Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 29.Uy nghi tịch tĩnh

 

 

CHÁNH VĂN:

29. UY NGHI TỊCH TĨNH

- Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói, Như Lai hoặc đến hoặc đi, hoặc ngồi hoặc nằm, người đó chẳng hiểu nghĩa ta nói. Tại sao? Như Lai là không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

GIẢNG:

Vậy ta thấy được Như Lai không? Đến đây là để chứng nghiệm Như Lai hiện tiền chẳng thuộc đến đi, chẳng thuộc động tĩnh. Bởi vì có đến, có đi, tức có động có tịnh, mà có động có tịnh tức là có tướng sanh diệt, nếu theo tướng sanh diệt để nhìn thì bị sanh diệt chuyển làm sao thể nhập được pháp thân? Nên Phật bảo rõ: “- Nếu có người nói, Như Lai hoặc đến hoặc đi, hoặc ngồi hoặc nằm, người đó chẳng hiểu nghĩa ta nói”. Đó là mắc kẹt trên hình tướng ngôn ngữ, tức là bị tướng chuyển. Có khi nghe nói là Phật có đi khất thực, có đi tới đi lui rồi chấp vào đó, theo tướng chuyển, như là mây bay thấy như mặt trăng chạy, theo tướng đó rồi thấy Như Lai có đi đứng, như vậy là Như Lai thành ra có sinh diệt, làm sao thấy Như Lai? Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

Thượng giác vô lai xứ.

Khứ diệc vô sở tùng.

Thanh tịnh diệu sắc thân.

Thần lực cố hiển hiện.

Tức là “Thượng giác không chỗ đến, Đi cũng chẳng về đâu. Thân diệu sắc thanh tịnh. Do thần lực hiển hiện”. Bậc thượng giác, chỉ cho Như Lai,  không có chỗ đến, đi cũng chẳng đi về đâu. Còn thân diệu sắc tức là thân sắc vi diệu mầu nhiệm thanh tịnh, là do thần lực mà hiển hiện, tức là do thần lực mà hiện ra thân diệu sắc chứ không phải do tình thức mà phân biệt hiểu nổi, không phải là chỗ tầm thường mà chúng ta thường lầm lẫn, nhìn trên những sắc tướng cho rằng như vậy Phật cũng có tướng, cũng có đến có đi. Còn đây ngài nói rằng những sắc thân vi diệu đó, là do thần lực mà hiển hiện thôi chứ không do thức tình phân biệt hiểu nổi. Muốn thấy chỗ đó, phải thấy bằng trí vô phân biệt, chứ không bằng tâm phàm phu mà thấy được. Kinh Duy Ma Cật nói rằng: “Chẳng khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi”, tức là không rời khỏi diệt tận định mà hiện các oai nghi đi đứng nằm ngồi, đi đứng nằm ngồi, làm mọi cử chỉ mà vẫn luôn ở trong định. Như Lai là như vậy, đi đứng nằm ngồi mọi cử động mà vẫn luôn ở trong định, vậy đâu có thể dùng tướng đi đứng đó mà thấy được Như Lai, mà phải thấy được cái gì sâu xa suốt qua tướng đó. Trong nhà thiền có thiền sư Quốc Nhất ở Cảnh Sơn, được vua Đường Túc Tông thỉnh vào trong triều để hỏi đạo. Ở trong triều một thời gian, một hôm Sư đang ngồi, thấy vua đi đến, Sư liền đứng dậy, vua hỏi :

- Sao thầy thấy con đi đến liền đứng dậy?

Sư bảo:

- Đàn việt đâu được nhìn trong bốn oai nghi để thấy bần đạo.

Đâu thể trong tướng đứng dậy đó mà thấy được Sư! Đó là Sư nhắc ông vua phải thấy cái gì ngầm ẩn trong cái đứng dậy đó, chứ không phải theo cái tướng đó mà thấy được Sư. Tức là phải thấy cái thân vô tướng ngầm hiện trong cái đứng dậy đó, mới là khéo thấy. Cũng như câu chuyện ngài Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn, để gạn lại xem Ngưỡng Sơn đã thấy đạo chưa, Sư hỏi:

- Ông là Sa di có chủ hay không chủ?

Ngưỡng Sơn trả lời:

- Sa di có chủ.

