Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 27.Không đoạn không diệt

 

 

CHÁNH VĂN:

27. KHÔNG ĐOẠN KHÔNG DIỆT

Này Tu Bồ Đề! Nếu ông khởi niệm thế này: “Như Lai chẳng do tướng đầy đủ nên được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Tu Bồ Đề! Chớ khởi niệm ấy: “Như Lai chẳng do tướng đầy đủ nên được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Tu Bồ Đề! Nếu ông khởi niệm thế này: “Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nói các pháp đoạn  diệt”. Chớ khởi   niệm ấy! Tại sao? Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,  đối  với  pháp chẳng  nói tướng đoạn diệt.

GIẢNG:

Ở đây gạn trừ niệm rơi vào đoạn diệt, bởi vì ở đoạn trước Phật nói rằng chẳng nên lấy sắc tướng đầy đủ mà thấy Như Lai, Như Lai vốn vượt ngoài cả thanh cả sắc, như vậy e có người lầm chấp pháp thân Như Lai một bề tịch tĩnh thanh tịnh không có tướng, nếu còn niệm đó thì còn kẹt niệm có không, dễ rơi vào trong đoạn diệt. Đến đây trừ mọi niệm đoạn diệt để ánh sáng Như Lai được tròn đầy sáng tỏ viên mãn, nghĩa là tánh tướng đầy đủ, thể dụng tròn đầy chứ không mắc kẹt một bên. Trong sử có ghi một đoạn thầy trò Quy Sơn và Ngưỡng Sơn, một hôm hai thầy trò đang hái trà, ngài Quy Sơn bảo:

- Cả ngày hái trà chỉ nghe tiếng con mà không thấy hình con.

Chỉ nghe tiếng mà không thấy hình, vậy hình ở đâu? Ngưỡng Sơn liền rung cây trà lên, là ngài hiện hình đó! ngài Quy Sơn liền bảo:

- Con chỉ được cái dụng chứ không được cái thể.

Rung động là cái dụng nó hiện, Ngưỡng Sơn thưa:

- Con thì chỉ thế ấy, còn Hòa thượng thế nào?

Ngài Quy Sơn im lặng, Ngưỡng Sơn nói:

- Hòa Thượng chỉ được cái thể của nó chứ chẳng được cái dụng.

Ngài Quy Sơn nói:

- Tha cho ông 30 gậy.

Ngưỡng Sơn nói:

- Gậy của Hòa Thượng đánh thì con ăn, gậy con đánh ai ăn đây?

Ngài Quy Sơn bảo:

- Tha ông 30 gậy.

