CHÁNH VĂN:
3. CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA
Phật bảo Tu Bồ Đề:
- Các vị Bồ Tát lớn nên như vầy mà hàng phục tâm mình: Có tất cả những loài chúng sanh nào, hoặc sanh từ trứng, hoặc sanh từ bào thai, hoặc sanh từ ẩm ướt, hoặc sanh từ biến hóa, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, ta đều đưa vào Vô dư Niết bàn mà diệt độ cho chúng. Như thế, diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Tại sao? Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả, tức chẳng phải Bồ Tát .
GIẢNG:
Đoạn này là tiếp qua của đoạn trước, sau khi Tu Bồ Đề hỏi Phật “người phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên làm sao hàng phục tâm? làm sao an trụ tâm?” đến đây Phật bắt đầu trả lời. Ở đoạn truớc đã nói về “phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác” tức tâm chân thật bất sanh bất diệt, phát được tâm chân thật bất sanh bất diệt, lấy đó làm nhân để tu hành thì tương ứng với cái qủa bất sanh bất diệt, vậy là cái nhân đúng với cái quả, nhân quả tương ứng với nhau, đó là chánh nhân. Được cái chánh nhân đó rồi, nhưng làm sao sống cho được đầy đủ viên mãn chánh nhân đó? Chính đoạn sau đây Phật dạy cho mình sống, cũng tức là trả lời hai câu hỏi về an trụ và hàng phục; và chính hai câu đáp này là hai câu cốt yếu, từ đó khai triển rộng ra toàn bộ kinh Kim Cang.
Đây Phật dạy:
“- Các vị Bồ tát lớn nên như vầy mà hàng phục tâm mình: có tất cả các loài chúng sanh, sanh từ trứng, bào thai, ẩm ướt, biến hoá, gọi là bốn loại sanh; rồi loại có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng đều đưa vào vô dư y Niết bàn”.
Đoạn này có mấy điểm: - Điểm thứ nhất Phật nói về câu đáp, đáp hàng phục trước. Ngài dạy đúng như vầy mà hàng phục là sao? Tức là đúng như lý hiện tiền chân thật mà ngài đã thầm hiện ở trước, chính mình đã học qua, đúng như lý đó mà hàng phục, còn ngoài cái đó mà tìm một cách nào khác một phương pháp gì đó, một thần lực gì đó, thì đi xa với cái chân thật. Do đó ngài nhắc là “nên như vầy”. Còn Bồ tát lớn là Bồ tát nào? Sao là Bồ tát nhỏ, Bồ tát lớn? Thường Bồ tát lớn là Bồ tát phát tâm rộng lớn, phát tâm độ tất cả chúng sanh, còn mình phát tâm độ có giới hạn thôi, người nào thân thì mình độ trước, người nào thuộc về thù hay nghịch thì thôi chừa lại bớt, thì có được gọi là Bồ tát lớn không? Nhắc lại, Bồ tát lớn, là Bồ tát phát tâm độ tất cả chúng sanh, không chừa một chúng sanh nào, nghĩa đó là như thế. Đúng ra, câu hỏi là hỏi về an trụ trước, hàng phục sau; nhưng Phật đáp là hàng phục trước, rồi an trụ sau, bởi vì sao? Hàng phục rồi thì an trụ chứ gì! Những tâm lang thang đó mà thả nó đi hoài thì chưa an trụ được. Cổ đức có câu: “- Đản cầu tức vọng, mạc cánh mích chân”, tức là chỉ cầu dừng được cái vọng thôi, chớ có tìm cái chân! Dừng vọng tức là chân rồi, đừng vội tìm cái chân; mình lo tìm chân mà cái vọng không lo dừng, thì tìm cũng là vọng vậy thôi. Dừng vọng tức chân, vì chân và vọng cả hai đều không khác, như sóng và nước, sóng dừng thì nước bằng phẳng, vọng lặng thì chân thật hiện tiền, không cần cầu mà nó cũng đến. Đó là ý nghĩa Phật đáp hàng phục truớc.
Kế Phật nói về chín loài chúng sanh; sanh từ trứng, từ thai, từ ẩm ướt, hoá sanh gọi là bốn loài sanh: như gà vịt chim chóc là từ trứng mà sanh ra; còn loài sanh từ bào thai như trâu bò; sanh từ ẩm ướt, ví dụ như mình làm dưa cải để có dòi; sanh từ biến hoá như những con lăn quăn nó biến thành con muỗi, những người sanh về địa ngục cũng từ biến hoá sanh. Trong sáu đường luân hồi cũng không ra ngoài bốn loài này, nên bốn loài này thông cả ba cõi. Đó là nói về chỗ sanh.