- Ngài Quy Sơn gạn lại:

- Chủ ở chỗ nào?

Ngưỡng Sơn từ bên Tây qua bên Đông đứng. Đó là ngài trình chủ. Vậy chủ là cái thân đi từ Tây qua Đông sao? Ở đây ngài muốn nói là, trong cái đến đi có “ông chủ không đến đi”, thấy được ông chủ đó mới là khéo thấy.

Kế Phật giải thích tại sao? Vì “Như Lai không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai”. Phải thấy thấu tột cái tướng đến đi đó, trong cái thể chân thật thì động tịnh đều như như, tướng đến đi đâu thể đến được chỗ này, thấy được chỗ đó mới gọi là thể nhập Như Lai. Khi thấu được chỗ này liền rõ Niết bàn ở đâu? Như Lai đến đi qua lại mà chưa từng đến đi qua lại, vậy rõ niết bàn ngay trước mắt, còn tìm niết bàn đâu nữa? Không phải niết bàn ở cõi nào hết. Tâm lặng thì ngay hiện tại là niết bàn, không phải là cõi nào; cũng vậy, ngay thân đến đi này mà thấu suốt được chân thật, quên bặt niệm động tịnh, ngay đó là niết bàn. Ở phần đầu Như Lai hiện ra cũng đi khất thực về, rồi ngài thọ trai xong rửa chân, rồi xếp cất bát và ngài ngồi thiền, cũng làm mọi việc như mọi người. Để thấy ngay trong những việc làm đó ngài cũng hằng trong Niết bàn. Do đó ngài Tu Bồ Đề thấy được mới tán thán, nói: “Thật là ít có! Như Lai khéo phó chúc, khéo hộ niệm các vị Bồ Tát”, mà không nói rõ là khéo chỗ nào. Nhưng ở đây chính miệng Phật nói ra là: “Như Lai không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai”, ngay trong đi đứng mà không có chỗ đến chỗ đi, vậy có ai thấy Như Lai được chút nào chưa? Xưa có ngài Đại Đô An đến tham vấn thiền sư Anh ở Kiệt Phong, thiền sư Anh hỏi:

- Giảng chủ thích giảng kinh gì nhất?

Đại Đô An đáp:

- Kinh Kim Cang, và đã từng tỉnh ngộ qua câu “Không từ đâu đến, không đi về đâu”

Thiền sư Anh mới gặn lại

- Nếu không đến, không đi, thì sao ông đến đây được?

Đại Đô An đáp:

- Thì cũng chính là người không đến đi đó chứ ai khác đâu?

Thiền sư Anh vẫn chưa chịu, lại gặn tiếp:

- Vậy ngay đây người đó ở đâu?

Đại Đô An chỉ hét một tiếng thôi. Thiền sư Anh bảo:

- Thôi hãy gác qua chuyện đánh với hét đi, khi bốn đại tan rã thì ông sẽ đi về chỗ nào để an thân lập mạng?

Đó không phải chuyện nói suông, chỗ này nếu người chưa có chỗ thấy thật thì không thể nào qua nổi. Đại Đô An thưa:

- Khắp cả cõi đất này, cái ấy không phải là chính ta ư!

Khắp cả cõi đất này có chỗ nào thiếu đâu. Thiền sư Anh gặn nữa:

- Khi bỗng gặp kiếp hỏa cháy bừng, cả đại thiên thế giới đều hoại hết, thì ông chỗ nào?

Đại Đô An đáp:

- Không biết.

Thiền sư Anh lại nói:

- Lục Tổ vì cái không biết đó mà đi bửa củi nấu cơm. Bồ Đề Đạt Ma cũng vì cái không biết đó mà ngồi quay mặt vào vách chín năm. Còn bây giờ ông nói không biết, vậy ông thấy cái gì?

Không biết này rất dễ lầm lẫn, làm sao phân biệt được cái không biết? Nên các thiền sư thường gạn là gạn tới cùng, có người bị hỏi, đáp không được cũng nói không biết, đó là không biết mù mịt. Đại Đô An thưa:

- Tôi chỉ nói không biết vậy thôi.

Nghe nói, càng lý luận chừng nào càng đi xa. Thiền sư Anh mới bảo:

- Gã mù, thôi ngồi uống trà đi!

