Ngài giáng sinh ở xứ trung Ấn Ðộ, cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng Hậu Ma Da, Thuở nhỏ Ngài diện mạo càng thêm khôi ngôi, tài năng càng phát lộ gấp bội. Mặc dù như thế Ngài không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Ngài có một thái độ rất hòa nhã ôn hòa, vô tư, bình đẳng. Mặc dù sống một cuộc đời quá đầy đủ: Nào chức tước danh vọng, nào lâu đài cung điện, nào đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan, nhưng Ngài vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ.
Một hôm, Ngài xin phép Vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Ngài chứng kiến cảnh già, bệnh, chết, rồi Ngài đặt thẳng vấn đề: "Tại sao con người từ xưa đến nay chấp nhận già bệnh chết là qui luật bất khả kháng? Có phương cách gì giải thoát cái già bệnh chết này"? Rồi Ngài đến xin vua cha xuất gia học đạo, nhưng vua cha không chấp nhận.
Một đêm khuya thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ say ngủ sau một tiệc linh đình, Ngài trốn ra khỏi thành xuất gia. Lúc bấy giờ Ngài được 19 tuổi.
Ngài tìm đến những vị tu sĩ nổi tiếng trong thời ấy, như ông Alara Kalama và Uddaka Ramaputta chỉ dạy Ngài tu chứng đến Phi phi tưởng xứ. Không thỏa mãn mục đích đã nhắm, dù họ mời mọc mấy, Ngài cũng từ biệt họ ra đi. Ngài tự ứng dụng lối tu khổ hạnh, mong nhờ sự khổ hạnh mà đạt được mục tiêu mình nhắm. Nhưng trải qua sáu năm thật là vô ích, không loé được tia sáng nào trong mục đích Ngài đuổi tìm. Ngài từ giã tu khổ hạnh, sống lại nếp thường của người tu, đến cội bồ-đề ngồi thiền bốn mươi chín ngày đêm.
Đến đêm thứ bốn mươi chín, khi sao mai mọc, Ngài hoát nhiên đại ngộ nói: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đức tướng, trí tuệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước không thể chứng được. Nếu lìa vọng tưởng là thanh tịnh trí, tự nhiên trí, vô sư trí tự nhiên hiện tiền”.