Rồi có sắc, không sắc: có sắc là chỉ cho các vị sanh về cõi trời sắc giới, các vị này do chán dục nên tu về các thiền quán, được sanh về trời sắc giới, lên đây y phục tự nhiên, khỏi cần may, và những cõi trời này không có hình tướng nam nữ riêng.
Không sắc, là thuộc về cõi trời vô sắc, do các vị chán cõi trời có sắc, nghĩ mình tuy ở cõi sắc nhưng còn có sắc thì còn có những hệ lụy ràng buộc, nên chán sắc và tu về tứ không định, được sanh về cõi vô sắc, cõi này chỉ sống bằng tâm thức.
Có tưởng, là chỉ cho ở trong cõi trời vô sắc, như hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ, cũng còn có tưởng. Vô tưởng, là chỉ cho trời vô tưởng, tức các vị tu do dùng sức tưởng mà đè bẹp tư tưởng thì nó tạm dừng, song qua thời gian thì cũng sanh khởi trở lại, cũng bị đọa như thường. Cho nên những vị tu được định này thì sống hàng ngàn kiếp, nhưng hết sức định đó rồi, khởi tâm trở lại, cũng bị luân hồi!
Chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, là chỉ cho cõi trời phi phi tưởng: Cõi trời này giống như không còn tưởng, nhưng vẫn còn tưởng vi tế, cũng không phải là không tưởng, nên gọi là chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, vẫn chưa ra khỏi ba cõi luân hồi; dù được định này sống hằng tám muôn kiếp, nhưng qua thời gian đó rồi, cũng vẫn bị luân hồi. Bởi vậy trong kinh có kể ông Uất- đầu- lam- phất tu được định phi phi tưởng, vua rất tôn kính, nên thỉnh đến cung hằng ngày dâng thức ăn cúng dường. Mỗi ngày ông dùng thần thông bay đến cung nhận thức ăn, thì vua khom mình xuống đỡ lên toà đàng hoàng, ngày ngày đều như vậy. Một hôm ông vua có việc phải đi, mới dặn người con gái, tức công chúa rằng: - “Đây là vị tiên tu rất có đắc lực, nay cha bận việc nhờ con thay thế, con phải đúng pháp như vậy cúng dường đừng để thiếu sót, khiến bị quở thì nguy hiểm!” Cô con gái nghe lời cha, ông đến cũng đỡ lên tòa đàng hoàng, nhưng khi ông xúc chạm thì ông khởi tâm dục nhiễm, liền mất thần thông. Mất thần thông thì làm sao về? Ông biết dân chúng nghe tin ông là nguời tu được thần thông thì ai cũng quý kính, ai cũng muốn gặp gỡ, do đó ông nói: “- Hôm nay không dùng thần thông đi nữa mà muốn dùng cỗ xe để đi đường bộ cho dân chúng chiêm ngưỡng cung kính”. Về tới núi, ông cũng tu đắc ngũ thần thông trở lại, nhưng khi tu sắp được thần thông thì tiếng chim kêu ríu rít làm loạn tâm, ông mới đến mé nước để tu. Gần sắp được định thì nghe dưới nước cá nhảy lung tung, ông loạn tâm, ông nổi sân ông nguyện sẽ làm chồn bay để bắt ăn các loài trên trời, dưới nước. Sau ông công phu thiết tha nên cũng được trở lại và sanh lên cõi phi phi tưởng. Phật thấy rõ, ông do tâm sân, nguyện ác như vậy nên khi hưởng hết phước rồi, sẽ sanh trở lại làm con chuột bay, con cáo bay để ăn những con kia. Như vậy tu được định phi phi tưởng mà chưa ra khỏi luân hồi. Đây là nói qua về chín loài chúng sanh.
Còn vô dư y Niết bàn, trước giải thích qua về danh từ, sau giải thích về ý. Vô dư là đối với hữu dư. Nghĩa là các vị A- la- hán chứng Niết bàn, ngay khi các ngài còn có sắc thân này các ngài tu cũng chứng được Niết bàn chớ không phải bỏ thân này rồi mới chứng. Như ngài Xá- lợi- phất, Mục- kiền- liên chẳng hạn, lúc còn sắc thân các ngài cũng chứng được Niết bàn; vì vậy nên gọi là hữu dư y Niết bàn, tức Niết bàn còn có thừa thân này. Còn vô dư là sau khi bỏ thân này mới thật sự là vào vô dư Niết bàn, không còn thừa. Bởi vậy, trong kinh nói các vị A- la- hán khi các ngài chứng hữu dư Niết bàn này, thì các ngài không còn khổ về tâm vì sạch phiền não, nhưng còn có khổ về thân, vì còn mang thân này, còn có khi cảm mạo bịnh hoạn, cũng già cũng chết, đó là dư báo còn sót lại. Khi bỏ hết thân này vào vô dư Niết bàn, không còn bóng dáng gì để thấy. Cho nên có câu chuyện, trong thời Phật có vị bà la môn có tài đọc câu chú rồi gõ vào sọ của người chết nào đó thì biết người đó chết sanh về đâu. Ông sống tại thành Vương xá, nhờ có tài đó mà các vị bà la môn lớn, họ bàn nhau sẽ dùng ông này đi làm tiền được, cho nên họ trang điểm cho ông đàng hoàng, dẫn đi khắp nơi, dân chúng ùa nhau cho tiền. Dần dần họ dẫn ông đi qua nước Xá Vệ, ngụ tạm gần Tinh xá Kỳ Hoàn chỗ của Phật. Hôm đó, thấy hàng Phật tử cầm hoa, hương đi cả đoàn không biết đi đâu, mấy ông bà la môn mới hỏi:
- Đi đâu mà đông vậy?
Thì đệ tử Phật nói:
- Đi nghe Phật thuyết pháp.
Mấy ông bà la môn nói:
- Bổn sư gì, thuyết pháp gì, đi làm chi vô ích, đâu bằng vị bà la môn của tôi đây, ông này chỉ cần gõ vào sọ người nào là ông biết sanh về đâu.
Mấy vị đệ tử Phật mới nói rằng:
- Đức Bổn Sư chẳng những biết như vậy, mà còn biết nhiều hơn nữa kià!
Hai bên cãi qua cãi lại, mấy ông này mới thách là, dẫn ông đến đó thử coi ai hơn. Họ bèn cùng nhau dẫn đến Phật, Phật biết trước, nên ngài sai người tìm năm cái sọ, bốn cái của bốn vị: một vị sanh vào địa ngục, vị sanh ngạ quỷ, vị sanh cõi người, vị sanh cõi trời và một sọ của một vị A la hán, đặt sẵn đó. Ông đến, Phật chỉ một cái sọ bảo:
- Cái sọ này sanh về đâu?
Ông nói:
- Ở địa ngục.
Phật cũng khen, chỉ cái sọ ngạ quỷ ông nói cũng trúng, bốn cái đều trúng hết, mỗi lần như vậy Phật đều khen ngợi, rồi Phật bảo:
- Còn cái sọ này sanh về đâu?
Ông trầm ngâm một hồi, không biết, tìm đâu cũng không thấy. Phật thúc:
- Sanh về đâu?
Ông nói:
- Bạch Thế tôn, chờ tôi chút!
Ông tìm mãi không ra, cuối cùng ông nói
- Tôi không biết.
Phật nói:
- Như Lai biết.
Ông hỏi:
- Ngài làm sao dạy cho tôi câu chú đó.
Phật bảo:
- Không được, ông phải xuất gia làm sa môn, mới dạy.
Ông nghĩ rằng, nếu ông học được câu chú đó thì nhất Ấn Độ, cho nên đồng ý xuất gia. Xuất gia rồi, ông được trao thiền quán về 32 thể trược bất tịnh trong người. Mấy ngày sau, ông chứng quả Alahán. Câu chuyện này, có một điểm cho thấy rằng, khi chứng Alahán thì hết các mầm sanh tử, nên đâu còn có sanh chỗ nào, do đó ông tìm không ra nỗi, không thấy được. Còn có sanh thì còn có chỗ nơi, tức còn thấy được. Đến vô dư y Niết bàn, là không còn bóng dáng gì nữa để tìm. Còn Niết bàn là sao? Chỗ này cũng có nhiều vị hiểu lầm lắm! Niết bàn, Trung hoa dịch ra có nhiều nghĩa: - tịch diệt, diệt độ, viên tịch, vô sanh. Tịch diệt là lặng lẽ, diệt độ là dứt hết những phiền não qua sanh tử; viên tịch là tròn đủ cái đức lặng lẽ; vô sanh là không còn tái sanh nữa. Nhưng nguyên nghĩa của Niết bàn là chỉ cho trạng thái thổi tắt, làm cho nguội vậy thôi. Như là một món đồ đang nóng hoặc lửa đang cháy, thổi cho tắt, làm cho nó nguội, gọi Niết bàn. Nghĩa gốc của nó là như vậy, về sau, dùng để chỉ cho trạng thái của người tu đã tắt hết lửa phiền não nung đốt, đã nguội lạnh, đó là Niết bàn. Nghĩa Niết bàn rất đơn giản, nhưng chúng ta tưởng tượng nhiều quá, nghe nói Niết bàn, tưởng là ở một cõi nào đó mình không bao giờ với tay tới, mà không ngờ nó ngay nơi mình không đâu khác. Tức là tâm không phiền não, dứt được mầm sanh tử thì ngay đó là Niết bàn. Nhưng sau này khi các vị A la hán bỏ thân này, gọi là nhập vô dư y Niết bàn, cũng như đức Phật thị hiện trong cõi này, rồi ngài bỏ thân này mình cũng gọi là nhập Niết bàn; do đó nhiều người tưởng nhập Niết bàn tức là chết, nên ai tu hành mà bịnh gần chết thì bảo sắp nhập Niết bàn, đó là đi xa nghĩa Niết bàn quá nhiều. Nếu như vậy, thì ai cũng được Niết bàn dễ lắm! Song thường khi hỏi đến Niết bàn, đức Phật ít có chịu giải thích, là vì sao? Bởi đó là chỗ của người chứng ngộ sống được thì tự biết thôi, người chưa chứng làm sao giải thích cho họ biết đây? Không làm sao giải thích được! Giải thích, còn dễ hiểu lầm nữa! Trong kinh A hàm, có người muốn hỏi đến chỗ đó, Phật chỉ im lặng thôi. Không thể nói có hay không. Nếu nói có, người ta tưởng đâu như vậy là còn có thân, mà còn có thân là còn sanh tử, tức hiểu lầm Niết bàn. Nếu nói là không, thì tưởng chết nhập Niết bàn là không còn gì hết, thành đoạn diệt, vậy làm sao nói? Do đó khó nói, chỉ để người chứng đến thì liền hiểu rõ. Trong kinh Phương Đẳng Bát Niết bàn, phương tiện nói Niết bàn có tám vị: thứ nhất là thường trụ, nghĩa là không bao giờ mất; thứ hai là tịch diệt, tức vắng bặt lặng lẽ; thứ ba là bất lão, tức không già; thứ tư là bất tử, không có chết; thứ năm là thanh tịnh; thứ sáu là hư không, tức rỗng suốt không ngăn ngại; thứ bảy là bất động; thứ tám là khoái lạc, vui sướng dứt hết mọi cái khổ. Theo trong kinh Đại Bát Niết bàn thì có bốn đức là Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Nói như vậy, là để cho những vị nghe nói Niết bàn đến chỗ đó thì dứt sạch hết phiền não, không còn sanh tử, nhưng không phải không còn gì hết.
Kế đây nói về câu trả lời của Phật là hàng phục và độ như thế nào? Ngài nói, Bồ tát hàng phục đó, là độ hết tất cả những loài chúng sanh, bao nhiêu loài chúng sanh đó đều độ hết vào vô dư y Niết bàn mà diệt độ cho nó. Tức đưa hết vào chỗ vô sanh. Chính chỗ đó là chỗ dễ nghi ngờ, không biết làm sao mình làm được? Bởi vì, mình là một chúng sanh mới phát tâm Bồ tát, mình chưa độ được mình nữa, thì làm sao độ hết chúng sanh kia! Hiểu như vậy, thì đành chịu không biết làm sao để hàng phục tâm; mà không hàng phục tâm thì làm sao an trụ? Thành ra hiểu cho kỹ thì chúng sanh đây là chúng sanh tâm, chứ nếu phải độ hết tất cả chúng sanh bên ngoài rồi mới thành Phật, vậy Phật Thích Ca thành Phật rồi, sao mình vẫn còn ngồi đây? Cho nên một tâm niệm của mình là một chúng sanh rồi, mỗi một ngày mình sanh đi chết lại không biết bao nhiêu lần, sanh niệm này nó mất, rồi sanh niệm khác, mỗi niệm là một chúng sanh, như vậy cả ngày có vô số chúng sanh, đủ loại hết; có khi là chúng sanh ở cõi người – niệm lành, có khi ở cõi ngạ quỷ – niệm ác hoặc có khi chúng sanh ở cõi địa ngục đau khổ u minh tối tăm, có khi thì ở A tu la, một ngày mình đi vòng hết, có thể sáu đường đều đủ. Nếu nói theo đây, thì một niệm khởi dục tình là vào thai sanh, một niệm mơ tưởng thì vào noãn sanh, bởi vì kinh Lăng Nghiêm gọi là noãn sanh là do tưởng mà đến, một niệm ái luyến là vào thấp sanh – ẩm ướt, một niệm chợt biến đổi là vào hoá sanh, một niệm khởi quán là vào cõi sắc, có sắc, một niệm lờ mờ là vô sắc, một niệm duyên với cảnh là vào có tưởng, một niệm ngu ngơ là vào vô tưởng, một niệm mà thầm thầm phân biệt ở bên trong là phi phi tưởng, thì ngồi thiền nó đủ hết trong đó. Như vậy tự tánh mình vốn vắng lặng thanh tịnh sáng suốt nhưng chợt vừa khởi một niệm động thì mê, mê thì một chúng sanh. Vì mê là che khuất tánh giác, che khuất tánh giác là một chúng sanh chứ gì! Nếu nói theo ngài Thánh Nhất thì vọng tâm của mình chấp phải chấp quấy là có sắc, bác không nhân quả tội phước là vô sắc, còn nói mà chẳng làm là có tưởng, trừ vọng mà chẳng khởi tác dụng là vô tưởng, tức chỉ đè bẹp nó; còn có không đều trừ hết, nói nín đều quên thì đó là chẳng phải có tưởng, nhưng lý lại chưa sáng, còn có tâm cầu lý, đó là chẳng phải không tưởng. Như vậy ngay nơi một vọng tâm của mình cũng đầy đủ các cõi ở trong đó, khi ngồi thiền mình kiểm lại lúc đó thì biết mình đang ở cõi nào. Đã rõ mỗi một tâm niệm của mình là một chúng sanh, vậy thì bây giờ độ cách nào đây? Làm sao đưa vào vô sanh? Niệm thì nó chợt có chợt không, làm sao mình nắm bắt được nó, để độ nó? Điểm đó mới khó! Ở đây, một niệm khởi lên thì phải khéo thấy trở lại “trước khi khởi niệm;” ngay niệm khởi lên, chỉ khéo soi trở lại “trước khi niệm khởi”, thì trước khi khởi niệm có hình tướng gì? Có niệm tức có đối tượng để niệm, có đối tượng mới có hình tướng, mới có thấy được - không có một niệm nào mà không có đối tượng - quý vị thử khởi một niệm mà không có đối tượng gì hết xem? Không có đối tượng làm sao khởi? Bởi niệm là niệm về cái gì? Cho nên có đối tượng, là có tướng ở trong đầu mình, nên thấy được. Giờ soi trở lại thì nó đâu có hình tướng gì! Như vậy ngay đó tự nó lặng lẽ đâu có bóng dáng gì, là đưa nó vào vô dư y Niết bàn rồi mà không thấy có đưa gì hết. Song cần chú ý! Nếu mình còn thấy cái không tướng thì cũng có đối tượng trước mặt mình, vì “không tướng” thì đối với “có tướng”. Chẳng hạn, mình thấy cái bình bông này là cái có tướng, cái hư không là không tướng, cũng là cái đối tượng, cũng là tướng, tướng không. Trước khi khởi niệm thì không đối tượng nên không có nói là tướng hay không tướng, mà luôn luôn sáng ngời rõ ràng thường biết. Có điều “nói không thể đến”, vì ngôn ngữ không thể diễn tả. Chính đó là tinh thần phản quan! Vì soi trở lại thì đâu có đi theo niệm, không đi theo niệm là hàng phục, là phản quan chứ gì! Tinh thần hàng phục là như vậy! Nên “độ” là “giác” chứ không gì khác. Giác được nó thì nó không còn chỗ để sanh. Sở dĩ niệm nó sanh được là sao? Là nó luôn theo với cái mê, mê cho nên lấy chỗ tối tối mờ mờ đó mới sanh được; còn giác thì đâu còn có chỗ nào để nó ẩn trốn nữa, bám vào đâu để sanh? Không sanh là độ. Nếu trường hợp mình không đủ công phu soi trở lại thấy chỗ trước khi khởi niệm, chính ngay khi niệm khởi mình tìm trở lại coi cái gì khởi niệm, tìm một hơi không thấy gì thì nó yên hồi nào không hay, thành độ mà không thấy độ gì hết. Do đó mới thấy rõ niệm là không thật, nếu thật thì phải có chỗ mình độ, mình đưa nó, như có con thuyền, có con người rồi mình đưa người bên này qua bên kia, đi lên bờ, còn chỗ này soi lại thì yên, yên thì mất bóng dáng, hết chỗ tìm. Nên Lục Tổ nói: “- Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau ngộ là Phật”, mình nghe theo danh từ cũng dễ hiểu lầm, thành ra có hai niệm, nhưng sự thật “niệm trước” mê là phàm phu, “niệm sau” ngộ là Phật, tức chỉ cho Phật hay phàm phu chỉ trong một niệm chứ không xa. Nói gọn lại, mê là phàm phu, ngộ là Phật; nói niệm trước niệm sau là ngầm ý nói chỉ cách nhau một niệm thôi, chứ không phải thật có một niệm trước, thật có một niệm sau. Vì nếu thật có một niệm trước, một niệm sau thì mình cũng khó mà tu hành thành Phật. Niệm trước phàm phu mà thật rồi, thì phải diệt hết cái đó mới được thành Phật. Song nếu nó thiệt thì làm sao diệt? Do đó không có hai niệm thật, chỉ là hai danh từ trên cái giả tướng vậy thôi. Giống như sóng và nước, khi nước nổi sóng mình thấy như nó có sanh rồi diệt, có lượn sóng lớn, có lượn sóng nhỏ, lượn này trước, lượn kia sau, tiếp nối tiếp nối đuổi nhau một dòng liên tục. Sự thật thì nó có trước sau gì không? Nó cũng chỉ là một mặt nước thôi, đâu có gì trước sau? cũng đâu có gì sanh diệt? Ngay một niệm hiện tiền đây, nó rõ ràng sờ sờ đó, nhưng mê nó thì gọi là vọng, là chúng sanh; giác được nó là chân, đâu có gì khác chen vào! Bởi vậy khi thấy được nó không thật thì mới cảm thông với Phật, cũng như các vị Bồ tát, như Bồ tát Địa Tạng ngài phát nguyện: “- Độ tận hết thảy chúng sanh mới