Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 22.Không pháp có thể được

 

 

CHÁNH VĂN:

22. KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯỢC

Tu Bồ Đề bạch Phật :

- Bạch Thế Tôn! Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là không chỗ  được chăng?

Phật bảo:

- Đúng thế ! Đúng  thế ! Tu Bồ Đề ! Ta đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cho đến không có một chút pháp có thể được, đó gọi  là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

GIẢNG:

Ở đoạn này có gì khác với đoạn trước không? Ở trước Phật cũng nhiều lần nói về “không được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” này, nhưng có gì khác? Đến đây để hiển bày chỗ tự chứng vượt ngoài mọi cái sở đắc, chúng ta đọc kỹ câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề mới thấy có ý sâu xa trong đó. Ngài hỏi là: “- Bạch Thế Tôn, Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là không chỗ được chăng?” Câu này mới nhìn qua thì giống như câu ngài nghi mà hỏi, nhưng có phải thật là ngài nghi mà hỏi không? Hãy nhớ lại ở những đoạn trước, về phần này thì Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề, Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng có được thọ ký, có được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác không? Đó là Phật hỏi để gạn lại chỗ thấy của ngài; ở đây là ngài hỏi thẳng lại Phật, chính là một điểm đặc biệt! Mới nhìn qua như là ngài nghi mà hỏi nhưng mà sự thật không phải. Ở đây chú ý câu hỏi “Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó”, ngài nhấn mạnh chỗ “được”, nhưng mà được đó, “là không chỗ được chăng?” Như vậy, để thấy, ngài cũng thấy chỗ Phật có “được”, nhưng mà được đó là không chỗ được chứ gì, ngài muốn nhấn mạnh lại, để cho Phật ấn chứng. Đây là ngài muốn trình bày chỗ thấy của ngài, chỗ sống của ngài; nhưng ngài trình bày khéo léo không cho người ngoài nhìn thấy được, chỉ có người trong cảnh mới tự thầm hiểu với nhau thôi. Bởi chỗ đó không phải chỗ của tình thức đến được. Do đó ý ngài nhấn mạnh giống như nghi hỏi mà không phải, đó là thầm trình bày cái chỗ thấy của ngài để cho Phật ấn chứng. Vì vậy tiếp theo là Phật ấn chứng liền “Đúng thế, đúng thế!” Và một điểm nữa mà mình phải chú ý là, Phật mà lại được bồ đề nữa sao, nên câu hỏi “Phật được” là một ngầm ý, nếu Phật mà lại được bồ đề nữa thì Phật chưa hẳn là Phật rồi! Ý rất là sâu xa! Trong câu hỏi đã ngầm có ý trả lời trong đó rồi, do đó mà Phật liền ấn khả “đúng thế, đúng thế!” tức là chỗ thấy, chỗ nhận đó khế hợp với tâm Phật rồi. Xác thực đó là chỗ ngài trình bày để Phật ấn chứng chớ không phải là lời nghi hỏi, quá rõ ràng! Rồi Phật nói rõ: “Ta đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cho đến không có một chút pháp có thể được, đó gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác”, như vậy ở trước ngài chỉ nói là Phật “không có chỗ được”, không thật có pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác để mà được, ở đây ngài nhấn mạnh rõ ràng, không có “một chút pháp” có thể được, thì đó gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như vậy đến đây trong lòng thật là rỗng rang, không tồn đọng một chút dấu vết của một pháp thật gì nữa, thì chỗ thấy mới thật là triệt. Cho nên ngài Hoàng Bá có lần bảo: “- Nếu mà thấy có thật đắc thì không phải là người khách ở trong Tông môn của ta, vả lại cùng bản thể của ông có gì liên hệ”. Đó là phá sạch không còn có “ý niệm” được gì ở trong này, thì mới thật rỗng rang, mới thể nhập được pháp thân. Trong kinh Duy Ma Cật có đoạn ngài Xá Lợi Phất đối đáp với bà Thiên nữ rất là hay, ngài hỏi:

- Bà còn bao lâu nữa thì sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?

Bà đáp:

- Nếu như Ngài Xá lợi Phất trở lại làm phàm phu thì tôi được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngài Xá Lợi Phất nói:

- Tôi mà làm phàm phu thì chuyện đó không có rồi.

