CHÁNH VĂN:
19. HÓA THÔNG CẢ PHÁP GIỚI
- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy cả thế giới tam thiên đại thiên dùng bố thí, người ấy do nhân duyên đó, được phước nhiều chăng?
- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Người này do nhân duyên đó được phước rất nhiều.
- Này Tu Bồ Đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều. Do phước đức không nên Như Lai nói được phước đức nhiều.
GIẢNG:
Đây là phần hóa thông cả pháp giới, tức là biến thông, là trùm khắp tất cả các cảnh giới không có bờ mé, không có giới hạn, hay tan biến mọi cảnh giới, là chỗ giới hạn, ngăn che. Qua đoạn này, chúng ta thấy nó có trùng lập với phần so sánh phước đức ở trước chăng? Đây nói có người đem bảy báu đầy cả thế giới tam thiên đại thiên dùng bố thí, người do nhân duyên đó được phước nhiều chăng? Như vậy có phải là lập lại để so sánh phước bố thí với phước trì kinh một lần nữa hay không? Cho nên phần này phải đọc kỹ, chứ không thì thấy sao cứ so sánh hoài vậy?
Vì ở phần thứ tư, Phật so sánh, nói rằng: “- Như hư không ở phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc, ở trên, dưới không có thể lường được, Bồ Tát không có trụ tướng mà bố thí thì phước cũng như thế.” Rồi tới phần thứ 11, Phật so sánh: “Đem bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên bằng số cát của những sông Hằng bố thí, cũng không bằng phước của người đối trong kinh này thọ trì cho đến bốn câu kệ thôi, phước thọ trì bốn câu kệ còn hơn cả phước đem bảy báu đầy thế giới tam thiên đại thiên nhiều vô số.” Rồi phần thứ 13, cũng so sánh nữa, so sánh “người thiện nam, thiện nữ đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí, so với người thọ trì bốn câu kệ kinh này, vì người khác mà nói, phước này cũng nhiều hơn.”
Tới phần thứ 15, cũng so sánh nữa, so sánh lên thêm một từng nữa là, “đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng bố thí buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, trải qua thời gian dài, cũng không bằng người nghe kinh này, lòng tin chẳng nghịch, rồi biên chép, thọ trì, đọc tụng nữa thì phước này còn hơn phước kia.” Đó so sánh từng lớp từng lớp tiến lên, nhưng đến đây lại có ý gì khác? Ở đây không phải là so sánh phước bố thí với phước trì kinh nhắc ở trên nữa, mà chính là nói đến cái diệu dụng không thể nghĩ bàn của người thông đạt được các pháp vô ngã, làm được việc trên đây. Cho nên phải chú ý, trong đây không có nói là phước bố thí của những người đó đối với người thọ trì kinh này nhiều hơn, mà Phật nói rõ: người ấy “do nhân duyên” đó được phước nhiều không? Ngài Tu Bồ Đề đáp: “- Đúng vậy, người này “do nhân duyên” đó được phước rất nhiều.” Nhân duyên đó, là nhân duyên gì? Đó là chỗ đặc biệt phải chú ý! Không so sánh trì kinh, mà nói là do nhân duyên đó, thì đây chữ “nhân duyên” là trọng điểm, chúng ta phải thấu triệt chỗ đó. Nhân duyên, là chỉ cho tất cả những pháp có hiện ra ở trên thế gian này đều không ngoài nhân duyên, không có gì là ngẫu nhiên. Nhân duyên có khi nói gồm chung, như nói nhân, cũng gồm duyên ở trong đó; bởi vì nhân là chỉ cho cái nhân gần, nhân gốc, còn duyên chỉ cho cái nhân phụ, cái nhân xa. Thí dụ như hạt cam gọi là nhân, con người, phân, nước, ánh sáng mặt trời, là cái duyên để tạo cho hạt cam đó nảy mầm nó sanh