31. TRI KIẾN CHẲNG SANH
Này Tu Bồ Đề! Nếu người nói, Phật nói Ngã kiến, Nhân kiến, Chúng sanh kiến, Thọ giả kiến. Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao? Người đó hiểu nghĩa ta nói chăng?
- Bạch Thế Tôn, không thể. Người đó chẳng hiểu nghĩa Như Lai nói. Tại sao? Thế Tôn nói Ngã kiến, Nhân kiến, Chúng sanh kiến, Thọ giả kiến, tức chẳng phải Ngã kiến, Nhân kiến, Chúng sanh kiến, Thọ giả kiến, đó gọi là Ngã kiến, Nhân kiến, Chúng sanh kiến, Thọ giả kiến.
Tu Bồ Đề! Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với tất cả pháp nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng. Tu Bồ Đề! Nói là pháp tướng, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, đó gọi là pháp tướng.
GIẢNG:
Tri kiến chẳng sanh tức là những cái thấy biết dứt sạch, giống như học từ trước đến nay rồi quét hết. Ở đây Phật bảo: “- Nếu người nói, Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến” thì người đó có hiểu nghĩa Phật nói hay không? Ở trước là nói tới bốn tướng “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng”, đây nói về "kiến", tức là cái thấy biết, cái kiến chấp, về bốn tướng. Đến đây là phá sạch cái thấy bốn tướng, cũng phá luôn cái thấy lìa tướng. Nghe nói chấp bốn tướng thật là mắc kẹt, vậy phải lìa tướng; nhưng còn thấy lìa tướng là chưa rời khỏi bốn tướng. Đó là chỗ rất vi tế, đến đây là phá sạch thấy bốn tướng không được, mà thấy lìa tướng cũng không được. Nên mới gọi là tri kiến chẳng sanh; sạch hết mọi tri kiến, mới rỗng rang tự tại. Đây cũng là phá sạch hết những cái thấy biết về lấy bỏ, về chơn vọng, thật giả, không còn dấu vết. Bởi vì còn chỗ thấy biết vi tế là còn chỗ chưa thật thể nhập thật tướng Bát nhã. Nói vậy, nhưng nếu hoàn toàn không thấy biết thì giống như cây đá sao? Vậy tu đến cuối cùng để làm gì? Đó gọi là những cái vô minh vi tế, nên đây Phật phá sạch hết những lớp mây mỏng vô minh. Có người nghe nói bốn tướng không thật thì có nghi, nếu quả là bốn tướng không thật thì sao gọi là chấp bốn tướng? Ví như hư không, thì nắm cái gì? Nếu nói chấp bốn tướng thì chắc phải có bốn tướng để chấp? Có người cũng sẽ hiểu, Phật nói về bốn tướng, vậy trong tâm của ngài có thấy về bốn tướng hay không? Nếu không thấy, thì Phật nương đâu mà nói? Còn Phật có thấy về bốn tướng, vậy Phật cũng có bốn tướng sao? Thành ra những chỗ đó là những chỗ thật là vi tế, phải phá sạch hết. Còn có cái thấy về bốn tướng, nghĩa là còn cái thấy lìa bốn tướng, rốt cuộc cũng chưa rời bốn tướng, tức trong tâm niệm còn chút dấu vết. Ở đây là khiến chúng ta thấu suốt tột cùng, tức những tri kiến vọng chấp về bốn tướng cũng là hư vọng không thật. Trước là phá về “bốn tướng” không thật, không cho mình chấp vào bốn tướng, còn ở đây cái “chấp bốn tướng” cũng không thật, mà đó là tri kiến vọng chấp, do vô minh điên đảo mà khởi, chứ không thật có tự tánh cố định. Trong nhà thiền có một vị tăng hỏi ngài Tào Sơn Bổn Tịch:
- Muôn pháp từ đâu sanh?
Tào Sơn trả lời:
- Từ điên đảo sanh.
