Thời Lý, Phật giáo Thiền tông ở Việt nam đã khởi sắc với sự ra đời khai thị, giáo hóa của nhiều vị Thiền sư nổi tiếng. Thuộc đời thứ sáu, dòng Vô Ngôn Thông, Thiền sư Thiền Lão là một trong những vị Thiền sư nổi tiếng thời bấy giờ. Không rõ tên họ và sanh quán của Sư ở đâu. Chỉ biết Sư đến tham học với Thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ, thầm được tâm yếu. Về sau, Sư tìm đến ở tại Từ Sơn, trụ trì chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Việt nam. Thiền phong của Sư lan khắp, học giả theo học có trên ngàn người, cảnh chùa này trở thành một tùng lâm hưng thạnh.
Khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038) vua Lý Thái Tông thường đến viếng chùa Sư. Vua hỏi:
- Hòa thượng ở núi này đã được bao lâu?
Sư đáp:
Chỉ biết ngày tháng này
Ai rành xuân thu trước.
(Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu.)
Hoặc:
Sống ngày nay chỉ biết ngày nay,
Xuân thu ngày trước ai hay làm gì!
Vua hỏi:
- Hằng ngày Hòa thượng làm gì?
Sư đáp:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
(Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.)
Vua lại hỏi:
- Có ý chỉ gì?
Sư đáp:
- Lời nhiều sau vô ích.
Vua hoát nhiên lãnh hội.
Về cung, vua sai sứ đến chùa thỉnh Sư vào triều làm cố vấn. Khi đến nơi, Sư đã viên tịch. Vua rất đỗi mến tiếc, ngự chế thi và ai vãn, sai Trung sứ đến cúng và tặng lễ, thu linh cốt xây tháp cúng dường. Tháp dựng tại cửa núi, vua còn cho trùng tu lại ngôi chùa Sư ở và sắp đặt người lo hương hỏa sớm hôm.
(Trích từ TRUYỆN TRANH THIỀN Tổ đường Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã)