CHÁNH VĂN:
1. NGUỒN GỐC PHÁP HỘI
Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng chúng Đại Tỳ Kheo 1250 người chung hội.
Bấy giờ Thế Tôn đến giờ ăn, Ngài đấp y, mang bát đi vào thành lớn Xá Vệ khất thực. Ở trong thành ấy theo thứ lớp khất thực rồi, trở về chỗ mình, thọ thực xong, thu xếp y bát, rửa chân và trải tòa mà ngồi.
GIẢNG:
Ở đây tại sao gọi là phần 1? Kinh Phật thì có chia ra 3 phần: - Tựa, chánh tông và lưu thông, thường kinh Phật chia như vậy, nhưng ở đây chia 32 phần, phần một là nguồn gốc của pháp hội, trong phần này gồm phần tựa ở trong đó. Kinh Phật vốn xuyên suốt từ đầu đến cuối nhưng ở đây các ngài chia ra để người học dễ nhận, song chia làm 3 phần: Tựa – Chánh tông – Lưu thông là từ đâu mà có? Từ pháp sư Đạo An, ngài phát minh ra. Ngài Đạo An là người đốc Phù Kiên thỉnh ngài Cưu-ma-la-thập. Đặc biệt, kinh Kim Cang chia ra làm 32 phần như vậy, là do thái tử Chiêu Minh, một vị thái tử tại gia nhưng có tâm bồ tát và cũng có nhiều điểm khác thường. Ông sanh năm 499, mất 529, mất sớm, tên là Thống – tự Đức Thi. Khi sanh ra 3 tuổi đã hiểu được Hiếu kinh và Luận ngữ, 5 tuổi đọc khắp được cả ngũ kinh. Khoảng đầu niên hiệu Thiên Giám của vua Lương khoảng 502, ông được lập làm hoàng thái tử. Ông rất tin sâu Phật pháp, đã thọ giới bồ tát, vâng giữ rất là nghiêm cẩn. Ông cũng xem khắp kinh điển và hiểu sâu xa về giáo lý. Ở trong cung của ông, ông lập riêng một điện là điện Tuệ Nghĩa, thường mời các bậc cao tăng đến giảng luận; làm thái tử trong cung mà có tâm hâm mộ Phật pháp như vậy. Có nhiều chuyện lạ, là vào đầu tháng tư năm đầu của niên hiệu Phổ Thông khoảng 520 trong điện Tuệ Nghĩa này có mưa cam lộ. Ông từng soạn giải nhiều sách về Phật pháp và là người hiếu kính, nhân từ. Làm thái tử hơn 20 năm nhưng ông chẳng chứa những cô gái hầu như những vị thái tử khác, sống rất đạm bạc. Khoảng tháng 4 năm Đại Thông thứ ba ông bị bịnh mất, mới 31 tuổi, khắp nơi mọi người đều thương tiếc. Ông phân kinh Kim Cang này làm 32 phần mà từ trước đến nay các vị giảng sư cũng theo đó giảng không thấy ai chê trách.
Phần đầu là nguồn gốc pháp hội: Có hai phần: - Tựa chung và tựa riêng, gọi là thông tự và biệt tự . Tựa chung là:
CHÁNH VĂN:
- Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng chúng Đại Tỳ Kheo 1250 người chung hội.
Là phần tựa chung. Phần kế là phần tựa riêng cũng gọi là phần phát khởi tự:
CHÁNH VĂN:
- Bấy giờ Thế Tôn đến giờ ăn, Ngài đấp y, mang bát đi vào thành lớn Xá Vệ khất thực. Ở trong thành ấy theo thứ lớp khất thực rồi, trở về chỗ mình, thọ thực xong, thu xếp y bát, rửa chân và trải tòa mà ngồi.