chứng Bồ đề, địa ngục chưa không nguyện không thành Phật”. Nếu thấy chúng sanh thật, thấy niệm thật, thì chắc là không dám phát nguyện như vậy. Vì thấy rõ chúng sanh vốn không thật, vốn đầy đủ Phật tánh; niệm cũng vốn là hư vọng thôi, nguyên thể của nó là thanh tịnh, hiểu như vậy nên các ngài phát nguyện mà không ngại. Hiểu như vậy, thì hết nghi Phật đã thành Phật rồi mà mình vẫn còn ở đây, nếu không thì làm sao Phật thành Phật trước khi mình còn là chúng sanh. Rõ ràng độ chúng sanh là độ tâm chứ không gì khác; bởi vì còn niệm là còn sanh, mà còn sanh thì còn đau khổ, còn phiền não; còn phiền não thì còn địa ngục. Cho nên ngài Lâm Tế nói: “- Phiền não do tâm nên khởi, vô tâm thì phiền não làm sao câu thúc được?” Phiền não bao nhiêu cũng do tâm mà khởi, còn vô tâm thì không gì trói buộc mình được. Tóm lại, đưa vào vô dư Niết bàn, là đưa vào chỗ vô sanh, mà đưa vào chỗ vô sanh thì đâu còn bóng dáng gì nữa để thấy, do đó không có chúng sanh nào để độ. Trái lại, nếu thấy còn có một chúng sanh để độ, tức là chưa đưa vào vô sanh rồi, còn có chỗ để sanh nữa. Để thấy rõ khi vọng lặng tức chân, đó là diệu tâm Niết bàn, Niết bàn chân thật bất sanh bất diệt hiện tiền ngay nơi mình, không đâu xa. Trong nhà thiền có câu: “Tuyệt hậu tái tô” (Chết đi sống lại), phải một phen chết đi thì sống lại, chết đi những cái tâm chúng sanh đó, những tâm vọng tưởng đó một phen chết nó đi thì sống lại; sống lại, mới thấy chưa từng rời Niết bàn, thấy rõ ngay nơi mình là Phật, như vậy thấy rõ Phật luôn luôn có mặt ở mọi nơi, không có nhập Niết bàn. Phật Niết bàn đó, là Phật hình tướng, đó là Phật ứng thân, còn Phật thật chưa từng Niết bàn. Bất cứ ai, nếu khéo nhận thì thấy Phật luôn luôn ra đời với người đó, một niệm mình mê thì Phật Niết bàn, một niệm mình giác là Phật ra đời, vì giác là Phật. Bởi vậy, Phật luôn luôn sẵn sàng lúc nào cũng ra đời, nhưng tại mình không thấy thôi. Từ đó mới cảm thông với Đại sư Trí Giả, ngài tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương Dược Thượng, liền nhập định, thấy Phật còn trên hội Linh Sơn thuyết pháp chưa từng tan. Ngài Trí Giả sống ở Trung Quốc cách Phật ra đời cả ngàn năm mà thấy Hội Linh Sơn chưa tan, vậy là sao? Nếu thấy Phật ở trên hình tướng, thì Phật Niết bàn lâu quá rồi. Như đã nói Phật nhập Niết bàn là Phật hoá thân, Phật ứng thân không phải Phật thật. Quý vị thấy rõ nghĩa hàng phục tâm chưa? Nhắc lại, là thấy trở lại chỗ chưa khởi niệm, ngay khi nó khởi niệm đưa trở về, soi trở lại chỗ chưa từng khởi niệm, trước khi khởi niệm thì nó không có bóng dáng gì, tự nhiên nó yên, yên đó là đưa vào vô dư y Niết bàn mà không có diệt độ gì hết. Còn nếu thấy có chúng sanh để diệt độ, tất nhiên là còn mắc kẹt bốn tướng, nên ở đây mới nói là lìa bốn tướng. Phật bảo: “- Nếu Bồ tát có tướng ngã, tướng nhân, chúng sanh,thọ giả tức chẳng phải Bồ tát”. Nói về bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả này cũng có thô, có tế. Bốn tướng thô là nói về chấp ngã, thấy thân này là thật có, mình là người độ, có thân tâm này là thật, đó là tướng ngã. Rồi thấy có người thật, có người được mình độ, mình độ người đó thật, đó là tướng nhân. Còn chúng sanh tướng, là thấy thật có nhiều loài sai biệt, loài này loài kia, và chúng sanh thật có nhiều căn cơ, có người ngu người trí đủ hết, đó là tướng chúng sanh, nghĩa là thấy mỗi tướng sai biệt nó là thật. Tướng thọ giả, tức là chấp