Nếu thật sự muôn pháp có chỗ sanh, thì muôn pháp có thật, nếu có thật thì mình hết tu luôn. Nên ngài trả lời từ điên đảo sanh; nhưng vị tăng lại hỏi:
- Khi không điên đảo thì muôn pháp ở chỗ nào?
Chính câu hỏi là sai, trả lời là sai thêm nữa; nếu cứ lo tìm chỗ là điên đảo rồi, nên ngài trả lời:
- Đây!
- Ông tăng gạn lại:
- Ở chỗ nào?
Ngài nói:
- Điên đảo làm gì?
Cố tìm chỗ là điên đảo rồi! Nếu có chỗ sanh thì tức là thật, mà thật đâu gọi điên đảo? Nên nói điên đảo có nghĩa sâu, là không có thật, ngay khi sanh cũng không thật sanh mà chỉ điên đảo, tức ngay khi sanh là vô sanh. Ở đây phải thấy rõ, biết rõ, nó điên đảo không có thật, thì giác ngộ nó mới hết; còn nếu nó thật, giác nó cũng còn đó. Như vậy mình không phải dẹp bỏ nó đi đâu, không có dấu vết để mình trừ dẹp, mà chỉ là phương tiện nói dẹp vậy thôi, chứ nếu tìm chỗ trừ dẹp thì điên đảo nữa. Vậy thì nói phá chấp, trừ chấp là phương tiện chứ không thật có chấp để phá, để trừ. Cũng vậy, nói “ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến”, nhưng không phải thật có ngã kiến để mình dẹp, nên Phật nói: “Nói ngã kiến tức chẳng phải ngã kiến”, người mà nói Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến là không hiểu nghĩa Như Lai nói. Đây là Phật tùy theo vọng tưởng điên đảo của chúng sanh, tạm nói để đánh thức mọi người; tức nó không thật có, nhưng chúng sanh vọng chấp nên Phật đề cập tới để đánh thức mình trở lại, chứ không phải nghe nói ngã kiến là có ngã kiến thật, nên nói ra Phật lại phá liền. Thường chúng ta nghe nói tới kiến chấp của chúng sanh là kiên cố sâu dầy, ăn sâu từ đời nay qua đời khác, hoặc có khi nói núi Tu Di cũng không cao mà ngã kiến mới cao, bởi những danh từ đó mà lầm vào nó rồi tưởng, như vậy là có thật, bèn sanh cái tưởng để dẹp trừ, rốt cuộc cũng lẩn quẩn trong vòng điên đảo. Nghe nói kiến chấp là kiên cố nên tưởng là thật có, rồi cố mà trừ nó. Nhưng đặt câu hỏi “cái gì là kiến chấp?” Đem ra xem? Đem không ra thì trừ cái gì? Vậy thấy rõ đó là điên đảo, mà thấy rõ thì hết lầm, chứ nếu thật rồi thì mong gì trừ! Ngày xưa, khi Tổ Đạo Tín chưa ngộ, lúc gặp Tam Tổ Tăng Xán ngài hỏi:
- Xin Hòa Thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.
Tam Tổ hỏi:
- Ai trói buộc ngươi?
Ngài trả lời:
- Không ai trói buộc hết.
Tam Tổ mới bảo:
- Không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì?
Ngay đó ngài Đạo Tín liền đại ngộ. Mình cũng bị cái tưởng trói buộc, nhưng cái trói buộc đó là ai trói? Thành ra chỉ là vọng tưởng. Ví dụ nghe nói bị sáu trần chi phối, cột trói, dẫn đi trong luân hồi, rồi sanh tâm đổ lỗi sáu trần trói mình, mà sự thật ai trói? Ví như đi ngang tiệm vàng thấy vàng bày đầy trong đó, thấy thích dòm hoài rồi nói bị vàng trói mình; nhưng thật ra vàng không có hiểu biết gì, có những người thấy rồi đi tuốt, còn mình thì đứng ngó, vậy cái gì trói mình đó? Chỉ do sanh tâm, rồi chú ý vào đó đi không nổi, là mình trói mình! Nên biết rõ là không ai trói, rõ được cái lầm là tự mình giải thoát. Trong bài kệ của ngài Trần Nhân Tông, khi ở trên núi khởi hứng:
Ai trói lại mong cầu giải thoát,
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão
Như cũ vân trang một chõng thiền.
