưởng rồi sống theo vọng, làm dấy động và che mờ đi thể tánh vốn tế diệu đó, cho nên chính mình làm cho nó trở thành thô. Nếu ai khéo dùng, tức là khéo nhận lại và hằng sống với tâm thể chân thật thì liền khế hợp với cái thể sẵn diệu đó chứ không cần tìm kiếm một cái mầu nhiệm nào từ bên ngoài.
Ngài Tịch Âm tôn giả nói tiếp:
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Phật bảo A-nan: “Thí như các loại đàn Cầm, Sắt, Không hầu, Tỳ bà, tuy có âm thanh hay, nhưng nếu không có ngón tay khéo thì trọn không thể phát ra được. Ông cùng với chúng sanh cũng lại như thế. Cái Bảo Giác Chơn Tâm mỗi mỗi tròn đủ, như ta ấn ngón tay thì Hải ấn phát quang, ông vừa khởi tâm thì trần lao dấy trước.”
Phật dùng ví dụ: Cũng giống như các loại đàn có âm thanh hay, nhưng nếu không có bàn tay khéo của người biết đàn thì âm thanh hay đó cũng không thể phát ra được. Tất cả chúng sanh cũng vậy, mỗi người đều sẵn có chơn tâm hằng giác quí báu, nhưng vì không khéo sống bằng nó mà bỏ quên đi, chỉ sống theo vọng tưởng nên không phát dụng được. Đồng thời còn bị mê mờ, tạo bao nhiêu thứ trần lao phiền não để rồi phải chịu khổ trong sanh tử. Cái bảo giác tam-muội đó ai ai cũng đều tròn đủ, không thiếu, nhưng chúng ta bỏ quên nó cho nên hằng ngày đi đứng suy nghĩ nói năng..., hành động gì cũng là tạo tác sinh diệt, đều rơi vào vọng động. Sống bằng vọng tưởng nên tất cả hành động của chúng ta đều thuộc về trần lao phiền não. Đức Phật hằng sống trong bảo giác tam muội đó cho nên tất cả hành động thi vi của Ngài đều bất động, đều thuộc về diệu dụng của trí giác. Bởi thế, Ngài vừa ấn ngón tay thì hải ấn phát hào quang, còn mình vừa khởi tâm thì trần lao dấy trước.
Vì hằng ngày sống trong vọng tưởng, lấy vọng tưởng làm chính mình cho nên vừa khởi tâm thì anh em quyến thuộc của vọng tưởng là trần lao phiền não kéo theo, dấy tung lên. Trần lao dấy thì sống và làm việc theo trần lao. Mà việc trần lao thì giả tạm, không có gì đáng giá, không có ý nghĩa. Nếu suốt ngày trôi theo trần lao tức là đã bỏ phí thời giờ một cách đáng tiếc. Nếu ai khéo sống trở về với bản tâm chân thật đó thì trong tất cả thời mới có giá trị, mới có ý nghĩa, mới tận dụng được thời gian một cách trọn vẹn.
Thiền sư Tịch Âm nói tiếp:
Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ chép:
Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Nên tịnh ý kia như hư không
Xa lìa vọng tưởng cùng chư kiến
Khiến chỗ tâm hướng đều không ngại.
Kinh nói, nếu ai muốn biết được cảnh giới của chư Phật thì phải lóng lặng cái ý kia xuống, phải thanh tịnh giống như hư không, phải xa lìa các vọng tưởng và vọng kiến nơi mình. Một lìa tất cả đều lìa, không một chỗ nào ngăn ngại thì tâm thể tự là trùm khắp, cảnh giới chư Phật hiện tiền nơi mỗi người chúng ta chứ không phải tìm ở đâu cả.
