Thứ Sáu 22/11/2024 -- 22/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 21.Chẳng phải thuyết, sở thuyết

 

 

CHÁNH VĂN:

21. CHẲNG PHẢI THUYẾT, SỞ THUYẾT

- Này Tu Bồ Đề! Ông chớ cho là Như Lai khởi niệm như thế này: “Ta  sẽ  có pháp để nói”. Chớ khởi  niệm ấy. Tại sao? Nếu người nói Như Lai có pháp để nói, tức là chê bai Phật, vì chẳng hiểu được pháp của ta nói. Này Tu Bồ Đề! Nói pháp là không  pháp có thể nói, đó gọi là nói pháp.

Bấy  giờ  Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào ở đời vị lai  nghe nói pháp  như thế sanh lòng tin chăng  ?

Phật bảo:

- Này Tu Bồ Đề! Họ chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Tại sao? Tu Bồ Đề! Chúng sanh chúng sanh đó, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh.

GIẢNG:

Phần này muốn cho mình lìa niệm năng thuyết sở thuyết để hiển bày pháp thể đó lìa ngôn thuyết, chỉ tự chứng. Nghĩa là, khiến cho chúng ta bặt hết cái niệm năng sở, để thể nhập vào pháp thể chân thật. Ở phần trên đã phá cái thấy về báo thân riêng ngoài pháp thân, tức là báo thân và pháp thân vốn không hai thể, không cho trụ trên cái quả báo trang nghiêm do công phu tu hành mà cảm được, tức là không thể lấy cái sắc tướng đầy đủ mà thấy Như Lai, thì như vậy Phật thành Phật Ngài có nói pháp hay không? Nếu không có nói pháp thì sao gọi là Phật? Nếu Phật không nói pháp như vậy phải hiểu sao đây? Cho nên ở đây Phật liền ngăn, “ông chớ cho là Như Lai, khởi niệm như thế này”. Bởi vì khởi niệm là sao? Khởi niệm tức là sanh tâm động niệm rồi! Sanh tâm động niệm tức trái với pháp thể bất sanh bất diệt. Như mình đã học ở trước, Như Lai nghĩa là gì? Như Lai là nghĩa “Như” của các pháp, phải không? Đã là Như của các pháp, thì Như Lai là bản thể của pháp chứ gì? Mà bản thể của các pháp rồi, còn khởi niệm nói cái gì nữa. Vì vậy “chớ cho Như Lai khởi niệm như thế này”, nghĩa là khởi niệm nói rằng: “Ta có các pháp để nói”. Khởi niệm là động niệm, là trái rồi, mà còn khởi niệm ta có cái pháp thể để nói nữa là thêm một lớp mê thứ hai. Tức là thấy ngoài tâm có pháp, mà ngoài tâm có pháp tức sẽ có thiếu, có đủ. Bởi ngoài cái này mà có thêm cái nữa, tức hoặc là thiếu, hoặc là dư, nó nằm trong hai trường hợp đó. Nghĩa là, như vậy sẽ thấy là người thiếu, người thiếu cho nên mới cần mình nói cho người ta nghe, trái lại mình thì dư, dư mới nói cho người, ngay đó cái niệm dư  thiếu sẽ sanh! Trong khi đó, Tam Tổ Tăng Xán có nói trong Tín  Tâm Minh là: “Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư”. Pháp thể nó vốn đã tròn đủ khắp thái hư, không thiếu không dư như vậy rồi, thì còn cái gì trong đó nữa để mà nói? Vừa khởi lên tức là sanh diệt, mà dùng tâm sanh diệt thì làm sao có thể nói đến được pháp không sanh diệt? Cho nên ở đây Phật ngăn liền, “Ông chớ có cho Như Lai khởi cái niệm này: Ta sẽ có pháp để nói!”. Kế Ngài mới giải thích tại sao? “Nếu người nói Như Lai có pháp để nói, tức là chê bai Phật”, chỗ này mình phải nghiệm kỹ! Nếu vậy, chúng ta ngày nay có ai không chê bai Phật chăng? Phật bảo rằng: “- Nếu có người nói Như Lai có pháp để nói đó, tức là chê bai Phật, chẳng hiểu được pháp của ta nói.” Chúng ta ngày nay ai mà không có cho rằng giáo pháp còn lại hiện nay mà mình học đây thì ai nói? Phật nói chứ ai nói nữa, vậy có chê bai Phật chưa? Rồi Phật 49 năm nói pháp, vậy nói cái gì đó? Chỗ này không khéo lại mắc kẹt! Nếu hiểu theo kiểu đó, tức là mình đem tâm phàm để hiểu Phật, mà đem tâm phàm hiểu Phật thì Phật cũng thành phàm như mình. Bởi sao? Bởi vì tâm phàm của mình là luôn luôn muốn cầu được, học thì cũng cầu học để được cái gì, hiểu cái gì, học Phật cũng phải để kiếm cái gì chứ, không có kiếm cái gì thì học