(vân trang là một am núi)
Ngài nói “Ai trói mà đi cầu giải thoát”, tự nó giải thoát rồi, nhưng do mình tự cột thôi chứ sự thật có ai trói. Cũng vậy “Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên”, cứ nghĩ mình là phàm phu, nhưng phàm chỉ là giả tướng thôi, trước đã học chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh, vậy tìm thần tiên, tìm Phật ở đâu? Vì phàm thánh cũng là những danh từ tạm lập, trói buộc và giải thoát cũng là hai cái giả lập, chứ không phải là thật. “Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão”, vượn ngựa ở đây là nói "tâm viên ý mã", con ngựa chạy hoài từ ngày này sang ngày khác, con vượn chuyền đứng không yên, hai hình ảnh giống hệt tâm, tâm đứng không yên mà cứ buông cái này bắt cái kia như con vượn. Ở đây ngài nói “Nhàn, mỏi, lão”, tức tâm dừng, thì “Như cũ vân trang một chõng thiền”, ngồi trên am núi tự tại không bận bịu gì hết, chỉ cần tâm yên là tự giải thoát, chứ không ai trói cũng không ai giải thoát cho mình. Vậy là tự mình vọng tưởng, rồi tự mình thấy bị trói, rồi chạy đi tìm người cởi trói cho mình! Đây chỉ cần giác ngộ trở lại, dừng tâm vọng tưởng lăng xăng thì ngay đó giải thoát, chứ không có cầu ai trừ cho mình được. Xưa quốc sư Đức Thiều hỏi ngài Sơ Sơn:
- Trăm vòng ngàn lớp là cảnh giới của người nào?
Sơ Sơn đáp:
- Tay trái se sợi dây gai trói con quỷ.
Ý hỏi là bị trăm vòng ngàn lớp vọng tưởng chồng trói, tưởng có cách gì cởi dùm. Sơ Sơn trả lời: “Tay trái se sợi dây gai trói con quỷ”, thì có ai trói con quỷ đâu? con quỷ làm sao trói? Vì nó thật có hình tướng gì? Biết nó vọng tưởng liền thôi, biết vọng tưởng thì không lầm, còn tưởng bị trói, rồi cầu cởi, đó là thêm một lớp vọng tưởng khác, tức chưa rời khỏi điên đảo. Đây nhắc mình chớ nghe Phật nói ngã kiến, liền nghĩ thật có ngã kiến, có kiến chấp, rồi phải trừ phải dẹp cho được. Trung Quán Luận (thuộc về hệ Bát Nhã), trong bài kệ cuối cũng nói về tà kiến, kiến chấp, có câu “Tất cả các pháp không, thế gian các kiến thường …; chỗ nào, ở lúc nào? Ai khởi các kiến ấy?”. Các kiến chấp là thường, là đoạn, tìm cho kỹ thì nó ở chỗ nào? khởi lúc nào? ai khởi? Nên tìm cho tột cùng thì ở thế gian này, tất cả pháp đều vốn là tánh không, đều do nhân duyên chứ không có thật. Thí dụ “có” là do đâu có? Là do đối với “không” giả lập, nếu cả thế gian không có cái “không” thì sao? Cũng vậy “thường” đối với cái “đoạn” mà giả lập chứ không tự có, nên đều là đối đãi chứ không có tự tánh sẵn có của nó. Vậy chính nó đã không thật, thì kiến chấp về nó bám vào chỗ nào để chấp? Ai khởi lên những kiến chấp? thường chúng ta nói “tôi khởi”, nhưng cái gì là tôi? Tìm cho tột cùng thì “người” khởi kiến chấp vốn không có, rồi “chỗ” khởi cũng không có, còn