GIẢNG:
Kinh Phật phần tựa chung, là chung hết cho các kinh, thường có đủ phần tựa giống nhau như vậy, chỉ khác chỗ nơi và chúng. Trong phần này gồm có lục chủng thành tựu hay lục chủng chứng tín là sáu điểm chứng thành cho mình đủ niềm tin biết đây là kinh Phật. Ở đây: - Như vầy là chỉ cho tín thành tựu. Tức Phật pháp đúng với chân lý. Tiếng Hán theo thứ tự là Như thị ngã văn: - Như vầy tôi nghe, dịch ra tiếng Việt là: - Tôi nghe như vầy. Tôi nghe: chỉ cho ngài A-nan nghe, gọi là văn thành tựu, là chỉ cho người nghe. Bởi ngài A- nan nghe Phật dạy rồi thuật lại. A- nan là tên tiếng Phạn, Trung quốc gọi là Khánh Hỉ. Ngài là vị thị giả theo sát bên Phật, nên những kinh Phật ngài thường nghe, mà ngài là vị đa văn bậc nhất trong mười vị đại đệ tử của Phật, ngài nhớ rất giỏi và nhớ dai, cho nên sau này ngài thuật lại. Một thuở nọ: - là chỉ cho thời gian, gọi là thời thành tựu. Bởi thời gian xưa ở Ấn Độ tính khác, Trung quốc tính khác, khó xác định cho nên không ghi rõ mà chỉ nói tổng quát là một thuở nọ. Phật là chỉ cho chủ thành tựu. Phật nói đủ là Phật- đà, Phật đà gia, là người giác ngộ. Chính chữ Phật này là cái tên cũng đủ ý nghĩa cho mình học, mình tu. Tại sao gọi là người giác ngộ? Như vậy để thấy Phật không chỉ dành riêng cho Thái tử Tất Đạt đa, mà chữ Phật này là để chỉ cho một con người đã giác ngộ viên mãn đầy đủ gọi là Phật. Vậy chúng ta cũng là một con người, nếu đã giác ngộ đầy đủ viên mãn cũng được thành Phật, không phải cái tên này chỉ dành riêng cho một người nào.
Vườn Cấp cô độc, rừng Kỳ Đà, nước Xá Vệ
Có những chỗ gọi là Thành Thất la phiệt, là dịch âm qua tiếng Hán, dịch ra là Phong đức hay là Văn vật, bởi vì xứ này là nước lớn ở Ấn Độ giàu có sản vật mà đạo đức cũng cao, có tiếng tăm ở trong cõi Ấn Độ, là kinh đô phía bắc của nước Kiều tát la, dùng kinh đô để gọi nước nhằm phân biệt với nước nam Kiều tát la. Chính Tinh xá này là nơi đức Phật dừng ở nhiều nhất, sử ghi trước sau Phật ở đây hai mươi lăm mùa an cư, nhiều nhất trong các nơi, thuyết rất nhiều bộ kinh quan trọng. Vườn Cấp cô độc rừng ông Kỳ đà, Kỳ đà là chỉ cho thái tử con của vua Ba-tư-nặc, có nghĩa là Chiến thắng, bởi vì lúc sanh ông ra thì vua Ba-tư-nặc đang chiến thắng ở nước ngoài trở về, nghe tin thái tử sanh nên đặt tên là Chiến thắng. Còn Cấp-cô-độc là chỉ cho ông trưởng giả Cấp-cô-độc, có khi chúng ta nghe gọi âm là Tu-đạt-đa, đây là một ông trưởng giả ủng hộ Phật pháp rất lớn, ông thường hay giúp người nghèo khó, người cô độc. Nhân duyên ông gặp Phật cũng rất đặc biệt, nhân ông đến nhà ông trưởng giả Sa- già- na ở thành Vương xá để hỏi vợ cho đứa con, nhưng khi ông đến nhà ông trưởng giả này gặp lúc ông này đang chuẩn bị thỉnh Phật về cúng dường, nên trong đêm ông thấy nhà họ lăng xăng sửa soạn đồ đạt để làm thức ăn sáng ngày mai đón Phật và chư Tăng. Ông thấy vậy mới hỏi: - Vì sao có việc như vậy? Mới biết rằng, sáng ngày hôm sau là thỉnh Phật. Ông vừa nghe tên Phật thì toàn thân ông lông dựng lên, một cảm xúc mạnh mẽ rồi dẫn ông đến gặp Phật. Sau khi ông quy y Phật rồi, ông trở về nước Xá vệ lập Tinh xá thỉnh Phật. Bởi khi ông được gặp Phật, rồi quy y Phật, thì ông nghĩ rằng mình có duyên tốt với Phật, nhưng những người ở Xá vệ chưa có duyên tốt để gặp Phật, do lúc này Phật chưa có qua nước Xá vệ, vì vậy ông thỉnh Phật về nước, nhưng Phật nói rằng: - Ta đi cũng được, nhưng còn bất tiện vì chưa có chỗ cho chư Tăng nghỉ ngơi. Thường Phật đi thì có cả 1.250 vị Tỳ kheo đi theo, đông quá mà chưa có Tinh xá thì sao? Ông nói: - Việc đó không khó, để về con lo. Ông vội về tìm chỗ mua đất để cất Tinh xá nhưng kiếm hoài chẳng có chỗ nào tiện lợi, chỉ thấy vườn cây của ông Kỳ Đà là ông chịu mà vườn này của ông thái tử làm sao mua đây? Song ông cũng cứ đến hỏi, nài nỉ mua, thái tử Kỳ đà không chịu, ông nói: Ta là thái tử có nghèo đâu mà bán! Nhưng ông vẫn nài nỉ, thái tử không biết sao, ông nói: - Thôi bây giờ ông đem vàng trải hết ở đó đi!