Ý đã lặng và thanh tịnh như hư không, vọng tưởng và các vọng kiến đã xa lìa rồi thì tâm thể tự bàng bạc, trùm khắp. Ở bất cứ nơi nào mình cũng được tự tại, không bị ngăn ngại bởi bất cứ gì. Trong tất cả thời, ở tất cả mọi nơi, tâm đều như như bất động thì có khoảng nào xen hở để bị lãng phí? Như thế, cuộc sống tự nhiên trở nên có ý nghĩa trọn vẹn, không một tích tắc thời gian nào vô nghĩa, lãng phí.
Chính đó cũng là chỗ mà Thiền sư Thạch Đầu mong mỏi những bậc tham thiền học đạo, tham tột lẽ huyền vi, phải tận dụng thời giờ một cách có ý nghĩa và tuyệt đối như vậy. Khéo nhìn kỹ hơn một chút mới thấy, Ngài khuyên người tham thiền sống không để thời giờ luống trôi qua, tận dụng thời giờ một cách tuyệt đối như vậy, cũng có nghĩa là Ngài khuyên tất cả chúng ta phải nhận và sống cho bằng được với bản tánh sáng suốt sẵn đủ nơi mỗi người. Được như vậy thì niềm an lạc nhẹ nhàng siêu thoát sẽ ngập tràn, cuộc sống tràn đầy nhựa sống và hân hoan vô tận. Khi ấy, còn có cái vui nào của thế gian có thể tác động đến mình được nữa? Lúc này, buồn vui, được mất, hơn thua... của thế gian chỉ là một ly nước lã với người đã no đủ. Nước lã không còn có giá trị tác động đến con người no đủ thượng vị này. Niềm vui thế gian còn không tác động đến được thì nói gì đến khổ! Sống được với bản tánh trọn vẹn thì tất cả cảnh khổ vui thế gian không còn tác dụng, không còn sanh tử nào chi phối được người này. Sanh tử không chi phối tức là đã giải thoát được cái khổ của sanh tử rồi. Ngay đó không mong cầu giải thoát cũng tự là giải thoát. Người chí thiết nhắc thức cho mình nhận ra lẽ thật, giác ngộ, an vui và giải thoát khỏi cái khổ của sanh tử thì đó là ơn lớn, khó lấy những cái sanh diệt tầm thường của thế gian mà đền đáp được. Cho nên Thiền sư Pháp Nhãn nói, ơn của Thiền sư Thạch Đầu nhắc thức như vậy là rất lớn, khó đáp đền.
Bây giờ quý vị đã thấy được cái ơn lớn chưa? Ngài nhắc đừng để thời giờ trôi qua suông cũng có nghĩa là nhắc cho chúng ta thấy, muốn không để thời giờ trôi qua suông thì phải khéo nhận ra và sống trọn vẹn bằng bản tâm, đó là giác ngộ. Mà sống trở lại trọn vẹn với bản tâm thì cuộc sống nhàn tịnh, sâu lắng, nhưng hân hoan, tràn đầy nhựa sống và thanh thoát lạ thường, đó là được an vui. Lúc này không còn bị cái khổ vui của thế gian chi phối, không còn bị ràng buộc trong sanh tử, đó là đã giải thoát. Ngài nhắc thức cho mình được giác ngộ, giải thoát và an vui, ơn đó thật quá lớn lao, khó đem những thứ sanh diệt tầm thường của thế gian đáp đền được.
Bản tâm chân thật vốn sẵn tính chất an tịnh, giải thoát và an vui. Khéo nhận lại bản tâm, đó là giác ngộ. Ngay khi giác ngộ, liền được an định, giải thoát và an vui. Tất cả đều từ bản tâm, là diệu dụng đồng thời của tự tâm, không có trước sau gì cả. Những ai đã nhận và sống trọn vẹn với bản tâm đó rồi thì mới cảm nhận hết tính chất và diệu dụng của nó. Và cũng từ đó mới cảm nhận một cách trọn vẹn và sâu sắc cái ơn lớn của vị Thầy đã chỉ bảo, đánh thức cho mình. Cho nên Thiền sư Pháp Nhãn mới nói rằng, thật là ơn lớn vòi vọi khó lấy gì đáp đền nổi.