chúng sanh ai cũng có mạng sống thật, cho nên ai mà đoạt mạng này thì hận lắm! đó là tướng thọ giả, nói theo tướng thô. Đúng ra nói theo tinh thần Kim Cang thì nó tế hơn: ngay trong tâm niệm của mình vừa khởi một niệm độ là sao? ai khởi niệm? đó là tướng ngã. Khởi niệm độ là nghĩ ta độ chứ gì? Rồi thấy có niệm để đối trị là có tướng nhân; thấy vọng tưởng là vô lượng vô biên là tướng chúng sanh; rồi niệm này liên tục không dứt, đó là tướng thọ mạng. Như vậy dùng trí xét cho tột nguồn tâm thì vừa khởi niệm là rơi vào bốn tướng rồi, mà còn bốn tướng thì còn có sanh, có sanh thì có diệt, là đi trong sanh tử, chưa phải là Bồ tát. Song nói bốn tướng chia ra như vậy, sự thật xét cho kỹ cũng là một tướng “Ngã” này thôi chứ không gì khác. Từ một cái “ngã” mà chia từ thô tới tế để cho mình thấy rõ. Tướng nhân, là do có cái ngã này mới có cái nhân, chúng sanh cũng vậy cũng do ngã, rồi tướng thọ giả cũng do thấy có ngã, từ cái ngã mà hiện ra. Do đó người tu hành mà không đạt được đạo, không giải thoát được, cũng bởi vì còn “cái ngã”. Chính cái ngã nó che, nó cột hoài không giải thoát được. Còn chân lý luôn sáng ngời, cũng như “ánh sáng bát nhã” luôn hiện tiền trong mọi oai nghi, mọi cử chỉ của mình, ngay khi mình ngồi tại đây nó cũng có đủ ở đây, nhưng bị cái ngã che thành mù. Phật phó chúc rõ ràng là, “ánh sáng bát nhã” luôn có hết trong mọi cử chỉ, oai nghi hành động, nhưng khổ nỗi hầu hết chúng ta chấp “cái ta mấy chục ký lô” này, chấp “cái ta một thước mấy” này, thành ra chỉ có thấy cái ta này, làm sao thấy được “cái kia”! Cái kia nó vẫn hiện tiền nhưng cứ nhớ cái này, vì nó dễ thấy. Song cứ nhớ nó, lỡ có ai mà đụng tới nó…, thì làm sao mà thấy cái kia. Chính vì vậy, mới đáng thương cho cái thật vẫn sát bên, nhưng do mê lầm chấp cái ngã làm thật nên mắc kẹt chỗ đó mà chia cách. Nhìn cái hoa thì liền có cái “ý tôi” trong đó, “ý tôi” thế này, ý tôi thế kia, mà có “ý tôi” thì có “ý người”, có ý tôi, ý người thì bản thân của sự vật bị chia chẻ, cái hoa không còn là cái hoa như nó là nó, mà có cái hoa của tôi tốt, có cái hoa của anh xấu, bởi vì mỗi người nhìn theo một ý riêng. Tôi thấy cái hoa này tốt là bởi vì sao? Vì từ trước, tôi chưa từng thấy cái hoa này. Còn cái hoa của người kia xấu, bởi vì họ từng thấy những cái hoa còn đẹp hơn nữa. Nhưng với chị kia thì sao? cái hoa này hình như ai ăn cắp trong vườn của tôi. Thành ra cái hoa bản thân nó không còn là nó nữa mà nó bị chia chẻ rồi! Chân lý cũng như vậy, chân lý thì luôn sáng ngời chân thật như vậy, nó tinh khôi chưa từng bị chia chẻ, nhưng chính cái ngã xen vào trong đó, chia chẻ, thành ra có chân lý của tôi, chân lý của anh, mà chân lý thì đâu có của tôi, của anh! Nếu có của tôi, của anh thì thành ra khía cạnh thôi, chứ không phải là sự thật như như. Xét xa hơn một chút thì sẽ thấy, mỗi sự khen chê, mỗi sự công kích nhau ở thế gian này, là nhắm vào cái gì? Nhắm vào cái ngã này thôi. Có chưởi mắng là chỉ mắng cái tôi này thôi, chứ cái tôi chân thật kia, cái thể Kim Cang kia, làm sao họ thấy mà họ mắng? làm sao mắng tới cái kia? Bởi vậy mình lầm chấp cái tôi này thành ra bị mắng liền! Như vậy ngay nơi niệm này mình soi sáng trở lại tức lìa bốn tướng, mà lìa bốn tướng thì bát nhã hiện tiền, ý chỉ hàng phục tâm là ngay đó! Nhân đây hiểu qua chỗ ngài Huệ Khả được Sơ Tổ an tâm. Nghĩa là ngài đến cầu Tổ xin pháp an tâm, thì Tổ Đạt Ma bảo:
- Đem tâm ta an cho.