làm chi nữa? Như vậy, học là kiếm cái gì đó để được, phải không? Còn lẽ thật Phật ra đời là gì? Phật ra đời chỉ là phá cái tình chấp mê lầm của chúng sanh thôi. Nghĩa là, do chúng sanh mê lầm chấp trước, cho nên Phật ra đời để phá những cái tình chấp đó, đánh thức họ để cho họ nhớ lại cái gì sẵn có nơi mình, mà mình bỏ quên, chớ có nói cái gì khác nữa đâu! Song cái đó nó đâu có nằm trong ngôn ngữ nói năng. Vì vậy ở trong phẩm Đệ Tử của kinh Duy Ma Cật Ngài Mục Kiền Liên thuật lại: Có lần gặp ông gặp Duy Ma Cật ông nói với Ngài rằng: “Pháp vượt khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp không có cao thấp, pháp thường trụ vắng lặng, pháp lìa khỏi tất cả mọi sự tu luyện và hành đạo, Thưa Đại Mục Kiền Liên! Tướng pháp như thế đó thì há thuyết diễn được sao?” Nghĩa là, pháp đó nó vượt khỏi mắt tai mũi lưỡi thân ý, không thể dùng mắt thấy nó, không thể dùng tai nghe được, mũi lưỡi cũng không thể ngửi nếm đến đó được, pháp như vậy làm sao diễn nói? Đó là ông muốn nói pháp gì? Chính là pháp thể chân thật nơi mình đó, chứ không phải pháp ghi trong giấy trong mực này. Thường thường chúng ta cứ nghĩ, pháp là những cái ghi ở trong giấy, trong mực, đó là cái học hiểu được, nhưng ở đây ông Duy Ma Cật muốn chỉ ngay pháp thể chân thật nơi mình đó, khiến mình quay trở lại không mắc kẹt trong danh tự chữ nghĩa. Cho nên pháp đó nó không có cao thấp, mà cũng lìa khỏi mọi sự tu luyện và hành đạo, cái đó không phải do tu luyện mà thành, vì nó không thuộc về pháp sinh diệt. Nói như vậy, không có nghĩa là cứ để tự  nhiên mà được. Nhờ những phương tiện tu hành để đánh thức mình  nhớ trở lại thôi, cho nên, nếu bảo Như Lai có một pháp thật để nói cho người, thì có lỗi: Ngài có pháp để nói cho người, thì người có nhận được cái gì đó của Phật, như vậy là có cho, có được, tức pháp đó thuộc về nói năng rồi! Vậy pháp đó là pháp dựng lập, pháp tạo tác, chưa phải là pháp thể chân thật. Như vậy không phải chê bai Phật là gì? Cho rằng Như Lai là thuộc về sanh diệt hay sao? Vì vậy nói Như Lai có pháp để nói, tức là chê bai Phật là như thế, đó là cái thấy còn trong sanh diệt. Do đó trong kinh Lăng Già có một đoạn Phật bảo Bồ Tát Đại Huệ rằng: “- Này Đại Huệ! Nếu có người nói rằng Như Lai nói pháp rơi vào văn tự thì người này ắt là vọng ngữ, bởi vì pháp lìa văn tự. Thế nên, này Đại Huệ! Chư Phật chúng ta và các vị Bồ Tát không nói một chữ, cũng không có đáp một chữ”. Ngài nói rõ: “- Nếu bảo Như Lai có pháp nói rơi vào văn tự, đó là hư vọng, và chê bai Phật rồi”. Thành ra những điều mà Phật nói ra chỉ là phá tình chấp, gợi ý thôi, phải thấy cái ý ở ngoài lời đó, mới thấy được ý Phật muốn chỉ. Phật nói thêm: “Vì hy vọng phiền não của chúng sanh chẳng phải một, cho nên ta và chư Phật tùy các thứ hiểu biết sai khác của chúng sanh mà nói các pháp, khiến cho họ lìa tâm, ý, ý thức, chẳng phải là vì được chỗ tự giác thánh trí đó”. Ngài nói rõ ràng, bởi vì chúng sanh có những điều mong mỏi, phiền não sai khác quá nhiều, do đó Phật phải tùy theo sự hiểu biết sai khác của chúng sanh đó, mà phương tiện Ngài nói các pháp; nhưng mà phương tiện nói các pháp đó là vốn để cho mọi người lìa tâm ý, ý thức, tức là những tâm phân biệt chứ chẳng phải là vì được chỗ tự giác thánh trí. Nghĩa là, sở dĩ Ngài nói pháp đó, là vì phương tiện trừ bệnh cho chúng sanh thôi, chứ không phải là vì chỗ tự giác thánh trí, tự giác thánh trí là gì? Tức là chỗ trí thể chân thật, mà trí thể chân thật đó thì chỉ người tự giác, tự chứng biết thôi, không phải là chỗ ngôn ngữ nói đến được, không phải do những lời nói của Phật đó mà mình biết đến, do lời mà hiểu là chưa phải. Do đó có một vị tăng hỏi thiền sư Quế Sâm:

- Thế nào là một câu của La Hán?

Sư đáp:

- Ta nói với ông đó liền thành hai câu.

La Hán là gì? La Hán tức là vô sanh, đã vô sanh mà mình nói ra là sanh rồi, đó là thành hai câu rồi! Ngài trả lời đơn giản mà lại sát nghĩa. Nếu cứ giải La Hán là vô sanh, vô sanh là không sanh không diệt, giải một hồi là sanh quá rồi! Một vị tăng khác hỏi Thiền sư  Hưu Phục rằng: “- Chỗ tĩnh yếu xin thầy một lời!” Tĩnh yếu là chỗ tóm tắt ngắn gọn nhất, xin một lời, thì nói sao đây? Sư đáp: “- Kính chào!”. Hỏi chỗ tóm gọn mà ngắn nhất thì Sư nói “Kính chào” vậy thôi, thì chỗ đó còn nói gì nữa? Chính mình tự nhận là xong, nói ra thì nó thành ngôn ngữ, là có nhiều rồi! Như vậy để thấy chỗ chân thật đó là phải chính mình tự cảm nhận lấy, chứ không thể tìm nơi ngôn ngữ, ngôn ngữ văn tự chẳng qua là những phương tiện của Chư  Phật, Chư  Tổ để phá tình chấp mê lầm của mình vậy thôi. Song nói như vậy cũng không phải một bề im lặng. Nhiều người nghe vậy, liền nghĩ: “không thể nói gì hết thì im lặng”, nhưng im lặng cũng mắc kẹt luôn. Một bên thì mắc kẹt nói năng, một bên thì chấp về im lặng, cũng nằm trong đối đãi. Bởi im lặng thì gặp mấy vị không hiểu rõ, cũng im lặng luôn, làm sao phân biệt được thiệt giả? Cho nên người thật thông suốt thì nói mà không kẹt lời, kẹt văn tự, mới là thứ thiệt, như các vị thiền sư cũng nói vậy, nhưng mà không kẹt trong ngôn ngữ đó mới là khéo nói; và như vậy người nghe phải nghe thế nào? Cũng phải khéo nghe, tức là nghe chỗ ngoài lời, thì mới thông cảm nhau. Bởi vậy thường trong nhà thiền hay tán thán câu sống, nếu nói ra một lời mà làm dễ hiểu thì trong nhà thiền gọi là “tử ngữ”, là câu chết, vì hiểu rồi cứ tưởng là đủ, nhưng sự thật cái đó là mình mới hiểu cái hiểu của người khác thôi, chứ không phải là cái hiểu của chính mình; còn ở đây là các Ngài muốn khiến cho mình chết đi cái tâm phân biệt đó, để sống dậy tâm vô phân biệt của mình, chỗ đó mới là sống thực. Do đó Ngài Động Sơn một hôm thiết trai cúng dường Ngài Vân Nham, thì có vị tăng hỏi:

- Hòa thượng trước kia gặp Ngài Nam Tuyền tìm được manh mối, vì sao bây giờ lại thiết trai cúng Ngài Vân Nham?

Động Sơn bảo:

- Ta chẳng trọng tiên sư đạo đức, cũng chẳng vì Phật pháp, chỉ trọng chẳng vì ta nói phá”.

Chẳng vì Sư nói phá là sao? Là những chỗ mà Sư không hiểu, Sư thắc mắc, Sư thưa hỏi đó, nhưng Ngài Vân Nham không có nói phá để cho Sư  hiểu, mà dành cho Sư tự phát minh ra, thì như vậy mới chính thực cái của Sư, cho nên Sư trọng là trọng chỗ đó! Chính đó mới là chỗ sống thực. Vì vậy ở đây khi nói đến chỗ này, Phật nói rõ: “Nếu bảo Như Lai có pháp để nói, tức là chê bai Phật chẳng hiểu được pháp của ta nói”, phải hiểu được, thấy được cái “ý ngoài lời” kia, chứ cho Như Lai có pháp để nói như vậy, thành ra là pháp sanh diệt rồi, nên gọi chê bai Phật. Phật lại nhấn mạnh: “nói pháp đó, là không có pháp để nói” chính chỗ này trong Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, Thiền Sư Huệ Hải có dẫn đoạn Kinh Kim Cang nói: “Không pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp”, nghĩa đó thế nào? Vì thể của Bát nhã là cứu cánh thanh tịnh, đó là “Không pháp có thể nói”. Ngay trong cái thể không tịch của Bát nhã đó, nó đầy đủ mọi diệu dụng như hằng sa, không có việc gì mà chẳng biết, “Đó gọi là nói pháp”. Cho nên nói: “Không pháp có thể nói, đó là nói  pháp”. Nghĩa là chỗ không pháp để nói đó, là chỉ cho thể của Bát nhã, thể Bát nhã đó là cứu cánh thanh tịnh, cho nên không thể dùng ngôn ngữ để nói đến chỗ đó. Nhưng ở trong cái thể đó, nó đầy đủ diệu dụng như hằng sa, tức là ứng dụng ra thì không có gì chẳng biết, cho nên nói hết, nói đủ mà không rời tự tánh, đó mới thật là nói pháp. Đây cũng là một kinh nghiệm cảnh tỉnh, đánh thức cho người, nhất là những người nói pháp! Nói pháp là như vậy đó, phải từ trong thể Bát nhã cứu cánh thanh tịnh ứng dụng ra tất cả thì mới là chân thật nói pháp. Thường người nói pháp hay mắc kẹt cái bệnh gì? nghĩ rằng “Mình nói pháp là phải nói cho người ta nghe”, Do đó nếu nói pháp hay hay một chút, được một số người nghe, liền sanh tâm nói pháp, phải không? Ở đây là không cho “sanh tâm nói pháp”, bởi nói hay hay, được một số người nghe, liền thấy ta là một pháp sư, ta nói pháp cho người đó, tức cái kiêu khí nổi lên, thành ra rơi vào tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả rồi! Kẹt bốn tướng rồi! Như vậy đoạn này là một đoạn phá cái niệm vi tế nơi mình, ở phần trước cũng nói phá về tướng nói pháp, như nói “Như Lai nói pháp là không pháp có thể nói, không pháp có thể được”, tức là phá trên cái tướng pháp, nhưng đến đây là phá cái “kiến chấp” về nói pháp, tức là cái niệm nói pháp đó, nó còn đọng lại nơi nội tâm của mình, thành ra nó vi tế hơn. Được vậy mới là sạch trọi trơn, rỗng rang tự tại. Song đây là phần rất vi tế, phải là người thật sự có công phu tu hành đàng hoàng mới có thể thấy được, và phá được, chứ không thể nói suông. Do đó từ phần này về sau gọi là phần tu chứng, còn phần trước gọi là khai giải, khai ngộ, để chỉ ra cái lý thật cho mình. Vậy là đoạn này phá cái niệm vi tế về nói pháp đã xong.