Tôn giả Tịch Âm cũng vì thấm nghiệm và thông cảm được chỗ cao cả đó nên Ngài mới nói: “Pháp Nhãn đúng là bậc thấy được tâm của Tiên đức”, tức là thấy được thâm tâm sâu thẳm của Ngài Thạch Đầu, thấy được cội nguồn xuất phát từ đâu, cảm nhận như thế nào mà Ngài đã nói ra lời thống thiết để khuyên nhắc người tham thiền như vậy. Ba vị Thiền sư trải qua ba đời khác nhau, nhưng thông qua lời chỉ dạy, quý Ngài đã thấy rõ, cảm thông và tỏ suốt nhau. Mới thấy, ai trở về trong bản tâm chân thật đó rồi cũng cùng một chỗ thông cảm như nhau, và chỉ khi trở về trong đó mới cùng thông suốt, đồng hành, thường gặp nhau không có gì làm ngăn cách được.
3/ TRÂN CHÂU TRONG VẢI RÁCH - SỐNG TRỌN VẸN GIÁ TRỊ THỜI GIAN.
Tướng quốc Bùi Hưu có lần đến chùa Đại An thưa hỏi Tăng chúng trong chùa:
- Đức Phật có mười đại đệ tử, mỗi người đứng đầu một hạnh. Vậy thì Ngài La-hầu-la đứng nhất về hạnh gì?
Ai cũng biết ngài La-hầu-la là mật hạnh đệ nhất. Cũng như chúng ta, tất cả Tăng chúng trong chùa đều cho đây là câu hỏi đơn giản cho nên cùng trả lời "Ngài La-hầu-la lấy mật hạnh làm đệ nhất". Trả lời như vậy không phải sai, nhưng đối với Thiền sư là bị quở. Bởi đối với giáo thì được, nhưng đối với thiền thì chưa có thầy. Đối với giáo thì ai học hiểu và thuộc bài thì cũng trả lời được như trong kinh. Nhưng đối với thiền thì ngoài việc học hiểu còn phải thấy được cái gì là điều trọng yếu mà chư Phật và chư Tổ chỉ dạy ngay nơi chính mỗi người. Tức là phải khéo thấy mới được. Không phải chỉ trả lời bằng lời lẽ suông mà phải có một cơ sống bằng chính sự thể nghiệm tâm mình. Nếu trả lời như chư tăng trong chùa thì chỉ mới nói về cái mật hạnh của Ngài La-hầu-la cho ông Bùi Hưu nghe thôi, còn mật hạnh của mình thì sao? Chính vì vậy mà ông Bùi Hưu không thỏa mãn câu trả lời đó, thuận miệng hỏi thêm: “Ở trong chùa này có Thiền sư không?” Đúng lúc Thiền sư Long Nha Cư Đôn đang trồng rau ở vườn sau, chư tăng mời ra, ông Bùi Hưu gặp và hỏi: “Ngài La-hầu-la đệ nhất về hạnh gì?” Chẳng chút do dự, Thiền sư Long Nha liền đó đáp thẳng: “Không biết.” Ông Bùi Hưu nghe xong rất mừng, lễ bái và tán thán: “Thật là trong vải rách có buộc hạt trân châu!”
Nếu đáp ngài Phú-lâu-na hạnh gì đệ nhất, ngài Ca-diếp hạnh gì đệ nhất, rồi tới ngài La-hầu-la là mật hạnh đệ nhất, nói thao thao bất tuyệt như vậy mới là người thông thạo, nhưng với ông Bùi Hưu thì không thỏa mãn. Thiền sư Long Nha Cư Đôn chỉ đáp “không biết”, chỉ có vậy thôi mà ông Bùi Hưu lại kính nể khen ngợi hết lời. Tại sao vậy? Ông Bùi Hưu đã nhận thấy gì mà tán thán?
