Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 23.Tịnh tâm hành thiện

 

 

CHÁNH VĂN:

23. TỊNH TÂM HÀNH  THIỆN.

Lại nữa, Tu Bồ Đề ! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, đó gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả mà tu tất cả pháp lành, liền được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề ! Nói pháp lành đó, Như Lai nói chẳng phải pháp lành, đó gọi là  pháp lành.

GIẢNG:

Tịnh Tâm Hành Thiện là dùng tâm thanh tịnh làm việc lành.

Trên nói không có một chút pháp gì để được, ở đây Phật liền nói: “bởi vì pháp ấy là bình đẳng không có cao thấp, nên mới gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Đây là hướng cho người, làm tất cả các việc lành mà không có chấp vào chỗ làm của mình, đó mới gọi là thật làm; nghĩa là mình đi qua hết mà không để lại dấu vết, như vậy mới là sống thật, cũng như tránh không để cho mình mắc kẹt vào chỗ không làm. Bởi nghe ở trên “không có một chút pháp gì để được”, rồi thôi không cần làm gì hết, là rơi vào đoạn diệt. Trong đây Phật nói rõ, ở trước nói không có chút pháp gì để được đó, là bởi vì sao? Bởi vì pháp ấy bình đẳng không có cao thấp. Chúng ta phải chú ý, vì sao mà không có pháp để được? Bởi vì “pháp ấy bình đẳng không có cao thấp”, vậy lấy gì để được, để mất? Nhưng nói như vậy, mọi người có nghi không? chúng ta ngồi đây, mỗi người có tâm tư khác, trình độ khác thì sao nói không cao thấp được? Rồi Phật cũng nói có ba thừa sai biệt: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát Phật thừa, vậy sao nói không cao thấp? Nếu nhìn theo kiểu đó, là nhìn theo thức tình của mình, nghĩa là theo thức tình thì thấy Phật nói có cao có thấp, có ba thừa sai biệt. Sở dĩ Phật nói có cao có thấp, có các thừa sai biệt là Phật nào nói? Hiểu được đó thì mới thấy được ý nghĩa này. Phải biết rõ đó là Phật hóa thân nói, Phật báo thân nói, chứ không phải là Phật pháp thân, Phật pháp thân thì không nói như vậy. Vậy đó là phương tiện nói, chưa phải là chỗ chân thật. Nhưng muốn thông suốt được chỗ này thì phải hiểu cái gì là pháp ấy? Thường thường người nghe nói vậy, chỉ tìm hiểu cái bình đẳng không cao thấp thôi, mà quên nghĩa “pháp ấy” là cái gì? Do đó chúng ta thường chạy trên chữ nghĩa để hiểu, nghe nói không cao thấp, nghe nói bình đẳng thì theo đó mà hiểu thôi, chứ không xét cho kỹ cái mấu chốt là ở chỗ “pháp ấy”, thấy được cái pháp ấy thì mới biết được là không cao thấp. Như vậy, hiện nay sum la vạn tượng dẫy đầy trước mắt đây, sao bảo là không cao thấp được? Làm sao thấy được chỗ này? Chính chỗ này làm người học kinh Kim Cang thắc mắc, khó vượt qua. Ngày xưa ngài Đại Huệ Tông Cảo một hôm xem kinh Kim Cang, thì ngài Văn Chuẩn hiệu Trạm Đường là bạn, thấy bèn hỏi:

- Trong kinh Kim Cang nói “pháp ấy là bình đẳng không cao thấp”, vậy vì sao núi Vân Cư cao, núi Bảo Phong thấp?

Ngài Đại Huệ đáp:

- Pháp ấy bình đẳng không cao thấp.