cái “lúc” khởi? Có khi bảo “lúc khởi” là khi tôi thấy nó, nhưng chính nó không thật, vậy khi khởi nghĩ về nó thì nó đã qua, và trở thành quá khứ, vì những cái nghĩ nó trôi chảy không dừng một chỗ. Vậy cái khởi không có chỗ, có lúc, và không có ai khởi, thì kiến chấp là cái gì? Tức ngay nơi đó kiến chấp sụp đổ! Còn mình lo trừ nó thì càng chấp thêm. Nên Phật kết lại: “Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với tất cả pháp nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng”. Như vậy từ trước đến đây Phật đã đáp về chỗ phát tâm bằng nhiều phương tiện: qua nghĩa vô trụ, ly tướng; tức không trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm, lìa tất cả tướng ngã, tướng nhơn, tướng trang nghiêm. Đến đây Phật kết lại đơn giản biết như thế, thấy như thế, hiểu như thế, và nhấn mạnh “chẳng sanh pháp tướng”, chỉ đơn giản, nó như thế nào, thấy như thế đó, chẳng sanh pháp tướng! Chúng ta tu suốt đời cũng chưa hết. Nhưng làm sao thấy như thế, biết như thế? Đây là khiến người quên hết mọi niệm chơn vọng, thật giả, có không, trả lại các pháp nó như thế nào, thấy đúng thế đó, không thêm không bớt, tức không thêm bớt chút thấy biết của ta vào đó, không thêm cái kiến giải của mình, đừng gắn thêm cái nhãn hiệu “TA” vào là nguy hiểm! Nếu “ta” thấy thế này, anh thấy không như thế này là sanh chuyện, mà chính như vậy là mình bóp méo lẽ thật. Còn Nó như thế, thấy đúng như thế thì không có gì là lỗi lầm. Trong Tín Tâm Minh có câu “- Nhất tâm bất sanh, vạn pháp vô cửu”, một tâm không sanh thì muôn pháp không có lỗi, chỉ cần một tâm không sanh niệm phân biệt trên đó, thì vạn pháp bình an không lỗi lầm, đều là thanh tịnh; còn mình vừa sanh tâm một chút liền có lỗi, sanh tâm nghĩa là phân biệt, tức có thế này, thế kia nên nó không còn là nó. Ở đây là trả lại cái thấy nguyên sơ lúc ban đầu, không dính một chút khác! Vậy chúng ta muốn thấy cái thấy nguyên sơ thì phải trả lại mọi cái phải quấy hơn thua, mà thấy đến chỗ đó rồi thì còn cái gì để thấy nữa? Trong nhà thiền có câu: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp”, đến đó cũng quên niệm phân biệt đây là “tâm”, đây là “pháp”; còn nếu động một niệm phân biệt thì thấy có tâm, có pháp chen vào, mà thấy có tâm có pháp thì thấy có tâm đuổi theo pháp, tức là có hoặc lấy, hoặc bỏ. Song câu trên dễ hiểu lầm: “thấy như thế, biết như thế chẳng sanh pháp tướng”, chẳng sanh pháp tướng nghĩa là đoạn diệt, là hoại hết sao? Là không còn gì thấy nữa sao? Nghĩa là giống như người mù? Rõ bài kệ của thiền sư Nghĩa Trung thì hiểu được nghĩa này:
Chính thấy nghe này chẳng thấy nghe,
Đâu thừa thinh sắc đáng trình anh?
Trong kia nếu liễu toàn vô sự,
Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.