Có một ví dụ thế này: Vào thời nhà Minh ở Trung Quốc có ông Đường Bác Hổ là một họa sĩ nổi tiếng. Một hôm đi dạo Tây Hồ, nhân lúc cao hứng, ông tiện tay vẽ bức tranh một Con Chó Đen, cạnh đấy ông ta viết một hàng chữ nhỏ: “Đây là một câu đố tranh, biểu thị một chữ. Người nào đoán ra thì xin kính tặng bức tranh này, một cắc một xu cũng không lấy. Nếu ai muốn mua thì xin trả 30 lượng bạc”. Nhiều người tấp nập đua nhau đến đoán mà không trúng. Có một thanh niên đốn củi đi ngang qua thấy thế ghé xem và liền chen vào lấy bức tranh rồi bỏ ra đi mà không nói một lời giải đáp nào về bức tranh cả. Mọi người ai nấy đều kinh ngạc vì đã có nhiều giáo sư, trí thức không đoán ra. Đường Bác Hổ vội đến hỏi: “Anh mua bức tranh này phải không?” Chàng đốn củi lắc đầu. “Anh đoán ra rồi phải không?” Anh ta chỉ gật đầu mà không nói thêm gì. “Xin hãy nói lời giải đáp cho mọi người biết đi”. Anh ta cũng im lặng không lên tiếng. Đường Bác Hổ cố gạn hỏi liên tiếp ba lần mà anh ta vẫn không trả lời thêm gì. Anh chỉ gánh củi và cầm theo bức tranh lặng lẽ ra đi. Đường Bác Hổ nhìn theo cái bóng xa dần của người đốn củi và nói: “Đoán đúng rồi! Đoán đúng rồi!” Nói xong, ông cũng đi ra khỏi đám đông.
Anh chàng đốn củi đó đã đoán ra cái gì mà chỉ giựt bức tranh ra đi, không hề nói thêm một câu giải đáp gì cả? Câu trả lời của câu chuyện nằm ở chỗ nào mà ông Đường Bác Hổ nói là đoán đúng rồi? Quý thầy đã đọc câu chuyện này trong một tập sách được ghi lại như một câu đố chưa có lời giải đáp. Có phải thật sự là chưa có ai giải đáp được, hay sự thật của đáp số là “vừa động môi lưỡi thì liền sai?”. Ông Đường Bác Hổ là tác giả của bức tranh mà cũng không thể nói lên đáp số, chỉ nói: “Đoán đúng rồi! Đoán đúng rồi!” nghĩa là cũng chỉ được nói lên nỗi niềm vui sướng khi thấy có một người tri âm hiểu được mình rồi bước đi ra khỏi đám đông thôi. Tuy hai người ra đi hai lối không giáp mặt nhau, không nói với nhau một lời nào, nhưng trong họ đã có sự thấy nhau, cảm thông nhau sâu sắc. Nếu ai khéo nhận ra thì liền có đáp số. Nếu chưa thì câu chuyện vẫn còn bỏ ngỏ với một ẩn số chờ người tri âm.
Đây là một câu chuyện chơi chữ, nhưng phải suốt thông qua chữ nghĩa để cảm nhận và thực hành đúng như những gì chữ nghĩa muốn chỉ thì đáp án mới đúng. Vì thế, tính chất của nó còn là một câu chuyện thiền rất thú vị. Quý thầy sẽ giải đáp để quý vị vận dụng về hai chữ "mật hạnh" này.