Ngài đáp bằng cách lặp lại, không đáp thêm gì hết, vậy làm sao thấy được ý đó, có gì lạ? Thấy cái “pháp ấy” là cái gì chưa? Chỗ này cũng giống như trong hang trống, mình la to lên thì nó dội lại, ở đây nó cũng dội lại như vậy đó! Ngay “cái đang hỏi”, thì cái đó có cao thấp gì không? Cao thấp là ở niệm phân biệt, do tình thức nó phân chia, còn ngay cái đang hỏi nó có hình tướng gì? cho nên ngài nhấn mạnh: “Pháp ấy là không có cao thấp!” chúng ta vừa thấy cao thấp là đi theo niệm phân biệt rồi, đi theo tướng trạng của sáu trần rồi! Cho nên chỗ này phải thấy nhanh, trong thiền gọi là thấy chớp nhoáng, không để cho cái suy nghĩ chen vào, vừa có suy nghĩ là có cao thấp ngay. Ở đây, ngay khi mình thấy tất cả sum la vạn tượng đầy dẫy trước mắt, mà chưa có niệm thứ hai chen vào thì cao thấp bám vào chỗ nào? Vừa có niệm thứ hai mới có phân biệt, có cao thấp, cho nên phải khéo thấy trước khi mở miệng; chứ đợi người ta mở miệng rồi theo đó để thấy thì có cao, có thấp liền. Chính ngài Hoàng Bá cũng từng bảo: “- Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, đó gọi là bồ đề. Tức là tâm bản nguyên thanh tịnh này, chúng sanh chư Phật, núi sông, thế giới, có tướng không tướng, khắp cả mười phương thế giới đều bình đẳng, không có tướng ta và người. Tâm bản nguyên thanh tịnh này thường tự tròn sáng, soi khắp mà người đời lại không ngộ, chỉ nhìn cái thấy, nghe, hiểu, biết làm tâm, rồi bị cái thấy, nghe, hiểu, biết che đậy, do đó không thấy được bản thể tinh minh.” Nghĩa là, tâm bản nguyên thanh tịnh vốn không cao thấp, không tướng trạng gì, nhưng bị cái thấy, nghe, hiểu, biết che đậy, thành quên mất cái bản thể sáng suốt của nó đi, do đó mà cứ sống theo cái cao cái thấp, cho nên có yêu có ghét, quên mất cái thật nơi mình. Giờ ngay đó mà quên cái niệm phân biệt đi, nhớ trở lại cái biết luôn luôn hiện hữu nơi mình đây, thì sống trở lại cái bình đẳng, thấy mình với Phật không có hai. Bởi vậy thấy được đạo lý đó, mới rõ thực sự núi có tự cao? sông có tự sâu không? Hay là tại cái gì? Núi không tự nó cao, sông không tự nó sâu, mà do tâm động niệm phân biệt này, nó mới thành có cao, có sâu. Nếu ngay đó lìa được niệm phân biệt thì thể bình đẳng hiện tiền, khỏi phải tìm đâu xa. Đó mới gọi là thật tướng Kim Cang Bát Nhã. Nên chúng ta nghe nói thật tướng, tưởng nó ở đâu đâu mà không ngờ là chính ngay nơi mình thôi, khéo ngay đây lìa những niệm phân biệt thì thật tướng hiện tiền. Đó là điểm Phật nói, pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, đó mới là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tới đoạn kế Phật mới nói thêm: “- Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả mà tu tất cả pháp lành, liền được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Thêm một ý nghĩa nữa. Ở trước là nói không được, ở đây là nói được. Nhưng mọi người chú ý, ngài nói được, mà trước khi nói được ngài đã chặn đầu trước rồi là “do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, mà tu tất cả các pháp lành”, tức là một lần nữa khiến người qua cái niệm được và không được. Pháp đó nó có sẵn như vậy rồi không cần phải do tạo tác, cũng không có cao thấp sai biệt gì, nhưng không phải nói như vậy là cứ để tự nhiên nó có, mà phải nhờ phương tiện tu các pháp lành, giúp tiêu trừ các tình chấp mê lầm thì nó mới hiện ra. Do đó nói tu tất cả các pháp lành, nhưng tu tất cả các pháp lành với không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. Tức là tu mà không kẹt trong bốn tướng thì mới được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nghĩa là mình làm tất cả mà không có tâm chấp trước, không có dính trong bốn tướng, không có tâm ô nhiễm trong việc làm của mình, làm vậy mới thật làm. Đúng như là chỗ ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đáp với Lục Tổ, sau khi Lục Tổ hỏi:

- Vật gì đến?

Ngài không đáp được, ngài trở về tám năm trời, sau đó ngài ngộ được, mới đến thưa với Tổ:

- Con đáp được rồi.

Lục Tổ hỏi:

- Sao?

Ngài đáp:

- Nói giống một vật tức không trúng.

Chỗ đó bình đẳng, không có sai biệt, không có tướng trạng gì thì đâu có thể nói giống vật gì được. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không làm gì hết, nên Lục Tổ mới gạn lại:

- Như vậy có tu chứng hay không?

Ngài thưa:

- Tu chứng tức chẳng không, mà nhiễm ô chẳng thể được.

