CHÁNH VĂN:
26. PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI TƯỚNG
Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy 32 tướng mà quán Như Lai chăng?
Tu Bồ Đề thưa:
- Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.
Phật bảo:
- Này Tu Bồ Đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật nói, chẳng nên lấy tướng ba mươi hai mà quán Như Lai.
Sau đó Thế Tôn nói kệ:
Nếu lấy sắc thấy ta.
Lấy âm thanh cầu ta.
Người ấy đi đường tà,
Chẳng thể thấy Như Lai.
GIẢNG:
Phật bảo “- Ý ông nghĩ sao?” là gặn hỏi thăm dò “có thể lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai chăng?” Ngài Tu Bồ Đề trả lời: “Đúng thế ! Đúng thế!” Ở trước, khi Phật gặn hỏi: “có thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?” thì ngài Tu Bồ Đề biết trả lời: “Chẳng thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai”, ở đây tại sao bất ngờ ngài nói: “Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai”? Là có nghĩa sâu trong đó. Thứ nhất, ở trước nói về “thấy”, còn ở đây nói về “quán”. Ở những phần trước là khiến cho mình lìa tướng mà thấy tánh, phá tướng để khai thị cho mình tỏ ngộ được tánh Bát nhã. Đứng về nghĩa “thấy”, thì pháp thân là vô tướng, mà pháp thân vô tướng thì không phải là cái bị thấy. Pháp thân vô tướng thì làm sao bị thấy được, nên không thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai, tức là không thể thấy ở trên ba mươi hai tướng đó. Đến phần này là thuộc về quán nhập, tức thể nhập pháp thân, là tự chứng tánh tướng như như, cho nên Như Lai là nghĩa như các pháp, do đó để quán nhập tự chứng tánh tướng như như thì, tánh tướng không thể rời nhau, không thể rời ba mươi hai tướng để riêng có cái gì quán. Nếu rời ngoài ba mươi hai tướng mà có cái gì khác để quán thì hết nghĩa như rồi, như vậy là chưa thật sự thể nhập được trong Bát nhã, tức là chưa sống được trong pháp thân. Vậy ở đây, đến phần thể nhập pháp thân thì tánh tướng không rời nhau, gọi là như như, không thể tách rời tướng mà riêng có tánh để mình thể nhập, nếu tách rời cái này để có cái khác thì có tâm hai bên nữa rồi. Trong sử nhà Thiền có Thượng Toạ Tử Phương ở chỗ thiền sư Trường Khánh, Sư đến ngài Pháp Nhãn thì Pháp Nhãn dẫn bài kệ của Trường Khánh ngộ đạo:
Ở trong muôn tượng riêng bày thân,
Chỉ người tự nhận mới là gần.
Thuở xưa lầm nhắm ngoài đường kiếm,
Ngày nay xem lại băng trong lò.
Sau đó ngài Pháp Nhãn hỏi:
- Thế nào là ở trong muôn tượng mà riêng bày thân?
Ở trong muôn tượng sum la thì sao lại riêng bày thân? Nếu theo cái hiểu thông thường thì giữa muôn sự sai biệt này mà riêng bày thân thì chắc phải có cái gì tách rời hoặc vạch bày rõ ràng. Tử Phương đưa phất tử lên thôi. Ngài Pháp Nhãn bảo:
- Hiểu như vậy thì đâu có thể được?
Tử Phương thưa:
- Tôn ý của Hòa Thượng như thế nào?
Ngài Pháp Nhãn nói:
- Gọi cái gì là muôn tượng?
Nói như vậy mà còn chưa hiểu vì mình thấy có muôn tượng thật, vạn tượng thật, mọi thứ sai biệt thật nên riêng bày thân cũng có một cái thật nữa, chính vì thấy hai cái thật đó nên không làm sao hiểu nổi. Đây ngài nói “gọi cái gì là muôn tượng”, thấu suốt như là kinh Kim Cang đã nói “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”, nếu ngay muôn tượng sai biệt mà thấy rõ nó là phi tướng tức không có thật thể gì hết, thì ngay đó pháp thân rõ ràng hiện tiền có cái gì phải tìm chỗ khác nữa? Khi ngài Pháp Nhãn gạn hỏi lại “cái gì là muôn tượng”, Tử Phương liền thưa:
- Người xưa chẳng vạch bày muôn tượng.
Đó là ngài dẫn lời người xưa, nhưng khi nói chẳng vạch lại mắc kẹt một cái nữa, đó là “vạch, chẳng vạch” thuộc hai bên, nên ngài Pháp Nhãn bảo:
- Ở trong muôn tượng riêng bày thân thì nói gì vạch chẳng vạch?