trưởng, thì đó gọi là duyên. Thành ra nói nhân duyên thì gồm cả nhân chính và nhân phụ trong đó, như vậy chúng ta phải xét kỹ mọi vật ở trên thế gian có gì vượt ngoài nhân duyên? Đều nằm trong nhân duyên hết. Mình sanh ra đây cũng là nhân duyên, tức do nghiệp thức đã huân tập từ đời trước mê lầm, rồi tạo những cái nghiệp mà dẫn đi sanh, gặp duyên cha mẹ mà ra đời, thì cũng là nhân duyên. Ngay cả những hoạt động trong tâm mình đó, tuy là nó không có rõ ràng nhưng nó không ngoài nhân duyên: một tâm mà sanh ra thì nó không thể ngẩu nhiên mà sanh, tức có cái nhân, là tâm bất giác; lấy tâm bất giác làm nhân, rồi duyên căn duyên trần nó được khởi phát chứ không có cái nào tự nhiên mà sanh hết. Mọi người xét cho kỹ, có cái tâm nào không duyên mà khởi chăng? Có nhân, có duyên tức là nó không có tự tánh, không có tánh cố định sẵn có; phải đợi nhân, đợi duyên tức là nó tạm bợ không thật. Như vậy đoạn này là nương theo từ đoạn trước mà nói ra, đoạn trước đã nói về tam tâm chẳng thể được; tức là tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai cũng chẳng thể được, ba tâm đều không thể được hết, e rằng có người sẽ nghi ngờ, như vậy có tu hành, có làm phước hay không? Vì vậy có người sẽ nhận lầm, thành rơi vào càn tuệ, càn tuệ tức là trí tuệ khô khan. Nghĩa là ba tâm đều không được, thì cần phải làm gì nữa? không có tâm nào thật hết thì lấy tâm gì để làm? Chấp vào cái lý đó rồi buông xuôi không làm gì cả. Do đó, ở đây Phật nói, chính do cái nhân duyên đó mà làm, thì mới được cái phước đức rất là nhiều, nhân duyên đó là gì? Tức do cái “tâm rõ thấu ba tâm không thể được” đó, nhân tâm đó mà làm việc bố thí, thì cái bố thí đó không thể nghĩ bàn! Nếu đem cái tâm có thể được đó mà làm bố thí thì nó có giới hạn, bố thí đó còn có trụ tướng, còn có chấp trước, hay nói rõ hơn là còn có cái ngã trong đó, tức còn có nghĩ bàn. Cho nên đây muốn nói lên, ở trong pháp vô ngã đó mà thông suốt được lý vi diệu, được mà không chỗ được, phước mà không có tướng phước thì mới là cái được rộng lớn, mới là cái phước vô cùng. Nghĩa là từ trong pháp vô ngã đó thông suốt được lý vi diệu gọi là được mà không được, phước mà không có tướng phước, chính ngay tâm thông suốt đó, mà làm tất cả, vượt qua mọi cảnh giới, gọi là hoá thông cả pháp giới không có giới hạn, thì việc làm mới là rộng lớn không có ngằn mé. Do đó Phật hỏi như vậy, thì Ngài Tu Bồ Đề hiểu ý ngay nên Ngài đáp liền: “Đúng thế”. Đúng thế, là đúng như cái lý thật đó, do nhân duyên đó mà được phước nhiều. Nhân duyên là gì? Nhân là cái tâm thể nhận ba tâm không thể được đó. Duyên là đem bảy báu bố thí đó, chính nhân duyên như vậy mới được phước nhiều vô lượng. Bố thí như vậy là bố thí thế nào? Đó là muốn nói lên bố thí mà xả các tâm ba thời, không có trụ vào một cái nào hết, bố thí với một cái tâm buông xả hết. Bởi vậy Ngài Hoàng Bá có nói: “- Bồ Tát tâm cũng như hư không, tất cả đều xả, tâm quá khứ không thể được, thì xả quá khứ, tâm hiện tại không thể được thì xả hiện tại, tâm vị lai không thể được thì xả vị lai, cho nên nói ba thời đều xả.” Nghĩa là xả hết ba tâm không có chỗ nào để bám, không có chỗ nào để trụ trước vào, tâm mới thênh thang như hư không, dùng cái tâm thênh thang đó mà làm việc phước lành thì công đức mới được vô lượng. Cho nên chúng ta