Đoạn này rất là sâu xa khó hiểu. Như vậy Ngưỡng Sơn được cái dụng, ngài Quy Sơn được cái thể phải không? Đó là chỗ nghe theo lời dễ mắc kẹt. Trong đây muốn thấy cho tròn vẹn là mình phải bổ túc trong đó. Rung cây trà là rung động, đó là cái dụng phát ra, nhưng nếu chỉ thấy cái tướng rung động, thấy cái dụng thôi thì cái thấy đó là cái thấy một bên. Sở dĩ có cái dụng, là ở đâu mà phát ra? Từ cái thể mà hiện dụng, nên ngay khi rung cây trà là cái thể hiện trong đó chứ ở đâu khác nữa. Rồi ngài Quy Sơn im lặng, là chỉ có cái thể, không có cái dụng, hiểu như vậy là có cái thể khác nữa sao? Ngoài cái dụng, riêng có cái thể thì thể đó là thể chết, vì thể mà không có dụng. Đây là chỗ dành cho chúng ta bổ túc vào đó, phải rõ trong cái thể có cái dụng. Dụng - Thể không có hai, im lặng cũng chưa phải là cái thể, mà im lặng là tướng đối đãi với tướng nói năng thôi. Nói năng là động, im lặng là tịnh, động tịnh cũng là hai tướng, nhưng nhơn cái im lặng đó, khéo nhận ra cái thể bặt mọi hình tướng, và cái thể bặt mọi hình tướng cũng không rời các tướng kia. Như vậy thể dụng không hai, ngay trong cái dụng có đầy đủ cái thể, cũng như ngay trong cái thể này cũng đầy đủ tướng dụng, chứ không phải có thể mà không có dụng, phải thấy đầy đủ như vậy chứ không kẹt một bên. Khi Ngưỡng Sơn nói “Hòa Thượng chỉ được cái thể” thì ngài Quy Sơn bảo “Tha ông 30 gậy”. Chỗ này là chỗ rất khó hiểu, sao lại tha 30 gậy? nói vậy không trúng hay sao? Đây là gạn sạch hết niệm lỗi phải. Nghe nói tha 30 gậy bèn nghĩ không biết mình lỗi gì? Vừa nghĩ mình lỗi gì là mắc kẹt liền! Ngưỡng Sơn nói: “gậy ngài đánh con ăn, gậy con đánh ai ăn”, là Sư không mắc kẹt trong niệm lỗi phải. Chỗ này mình thấy là phải thấy suốt như vậy, không có niệm lỗi phải, không mắc kẹt hai bên thể dụng thì cái thấy mới được tròn vẹn và thể nhập trong đó. Cần rõ trong thể Như Lai vốn đầy đủ mọi công đức, mọi diệu dụng, không thể nghĩ lường được, vậy đâu thể ở trong thể Như Lai đó mà một bề không ngơ? Do đó nếu mình có cái niệm Như Lai chẳng do tướng đầy đủ mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì sẽ rơi vào niệm đoạn diệt. Bởi các tướng đầy đủ là do công đức lành Phật tu hành, nên được đầy đủ các công đức ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trí tuệ trang nghiêm; nếu bỏ hết những cái đó thì có còn Như Lai chưa? Nếu chỉ thấy một bên, bác bỏ hết những công đức đó, thì rơi vào niệm đoạn diệt. Cho nên ở đây Phật ngăn “chớ khởi cái niệm đó”, chớ có cái niệm phá hoại hoàn toàn các tướng, nghe nói Như Lai vô tướng rồi phá hoại hết các tướng thì không được. Bởi vì phải nhớ cho thật kỹ, Phật ra đời để phá tình chấp cho người, nhưng đó là “phá chấp”, chứ không “phá pháp”. Nếu nghe nói phá chấp rồi cũng phá luôn pháp, thì đó gọi là ngọc đá đều nát, đập đá rồi đập ngọc luôn. Bởi vậy các hệ A Hàm khi nói đến Niết bàn, thì chỉ nói đến niết bàn như là củi hết lửa tắt vậy thôi, người ta không biết củi hết lửa tắt là sao? đến đó còn gì nữa? Thành ra nhiều người nghi ngờ, nhập niết bàn rồi còn gì trong đó? Nên qua tới hệ Đại thừa, là hệ phát triển như kinh Hoa Nghiêm, nhiều người đọc tới các cảnh giới trong đó, cứ tưởng đó là các cảnh giới ở đâu đâu, mà không hiểu được ý sâu xa. Kinh Hoa Nghiêm mở đầu diễn tả cảnh giới nào là thần cây, thần núi, thần đêm, thần ngày, cái gì cũng thần; rồi có lúc gọi là vầng mây ánh sáng: vầng mây ánh sáng màu xanh, vầng mây ánh sáng màu đỏ; rồi có lúc ngài Phổ Hiền hiện ở đây lễ Phật, cả mười phương cõi nước cũng có Phổ Hiền lễ Phật khắp nơi, như vậy mọi người thấy cảnh giới đó là cảnh giới gì? Chính đây là ngầm ý rất sâu sa, để rõ sau niết bàn, tức thành Phật rồi không phải là hoàn toàn không còn gì hết, mà sau niết bàn là đầy đủ mọi công đức, mọi diệu dụng không thể nghĩ bàn, nên cái gì cũng thành thần, thành diệu, cây cũng thành thần, đêm cũng thành thần, ngày cũng thành thần, mây cũng phát ra ánh sáng, cái gì cũng thành ra cảnh giới Phật, tức cảnh giới vi diệu không thể nghĩ bàn, đó là để trừ cái niệm cho là sau khi niết bàn là hết không còn gì nữa, mà ở đây không phải là không còn gì. Vì vậy, nếu cho là lấy âm thanh sắc tướng không thể thấy Như Lai, rồi bỏ hết không tụng kinh không lễ Phật, đó là rơi vào một bên chấp không, mà phải nhớ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là giác ngộ hoàn toàn, không còn gián đoạn, không còn thiên lệnh, bất cứ ở đâu, lúc nào cũng luôn luôn như thế, không vắng mặt không thiếu sót. Như vậy đâu thể một bề tách rời các tướng thì nó mới hiển hiện được, mà ngay nơi các tướng nó cũng không vắng mặt, không thiếu sót. Nếu tách rời các tướng rồi, mới có hiển hiện, thì ngay nơi các tướng nó thiếu, thiếu thì sao gọi là chánh đẳng? Chánh đẳng là bất cứ nơi nào cũng đều luôn có mặt, không thiếu sót. Phải thấy thể pháp thân chân thật đó luôn luôn đầy đủ, hiện hữu mọi nơi không lúc nào vắng, như vậy mới là chánh đẳng chánh giác. Cái thể pháp thân đó, cho dù mình muốn nó đoạn diệt nó cũng không đoạn diệt, vì pháp thân là bất sanh bất diệt, vậy còn khởi niệm gì nữa? Dù mình muốn bỏ nó, nó cũng không vắng mặt; nên khi sống được trong pháp thân rồi thì nó luôn hiện hữu, đến đó đừng sợ là mình sống trong pháp thân sẽ không còn gì, mà nó đầy đủ hết và mình muốn mất nó cũng không mất. Như vậy mới là bặt mọi niệm phân biệt, mà bặt mọi niệm phân biệt thì pháp thân mới đầy đủ luôn luôn trọn vẹn, dứt những niệm đoạn, những niệm thường. Đây dẫn một câu chuyện, có vị tăng hỏi thiền sư Duy Giản:

- Thế nào là kiếm thổi lông?