Do đó thấy thật thì không cần lý luận nhiều, nhiều khi mình sợ nói “không biết” người ta cho mình dốt dở, nhưng càng lý luận chừng nào càng bày cái dốt của mình ra chừng ấy. Bởi chưa thấy nên mới cố lý luận, thấy rồi thì cần gì lý luận. Đó là ý nghĩa rất sâu! Vậy có ai thấy rõ chỗ không đến đi chưa? Đó là chỗ tự chứng, tự ngộ của chư Phật, chư Tổ, không phải chỗ dễ nhìn thấy, dễ lý luận. Cho nên khi gạn đến cuối cùng, các ngài đáp không biết. Chính chỗ không biết, là chỗ mật truyền của chư Tổ, nói không ra, người phải tự chứng đến thôi, và đó là chỗ sống không ngừng của nhà thiền, không phải đồng với chỗ phàm phu mờ mịt mà hiểu lầm. Có bài kệ ngắn:

“Ta đến ư ?

từ cõi mộng.

Ta đi ư ?

về trong mộng.

Tìm ta ư ?

một giấc mộng.

Dừng lại ư ?

là kẻ mộng."

Đi không chỗ, đến không chỗ, tìm ta ở chỗ nào? Cũng là một giấc mộng! Dừng lại tất cả tâm tìm cầu, ngay đó là kẻ mộng xưa nay! Đó là chỗ không đến đi. Mà muốn đến chỗ đó phải tỉnh giấc mộng, còn ở trong mộng tìm hoài không bao giờ thấy. Vậy khỏi phải tìm đâu xa, ngay đây tỉnh cơn mộng thì sáng ngời! Đến đây là phá cái niệm động tĩnh, đến đi mà thể hiện vô trụ xứ niết bàn, đâu đâu cũng là niết bàn, chứ niết bàn không có chỗ nơi. Cuối cùng nhắc lại bài kệ của ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn khi ngộ đạo, để người nghiệm kỹ mà thấm sâu ý nghĩa của đoạn này. Tức khi hòn sỏi văng trúng bụi trúc, Sư tỏ ngộ, làm kệ:

Một tiếng quên sở tri,

Lại chẳng nhờ tu trì.

Đổi sắc bày đường xưa,

Chẳng rơi cơ lặng yên.

Nơi nơi không dấu vết,

Oai nghi ngoài sắc thinh.

Các nơi người đạt đạo

Gọi là thượng thượng cơ.

Tức là ngay một tiếng đó, quên bặt mọi sở tri hiểu biết, mọi duyên bên ngoài, liền rõ được cái ấy sẵn từ bao giờ không phải do tu hành mới được. Mà cái đó ở đâu? Đổi sắc bày đường xưa, sắc là sắc mặt, dáng mặt vừa đổi vừa động, ngay đó bày đường xưa, là con đường trở về. Chẳng rơi cơ lặng yên, tức chớ có mắc kẹt ở một bên lặng yên. Ngay khi động nó đã hiện bày, tức ngay cái đến đi, nó hiển bày trong đó. Chứ không một bề yên lặng như chết. Mà cái đó nơi nơi không dấu vết, mọi oai nghi đi đứng nằm ngồi không kẹt nơi sắc, trong thinh, không kẹt trong tướng gì hết; đến đi qua lại mà không thuộc về sắc, về thinh, đi tất cả chỗ mà không có chút dấu vết. Nó vô tướng thì có dấu vết gì? Nhưng nó lại hiện bày trong mọi tướng, mình phải ngay các tướng hiển bày này thấy trở lại là xong. Người đạt đạo là người thấy được chỗ đó, thì gọi là bậc thượng thượng cơ. Không phải tìm đâu xa, mà ngay trong mọi tướng, mọi hành động hàng ngày mình sống đây, nó đều hiện bày đầy đủ, chỉ mình mê thôi. Tỉnh cơn mộng thì ngay đó rõ ràng, cho nên cái bất động nằm ngay trong cái động, chứ không bỏ cái động tìm cái bất động. Như vậy rõ được Như Lai không có chỗ đến đi, ngay trong đến đi mà chưa từng đến đi, thì đó mới là thể nhập được Như Lai, quên cả niệm động niệm tịnh.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1192438
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
689
4486
16955
1147600
77441
118095
1192438