Tưởng nói vậy để cho ông trưởng giả hết nài nỉ, không ngờ ông làm thiệt, ông về cho xe chở vàng đến trải gần khắp hết. Thái tử được người báo, liền tới thấy ông Cấp- cô- độc lúc này đang đứng có vẻ trầm ngâm thì thái tử nói: - Ủa! Ông tiếc hay sao? Ông Cấp- cô- độc nói:- Không phải, tôi đang nghĩ tính coi chở kho nào gần nhất để tới cho sớm, làm kịp Tinh xá rước Phật.
Thái tử hỏi ra biết là ông Cấp- cô- độc mua vườn này cất Tinh xá để thỉnh Phật về, thấy lòng mộ Phật của trưởng giả như vậy, không có tiếc của cải, còn ông có gì đâu để tiếc! Thái tử Kỳ đà cảm động, ông nói: - Thôi tôi sẽ hợp tác cất tinh xá thỉnh Phật! Đất trải vàng thì thuộc về ông, còn cây thuộc về tôi.
Cho nên gọi là rừng Kỳ đà vườn ông Cấp- cô- độc. Chúng Đại Tỳ kheo 1.250, phần trên gọi là xứ sở thành tựu, đây gọi là chúng thành tựu. Chúng đại tỳ kheo là danh từ chuyên môn. Chúng là chỉ cho Tăng, nói đủ là tăng già da, gọi là hòa hợp chúng, một chúng hoà hợp gồm 04 người trở lên. Ở đây chúng đại tỳ kheo là những vị tỳ kheo trưởng lão 1.250 người là ai? Trước là năm anh em ông Kiều Trần Như được Phật độ trước tiên, năm vị. Ba anh em Ca diếp ba, Trong nhà Phật có tới mấy vị Ca diếp. Ca diếp thường gọi là Tổ Ca-diếp, đó là Ma Ha Ca- diếp. Còn Ca diếp ở đây là ba anh em ông Ưu- lâu- tần- loa Ca diếp, Già da Ca diếp, Nan-đề Ca diếp. Ba ông này trước thờ lửa, sau khi được Phật giáo hoá thì mỗi người đều dẫn đệ tử về theo. Ông anh lớn có 500 người đệ tử trở về với Phật, rồi hai ông em cộng lại một vị 300, một vị 200 cộng chung lại 1.000. Ngài Xá- lợi- phất và Ngài Mục- kiền- liên sau khi trở về với Phật, dẫn theo 200 đệ tử nữa là 1.200. Còn ông trưởng giả Da xá khi về với Phật, rồi ông dẫn theo 50 người bạn nữa. Như vậy là 1.250, nhưng nếu cộng chung lại với 5 anh em ông Kiều- trần- như là 1.255, mà nói 1.250 là nói số chung, số chẳn, đúng là 1.255. Nếu cộng thêm ba anh em ông Ca diếp, cộng hai ngài Xá- lợi- phất và Ngài Mục- kiền- liên, cộng con ông trưởng giả Da- xá nữa thì 1.261 vị. Đây nói những vị thường theo gần bên Phật, Phật ở đâu thì thường đi theo. Sự thật trong hội Phật giảng kinh, không phải chỉ có mấy vị này, mà đủ tứ chúng, có khi vua quan, rồi những vị từ các nơi tới nghe, chứ không phải bao nhiêu đây thôi nhưng những vị này thường theo Phật, là căn bản nên thường được nhắc tới. Như vậy, phần lục chủng chứng tín, là tín thành tựu, tức pháp đáng tin, văn thành tựu là A- nan nghe, thời thành tựu là thời gian, chủ thành tựu là Phật, xứ sở thành tựu là chỗ nơi, chúng thành tựu là người nghe, cho thấy rõ giống như biên bản một buổi họp. Biên bản một buổi họp thì phải có chủ toạ, rồi cử toạ là người nghe, rồi thư ký ghi buổi họp đó, thư ký đây là văn thành tựu tức ngài A- nan, rồi họp ở đâu tức là xứ sở, rồi họp vào lúc nào là thời gian, rồi họp nói về vấn đề gì, đây là tín thành tựu. Đó là nói về mở đầu của kinh, theo giáo nghĩa sẽ giải thích thêm cho quý vị rõ: - Tôi nghe như vầy là sao? Đây là lời mở đầu của các kinh: - Như thị ngã văn (Tôi nghe như vầy). Bởi vì khi Thế tôn sắp nhập diệt, ngài A- nan hỏi Phật 04 điều thì điều thứ tư là: Sau này khi kiết tập kinh điển thì đầu kinh để thế nào? Phật dạy phải để: “Như thị ngã văn”, tức “tôi nghe như vầy”. Các vị sau này có giải thích lý do là trừ nghi. Bởi trong sử có ghi rằng, khi ngài A- nan lên toà thuật lại lời Phật trong hội kiết tập đầu tiên, ngài sắp tuyên nói Phật pháp liền cảm thân tướng của ngài tướng hảo quang minh y như Phật sáng rỡ, lúc đó trong chúng khởi lên ba điều nghi:
- Nghi thứ nhất: Không biết là Phật hiện trở lại để nói pháp chăng? Bởi vì thấy ngài A- nan thân tướng sáng rỡ giống như Phật.