Kiếm thổi lông là kiếm rất bén, đến nổi một sợi lông thổi qua liền đứt, chúng ta thấy kiếm đó là kiếm gì? Ông tăng muốn dùng cây kiếm để chỉ cái thể Bát nhã chân thật nơi mình, nó bén như vậy đó, không có cái gì dính vào được. Thiền Sư trả lời:

- Nhiều sao chẳng bằng trăng.

Sao, là những cái biết phân biệt, còn trăng là thể sáng chân thật, bao nhiêu những cái biết phân biệt chẳng bằng ánh trăng kia, bặt hết mọi niệm phân biệt này thì cái đó hiện bày đầy đủ. Vị tăng hỏi:

- Khi dùng thế nào?

Sư đáp:

- Rơi.

Vị tăng lại hỏi:

- Sau khi rơi thì thế nào?

Sư bảo:

- Bồ Tát Quán Thế Âm.

Đó là muốn chỉ, đến chỗ chân thật không được động đến, động đến là ăn ba chục gậy. Bởi vì kiếm thổi lông nó rất bén, thổi qua liền đứt, mọi niệm phân biệt tới đó, đều rơi rụng hết, mà khi rơi rụng hết mọi niệm phân biệt đó thì còn lại “Bồ Tát Quán Thế Âm”! Rớt rụng hết mọi niệm phân biệt đó, thì thông suốt tự tại, Quán Thế Âm cũng gọi Quán Tự Tại, đối với tất cả pháp đều tự tại không còn vướng mắc, không còn chướng ngại, chứ không phải rơi rụng rồi là không còn gì. Phải hiểu khi Phật nói “có”, là để trừ cái chấp “không”; ngài nói “không”, để trừ cái chấp “có”, đó là những phương tiện để phá chấp, đừng nghe Phật nói không, chấp không; nói có chấp có, thì lại mắc kẹt. Khi tình chấp hết thì thuốc cũng thôi, chớ không mắc kẹt nơi có không, nhưng thôi là thôi với ai? Đó là chỗ dễ mắc kẹt! Thôi là thôi với người hết bệnh, với nhiều người còn bệnh thì sao? Mình không chấp nhưng nhiều người còn kẹt, mà bảo đừng uống thuốc là đưa họ vào chỗ chết. Tuy là mình thấy không, nhưng với ai mình cũng nói không hết, thì đó là một cái lầm. Có khi nghe Lục Tổ nói là “- Tâm bình đâu cần giữ giới, hạnh thẳng nào đợi tu thiền”, rồi bác hết không cần tu thiền, không cần giữ giới, nhưng đó là nói với người thật sự tâm bình, hạnh thẳng, còn mình tâm thật sự đã bình chưa, mà đem với ai cũng nói như vậy là dễ chết người! Nếu bác hết không cần tu thiền giữ giới thì khiến cho người học chới với; người mới mà không giữ giới, không tu thiền, thì sống làm sao? Sống bừa bãi, mặc tình tạo tội lỗi là nguy hiểm! Ở đây là trừ niệm chấp về đoạn thường, niệm đoạn niệm thường sạch hết thì tánh bồ đề thường sáng ngời, chẳng còn khởi niệm thêm trong đó để tự chướng mình. Đoạn này có ý nghĩa rất sâu xa, khiến cho người đã lìa được tướng rồi, nhưng niệm lìa đó cũng lìa luôn; tức là không cho mình khởi cái niệm nói các pháp đoạn diệt, thì Bát nhã mới luôn luôn sáng ngời. Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

Sắc thân chẳng phải Phật.

Âm thanh cũng lại thế.

Cũng chẳng lìa sắc thanh.

Thấy sức thần thông Phật.

Hiểu đó mới không mắc kẹt. Sắc thân không phải Phật, âm thanh cũng không phải Phật nhưng chẳng thể lìa sắc thanh mà thấy sức thần thông Phật, không phải nó mà không thể lìa nó, ngay đó bặt niệm hai bên thì thấy Phật thật. Do đó Phật nói: “- Người phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác đối với pháp chẳng nên nói tướng đoạn diệt”. Chúng ta nhớ Lục Tổ khi vào thất nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang, lúc đại ngộ ngài la lên: “Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”. Vậy có nói pháp đoạn diệt không? Đến đó tự đầy đủ hết, tự thanh tịnh, hay sanh muôn pháp thì đâu nói đoạn diệt. Đó là chỗ người học thiền phải hiểu cho kỹ chứ không khéo thì mắc kẹt một bên. Cho nên đoạn này Phật mới ngăn ngài Tu Bồ Đề chớ có khởi cái niệm đó, cái niệm cho rằng “Như Lai chẳng do tướng đầy đủ nên được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, cũng chẳng khởi niệm cho rằng “người được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà nói pháp đoạn diệt”, đó là lìa niệm đoạn thường thì cái thấy mới được sáng ngời, liền tỏ suốt.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1192478
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
729
4486
16995
1147600
77481
118095
1192478