Ngài soi tìm trở lại không thấy bóng dáng gì hết, liền thưa:
- Con tìm tâm không thể được.
Tổ bảo:
- Ta an tâm cho người rồi.
Đó là thấy được cách hàng phục tâm. Cho nên tu, là ngay nơi tâm niệm chứ không gì khác. Tổ Lâm Tế dạy rất rõ ràng: “- Nếu vọng niệm khởi lên chớ cho nó tiếp tục, còn nếu nó chưa khởi lên thì đừng cho nó khởi, như vậy cũng hơn quý vị mười năm đi hành cước”. Đi hành cước chỗ này, chỗ nọ, không bằng ngay nơi một niệm vọng khởi lên, đừng cho nó tiếp tục, hoặc nó chưa khởi, đừng cho nó khởi, vậy ngay đó là đủ, khỏi xách gói chạy đi đầu này đầu kia! Sở dĩ xách gói chạy đi đầu này đầu kia, cũng chỉ để tìm trở lại chỗ đó thôi chứ gì? Ngài Nam Nhạc nói đơn giản hơn:“- Đất tâm nếu không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu”. Nếu ngay nơi đất tâm đã không, không này là không gì? Không những chúng sanh đi lang thang đầu này đầu nọ; đất tâm nếu không những chúng sanh đó, thì mặt trời Kim Cang bát nhã tự chiếu rõ ràng, đơn giản không phải nhọc nhằn xách gói chạy tìm bát nhã ở đâu. Nếu mình luôn luôn chiếu soi trở lại nguồn tâm như vậy đó, công phu thuần thục, cơ duyên đến mình sẽ thành Phật ngay trong đi đứng không phải đâu xa. Đó là yếu chỉ hàng phục rất là sáng sủa! Tóm lại, niệm khởi lên liền thấy, cái gì thấy được niệm? Niệm không thể thấy được niệm, mà vọng cũng không thấy được vọng, bóng cũng không thấy được bóng, chính thấy được chỗ niệm khởi đó, là bước trở về, là kiểm soát lại, là đi trong ánh sáng, là hàng phục, là chỗ ứng dụng để sống, đó là nói về lý. Nói rộng ra trên sự, khi mình phát tâm độ tất cả mọi loài chúng sanh, đó là mở tâm rộng lớn, chính tâm rộng lớn đó là để phá ngã. Quên chấp ngã mới phát tâm độ hết mọi loài chúng sanh, không phải độ riêng số này, số kia không hợp với tôi để dành lại một bên, thì chưa phá tột tâm chấp ngã.
Thứ hai, phát tâm rộng lớn độ vô số vô biên chúng sanh đó là tâm trường viễn; không phải độ một ít thôi rồi nghỉ, mà độ vô số thì không có chừng hạn, như vậy mới trường viễn, kiên cố lâu dài, không có thối chuyển.
Thứ ba, phát tâm độ vào thẳng vô dư Niết bàn, tức thẳng đưa vào chỗ vô sanh chứ không đâu khác, đó là “tâm chuyên nhất”, không có xen tạp, chỉ hướng đến một con đường vô sanh vậy thôi. Nếu mình phát tâm được như vậy, thấy đến chỗ đó thì sao? Công phu tu hành của mình chắc chắn có kết quả, không nghi ngờ. Trái lại phát tâm độ một số nào thôi, dừng lại đó, là có tâm tự mãn, thiếu tâm trường viễn và dễ sanh bệnh dừng lại giữa đường, đứng chựng lại không có tiến được. Hoặc là đặt cái thời gian tu, mà đặt thời gian thì cũng là cái chướng ngại nữa. Có người phát tâm tu tha thiết, nhất định ba tháng sáu tháng là phải ngộ đạo, qua sáu tháng không ngộ liền thối tâm. Ở đây thì không có thời gian, không có giới hạn, mình làm hết mức của mình, công phu thuần phục đầy đủ thì tự nhiên nó khế hợp thôi, không cầu mà cũng được, còn đặt như vậy lại là một hình thức khác của tập khí bản ngã kiêu ngạo nữa. Như vậy đoạn hàng phục tâm, chính là sự sống thực của mình đó, sống trở lại, quay trở về, ngay từng tâm niệm của mình khéo soi trở lại, không lăng xăng lộn xộn, chỉ sống với bát nhã, đó là hàng phục. Tới đoạn vô trụ.