Một hôm, Thiền sư Dịch Thượng ngồi thiền vừa xuất định. Ngay khi đó, một hồi chuông ngân nga vang đến. Sư chú ý lắng nghe đợi cho đến khi tiếng chuông dứt. Sư gọi Thị giả hỏi:
- Sáng sớm hôm nay ai thỉnh chuông vậy?
Thị giả thưa:
- Đó là một vị Sa-di mới đến tham học.
Sư bảo thị giả gọi Sa-di ấy đến. Sư hỏi Sa-di:
- Sáng sớm hôm nay con dụng tâm như thế nào để thỉnh chuông?
Sa-di ngạc nhiên không biết vì lý do gì mà Ngài hỏi như vậy, bèn thưa:
- Con không có tâm tình đặc biệt gì khác, chỉ là thỉnh chuông là thỉnh chuông vậy thôi.
Thiền sư Dịch Thượng bảo:
- Con chẳng thấy được sao? Khi mà con thỉnh chuông thì trong tâm con nhất định là có niệm đến một chút gì. Nhân vì hôm nay ta nghe tiếng chuông của con âm thanh nó rất là trong sáng, chính người có chánh tâm, thành ý mới phát ra được tiếng chuông này .
Sa-di ngẫm nghĩ một chút rồi thưa:
- Bạch Thầy! Thật ra thì cũng không có ý niệm gì đặc biệt. Chỉ là trước kia chưa đi tham học, Thầy của con ở chùa thường răn nhắc “Khi thỉnh chuông, phải tưởng đến chuông tức là Phật, phải thật chí thành trai giới, kính chuông cũng như Phật. Dùng cái tâm thiền như lúc nhập định và dùng cái tâm lễ bái mà thỉnh chuông.”
Nghe xong, Thiền sư Dịch Thượng rất hài lòng và ân cần khuyên nhắc thêm:
- Sau này khi có xử lý các việc, con cũng chẳng nên quên được một điều là “đều nên giữ gìn cái tâm thiền đã thỉnh chuông sáng hôm nay.”
Sa-di nghe như vậy rồi, từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, chú nuôi thành một thói quen như vậy, luôn luôn cung kính, kính cẩn. Chẳng những thỉnh chuông mà khi làm bất cứ một việc gì, hễ vừa động một chút niệm thì liền nhớ đến lời khai thị của Thiền sư Dịch Thượng và vị Thầy thế độ nên luôn luôn giữ cái tâm thiền thỉnh chuông đó thôi.
Sau này, Sa-di chính là Thiền sư Sâm Điền, Ngộ Do.