Chính ngay cái thấy nghe này mà chẳng thấy nghe, nghĩa là thấy nghe tất cả nhưng không duyên theo gì hết, không xen vào gì hết, thấy tất cả mà thấy vẫn là thấy, nghe tất cả mà nghe vẫn là nghe, chứ không đồng hóa với cái bị thấy, với cái bị nghe, tức không đồng hóa với sắc, với tiếng. Như vậy, tức thấy như thế, nghe như thế, chứ không thêm bớt. Thì đâu có thừa thanh sắc đáng trình anh? Thấy nghe như vậy thì đâu có thêm thanh sắc trong đó để mà trừ, để mà dẹp, hoặc lấy, hoặc bỏ. Nếu trong đó thấy tỏ suốt rồi thì hoàn toàn vô sự, không còn phân là thể là dụng, còn đây có lúc giải thích đây là thể, kia là dụng, là nói cho lúc còn đang mê, mà còn chia thể chia dụng, là chưa thật thấy. Chỗ này rất tế nhị, nếu không thấy kỹ thì rất dễ hiểu lầm một bên. Song đây không phải chỗ để lý giải, lý giải không đến được, nên gọi là bặt tri kiến thì cái thấy đó mới trùm khắp, mới mênh mông không ngằn mé. Chúng ta thường kẹt trong lý giải, nghe nói liền sanh cái hiểu, đem lý ra giải, vậy là đi theo lý giải mà quên mất cái hiện hữu, nhưng càng lý giải chừng nào, càng bày cái dốt chừng nấy, cái dốt này không phải là cái dốt thế gian, mà là “dốt không thấy lẽ thật”. Phật dạy đối với các pháp thì chẳng sanh pháp tướng, vì vừa có pháp tướng liền có chơn vọng, có chính tà. Nhưng Phật vừa nói đến pháp tướng, ngài cũng sợ mình chấp nữa nên liền phá ngay: “Nói là pháp tướng đó Như Lai nói chẳng phải pháp tướng” Nói vậy, Phật sợ mình chấp có cái pháp tướng chẳng sanh, vậy là trong tâm này có bóng dáng của pháp tướng, đó là những chỗ rất vi tế, chỉ có dùng kiếm Bát nhã mới phá nổi, chứ không lý luận kịp.
Đoạn này ngài Hám Sơn có giải thích Tổng quát để thấy ý phá chấp của kinh. “Ban đầu người chấp thấy có thân tâm năm ấm và tướng của sáu trần, nên dính mắc trên tướng đó mà làm bố thí để cầu phước đức của Phật, do đó mà Phật lấy vô trụ để phá (khiến mình không trụ gì hết). Kế đó là chấp có tướng Bồ Đề, Phật lấy vô sở đắc để phá, Phật nói ta được chứ thật không được gì (tức không có pháp để được). Sau đó chấp về bố thí có tướng để trang nghiêm cõi Phật thì Phật lấy không cõi nước có thể trang nghiêm để phá (trang nghiêm tức chẳng phải trang nghiêm). Rồi chấp có tướng phước đức để cảm tướng quả báo, Phật lấy không sắc thân đầy đủ để phá (sắc thân đầy đủ tức báo thân đầy đủ những tướng tốt). Kế là chấp Như Lai nhất định có tướng ba thân, Phật lấy ứng hóa chẳng phải thật, báo thân lìa tướng để phá. Kế chấp nhất định có pháp thân, Phật lấy pháp thân chẳng có tướng, để phá. Xong chấp pháp thân có tướng ngã thật, Phật lấy tất cả vô ngã để phá. Cuối cùng, chấp Như Lai nhất định có tướng ba thân, Phật lấy chẳng phải khác, chẳng phải một để phá. Chẳng phải một, chẳng phải khác là đập nát thế giới thành vi trần. Như vậy ngài từng lớp từng lớp để đuổi phá, tất cả tướng đều là không, các tướng đều tiêu mất thì lúc đó một tâm không nương gá, đến chỗ tột lý quên tình, chỉ thẳng mé thật của pháp thân. Vì cái tướng hư vọng của sở kiến đã không (cái bị thấy), thì cái thấy hư vọng của năng kiến (tức cái hay thấy) liền mất. Đây là chỗ cực tắc của cứu cánh Bát nhã chân thật.” Đó là phá sạch hết mọi tình chấp, không còn chỗ để bám, thì Bát nhã thực tướng hiển bày lồ lộ. Tức đến đây là trả về núi sông là núi sông, cây gậy chỉ là cây gậy, như ngài Vân Môn: “- Đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, nhưng không được động đến”. Động đến là đáng ăn ba gậy! Bởi vì động đến là có chỗ suy nghĩ. Ở đây là đến chỗ thấy nghe các pháp đều như như, đó mới là trả về nguyên thủy của nó.