Bức tranh vẽ hình một con chó màu đen. Theo Hán tự (chữ Nho) thì con chó đen có nghĩa là “hắc khuyển”. Mà chữ “hắc” kết hợp với chữ “khuyển” nhập lại sẽ thành ra chữ “mặc”, có nghĩa là im lặng. Im lặng thì không được nói gì. Nếu anh nông dân nói lời giải đáp “chó đen là hắc khuyển, hắc khuyển kết hợp lại là chữ mặc, chữ mặc là im lặng không được nói”… Nghĩa lý là không được nói mà cái miệng anh ta lại nói thao thao đủ thứ để giải thích thì chính hành động nói ra đó đã làm sai đi cái ý mà bức tranh muốn chỉ là im lặng, không được nói. Như thế đã bị ông Đường Bác Hổ lấy lại bức tranh rồi. Im lặng không được nói, nó chỉ đúng khi chúng ta im lặng tuyệt đối, không được nói gì cả. Còn nếu hiểu được nghĩa lý im lặng không được nói mà miệng mình lại nói thao thao thì đó là hiểu một đường mà thực hành một nẻo, càng nói sẽ càng xa với ý chính thôi. Do đó nếu ai giải đáp được bức tranh đó thì họ sẽ trả lời bằng một sự lặng lẽ, tuyệt đối không nói gì. Vì thế, sách chỉ ghi lại câu chuyện để mỗi người tự cảm nhận mà không chép lời giải đáp. Hôm nay, vì muốn tạm mượn nghĩa lý câu chuyện để dẫn giải cho quý vị cảm nhận ý nghĩa mật hạnh này cho nên quý thầy mới làm trái với ý chỉ câu chuyện để giải thích cho tất cả quý vị cùng nghe.
Tương tự, khi được hỏi “Ngài La-hầu-la đứng đầu về hạnh gì?” Thông thường chúng ta sẽ nhanh miệng đáp là mật hạnh đệ nhất. Nhưng vừa mở miệng nói “là mật hạnh” thì liền đó đã bị lộ, bị xen hở, đã đánh mất mật hạnh rồi. Mật hạnh có nghĩa là hạnh thầm kín, miên mật, sít sao, sâu thẳm từ trong nội tâm, nhưng lại đi nói ra cho người khác hiểu, cho người khác thấy, tức là tin tức đã lọt ra bên ngoài, có chỗ cho tình thức xen vào, là hết mật, hết kín rồi. Cho nên khi các vị Tăng trong chùa trả lời như vậy thì ông Bùi Hưu không bằng lòng.
Dẫn giải cho hiểu thì trái với mật hạnh. Nhưng nếu không nói thì quý vị sẽ không hiểu cho nên quý thầy đành phải gợi ý một chút. Ngày nay chúng ta không lanh lợi bằng người xưa cho nên tạm thời hiểu để biết con đường tu tập và sống trở về.
Để nói về mật hạnh, Thiền sư Long Nha Cư Đôn nói “không biết”. Nếu “có biết” là biết về một cái gì đó, tức là có đối tượng biết. Mà có mình biết, có đối tượng để biết thì năng sở có ra. Có năng sở là có hai bên, là có chỗ xen hở, tin tức bị lộ ra bên ngoài nên hết mật hạnh rồi. Còn “không biết” tức là không có đối tượng, không có cái thứ hai, không có chỗ hở cho tình thức, cho người ngoài cuộc xen vào, ngay đó đang sống trọn vẹn bằng mật hạnh. Thiền sư Long Nha Cư Đôn nói “không biết”, nhưng có phải là không biết gì hết hay không? Nếu thật sự Ngài không biết gì hết thì cái gì biết nói là “không biết” để ông Bùi Hưu nhận ra đó? Như vậy, khi nói “không biết”, ngay đó cái biết nói “không biết” hiển hiện rõ ràng một cách tuyệt đối, không có chỗ hở cho tình thức xen vào, đó là Ngài đã trình mật hạnh một cách tuyệt đối. Nếu biết mật hạnh là như thế nào đó và giải đáp, trả lời thì đã có đối tượng cho mình nói, cho người khác hiểu. Mà có mình nói, có đối tượng nghe, có cái mật hạnh để hiểu là đã bị phân chia, có chỗ hở cho tình thức xen vào cho nên mất hết mật hạnh rồi! Như vậy, khi Thiền sư Long Nha nói “không biết” là Ngài đã trình bày mật hạnh một cách đầy đủ và chính xác chứ không phải là Ngài mờ mịt không biết gì cả.