Vì ngài Xá Lợi Phất chứng Alahán rồi thì không còn sinh tử, vậy sao làm phàm phu được. Bà Thiên nữ lại nói:

- Tôi mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì cũng không có lẽ đó. Tại sao? Bởi vì bồ đề là không có chỗ trụ, cho nên không có chỗ được.

Ngài Xá Lợi Phất nói:

- Hiện nay chư Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chư Phật cũng đã được, và chư Phật sẽ được nhiều như số cát sông Hằng, thì những việc như thế đó sẽ nói thế nào?

Bà Thiên nữ nói:

- Đó thảy đều là do văn tự thế tục ghi chép nên nói có ba thời, chứ chẳng phải là bồ đề có đời quá khứ, có đời vị lai và đời hiện tại.

Bồ đề không có đã được, đang được và sẽ được. Rõ ràng, nói là đã được, đang được và sẽ được đó là tùy theo văn tự thế tục ghi chép tạm nói vậy thôi, tức là đối với người mê tạm nói để dẫn dắt trở lại, sống trở lại. Trong chỗ chân thật thì bồ đề là cái sẵn nơi mình nên không có đã được, đang được và sẽ được. Vậy hỏi “Bà chừng nào được?” vừa thấy có được là không phải rồi! Đến đây là trừ cái “niệm được mất”, bởi vì còn niệm được mất là cũng còn chưa hết mê, thấy mình có chút được, là còn trong niệm được mất, mà đã còn có cái niệm được mất thì làm sao gọi là Phật. Cho nên ở đây Ngài nói rõ “Ta trong đây cho đến không có một chút pháp có thể được, đó mới gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Ngài Động Sơn Lương Giới, có lần ngài hỏi Hòa thượng Long Sơn:

- Hòa Thượng được đạo lý gì bèn về ở núi này?

Ngài Long Sơn đáp:

- Ta thấy hai con trâu đất nó báng nhau, rồi nhào xuống biển, thẳng đến ngày nay, bặt hết tin tức.

Vậy được cái gì? Tức là chủ - khách đều bặt hết, thể - dụng cũng đều mất, không còn cái gì để phân biệt, để bám lấy, như vậy mới sạch hết dấu vết được mất; mà sạch hết dấu vết được mất thì người ngoài không suy tìm đến được, chỗ đó là chỗ tự chứng thôi. Cũng như ngài Nam Tuyền khi sắp tịch có một vị đệ nhất tòa đến hỏi:

- Sau khi Hòa thượng trăm tuổi ngài đi về đâu?

Ngài bảo:

- Ta sẽ làm con trâu ở dưới núi.

Tu hành như ngài, giáo hóa hàng trăm chúng mà bảo khi trăm tuổi hóa thành con trâu dưới núi, nếu theo tâm phàm phu mà hiểu thì không thể nào chịu nổi. Ông tăng mới hỏi:

- Con theo được chăng?

Ngài bảo:

- Nếu ông muốn theo ta thì miệng phải ngậm theo bó cỏ nữa.

Chỗ này để nói lên người thật đã chứng ngộ, đã sống được trong đó rồi cho nên quên cái niệm được mất, không còn có chút sở đắc nào hết, không còn thấy có tâm niệm là phàm là thánh, trong lòng rỗng rang sạch trơn mới nói được như vậy. Ngài nói làm trâu, nhưng đâu phải ngài thành con trâu, đó là để thấy ngài không còn niệm phàm thánh, niệm được mất, mới ra đi tự tại; trái lại chúng ta còn niệm phàm thánh nên nghe nói làm trâu là thấy phàm rồi, là thú vật rồi, tức liền chướng ngại. Cũng với ý này, ngài Hoàng Bá dạy: “- Người học Bát nhã không thấy một pháp có thể được, dứt ý nơi tam thừa, chỉ một chân thật thôi, không thể chứng được; còn bảo là ta hay chứng hay đắc đều là tăng thượng mạn, trên hội Pháp Hoa phủi áo ra đi là nhóm người này”. Bởi vì thấy ta hay chứng hay đắc nên ra đi, học Bát nhã là phải quên chứng đắc, không thấy có một pháp để được, chỉ sống trở về chân thật chính mình vậy thôi thì có gì để được trong đó. Do đó đoạn này để rũ sạch hết mọi sở đắc trong lòng, cho nó rỗng rang, tự tại. Đó là qua đoạn “Không Pháp có thể được.”

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1192448
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
699
4486
16965
1147600
77451
118095
1192448