Tiếp theo phá đến người nghe. Ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật:“- Bạch đức Thế Tôn! Có chúng sanh nào ở đời vị lai nghe nói pháp như thế mà sanh lòng tin chăng?” Đọc tới chỗ này thì chúng ta thấy có cái gì lạ không? Chú ý hai chữ “Huệ Mạng”! Từ trước thường gọi là trưởng lão, đến đây bất ngờ gọi là Huệ Mạng Tu Bồ Đề, thì có gì đặc biệt ở trong đó? Bởi vì đoạn này là một đoạn trong bản Đời Tần Ngài Cưu Ma La Thập dịch thì không có, nhưng sau này qua đời Đường mới bổ túc vào, do lấy từ bản khác bổ túc nên cũng là nghĩa Trưởng Lão, nhưng có chỗ dịch là Huệ Mạng, có chỗ dịch là Cụ Thọ. Trưởng Lão hoặc là Huệ Mạng, hoặc là Cụ Thọ đều chỉ cho các bậc tuổi cao đức trọng, được tôn kính ở trong chúng. Gọi Huệ mạng cũng là nghĩa lấy trí tuệ làm mạng sống, chứ không phải như thế gian, lấy cái thân này làm mạng sống. Ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề hỏi: “- Bạch Thế Tôn, có chúng sanh nào ở đời vị lai nghe nói pháp như thế mà sanh lòng tin chăng?” Qua câu hỏi này, chúng ta thấy Ngài đã mắc kẹt gì chưa? Đây cho thấy, Ngài còn có cái thấy vi tế sanh diệt chưa quên! Ở trước đã ngộ pháp thân nó vượt ngoài ngôn thuyết, không thể nói năng đến được, mà bây giờ còn thấy thật có chúng sanh đời sau nữa, như vậy chỗ ngộ của mình nó chưa có tròn, chưa triệt phải không? Đó là lý do cho thấy, còn phải thêm một bước nữa! Tức là tu chứng cho nó rốt ráo, nó sâu xa hơn nữa, chứ không phải thấy như vậy là ổn, là xong.

Do đó hãy chú ý!

“Phật bảo:

- Này Tu Bồ Đề! Họ chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Tại sao? Tu Bồ Đề! Chúng sanh chúng sanh đó, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh”.