Tóm lại, tất cả bao nhiêu cái thấy, cái hiểu từ trước đến nay thì ngay đây một lúc buông sạch, tri kiến chẳng sanh; nhưng buông sạch hết, vậy là còn gì không? Buông sạch hết, chỉ một cái rõ ràng thường biết, luôn luôn hiện hữu chưa từng gián đoạn, song chỉ có một điều là “nói không thể đến”, nghĩa là, đây là chỗ chứng nghiệm chứ không phải lý luận. Nên đến đây mà còn lý luận này, lý luận kia thì còn đứng ngoài cửa. Thiền sư Đạt Quán nhắc lời của ngài Thạch Đầu: “- Chấp sự nguyên là mê mà khế lý cũng chẳng phải ngộ”. Chấp sự mê là phải rồi (sự là sự tướng), mà khế hợp với lý cũng chẳng phải ngộ, vậy phải làm sao? Còn lý, còn sự, còn phân chia nghĩa là hai; còn có cái lý để mà hợp, là còn thấy có cái gì bên ngoài thì rõ ràng chẳng phải ngộ. Nhưng khi dẫn như vậy, ngài Cốc Ẩn mới hỏi: “- Ông cho đó là lời nói thuốc, hay lời nói bệnh?”. Đạt Quán đáp: “- Lời nói thuốc”. Đó là kẹt lời rồi. Cho nên Cốc Ẩn mới quở: “- Ông lấy bệnh mà làm thuốc đâu có thể được.” Nghe nói vậy, chấp cho là lời nói thuốc, mắc kẹt trên ngôn ngữ, vậy lấy thuốc làm bệnh là như thế đó. Sư nói: “- Sự như phong thư gói kín, lý là mũi tên thẳng đầu nhọn. Chỗ nhiệm mầu đâu có thêm bớt, thật là chưa rõ được ý chỉ này”. Nói “sự” giống như phong thư đóng kín thì đâu có động đến nó, tức nói sự mà không dính ở sự; còn “lý” như mũi tên thẳng đầu nhọn, cũng đâu động đến được, thì chỗ đó là chỗ nhiệm mầu không còn thêm bớt, vậy sao còn cho là bệnh, thật là không hiểu nổi! Vậy ý chỉ là ở chỗ nào? Ngài Cốc Ẩn bảo: “- Chỗ nhiệm mầu đến như thế đó, cũng chỉ là lý sự thôi”. Dù cho nói hay cách mấy cũng chưa rời khỏi lý sự, còn “ý chỉ của Tổ sư thì chỗ trí biết không thể đến được, huống chi sự lý mà hay cùng tột đó sao? Nên Đức Thế Tôn nói: “- Lý chướng, ngăn ngại cái thấy biết đúng; còn sự chướng, tiếp nối các sanh tử". Chấp sự, là chấp theo tướng, tức dẫn mình đi trong sanh tử; còn bị lý này lý kia, là ngăn ngại cái thấy biết đúng, tức chưa quên được lý sự. Chỗ này những người hay lý sự phải cẩn thận, vì lý sự cũng không rời khỏi môi! Khi nghe tới đó, ngài Đạt Quán như chợt tỉnh cơn mộng, bèn thưa: “- Như vậy làm sao mà thọ dụng?” Ngài Cốc Ẩn bảo: “- Lời nói chẳng rời khỏi khuôn sáo cũ”, nói ra không rời khỏi khuôn sáo cũ, làm sao ra khỏi ràng buộc được. Sư mới than: “- Vừa dính môi lưỡi, liền rơi vào ý nghĩ, trọn vào cửa chết, rốt cuộc chẳng phải con đường sống vậy”, tức vừa hở môi là rơi vào cửa chết, nói ra là mắc kẹt bên này bên kia, vậy ngậm miệng hoài sao? Đến đây là hết lý luận, không cho mình nói, nên mới có phần sau.