Thêm nữa, khi nói “không biết” thì không phải là Ngài Long Nha chỉ trình mật hạnh của Ngài. Ngài Long Nha Cư Đôn có trình mật hạnh chính xác đến mức nào đi nữa thì cũng chỉ là mật hạnh nơi Ngài, còn mình thì sao? Nếu còn lơ mơ thì mật hạnh của mình cũng bị mất luôn. Khi nói “không biết” cũng chính là lúc Ngài đánh thức cho ông Bùi Hưu khéo nhận lại mật hạnh nơi chính ông: “dám bảo cái ấy nơi ông không có hay sao mà đi hỏi?”. Đã là mật hạnh thì đâu có cho phép đi hỏi nơi người ngoài. Mật hạnh bậc nhất mà còn đi hỏi nơi người khác là tin tức đã bị lộ ra bên ngoài, đã bị người kiểm điểm, là hết mật rồi.
Nếu ông Bùi Hưu khéo thấy trở lại thì nơi mỗi vị tự hiển bày mật hạnh một cách rõ ràng, chủ đã thấy chủ. Mà chủ và chủ đã thấy nhau thì tuy nói là mật hạnh mà không còn là mật nữa, đã hiển bày một cách rõ ràng rồi. Đó là người về đến nhà thì thấy suốt nhau. Nhưng đối với những người ngoài cuộc chưa nhận ra mật hạnh thì vẫn còn mơ hồ, không sao cảm nhận được, cho nên nó vẫn còn rất là mật, vẫn còn ẩn giấu rất kín, không ai ăn cắp được cả.
Như vậy, mật hay không mật là trả quyền lại cho mọi người. Ngang đây chúng ta mới thấy rõ chỗ sống của Thiền sư Long Nha. Ngài hằng sống trong chỗ chân thật đó rất sít sao cho nên hễ vừa đụng đến thì liền nhảy. Chúng ta thấy rõ ràng là Ngài đang trồng rau ở phía sau vườn, đâu có suy nghĩ gì. Và tới khi được mời vào thì Ngài cũng chẳng cần biết là mời vào để gặp ai và vì vấn đề gì nữa. Cứ vào thôi! Rửa tay xong chưa kịp lau khô thì ông Bùi Hưu đặt câu hỏi. Vừa được hỏi “Ngài La-hầu-la đệ nhất hạnh gì?”, Ngài liền nói “không biết”, ngay đó mật hạnh tròn đầy, không một chút gì có thể xen vào được.
Mới thấy hằng ngày Thiền sư Long Nha Cư Đôn lúc nào cũng sống trong thể chân thật ấy một cách miên mật sít sao. Nào là trồng rau, làm vườn, rửa tay, hỏi đáp... luôn luôn hiển hiện đầy đủ, không xen hở. Lúc nào cũng là lúc Ngài sống bằng tâm thể sáng suốt. Ở bất cứ nơi đâu cũng là nơi tâm thể hiện bày. Như thế, có khoảng thời giờ nào đối với Ngài là luống phí vô ích hay không? Hằng sống trong đó thì thời gian nào cũng sống động, lợi ích.
Ông Bùi Hưu nghe xong rất mừng, liền lễ bái và tán thán “thật là trong vải rách có buộc trân châu”. Đời sống hằng ngày Ngài Long Nha vẫn chỉ sinh hoạt ngủ nghỉ, cuốc đất trồng rau, rồi cũng đi tiêu đi tiểu, mặc áo ăn cơm... vẫn bình thường như bao nhiêu người khác, không có gì khác lạ cả. Sự vận hành thường ngày của tấm thân tứ đại đó ai ai cũng giống nhau, ông Bùi Hưu ví giống như một miếng vải rách. Nhưng hòa trong cuộc sống đó, Thiền sư Long Nha luôn luôn tiềm ẩn một sức sống chân thật sáng ngời, cho nên vừa nghe hỏi đến liền nói ra được như vậy, vừa đụng đến thì tỏa sáng liền. Mới biết, trong miếng vải rách như bao nhiêu tấm vải rách kia, vẫn còn đây một hạt châu chân thật luôn luôn tỏa rạng sáng ngời. Cảm nhận sâu xa sức sống của một Thiền sư nên ông Bùi Hưu đã hết lời tán thán.