Tuy chúng sanh, nhưng vốn tự tánh là tịch diệt niết bàn, chúng sanh cũng vốn đầy đủ Phật tánh đầy đủ thường trụ không mất, thì sao gọi là chúng sanh nữa? Gọi chúng sanh là chưa thấy được tự tánh chúng sanh vốn lặng lẽ. Tuy nhiên như vậy, tự tánh chúng sanh vốn là tịch diệt niết bàn, vốn là bất sanh bất diệt, nhưng do điên đảo vọng tưởng mà quên mình theo vật, mới trôi lăn trong sinh tử, nên “Chẳng phải chẳng chúng sanh.” Do đó Phật nói rõ, “họ chẳng phải chúng sanh, cũng chẳng phải chẳng chúng sanh.” Chẳng phải chúng sanh là bởi vì sao? Vì họ vốn tự tánh là niết bàn rồi, vốn là lặng lẽ đầy đủ Phật tánh thường trụ không thiếu; nhưng bây giờ do điên đảo vọng tưởng còn nguyên, nên cũng không thể không gọi là chúng sanh. Chỉ người nào thấu suốt được lẽ thật, thì dù ở ngay trong sanh tử mà chưa từng rời tự tánh bất sanh, chưa từng rời một niệm hiện tiền thì không mắc kẹt trên danh từ chúng sanh. Như vậy xét cho cùng tột chúng sanh là sao? Có thật không? Tướng chúng sanh là một giả tướng, chúng sanh cũng là giả chúng sanh thôi, tạm lập trong một thời điểm còn mê, song không có một cái thể chúng sanh cố định thật là chúng sanh, vậy bảo ai là người tin hay chẳng tin? Nên ở đây nói rằng “chúng sanh ở đời sau nghe nói pháp này mà sanh lòng tin chăng?”, thì hỏi câu đó còn mắc kẹt, thấy chỗ lầm của câu hỏi chưa? Bởi thấy như vậy là còn thấy có chúng sanh thật rồi, là “ở đời sau!” Cũng ý nghĩa này, Thiên Hoàng Đạo Ngộ có lần hỏi Tổ Thạch Đầu:

- Lìa định huệ thì lấy pháp gì để dạy người?

Ngài Thạch Đầu đáp:

- Ta trong ấy không có nô tỳ thì lìa cái gì?

Tức là trong chỗ đó, không có tôi tớ gì hết còn bảo lìa cái gì nữa. Đạo Ngộ hỏi:

- Thế nào rõ thấu được?

Ngài Thạch Đầu bảo:

- Ông chụp được hư không chăng?

Còn muốn hiểu nữa! Trong chỗ đó không có nô tỳ, không có tôi tớ, mà còn muốn hiểu chỗ đó nữa, nên Ngài Thạch Đầu hỏi “ngươi chụp được hư không chăng?” Đạo Ngộ thưa:

- Thế ấy ắt là chẳng từ ngày nay đi.

Ngài Thạch Đầu bảo:

- Chưa biết ông bao giờ từ bên này đến?

Đó là ngài gạn lại chỗ đi đến, thấy có đi đến là mắc kẹt nữa. Đạo Ngộ thưa:

- Đạo Ngộ chẳng phải người bên này.

Ngài Thạch Đầu bảo:

- Ta cũng biết chỗ ông đến.

Đạo Ngộ thưa:

- Sao ngài lại lấy tang vật để vu khống cho người?

Ngài Thạch Đầu nói:

- Chính thân ông hiện tại đây này!

Có thân người tức là có chỗ đến chứ gì? Đạo Ngộ mới thưa:

- Tuy nhiên như thế, cứu cánh làm sao chỉ dạy người sau?

Nếu không có cái này, làm sao chỉ dạy người sau đây? Thấy mắc kẹt chưa? Cho nên ngài Thạch Đầu bảo:

- Ông nói, ai là người sau?