Ngay đó là riêng bày thì còn cái gì vạch chẳng vạch? Vừa khởi niệm vạch, chẳng vạch là rơi vào hai bên, ngay đó là mất rồi. Ngay đó Tử Phương liền tỏ ngộ. Như vậy ta thấy nếu chỉ sống trong niệm phân biệt hai bên thì khi nghe nói ra dễ mắc kẹt liền. Nghe nói ở trong muôn tượng mà riêng bày thân, tức ở trong muôn thứ sai biệt như vậy mà riêng bày cái thân của chính mình, thì bây giờ làm sao bày được? Phải là ở trong đó vạch bày muôn tượng đó ra để hiện cái này, hoặc ngay đó chẳng vạch liền thấy rõ, chỉ có hai cách vậy thôi. Đó là thấy có muôn tượng thật, rồi có cái thân này thật nữa, vậy là thấy có hai, nên thấy có vạch hay chẳng vạch; còn ngay đó thấu suốt qua muôn tượng, tức nó rõ ràng hiện bày thì còn có ý niệm vạch chẳng vạch gì nữa? Ở đây tức ngay tướng đó, mà tánh hiện rõ ràng thì còn tách rời gì nữa? Hiểu được chỗ đó mới cảm được chỗ Vua Lý Thái Tông một hôm vào trong núi thăm thiền sư Thiền Lão, và hỏi:
- Hằng này Hòa Thượng làm gì?
Thiền sư đáp:
- Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác.
Trăng trong, mây bạc hiện toàn chân.
Hỏi hằng này làm việc gì, là hỏi chỗ sống hàng ngày của thiền sư Thiền Lão. Nếu mình thật sự chưa có chỗ sống thật mà chỉ học hiểu trong chữ nghĩa, trên cái lý thôi, thì thấy hàng ngày phải sống thế này, thế nọ, phải có cái gì đó để sống, tức liền mắc kẹt. Ở đây thiền sư đáp rõ: “- Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong, mây bạc hiện toàn chân”. Mọi chỗ đâu đâu cũng lộ bày chỗ chân thật đó chứ không có gì khác, cũng không có cảnh giới nào khác. Tâm tịnh thì ngay đây tất cả đều thanh tịnh sáng ngời, còn chỗ nào để tách rời hay để lìa gì nữa? Nghĩa là tướng đâu thì tánh đó rõ ràng, không thiếu, không sót, vậy còn khởi niệm chia chẻ gì nữa? Do đó ở đây ngài Tu Bồ Đề hiểu ý của Phật nên liền đáp: “Đúng thế! Đúng thế!”, ngay ba mươi hai tướng đó để vào thôi; nghĩa là quán Như Lai thì ngay ba mươi hai tướng đó mà vào, mà thể nhập, quán nhập vào trong đó. Nhưng nói như vậy e có người lại lầm nhận nữa, nghe “Đúng thế ! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai”, lại mắc kẹt trên ba mươi hai tướng, là kẹt trên tướng. Nên Phật mới gặn lại: Chuyển Luân Thánh Vương do có phước báo nên cũng có ba mươi hai tướng, vậy cũng là Như Lai nữa sao? Nghe nói tánh tướng như như thì ngay nơi tướng đó mà vào, lại hồ đồ nhận tướng cho là Như Lai thì lại kẹt ba mươi hai tướng đó, mà ba mươi hai tướng đó ngày nay còn ở đâu? Thân ba mươi hai tướng của Phật khi niết bàn thiêu rồi! Nếu nhận đó là Như Lai thì lờ mờ giữa thật và giả. Nên Phật gặn lại, ngài Tu Bồ Đề trả lời: “Theo chỗ con hiểu nghĩa của Phật nói, chẳng nên lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai”, nghĩa là muốn đến chỗ nhất như đó, phải theo trí của Phật mà thấy, phải sạch hết tình chấp ở tướng kia mới chứng nghiệm được, chứ không hồ đồ nghe nói vậy rồi nhận bừa, dừng ngang trên tướng đó cho là nhất như, là lầm! Do đó kế Phật nói bài kệ:
Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai. |
Nếu lấy sắc thấy ta, Lấy âm thanh cầu ta, Người ấy đi đường tà, Chẳng thể thấy Như Lai. |
Đây là mình học theo bản phổ thông, còn theo bản của ngài Bồ Đề Lưu Chi thì có 2 bài kệ, bài đầu như trên, bài thứ hai:
Bỉ Như Lai diệu thể, Tức pháp thân chư Phật. Pháp thể bất khả kiến, Bỉ thức bất năng tri. |
Diệu thể Như Lai kia, Tức pháp thân chư Phật. Pháp thể chẳng thể thấy, Thức ấy chẳng hay biết. |