- Nghi thứ hai là: Nghi Phật từ nơi khác đến?
- Nghi thứ ba là: Nghi hay là ngài A- nan thành Phật.
Ba điều nghi như vậy. Khi ngài A-nan tuyên nói ra: “- Tôi nghe như vầy”, thì dứt hết các điều nghi đó. Nghĩa là ngài nghe những lời Phật nói, ngài nói lại vậy thôi, thành ra dứt các điều nghi kia. Lý do thứ hai là để dừng tranh luận. Dừng tranh luận là sao? Để nói rằng từ Phật ngài nghe chứ không phải ngài chế ra, nếu không nói như vậy thì có người nghi ngài chế ra hay sao? Như vậy họ sẽ có sự tranh luận. Còn đây “tôi nghe như vầy” là nghe những lời Phật dạy rồi thuật lại thôi.
Điều thứ ba là để phân biệt với kinh sách của ngoại đạo, bởi vì ở Ấn Độ những kinh của ngoại đạo ở ban đầu thì để là “a ưu”, còn ở đây thì “như thị ngã văn” là khác. Đó là phần mở đầu kinh theo giáo nghĩa. Nếu theo nhà thiền, theo thiền sư thì sao? Theo thiền sư thì thế nào là chỗ vào kinh?
Có vị tọa chủ tham vấn với quốc sư Huệ Trung, quốc sư mới hỏi:
- Toạ chủ bình thường làm việc gì?
Ông tọa chủ đáp:
- Từng giảng kinh Kim Cang.
Quốc sư Huệ Trung hỏi:
- Vậy hai chữ đầu tiên đó là gì?
Tọa chủ đáp:
- Như thị. (như thị ngã văn).
Quốc sư hỏi:
- Là gì?
Ông đó không trả lời được. Hỏi hai chữ đầu tiên là gì, tọa chủ trả lời “như thị”, ngài Huệ Trung gạn lại “là gì?”, ông trả lời không được. Như vậy quý vị có thấy chỗ mở đầu kinh theo cái nhìn của các vị thiền sư chưa? Nói “như thị” mình hiểu theo chữ nghĩa thì như đã giải ở trên, nhưng thiền sư ngài gạn lại “cái gì là như thị”, thấy “chỗ đó” mới thấy chỗ mở đầu kinh; và muốn thấy được chỗ đó phải hiểu quyển kinh này là gì? Thường thì chúng ta dễ mắc kẹt theo thường tình, hiểu kinh Kim Cang là quyển kinh chia ra bao nhiêu phần, là quyển kinh mình đọc hằng ngày đó, cho nên mở quyển kinh là như thị thôi, nhưng quyển kinh mà thiền sư nói là quyển kinh nào? là quyển kinh vô tướng, quyển kinh sống ngay nơi mình đó, chứ không phải ý ngài chỉ quyển kinh này. Hiểu như vậy mới thấy ý của ngài. Như vậy mở đầu quyển kinh đó bằng cái gì? - Như thị - Như thị là sao? Là chỉ cho nó như vậy là như vậy, không có thêm những niệm phân biệt, những niệm chia chẻ gì ở trong đó, không có động niệm gì ở trong đó; chính chỗ đó mới là chỗ như thị, mới là chỗ mở đầu của quyển kinh đặc biệt này. Vì vậy ngài Vân Môn nói: “- Thấy cây gậy chỉ là cây gậy”, không có thêm gì khác nữa hết, không có thêm niệm hơn thua, phải quấy, tốt xấu, thiệt giả, ngay cái thấy đó là như thị, là chỗ mở đầu kinh, là chỗ mình vào được quyển kinh sống này. Đó là quyển kinh Kim Cang Bát Nhã thực, còn quyển kinh để ở trên bàn đây là quyển kinh tạm phương tiện vậy thôi; phải nhân quyển kinh này thấy lại quyển kinh kia mới là đích thực. Như vậy quý vị thấy thiền sư nhìn thực tế không? Rất thực tế nhìn thẳng tắt, không nói dài dòng nhưng mà rất là chính xác. Mới thấy, mình học quyển kinh văn tự nhưng mình phải thấu qua quyển kinh văn tự để thấy rõ quyển kinh thật nữa, mới khéo học kinh Kinh Kim Cang Bát Nhã.