Ngay đó Sư đại ngộ. Hiểu được chỗ này, liền thấy ý trên. Còn thấy có người sau để chỉ dạy, tức còn có chỗ bám, còn thấy người bên này, người bên kia, là còn thấy hai bên, phải không? Rồi thấy người nay, người sau nữa cũng mắc kẹt trong thời gian. Đây là dấu vết của tâm sở đắc vẫn còn nguyên chưa quên, tức là thấy có mình được, có người sau chưa được, cho nên mình mới dạy người sau. Vậy là cái thấy sanh diệt vi tế nó còn đọng lại trong này. Do đó đã lầm nghĩa: tất cả chúng sanh vốn đầy đủ Phật tánh, Phật từng nói rõ, mà còn hỏi là “Chúng sanh đời vị lai có ai tin được chăng?” hỏi như vậy là còn thầm nghi ngờ, họ không có đủ Phật tánh hay sao? Ai cũng có đầy đủ Phật tánh hết, thì sao lại không có thể tin, mà ngờ là có thể tin hay không? Đây còn có cái niệm nghi ngờ là họ chưa đủ Phật tánh! Vậy là cái thấy chưa thấu suốt, điểm này rất tinh tế. Trong đây tiến thêm một bước nữa, nếu mình tỏ suốt được ba thời: quá khứ - hiện tại - vị lai, ngay trong một niệm thôi, thì còn chỗ nào mà có nay, có sau? Còn thấy có nay, có sau, là còn mắc kẹt trong thời gian; nếu rõ được ba thời ngay trong một niệm, liền quên bặt ý niệm về thời gian “nay sau”, tức thấy chính nơi đây là chân thật. Như vậy, còn thấy có người sau là còn kẹt không gian, thấy có nay sau là mắc kẹt thời gian; tức còn nằm trong hai bên không gian- thời gian. Tiếp Phật bảo: “Tại sao? Chúng sanh, chúng sanh đó, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh”. Vừa nói đến tên chúng sanh, Phật phá liền. Bởi vì, chúng sanh chỉ là cái tên gọi, tạm thời trong lúc mê, nếu giác ngộ thì đâu còn gọi là chúng sanh nữa. Bởi chúng sanh vốn không có thực thể cố định là chúng sanh; nếu mình thấy còn có cái thực thể cố định là chúng sanh, có một cái đối lại chúng sanh là Phật, có cái Phật đối với chúng sanh, như vậy là hai cái riêng, đó là còn cái thấy đối đãi, vẫn chưa rời thức phân biệt. Do đó trong kinh Duy Ma Cật Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật, Bồ Tát mới hỏi: “Bồ Tát quán chúng sanh, phải quán như thế nào?” Ông đáp: “Cũng ví như một nhà ảo thuật nhìn thấy người ảo hóa do mình hóa ra, Bồ tát quán chúng sanh cũng như vậy”. Nghĩa là, không có một cái thực thể của chúng sanh, chẳng qua là: Một cái bóng dáng, một cái ảo hóa vậy thôi, còn cái thực thể thì vốn không có chúng sanh hay là Phật. Phật hay chúng sanh là hai cái tên, còn thực thể chân thật đó vốn là không hai. Nếu thấy có cái thực thể chúng sanh thiệt, thì muốn thành Phật phải làm sao? Phải bỏ cái này, nhưng làm sao bỏ? Cho nên thấy như vậy, đó là cái chướng ngại. Kinh Niết bàn phẩm Sư tử rống, Phật cũng dạy “hễ ai có tâm thì nhất định sẽ được vô thượng chánh đẳng chánh giác, do vì nghĩa này ta thường nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Như vậy thì có ai không thể thành Phật? Ai không có tâm? mà có tâm tức là có Phật tánh, có Phật tánh thì đều có thể thành Phật, chỉ là mình chưa chịu làm thôi. Bởi vì Phật tánh là gì? Phật tánh tức là tánh giác chứ gì, mà ai có tâm cũng đều có biết, có biết tức là có giác; nhưng vì mình hiện biết là biết theo mê, nếu biết chuyển lại thì “biết” thành “giác”. Đơn giản, cũng một cái biết này mà biết theo phân biệt phải quấy hơn thua là “biết mê”, biết theo duyên, theo cảnh. Thay vì biết như vậy, chuyển lại, biết tất cả mà không mắc kẹt trên những duyên, trên những cảnh, tức là “biết giác”, đâu rời cái biết hiện tiền đây! Do đó ai cũng có thể giác, ai cũng có thể làm Phật hết. Vậy chúng sanh nằm ở chỗ nào? Rõ ràng chúng sanh - Phật là hai danh từ tạm lập chứ không phải có thực thể. Đây là phá cái niệm về nói pháp, và cái niệm về người nghe pháp, là chúng sanh, khiến trong lòng rỗng rang không còn mắc kẹt trên thuyết sở thuyết.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1192473
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
724
4486
16990
1147600
77476
118095
1192473