Chữ “ta” trong đây không phải cái ta này, mà “ta” là chỉ cho diệu thể, pháp thân, cái đó không thể thấy được, cái thức này cũng không thể biết được. Đó gọi là pháp thân chân ngã, chứ không phải cái ta của năm uẩn này. Nó vượt ngoài cái thấy nghe hiểu biết thường tình, cho nên chỉ người tự chứng nghiệm nơi mình chứ không lấy con mắt để thấy được, tai này để nghe được, hay dùng thức này để suy nghĩ mà biết được. Do đó không thể lấy sắc mà thấy, lấy âm thanh mà cầu. Chỗ này nhà thiền gọi là “chẳng được động đến”, nếu động đến là ăn 30 gậy! Động đến, nghĩa là nghĩ đến, mà nghĩ đến là mắc kẹt trong tình thức. Cũng chính chỗ này, Tổ Bá Trượng có lần thượng đường nói bài kệ để đánh thức mọi người về chỗ chân thật này: “Linh quang riêng chiếu. Vượt khỏi căn trần. Thể bày chân thường. Chẳng kẹt văn tự. Tâm tánh không nhiễm. Vốn tự viên thành. Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật”. Nghĩa là, cái linh quang sáng rỡ nơi mình, nó riêng tự chói sáng một mình, không mắc kẹt, không nương tựa cái gì, nó vượt khỏi căn trần, không ở trong con mắt này, không ở trong hình sắc kia, mà là cái đang ngồi nghe! Cái thể đó bày lộ chân thường, hằng hữu, nhưng không nằm trong văn tự, trong chữ nghĩa, đừng mò mẫm trong quyển kinh này, trong quyển sách kia, mà chính nó đang ngồi nghe, chỉ có Tâm tánh không duyên theo các trần, không duyên theo cái này, cái nọ thì ngay đó vốn tự viên thành, tự đầy đủ, luôn luôn hằng hữu không thiếu gì hết. Nên “Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật”, khỏi phải tìm đâu xa, còn mình chỉ lo vọng theo duyên, tìm cái này cái kia nên tự nó che. Đây là bặt hết chỗ duyên, thì ngay nơi mình nó hiện hữu; nếu có chỗ duyên thì nó là cái bóng thứ hai, thứ ba, chứ không phải là mặt trăng thật, vì đã có chỗ duyên thì nó thành sai biệt rồi, làm sao gọi là tánh tướng như như được, làm sao mà ngay tướng nhập tánh được. Đó là chỗ phải khéo nhận – Song bài kệ này:
Nếu lấy sắc thấy ta,
Lấy âm thanh cầu ta,
Người ấy đi đường tà,
Chẳng thể thấy Như Lai.
Nhiều người hiểu lầm thành ra xuyên tạc, mượn bài kệ này để làm biếng, nghe nói vậy thì thôi mình tu khỏi cần tụng kinh lễ Phật làm gì. Vì tụng kinh là âm thanh, mà lấy âm thanh cầu ta là đi đường tà rồi; lễ Phật là sắc tướng, mà lấy sắc cầu ta là cũng đi đường tà nữa. Nhiều người chấp vào bài kệ này, bỏ không cần tụng kinh, không cần lễ Phật, cho rằng làm như vậy là còn chấp tướng, là còn kẹt, là đi đường tà; nhưng không ngờ mượn cái đó mà che bệnh làm biếng của mình, đâu biết chấp như vậy là lấy một bên, bỏ một bên, thì làm sao mà thấy Phật được? Nếu bỏ hết như vậy, còn lại phải làm gì? Trong khi mình chưa có chỗ sống chân thật mà không tụng kinh, lễ Phật, thì không biết làm gì, rồi thì nghênh nghênh ngang ngang, ngày qua tháng lại lâu ngày chồng chất thêm tâm kiêu mạn, gặp Phật không lễ, gặp pháp không trọng, gặp thầy cũng ngẩng mặt ngó luôn, thì đó là bệnh lớn, trong cái âm thầm này tự cho “ta là trên hết”, mọi cái kia đều thuộc về hình thức, và trong này “cái ngã” lâu ngày to chừng nào không hay, vậy rất là nguy hiểm! Nói là không rơi đường tà, nhưng chính mình đi vào đường tà mà không hay! Phải hiểu Phật nói như vậy để mình không bám chấp vào âm thanh sắc tướng, không rơi vào cái mê lầm đắm nhiễm trong đó, mà ngay nơi đó thấy trở lại, sống trở lại. Nên nói: “- Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai”, nhưng đừng mắc kẹt trong đó, Phật bèn gạn lại, nếu bám kẹt nơi đó sẽ lầm ba mươi hai tướng của Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai. Phải ngay nơi đó liền thể nhập chân thật chứ không mắc kẹt, không rơi vào hai bên: bên tướng, bên tánh! như vậy mới đi thẳng vào được. Trong nhà thiền có một vị tăng hỏi ngài Vân Môn “- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?”. Vân Môn đáp: “- Hoa Thược lan”. Nếu hiểu theo thường tình thì hoa thược lan là pháp thân sao? Ở đây phải thấy được hai ý như ngài Tu Bồ Đề: "Đúng thế ! Đúng thế", là "Hoa thược lan"; nhưng “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là đi đường tà”, phải ngay đó mà thấy vượt ngoài cái đó, ngay nơi âm thanh sắc tướng mà bặt cái niệm đối đãi, thì liền đó thể nhập pháp thân, còn vừa có niệm phân biệt hoặc lấy, hoặc bỏ, là rơi đường tà, là đi một bên. Đó là chỗ phải hiểu cho thật kỹ!