Đó là phần tựa chung, bây giờ đến phần tựa riêng là phần phát khởi tự:
Bấy giờ đức Thế Tôn đến giờ ăn, ngài đắp y mang bát đi vào thành lớn Xá Vệ khất thực. Ở trong thành ấy theo thứ lớp khất thực, rồi trở về chỗ mình, thọ thực xong, thu xếp y bát, rửa chân và trải toà mà ngồi.
Trong đây có mấy điểm:
- Thứ nhất là đến giờ ăn. Thường Phật chế ra: Phật và các vị tỳ kheo không phải muốn ăn lúc nào thì ăn, như ngoài đời đói bụng thì ăn, mà phải có giờ giấc đàng hoàng. Giờ ăn của Phật cũng như các vị tỳ kheo đi khất thực đó là từ sáng mặt trời mọc lên đến giờ trưa, giờ ngọ là buổi ăn chính. Vì sao Phật dạy mình đi khất thực phải đúng giờ như vậy? Nếu đi sớm cũng không được mà đi trể cũng không được, vì đi sớm người ta chưa nấu nướng gì thì người ta cúng dường không được, sẽ mất lòng tin của họ; còn đi trể người ta ăn rồi, muốn cúng cũng không được, thành ra phải đi đúng giờ. - Điểm thứ hai là đắp y, rồi thứ ba là ôm bát. Bát là tiếng phạn, gọi đủ là bát-đa-la, Trung hoa dịch là ứng lượng khí, nghĩa là món đồ ứng vừa với lượng ăn của mình. Tỳ kheo phải ăn đúng lượng, phải biết tri túc, không phải tham ăn, mình muốn chứa cái bát cho nó to, để cho đồ ăn được nhiều, đó là mình tham rồi. Cho nên Phật chế rất kỹ, ăn vừa đúng lượng của mình thôi. Thứ tư là vào thành khất thực, bởi vì tinh xá này ở ngoài thành, cách thành về phía đông nam năm sáu dặm, nên phải vào thành. Thứ năm theo thứ lớp khất thực, bởi vì sao? Vì trong phép khất thực theo sử kể , hai ngài Tu Bồ Đề và ngài Ca- Diếp có hai quan niệm riêng: ngài Tu Bồ Đề thì ngài cứ đi tới mấy nhà giàu khất thực, bởi vì ngài nghĩ rằng nhà giàu họ dư dã, mình đến khất thực, họ có cho thì cũng không mất mát gì của họ nhiều, còn tới nhà nghèo thì họ đã nghèo thiếu rồi, mình đến khất thực nữa e họ thiếu ăn. Cho nên ngài chuyên tới nhà giàu. Trái lại, ngài Ca Diếp thì ngài tới nhà nghèo khất thực, bởi vì ngài nghĩ nhà giàu người ta có phước rồi, dư giả rồi, còn những người nghèo là đời trước họ ít bố thí, bây giờ mình đến khất thực, khiến họ gieo duyên lành đó để cho họ đời sau khỏi nghèo. Cả hai đều có tâm tốt hết, nhưng Phật quở, hai ông còn có tâm chưa bình đẳng, còn phân biệt người giàu, người nghèo, do đó Phật dạy phải theo thứ lớp khất thực, đi thứ lớp từ nhà này đến nhà kia, chứ không phân biệt giàu nghèo. Đây là ý nghĩa thứ lớp khất thực. - Điểm thứ sáu là trở về chỗ mình. - Điểm thứ 7, ăn xong thu bát rửa chân, trải toà mà ngồi thiền. Như vậy, Phật cũng còn ngồi thiền nữa, vậy là chấp tướng sao? Ở đây Phật muốn nhắc nhở mọi người, Phật như vậy mà còn ngồi thiền huống nữa là mình, chưa có đáng gì mà dễ duôi thì sẽ ra sao? Đó là lời nhắc nhở chung mãi cho mình về sau này. Trong bản đời Nguỵ có ghi kỹ hơn, nói rõ đoạn này là: “ngài cũng như thường lệ trải tòa ngồi kiết già, thân ngay ngắn, trụ niệm bất động”, còn bản của đời Đường thì nói “thân ngay ngắn chánh nguyện trụ niệm hiện