Cũng vậy, hôm nay muốn sống trọn vẹn thời giờ, không để trôi suông thì tất cả chúng ta phải khéo thể nhận và sống về với bản thể chân thật đó. Nhưng không có nghĩa là mình phải làm việc gì khác lạ hơn người. Cũng như bao nhiêu người khác, nhưng tâm thể giác sáng luôn hiện tiền. Đó là trong vải rách đã sẵn một hạt trân châu đang chiếu sáng.
Ông Bùi Hưu biết tán thán như vậy là ông đã cảm thông được chỗ sống thực của Thiền sư Long Nha. Nếu không phải là một bậc tác gia như ông Bùi Hưu thì không dễ gì thấy chỗ “không biết” của Thiền sư Long Nha được. Trong tất cả thời, ở bất cứ nơi đâu, nếu tất cả chúng ta luôn sống miên mật bằng tâm thể chân thật đó, không một chút xen hở như Thiền sư Long Nha thì người người vốn gặp nhau trong ấy và không có một khoảng thời giờ nào bị lãng phí cả. Thấu suốt được như vậy thì chúng ta mới thực hành trọn vẹn được những lời dạy của người xưa, thấy rõ được tâm từ bi thống thiết của quý Ngài đã chỉ dạy cho mình.
Có một vị Tăng hỏi Ngài Triệu Châu Tùng Thẩm: “Chỗ Phật Tổ chẳng gián đoạn là thế nào?” Ngài đáp: “Không rỉ lọt”. Nếu nghe hỏi “chỗ Phật Tổ không gián đoạn” mà chúng ta đáp có một chỗ nào đó là đã bị gián đoạn rồi. Vì có chỗ thì liền thành đối tượng. Mà có mình, có đối tượng là rỉ lọt, xen hở rồi. Cho nên Sư đáp “không rỉ lọt”, không một niệm cho tình thức xen vào thì có chỗ nào gián đoạn? Không một chỗ mà hay bàng bạc khắp tất cả chỗ, nên không có chỗ nào để xen hở gián đoạn cả. Sống được như vậy thì có thời giờ nào luống phí vô ích? Đó là chỗ tột cùng mà các vị Thiền sư đã chỉ cho mình.
Chỉ một lời “chớ để thời giờ qua suông”, mới nghe qua thấy như là thường, nhưng sống cho hết lời đó thì không phải tầm thường chút nào! Nếu không tha thiết với sự tu tập, không kiên nhẫn, không có sự quả cảm và quyết tâm cao thì không dễ gì thực hành trọn vẹn được lời dạy đó. Thấy được như vậy là chúng ta đã cảm thông được lời Thiền sư Thạch Đầu chỉ dạy, thấy được lời Ngài Pháp Nhãn nói “ơn lớn vòi vọi khó đền”. Đồng thời cũng thấy được chỗ Thiền sư Tịch Âm tôn giả nói “Ngài Pháp Nhãn quả là người thấy được tâm của bậc Tiên đức”.
Nếu thấu hiểu và khéo sống được như vậy thì chúng ta mới thấu hiểu được lời nói của Hòa thượng ân sư dạy chúng ta: “mấy chú để thời giờ trôi suông uổng quá”, mới thấy rõ hết tâm từ bi sâu sắc của Ngài nhắc nhở chúng ta. Chỉ có người nào thấu hiểu và sống được thì mới cảm sâu được công ơn cao dầy của vị Thầy đối với mình. Nếu chỉ nghe qua thì không bao giờ chúng ta có thể thấy hết được tâm từ bi tha thiết của các bậc Tôn đức.
IV/ GIÁ TRỊ THỜI GIAN LÀ GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG.