Nói không một vật thì sao tu chứng được? Nhưng không phải nói như vậy, đó là nói suông, ngôn ngữ suông mà chỗ này mình phải thể nghiệm chân thật, chứng nghiệm rõ ràng trong đó. Cho nên tu chứng thì không phải không, mà không nên chấp vào chỗ tu chứng, chấp cái chỗ được trong đó, thấy có sở đắc trong đó thành ra ô nhiễm rồi. Cho nên gọi ô nhiễm không thể được, đó là chỗ đặc biệt; mà cũng là ý, nó vốn không một vật, thì không có gì có thể ô nhiễm được nó. Do đó, pháp ấy bình đẳng, bình đẳng là thể, thể thì không tất cả mọi tướng trạng, không làm, không có tạo tác gì; nhưng mà phải tu tất cả các pháp lành. Tu tất cả pháp lành, là thuộc về dụng, dụng thì hiện bày khắp nơi không thiếu thứ gì. Như vậy thể dụng mới tròn đầy, nếu chấp một bên là bình đẳng không cao thấp thì chỉ mới một bên thể, thể mà không có dụng là thể chết; còn cái dụng không có thể là cái dụng rỗng. Bởi vậy thể dụng phải tròn đủ thì mới đầy đủ ý nghĩa. Ngài Quy Sơn có câu nói:“Thực tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Tức là trên chỗ lý chân thật thì không chấp nhận một mảy trần nào, trong đó không có chỗ nhận, không có dính một mảy bụi. Nhưng trong cửa muôn hạnh thì không bỏ pháp nào. Thấy như vậy mới là thấy tột, nhiều khi học hiểu lý suông thì mắc kẹt bên lý, chỉ thấy chỗ lý thật không dính một mảy trần nào, rồi dừng ngang đó thì cái thấy thiên lệch, thấy một bên. Có người hiểu được lý thiền một chút thì nghĩ rằng lý thiền sẵn đó rồi, không cần phải làm gì, như vậy là thành cái thấy càn tuệ (huệ khô), thiếu sức diệu dụng. Ở đây phải thấy cho đủ, nên Phật mới nói rõ tuy pháp đó là bình đẳng, không cao thấp, song do tu tất cả các pháp lành với không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, liền được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trước nói không được, nhưng đây nói được, song được đó không theo nghĩa “được mất” bình thường, đó là để ngừa cái niệm rơi vào đoạn diệt của mình, nghe nói không có chút pháp gì có thể được hết thì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng không có luôn! Nên điểm này là điểm rất quan trọng, người tu thiền phải hiểu cho kỹ để không mắc kẹt một bên. Tuy nhiên vừa nói tới pháp lành, Phật liền phá ngay: “- Nói pháp lành đó, Như Lai nói chẳng pháp lành, đó gọi là pháp lành”. Nói tới là phá liền không để cho mình chấp. Bởi vì nghe nói tu tất cả pháp lành liền được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, như vậy là thật có pháp lành nữa rồi! Nên Phật liền phá ngay. Bởi lành là gì? Lành là đối với dữ, mà có lành có dữ là có đối đãi rồi; đã đối đãi là không bình đẳng. Song nếu không nhờ phương tiện là các pháp lành đó để trợ duyên thì mình đâu dứt sạch được cái tình mê, để sống trọn vẹn trong thể giác được? Cho nên cũng phương tiện mà gọi là các pháp lành, chỉ là chúng ta không nên chấp vào trong đó. Đây cũng là một kinh nghiệm để cho thấy rõ, ai mà thường nói rằng tự tánh của mình nó là sẵn như thế, cứ để tự nhiên nó khế hợp thôi, khỏi cần phải tu hành gì hết, nói như vậy là biết thuộc về hạng người nào rồi! Thuộc về hạng nói lý suông, hiểu lý suông, hoặc là thuộc về cuồng giải, hiểu mê cuồng rất là nguy hiểm! Trước hết làm lầm mình, rồi làm lầm người khác nữa. Ở đây cần dùng tâm vô phân biệt để làm tất cả, làm mà không trụ trước, không dính mắc thì liền đó tự khế hợp, đó là làm tất cả mà mình luôn luôn khế hợp với tâm thanh tịnh. Như vậy một lần sáng lên là sáng mãi, sáng mãi không cùng tận. Sáng được rồi mà làm tất cả pháp lành, làm không bỏ pháp gì hết, nhưng không dính mắc vào một việc làm gì, như vậy chỗ thấy của mình mới sáng liên tục, sáng luôn luôn không dứt. Nếu mới sáng lên một chút mà thấy như vậy là đủ rồi, đã khế hợp rồi, thì như vậy chỉ gián đoạn ngang đó thôi, chứ không kéo dài liên tục được. Như vậy chỗ này phải hiểu cho kỹ chứ không khéo sẽ mắc kẹt.

Qua đó ta thấy chỗ này là đưa người đi vào tu chứng, đi vào thể nhập, do đó rất là vi tế. Vì vậy học thì phải nghiền ngẫm cho kỹ rất có lợi ích cho mình.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1201815
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
321
2336
2657
1175483
86818
118095
1201815