tiền” như vậy nó có ý nghĩa sâu, chỗ này lần lần sẽ nói cho quý vị thấu rõ. Ở đây quý vị thấy, phần phát khởi đức Phật trước khi nói kinh Kim Cang Bát nhã, ngài muốn chỉ ra cái trí tuệ bát nhã là trí tuệ bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn như vậy, tại sao ngài lại hiện tướng tầm thường cũng là đắp y, mang bát, khất thực, thọ thực, rồi xếp y bát, rửa chân, trải toà ngồi bình thường như bao nhiêu người, không có gì đặc biệt hết? Tại sao lại bình thường không có phóng hào quang động địa, hiện những tướng thần biến có vẻ không thể nghĩ bàn? Chẳng hạn như kinh Pháp Hoa, ngài phóng hào quang soi suốt cả bao nhiêu thế giới ở phương đông, hoặc như kinh Hoa nghiêm trước khi vào thì bao nhiêu thần núi, thần sông cũng hiện tới, những cảnh vật chung quanh biến thành ánh sáng, nào mây biến ánh sáng này, mây ánh sáng nọ, cái gì cũng biến thành ánh sáng cả, quá sức tưởng tượng của mình. Còn ở đây rất bình thường, tại sao như vậy? Song nghiệm kỹ, nhất là nhìn theo cái nhìn của nhà thiền thì đây mới chính là điểm đặc biệt, rất ứng hợp với trong nhà thiền: trong cái bình thường như vậy mà rất là thiền vị, đầy đủ ánh sáng vi diệu không thể nghĩ bàn trong đó! Nghĩa là trong chỗ mang bát, đắp y, khất thực, đi tới đi về, rửa chân, thu xếp y bát, những việc tầm thường như vậy đó, nếu nhìn theo con mắt tầm thường thì thấy không có gì lạ, nhưng nhìn với con mắt của thiền sư, của con người hiểu đạo thì mới thấy, chính trong đây đã sáng ngời ánh sáng rực rỡ ở trong đó, không có thiếu sót gì hết, chính ánh sáng Kim Cang Bát Nhã đã tràn đầy ở trong đây rồi! Bởi vì theo cái hiểu thông thường của mình thì, ánh sáng phải màu xanh, màu đỏ, có tướng rõ ràng, nhưng ánh sáng ở đây là ánh sáng bát nhã, mà ánh sáng bát nhã thì có hình tướng gì? Ánh sáng bát nhã thì không có xanh, vàng, đỏ, trắng, lớn nhỏ. Vậy thì, Phật là một bậc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, tức một vị giác ngộ không có gián đoạn, lúc nào ánh sáng giác ngộ cũng đầy đủ không xen hở, thì mới gọi là Phật; chứ nếu một lúc nào đó mà không có ánh sáng giác ngộ thì có gọi là Phật không? Nó có chỗ này nhưng vắng mặt ở chỗ khác thì còn gọi là Phật chăng? Đã là Phật thì luôn luôn ánh sáng giác ngộ có mặt, lúc nào cũng có hết, dù ở trong hành động nào, cử chỉ nào, Phật cũng đều có đủ ánh sáng giác ngộ đó, như vậy mới gọi là Phật. Ở đây trong mọi hành động, có cái nào thiếu ánh sáng giác ngộ không? Ánh sáng đó hiện đầy đủ không có thiếu gì đâu! Nếu nhìn theo cái nhìn bên ngoài, cái gọi là tầm thường thì gọi là tầm thường, cái gì phi thường gọi là phi thường, cho nên muốn bỏ những cái tầm thường này để đạt được những cái phi thường khác; nhưng không ngờ cái phi thường chính ngay cái tầm thường, còn làm ra vẻ phi thường lại thành tầm thường; bởi vì cái đó rất giản dị, rất là gần gũi với mình, có thể mình sống hằng ngày ở đây mà không hay, như vậy mới gọi là phi thường.