phải xả tất cả không còn chỗ nào để bám hết, như vậy đó là đạt đến cái tâm thể thênh thang, nó rộng lớn, không có ngằn mé, cũng không có cái ngã tướng trong đó, đây mới gọi là hóa thông tất cả mọi cảnh giới, nghĩa là không có một cảnh giới nào ngăn ngại hết. Do đó mới nói là được phước rất nhiều, phước rất nhiều là như vậy. Ở đây nói phước nhiều đó, là để thấy rằng không phải việc làm đó là rỗng suông vô ích, không phải nói rằng ba tâm không được rồi mọi việc làm đều rỗng thôi, không có được gì. Nhưng nói nhân duyên, để thấy rằng đó là nhân duyên thì không thể chấp là thật có được, cũng không chấp vào thật không, không thể đem tâm bám chặt vào trong tướng bố thí đó hay là tướng phước đức đó, thì không có mắc kẹt có và không. Như vậy chính cái nhân duyên đó, mới tương xứng với cái tâm rộng lớn, thì cái phước nó mới được rộng lớn. Do đó Ngài Tu Bồ Đề đáp: “Đúng thế người này do nhân duyên đó được phước rất nhiều”. Kế Phật dạy thêm: “Nếu phước đức mà có thật đó thì Như Lai chẳng nói là phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai mới nói phước đức nhiều”. Nếu thấy có phước đức thật thì sao? Thật, tức là nó cố định rồi, thật có tướng rồi, tức là có chỗ để tâm chấp trước, là có chỗ bám, mà có chỗ bám tức có giới hạn, có nhiều, có ít, có đối đãi nhau, thì chưa phải là chỗ thật nhiều. Ở đây nói phước đức không, tức là không có chỗ để bám víu, không có chỗ chấp trước, không có chỗ thật để được, đó là nói lên cái phước đức mình sống trở về tự tánh, mà phước đức sống về tự tánh thì đâu có giới hạn, đâu còn có được, mất mới thật là nhiều; trái lại có thật thì có số lượng, cái phước đức có thật thì dù nhiều như núi nhưng nó có số lượng, là có tướng bám trụ, tức nó bị bó buộc trong một giới hạn nào đó, không có thể rộng lớn thênh thang được, và như vậy nó còn mang cái ngã tướng trong đó. Cho nên ở đây nói phước đức mà có thật đó, thì Như Lai nói không có nhiều. Thêm nữa, vì nó có thật thì có tham cầu, thấy phước đức thật thì dễ sanh tâm tham cầu, mà sanh tâm tham cầu thì trái với nghĩa Như rồi, trái với tự tánh rồi, cho nên ở đây, Ngài muốn đưa chúng ta sống về với tâm rộng lớn thênh thang, vượt ngoài có, không, vượt ngoài số lượng, giới hạn, đó mới thật là phước đức không thể nghĩ bàn. Tóm lại, đoạn này là để nhấn mạnh cho người hiểu thấu suốt, phải lấy tâm vô sở đắc đó mà làm tất cả, làm tất cả với cái tâm vô sở đắc, không có thấy chỗ được nào hết, thì cái quả mới không thể lường được; làm mà còn mong muốn có chỗ để được, thì làm đó còn mang một cái ngã tướng trong này, ắt cái quả cũng hạn hẹp.Vì vậy phần này nó sâu hơn một từng là vậy. Ở phần trước là nói lên cái bố thí mà không trụ nơi sáu trần, tức bố thí mà không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó là khiến cho chúng ta không trụ vào cảnh giới bên ngoài; ở đây bố thí chẳng có trụ nơi tướng của nội tâm nữa. Nghĩa là ba tâm đều xả hết, không có trụ nơi tướng nội tâm của mình nữa, như vậy trong, ngoài đều không có trụ, không có dính hết, đó mới là thông suốt trùm khắp cả pháp giới, đó mới là thênh thang rộng lớn! Hiểu như vậy, thì quý vị mới thấy ý nghĩa nó sâu xa của từng đoạn, từng đoạn, chứ nếu đọc sơ qua thì thấy Phật sao cứ so sánh tới so sánh lui hoài. Như vậy là thấy rõ từng lớp từng lớp đi sâu hơn.