Con người chúng ta ít có ai chịu cảm nhận giá trị và niềm vui ngay trong cuộc sống, ngay trên công việc mình đang làm mà thường thích sống trong niềm vui ảo giác của hy vọng và mong chờ. Cụ thể khi chúng ta đi làm một công việc gì thì thường mong làm cho xong hoặc mong sao mau hết giờ để về nhà nghỉ ngơi. Làm một công việc trong tâm trạng như vậy là chúng ta đã giết chết thời gian, giết chết sự sống của mình ngay khi đó rồi. Khi về đến nhà thấy nhiều việc chưa vừa lòng thì sanh bực bội, không vui, rồi vội vàng cố làm cho xong mọi thứ để chiều nay được đi chơi, hy vọng sẽ có một buổi chiều thứ bảy thật tuyệt. Nhưng chiều đến thì lại gặp chuyện không như ý, người bạn thân trở tánh xấu lừa mình... và sự khó chịu bực bội nhân lên gấp đôi... Thế là thời gian hy vọng sẽ được thảnh thơi cũng lại tiếp tục không có được. Và cứ như thế, nhiều tình huống tương tự lại lần lượt đi qua trên từng đời người, để rồi sự chờ đợi cũng chỉ là đợi chờ và khoảng thời gian được gọi là thảnh thơi lại quá xa vời, dường như không bao giờ có được. Tại sao chúng ta không khéo nghỉ ngơi ngay trên công việc? Tại sao không ngay trên công việc mà tìm niềm vui? Khi làm một công việc nào đó, nếu luôn giữ trạng thái an tĩnh, nhẹ nhàng, vui tươi ngay trên việc đó, không phóng tâm tìm cầu một niềm vui nào xa vời nào cả thì trong mọi lúc, mọi nơi, việc nào cũng là việc có ý nghĩa, chỗ nào cũng là chỗ mình nghỉ ngơi, và bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cũng thảnh thơi cả. Như vậy chúng ta đã có được niềm vui thực sự ngay đây, ngay chỗ mình đang đứng, sự thảnh thơi là nơi chính mình, không cần tìm kiếm hay đợi chờ và hy vọng trong vô vọng nữa! Khéo vận dụng và sống được như vậy thì bất cứ thời gian hay công việc nào cũng có ý nghĩa, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên ý vị và tràn đầy nhựa sống. Không phải nhọc công kiếm tìm ở đâu xa mà sự an vui hạnh phúc là ngay đây và bây giờ.
V/ KẾT LUẬN.
Để có được lợi ích thiết thực, tự nơi mỗi người phải khéo vận dụng thực hành. Muốn biết mình sống có lãng phí thời giờ hay không thì ngay nơi mỗi một niệm khéo kiểm điểm lại. Ngay một niệm khởi mà không theo nó là chúng ta đang sống và tu rất miên mật. Ở mọi lúc mọi nơi, làm bất cứ việc gì cũng là lúc mình tu, không để thời giờ trôi suông vô ích. Khéo hơn chút nữa, luôn sống trở về tự tánh, sống bằng tự tánh, không có chỗ cho tình thức xen vào thì tất cả pháp đều là Phật pháp, tất cả việc đều là việc Phật, tất cả động dụng thi vi đều là diệu dụng của tự tánh thì còn có thời gian nào là vô nghĩa?
Tự trong sâu thẳm lòng mình, nếu cảm nhận rằng, thoạt rời tâm thể trong chốc lát, tạm thời vắng bóng, vừa chợt thoáng mê mà cảm thấy vô vị, hụt hẫng, miên man, trong lòng giống như người sắp chết, thì đó là đã thấm nhuần đạo lý đáng kể. Chính chỗ thấm sâu đó sẽ thôi thúc mình có một sự thiết tha và nỗ lực công phu. Từ đó, chúng ta sẽ sống một cuộc đời xứng đáng, không có một khoảng thời gian nào trôi suông cả. Nếu khéo xét cho tường tận, thấy rõ như thế để ứng dụng một cách triệt để thì cuộc sống chúng ta mới có giá trị, có lợi ích cho mình và người ở hiện đời và mai sau, không để thời giờ trôi suông một cách vô nghĩa.