Như ngài Triệu Châu có người đến hỏi đạo, ngài hỏi:
- Ăn cháo xong chưa?
Vị kia đáp:
- Ăn cháo xong rồi.
Ngài bảo:
- Rửa chén bát đi!
Liền ngộ. Không có gì lạ hết. Mình tưởng đâu đạo là phải có gì cao siêu, vi diệu lắm, nhưng không ngờ trong chỗ bình thường hằng ngày mình sống, khéo xoay trở lại, không để cho những tư tưởng, những phân biệt lăng xăng nó dấy lên thì ngay đó đạo hiện tiền, ăn cháo, rửa chén đều đầy đủ không thiếu. Còn ngay trong đó mà khởi động niệm tìm một cái khác, thì cái đó nó mất, tức là bỏ cái hiện tiền mà đi tìm cái phi thường trở lại thành tầm thường, đó là đặt biệt. Cho nên quý vị thấy, kinh Kim Cang Bát nhã đã ngầm có cái ý “giáo ngoại biệt truyền” trong đó rồi, tuy là kinh nhưng đã ngầm có ý giáo ngoại. Nếu mình chỉ chấp theo chữ nghĩa thì mình thấy chỉ là văn tự thôi, còn nếu mình thấy “ý này” thì sẽ thấy ý giáo ngoại trong đó sẵn đầy đủ đâu có thiếu gì!
Như ngài Sùng Tín tới học đạo với thiền sư Đạo Ngộ, ở thời gian lâu với ngài Đạo Ngộ mà không thấy ngài chỉ dạy gì hết, một hôm lòng tha thiết quá mạnh, không thể chịu nỗi nữa, nên Sư đắp y lên thưa hỏi :
- Bạch Hòa thượng, từ ngày con vào đây học đạo với Hòa thượng lâu rồi mà chưa thấy Hòa thượng dạy con tâm yếu gì hết!
Ngài Đạo Ngộ mới nói:
- Từ ngày ông vào đây ta có lúc nào chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ông đâu!
Sư ngạc nhiên:
- Ủa! Hòa thượng đã từng chỉ dạy con lúc nào?
Ngài Đạo Ngộ bảo:
- Ông bưng cơm lên ta vì ông nhận, ông bưng trà ta vì ông mà tiếp, ông xá lui thì ta gật đầu, có chỗ nào là không chỉ tâm yếu cho ông đâu!
Nhưng Sư vẫn chưa ngộ, cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ. Ngài Đạo Ngộ bồi thêm một câu:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ngay đó Sư ngộ liền. Như vậy quý vị ngộ chưa? Trong chỗ mọi hành động hằng ngày của mình đó, ánh sáng Kim Cang bát nhã đầy đủ trong đó rồi, thì Phật trong những việc bình thường ứng dụng hằng ngày đã biểu hiện ánh sáng Bát nhã quá nhiều, đâu có chỗ nào thiếu sót! Cho nên Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền:
- Thế nào là đạo?
Ngài đáp:
- Tâm bình thường là đạo.
Sư hỏi tiếp:
- Có thể nhằm tiến đến chăng?
Nam Tuyền đáp:
- Nếu nghĩ nhằm tiến đến là trái.
Nghĩ nhằm tiến đến là trái, quý vị thấy chưa? Bởi vì sao? Nếu nghĩ tiến đến thì cái đạo nằm bên ngoài mình. Theo nghĩa thông thường thì tu là để đạt đạo, hướng đến đạo, tìm đến đạo để đạt được cái đó, nhưng nếu đến chỗ chân thật này, mình nghĩ hướng đến để đạt nó thì cái đạo đó ở đâu? Quên mất cái đạo ngay sẵn nơi mình. Nghĩ tức động niệm rồi! Động niệm thì trái với đạo hiện tiền trong mọi cử chỉ hành động của mình. Đáp như vậy mà Triệu Châu còn chưa hiểu nên lại hỏi:
- Khi chẳng nghĩ đến thì làm sao biết đó là đạo?
Ngài Nam Tuyền đáp:
- Đạo chẳng thuộc biết, chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký, nếu thật đạt đạo thì không có nghi, ví như hư không rỗng rang không có thể gắng nói là phải là quấy.
Đạo là cái chân thật ngay nơi mình, không thuộc biết hay chẳng biết, chỗ này khó hiểu. Trong kinh Viên Giác nói: - Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác, tức là biết huyễn liền ly, ly huyễn tức giác, mà đây nói: biết là vọng giác thì sao, có trái ngược không? bởi vì sao? Như ngài Vân Môn nói: “- Thấy cây gậy chỉ cây gậy” thì đó là đạo, còn thêm cái biết nữa, là cái biết phân biệt, là cái biết suy nghĩ, hơn thua, cái biết này nọ, như vậy là trên cái biết thêm cái biết, nên gọi là vọng giác; còn ngay cái biết đó không thêm gì nữa thì ngay đó là đạo. Còn không biết mà mờ mờ không rõ ràng, thì đó là vô ký, hoặc là như cây đá hay sao? Vì vậy biết tất cả rõ ràng nhưng không mê lầm, không có thêm những niệm hơn thua, phải quấy gì hết, ngay đó là phải, còn thêm gì khác là không phải. Cho nên như hư không thênh thang rỗng rang, không có nói phải nói quấy gì. Vậy là bình thường ngay nơi mình đầy đủ, thấy cây gậy, thấy cái ly, cái gì mình cũng thấy hết, đâu phải gỗ đá, nhưng không thêm gì nữa thì hay quá! Vậy thấy Kim Cang Bát nhã nó ở đâu? Hằng ngày mình sống trong thể Kim Cang bát nhã mà không hay! Hiểu được như vậy, sống được trở về như vậy đó liền thấy trong mọi cử chỉ, mọi hành động của mình đều có Kim Cang bát nhã, phát ra ứng dụng gì cũng là thần thông diệu dụng. Còn bây giờ mình làm cái gì cũng không phải thần thông diệu mà là phiền não trần lao hết; nghĩ liền động, đụng cái gì cũng khởi phiền não trần lao đầy đủ ở trong đó. Từ đó mới tin người sống được rồi, làm cái gì, thấy cái gì cũng là thần thông diệu dụng, như câu chuyện ngài Ma Cốc, Nam Tuyền, Quy Tông đi thăm ngài Cảnh Sơn, giữa đường gặp bà già bán trà, mời vào quán ngồi, rồi bà già đem đến ba cái tách cho ba vị, bà nói:
- Trong đây Hòa thượng nào có thần thông thì uống trà!
Ba người ngồi ngó nhau không biết làm sao. Bà già nói:
- Đây, hãy xem già này trình thần thông cho các vị!
Bà liền cầm bình trà rót vào tách xong, liền đi. Thần thông diệu dụng đấy! Vì tâm mình mà tịnh rồi thì hành động nào cũng thanh tịnh, cũng sáng suốt hết, nên cũng đều là thần thông diệu dụng, cũng bất khả tư nghì; còn mình làm gì cũng tâm phàm phu khởi trước, làm cái gì cũng có suy nghĩ ở trong đó, mà có suy nghĩ tức có phân biệt, có phải quấy, có hơn thua, làm sao thành thần thông diệu dụng? Người xưa có làm một bài kệ để nói rõ về ý này:
Nguyên lai Phật pháp vô đa tử
Chỉ tại bình thường nhật dụng trung
Xuyên y thực phạn thân nhận đắc
Thiên sai vạn biệt thể giai đồng.
***
Xưa nay Phật pháp không nhiều thứ
Chỉ tại hằng ngày việc thường làm
Mặc áo ăn cơm mình nhận được
Ngàn sai muôn khác thể đều đồng.
Phật pháp xưa nay không nhiều thứ, mình tưởng đâu nó mênh mông đủ thứ này, thứ kia, chạy tìm hoài không thấy dừng. Không ngờ trong việc ứng dụng hằng ngày không đâu khác. Mặc áo, ăn cơm, mình tự nhận được (thân nhận đắc) thì bao nhiêu thứ sai biệt, thể đều đồng, không khác gì. Ngay trong mọi việc mặc áo, ăn cơm, nếu tâm mình thanh tịnh sáng suốt thì ngay nơi đó đầy đủ. Chúng ta thấy đức Phật mở đầu kinh Kim Cang, ngài đã nói gì chưa? Chưa nói gì, mà đã nói hết rồi, nói rất là vi diệu, rất là tuyệt vời! Chỉ trong những hành động thôi, chưa phát ra thứ gì nhưng mình khéo thấy thì rõ ngài đã nói hết Bát nhã rất là khéo léo, rất là tài tình. Như vậy hôm nay mình học tới đây nghỉ, nếu quý vị nào khéo lanh lợi, nhạy mắt thì thấy Bát nhã trước, còn vị nào chưa lanh lợi lắm thì bắt đầu nghe Phật thốt lên lời!